Wednesday, September 19, 2018

CHÙM THƠ MỚI TỪ ẤN ĐỘ


"No Mud, No Lotus" - Photo BXK


CHÙM THƠ MỚI TỪ ẤN ĐỘ


HẠNH PHÚC CÁI MÌNH ĐANG CÓ
Cái có của Người
Cái không của Ta
Vẫn vui hiện tại
Ganh ghét buông xa!


VẺ ĐẸP TỰ THÂN
Dòng sông bao nhiêu nhánh
Mây cao có mấy tầng
Ai ơi đừng so sánh
Sông mây đẹp muôn ngần!


MẤY CHẤT ĐỘC
Tham cầu ngủ nghỉ
Ăn uống danh vọng
Tiền tình long đong
Sao không buông bỏ?



HUỐNG CHI SANH TỬ
Nhân gian vẫn thế
Đại tiện, tiểu tiện
Vẫn phải tự lo


QUÁN CHIẾU
Bao ngày reo bán rau xanh
Mà treo lá héo có thanh chút nào
Nỗi buồn ta có lao đao?


THUYỀN VÀ SÓNG
Sóng biển có giận dữ?
Sao cuồng nộ phong ba
Ồn ào rồi yên ả
Khi thuyền mãi đi xa!


DÒNG SÔNG CẠN
Dòng sông cạn đất khô vàng lênh láng
Cây còn xanh nhà thưa thớt đó đây
Ai xa nhà bỏ Làng quê tổ ấm
Vì áo cơm ai nuốt lệ âm thầm
Đây đất lành một thời chim đậu
Ai đã làm ô nhiễm, cạn dòng sông?



TẦM VÀ TÂM
Nếu kế hoặch có tầm, có tâm sẽ khác
Đất nước nào cũng sẽ tiến lên
Xin đừng học những gì đổ nát
Đừng khóc than cho thân phận bọt bèo.



GIÀU NGHÈO

Ta còn nghèo nhưng không nghèo tình nghĩa
Sống xẻ chia thời lượng, chút tình
Hãy san sẻ những gì bạn có
Dù nụ cười hay lời nói trung trinh

Ta còn nghèo nhưng đừng nghèo phẩm chất
Sạch và thơm từ lời nói đến việc làm
Xin hãy cho vì khi cần thì nhận
Đời tương quan như hơi thở thân tâm

Ta còn nghèo xin đừng nghèo tình nghĩa!






GIỮA ĐƯỜNG
Có những Bà mẹ nằm lăn giữa phố
Bỏ con nằm côi cút cạnh bên
Rùi bu, kiến đỗ lênh đênh
Nhân tình thế thái có tên là gì?


CÓ BÀ MẸ
Ôi Mẹ già
đen thui đen thủi
Tay run run đi giữa rừng xe
Đưa tay 
xin 
cắc Rupee*
Mà nghe nước mắt
lâm ly vô thường.

*Tiền Ấn Độ


CẢNH CHỢ CHIỀU
Em nằm giữa những hành lang
Anh đi thất thiểu lang thang phố buồn
Chị buôn giữa bão 
Mưa tuôn
Ai đi gieo hạt…
Chưa buông đã sầu 
Cõi trần cơ cực chi đâu
Linh sinh vô số lo âu cuốc cày
Thì ra nhân quả mảy may
Mà sao nước mắt mặn cay thế này!




TRONG CON HẺM CHẬT
Cái hẻm nhỏ tẹo tèo teo
Mà bao kiếp sống vẫn đeo tháng ngày
Trẻ em bụi bặm loay hoay
Mua tần bán tảo đâu hay kiếp nghèo
Mười lăm tuổi bé tẻo teo
Em không biết chữ lại đèo thêm em
Tới gần mới nhận ra em
Là tôi kiếp trước đâu thèm tặng cho
Bây giờ đừng có đắng đó
Cho nhau vô ngại không so lòng người
Cho nhau một nụ cười tươi
Vì cho và nhận rạng ngời chân như!




