Tuesday, February 11, 2020

Công Trình Giáo Dục Của Phật Giáo Tại Mỹ

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh

Công Trình Giáo Dục Của Phật Giáo Tại Mỹ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch hiện tiền chư Tôn Đức Tăng Ni.
Kính thưa quý Đồng hương, Phật tử.
Chúng con rất cảm ơn chư Tôn Đức Tăng Ni đã cho phép chúng con đóng góp một vài suy nghĩ rất hạn hẹp của mình đến công trình giáo dục của đạo Phật tại Mỹ.
I. Bản chất công trình giáo dục của đạo Phật.
Chúng ta đều biết, giáo dục là công trình quan trọng hàng đầu cho mọi nền phát triển của xã hội văn minh. Giáo dục xây dựng tính nhân văn cho một quốc gia và làm thành nhân cách sống con người cao quý, thiện lành, đẹp đẽ và hạnh phúc cho từng cá nhân trên hành tinh này. Đạo phật đã có một bề dầy 26 thế kỷ của công trình giáo dục, tạo thành mảng văn hóa lớn cống hiến cho xã hội loài người từ quá khứ đến hiện tại. Nền tảng giáo dục của đạo Phật xưa cũng rất xưa, nhưng mới cũng rất mới do đặc tính khai phóng, nhân văn, nâng cao trí tuệ, lòng thương yêu và tự do con người lên đến tuyệt đỉnh; trên nền tảng nhân bản – lấy con người làm bản vị – mà không hề đặt thân phận con người vào bàn tay của đấng Thần linh nào từ bên trên áp đặt. Thế nên, xã hội càng văn minh, nhu cầu hiểu biết và hạnh phúc con người càng cao, thì càng nhận ra đạo Phật mở cho họ nhiều cánh cửa hiểu biết, nhiều phương pháp thực tập đầy trí tuệ để thành tựu phẩm chất đời sống tự thân và cộng đồng. Đây là sắc thái đặc thù chưa tìm thấy nơi dòng chảy tâm linh nào ngoài đạo Phật.
Trong quá khứ, từ nguồn chảy ban đầu trên đất Ấn, đức Thế Tôn đã không chấp nhận một tôn giáo cuồng tín nơi vị giáo chủ, một nền giáo dục đạo Phật nhồi sọ niềm tin và phương pháp tu tập ỷ lại thần linh, phó thác đời mình vào tay người khác. Những phương pháp van xin, cầu khấn, trốn chạy bốn chân lý hiện thực giữa đời sống chưa từng có trong lời dạy của Ngài. Tuy nhiên, khi dòng chảy xa nguồn, đi qua các vùng văn hóa khác biệt, các bậc Thánh Tăng truyền bá chánh pháp đã ít nhiều mở ra những cánh cửa phương tiện để pháp hành của Phật đến được với người bản địa. Thế nên, có những hình thái sinh hoạt của đạo Phật hiện tại không hề là đạo Phật nguyên chất ban đầu. Sự thuận lợi của công trình phổ biến Pháp tuy có giúp người tiếp nhận Giáo Pháp rất dễ, nhưng đồng cũng thời tạo thành những nhánh chùm gởi, bám chặt vào thân cây hút cạn nhựa sống của đạo Phật nguyên sơ, đã làm cho bao người bỡ ngỡ khi nhìn vào hình thức sinh hoạt của Phật giáo hiện tại. Thiệt thòi hơn nữa, người tu chúng ta lại nhận lầm những nhánh chùm gởi chính là đạo Phật. Đây là một sai lầm to lớn không riêng gì đạo Phật Việt Nam mà chung cho người Phật tử Nam Bắc truyền Phật giáo.
Đất nước chúng ta đã tiếp nhận đạo Phật từ Ấn Độ đi ngang qua các vùng văn minh Trung Á, Hoa Hạ, Tây Tạng nhuộm đầy bản sắc và tập tục của các địa phương đạo Phật từng phát triển. Cộng thêm gần 2,000 năm gắn liền với niềm tin đa thần của dân tộc Việt, nên trở thành một gia tài cồng kềnh trên vai Tăng, Ni và Phật tử khó bề gỡ xuống. Càng khó hơn nữa là thay đổi não trạng ta đang tu học theo Phật giáo Đại thừa. Do vậy, để có thể thay đổi chính mình, đổi thay sinh hoạt đạo Phật, để sống còn và hành Đạo được trên đất Mỹ, không thể có con đường nào khác ngoài con đường giáo dục.
II. Hiện tình đạo Phật tại Hoa Kỳ.
Chúng ta – Tăng, Ni và Phật tử Việt – đã có mặt nơi đây khi lịch sử đất nước sang trang sau 1975 và nhiều đợt người đến, sinh ra và trưởng thành cho đến hiện tại. Nhìn chung, chúng ta đã làm được bao điều kỳ vĩ. Thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt rất thành công trên miền đất Hứa. Các bậc Thầy có mặt từ trước đã xây dựng được cơ sở tự viện, duy trì được sinh hoạt tôn giáo, làm chỗ tựa tinh thần cho cộng đồng Phật tử Việt Nam. Đây là niềm tự hào rất lớn. Nhưng nhìn thật kỹ, có nhiều điều quan trọng vẫn còn mở ngõ đợi chờ. Chúng ta còn chưa làm cho đạo Phật có sức sống, đáp ứng nhu cầu tu tập cho người trẻ, nuôi dưỡng được các thế hệ tương lai trên đất Mỹ. Càng chưa mở được cánh cửa tu tập, để người bản địa đến với chúng ta. Dường như từ hình thức mái chùa đến nghi lễ tụng niệm, mũ miện nghi trang, cách thức truyền đạt Giáo pháp và văn hoá ứng xử của chúng ta đậm nét một đạo Phật hình thức rườm rà, già cỗi, cách biệt đời sống thực tiễn, chỉ có thể đáp ứng cho những người gìa Việt Nam sẵn tín tâm đã quy y tự ngày xưa. Có lẽ, tệ nạn này sẽ chảy dài mãi cho đến bao giờ chúng ta dám nhận diện những hạn chế của mình và quyết tâm thay đổi.
III. Nhu cầu giáo dục của Phật giáo Việt Nam tại Mỹ.
Một nhà xã hội học Hoa Kỳ đã bảo: “Cho dù bạn đánh sập nền kinh tế Mỹ đến tận đáy cũng không thể kéo sự phát triển khoa học và nền dân chủ nơi đây xuống thấp hơn, khi những trường đại học Mỹ vẫn sừng sững hiên ngang và luôn tỏa sáng”. Chắc hẳn rằng: đây không phải là lời tuyên bố vô căn cứ. Nước Mỹ đã dẫn dắt thế giới về mọi mặt của đời sống văn minh, do vì hệ thống giáo dục của họ từ thấp lên cao luôn sống động, mới mẻ và đi tới. Chúng ta chưa từng nghe từ ngữ “đổi mới chương trình giáo dục” của chính phủ Hoa Kỳ chỉ thị từ thời lập quốc đến hiện tại. Bởi lẽ bản chất nền giáo dục Mỹ luôn mới. Tự thân nó luôn đổi thay, thích ứng và dẫn dắt xã hội đi lên. Từ đấy, nhìn lại một dòng chảy tuệ giác được sinh ra từ đấng Giác Ngộ sống còn đến hôm nay, không chỉ đơn thuần vì đấy là chân lý mà còn do đặc tính hội nhập vào các nền văn minh, nhưng không mất phẩm chất của nội dung trí tuệ từ bi rất tinh túy. Biểu hiện và duy trì được sắc thái này, hẳn nhiên từ công trình khéo thích ứng và nền giáo dục khai phóng của đạo Phật đã luôn sóng vai cùng xã hội phát triển.
Trên nền tảng này, nhìn lại đường đi của đạo Phật Việt Nam nơi đất nước văn minh mà chúng ta hiện sống, sẽ thấy sự khập khiễng đáng thương của một hình thái Phật giáo mà chúng ta đang cố tình xây dựng nơi đất nước Hoa Kỳ. Có thể chúng ta vin vào muôn ngàn lý cớ để tự mãn, để ru ngủ và bằng lòng với sự sống còn của đạo Phật nơi đây – nhất là công trình giáo dục chung chung cho những người con Phật. Nhưng nếu quan sát đủ rộng và suy nghĩ đủ xa, chúng ta sẽ cùng chấp nhận rằng: Nếu cứ hình thức rườm rà và công trình giáo dục nặng nề của một đạo Phật mang đầy nhánh chùm gởi như sinh hoạt Phật giáo Việt Nam hiện tại, chúng ta chẳng những đánh mất mình mà mất luôn các thế hệ tương lai nhất là bội bạc với dòng tuệ giác sinh động của đức Thế Tôn đã hiến tặng cho nhân thế.
IV. Những đề xuất cho công trình giáo dục.
Cuối cùng, chúng con xin mạo muội đề xuất vài ý kiến cho công trình giáo dục Phật giáo nơi đây:
1. Nên có sự tham khảo và tiếp nhận ý kiến đủ rộng từ các bậc Thầy về nhiều lĩnh vực giáo dục trong xã hội và Phật giáo để xây dựng chân đế cho công trình giáo dục ngắn hạn và dài hạn của đạo Phật tại Mỹ.
2. Đặt trọng tâm vào đối tượng thanh thiếu niên, người trung niên trong xã hội. Khai triển những phương pháp thực tập, đáp ứng được nhu cầu đời sống rất thực của con người nơi đây.
3. Bỏ bớt những hình thức rườm rà lễ mạo, những tập tục không cần thiết, những tín ngưỡng nặng giáo điều và sùng thượng cuồng dại thành phần Tăng lữ. Hãy phục hồi một đạo Phật trong sáng, giản dị, sống động, hiện thực và hữu ích hơn từ nền tảng của giáo lý Nguyên thủy. Xây dựng lại nếp sống thanh đạm, trí tuệ và đạo hạnh của người xuất gia; sống hòa ái yêu thương, phụng sự tha nhân nhưng đầy hạnh phúc hiền minh qua pháp hành cho người cư sĩ giữa cuộc sống trần tục.
4. Tùy vào khả năng và vai trò của mỗi người con Phật có thể làm được – và ai cũng có thể làm được, là hãy thay đổi tự thân bằng công trình tự nuôi dưỡng mình từ pháp học và pháp hành thực sự nghiêm túc. Để có thể đến được với nhau bằng trái tim hòa ái tương kính và cùng hướng về tương lai, cống hiến một chút gì cho thế hệ kế tiếp. Chỉ ngần này thôi chúng ta mới mong đẩy được nền giáo dục Phật giáo tại Mỹ có được một hình hài khang kiện, tươi mới và sống động; thâm nhập vào văn hóa Mỹ để tồn tại và phát triển.
V. Kết luận.
Một đời giáo hóa của đức Thế Tôn, điều Ngài làm không mỏi mệt và di chúc cho các thế hệ người con Phật kế thừa là “giáo hóa thông”. Thần thông của đạo Phật không hề đi trên mây hay ẩn thân nơi này, hiện thân nơi nọ, mà thần thông là giáo hóa con người, tự mình chuyển hóa nghĩ suy, nói năng và hành động, để thành tựu an lạc hạnh phúc hiện tiền và chứng nghiệm giải thoát giữa cuộc sống trần thế. Thế nên, công tác giáo dục được nhiều thế hệ Phật tử đặt lên hàng đầu trong công trình hành Đạo. Có thể công trình này phải mất thời gian rất dài và cho phép bao cơ hội tái lập sau những lần lệch hướng. Thế nhưng, chúng ta hãy bắt đầu bằng con đường học thẳng vào Kinh tạng thuần chất nguyên sơ, đủ thông minh nhận ra những phần thêm thắt của các thế hệ Tăng sĩ kế thừa kiết tập. Đưa đạo Phật và người tu Phật trở về nguồn cội của pháp hành thực sự. Hẳn nhiên, khi học và thực tập sâu xa chúng ta sẽ khám phá rằng bản chất của chân lý được đức Thế Tôn khơi mở và hướng chúng ta đến giải thoát, vốn “phi thần linh và phi tôn giáo”. Bao giờ thành tựu được phẩm chất vô ngã này, chúng ta mới rời bỏ được tinh thần cục bộ, tự mãn và chấp chặc vào tông môn pháp phái, cùng nhau đẩy những việc làm chung đi xa hơn, đủ nhẫn lực hơn và chắc chắn sẽ thành công trong công trình giáo dục của đạo Phật trên đất nước Hoa Kỳ.
Cuối cùng, một lần nữa chúng con xin vô cùng biết ơn chư Tôn Đức Tăng Ni và quý đồng hương Phật tử đã lắng nghe con trình bày những suy nghĩ nông cạn của mình.
Xin chân thành tri ân các vị.
Orange County, ngày 09 tháng 04 năm 2016.
Thích Phước Tịnh

