Sunday, May 20, 2012

Thạch Định




                             Đại Ẩn Sơn - Tu Viện Lộc Uyển / Deer Park Monastery. Photo by LN.



Meditated Rock




sitting meditation

   on top of the tilted rock

          the moon

                 lit




Thạch Định


ngồi thiền

   trên đỉnh đá nghiêng

         trăng

                 sáng.


Tu Viện Lộc Uyển
Deer Park Monastery, 
Escondido, CA.  09/2011




       

Wednesday, May 16, 2012

Bình Minh - Dawn

                                    California Redwoods: Photo by BXK


Bình Minh - Dawn


bình minh
chim hót vang 
như lời ru nhẹ nhàng


bình minh
ôi lả lơi
nắng vàng rơi dịu dàng


bình minh 
hương mai bay
duyên nào say bẽ bàng


bình minh
nai nhìn ai 
đôi ta say ngỡ ngàng      


bình minh
chim hót vang
như lời ru nhẹ nhàng


bình minh !


Tu Viện Năng Nhân
San Jose, CA
April 6th, 2012

Sunday, May 13, 2012

Cát Vàng Mộng Mơ

                                  Mang Cát Về - photo by Chien Ngo
                           Đỗ Cát Đi - tại Thung lũng Chết (Death Valley) - photo by Chien Ngo


Cát Vàng Mộng Mơ
  Thân tặng anh Ngô Đức Chiến


Em đi hốt hết gió ngàn
Em ngồi em đỗ cát vàng mộng mơ
Tóc huyền nghiêng ngã bài thơ
Về đâu cát bụi lửng lơ vô thường.

Thursday, May 10, 2012

Cái Nốt Ruồi của Mẹ


                                               Hình: Mẹ và Thầy Thiện Duyên - Trụ trì chùa Kim Quang

For English, click here - My Mother's Mole

Cái Nốt Ruồi của Mẹ
          Kính tặng Mẹ - Happy Mother's day.


Năm nay Mẹ gần 80 tuổi
vẫn nụ cười thật tươi mỗi khi gần con cháu
nhưng Mẹ càng duyên dáng và xinh đẹp
vì cái nốt ruồi dưới vành môi của Mẹ.
Ôi cái nốt ruồi của Mẹ,
đẹp như vần thơ
nhưng nó cũng là dấu chấm hỏi cuộc đời.
Thăng trầm, buồn vui, và sướng khổ
đó là chân lý của cuộc đời - đầy hỷ nộ ái ố.
Cái nốt ruồi của Mẹ - dấu chấm hỏi cuộc đời
nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu?
Mẹ lại cười, ánh mắt sáng ngàn sau.
Như bảo: con ơi đừng vớ vẩn
Hạnh phúc là mỗi khi các con được gần Mẹ.
Quá khứ đã mù khơi,
tương lai còn chưa tới;
đừng bận tâm con nhé. 
Hiện tại là hạnh phúc đơn thuần.
Một ngày Mẹ sống cũng là một ngày Mẹ chết!
Các con là những tiếp nối của Mẹ
Những bông hoa, những tinh hoa
những biểu hiện nhiệm mầu.
Hãy nối tiếp những điều hay lẽ phải.
Tuổi càng già lòng con lại xót xa
thương Ba
thương Mẹ
suốt đời cực khổ vì con
mồ hôi và nước mắt
cả đời đã tận tụy hy sinh
Ba - uống sóng lướt gió
Mẹ - buôn tần bán tảo
để suốt đời dạy bảo.
Các con hãy ráng làm người.
Mỗi lần được nhìn Mẹ
với cái nốt ruồi ở vành môi.
Ôi cái nốt ruồi của Mẹ
Đẹp như vần thơ.
Nhưng đẹp hơn là tình mẹ, đẹp như mơ
ngút ngàn và vời vợi
Tình mẹ mênh mông như biển khơi
Tình mẹ bao la như bầu trời
Thênh thang và vô tận.

In honor of my mother's day - 2012.