TA THẤY EM

Kẻ du thủ rong chơi trên xứ lạ
Sau thuyết trình mang chánh niệm vào đời
Ai chở mộng đi về miền đất hứa
Thấy xanh xao thân xác lũ em thơ

Thấy mẹ gầy, chị đen thủi trơ vơ
Ôi bụi bặm với người xe đông đúc
Ta cứ ngỡ người như sông có khúc
Ai bơ vơ xô dạt bến sông Hằng

Ta thấy thần thấy thánh cũng bất năng
Theo gót Phật thấy trần gian mộng mị
Bao trầm luân bao đau khổ lâm li
Thì mới ngộ ra con đường Trung Đạo

Ta thấy Phật trong em qua diện mạo
Ta thấy ta qua mưa gió cuộc đời
Ta thấy người có Phật tánh muôn nơi
Ta thấy cả hư vô trong khoe mắt.




VU LAN VÀ BA MẸ

Vu Lan nhớ Mẹ thương Ba
Tình sâu nghĩa nặng đậm đà song thân
Tình thương Ba Mẹ trong ngần!



NGỒI ĐÂY ĐẤT TỊNH

Ngồi thiền trên mãnh đất thiêng
Nghe đâu vạt nắng nghiêng nghiêng vô thường
Vai tròn còn đọng hạt sương
Hơi đều thở nhẹ tỏa hương ngát lòng


KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA
Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có có-không bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!




Saturday, September 15, 2018

VẪN CÒN THƯƠNG

Googled 'kids in Vietnam' 

VẪN CÒN THƯƠNG

Nhật nguyệt có nhau từ thuở đó
Gió và mây bảng lảng bên đời
Giữa phố phường bao trẻ mồ côi
Đời dâu bể phiêu bồng trôi giạt

Anh mù mắt vẫn ôm đàn ca hát
Mệ già nua vẫn bán vé số ngoài đường
Giữa rác rưởi trẻ thơ lăn lóc nắng sương
Thương và xót cho người dân thống khổ

Quan tài đi qua hư danh vô số
Ai còn vương... xó chợ yêu thương!
Ai còn thương quốc tổ quê hương
...Vẫn còn đó tình người và nhân loại!

Bạch X. Phẻ

Đọc tiếng Anh ở đây. Read English here. 

Thursday, September 13, 2018

TÂM và TẦM

USS Midways - San Diego. Photo: BXK

TÂM và TẦM 

Nếu kế hoặch có tầm, có tâm sẽ khác
Đất nước nào cũng sẽ tiến lên
Xin đừng học những gì đỗ nát
Đừng khóc than cho thân phận bọt bèo.

Bạch X. Phẻ

Saturday, September 8, 2018

DÒNG SÔNG CẠN

Google search: polluted river in Vietnam 

DÒNG SÔNG CẠN


Dòng sông cạn đất khô vàng lênh láng
Cây còn xanh nhà thưa thớt đó đây
Anh xa nhà, bỏ làng quê, tổ ấm
Vì áo cơm em nuốt lệ âm thầm?

Đây đất lành một thời chim đậu
Ai đã làm ô nhiễm, cạn dòng sông?

Bạch X. Phẻ
Mùa thu, 2017. 

Tuesday, September 4, 2018

THẦY GIÁO LÀNG XƯƠNG LÝ

Lời dẫn từ chú Hân Võ:
Thầy Văn-giáo làng đã từ giã vĩnh viễn chúng ta, những đứa học trò nhỏ-một thời cặp sách đến lớp ê a với người. Thầy ra đi để lại một nỗi mất mát, thương tiếc, và khơi dậy một thời bao kỷ niệm... 

Xin nguyện cầu hương linh của Thầy sớm về cõi Niết Bàn.
Thành kính phân ưu với cô và gđ. 

Vì hoàn cảnh của Thầy, ra đi để lại một người vợ tàn tật (không biết cuộc sống của Cô rồi sẽ ra sao khi không còn thầy bên cạnh?), Hân xin đề nghị: Chúng ta quyên tiền phúng điếu; Trước là trang trải ma chay, sau là dư lại chút ít giao lại cho người lo lắng chăm sóc Cô. 
Nếu ai ủng hộ tiền phúng điếu, xin liên lạc:
Hân Võ (408-218-0747) ở Mỹ 
Như Thảo ở Sài Gòn 
Dathuc Tri Nguyen ở Nhơn Lý
hoặc gởi thẳng đến gđ. 
Nam Mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật
Mô Phật
Thành kính phân ưu


THẦY GIÁO LÀNG XƯƠNG LÝ
Kính tiễn Thầy Văn

Thầy giáo làng năm ấy
Nay vĩnh viễn ra đi
Bao tuổi trẻ xuân thì
Học chữ vơi nghèo khó

Bao trẻ thơ bỡ ngỡ
Hay lạc lõng bơ vơ
Thầy bỏ công dạy dỗ
Ôi cái "hòm" lơ mơ!