Monday, February 10, 2020

Chúng Ta Phải Làm Việc Như Thế Nào - Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện)

Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện): Chúng Ta Phải Làm Việc Như Thế Nào


Trích Tư Tưởng số 1, ngày 01-05-1970.
Chủ đề: “Chúng Ta Có Thể Làm Gì Cho Quê Hương”
“Tôi cho tất cả những gì tôi phải cho”
(I give all I have to give)
HENRY MILLER, The Wisdom of the Heart
ĐỌC LẠI VIVEKANANDA
“Đặt trọn vẹn sự chú ý vào phương tiện cũng như vào cứu cánh” đối với Vivekananda, đó là bí quyết của sự thành công. Nỗi nhọc nhằn, sự lầm lỗi lớn lao của con người là bị lôi cuốn thu hút bởi cứu cánh, lý tưởng, mục đích cao đẹp huyễn hoặc và bỏ quên những chi tiết gọi là vụn vặt. Sự thất bại phần lớn là do mình xao lãng phương tiện. Phải có sự chú ý thích ứng đối với phương tiện, đó mới là điều cần thiết. Phương tiện chính xác thì cứu cánh sẽ hiện đến. Nhân tạo quả, quả không thể thành tựu đơn phương. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Mỗi khi phương tiện đã được xác định đàng hoàng thì lý tưởng nhất định sẽ được thể hiện. Chúng ta chỉ nên bận tâm đến nguyên nhân, vì kết quả nhất định sẽ do nguyên nhân qui định. “Phương tiện là nguyên nhân: chú ý đến phương tiện mới là bí quyết vĩ đại của đời sống” (The means are the cause: attention to the means, therefore, is the great secret of life). Kinh Gita dạy chúng ta rằng phải làm việc liên tục với trọn sức lực của mình, đặt hết mọi tâm trí trong công việc mình đang làm, dù bất cứ việc gì (We also read this in the Gita and learn that we have to work, constantly work with all our power; to put our whole mind in the work, whatever it be, that we are doing), nhưng điều quan trọng nhất là không nên bị dính kẹt vào việc làm, phải “vô trước”. Làm việc say sưa, hết lòng hết mình, không bị lôi kéo bởi bất cứ cái gì khác, ngoài việc làm của mình, nhưng đồng thời phải có khả năng lìa bỏ việc làm khi cần thiết mà không thấy ái ngại. Làm thì làm hết mình, đặt hết mọi tâm lực vào việc làm, nhưng nếu cần thì có thể bỏ việc làm mà không bị ràng buộc vào việc làm ấy. Nỗi đau khổ lớn lao nhất của con người là ở điểm này: mình đổ hết tất cả năng lực của mình vào việc làm gì đó và có thể việc làm ấy đi đến chỗ đổ vỡ, thế mà mình vẫn không thể bỏ phứt đi được. Dù việc ấy tác hại mình, tạo khổ đau cho mình, mà dứt nó đi thì mình vẫn không làm nổi. Vivekananda ví tình cảnh ấy như một con ong hút mật ngọt, nhưng khi bị dính vào lọ mật, lại không thể rút đi. Tất cả bí mật của đời sống là ở chỗ ấy. Đi tìm tình yêu, đi tìm chất ngon ngọt của tình yêu và lúc bị sa chân dính bẫy vào nỗi cay đắng của tình yêu thì lại không có khả năng rút chân đi, rồi lại phải chịu chết dần chết mòn trong sự bất lực. “Chúng ta bị vướng kẹt, dù chúng ta tìm đến để bắt lấy. Chúng ta tìm đến để thụ hưởng nhưng rồi lại bị thụ hưởng. Chúng ta tìm đến để thống trị nhưng rồi lại bị thống trị. Chúng ta tìm đến để làm việc nhưng rồi lại bị sai sử” (We are caught, though we came to catch. We came to enjoy; we are being enjoyed. We came to rule; we are being ruled. We came to work ; we are being worked). Đó là thảm kịch của suốt đời mình. Chúng ta cố gắng tác động đến tâm thức của kẻ khác, nhưng thực ra chúng ta lại bị tâm thức kẻ khác tác động. Năng biến thành sở, chủ nhân ông chính là nạn nhân của kẻ mà mình tự nhận là chủ. Giống như người đàn ông yêu người đàn bà, cai trị, làm chủ, thống trị đàn bà, tưởng rằng mình kéo mũi đàn bà, nhưng một cách tế nhị, chính người đàn ông anh hùng kia chỉ là nạn nhân vô ý thức của kẻ mà mình tưởng là nô lệ của mình. Chủ chỉ là nạn nhân của nô lệ. “Chúng ta muốn tận hưởng những hoan lạc của đời sống; nhưng chính những hoan lạc ấy lại ăn mòn tàn phá tâm não chúng ta. Chúng ta muốn ôm lấy rút tỉa mọi sự từ thiên nhiên, nhưng rồi thì chúng ta mới sực thấy rằng rút cục thiên nhiên lấy mất tất cả mọi sự trong ta — khánh tận chúng ta và quăng ném chúng ta ra ngoài lề” (We want to enjoy the pleasures of life; and they eat into our vitals. We want to get everything from nature, but we find in the long run that nature takes everything from us — depletes us, and casts us aside). Giống như dự thế của khoa học cơ khí ở thế kỷ hai mươi, con người hiện đại muốn khai thác thống trị thiên nhiên, nhưng sau cùng chính thiên nhiên lại quăng ném con người vào hố thẳm. Nhưng dù gì đi nữa thì mọi sự không hẳn là tuyệt vọng, nếu con người còn có khả năng thoát ra ngoài sự chấp trước: không bị vướng mắc dính kẹt. Tai nạn lớn nhất của con người là bị dính keo, mắc lưới: đeo dính vào một cái gì đó là bị mắc vào đó, trói buộc vào đó. Vivekananda nhắc lại đạo lý của kinh Gita: Làm việc thường trực liên tục bền bỉ; làm việc mà không bị trước nhiễm bởi công việc, không bị vướng kẹt (Work constantly; work, but be not attached; be not caught).
Phải luôn luôn sống với tâm thức đoạn tuyệt, làm mọi việc với tâm thức của kẻ biệt ly, của kẻ lên đường. Đoạn cuối bài sầu ca ở lâu đài Duino (sầu ca thứ tám), Rilke viết “dù làm gì đi nữa vẫn luôn giữ lại phong thái cùa kẻ sắp lên đường?… như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt.” Vivekananda “Hãy giữ khả năng đoạn tuyệt mỗi khi nào mình muốn thế”. Dù có yêu say đi nữa, dù xa lìa là đau khổ, nhưng vẫn có thể dứt khoát được mỗi khi mình muốn thế. Tất cả đạo lý của Vivekananda nằm trong một chữ duy nhất: STRENGTH (sức mạnh). Sức mạnh là cảm thức tuyệt vời của đời sống vĩnh cửu vạn đại; chỉ có nỗi khổ duy nhất là sự yếu đuối, yếu đuối là chết: những kẻ yếu đuối không có chân đứng ở đời sống này. Sự yếu đuối là tội lỗi lớn nhất của con người; mọi sự nô lệ, mọi sự thống khổ tinh thần và thể xác đều thoát thai từ sự yếu đuối, “có hàng trăm ngàn vi trùng vây bọc chúng ta, nhưng chúng không thể tác hại chúng ta, chỉ trừ khi nào chúng ta trở nên yếu đuối để cho cơ thể sẵn sàng nhận lấy chúng. Có thể có đến một triệu vi trùng của nỗi khổ đau đang trôi nổi chung quanh chúng ta. Nhưng không hề gì! Chúng không dám đến gần chúng ta đâu và chúng không có sức để chụp vồ ghì lấy