Monday, May 7, 2012

Nghẹn Ngào


                       Bích chương/posters by: Uyên Nguyên


Nghẹn Ngào


Một ngày nọ, trên băng tầng 89.3FM, National Public Radio
nghe tiếng khóc nghẹn ngào nức nở của người quả phụ Lebanese
chồng con chết bởi bom rơi đạn lạc của  những người Do Thái bên kia
những tiếng khóc thảm thương như thế
làm đau lòng kẻ thính giả hôm nay
và tôi đã khóc
tự nhiên tôi tìm mình trong tiếng khóc của người quả phụ tuổi còn xanh.
tôi thấy tôi là nạn nhân của chiến tranh
là chết chóc, chia lìa, tan vỡ. 
Tôi thấy tôi là người phụ nữ Lebanese
đang tức tưởi khóc cho chồng, cho những đứa con mới chết
Tôi cũng thấy tôi là người Do Thái mỏi mệt
chống lại những hoả tuyến vô minh đổ xuống dân lành
Và tôi cũng thấy tôi là người Mỹ mạnh
đang hiên ngang cung cấp vũ khí tan thương cho người Do Thái
Ôi  những dị biệt, tranh chấp khởi đầu từ sự tự ty nghiệt ngã
Hỡi cái ngả nhỏ nhoi
Hỡi vô minh  che lấp
Ôi chua chác!
Hận thù đừng trả hận thù mà đổi bằng tình thương chân thật.
Có mất gì khi ngồi lại với nhau?
sao không hiểu sâu?
Anh tan tóc cũng làm tôi tan tóc
Chị khổ đau cũng làm tôi đau khổ
Em khốn cùng, tôi cũng khốn cùng chung
Ðạo cũng vậy, mà đời kia cũng vậy
Anh và tôi có khác gì không?
khi máu đỏ, nước mắt kia cùng mặn
Thì anh ơi, hãy hiểu cho nhau !
Từ những cơn đau...
Hãy tìm nguồn hạnh phúc !

Mira Loma H.S. 05/06
Trích từ tập thơ Hương Lòng, 2007.

Sunday, May 6, 2012

Tưởng Niệm Cụ Bà


Tưởng Niệm Cụ Bà
  Kính góp lời cầu nguyện cùng Ông Ba, quý Chú và tang quyến.


Trăng rằm sáng rực mười phương
Người vừa thuận thế vô thường đêm nay
Người đi như ngọn gió lay
Hương Người quyện khắp cõi này hư vô.


Sacramento, May 5th, 2012.

Friday, May 4, 2012

VỀ ĐÂY

                                                              Ảnh: Quang Thiện - Võ Bruce Thiên

VỀ ĐÂY
  Kính tặng Ôn Thắng Hoan

"Trăng vàng lơ lững trên đồi" *
Ban mai thanh thản đang ngồi cùng Ôn
Về đâu Nhật Nguyệt cỏn con ?
Hư không vô tánh mãi còn Phật Tâm.

* Lời của Ôn

Tuesday, May 1, 2012

EO GIÓ (Nhơn Lý / Phước Lý, Quy Nhơn) - Lời Ru Của Đá: Tiếng Hú - Từ Tâm

Thư pháp: Võ Việt Tuấn

                                                                               Photo: Tri Nguyen
                                                       Photo: Thuong Tran of NhonLy's friend.

EO GIÓ - Lời Ru Của Đá
Tiếng Hú - Từ Tâm


Kỳ vĩ và hoang sơ
Nét trinh nguyên của gió
Vào những đêm trăng tỏ
Vũ trụ càng nhiệm mầu

Biển mênh mông chìm sâu
Nghe tiếng ru của sóng
Tiếng thở của côn trùng
Tiếng thì thầm của đá

Tiếng vọng cõi Ta Bà
Giữa trăng vàng vằng vặc
Quán niệm "kệ" và "mặc"
Như thạch định thuở nào

Thiền với sóng dạt dào
Huyễn không và không huyễn
Giọt sương gầy vừa hiện
Bồng bềnh với trăng sao.

Saturday, April 28, 2012

NGHIÊNG TAI NGHE ĐỜI VUI

  Ảnh: BXK chụp trong Buddha Garden of 2nd Annual Vesak Buddha - Day at Kim Quang Temple.


Thơ: Bạch Xuân Phẻ
Nhạc và trình bày: Nguyễn Văn Quang


NGHIÊNG TAI NGHE ĐỜI VUI

Nghiêng tai nghe mưa đổ
Lộp độp những sợi buồn
Mưa sao mãi gào tuôn
Trút cơn đau trần thế

Nghiêng tai nghe mưa đổ
Đổ những giọt sân si
Đổ luôn tham luyến ái
Đổ luôn cả bi ai

Nghiêng tai nghe mưa đổ
Nghe gió về xôn xao
Nghe nắng hát thì thào
Nghe bình minh vừa chớp


(Nghiêng tai nghe mưa đổ
Lộp độp những sợi buồn
Mưa sao mãi gào tuôn
Trút cơn đau trần thế

Nghiêng tai nghe mưa đổ
Đổ những giọt sân si
Đổ luôn tham luyến ái
Đổ luôn cả bi ai.)