Ai biết mà hoảng sợ
Học hành cho nên thân
Nay thành nhân hay thợ
Cũng là một trọng ân

Thầy đi như vạt nắng
Vực chiều loang ánh hồng
Thầy đi lòng nhẹ lắng
Tâm hương cõi hư không.  

Bạch X. Phẻ
Sacramento, CA

Monday, September 3, 2018

Bùi Giáng: Cái Được Thấy Là Khổ Đế

Bùi Giáng: Cái Được Thấy Là Khổ Đế

Nguyên Giác

Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng.

Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế.

Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế.
Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe.
Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển lộ qua cách thõng tay vào chợ.
Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/không, dứt bặt đúng/sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh.
Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều thập niên qua.

blank

*

Bùi Giáng là nhà thơ, là dịch giả, là nhà bình luận văn học.  Ông sinh ngày 17 tháng 12/1926 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; từ trần ngày 7 tháng 10/1998 (thọ 71 tuổi) tại Sài Gòn. Như thế, vài tuần nữa là tròn hai mươi năm nhà thơ Bùi Giáng qua đời.
Bản thân tôi, khi còn là một cậu học trò lớp Đệ Lục (bây giờ là lớp 7) đã say mê đọc Bùi Giáng. Tôi đọc đi đọc lại những cuốn Bùi Giáng viết về Bà Huyện Thanh Quan, về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính, về truyện Kiều và truyện Phan Trần, về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, về Chu Mạnh Trinh, và về một số người khác.
Trong đó, khi ra đề bài cho học sinh trung học, Bùi Giáng từng hỏi, thí dụ tương tự như (tôi chỉ nhớ lờ mờ, không nhớ chính xác): vào vườn Tao Đàn chơi, em sẽ nói gì nếu tình cờ gặp thi sĩ Chu Mạnh Trinh; nếu phải biện hộ cho Hoạn Thư về những hành vi đối với nàng Kiều, em sẽ nói gì… và vân vân.
Lúc đó, tôi hình dung rằng Bùi Giáng phải là một nhà giáo hàng ngày trang phục nghiêm túc, phải mang kính trắng, phải đi xe đạp hay xe mô-bi-lét, sáng đi chiều về tại một trường trung học nào đó ở Sài Gòn; hay, khác đi, hẳn phải là một nhà văn ngồi hàng ngày ở nhà xuất bản. Lúc đó, tôi muốn tìm mua hết các sách về văn học của Bùi Giáng, thế là nhiều lần tôi đi xe đạp tìm địa chỉ nhà xuất bản Tân Việt – lúc đó, ghi sau bìa sách giảng văn – nằm gần Tân Định trên đường Phan Đình Phùng (hay Phan Thanh Giản?), một con đường xuyên từ Chợ Lớn tới Tân Định. Lần nào đi ngang cũng thấy cửa đóng, mà trông không có vẻ gì như nhà xuất bản hay nhà in, chỉ nhìn như nhà dân thường, mà phải là giai cấp trung lưu trở lên.
Sau nhiều lần đi ngang, một lần tôi liều mạng, tới gõ cửa. Một người đàn ông mở cửa, nhìn tôi ngạc nhiên, nói rằng đây không phải nhà xuất bản nào hết, cũng không có thầy giáo nào tên Bùi Giáng trong nhà. Thế là cậu học trò lủi thủi, phóng lên xe đạp, biến mất với lòng thất vọng, tiếc là mình tới địa chỉ đó trễ mất nhiều năm. Và rồi nhiều năm sau, khi lên bậc Đại học, qua lại trong các sân trường Văn Khoa, Vạn Hạnh… gặp nhiều cuốn sách khó hơn, cả thơ và bình luận triết học, của Bùi Giáng, mới biết rằng ông là một nhà thơ bụi đời, ăn mặc dị thường, được nhiều người cho là điên, thường mang túi xách rách rưới y hệt truyện kể về Tế Điên Hòa Thượng, thường tới lui Đại học Vạn Hạnh và các sân chùa. Lòng tôi vẫn suy nghĩ rằng, một nhà bình giảng văn học cực kỳ sắc bén như ông, hiển nhiên từng dòng thơ không thể nào cạn cợt như người đời thường.
 Một lần tới quán cà phê Nắng Mới trước khuôn viên Đại Học Vạn Hạnh, tôi được các bạn chỉ một người đi lang thang trên đường Trương Minh Giảng và nói đó là nhà thơ Bùi Giáng.
Thế đó, ngó Bùi Giáng là thấy Khổ Đế liền. Tôi nghĩ, hóa ra, Kinh Phật không khó hiểu tí nào.
Và rồi, ông mỉm cười với mấy tên sinh viên đang ngồi bên các ghế thấp hè phố. Thế đó, nụ cười Bùi Giáng đã hiển lộ Đạo Đế, tràn ngập an lạc. Tôi nghĩ, không ngờ Kinh Phật được tuyên thuyết ngay giữa phố chợ như thế.
Niềm an lạc khi nhận ra Tứ Diệu Đế lúc đó lan khắp toàn thân của tôi, toàn thân mát rượi. Nhưng mình không hiểu hết mọi chuyện. Lúc đó, lại quay sang bàn chuyện học thi với các bạn. Nhiều thập niên sau, tôi mới từ từ nhận ra ba đời chư Phật không lìa đâu xa, ẩn nghĩa đang nằm ngay trong đời thường quanh mình. Thỉnh thoảng, tôi lại tìm đọc thơ của ông, đôi khi lại vẽ ông. Và bây giờ, với lòng biết ơn, xin viết về ông.