chúng ta đâu, chỉ trừ ra khi nào tâm thức bị sa sút yếu đuối. Đây là sự thực vĩ đại của đời sống: sức mạnh là sống, yếu đuối là chết” (There are hundreds of thousands of microbes surrounding us, but they cannot harm us unless we become weak, until the body is ready and predisposed to receive them. There may be a million microbes of misery, floating about us. Never mind! They dare not approach us, they have no power to get a hold on us, until the mind is weakened. This is the great fact: strength is life, weakness is death). Ngay đến sự sa lầy, chìm đắm, trói buộc, thắt cột, trước nhiễm, chúng ta cũng không sợ những thứ ấy. Nếu cần đeo ghì một cái gì đó thì cứ đeo ghì trọn vẹn với tất cả tâm hồn thể xác, nhưng khi cần bỏ thì cứ bỏ một cách nhẹ nhàng, như không có gì xảy ra cả. Khi yêu thì cứ yêu cho bay nhà bay cửa, nhưng lúc cần tuyệt tình thì cứ bỏ đi và không cần ngó lại. Con người yêu đời nhất, say hưởng đời sống nhất, là con người có khả năng đeo dính chấp trước nặng nề, nhưng đồng thời cũng có khả năng tự giải vây cho mình bất cứ vào lúc nào. Thiên tài là hạng người có khả năng giải vây cho mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải say mê, say sưa, quăng ném trọn thể xác tâm hồn mình vào một cái gì đó, tự trói buộc mình với một cái gì đó, nhưng đồng thời cũng thừa sức để chặt đứt tức thì tất cả mọi ràng buộc. Tự nguyện sống suốt đời ngồi yên một chỗ cố định, nhưng sẵn sàng đứng dậy và bỏ đi mất bất cứ lúc nào. Kẻ khổ nhất cũng là kẻ sướng nhất, dễ nhạy nhất; trái lại, kẻ lạnh lùng, vô cảm, không khổ không vui thì không bao giờ tự giải thoát dễ dàng được, có những hạng người không bao giờ bị lôi cuốn vào cái gì cả, họ cỏ vẻ như luôn luôn trầm tĩnh điềm đạm, chai lì cứng đá; họ không hề biết yêu, họ không hề trải qua cơn khùng hoảng trầm trọng nào cả, họ không hề biết thế nào là “dây oan”, họ tưởng là họ thoát được mê cung mê lộ thường tình của người đời, nhưng thực ra họ chỉ là bức tường đá. “Song vách tường thì không bao giờ biết khổ, vách tường không bao giờ biết yêu, không bao giờ bị tổn thương; nhưng rồi thì bức tường cũng chỉ là bức tường, thế thôi” (But the wall never feels misery, the wall never loves, is never hurt; but it is the wall, after all). Vivekananda la hét lên: “Thà bị vướng kẹt còn hơn là làm một bức tường” (Surely it is better to be attached and caught, than to be a wall). Không làm vách tường, nhưng đối mặt trước vách tường, đó mới là ý nghĩa sâu kín của đời sống. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Paul Valéry, con người sáng tạo vĩ đại đã đặt bàn viết mình đối mặt với vách tường (Paul Valéry:J’ai le visage vers le MUR. Pas un rien de la surface du mur qui me soit inconnu). Yêu say đắm ôm ghì nồng cháy, bỏ mất, đánh mất mình trong một đối tượng duy nhất, làm cho mình tan hoang đi vì người khác, đó chính là sức mạnh của những thần linh — “nhưng chúng ta lại muốn cao hơn cả những thần linh. Con người toàn thiện có thể đặt trọn tâm hồn mình vào nhất điểm của tình yêu, tuy thế mà vẫn được thoát ly, vô trước, không bị dính kẹt” ( — but we want to be higher even than the gods. The perfect man can put his whole soul upon that one point of love, yet he is unattached). Làm thế nào? Đừng buôn bán, tất cả chúng ta đều là những kẻ bán buôn, bán buôn trong đời sống, – bán buôn trong đạo hạnh, bán buôn trong tôn giáo, bán buôn cả trong tình yêu, chao! Mua và bán, cho và lấy lại, lên và xuống, tăng giá và hạ giá, nhìn và được nhìn, yêu và được yêu. Chỉ có Van Gogh mới là người biết yêu, chỉ yêu thôi và không cần được yêu lại! “Chúng ta bị vướng kẹt. Thế nào? Không phải bị vướng kẹt bởi những gì chúng ta ban cho mà bởi những gì chúng ta mong đợi” (We get caught. How? Not by what we give, but by what we expect). Chúng ta mong đợi những gì? Mong đợi được trả lại, được nhận lại. Yêu không khổ, chỉ khổ là vì muốn được yêu lại, ôi, sự đời sao quá giản dị thế! Không cầu, không mong, không muốn thì không còn đau khổ. Thèm muốn khao khát là cha của mọi thống khổ. “Những khao khát thèm muốn đã bị ràng buộc bởi những lề luật của thành công và thất bại” (Desires are bound by the laws of success and failure). Bí mật cao lớn nhất của đời sống, “bí quyết vĩ đại của sự thành đạt chân chính, của niềm chân phúc là thế này: con người không đòi hỏi được trả lại, nhận lại, kẻ hoàn toàn vô vị kỷ, mới là kẻ thành đạt công thiện nhất” (The great secret of true success, of true happiness, then, is this: the man who asks for no return, the perfectly unselfish man, is the most successful). Không xin xỏ gì cả, không mong đợi gì cả, không bao giờ muốn con sông chảy ngược lại. Phải học bài học trọn vẹn của đời sống là CHO. (Learn that the whole of life is giving). Cho, cho hết, chỉ cho thôi, rồi thôi, (give, and there it ends). Cho và bỏ, cho và đi, cho và đi mất. “Dù rằng mọi sự cố gắng đều thất bại, dù chúng ta băng huyết chảy máu, bị xé rách, xé nát, dù gì đi nữa, chúng ta cũng phải giữ tâm hồn mình — chúng ta phải duy trì Thiên tính của mình giữa tất cả mọi gian nan khốn khổ: (Even if our every attempt is a failure, and we bleed and are torn asunder, yet, through all this, we have to preserve our heart — we must assert our Godhead in the midst of all these difficulties). Biết bao thanh niên đầy say sưa, đầy hăng hái, nhiệt tình, đôi mắt hừng hực lửa thiêng, rồi khi sa chân vào tường cả trăm lần thì lúc đứng tuổi lại trở thành những cụ hèn nhát, thủ cựu, lạnh lùng, cạnh khóe, láo đời, giả dối? Họ trở thành những kẻ lì lợm, những tâm hồn chai đá, họ không còn biết nói, trái tim họ đã chết. Vivekananda muốn họ làm bậy đi, “thà nổi giận lên và mắng chửi đi còn hơn là lạnh lùng chết lờ đi giữa đời sống”. Sự chết đã vồ chụp lấy họ, “vì những bàn tay lạnh đã tóm lấy tim họ và tim ấy không còn có thể tác động gì nữa, dù là phát lên một lời chửi rủa, nói ra một lời thô bạo” (There is death in the heart for cold hands have seized upon it, and it can no more act, even to utter a curse, even to use a harsh word). Chúng ta có hiểu Rimbaud? Tại sao