Sacramento, April 12th, 2012.


Wednesday, April 25, 2012

TỰ TẠI



                                                   Bảo tháp Phổ Đồng - Ảnh: BXK  


TỰ TẠI
Kính tặng Thầy Minh Đạt

Thầy nằm trên võng đu đưa
Rung rinh cơn mộng đôi bờ tử sinh
Đại hạnh nguyện vẹn công trình
Lưu truyền Đạo Phật làm xinh xứ người

Thầy nằm trên võng đu đưa
Giọt sương, vạt nắng, gió mưa vô thường
Ý sắc đá, chí Kim Cương
Già lam thanh tịnh đạo tràng Quang Nghiêm.


Stockton, California 
March, 2012.

Tuesday, April 24, 2012

Trung dung - in the middle.


Giữa tiếng khóc và cười
có tiếng của thinh không


Between the sound of laugher and cry
there is a sound of emptiness.

Monday, April 23, 2012

Bình minh



nắng vàng lung linh
bình minh 
im ả



shimmering golden sunshine
dawn just awakes
a quiet and peace mind

Saturday, April 21, 2012

CHẤP TÁC


CHẤP TÁC

Nhổ cỏ, ôi sự sống !
Sương thẹn thùng nhìn tôi
Tôi cười không tiếng nói
Từ đâu em đến đây?

Em vốn là vô sinh
Em vốn là vô diệt
Em biểu hiện nhiệm mầu
Em hành trụ hoại không

Nhận ra chân lý ấy
Nhổ cỏ - sạch tâm người.

Khoá tu Mùa Xuân
Tu Viện Diệu Nhân
4/15/2012 

Wednesday, April 18, 2012

NÚI RỪNG BẢO PHÁP


 Tượng Phật Thích Ca và Tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm  
trong khuôn viên Tu Viện Bảo Pháp, Azusa, California. Ảnh - Uyên Nguyên

NÚI RỪNG BẢO PHÁP

Đêm khuya khoắc ánh trăng vàng vằng vặc
Núi rừng thiên gió hú với trăng sao
Suối nước reo véo von qua ghềnh đá
Nghe hư không tiếng vũ trụ vọng về.
Ai nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ?
Nhịp tim nào thổn thức trước ngàn sao
Và tiểu ngã chan hòa cùng đại ngã
Ôi hư không ! Em có nếm vô thường ?

                                    Tâm Thường Định
                        Tu Viện Bảo Pháp, Nam California 4/14/06

Monday, April 16, 2012

CHẬP CHÙNG

                                                                        Photo: Lê Minh Khánh


CHẬP CHÙNG.
  Kính tặng Ni chúng và thiền sinh Sống Hiện Tiền.


Đồi xanh xanh thẳm một màu
Bình minh nắng ấm về đâu gió ngàn
Bồng bềnh mây khói hợp tan
Long lanh thường chiếu nắng vàng thênh thang.


Khoá tu Mùa Xuân
Tu Viện Diệu Nhân
4/15/2012 







Sunday, April 15, 2012

GÓT HỒNG


                                                              Ảnh: Uyên Nguyên gởi

GÓT HỒNG
  Thân tặng Uyên Nguyên

Gót hài tắm giọt nắng loang
Thẹn thùng trăng hé vỡ toang bóng chiều
Ai run trong cảnh đìu hiu
Rung rinh ngọn cỏ gió chiều ngất ngây.

Thursday, April 12, 2012

Vẻ đẹp Hầm Hô




                                   Photos: images.google.com
Vẻ đẹp Hầm Hô
        Tặng những con người xứ Nẫu

Đi thăm suối Hầm Hô
Nhớ nhà thơ Quách Tấn
"Chớp mắt ngàn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay?" *

Đi thăm suối Hầm Hô
Nhớ Tây Sơn Bình Định
Người Anh Hùng Áo Vải **
Vang dội khắp trời Nam

Đi thăm suối Hầm Hô
Đá và mây lởm chởm
Rừng xanh sao mơn mởn
Vẻ đẹp của thiên nhiên

Đi thăm suối Hầm Hô
Nghe ngân nga tiếng thác
Hương rừng sao ngào ngạt
Cùng chim hót véo von

Đi thăm suối Hầm Hô
Nhớ sông Côn mùa lũ ***
Mây chiều em quyến rũ
Anh Bình Định dấu yêu

Đi thăm suối Hầm Hô
Gió ru say cơn mộng
Đời thiếu em lận đận
Ra về chiếc lá bay.

Bạch X. Phẻ

* thơ Quách Tấn
** Vua Quang Trung - NGUYỄN HUỆ 
*** cũng là tựa đề sách của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Sunday, April 8, 2012

TRÊN ĐỈNH CAO



TRÊN ĐỈNH CAO
    Thân tặng các Lam viên về Đại hội.


Trên đỉnh cao lành lạnh
Ánh trăng rằm buông lơi
Thung lũng đâu cô quạnh
Lung linh đèn lả lơi


Trên đỉnh cao lành lạnh
Buốt giá đôi vai gầy
Sương trời như chưa tạnh
Hương đêm mãi ngất ngây


Trên đỉnh cao thanh thoát
Lung linh loang hư vô
Trên đỉnh cao thanh thoát
Lối về ngọn cỏ khô.


Tu Viện Năng Nhân
San Jose April 7th, 2012.

Saturday, April 7, 2012

GIỌT NƯỚC MẮT LONG LANH


GIỌT NƯỚC MẮT LONG LANH
        Thân tặng anh HĐD


Dòng nước mắt trôi chảy
Ý kiên cường vô biên
Màu Lam nào huyền diệu
Hạnh nguyện này vạn niên.

Wednesday, April 4, 2012

RỖNG LẶNG

           Photo: Đoàn Phật Tử Diệu Nhân Vào Vịnh Bái Tử Long - dieunhan.net


RỖNG LẶNG
  Kính tặng Ni sư Thuần Bạch và Ni sư Thuần Tuệ.


Rỗng. 
Lặng.
Chân.
Huyễn.
Thị.
Như.

Tìm về.
Cõi tịnh.
Chân như.
Vĩnh hằng.

Không gian.
Thanh thoát.
Vầng trăng.

Nụ cười.
Hoa.
Tượng.
Tuệ đăng.
Tâm người.


Tu Viện Diệu Nhân, Xuân Nhâm Thìn, 2012.

Đã đăng ở Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới số 5. RỖNG LẶNG (thơ Tâm Thường Định), trang 48

Sunday, April 1, 2012

Ngọn đuốc Jamphel Yeshi

                                                                          Photo By STRINGER/INDIA/Reuters  
Ngọn đuốc Jamphel Yeshi

Lại thêm một người đàn ông Tây Tạng, Jamphel Yeshi,
tự thiêu chết chạy tại New Delhi - đốt lên ngọn lửa cho quê hương Tây Tạng
Những người Tây Tạng lại biểu tình bằng tấm thân đốt cháy của mình.
Những ngọn lửa này là phản ánh chính sách khắc nghiệt của Trung Quốc
-hà khắc đến nổi tượng Phật cũng thành tro bụi-
ngay trong khuôn mặt thờ ơ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
khi ông tham dự một ngày hội nghị thượng đỉnh của BRIC

Yeshi đã viết và để lại trước khi chết
"Thực tế, người Tây Tạng đang tự thiêu trong thế kỷ 21
là để cho thế giới biết về sự đau khổ của họ".
Nhiều vị tu sĩ Phật giáo trẻ,
đã hy sinh, tự thiêu để bày tỏ
nỗi bất bình bằng trước sự cai trị dã man
Sự vô thường của ngọn lửa
người
là một tiếng gào thét để thu hút sự chú ý của các nước phương Tây
trước chính sách diệt chủng Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc.

Lại một vụ tự thiêu của một người Tây Tạng
vang xa như âm thanh của một đại hồng chung
Đang mời gọi: hãy cứu lấy Tây Tạng!
Hãy hành động NGAY.

http://news.yahoo.com/tibetan-dies-self-immolation-india-hu-visit-095311215.html

Friday, March 30, 2012

Torch of Jamphel Yeshi



                                                                                         Photo: AP 
Torch of Jamphel Yeshi

Yet another Tibetan man, Jamphel Yeshi, died running-burning
in New Delhi
Tibetans protest with their ignited faces
Reflecting the flames of harsh Chinese policies that reduce the Buddha to ashes
Right into the indifferent face of Chinese President Hu Jintao as he arrived
for a one day summit of BRICS building with India

Yeshi wrote as he died

"The fact that Tibetan people are setting themselves on fire in this 21st
century is to let the world know about their suffering."
Many young Buddhist monks and nuns

burn,
voicing in the terrible awareness of the voice of their hot flames
A cry to attract the attention of Western countries
to China's Tibetan genocide.


Another self-immolation of a Tibetan

rings out like the sound of a great bell
Inviting, demanding action NOW

Monday, March 26, 2012

Ba Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo – Hãy Gieo Ba Hạt Giống Lành



      Photo: from http://dantri.com.vn/


Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo –
Hãy Gieo Ba Hạt Giống Lành
“Give me a lever long enough and a fulcrum on which to place it, and I shall move the world”. Archimedes.  Tạm dịch theo quan điểm Phật giáo.  “Hãy cho tôi một điểm tựa tâm linh và đầy đủ phương tiện, tôi sẽ di chuyển thế giới này...”

Hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, nhất là về cuộc sống tâm linh.  Vì đó là nền tảng đạo đức, phẩm chất giá trị của con người, và sự phát triển theo chiều hướng tốt của xã hội.  Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ cho sự hòa bình, hưng thịnh, nhân cách con người, và trái đất mẹ. Trong kinh điển Phật giáo, chúng ta thường được nghe những cụm từ “ba” chữ đi liền với nhau như: Phật-Pháp-Tăng (Ba Ngôi Báu); Giới-Định-Tuệ (Tam Vô Lậu Học); Tín-Hạnh-Nguyện; Văn-Tư-Tu; Bi-Trí-Dũng; Hoà-Tin-Vui v.v… những con số “3” trong Phật giáo có thể xem như là “sự vận hành”; là phương thức để “hành trì”; công phu để “tu tập”; đó chính là nền tảng “huân tu” trong lãnh vực giáo dục của Phật giáo.
Chúng ta, “nói riêng” có thể tùy nghi chọn bất kì một cụm từ nào để làm nền tảng huân tu cho chính bản thân mình, rồi từ đó chúng ta mang "phương pháp thực tiễn này / this practical way” vào trong xã hội đương thời.  Trong kinh điển của Phật giáo, nền tảng cho sự giáo dục đạo đức con người để đi đến tiến trình giải thoát chính là Giới-Định-Tuệ.  Trong bài tham luận của thầy Thích Quang Thạnh với chủ đề “Phật Hóa Gia Đình & Đạo Đức Xã Hội” tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử Toàn quốc năm 2011 tại Đà Nẵng, Thầy đã nhấn mạnh rằng: “Phương thức Giáo dục Tuổi trẻ Phật Giáo trong thời Hội nhập” sẽ mở ra một chân trời mới, để trợ giúp cho Thanh-Thiếu-Niên luôn có một trái tim đầy nhiệt huyết, thấm đượm được giá trị “Tài-Đức-Trí” của một người hoàn thiện.  Sắc thái của bài tham luận này là “Giáo dục Tâm lý” và “Giáo dục Phật giáo”, trong đó Thầy khẳng định lấy Giới-Định-Tuệ làm nền tảng cho sự giáo dục trong đạo Phật.
Ở đây, chúng tôi xin nêu ra “ba hạt giống” hay “ba phương thức” chính yếu để làm nền giáo dục tuổi trẻ Phật giáo ngày nay.
I. Build:  Lay a solid foundation and practice its core values. (Xây dựng) / Phải đặt một nền tảng Phật giáo vững chắc và thực hành giá trị cốt lõi.
       Hãy chọn bất cứ giá trị nào trong các pháp môn như: Tam Quy-Ngũ Giới; Tứ Vô Lượng Tâm (Từ-Bi-Hỷ-Xả); Bát Chánh Đạo; Tứ Nhiếp Pháp; Lục độ; v.v... mà “HÀNH TRÌ”, thì đó mới là nền tảng vững chắc.  Sự thánh thiện này sẽ mở cửa cho một nền giáo dục nhân bản, hoàn thiện và thích đáng hơn.
         Hãy tạo một môi trường tốt cho tuổi trẻ.  Tuổi trẻ cần có những “sân chơi” hay “điểm đến” lành mạnh. Tổ chức GĐPT là một ví dụ.  Trong tổ chức GĐPT, sự giáo dục được đặt trên nền tảng chủng tử và huân tập.  Ngoài ra, Đạo Phật Ứng Dụng (Engaged Buddhism) - đã nêu ra phương thức giáo dục và ứng dụng rất  hữu hiệu và thực tiễn.  Nói chung, nếu chúng ta có một nền tảng bất thối chuyển; một điểm tựa vững chắc; thì chúng ta sẽ có một tương lại rạng ngời, một hướng đi mới, một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ.  Và cứ thế, chúng ta tiếp tục vận hành sự TU HỌC và HÀNH TRÌ những giá trị cốt lõi đạo đức đó, thì nền tảng giáo dục của Phật giáo cho tuổi trẻ ngày càng thêm vững mạnh.
II. Transform:  Metanoia - A shift of Mind (Chuyển hóa) / Thay đổi cái nhìn (perception) của mình.  Be innovative / !!!
        Trong kinh Pháp Hoa có dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm tạo tác...”, ngày nay các nhà nghiên cứu về giáo dục như Peter Senge nhấn mạnh: “Sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức” (Senge 2000).  Ngài Dalai Lama trong cuốn sách Nghệ Thuật của Hạnh phúc (The Art of Happiness) có chia sẻ “chỉ đổi cách nhìn của mình không thôi cũng đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn”.
       Tuổi trẻ như một tờ giấy trắng, nên phải tạo cơ hội và huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắng nhằm chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ.  Albert Einstein có nói: “Only a life lived for others is a life worthwhile”.  Cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất.  “Mình phải chuyển đổi các em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi”, v.v... thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”.  Dạy các em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha.  Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.” (trích trong tập Tâm Bút của Trần Trung Đạo, trang 11).
        Thêm vào đó, trong thuyết Đầy tớ Lãnh đạo (Servant Leadership), phục vụ nhân sinh là nền tảng của lãnh đạo (Greenleaf, 1977).  Trong Phật giáo đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật” tạm dịch “service to all sentient beings is honoring to the Buddhas”.  Chư Tổ lại dạy: Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” nghĩa là “Một ngày không làm, một ngày không ăn”.  Vì thế, ai trong chúng ta cũng phải tự chuyển hóa chính mình trước qua tư tưởng, suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình.  Có thể là những việc làm thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như giúp đỡ những người bệnh tật, giúp giảm các nạn nghèo đói, làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi sinh, chăm lo người già, hướng dẫn thiếu nhi học tập đạo đức v.v... đó là sắc thái của sự lãnh đạo và giáo dục thực tiễn có hiệu quả.
III. Act:  Put the ideas into practices. (Hành động) / Đặt ý tưởng vào hành động.
        Ai trong chúng ta, từ cá nhân đến tổ chức, cũng đều có những ý tưởng, ý kiến hay và đẹp. Những ý kiến này cần được dung hòa, khai triển, rồi đưa vào thực tập.  Sự thí nghiệm nào cũng là bước đầu cho sự tiến bộ của nhân loại nên đạo Phật của chúng ta có phương thức “tùy duyên, bất biến” là vậy!  Ví dụ: khi thấy những nơi khác có tổ chức các khóa tu học, hội thảo, khóa niệm Phật, thiền hành, v.v... được thành công, thì mình cũng nên học hỏi và mang về thử nghiệm, hòa nhập ở bối cảnh địa phương của mình nếu cho phép.  Chắc hẳn, sau vài lần tổ chức, những kinh nghiệm đó sẽ được cải tiến và giàu mạnh thêm.  Các nhà sinh vật học gọi đó là adaptation or evolution.  Nói một cách khác là: Performance, Feedback, and Revision (Thực hiện, nhận hiệu suất/chỉ trích, và sửa đổi cho tốt hơn).
Hai ví dụ dưới đây là điển hình:
        Về phần tu học cho tuổi trẻ:  Ở trong nước, có những buổi Hội Trại Tuổi Trẻ và Cuộc Sống do thầy Thích Nhật Từ đề xứng được rất nhiều lợi lạc và thành công.  Những buổi hội thảo và những trại vui chơi, huấn luyện như vậy rất cần thiết để tạo một nền tảng đạo đức và huân tập những đức tính tốt cho tuổi trẻ.  Ở Hải ngoại, sự tiên phong tổ chức trại Tu Học của GĐPT Miền Tịnh Khiết ở Tu viện Mộc Lan, Mississippi năm 2011 là một thành công lớn cho tuổi trẻ GĐPT.
       Tu học đại chúng:  Ở trong nước, có những khóa học ở chùa Hoằng Pháp, Tu viện Viên Chiếu, Tu viện Trúc Lâm, v.v... rất thành công cho đại chúng.  Ở Hải ngoại, GHPGVN TN HK thấy sự thành công từ các khóa Tu học tại Âu Châu và Úc Đại Lợi, nên đã phối hợp cùng Canada tổ chức khóa Tu học lần đầu tiên tại Bắc Mỹ năm 2011 và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.  Mặc dù địa dư và bối cảnh ở Bắc Mỹ rất khác so với Úc hoặc Âu Châu, nhưng chắc chắn sau vài lần tổ chức Giáo hội sẽ được thành công mỹ mãn.  Nếu chúng ta đều có bản lĩnh tốt để thực hiện những ý tưởng đó, không sớm thì muộn cũng sẽ được đơm hoa kết trái.
Tóm lại, tuổi trẻ là tuổi đầy nhiệt huyết và cần sự nâng đỡ của người lớn, hầu góp phần phát triển nhân cách và đạo đức.  Ba hạt giống đó là:  (1) Xây dựng - Phải đặt một nền tảng giáo dục Phật giáo vững chắc và thực hành những giá trị cốt lõi.  (2) Chuyển hoá - Thay đổi nhận thức của mình để hướng thiện và (3) Thực hành- Đặt ý tưởng vào hành động thực tiễn là những phương pháp cụ thể để triển khai những giá trị giáo dục trong Phật giáo. Bằng những giá trị cốt lõi của Phật giáo như: Bi Trí Dũng, Tam Vô Lậu Học hay phương diện Văn Tư Tu, Tài Đức Trí, v.v... chúng ta có thể gieo hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo, hầu chuyển hóa và nâng đỡ tuổi trẻ có một hướng đi thánh thiện, thành đạt và có giá trị xứng đáng trong cuộc sống để giúp mình, giúp đời và nối tiếp con đường của Phật tổ.

Tham Khảo
1.     Peter M. Senge.  “Give Me A Lever Long Enough…. And Single-handed I Can Move the World.” (Page 13-25.) The Jossey-Bass Reader on Educational Leadership, Jossey-Bass, San Francisco, 2000.

2.     Shields, C. M., Edwards, M. M., & Sayani, A. (Editors). INSPIRING PRACTICE: Spirituality and Educational Leadership, Pro>Active Publications, Lancaster, PA., 2005.

3.     Thích Quang Thạnh.  Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo trong Thời Hội Nhập.  Tải xuống từ trang nhà daophatngaynay.com, ngày 7 tháng 1, 2012.  http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/9444-Phuong-thuc-giao-duc-tuoi-tre-Phat-giao-trong-thoi-ky-hoi-nhap.html

4.     Trần Trung Đạo, Tâm Bút Trần Trung Đạo, Tác giả xuất bản, 2005.


                                                                            TÂM THƯỜNG ĐỊNH

 Bạn có thể đóng góp ý kiến hay liên lạc tác giả qua blog phebach.blogspot.com hoặc email: kxbach@yahoo.com.






Saturday, March 24, 2012

Vĩnh Biệt Người Cả GĐPT



Vĩnh Biệt Người Cả GĐPT
            Tưởng niệm anh Tâm Huệ - Cao Chánh Hựu

Chiều Cali nắng vàng 
Mà sao trời se lạnh
Nghe hối tiếc chiều nay
Khi anh Cả ra đi.

Anh thạch trụ nhà Lam
Khiêm cung và từ tốn
Sống cuộc đời âm thầm
Dựng xây cho tổ chức.

Một người anh mẫu mực
Anh suốt đời hy sinh
Cho đạo pháp dân tộc
Cho thế hệ đàn em.

Anh đóa sen tươi mát
Trong vườn Lam thân yêu
Hương của người bát ngát
Trong cuộc đời tiêu diêu.

Anh đi mà sống mãi
Trong lòng các Lam viên
Chúng em là nối tiếp
Sự tiếp nối nhiệm mầu.

Tâm Thường Định - Bạch Xuân Khỏe
Sacramento, California 3/24/09