*
Xin mời đọc toàn văn bài thơ sau trong thi tập Bài Ca Quần Đảo (1973) của Bùi Giáng, để thấy nửa đầu là Khổ/Tập Đế, nửa sau là Diệt/Đạo Đế:
.
Có lẽ (I)
Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ
Những chùm bông rất xanh
Có lẽ bông là lá
Người nằm ngủ thấy gì
Chẳng thấy gì hết cả
Ngài thử nằm ngủ đi
Đừng hỏi gì hết cả
.
Bài thơ trên có thể làm người học Phật giựt mình, vì gợi nhớ một bài kinh. Bài thơ chia làm hai phần: phần đầu nói về giấc ngủ có mộng, thấy nắng, thấy hoa và lá; phần sau là giấc ngủ không mộng. Đức Phật có ít nhất hai bài kinh giải thích về giấc ngủ có mộng và không mộng.
Trong Kinh SN 10.8 (Sudatta Sutta), khi Sudatta hỏi Đức Phật ngủ đêm qua nơi vườn và được trả lời, bản Anh dịch Sujato, dịch như sau:
.
A brahmin who is fully extinguished
always sleeps well.
Sensual pleasures slide off them,
they’re cooled, free of attachments. (1)
DỊCH:
Một bậc phạm hạnh đã hoàn toàn tịch diệt
luôn luôn ngủ ngon.
Niềm vui ái dục biến mất [trong tâm] rồi,
họ tịch lặng thanh lương, xa lìa mọi dính mắc.
.
Kế tiếp, tới Kinh AN 3.35 (Hatthaka Sutta), kể rằng lúc đó Đức Phật đang cư ngụ trong một vườn cây simsapa, dưới mặt đất là gập ghềnh dấu chân bò trong khi tuyết rơi, gió lạnh, Hoàng Tử Hatthaka xứ Alavi tới thăm, hỏi rằng Đức Phật có ngủ ngon không. Đức Phật nói rằng ngài ngủ ngon. Hatthaka thắc mắc rằng vì sao có thể ngủ ngon trong khi trời lạnh, mặt đất gồ ghề.
Đức Phật nói, bản dịch Bodhi, trích:
.
He always sleeps well,
the brahmin who has attained nibbāna,
cooled off, without acquisitions,
not tainted by sensual pleasures.(2)
DỊCH:
Vị đó luôn luôn ngủ ngon,
bậc Phạm hạnh đã thành tựu Niết bàn
đã tịch lặng thanh lương, không còn gì để tìm
và không nhiễm gì bởi niềm vui ái dục. 
.
Có phải Bùi Giáng luôn luôn ngủ ngon, ngay cả trên hè phố gập ghềnh? Chúng ta không rõ. Nhưng, bất kỳ ai trong cõi này cũng đều biết rằng không tình cờ mà chúng ta có giấc ngủ không mộng. Phải tu ráo riết lắm, phải tu thậm thâm lắm, mới ngủ không mộng.