Rimbaud phải du côn, phải tàn bạo, phải làm điếm nhục tất cả mọi sự? Tiếng mắng chửi của Rimbaud còn thiêng liêng hơn là mười lời dạy của Thượng Đế! Tất cả mọi sự đều chết, tất cả thế giới đang dẫy chết. Hãy đứng lên, hãy nổi cơn thịnh nộ, hãy tàn phá, hãy chửi rủa, hãy xông trận! Hãy bóp nát mặt trời, hãy đập tắt mặt trăng, hãy khạt nhổ vào những ngôi sao trên trời! Cuộc đời thực đã vắng mặt! Đây là lời thánh nói, ông thánh Rimbaud: “Maintenant, je M’ ENCRAPULE le plus possible”! Cái chửi được viết bằng ngọc, bằng kim cương, bằng bảo châu, đó là chữ thần của Rimbaud: “ENCRAPULEMENT”. Phải dịch chữ “encrapulement” ra làm sao? Phải sống như Rimbaud rồi mới dịch nổi chữ này. “Chúng ta có thể bị cắt ra từng mảnh vụn, bị xẻ ra từng miếng, thế mà trái tim chúng ta phải trở nên quí phái, càng lúc càng quí phái mãi mãi” (We may be cut to pieces, torn asunder, yet our hearts must grow nobler and nobler all the time). Ai nói câu này, Rimbaud hay Vivekananda? Cả hai cộng lại. Tại sao Rimbaud tự chửi: “Merde pour moi! Merde pour moi!…”? Vì tất cả mọi sự đều do chính mình tự tạo cho mình. Trời nắng bởi vì tôi tạo ra ánh sáng, trời mưa bởi vì đời tôi đang chảy! Đừng trách trời mưa, đừng trách trời nắng. Chó cắn tôi bởi vì tôi chuần bị sẵn sàng để cho nó cắn. Tất cả mọi sự xảy ra trong đời tôi đều có sự đồng lõa của tôi, tôi đã mở cửa sẵn để đón tình nhân vào nhà; tôi đã mở cổng sẵn để lùa vịt vào sân. Tai nạn xảy đến cho tôi vì tôi đã đồng lõa với tai nạn ấy. Con người có thể đi vào lửa mà lửa vẫn không thiêu đốt được nếu toàn thể con người ấy cũng là một ngọn lửa bừng cháy. Tất cả những hoàn cảnh xảy đến cho tôi vì tôi muốn thế, tạo ra thế. Chiến tranh Việt Nam tàn phá được đất nước này vì chính tôi đã mang sẵn sự tàn phá trong lòng mình. Vô úy ấn (abhaya mudrà) của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) được thể hiện từ trực thức rằng: “Không có gì có thể xảy đến cho chúng ta mà không thuộc về chính bản tính nội tại của chúng ta” như chính thi sĩ Rainer Maria Rilke đã nói? Như đạo sĩ Lama Anagarika Govinda đã nhắc lại trong quyền sách viết về Mật Tông Tây Tạng (Foundations of Tibetan Mysticism, trg. 272). Không sợ hãi gì cả, không lo lắng gì cả, tất cả đều xảy ra do sự đồng ý vô thức của mình. Thực sự mình có muốn thế thì mọi sự mới như thế. Mình bị ung thư vì mình muốn bị ung thư. Sự thực giản dị là thế; mình tan nát vì mình đã tan nát. Henry Miller đã dạy cho tôi một bài học: “Mình luôn luôn thấy mình trong hoàn cảnh mà mình đã tạo ra: chúng ta vẫn luôn luôn ở nơi chốn mà chúng ta muốn ở” (On se trouve toujours dans la situation que l’on a créée : nous sommes toujours à l’ endroit òn nous désirons être). Và Vivekananda: “Chúng ta phải biết rằng không có gì có thể xảy đến cho chúng ta được, chỉ trừ ra khi chúng ta tự dọn mình sẵn sàng đón nhận rồi” (We must learn that nothing can happen to us, unless we make ourselves susceptible to it). Không có cơn bệnh nào có thể hành hạ mình nếu cơ thể chưa sẵn sàng đón nhận. “Không bao giờ có được một điều tai hại nào mà không phải do chính mình dọn đường sẵn với hai tay của mình” (there never has been an evil for which I did not pave the way with my own hands). Mình luôn luôn lãnh những trận đòn đích đáng. Không thể trách cứ ai cả, không nên trách, không nên đổ lỗi, đổ tội cho ai cả. “Nếu thế giới này là một thế giới quỉ ma thì chính chúng ta cũng là quỉ ma, nếu không thế thì tại sao chúng ta phải ở đây?” (If this is a devil’s world, we must be devils also ; why else should we be here?). Vivekananda dạy một bài học thứ nhất: “nhất quyết đừng đổ lỗi cho bất cứ cái gì bên ngoài, đừng trách cứ ai bên ngoài cả, Hãy Là Đàn ông, Hãy Đứng Dậy và Nhận Lỗi Vào Đầu Mình” (Be a man, stand up, lay the blame on yourself). Mình có thể tự hào rằng mình hùng, mình mạnh, mình thần thánh ngang dọc, hiên ngang cứng rắn; mình có thể tự cho là cao cả, cao thượng, vượt lên tất cả mọi sự tầm thường trên đời này, thế mà bất cứ thằng ranh con nào đi giữa chợ cũng có thể ném đá vào mình để cho mình đau đớn, nổi giận, mất bình tĩnh, mất thăng bằng! Bất cứ con muỗi nào cũng có thể vo ve bên tai để cho mình trằn trọc suốt đêm ác mộng! “Nếu ngài vô vị kỷ thì ngài giống như Thượng Đế. Có thế gian nào có thể làm hại được ngài? Ngài có thể đi xuyên qua cửu trùng địa ngục mà vẫn không hề bị cháy xém, mà vẫn được nguyên vẹn” (If you are so unselfish, you are like God. What world can hurt you? You would go through the seventh hell unscathed, untouched). Chỉ có một điều đáng bận tâm là bận tâm về mình, đừng bận tâm đến kẻ khác. Tôi là Phật thì tất cả thế giới là Phật; tôi là thiên tài độc nhất thì tất cả mọi người cũng đều là thiên tài độc nhất. Các anh cười tôi chính là các anh tự cười các anh. Các anh nói tôi điên thì chính các anh tự nói rằng các anh điên. Đó là luật đồng khởi của vũ trụ. Đó là lề luật phản diện trong thiên nhiên “thiên hạ làm những hành vi giống như những hành vi mà họ gán cho những kẻ khác, như sự tự vệ chính là sự tự hủy, vân vân”. (Henry Miller, obscenity and the law of Reflection, “by a law of reflection in nature, everyone is the performer of acts similar to those he attributes to others; that self-preservation is self-destruction etc.”)
Ý nghĩa của sự làm việc là cứ làm việc, làm việc hết sức thì mọi sự sẽ làm thế cho mình, tất cả, tất cả. Khi mình thực sự sống thì mọi sự đều sống bừng dậy. Vấn đề chỉ có thể hành hạ mình vì mình hành hạ vấn đề. “chúng ta hãy làm cho phương tiện được hoàn thiện thì cứu cánh sẽ tự lo lấy nó” (Let us perfect the means; the end will take care of itself). Tôi không bận lâm chọn lựa tự giải thoát hay giải thoát người khác: vì khi giải thoát thì cái gì cũng giải thoát. “Vì thế giới có thể là tốt đẹp và trong sạch chỉ khi nào đời sống của chúng ta được tốt đẹp và trong sạch” (For the world can be good and pure, only if our lives are good and pure).
Hãy để nước chảy trong trẻo trong người tôi thì tất cả giếng nước ở khắp mặt đất sẽ phản hiện lại tất cả màu trời nguyên thủy.
Thích Nguyên Tánh

Sunday, February 9, 2020

Vĩnh Hảo: Rong Chơi Nghìn Cõi Nước


    Rong Chơi Nghìn Cõi Nước
Có những mùa khô nắng đổ trên thịt da bỏng rát. Đất nứt từng rãnh, chia thành những ô vuông bé nhỏ. Mỗi ô vuông nứt ra một mệnh đời. Mỗi mệnh đời rơi mãi vào trong những cơn mê sảng với cổ họng khô rang khát nước, loắn quắn tìm về suối nguồn tận non cao. Đuôi mắt chân chim dõi theo dấu chân chim trên bầu trời không mây trong vắt. Không có gió nhẹ. Không cả dấu vết ngoằn ngoèo của các loài bọ sát. Nắng quái chiều hôm ngưng đọng mênh mông bãi vàng. Xương rồng xanh, xương thú trắng, lác đác nhô lên giữa trùng trùng đồi cát. Chết đi sống lại bao lần trong cuộc mộng phù hư mà vẫn cứ hăm hở đi tìm, đi tìm…
Có những cơn mưa tầm tã trên sông dài. Mờ mịt bóng thuyền ai cắm sào ven đê. Tiếng hát lặng câm khi nghìn giọt mưa vỗ nhịp xuống vòm mái khoan. Những ước hẹn cũng mơ hồ như bong bóng, vỡ lăn tăn. Ôi sông dài đưa tình đi suốt những tháng năm. Lăn trên tóc tơ xưa giọt lệ sầu. Lòng từ bi một thời từng biến thành khối tình vô minh. Một lần vô minh, nghìn lần vô minh. Rồi một hôm, tình vô minh trong thoáng chốc, cũng chuyển thành lòng đại bi trên đại dương sống-chết.
Có những cõi nước lao xao. Ngày đêm tràn ngập ánh sáng và âm thanh. Ánh điện lấp cả trăng sao. Tiếng xe át lời của gió. Nhạc vỉa hè xập xình trên đường phố với điệp khúc khích động hận thù và nổi loạn. Những vũ công không nhà nhún nhảy nơi công viên. Khách bộ hành hối hả băng ngang những ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Người từ muôn phương kéo về, ngược xuôi trên đường nhìn nhau lạnh mặt. Phẩm cách con người trình hiện nơi màu da. Da đỏ, da đen, da vàng, da nâu, da trắng. Màu da nào cũng bọc giấu một tâm tham. Lòng tham nào cũng quay quắt trong thống khổ âu lo. Đuổi hư danh, cầu bã lợi; cấu xé tranh nhau những miếng mồi. Lời ngoa ngụy được tôn vinh trên cung bậc cao nhất. Triết nhân, hiền giả, lui về vườn xưa cho ác đảng lên ngôi. Ôi, cõi đời đảo điên tưởng chừng không còn biên giới giữa những tà-chánh, chân-ngụy. Ác quỷ hiện thân làm người, nhân danh những điều thiện lương bêu rếu những người lương thiện, nhân danh phúc lạc cuộc đời gièm pha những người giúp đời; dẫn dắt từng bầy đàn cuồng nhiệt si mê, nắm tay cùng đi lơ mơ trong sương mù huyền ảo. Phù phép hô biến cả một bầy tiểu yêu đội vương miện, nhởn nhơ bủa khắp nhân gian, chế nhạo thách thức những quyền uy trần thế. Yến tiệc bày trên những ngai vàng vô chủ, thết nhau bằng máu đỏ xương trắng của những sinh loại vô tri vô thức. Sấm sét, cuồng phong, hồng thủy, đại hỏa tai… từng làm con người xưa nay khiếp sợ; nay phải lùi một bước cho sự cuồng nộ vô minh của chính con người tự mãn kiêu căng. Không thiên tai nào sánh nổi đại họa, đại dịch do con người tạo nên. Một ác quỷ hóa thân nghìn ác quỷ, nhận trách nhiệm thống lĩnh trần gian, chia nhau những thổ ngơi đã bị các tiểu yêu tàn phá tan hoang. Âm vang giọng cười sặc sụa đắc thắng, dội ngược về những đêm dài lịch sử cho tro bụi mù mịt tung bay.
Có những cõi nước yên bình, nhà không cửa, người không tham. Hoa thơm ngan ngát bao đồi núi,  bướm bay vàng rợp đồng xuân xanh. Tiếng già gọi trẻ tắm sông về. Bếp chiều un xám khói lên mây. Lữ khách dừng chân bờ núi dựng. Lòng tràn nỗi nhớ quê xa. Vốc nước sông rửa bụi đường. Mặt xưa rỡ ràng chính ta. Đường dài băng ngang quán trọ. Thoảng hương nội cỏ đưa về. Một thân lại hiện trùng thân. Bước đi miên man trong vòng quay sinh-tử. Một đời lại níu muôn đời, cơn mê vọng dường như chẳng muốn lìa xa. Tay trắng đánh cược với những canh bạc đen-đỏ. Trò chơi huyễn mị không phải lúc nào cũng trình hiện một cách tuần tự, luân phiên. Tình yêu không phải lúc nào cũng đơn phương, song phương hay đa phương. Một khối tình biến hiện thành muôn cuộc tình; mỗi cuộc tình lại hiện bày vô số khối tình. Tình mênh mông chứa trong một trái tim bé nhỏ; trái tim bé nhỏ vỡ thành nghìn nụ hoa; mỗi nụ hoa lại hiện nghìn mặt trời. Nghìn mặt trời rụng rơi tan biến trong thiên hà nghìn tỉ tuổi. Chỉ còn một mặt trời rạng rỡ sau đêm dài u minh.
Mặt trời lên cho người tìm về quê xưa. Lối cũ lang thang, đã mòn bao dép cỏ. Dặm dài hoang mạc. Một bóng trên đường. Hiu hắt ráng hồng đổ xuống chân trời xa tắp. Sao rừng đã hiện ngay khi hoàng hôn chưa xuống. Hai vầng nhật-nguyệt mất dấu trong đêm dài. Nhưng vầng trăng xưa, một lần nhìn thấy, là nghìn đời không lạc bước chân phiêu bồng.
Cùng tử xa quê nghêu ngao đoản khúc về nhà. Một lời ca phổ thành nghìn lời ca. Nghìn lời ca dâng tràn muôn cõi nước. Mỗi cõi nước có nghìn đồng tử rong chơi, tụng những chân ngôn rung động cả núi cao, xây lâu đài cát đùa trêu trùng trùng sóng biển; quét lá vàng rơi khi bình minh vừa chớm; thả diều nguyện ước đến tầng mây; đồng xanh thổi sáo cỡi trâu xuôi dòng về; đất sét nắn hình ông bụt nhỏ, chắp tay một lần mà duyên cả nghìn sau. (1)
California, ngày 8 tháng 2 năm 2020(Rằm tháng Giêng Canh Tý)
Vĩnh Hảo
____________
(1)  “Nhất xưng nam mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo” (Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ 2).

Friday, February 7, 2020

Đôi Mắt Thần Tiên - Spiritual and Holy Eyes

Painting by Đinh Trường Chinh

Đôi Mắt Thần Tiên
  Kính tặng Thầy Tuệ Sỹ

Đôi mắt ấy long lanh
Như sao đêm sâu thẳm
Bờ môi người thầm lặng
Nụ cười hiền trăm năm.  

Cõi phù du Người đến
Hiện hữu giữa hư không
Bao triệu người thương mến
Tròn khuyết một tấm lòng.

Vẫn im lặng sấm sét
Vẫn hiên ngang nhẹ nhàng
Vẫn từ bi rõ nét
Bồ Tát Địa thênh thang.

Đôi mắt ấy long lanh
Niềm vui và hy vọng
Hạt sương gầy vừa đọng
Mặn ngọt cõi yêu thương!

Tâm Thường Định



Spiritual and Holy Eyes
  For Zen Master Thich Tue Sy

Those glittering eyes
emulate dark night stars;
Those taciturn lips
betray an everlastingly gentle smile. 

In this ephemeral world He arrives.
In the Void He exists,
Beloved by millions
in unanimity without fail.

Always thunderously silent,
Always magnificently ethereal,
and yet distinctly compassionate,
He incarnates Bodhisattva.

Those glittering eyes
bring joy and hope:
A frail dew perches
upon the sweetness of love.

Phe X. Bach

Nhạc: Đôi Mắt Thần Tiên


Thursday, February 6, 2020

Về một Thiền hữu và bốn chữ Vô Thường Thị Thường


blank
Vô Thường Thị Thường
(Thư pháp: HT Thích Nguyên Tâm, Nam CA)

Về một Thiền hữu và bốn chữ 
Vô Thường Thị Thường

Nguyễn Văn Sâm

Giới văn học nghệ thuật cũng như giới tu học thường đọc sách về đạo Phật, ít nhứt là ở Mỹ, đều biết một người viết lách rất khiêm cung và thiệt là đặc biệt: đó là nhà thơ Phan Tấn Hải.

Phan Tấn Hải đầu tiên bước vào làng văn bằng thi ca nên người đời gọi anh là thi sĩ. Cái danh vị đó theo anh, dính luôn dầu sau nầy anh viết văn xuôi nhiều hơn, hay những năm gần đây anh cống hiến cho đời nhiều đầu sách về những vấn đề của Phật học, của kinh điển, những vấn đề mà nhiều vị thượng tọa, hòa thượng có nhiều năm tu tập chưa chắc đã thấu hiểu hay trình bày mạch lạc như anh.

Tôi nói anh đặc biệt vì ngoài đời anh nho nhã, khiêm nhượng, đối với ai cũng hết lòng thân thiết, giúp đỡ chân tình nếu có dịp. Trong sách vở anh viết cả chục cuốn sách về đạo Phật mà quyển nào quyển nấy cũng hình thành do sự tham khảo nhiều nguồn sách về vấn đề sẽ trình bày và đều được ký tên một cách khiêm nhường: Nguyên Giác, không có chữ gì trước đó hay sau đó.

Trước đây chúng ta có Thiền sư Nghiêm Xuân Hồng – chữ Thiền sư tôi dùng cho nhà văn Nghiêm Xuân Hồng với sự trân trọng từ đáy lòng - cũng viết nhiều sách về Phật đạo.  Trước nữa có các học giả Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Phan Văn Hùm, Phạm Công Thiện cũng viết, đã đi sâu vào những vấn đề căn bản của đạo như: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Trung Quán luận, Tánh Không. Đó là chưa kể sách của những vị Hòa Thượng suốt đời nghiên cứu kinh kệ, kể ra bao nhiêu vẫn còn là thiếu.

Nhưng phải đợi đến Thiền hữu Nguyên Giác chúng ta mới đọc được những bàn luận sâu sắc về các vấn đề nho nhỏ, chi li của đạo như Thiền đốn ngộ, Thiền tập, Thiền tập trong đời thường, Thiền Tông Qua bờ bên kia, Kinh Pháp Cú Tây Tạng…

Đọc những quyển sách nầy, thú thiệt chỉ đọc sơ qua vì chạm tới tuổi 80, tôi không dám và cũng không có thời giờ mở ra một khía cạnh mới về chữ nghĩa và kiến thức, đành xài bao nhiêu phần đã thâu lượm được từ mấy mươi năm trước đó ở những quyển sách nhập môn của các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Văn Hùm xa xưa cũ, không còn phù hợp được bao nhiêu. Đã thiếu mà chiều sâu lại không có nhiều.

Với những quyển sách về chuyên môn, với những bài viết rãi rác có chủ đề nghiên cứu  lý thuyết của đạo Phật của anh, tôi thấy rằng nhà thơ Phan Tấn Hải đã đi quá tốt  trong việc tìm hiểu đạo Phật, tìm để giới thiệu và giải thích cho cư sĩ,  về những vấn đề thuộc về đạo, về hạnh, không thuộc về tu, về hành, thuộc về triết lý, không thuộc về mê tín dị đoan hay cái gọi là đạo Phật bình dân, đạo Phật đại chúng hóa.

Tôi thấy mình thua người bạn trẻ nầy- trẻ hơn mình một con giáp- anh gọi tôi bằng thầy một cách thân tình và kính trọng, nhưng về mặt triết lý đạo tôi chưa đáng là trò của anh. Con đường kiến thức mênh mông, người ta ai cũng có những lổ trống kiến thức dầu thuộc ngành chuyên môn của mình, huống chi mình chỉ là người ngoại đạo đối với vấn đề Phật đạo chuyên sâu.

Với cái nhìn biết ơn đó, tôi không gọi Nguyên Giác là cư sĩ Phật giáo, tôi gọi anh bằng từ ngữ kính trọng hơn: Thiền hữu. Ta có văn hữu, thi hữu, đạo hữu, sao không có Thiền hữu? Nguyên Giác hiện tại không ly gia cát ái sống toàn thời gian trong chùa, chưa đủ đạo hạnh cao siêu, và không có cái cao ngạo tự xưng nên tôi chỉ xin được gọi là Thiền hữu thôi.

Chữ Thiền chỉ cuộc sống hiện tại và những công nghiệp đối với đời về mặt đạo của ai đó. Chữ hữu chỉ sự thân thiết, gần gũi, ngang hàng dễ học hỏi lẫn nhau của ta với nhân vật đó. Bạn đạo, bạn yêu đạo, chứ không phải thầy, không phải Sư (phụ).

Vậy tôi học được gì từ Thiền hữu Nguyên Giác?

Nhiều lắm, nhiều lắm. Ngoài đời là cách cư xử của Thiền hữu. Trong sách vở là sự bao dung và mở rộng tầm tay của anh. Anh viết về người bạn Thăng Long văn sĩ Vũ Huy Quang, về người bạn thời trai trẻ sau nầy làm thơ vừa mới mất ở VN tuy rằng mấy chục năm không gặp lại và rất có thể khuynh hướng hai người đã trở nên khác biệt, về nhà thơ Mộc Đạc ít người biết đến…

Tôi học gián tiếp từ Thiền hữu Nguyên Giác nguyên lý hư không khi đọc các sách của anh và suy ra được rằng cuộc đời nầy được vận hành bằng nguyên tăc ‘Vô Thường Thị Thường’. Vâng, đời nầy, vũ trụ nầy là một thể hiện của sự Vô thường. Mọi có không, được mất, hạnh phúc đau khổ, vinh quang tủi nhục, sống chết … đều là vô thường.

Cái vô thường đó tồn tại vĩnh viễn đến trở thành bình thường.

Và tôi sống với nguyên lý đó một cách bình thường để khi gặp những trạng huống đau lòng trong đời sống đều đón nhận với sự bình thường dửng dưng. Và tôi cám ơn Thiền hữu Nguyên Giác với những Thiền hữu khác trong tương lai đã khơi dậy trong tôi cái nguyên lý quan trọng đó…

(Victorville, CA, mổng 6 Tháng Giêng, Canh Tý.)

Thích Thanh Từ: Tâm Hạnh Từ Bi Hỷ Xả



Thích Thanh Từ: Tâm Hạnh Từ Bi Hỷ Xả



Hầu hết Phật tử ai cũng biết mình tu theo đạo Phật là đạo từ bi, nhưng chưa biết thế nào là Từ thế nào là Bi. Theo chữ Hán giải nghĩa thì từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Vậy ban vui cứu khổ là làm sao?
Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, còn tình thương hoàn toàn vị kỷ gọi là ái kiến. Nhớ, cũng tình thương mà một bên là từ bi, một bên là ái kiến. Từ bi là nhân đưa con người tới an vui giải thoát. Ái kiến là nhân trói buộc con người con người đưa con người tới trầm luân sanh tử.
Tôi xin hỏi tất cả quý vị có mặt ở đây, các vị có tâm từ bi?
– Chắc ai cũng có tình thương hết nhưng tình thương đó không biết vị tha hay vị kỷ. Nhất là các bà tình thương dồi dào lắm. Khi xem cải lương hay chiếu bóng thấy người trong phim hoạn nạn thì khóc lu bu. Thương người hoạn nạn đó có phải từ bi? – Dường như là từ bi, nhưng không phải. Hầu hết chúng ta ai cũng có tình thương, nhưng tình thương vị kỷ nhiều hơn là vị tha. Thậm chí ở trong đạo mà tình thương vị kỷ vẫn còn!
Bây giờ tôi giản trạch cho quý vị hiểu thế nào là tình thương vị kỷ, thế nào là tình thương vị tha. Tình thương vị kỷ là thương người nhưng vì mình mà thương. Còn tình thương vị tha không phải vì mình mà vì người mà thương.
Ví dụ: Một phật tử lớn tuổi đi đường xách giỏ nặng, có đứa trẻ cũng đi trên đường xách dùm cái giỏ về tới tận nhà không lây tiền công . Phật tử đó nói đứa trẻ dễ thương quá! – Tại sao nó dễ xương? Vì nó xách dùm mình cái giỏ nặng mà không đòi tiền công, nên mình thương. Nếu mình đang xách giỏ nặng mà nó gởi thêm món gì nặng khoảng một ký nữa thì chắc là dễ ghét. Như vậy chúng ta thương người vì người làm lợi cho mình nên mình thương. Có những người rất chân chính ngay thẳng mà họ không làm lợi cho mình thì mình không thương. Ví dụ Phật tử buôn bán mỗi năm phải đóng thuế năm ngàn. Đến kỳ đóng thuế, nhân viên thuế vụ thâu đúng năm ngàn theo luật định không bớt đồng nào thì chú ấy không dễ thương. Người làm đúng luật mà không có lợi cho mình thì mình không thương. Ngược lại người làm lợi cho mình mà sai luật mình vẫn thương. Như vậy, chúng ta đặt tình thương trên bản ngã ích kỷ của mình. Tình thương nầy rất hạn hẹp và trói buộc. Gần nhất là vợ chồng thương nhau cũng là loại tình thương ích kỷ trói buộc.
Xưa lúc Phật còn tại thế, một hôm có người ngoại đạo hỏi:
– Cô Đàm, ái là khổ đau hay hạnh phúc?
Phật đáp:
– Ái là gốc của khổ đau.
Người ngoại đạo nghe Phật đáp lắc đầu không chấp thuận. Câu nói nầy của Phật đồn tới tai vua Ba Tư Nặc. Vua gọi vợ là phu nhân Mạt Lỵ, nói:
– Ngài Cô Đàm nói ái là gốc của khổ đau, trẫm không đồng ý. Như trẫm thương khanh, thương con và thương thần dân là khổ sao?
Phu nhân Mạt Lỵ đã quy y với Phật hiểu đạo lý, bà đáp:
Xin bệ hạ nghĩ, hiện giờ bệ hạ thương thiếp. Giả sử thiếp thương một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ làm gì?
– Sẽ giết.
Như vậy, mình thương người mà người không thương, lại thương người khác thì giết, không phải gốc khổ là gì? Tình thương đó vì mình hay vì ai? – Vì mình nên mất cái mình thích, liền nổi giận. Thương đó không phải tình thương vị tha mà là vị kỷ nên khổ.
Lại một hôm vua Ba Tư Nặc đến hỏi Phật:
– Nghe Thế Tôn nói ái là gốc khổ đau, con chưa hiểu điều đó, xin Thế Tôn giảng dạy.
Phật đáp bằng câu hỏi:
– Ví như dân trong nước có một vùng xảy ra tai nạn chết hết năm mười người. Đại Vương nghe tin có đau khổ lắm không?
– Con thương chớ không khổ đau lắm.
Phật hỏi tiếp:
– Bây giờ giả sử công chúa con Đại Vương chết, Đại Vương thấy thế nào?
– Con rất đau khổ.
– Tại sao dạn chết năm mười người mà Đại Vương không khổ, chỉ một công chúa chết mà Đại Vương lại khổ?
Vua trả lời không được.
Thường dân chết năm mười người nhà vua chỉ thương chút thôi mà không khổ. Vì đối với dân nhà vua không có ái nên không khổ, còn đối với công chúa nhà vua có ái nên có khổ. Vậy quí vị có thấy ái là gốc của khổ đau chưa?- Dạ thấy. Đức Phật nói sanh tử trong mười hai nhân duyên, đầu mối là vô minh. Trong đời sống hiện tại, ái và thủ là tên khác của vô minh đưa con người tới sanh tử luân hồi . Vậy ái là gốc của luân hồi . Tất cả chúng ta có ái không? – Có. Muốn hiểu rõ từ bi chúng ta phải hiểu rành ái và từ bi khác nhau chỗ nào.
Từ bi là vì người khổ mà thương, thương không cột ràng. Ví dụ thấy người mù, người bịnh phong nghéo đói đi xin ăn, quí vị thương người tật nguyền giúp họ năm ba trăm cho đỡ khổ. Về sau nghe họ chết, tuy có cảm thương nhưng không khổ. Vì đó là lòng từ bi vị tha không trói buộc. Còn nếu con cháu trong nhà chết, quí vị than khóc xỉu lên xỉu xuống, có người muốn tự tử chết theo nữa. Vì tình thương này là ái, có trói buộc. Ai càng nặng thì khổ càng nhiều.
Lại có trường hợp ái người ta mà không được như ý thì trở thàng sân hận thù hằn. Chẳng hạn trong tình thương vợ chồng, nếu chồng hay vợ thay đổi tình cảm họ có thể giết nhau. Như vậy thương mà giết hại thì có thật thương không? Nếu thật thương thì đâu nỡ hại, mà hại thì đâu thật thương! Đây là tình thương của ích kỷ. Vì thương ích kỷ cho nên hại nhau. Do đó nói thương hại là vậy. Nếu thương vị tha không trói buộc thì không hại ai. Thấy người nghèo khổ thương, giúp là giúp, không bắt họ làm cái gì cho mình hết, họ không cần nữa là thôi không giúp. Họ đến với mình cũng được, họ đến với ai cũng tốt. Vì đây là lòng thương của từ bi vừa rộng rãi bao la, vừa làm cho người bớt khổ. Thương mà hết khổ, còn ái thì xiết chặt, nên ái nhiều là khổ nhiều.
Lại có những viêc làm thoáng thấy như từ bi, nhưng lại vị kỷ. Ví dụ thấy người đói rét hoạn nạn thương giúp đỡ họ, nhưng lại nghĩ mình giúp họ mai kia họ sẽ đền ơn lại. Trường hợp này không phải là từ bi. Lại có nhiều người có tâm tốt thấy người tật nguyền ăn xin, sẵn sàng đem tiền giúp đỡ, nghĩ giúp đỡ cho có phước sau này mình hưởng. Trường hợp này chưa thật là từ bi. Vì cho mà có hậu ý trông mong lợi cho mình về sau. Từ bi là thương giúp người mà không chút trông mong người đền trả, không mong lợi cho mình mai sau. Tâm từ bi như thế mới rộng lớn thênh thang.
Ngày xưa tôi có viết một bài đăng báo Từ Quang tựa là “Nhân hoa mà quả cỏ”. Mới nghe qua ai cũng ngạc nhiên hết. Câu chuyện này có liên hệ đến từ bi và ái mà chúng ta đang nói.
Năm đó tôi bịnh, lên Bảo Lộc cất một cái am vừa tu vừa dưỡng bịnh. Lúc đó có mấy người tới thăm, tặng tôi những hột hoa Đà Lạt để trồng. Vì thất tôi mới cất thấy cũng quạnh hiu, trồng hoa cho nó tươi đẹp. Tôi nhận hột hoa, xới một khoảng đất, rải hột, hằng ngày tưới nước đều đặn. Khoảng một tuần thấy nó lên lấm tấm, tôi nghĩ mầm hoa mạnh. Tiếp tục tưới, khoảng nữa tháng sau tôi nhìn kỹ thấy toàn cỏ, không có cây hoa nào cả. Tôi thắc mắc, rõ ràng mình rải hột hoa sao lại lên cỏ? Tôi truy nguyên ra mới thấy mấy đàn kiến bò vô liếp đất tha hết hột hoa đi rồi mà tôi không hay, cứ tưới nước nên cỏ nó lên.
Sở dĩ tôi viết bài “Nhân hoa quả cỏ” là vì ngày xưa có một người đến than với tôi rằng:
“Gia đình em chồng con chết hết để lại mấy đứa cháu, con đem về nuôi cho ăn học, nhưng khi lớn khôn sao nó không thương con mà có vẻ phản bội lại. “
Bà lại thắc mắc tại sao chúng con làm việc tốt như vậy mà kết quả không được tốt. Sau đó tôi tìm hiểu qua mấy đứa cháu thì nó kể:
“Thực ra tui con nhờ bác nuôi, nhưng nuôi thì nuôi vậy. Mỗi sáng đi học, con bác thì bác cho hai đồng, tụi con thì một đồng, những việc nặng khó khăn thì bác giao cho tụi con làm, việc nhẹ thì để dành cho con bác. Cho tới đi chơi hay cái gì bác cũng giành ưu tiên cho con bác, tụi con chỉ được một phần nhỏ thôi. “
Hồi nhỏ cha mẹ nó chết, nó bơ vơ được bác đem về nuôi thì nó rất mừng, khi lớn lên nó thấy tình thương của bác không thật, nuôi nó như nuôi đầy tớ, nên nó không thương mà còn như phản lại. Quí vị đừng tưởng mình thương đem cháu về nuôi, nó lớn lên nó phải thương mình, nhưng khi lớn lên chẳng những nó không thương mà còn muốn phản nữa là tại sao?
Việc này giống như tôi gieo hột hoa, đinh ninh sẽ lên cây hoa, chỉ cặm cụi tưới thôi, mà không canh chừng kiến tha hột hoa đi. Cũng vậy, người này nuôi cháu nghĩ mình có công nuôi là có ơn với nó rồi, mà không coi lại tình thương của mình đối với nó có đúng với tình thương của cha mẹ đối với con hay không, hay mình vẫn thấy nó là cháu gượng nuôi để nhờ. Chính vì gượng nuôi để nhờ nên nó không biết ơn. Cái thương này chưa thật là thương, vì nuôi mà đòi hỏi nó phải trả lại cho mình bằng công sức và xử sự với nó không công bằng. Còn thấy con cháu cách biệt quá, nên mất hết tình thương. Nếu con và cháu mà mình đối xử như nhau thì nó mới kính thương.
Chúng ta bắt đầu giúp người bằng tình thương, nếu không khéo nhìn kỹ, lâu ngày bị lệch mà không hay. Cái gì làm cho lệch? – Cái ích kỷ của bản ngã khiến cho cái của ta thì ưu việt sung túc hơn, cái không thuộc về ta thì đặt ở phần kém. Đó là tình thương không phải từ bi mà là thứ tình thương có xen lẫn ích kỷ của bản ngã. Nếu có bản ngã dự vào thì tình thương thể hiện qua việc làm trước sau cũng vị ngã. Còn tình thương do từ bi thì không ích kỷ; thương người, giúp cho người được an vui mà không mong cầu đòi hỏi cái gì hết.
Thích Thanh Từ