*

Bài thơ Mắt Buồn của Bùi Giáng cũng có phong cách tương tự bài thơ nêu trên, cũng hai phần: với nửa đầu bài thơ là Khổ/Tập hiển lộ qua các hình ảnh ba cõi bất an như: hao mòn, chiêm bao, náo động, bão giông, khóc đêm, triền miên trôi; với nửa sau là Diệt/Đạo, ly nhất thiết tướng, buông bỏ toàn bộ [sắc thanh hương vị xúc pháp]… để rồi trở về hiện tại [bây giờ], tự quán sát với mắt trí tuệ [riêng đối diện tôi], khởi tâm Bồ tát đi vào cõi này để kham nhẫn mắt lệ từ bi [khóc người một con]. Bài thơ dị thường này toàn văn như sau.
.
Mắt buồn
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi (Nguyễn Du)
.
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi
.
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

*

Một bài thơ khác cũng có thể làm các Phật tử giựt mình. Nhan đề “Chào Nguyên Xuân” tức khắc gợi tới hình ảnh của an lạc, của ánh sáng tuệ giác, của một pháp vô vi, không do tạo tác mà nên [nguyên = vốn sẵn, lìa sinh diệt]. Đó là Niết Bàn. Bài thơ chở theo một nỗi buồn man mác, khi nói về lẽ vô thường [tóc xanh phai màu], về con đường [sinh tử luân hồi], về bờ nước [gương tâm] vốn vô ngã nhưng lại hiện lên bóng ta và bóng người [chấp có ta, có người], có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con [bàn tay có 5 ngón, là pháp hữu vi, có già chết; còn bóng con là pháp vô vi, không thấy được nhưng không lìa hữu vi mà có], có Khổ Đế với khóc đời bạc mệnh, nhưng nơi tịch lặng của Niết Bàn hễ nói nữa là sai… Bài thơ lạ lùng này, toàn văn như sau.
.
Chào Nguyên Xuân
 Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
.
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
.
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
.
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin cam
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
.
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
.
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
*

Tới đây, là một bài thơ rất ngắn, nhan đề Bao Giờ. Bài thơ ông làm chỉ ghi lại những cái được thấy đang trôi chảy trong dòng thời gian vô thường, mà không hề đưa ra đánh giá hay tư lường [cái được thấy: chì đen, chép thơ, tường trắng, lá lục hồng, than hồng, đốt, từng phút từng giờ]. Và rồi, Bùi Giáng so sánh việc ông làm thơ y hệt như cười và khóc bâng quơ [tôi cười tôi khóc bâng quơ], và hỏi rằng độc giả có nhận ra ẩn nghĩa không [có ngờ chi không].
 
Chúng ta dễ dàng nhớ tới bài Kinh Bahiya Sutta, nơi đó Đức Phật dạy cho ngài Bahiya pháp tức khắc xa lìa tam giới [không với đó, không trong đó] và do vậy, giải thoát: 
“Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri... thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
 
Bài thơ Bao Giờ của Bùi Giáng toàn văn như sau.
.
Bao Giờ
Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
.
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
.
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
.
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.
.
*
Trong nhiều năm qua, người viết trong những lúc rãnh rỗi, đã vẽ nhà thơ Bùi Giáng vì lòng kính mộ, vì lòng biết ơn. Trong đó có một tấm tranh trao tặng nhà văn Đào Hiếu năm 2014, khi vị tôn túc trong làng văn này từ VN sang chơi Quận Cam, ghé nhà thăm. Đó là tấm vẽ bằng mực Tàu trên giấy trắng, tấm duy nhất có bộ ria kiểu Hitler cho ngài Bùi Giáng.
blank
Hôm nay, xin gửi hết 8 tấm tranh lên mạng, không giữ bản quyền, để bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng. 
Nét vẽ vụng về, không hiển lộ được Khổ Đế (huống gì là Đạo Đế), nhưng như thế đã là tận lực.
 
blank   -- blankblankblankblankblankblank   --  --  -- 
    
Những dòng chữ này và các nét vẽ này xin trân trọng cúng dường một nhà thơ lớn, và cũng là người tự thân hiển lộ được Tứ Diệu Đế.
 
Nguyên Giác
GHI CHÚ: