Saturday, November 30, 2019

Ngô Mạnh Thu, người lái đò trên Dòng Sông Trăng

Ngô Mạnh Thu, người lái đò trên Dòng Sông Trăng

Uyên Nguyên 

NGO MANH THU 1
Dòng Sông Trăng
Nhạc sĩ: Ngô Mạnh Thu
Trình bày: Thanh Lan
Trích từ Album Nhớ Vu Lan
Trình chơi Âm thanh

Còn đây lễ lạc con người
Vườn hoa gác cũ lệ đời đã xa
(Trịnh Công Sơn)
1969230_777713242275355_849148166270715314_n1.
Vạn pháp vô thường, nên danh chẳng thật có. Thân phận con người nổi trôi bọt bèo, hợp tan, biến hiện theo dòng sinh diệt, diệt sinh… Mỗi ngày qua, tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn điều này và nhiều thêm nữa từ sự đột biến ngã quỵ, và đột ngột qua đời của người Anh thương quý Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu.
Chỉ trong một khoảnh khắc thời gian thật ngắn ngủi, bằng sự ra đi của chính mình, người nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã làm thành một tác phẩm lớn, một bản Thiền Ca, Đạo Ca và Tình Ca Quê Hương bằng những ca từ “sắc không vô hình tướng”, mà vẫn “thơm ngát ý nguyện cầu”… Tác phẩm như tia chớp sáng lòe xẹt ngang trên đỉnh phận con người, bất chợt, bắt mình phải dừng lại giây lát để một lần tự hỏi với chính mình: “là hư hay ảo?”.
Và trong thời khắc vỡ bùng tính giác ấy, biết đâu tất cả chúng ta sẽ có cơ hội tung mình trườn tới, vượt qua mọi trật tự tù ngục hạn hữu của không gian và thời gian, nghĩa là đúng vào cái lúc tia sáng lòe Ngô Mạnh Thu như ngọn thiền trượng vung cao rồi bất thần quật xuống, đánh dội thật mạnh làm đau điếng tận cùng tâm thức đang đóng đầy bụi mờ, thì cũng là lúc ta còn kịp nhận ra, rằng, mình cũng đang mang một “cõi hình phù du”, thì có cần hỏi thêm chi về chuyện “hư hay ảo”
2.
Từng ngày qua, là những ngày đã mất, điều mà tôi đã cảm nhận kia lại thêm phần thấm đậm qua câu chuyện do anh Tâm Trí Nguyễn Quang Vui kể lại chung quanh cái Pháp danh TÂM HÒA ở một buổi chiều tại ngôi nhà vốn từ lâu đã chẳng còn có ai là chủ, và ai là khách, bởi chủ nhân của nó – Anh Thu – là người thích quanh năm bầu bạn…
Hơn 40 năm trước, sau ngày di cư, hai Anh Thu và Vui đã có cơ duyên quen biết nhau khi theo học trường Nhạc tại Sài Gòn. Thuở ấy cuộc sống hai người thanh niên trai trẻ như đã hòa thành một thể, nhờ Anh Thu có một Bà Mẹ nhất mực thương đám trẻ con bơ vơ “cơm hàng cháo chợ” như thương chính con ruột của mình, để lúc nào cũng san sẻ hòa chung cho chúng một bát cơm đầy, một vóc rau xanh, một đĩa đậu rán trong mọi lúc đói lẫn khi no… Tuổi trẻ các anh lớn dậy hồn nhiên, sung mãn, ấp đầy nhiệt huyết hòa điệu với nhau trong một Tình Thương của Mẹ. Mà chắc cũng nhờ như vậy nên Anh Thu đã sẵn mang một giòng máu đậm tình nhân nghĩa, một tâm hồn hòa ái khi sải bước vào đời giữa lúc quê hương ngập tràn khói lửa chiến chinh, để cất tiếng gọi mời tình thương đồng loại, xóa dấu hận thù đang bao trùm khắp nơi nơi: “Dìu nhau cho nhau nhận rõ lòng nhau… Dìu nhau đưa nhau chạy trốn khổ đau… Dìu nhau qua cơn lo sợ… Xin dìu nhau bằng đôi mắt bao dung cười, và dìu nhau tìm qua hướng chói chang mặt trời. Xin dìu nhau qua khổ đau, xin dìu nhau trong dài lâu…”
Anh Vui đã gia nhập Gia đình Phật tử sớm hơn Anh Thu, vì thấy nhu cầu văn nghệ đang cần thêm người phụ trách, nên đã rủ Anh Thu cùng tham gia, nhưng bấy giờ Anh Thu chỉ nhận phần hướng dẫn văn nghệ cho gia đình làm chính.
NGO MANH THU 2Huynh trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu (hàng ngồi, thứ hai từ trái) – Ảnh tư liệu gia đình
Dần dà vì nhu cầu thăng tiến bản thân và đoàn thể, để trở thành Huynh trưởng chính thức của Gia đình Phật tử thì một trong các yếu tố phải có mà tất cả đoàn viên cần làm là quy y Tam Bảo, như vậy mới thực thụ là Phật tử sống trong khuôn pháp giới đã quy nguyện. Cho nên vì thế mà anh Vui một lần nữa đã nài ép Anh Thu “phải quy y để có Pháp Danh, mới có thể trở thành Huynh Trưởng”. Và nhân khi có đợt quy y do Thầy Tâm Giác chủ trì, anh thúc giục Anh Thu, nhưng lúc này tuy còn rất là trẻ, Anh Thu đã tâm sự: “thật tu thì tự bản thân tu tập được rồi, đâu nhất thiết phải có pháp danh…”.Nhưng rồi anh Vui nằn nỉ mãi, tự động làm luôn giấy xin quy y cho Anh Thu. Và khi Thầy Tâm Giác thiết lễ ghi Phái, đã có lời nhận xét: “… vì thấy cái nét hòa ái, hiền từ thể hiện ngay trong mọi cung cách hành xử và khuôn mặt của anh, nên đặt Pháp danh là TÂM HÒA…”
Vậy là cái pháp danh TÂM HÒA đã có từ lúc đó, mà suốt cả cuộc đời của Anh Thu về sau này luôn thể hiện không một mảy may sai lệch. Trong mọi tình huống cuộc đời, Phật tử Ngô Mạnh Thu đã “lừng lững mà đi” giữa dòng thác lũ oan khiên của mọi thời thế diễn bày muôn trùng sự sai biệt bất đồng…
3.
Anaheim, buổi tối nơi con phố tình thâm, từ gian nhà nhỏ nhìn ra sân trước, hàng cây cọ tựa hồ đang “đứng lặng trầm tư” ngóng đợi một bóng hình thân quen từ đây sẽ không còn dịp quầy lại. Ánh đèn vàng hắt hiu từ một góc tường phả ra không đủ làm sáng hết căn phòng nhỏ, nhưng vẫn đủ làm nên một sự ấm cúng đang là điều rất cần thiết cho gia đình, và cả cho chúng tôi ở vào cái khoảnh khắc nặng nhọc đang tập nhẫn chịu một sự thay đổi đột ngột và lớn lao, sự ra đi vĩnh viễn của Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu.
Nhìn sâu trong đôi mắt của người đang kể chuyện – anh Tâm Trí Quang Vui – có điều gì như sóng xô từ một cõi trùng khơi kéo vào tận bãi sâu, quấn quít, lôi kéo nhau tạo thành âm ba của bản tình ca dạt dào, bãi bờ lưu luyến, rồi cũng có lúc phải cuốn rút xa xôi, trở ra miền vô tận. Câu chuyện có lúc như ánh lửa bập bùng giữa đêm sâu, có lúc như lửa… rưng rưng khóc!!!
Lửa thắp lên soi rạng ba nghìn phương thế giới “trầm lời biển dâu”, lửa khơi nguồn từ một thuở vang vang bản Trường Ca do Anh Thu sáng tác, anh Vui đã có phần góp công tổng phổ và phân phổ…
NGO MANH THU 5Trưởng Ngô Mạnh Thu chúc mừng Thọ 70 của Trưởng Tâm Chánh Phạm Thị Hoài Chân,
nay là Sư Cô Tịnh Ngọc (Ảnh tư liệu)
4.
Anaheim, tháng ngày in hằn nỗi nhớ… nơi chốn ngày xưa tôi hồ mơ nghe như quyện giữa mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ bát nhang trên bàn thờ Phật, vang vang có tiếng dép lẹp xẹp, và bóng dáng Anh Thu hiện rõ sau mảng tường vôi trắng với nụ cười hân hoan như thể lúc nào cũng sẵn lòng chờ bạn đến chơi, rồi tiếng róc rách mỗi khi Anh nâng ấm rót trà thơm ra tách:
Mời nhau một chung trà thơm
Thơm từ tâm, thơm lừng hương Đạo
Thơm nghĩa bầu bạn, thơm tình anh em
Dòng sông Trăng sáng êm êmTâm Hòa vụt nở bên thềm Lăng Nghiêm…(Uyên Nguyên)
Bộ đồ nhật bình màu lam nhạt, hay nâu sòng là điều đã vĩnh viễn ghi khắc đậm sâu trong cõi ức tôi hình ảnh hiền hòa và chân chất thể hiện trong từng động tác của Anh, và cũng từ cái cung cách bình dị trong đời sống thường nhật ấy, tôi cảm nhận dung chất hài HÒA thoát ra từ TÂM Anh dẫu “sắc không vô hình tướng”, vậy mà đã đủ sức tỏa vào cái thế giới ba nghìn phương “trầm lời biển dâu” một sự bình yên “thơm ngát ý nguyện cầu”.
Mời nhau, ta mời nhau
Chung trà thơm, thơm lừng hương Đạo
Thơm tình Anh, thơm nghĩa ân sâu
Dòng Sông Trăng sáng bấy lâu
Quày Kim Cang đổ bên cầu nhân sinh.
(Uyên Nguyên)
Mỗi ngày qua, là những ngày đã mất, biết tìm đâu giữa không khí ngột ngạt của địa cầu lao ngục một chút tự do đích thực, “như con chim trong lồng thèm bầu trời bên kia màn lưới, như con én trong chậu mơ sống lại biển rộng sông dài. Là con người trên trái đất, ai không yêu tự do… Tự do ơi…”…
Hôm nay, Anh Ngô Mạnh Thu đã vươn cánh bay về miền tự do đích thực, và ở đó tiếng vỗ cánh vẫn đồng vọng âm ba một bản tình ca Quê hương thiết tha, báo hiệu sự bắt đầu của một vụ mùa thanh bình: “tôi đã thấy từ đồng hoang lúa ngô đã xanh tốt trổ bông. Tôi đã thấy từ bờ tre tiếng ai cười nói vang trên ruộng đồng. Tôi đã thấy từ dòng sông tiếng mái chèo khua nước thật đông. Tôi đã thấy người nhìn nhau… Tôi đã thấy từng bàn tay run run mừng đón nhau trên đường về… Tôi đã thấy ngọn triều lên xóa tan đi dấu nhăn trên cát mềm… Tôi đã thấy đường sạch trơn đưa tôi về tháng năm dịu hiền…”…
5.
Anaheim, những ngày tháng không quên, tôi ngồi đây bên cạnh người bạn già của Anh Thu – Tâm Trí Nguyễn Quang Vui – để nghe Lửa, “Lửa lên! Lửa lên! Lửa ơi… Lửa mang nguồn sống vô biên về… Lửa lên!… Lửa ơi!…”.Lửa tỏa bùng, Lửa thâm trầm, Lửa hòa nhập trong cung điệu người kể và thấm biến vào lòng người nghe… Lửa rưng rưng khóc!!!
Thì ra, lúc sống cho đến ngày ra đi, bản thân của người Huynh trưởng khả kính Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu đã là một bản trường ca bất tuyệt, như chính là ngọn lửa kia một thời cháy bỏng, chan hòa, nhập vào hồn người. Lửa phát tỏa nghìn tia ấm cho cõi đời thôi băng giá… Rồi mai, sẽ còn nguyên vẹn đây một ngọn lửa sáng rực, như ánh đuốc soi đường cho bao thế hệ các em của Anh tiếp bước, như lời nguyện Anh đã nhắn nhủ: “Chúng con xin nguyện theo bước Thầy, như ngày nào tim hồng Quảng Đức, đã nêu cao nguồn đạo Từ Bi, bao nhiêu năm nay còn sáng soi. Chúng con xin nguyện theo bước Thầy, Tâm Bồ Đề vẫn hằng kiên cố, quyết hy sinh vì đạo Từ Bi, đem yêu thương xóa mờ oán thù… Trong tăm tối Hương Sen tỏa ngát, trong u sầu Hoan hỷ tràn dâng, trong nguy khó nêu cao Đại Dũng, không phân vân không chút ngập ngừng…”…
Giờ đây, trong mọi thế cách khác nhau, mỗi chúng ta với tình thương và lòng trọng nể Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, đã dành tặng cho anh nhiều cái tên, nhiều tước vị, và một vị trí… Đứng trước hoàn cảnh đó, bao giờ và vẫn bao giờ, với Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, cũng chỉ có một lời nói tưởng chừng rất bâng quơ: “Thì cứ để đó”, bởi Anh Thu muôn đời vẫn là Anh Thu chứ không thể là ai khác biệt. Anh Thu không nhận tên, và cũng không nhận mọi tước vị, dù điều đó rất xứng đáng. Nhưng cũng không có nghĩa là Anh hờ hững với mọi tấm lòng thương kính trông cậy nơi Anh… nên Anh chỉ nhận việc, để một đời miệt mài với cái công việc rất bình thường của NGƯỜI LÁI ĐÒ TRÊN DÒNG SÔNG TRĂNG
6.
Anh Thu ơi,
Hôm nay ngày tiễn Anh, em hồ mơ thấy một Dòng Sông năm cũ, một ánh Trăng xưa vằng vặc đêm sâu đã chan hòa với Lửa, và người lái đò Ngô Mạnh Thu đã khua mái chèo xuôi về Giác Ngạn. Anh với Sông, với Trăng, với Lửa đã hóa thành một, còn lại em nơi này nâng chung trà kính tiễn:
Mời Anh chung trà cuối
Ngày tiễn nhau về đâu?
Hương lừng thơm chín suối
Chén cạn một mùa vui
Dòng Sông Trăng ngày đó
Sông với trăng đâu còn
Người lái đò xa khuất
Một vòng Không Như Không
(Uyên Nguyên)
Thương tiếc tiễn Anh Ngô Mạnh Thu, Pháp danh TÂM HÒA…
Mùa Vu Lan Phật lịch 2548
Garden Grove, California, USA.
25 tháng 8 năm 2004
  • Ca khúc Dòng Sông Trăng, phổ thơ Tuệ Nga

Friday, November 29, 2019

LỜI NGỎ - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Designed by Uyên Nguyên. 

LỜI NGỎ - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trời bắt đầu lạnh và những chiếc lá thu đã đổi màu tuyệt đẹp. Mảnh trăng non đang chênh chếch ngồi hiên, gần tháng 11 rồi mà sao chưa thấy mưa. California, cả hai miền Nam và Bắc đều trong khói lửa của nạn cháy rừng trầm trọng. Còn bên kia Thái Bình Dương, thì cơn bão số 5 cũng vừa quét qua tại các tỉnh thành Miền Trung. Lũ lụt, hạn hán, thiên tai đang xảy ra khắp mọi nơi. Biến đổi khí hậu là có thật và đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. 

Theo Liên Hợp Quốc, “Sự thay đổi khí hậu hiện tại đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên khắp năm châu bốn biển. Nó đang làm gián đoạn nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến người dân, cộng đồng và các quốc gia phải trả giá rất đắt trong hiện tại và thậm chí nhiều hơn vào ngày mai. Địa cầu đang hâm nóng, thời tiết đang thay đổi, mực nước biển đang tăng lên, các biến đổi thời tiết đang trở nên bất thường, tiêu cực hơn và khí thải nhà kính (methane/ mêtan, carbon dioxide / cạc-bon đi-ô-xít, v.v…) đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nếu không có hành động, nhiệt độ bề mặt trung bình của thế giới có khả năng vượt 3 độ C trong thế kỷ này. Những người nghèo, cơ hàn và những ai dễ bị tổn thương nhất đang bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.”

Trong vấn đề cấp bách này, chúng tôi đang đặt câu hỏi tương tự như Johan R. Platt: “Phật giáo có thể giúp cứu hành tinh không? Một cuốn sách mới, Ecodharma lập luận rằng có, chúng ta có thể - nhưng chỉ khi Phật giáo tự cứu mình trước.” Mục tiêu và chân lý cao thượng của Phật giáo là làm giảm bớt đau khổ mà cuối cùng dẫn đến giác ngộ, như Phật giáo Dấn thân đã khuyến khích, nó không chỉ dành cho giác ngộ cá nhân, mà còn là sự soi sáng xã hội và / hoặc con người rộng lớn hơn. Cách chúng ta tiến lên tích cực là nâng nhau lên.

Do đó, phương thức giáo dục trong Phật giáo là chủng tử và huân tập: Gieo hạt, ươm mầm, tưới tẩm cho hạt bồ đề, cây hạnh phúc của chúng ta ngày càng phát triển. Nền tảng giáo lý Phật Đà là Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo. Những chân lý này phải truyền lại cho các thế hệ tương lai, để mỗi cá nhân cũng như các thành viên của cộng đồng nhân loại sống có trách nhiệm, an bình và hòa hợp với tất cả mọi người và mọi loài, cũng như sống cho vừa, cho đẹp để chúng ta bảo vệ và nuôi dưỡng Trái đất của Mẹ.


Trước những sự biến đổi khí hậu và môi trường sống, thực sự đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm, và hành động cụ thể ngay lập tức trong thời điểm này mà không chần chừ do dự. (The climate emergency is the defining issue of our times). Trường hợp khẩn cấp về khí hậu là vấn đề được xác định của thời đại chúng ta. Chúng tôi, anh em trong nhà xuất bản Hoa Đàm và Lotus Media Inc. đang biên soạn và kết tập các bài viết Tiếng Anh, của nhiều tác giả Ngoại quốc lẫn Việt Nam, đã từng đăng ở các báo chí quốc tế về vấn nạn hâm nóng địa cầu và thay đổi khí hậu. Tuyển tập được thực hiện đặc biệt nhắm vào giới độc giả trẻ, là thế hệ đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT sanh ra và lớn lên tại hải ngoại, hầu nâng cao nhận thức và hành động trước những diễn biến thiên tai ngày càng nặng nề do những hành vi tiêu cực của con người gây ra.

Tuyển tập này kết tập các bài viết liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu từ các học giả và hành giả giáo lý của Đức Phật, đặc biệt là Thầy Thích Nhất Hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều Lạt ma phương Tây trong đó có Ven. Thubten Jampa, Lama Willa B. Miller, David Loy, Kara Holsopple, Lucia Graves, Sister True Dedication, Linda Hueman, Dion Peoples, Jo Confino, Bạch X. Phẻ và Trần T. Khanh.

Chúng ta hãy cùng nhau thực hành sống đời thiểu dục, thanh đạm, cùng “sáng thêm niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ” hãy sống với tứ nhiếp pháp--Catuh-samograha-differu--(bố thí Dana, ái ngữ Priyavacana, lợi hành Arthakrtya, đồng sự Samanartharta) và tinh tấn chuyển hóa những nội ma ngoại chướng để ngày càng đến bến bờ Chân-Thiện-Mỹ, Nhất Thừa hay ít nhất là để giúp cho Trái đất Mẹ xinh đẹp và quý giá này thành một môi trường sống lành mạnh và tốt đẹp cho nhiều thế hệ trong mai hậu. 

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyển tập Hoa Đàm số 7 - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (ONLY LOVE CAN SAVE US FROM CLIMATE CHANGE).

Thay mặt Ban Biên Tập
Tâm Thường Định

Wednesday, November 27, 2019

Old Time Firmament - Khung Trời Cũ

Thầy Hạnh Viên và Thầy Tuệ Sỹ tại Huế, 2019. Photo: Internet

Old Time Firmament

Wet eyes of the golden age amidst old time gatherings
The green dress not green for ever on the deserted hills
In a flash, realizing oneself a drifter
Lighting up the evening lamp and telling stories of the waning moon 


From the cold mountains to the eternally silent seas
This rock top and that grain of salt have not disintegrated
How quickly evaporating is a smile to a sunny day
Winter nowadays and next, summer; is it cause for sadness?

The gray hairs counted outdistance life experiences
The long dusty road wearies the going round and round steps 
Now I look back at the four walls drooping
The forest torrent far away standing opposite the water streaming down the mountains.

Poem by Tuệ Sỹ
Translated by Bạch X. Phẻ
Edited by GS. Nguyễn Văn Thái

Khung Trời Cũ

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.

Tuệ Sỹ


Monday, November 25, 2019

Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo

Tuệ Sỹ: Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo



HOA DAM 4_2017_VAN HOC_COVER.jpgÐặc san Hoa Ðàm, số 4, chủ đề “Dẫn vào Thế giới Văn học Phật Giáo”
Chủ trương và thực hiện:
Hoa Ðàm Group
Kết tập: Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Nguyên Túc Nguyễn Sung
Tâm Khai Sơn Nguyễn Anh Thy, Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm,
Quảng Pháp Trần Minh Triết

Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo

I. Giới Hạn Của Văn Học Phật Giáo
Ý nghĩ đầu tiên của một người vừa bước đến văn học Phật giáo, tất nhiên sẽ coi đây chỉ là một nền văn học tôn giáo không hơn không kém, trong tính cách “văn dĩ tải đạo” của nó. Đối với ý nghĩ bàng quan này, một nền văn học như vậy chỉ có nội dung là đủ, còn hình thức diễn đạt chỉ là vấn đề phụ thuộc…; rượu ngon không hệ trọng ở bình chứa. Sự kết cấu của văn học không hệ trọng bằng chân lý tôn giáo đã có sẵn: chân lý thành kiến. Bởi vì chỉ có nội dung, hình thức không cần thiết lắm, do đó, chân lý của tôn giáo sẽ tùy nghi được phô diễn bằng cách vay mượn bất cứ thể tài văn học nào đã được thông dụng. Người ta sẽ không đòi hỏi tác giả phải có một phong cách độc đáo trong đường lối phô diễn; y khỏi phải nỗ lực vận dụng mọi khả năng sáng tạo đến mức tuyệt động, vốn là giá trị đặc sắc của một tác giả văn học – thuần túy. Như vậy, một khi nội dung của kinh nghiệm tôn giáo càng được nới rộng, thể tài văn học càng bị thu hẹp lại. Cho đến một lúc nào đó, lúc mà kinh nghiệm tôn giáo được mở rộng đến vô hạn và tận cùng trong tuyệt đối bất khả tri, người ta bị bắt buộc phải khước từ mọi phương tiện diễn đạt qua các thể tài văn học. Đây là một song quan luận của phương tiện (văn học) và cứu cánh (tôn giáo). Khai triển phương tiện đến tận cùng thì cứu cánh sẽ vắng bặt. Ngược lại, nếu tiến đến chỗ tuyệt đối cứu cánh, phương tiện sẽ hết còn là phương tiện. Nói cách khác, hình như cứu cánh tôn giáo, với những chân lý thành kiến của nó, lúc nào cũng sẵn sàng phản bội mọi tính cách sáng tạo của văn học. Văn học không phải là phương tiện của bất cứ một chân lý cứu cánh nào, thành kiến hay không thành kiến, dù là chân lý về sự sống và cuộc đời; vấn đề sẽ mở sang một chiều hướng khác: đâu là phương tiện, và đâu là cứu cánh của văn học?
Ở đây, chúng ta có hai lãnh vực mà sự diễn đạt của văn học có thể vươn tới. Trước hết, là hai trích dẫn điển hình, thường được nhắc nhở rất nhiều:
Thứ nhất, kinh Tương ưng bộ (Samyutta – Nikàya): “Thánh nhân không tranh luận với thế gian. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là không, ngài cũng nói là không. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là có, ngài cũng nói là có”.
Trong trích dẫn này, mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đối ở lãnh vực diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, các tác giả của Phật học có thói quen mở đầu tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến, người ta không thể nhầm lẫn giữa ngón tay và mặt trăng. Dĩ nhiên, ngôn ngữ ở đây tác động trong những tâm trí bình thường. Hậu quả của nó sẽ là khuôn mẫu để phân tích và phân loại các sự thực của kinh nghiệm. Tức là ngôn ngữ của triết lý.
Thứ hai, kinh Bát nhã (Prajnàpàmità-sùtra): “Bất hoại giả danh nhi thuyết thật nghĩa”. Giả danh, tức biểu tượng và danh ngôn trong tính cách ước lệ của chúng. Những thứ này không liên hệ đến chân lý tuyệt đối, tức thật nghĩa. Do đó, muốn đạt đến chân lý tuyệt đối này, phải vượt qua mọi khả năng của ngôn ngữ và biểu tượng, như người ta cần lìa bỏ tầm mắt khỏi ngón tay để nhìn thẳng vào mặt trăng. Tuy nhiên, trích dẫn của chúng ta nói: ngay nơi biểu tượng và ngôn ngữ mà thể nhận chính bản thân của sự thật. Và đây chính là lý tưởng của văn học Đại thừa. Bởi vì, theo lý tưởng này, vắn tắt, không phải do người nói đã nói ra như vậy, rồi người nghe theo đó mà nghe như vậy và sự thực được phô diễn như vậy nên có ý nghĩa như vậy; nhưng, chính sự thật là như vậy. Những vị đã từng làm quen với văn học Bát nhã sẽ không lấy làm thắc mắc quá đáng về lề lối diễn tả như vậy. Theo tinh thần này mà nói, cái cảm hứng đưa đến sự thành hình của một tác phẩm, bất kể dưới cách thức phô diễn nào, phải là một cảm hứng toàn diện, trong đó không có giới hạn phân biệt giữa một nhãn quan – một ý tưởng – cần được phô diễn và hình thức phô diễn. Tất cả, từ tác giả cho đến độc giả, phải được đặt trong mối tương quan vô phân biệt, như sự phản chiếu giữa các mặt kính đối diện nhau, phản chiếu trong một thế giới trùng trùng vô tận.
Vì vậy, kinh điển Bát nhã thường chọn những vị chưa chứng ngộ chân lý về tánh Không mà lại có tư cách giảng thuyết về tánh Không. Tất nhiên, trong trường hợp này người ta phải hiểu rằng tánh Không tự phô diễn lấy chính nó, mà người giảng thuyết, sự thực được giảng thuyết, cho đến người nghe, tất cả chỉ như là ráng nắng, mộng ảo, huyễn hóa… Từ đây gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng, một tác phẩm, dù là luận thuật tư tưởng hay văn học thuần túy, không thể nào vượt qua khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Nhưng, chính cái cảm hứng bàng bạc từ đầu đến cuối tác phẩm mới tạo cho nó một kích thước rộng rãi, một sức hàm chứa vô biên. Lẽ cố nhiên, cảm hứng thì không thể bị điều động bởi bất cứ ý tưởng nào, mà bộc phát với một thế giới kỳ diệu đột nhiên xuất hiện. Một cách khác, chúng ta nói rằng, tất cả các tác phẩm của văn học Phật giáo đều cố gắng cắm sâu gốc rễ vào tánh Không. Rồi sau đó, vươn mình khỏi lòng đất với tàn lá sầm uất của một thế giới trong trùng trùng vô tận.
Trong ý nghĩa vừa nói, một tác phẩm xứng đáng với một kích thước rộng lớn, nó phải khởi lên từ cảm hứng của thực tại; vì rằng, ngay qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực đâu là tiếng nói của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người: thực tại tức là lòng người. Và cũng từ đó, người ta sẽ tìm thấy đâu là khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng người. Một tác phẩm mà không đủ sức chấn động lòng người để mở ra một thế giới như vậy không thể xứng danh là một tác phẩm văn học. Bởi vì, một tác phẩm tường thuật, về triết lý v.v…, chỉ cần ý tưởng, cần nội dung súc tích là đủ; những gì đáng nói đã được nói hết. Hình thức phô diễn chỉ là phương tiện tùy cơ duyên mà thôi. Nhưng một tác phẩm văn học phải đặt hết tâm tình và cảm xúc ngay ở hình thức phô diễn; và đây không phải là tâm tình và xúc cảm được khơi dậy bởi một chân lý thành kiến nào đó. Như vậy ngay nơi tác phẩm văn học, không phân biệt giữa nội dung và hình thức, mà ngay nơi tính cách phô diễn đương trường của nó, là cả một thế giới sống thực triền miên. Y như Phật quả Viên Ngộ Thiền sư (Bích nham lục); “Ẩn mật toàn chân, đương đầu thủ chứng”. Đấy chính là khởi điểm và cũng chính là đích điểm của văn học Đại thừa Phật giáo.
Quan điểm của chúng ta sẽ được tóm tắt như sau:
  1. Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò “truyền đạo” của nó. Tức là, chân lý của tôn giáo này, tùy trường hợp, được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện, thứ yếu, không quan trọng cho bằng nội dung.
  2. Nhưng, chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học, nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bộc phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh.
  3. Trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ảnh của một thế giới sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt. Do đó, lấy tánh Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thế giới toàn diện của văn học Phật giáo.
Như vậy, chúng ta có thể nhớ lại phát ngôn của Tăng Triệu (Tựa kinh Duy ma cật):
Thánh trí vô tri nhi vạn phẩm cu chiếu
Pháp thân vô tượng nhi thù hình tịnh ứng
Chi vận vô ngôn nhi huyền tịch di bố
Minh quyền vô mưu nhi động dữ sự hội.
Hoặc giả, của Ngạn Hòa Thích Huệ Địa (Văn tâm điêu long):
Tịch nhiên ngưng lụ, tứ tiếp thiên tải
Tiểu yên động dung, thị thông vạn lý
Vân… vân…
II. Khởi Ðiển Của Văn Học Phật Giáo: Cảm Hứng Từ Ðời Sống Cá Biệt
Đời sống cá biệt là hình ảnh nổi bật nhất trong các kinh điển của Nguyên thủy Phật giáo. Đó là hình ảnh lẻ loi của tăng lữ tại các núi rừng, bởi vì, luôn luôn, “một vị tỳ khưu hãy đi cô đơn như con tê giác”. Chế độ tăng lữ nguyên thủy không cho phép một thầy tỳ khưu sống giữa đám đông, giữa các thành phố rộn rịp, và chứa đựng tư hữu. Họ không sống quá xa làng mạc, nhưng cũng không quá gần gũi. Tư hữu chỉ gồm một ít vật dụng cần thiết: ba chiếc y, một bình bát, một đảy lọc nước, một khăn ngồi, một dao cạo, và kim chỉ. Trừ những trường hợp khẩn thiết, họ không định cư ở đâu hết; và hình ảnh của đức Phật được mô tả là: Một bình bát với cơm ăn của thiên hạ. Một mình lẻ bóng lang thang trên khắp mọi nẻo đường. Một mục đích duy nhất của đời sống là giải quyết vấn đề sống chết. Một sứ mệnh duy nhất là cởi bỏ mọi ràng buộc cho chúng sinh:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Giải thoát độ quần mê.
Hình ảnh này là nguồn cảm hứng bất tận của văn học Phật giáo nguyên thủy. Và cả nơi Đại thừa, nhưng với cường độ khốc liệt và cực đoan hơn: “Nhất thiết vô úy nhân, nhất đạo xuất sinh tử”; tất cả các bậc Vô úy, không còn sợ hãi, chỉ có một con đường độc nhất phải đi là qua bên kia bờ của sự sống và sự chết. Qua bên kia bờ là chứng ngộ tính tịch diệt của Niết bàn, nơi đây chính là thế giới của cô liêu tuyệt đối. Thực sự, lối diễn tả rầm rộ của văn học Đại thừa sau này, với thế giới quan trùng trùng vô tận, với khả năng được nói là biện tài vô ngại, tất cả chỉ làm cho hình ảnh cô liêu của đức Phật càng tuyệt đối khốc liệt. Kinh Pháp hoa (Saddharma – Pundarika), một tác phẩm quan trọng của Đại thừa, là một thí dụ điển hình cho chúng ta. Đức Phật xuất hiện giữa thế gian như sư tử giữa đám thú rừng, không sợ hãi gì hết. Nhưng cũng cô đơn như người cha già cả sống giữa đám tùy tùng, chỉ mong đợi duy nhất ngày trở về của đứa con hoang. Khi hội diện, lại còn phải dùng bao nhiêu phương tiện, phải chờ đợi biết bao nhiêu cơ duyên, đứa con hoang mới nhận ra đây quả thực là cha già của nó.
Theo hình ảnh lý tưởng đó, một vị tỳ khưu, trước khi thể hiện được chân lý tuyệt đối của sự sống, đã phải nỗ lực cho một cuộc đời “lẻ bóng”: “Người ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình không buồn chán; người ấy ưa tìm sự vui thú trong chốn rừng sâu”. (Dhammapada, 306). Đây là một lối diễn tả, về đời sống cô liêu, độc đáo nhất trong văn học Phật giáo nguyên thủy.
Rồi ra, hương vị của chánh pháp là gì? Chính là sự cô liêu ấy. Chánh pháp là dòng suối mát và ngọt của sự sống, rửa sạch tất cả những uế trược của cuộc đời. Bởi vậy, một tâm hồn khi đã chứng nhập chánh pháp, cũng trong và mát như dòng suối ngọt ấy. Kinh Pháp cú (Dhammapada) có câu: “Ai đã từng nếm mùi vị cô liêu, người ấy càng ưa nếm hương vị của Chánh pháp.” Bởi vì, Chánh pháp là Niết bàn tịch tĩnh. Trong nguồn cảm hứng này, mọi luận biện về Niết bàn, rằng đây là hư vô, đây là bất tử, đây là vân vân, thảy đều không quan hệ. Mà vắn tắt, có thể nói, Niết bàn là gì? Là cõi miền trầm lặng sâu xa, nơi đó vắng bặt mọi uế trược và mọi náo động tạp loạn, mọi tranh chấp thế tục của sự sống. Cố nhiên, đây là hình ảnh Niết bàn tịch tĩnh hay tịch diệt trong nguồn cảm hứng văn học chứ không thể trong suy tư triết lý. Và như vậy, cùng một đoạn trong kinh Pháp cú: “Như một hồ nước sâu, trong suốt và yên lặng; kẻ có trí sau khi nghe Pháp thì cũng trầm lặng sâu xa như vậy.” Sự trầm lặng này, nếu không phải là khí vị hiu hắt của cô liêu, thì là gì? Thế là, cô đơn trong hành đạo, những người theo đạo Phật trước kia, như một con tê giác, một mình lẻ bóng giữa cuộc đời trên một con đường cô đơn từ đầu đến cuối. Bàng Uẩn, một tục gia đệ tử của Thiền tông Trung hoa, thời nhà Đường, đặt câu hỏi: “Ai là kẻ trơ trọi không cùng Vạn Pháp làm bạn lữ?”
Trong cuộc đời ấy, cô đơn là người bạn. Nhưng, đồng thời nó lại là một kẻ thù sinh tử. Làm thế nào để chịu đựng đời sống cô liêu giữa núi rừng hoang dại? Câu hỏi này được đặt ra bởi một người Bà la môn tên Janussoni. Phật trả lời rằng: “Tất cả những ẩn sĩ, với những hành vi của thân, miệng và ý mà không trong sạch, khi họ sống trong sự cô liêu của núi rừng, vì các hành vi bất tịnh của họ, khiến họ nổi lên sợ hãi, run rẩy khôn cùng. Còn tôi, mà các hành vi thảy đều trong sạch, tôi sống trong sự cô liêu của núi rừng. Nếu có những bậc Thánh mà các hành vi thảy đều trong sạch, sống trong sự cô liêu của núi rừng, tôi là một trong những vị đó. Này, Bà la môn, khi tôi sống đời sống trong sạch của các hành vi của tôi thì hương vị của đời sống cô liêu thâm nhập trong tôi.”
Vậy ra, đời sống cô liêu không chỉ là con đường hành đạo, mà còn là kết quả của những hành vi đã rủ sạch mọi bất tịnh.
Chúng ta thấy rõ, phần lớn của nền văn học Phật giáo nguyên thủy bàng bạc những hình ảnh của đời sống cô liêu. Tuy nhiên, chủ đích không phải là trình bày một thứ cá nhân chủ nghĩa nào đó, mà đời sống của Tăng lữ phải rút lui khỏi thế gian, đắm mình trong hư vô chủ nghĩa. Nhưng vì chân lý được nhắc nhở trong các kinh điển nguyên thủy vốn được coi là sở đắc nội tại và cá biệt.”Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình”, đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật, được ghi lại trong kinh Đại bát Niết bàn. Chúng ta có thể trích dẫn dài hơn một chút: kinh chép, khi A nan xin Phật để lại những lời dạy dỗ cuối cùng, Phật trả lời: “Này A nan da, Như lai không nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo”, hay “chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời, này A nan da, làm sao Như lai có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo… Vậy nên này A nan da, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác.”
Văn học nguyên thủy hay Tiểu thừa không chỉ dừng lại nơi đây. Mặc dù, đây là thời kỳ mà đời sống của Phật giáo duy nhất là đời sống hành đạo của tăng lữ; tất cả mọi nỗ lực đều cốt chinh phục khổ não và hệ lụy nhân sinh; giải thoát và Niết bàn là mục đích tối thượng; và đời sống của tục gia đệ tử không liên hệ gì đến Phật pháp, ngoại trừ công việc hộ đạo. Nhưng ở vài nơi, kinh điển nguyên thủy cũng đã dành chỗ cho các sinh hoạt mang tính cách thế tục. Về điểm này, chúng ta phải kể đến trước tiên là văn học Jataka và kế đến là văn học Avadana.
Jataka hay Bản sinh truyện là những mẫu chuyện tiền thân của đức Thích tôn, trải qua nhiều kiếp với những hành vi như một anh hùng hiệp sĩ vĩ đại xuất hiện giữa thế gian, luôn luôn đem cả thân mạng làm lợi ích cho mọi người. Những mẩu chuyện này, ngoài ước vọng giải thoát để làm lợi ích toàn diện cho thế gian của đức Thích tôn, không chứa đựng giáo lý cốt yếu nào hết. Vì ở đây, Bồ tát (Bodhisattva) – một danh hiệu trước khi Thích tôn thành đạo, sống giữa thế gian, làm tất cả những gì mà thế gian cần có không phải vì giải thoát tối thượng, mà vì sự an lành trong cuộc sống bình nhật. Ngài là một mẫu hiệp sĩ cứu khổ phò nguy, giữa quần chúng bình dân, yếu đuối, bất lực dưới mọi bất công.
Đằng khác, văn học Avadana hay Thí dụ, vốn là những mẫu chuyện ngắn mô tả những xấu xa, ngu muội của mọi người trong đời sống bình nhật; cũng không liên hệ nhiều với giáo pháp cốt yếu của đạo Phật.
Đấy là hai nền văn học đặc trưng của Phật giáo trong sinh hoạt nhân gian. Chúng có cùng tính chất với loại văn chương bình dân. Vai trò của chúng không phải là không quan trọng. Bởi vì, trong nguyên thủy, đời sống tăng lữ vốn ở giữa nhân gian, không quá xa, cũng không quá gần; không mang tính chất của sinh hoạt thị thành. Tùy cơ duyên, các tăng lữ sáng tác những mẫu chuyện vừa tầm để nhắc nhở mọi người đời sống hướng thiện.
Đối với những hạng người ít bị sinh kế quẫn bách, kinh điển dành cho họ vai trò hộ đạo tích cực hơn. Đời sống của họ, ngoài bổn phận của một người cha trong gia đình, công dân trong một nước, họ còn có bổn phận hộ trì Chánh pháp, và tìm những cơ duyên thuận tiện để học hỏi Chánh pháp, gieo hạt giống tốt trong Chánh pháp để một khi thời cơ đến họ sẽ hiến mình trọn vẹn cho mục đích tối thượng là giải thoát và Niết bàn.
Đoạn kinh trích dẫn dưới đây cho thấy điều đó. Kinh mô tả cơ duyên theo đạo Phật của ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), một phú hộ đương thời Thích tôn tại thế.
Trưởng giả Anathapindika, ở thành Rajagaha (Vương xá), nước Magadha (Ma kiệt đà), một hôm, vào lúc tản sáng, đến thăm một thân nhân. Vị này, thức dậy từ sáng sớm đang bận rộn với các tôi tớ, hình như đang sửa soạn một bữa tiệc gì đó. Anathapindika tự nghĩ: “Trước kia, khi ta thường đến đây, vị gia chủ này gác lại mọi công việc, không làm gì hết, trao đổi những lời chào hỏi với ta. Nhưng nay ông có vẻ bận rộn, đang vui vẻ với các tôi tớ, học thức dậy từ sáng sớm và nấu nướng rất nhiều món. Họ đang làm tiệc cưới chăng? Hay đang sửa soạn một cuộc tế lễ lớn lao gì đây, hay sáng mai họ mời vua Tần-bà-sa-la (Seniya Bimbisara) của nước Magadha, cùng với đoàn tùy tùng của vua?” Rồi ông hỏi vị gia chủ. Vị này đáp:
“Không có tiệc cưới, cũng không phải mời vua Seniya Bimbisara và đoàn tùy tùng. Nhưng tôi đang sửa soạn một cuộc lễ lớn để cúng dường chúng tì khưu và Phật.”
“Ông nói đức Phật phải không?”
“Đúng thế, tôi nói đức Phật.”
Ba lần hỏi, và ba lần trả lời như vậy. Anathapindika muốn gặp đức Phật. Vị gia chủ nói:
“Không phải hôm nay, mà sáng mai.”
Rồi Anathapindika tâm niệm đức Phật đến độ ông thức dậy ba lần trong đêm vì tưởng rằng trời tảng sáng. Khi ông tới cổng thành để đi đến động Thanh lương, có hàng phi nhân mở cho. Nhưng khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra, thế rồi trong lòng ông nổi lên mối kinh sợ, hãi hùng, khiến ông muốn quay trở lại. Nhưng thần dạ xoa (yakkha) tên là Sivaka, vị thần vô hình, thốt lên lời này:
“Một trăm voi, ngựa hay xe với những con la cái,
Một trăm nghìn thiếu nữ trang sức những hoa tai,
Thảy không bằng phần mười sáu của một bước dài.
Này trưởng giả, hãy bước tới, hãy bước tới.
Hãy nên bước tới, đừng thối lui.”
Tức thì, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra, và nỗi kinh sợ hãi hùng của Anathapindika cũng tiêu tan.
Rồi ông đi tới động Thanh lương và khi đức Thế tôn đang đi lên đi xuống trong hư không, ngài thấy ông, liền bước xuống khỏi nơi ngài đang đi lến đi xuống, ngài gọi Anathapindika:
“Lại đây, Sudatta.”
Sudatta là tên riêng của Anathapindika. Ông nghĩ: “Đức Thế tôn gọi chính tên ta”, bèn cúi đầu dưới chân đức Thế tôn mong ngài sống an lạc. Đức Thế tôn đáp:
“Đúng vậy, bậc Tịnh hạnh đã đạt đến Niết bàn luôn luôn sống trong an lạc. Ngài không bị nhiểm ô bởi khát ái, không còn sợ hãi, không còn tái sinh. Đã cởi bỏ mọi ràng buộc, xa lìa tâm ái dục, Ngài sống tịch tĩnh trong an lạc, đã đạt được sự thanh bình của tâm trí.”
Rồi đức Thế tôn giảng giải nhiều điều cho trưởng giả Anathapindika; về Thí, về giới, về thiền; ngài cắt nghĩa sự nguy hiểm, sự phù phiếm, sự bại hoại của những vật dục, sự ích lợi khi trừ bỏ chúng. Khi đức Thế tôn biết rằng tâm trí của trưởng giả Anathapindika đã thành thục, nhu nhuận, dứt khỏi những ngăn che, cao diệu, hòa duyệt, ngài mới giảng thuyết cho ông về Pháp (Dharma) mà chư Phật đã tự mình tỏ ngộ: khổ, tập, diệt và đạo. Và cũng như một chiếc áo sạch không có những vết đen, thì sẽ dễ nhuộm, cũng vậy, ngay từ chỗ ngồi này, với Pháp nhãn, không nhiểm ô, đã trổi dậy trong trưởng giả Anathapindika, rằng “Những gì có sinh tất có diệt.” Rồi thì, sau khi đã thấy Pháp, chứng Pháp, biết Pháp, thâm nhập Chánh pháp, sau khi đã vượt lên nghi ngờ, dứt trừ sự bất định, tự mình tín thuận giáo huấn của đấng Đạo sư, Anathapindika bạch đức Thế tôn rằng:
“Hay thay, bạch đức Thế tôn. Cũng như một người dựng dậy những gì bị ngã xuống, vén mở những gì bị che đậy, chỉ đường cho kẻ lạc lối, rọi đèn vào chỗ tối tăm để những ai có mắt thì có thể thấy; cũng vậy, Chánh pháp được đức Thế tôn giảng dạy bằng nhiều thí dụ. Bạch đức Thế tôn, nay con xin nương mình theo Thế tôn, nương mình theo Chánh pháp và chúng tì khưu. Xin đức Thế tôn nhận con làm đệ tử tại gia từ đây cho đến trọn đời. Và, bạch đức Thế tôn, xin ngài nhận thọ trai tại nhà con vào sáng mai cùng với chúng tì khưu.” Đức Thế tôn nhận lời im lặng.
Sau đó, Anathapindika mua khu rừng của Thái tử Jeta, thiết lập tinh xá để Phật dừng chân giảng pháp. Đây là một trong những tinh xá lớn nhất và nổi tiếng trong thời đức Thích tôn tại thế, gọi là Kỳ viên hay Kỳ hoàn (Jetavana).
Những hạng người như Anathapindika, tâm trí đủ mở rộng để lãnh hội Chánh pháp. Nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó. Đời sống của họ không được coi là ở giữa lòng Chánh pháp. Thực sự, văn học nguyên thủy phần lớn chỉ dành cho hạng người xuất gia, với lý tưởng khước từ tuyệt đối. Vì Chánh pháp chỉ có thể thực hiện ở những nơi tịch tĩnh của núi rừng. Nhân cách lý tưởng mà nền văn học này mô tả chính là các vị A la hán (Arhat), là đức Như lai. Và chúng ta đã biết, đó là nhân cách của đời sống cô liêu tuyệt đối:
Ta hành đạo không thầy dạy dỗ
Chỉ hành đạo một mình, không bè bạn
Tích chứa một hạnh mà thành Phật
Tự nhiên thấu suốt nẻo thành đạo.
Theo gương đó, ước vọng của những người theo đạo Phật bấy giờ là:
“Như giữa lòng biển sâu không gợn sóng, mà hoàn toàn yên lặng tịch mịch; thầy tì khưu cũng vậy, hãy trầm lặng, không buông lung dù ở bất cứ đâu.”
Như vậy, đủ để chúng ta tóm tắt rằng, từ nguồn suối của đời sống cá biệt vì những gì sở đắc đều cá biệt và nội tại, cảm hứng của văn học Phật giáo nguyên thủy bộc phát:
– Từ nhân cách với đời sống của đức Phật;
– Từ Chánh pháp, tức chân lý cao cả về khổ đau của sự sống và về lẽ tịch tĩnh của Niết bàn.
Trên tất cả là hương vị cô liêu tuyệt đối. Bởi vì, hương vị của Chánh pháp chính là hương vị cô liêu của sự sống.
III. Cảm Hứng Trong Văn Học Ðại Thừa
Tư tưởng Đại thừa bắt đầu xuất hiện với nền văn học Bát nhã. Nội dung của các kinh điển thuộc văn học Bát nhã đều thuyết minh về ý nghĩa tánh Không. Tư tưởng này là triết lý hành động của lý tưởng Bồ tát đạo.
Trong lý tưởng Bồ tát đạo, có hai ý niệm quan hệ: Đại Trí và Đại Bi (hay Đại Hạnh). Đại Trí chỉ cho khả năng siêu việt soi thấu bản tính của vạn hữu. Đại Bi hay Đại Hạnh là tác dụng của Trí tuệ siêu việt ấy trong một thế giới quan được mô tả là trùng trùng vô tận. Như vậy, cỗ xe của Bồ tát (Bồ tát thừa) có hai bánh, Trí và Bi, cùng song song vận chuyển (Bi Trí song vận) để đạt đến giải thoát tối thượng.
Bởi vì tác dụng của Trí tuệ là khả năng soi thấu bản tính của hiện hữu, do đó, lấy tánh Không làm nền tảng. Tuy nhiên, trên phương diện luận thuyết triết lý, chúng ta biết rằng tánh Không có hai tác dụng: phá hủy và kiến thiết. Cả hai tác dụng đều qui tâm trên một mối: tương quan hiện hữu hay lý duyên khởi. Hiện hữu do tương quan, do đó hiện hữu không thực tính. Đây là tác dụng phá hủy. Và do không thực tính, nên hiện hữu mới có thể có tương quan để hiện khởi. Đây là tác dụng kiến thiết.
Kinh Lăng già mô tả sự vận dụng Đại Trí và Đại Bi của bậc giác ngộ rằng:
Thế gian ly sinh diệt
Do như hư không hoa
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Nhất thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm.
Hiện hữu của thế gian như hoa đốm giữa trời, không từng có sinh khởi, không hề có hủy diệt. Tất cả các pháp như huyễn hóa, vượt ngoài mọi tác động của tâm thức; vượt ngoài mọi ý nghĩa thường tồn và gián đoạn, vì rằng như một giấc mộng. Do đó, trong sở đắc của Trí tuệ chân thật, không có ý nghĩa hữu hay vô. Từ Trí tuệ không còn bị ràng buộc ở hữu hay vô đó mà các bậc đã giác ngộ, hay những vị đang đi trên con đường tiến đến sự giác ngộ, phát khởi tâm nguyện Đại bi.
Tri nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng Đại bi tâm.
Các ngài thấy và biết rõ rằng mọi hiện hữu đều không có tự tánh, tự thể hay bản thể. Phiền não chướng và sở tri chướng vốn thanh tịnh, vô tướng. Từ bi kiến đó mà các ngài khởi lên tâm nguyện Đại bi.
Nhất thiết vô Niết bàn
Vô hữu Niết bàn Phật
Vô hữu Phật Niết bàn
Viễn ly giác sở giác
Nhược hữu nhược vô hữu
Thị nhị tất câu ly.
Hoàn toàn không có cái gì mệnh danh là Niết bàn. Không có một vị Phật nào chứng nhập Niết bàn, cũng không có Niết bàn mà Phật chứng nhập. Vượt ra ngoài nhân cách giác ngộ và chân lý được giác ngộ. Hữu hay vô hữu, cả hai đều bị vượt qua.
Nói cách khác, trong lý tưởng hành động, trước tiên Bồ tát phải quan sát để thể chứng tánh Không. Tức là, sự xuất hiện của thế gian như hoa đốm giữa trời, bản chất của nó không bị ràng buộc bởi ý nghĩa xuất hiện hay biến mất. Từ sở chứng đó, Trí tuệ không bị ràng buộc giữa hữu hay vô, và chính nơi đây là cứ điểm để Bồ tát thể hiện tâm nguyện Đại bi của mình. Nếu vậy, phải chăng Bồ tát hành đạo giữa thế giới của hư vô, của mộng tưởng? Thế giới này là hư vô, và mộng tưởng, hầu như là một nhãn quan không thể chối cãi, vì đấy là hình ảnh bàng bạc trong các tác phẩm Đại thừa, Kinh Kim cang nói:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điện
Ứng tác như thị quán.
Tất cả mọi hiện hữu do tương quan đều y như là mộng, huyễn, bọt nước, bóng trong sương; như sương mai, như điện chớp.
Làm thế nào để thể hiện tâm nguyện Đại bi trong cái thế giới dẫy đầy tính cách mộng tưởng, không hư như vậy? Nạn vấn này không thể không biết tới. Lối diễn tả trong các kinh điển Bát nhã không nói theo thông lệ. Do đó, sơ khởi, người ta chấp nhận mọi mâu thuẫn nội tại như là lý lẽ đương nhiên. Thí dụ, sinh tức vô sinh, vân vân. Lý luận của tánh Không ban đầu còn theo thông lệ, nhưng đến một lúc, nó trở thành cực đoan không thể tả. Nghĩa là, trước hết, người ta còn có thể vay mượn những gì đã được chứng kiến trong kinh nghiệm thông tục để diễn tả: như ráng nắng, như mộng tưởng, như sao xẹt, như hoa đốm giữa trời… đến kỳ cùng, là Pháp nhĩ như thị: Như vậy là như vậy. Một trong danh hiệu của Phật, Như lai, vốn chỉ cho ý nghĩa này. Luận Đại trí độ nói: “Như pháp tướng mà hiểu. Như pháp tướng mà giảng thuyết. Như con đường an ổn của chư Phật mà đến… nên gọi là Như lai.” Nói gọn hơn, Như lai tức là đến như vậy và đi như vậy. Đây mới thiệt là lý tưởng hành động của Bồ tát đạo. Công nghiệp đó sẽ được mô tả như là những dấu chân của con chim trong bầu trời. Bồ tát đến với thế gian cũng vậy. Tất cả mọi công trình đã từng thực hiện và đã để lại cho thế gian chẳng khác nào như sự tích lũy của bao nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời. Lối diễn tả này quả thực mang một khí vị văn chương đặc biệt. Theo thuật ngữ, hành động này được mệnh danh là Vô công dụng hạnh: hành động không cần dụng công, ví như hư không. Đây là ý nghĩa: “Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết”.
Ý nghĩa sáng tác (văn học) của Đại thừa cũng theo đó. Kinh Bát nhã nói: “Các đệ tử của Phật làm gì có chuyện giảng thuyết. Tất cả đều do năng lực của Phật. Bởi vì họ y theo những gì Phật đã dạy mà học tập, nhờ đó mà chứng được các pháp tướng. Sau khi đã chứng, tất cả những gì được họ nói ra đều không trái với pháp tướng. Vì chính năng lực của pháp tướng vậy.” Đại ý đoạn kinh này nói là sự giảng thuyết của đệ tử Phật không phải do họ muốn bày tỏ một quan điểm nào đó của mình, nhưng đấy là sự bộc phát tự nhiên của những gì mà họ đã chứng đắc.
Bình thường mà nói, đây há không phải là lý tưởng sáng tác của bất cứ một tác giả nào, kể riêng gì các nhà Đại thừa? Một tác phẩm văn học phải xuất hiện từ nguồn cảm hứng chân thành và bộc phát tự nhiên.
Trên đây, chúng ta lấy tánh Không làm khởi điểm của cảm hứng văn học trong Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, cảm hứng này phần lớn đi vào đường hướng minh giải triết lý, hơn là cảm thức văn chương. Rồi từ nền tảng tánh Không ấy mà mở tầm mắt vào thế giới trùng trùng vô tận, đây mới thật là phong cách văn chương, theo nghĩa thông tục của chữ này.
Trong bất cứ nền văn học nào của Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng, dù khởi sự từ đâu, tất cả mọi nguồn cảm hứng đều qui về nhân cách và đời sống của đức Phật. Đây là điều mà chúng ta không thể quên, khi bước vào thế giới văn học Phật giáo. Nếu ở nguyên thủy, nhân cách của Thích tôn là hình ảnh của một con người, thì tất cả cảm hứng văn học đều khơi nguồn từ lẽ vô thường, từ tính chất mong manh của cuộc sống. Còn ở Đại thừa, đức Phật là một nhân cách siêu việt, do đó cảm hứng văn học cũng được khơi nguồn từ thế giới siêu việt. Tất cả tùy thuộc quan niệm về Phật thân.
Có hai quan niệm chủ yếu về Phật thân: Sanh thân và Pháp thân. Sanh thân chỉ cho thân thể thụ bẩm của cha mẹ. Pháp thân vốn là hiện thân của chân lý. Nơi nguyên thủy, hay cả Tiểu thừa, Pháp bao gồm lý Tứ đế và Niết bàn. Đích thực, đây là Pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi này được đức Phật giảng dạy để đưa đến chỗ chứng nghiệm về những chân lý cao cả của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cuối cùng là đạt đến giải thoát và Niết bàn. Các nhà Đại thừa sau này mang đến cho Pháp duyên khởi nhiều giải thích mới mẻ. Đặc biệt là triết học về tánh Không của Long Thọ (Nàgàrjuna). Đại khái, nguyên thủy, pháp Duyên khởi có nhiệm vụ giải thích nguồn gốc của sự khổ, để bộc lộ những đặc tính vô thường và vô ngã của sự sống, và từ đó quyết định đường hướng diệt khổ. Nhưng các nhà Đại thừa y cứ trên pháp Duyên khởi để chứng tỏ rằng tự tính của vạn hữu là Không. Tức là, do duyên khởi nên không tự tính. Như vậy, sơ bộ, pháp Duyên khởi chứng tỏ rằng tất cả hiện hữu – nhất thiết pháp – đều là giả ảo, không có bản tính chân thực. Rồi kỳ cùng, không có sự thực nào ngoài giả ảo đó. Do kết quả này, các nhà Đại thừa quả quyết rằng những gì đức Phật nói thảy là chân lý ước lệ, tạm bợ, bởi vì chân lý cứu cánh siêu việt tri kiến và siêu việt ngôn thuyết. Điều đó bắt buộc chúng ta không thể quên thắc mắc này: với danh hiệu Như lai, mà Đại thừa giải thích rằng Pháp Như vậy thì Phật giảng thuyết Như vậy, tại sao sự thực lại không được bao hàm ngay trong tính cách Như vậy đó? Chúng ta có thể tìm thấy một vài giải thích, trực tiếp trong các kinh điển Đại thừa. Thứ nhất, kinh Pháp hoa tuyên bố: “Bản tính của các pháp là vắng bặt mọi dấu vết của tri kiến và ngôn thuyết. Nhưng chính do phương tiện, phát xuất từ Đại bi tâm vô lượng mà đức Phật giảng thuyết những pháp gọi là chân lý cao cả như Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kỳ thực, chân lý cứu cánh không nằm ở trong đó”. Kinh Bát nhã (tiểu phẩm), quyết liệt hơn: Dù có Pháp nào cao cả hơn Niết bàn cũng là Không nốt. Đây là nói về mối tương quan giữa những gì được nói và những gì không thể nói. Tăng Duệ, trong bài tựa viết cho bản dịch Trung quán luận (tác phẩm của Long Thọ), giải thích ý nghĩa tương quan này: “Thật phi danh bất ngộ, cố ký Trung dĩ tuyên chi. Ngôn phi thích bất tận cố giả luận dĩ minh chi, kỳ thật ký tuyên, kỳ ngôn ký minh, ư Bồ tát tọa đạo tràng chi chiếu lãng nhiên huyền giải hỉ”. Theo đó, Thật hay Thật tướng, chân lý cứu cánh, nếu không có Ngôn thuyết thì không thể có con đường dẫn đến tỏ ngộ. Do đó, mới tựa vào con đường giữa để công bố. Con đường giữa tức là con đường không bị ràng buộc bởi những siêu việt và nội tại, giữa khả thuyết và bất khả thuyết. Đó chính là con đường im lặng trong nói năng và nói năng trong im lặng. Và rồi, như vậy, ngôn thuyết phải cần được minh giải để có thể lãnh hội thấu đáo. Do đó, mượn hình thức một tác phẩm luận thuyết để tỏ bày. Sau cùng, một khi sự Thật đã được công bố nơi Ngôn thuyết, và Ngôn thuyết đã được tỏ bày thấu đáo trong cõi miền trầm lặng, thì bấy giờ, trong giây phút chứng ngộ tuyệt đối, Bồ tát soi tỏ thấu suốt tất cả tương quan giữa Danh và Thật.
Giải thích trên có thể biện hộ cho công trình của một tác giả Phật học. Biết rằng những gì mình nói đến không liên hệ đến sự Thật tuyệt đối, dù vậy, vẫn có thể nói và không trái ngược với sự thật. Nghĩa là, mọi tác giả đều có khả năng nói láo, nhưng trong cái láo đó lại có thể phản ảnh cái Thật. Không có giới hạn phân biệt giữa cái Thật và cái Láo.
Từ quan niệm vừa kể, chúng ta có một hệ luận vô cùng quan trọng để thấy phong độ các tác giả Đại thừa. Ngôn ngữ không phải là chân lý tuyệt đối, nhưng cũng chính ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Nếu vậy, không chỉ riêng ngôn ngữ, mà bất cứ một sự thể nào cũng là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Tức là, theo một khẩu quyết của Đại thừa: sinh tử tức niết bàn. Theo hệ luận này, chúng ta sẽ bắt gặp trong các tác phẩm Đại thừa hai phong cách diễn đạt. Hoặc bằng ngôn ngữ, hoặc bằng ảnh tượng. Và chúng ta được gán cho hai lối thuyết pháp của Phật. Hoặc thuyết trong khi ngài nhập định. Hoặc thuyết trong khi ngài ra khỏi thiền định. Khi nhập định, ánh sáng từ thân thể đức Phật tỏa ra. Ngang qua ánh sáng này, những bậc thượng trí trực ngộ ngay pháp sâu xa mà Phật muốn giảng thuyết. Khi ra khỏi cơn thiền định, ngài sẽ dùng ngôn ngữ, với lời lẽ khúc chiết, với thí dụ điển hình, với âm thanh dịu ngọt, Phật sẽ phân trần, giải thuyết những gì cần phải nghe, phải hiểu cho hạng người căn tính thấp hơn.
Hai cách thuyết pháp phù hợp với quan niệm về Phật. Ứng thân (một danh hiệu khác của sanh thân) xuất hiện giữa thế gian, chịu theo mọi qui ước của thế gian, nên sự thuyết pháp phải chọn con đường ngôn ngữ: phải nói theo thứ tự khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, vân vân. Pháp thân, vốn là bản thân của chân lý siêu việt, do đó sự giảng thuyết cũng siêu việt. Bởi vì chân lý siêu việt là thực tại toàn diện, nên người nói và người nghe cũng tương ứng trong toàn diện. Ở đây, Pháp không được bộc lộ theo một tình tự có qui ước, mà là đốn khởi, hay trực khởi toàn diện. Do đó, chúng ta thường bắt gặp những diễn tả điển hình như: trên đầu mỗi sợi lông của đức Phật, khi ngài nhập chánh định, xuất hiện tất cả mười phương thế giới, không chỉ những thế giới đang hiện hữu, mà cả trong quá khứ và vị lai. Nghĩa là, tất cả mọi thế giới trong thời gian vô cùng và không gian vô tận. Rồi mỗi thế giới, của vô số thế giới như cát sông Hằng này, trong mỗi thế giới đều có đức Phật đang ngồi nhập Chánh định, và trên đầu mỗi sợi lông đó lại cũng xuất hiện tất cả muời phương thế giới trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là cái toàn diện cực đại bao la hiện diện ngay trong cái cá biệt vi tiểu cực hạn: Một là Tất cả và Tất cả là Một. Sự diễn tả này là trọng tâm của Pháp giới duyên khởi.
Trong tư tưởng Đại thừa, có hai quan niệm đặc trưng về duyên khởi. Quan niệm thứ nhất, y theo duyên khởi để đạt đến Pháp Không, thể hiện khả năng siêu việt hữu vô đối đãi, như đã thấy. Quan niệm khác, y trên pháp duyên khởi để chứng nhập thế giới tương giao trong trùng trùng vô tận, tức là Pháp giới duyên khởi. Ở đây, cũng giải thích về tương quan hiện hữu. Nhưng mỗi hiện hữu được quan niệm là một thực tại toàn diện – vì sinh tử tức Niết bàn – do đó, mối tương quan hiện hữu cũng toàn diện. Thí dụ, tương quan giữa hai tấm kính đối diện. Một mặt kính không phải chỉ duy là một mặt kính; nó bao hàm tất cả những gì không phải nó nhưng có quan hệ với nó. Như vậy, hai mặt kính phản chiếu nhau không chỉ là hai, mà là Tất cả, và Tất cả. Danh từ Pháp giới muốn nói rằng tất cả giới hạn vô biên và toàn diện của sự thực đều ở ngay nơi sự thực cá biệt đó. Vậy, Pháp tức là Pháp giới, và như vậy, Pháp thân tức là Pháp giới thân.
Phật giáo Mật tông gọi Pháp thân hay Pháp với Thân là pháp giới thể tánh trí và biểu tượng là Mặt trời: Đại nhật như lai. Ánh sáng mặt trời vốn bình đẳng và phổ biến. Pháp thân cũng vậy. Chỉ cần có mắt là có thể thấy. Hễ thấy được mặt trời là thấy được tất cả vạn vật. Các Thiền sư thường nói:
Thanh thanh túy trúc
Tận thị Pháp thân
Uất uất hoàng hoa
Vô phi Bát nhã.
Trúc biếc xanh xanh, đâu cũng là pháp thân. Hoa vàng rậm rạp, đâu cũng là Bát nhã. Như vậy, lý tưởng của các nhà Đại thừa là không chỉ học hỏi Chánh Pháp từ kinh điển. Họ học bất cứ ở đâu, từ những sự thể vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày. Để có thể được như vậy, phải trải qua những thời đào luyện tâm linh, sao cho tâm trí sẵn sàng mở rộng để đón nhận những chân lý cao cả được giảng thuyết nơi từng hạt bụi. Họ nói: Phá vi trần xuất kinh quyển. Chẻ hai hạt bụi ra thì sẽ thấy kho tàng bất tận của chân lý. Tâm hồn của chúng ta có thể chỉ là đá cuội, nhưng phải đào luyện nó cho đến khi một ngọn gió nhẹ thoảng qua, như một bài thuyết pháp bất tận, là đá cuội ấy gật đầu. Rồi sau đó, đến lượt ta: gia lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu, đến lượt ta khi ta lên tiếng thì (những) đá cuội (khác) cũng gật đầu đáp lại. Đây mới chính là lý tưởng của văn học Đại thừa. Nó có thể là không tưởng, nhưng chỉ với một khát vọng bao la như vậy cũng đủ lần hồi trải rộng tấm lòng của chúng ta khắp cả đại thiên thế giới. Kinh Phổ hiền Hạnh nguyện nhắc nhở lý tưởng ấy rằng: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng”. Hư không còn có thể có chỗ tận cùng, nhưng tâm nguyện (Đại bi) của ta thì không bao giờ có thể cùng tận.
Nếu chúng ta không hay biết tí gì về tâm nguyện đại bi ấy mà mong bước vào thế giới văn học Đại thừa, đây mới thật là một không tưởng trên mọi không tưởng. Không tưởng này được bộc lộ quá lộ liễu và thô thiển khi người ta đánh giá một tác phẩm Đại thừa qua cái gọi là sự khám phá về những thế giới bên ngoài thế giới này, thế giới vô cùng, vô tận, mà các tác phẩm Đại thừa thường mô tả, có thực như vậy hay không chẳng có gì quan hệ phải bận tâm. Nếu tâm trí của chúng ta không mở rộng kịp với thế giới vô tận được mô tả ấy, thì dù đó có là sự thực, cũng chỉ là sự thực của bóng vẽ. Nghĩa là, nói tóm lại, hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống. Và đây mới đích thực là tinh chất của toàn thể văn học Phật giáo, bao trùm tất cả mọi khuynh hướng, mọi tông phái của nó.
Tuệ Sỹ
Trân trọng tri ân:Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang,
và Tâm Quang Vĩnh Hảo, đã góp ý, tận tình hướng dẫn
để nhóm kết tập hoàn thành số Hoa Ðàm chủ đề Văn Học Phật Giáo này.

ĐÃ PHÁT HÀNH

HOA ĐÀM SỐ 1 – THÁNG 3, 2015
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Đường hướng giáo dục
trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ
HOA ĐÀM SỐ 2, – THÁNG 6, 2015
TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO
HOA ĐÀM SỐ 3 – THÁNG 6, 2016
PHẬT GIÁO ẤN DỤNG VÀ MÔI SINH
HOA ÐÀM SỐ 4 – THÁNG 4, 2017
DẪN VÀO THẾ GIỚI VĂN HỌC PHẬT GIÁO
HOA ÐÀM SỐ 5 – THÁNG 5, 2019
PHẬT GIÁO VỚI DÂN TỘC
HOA ÐÀM SỐ 6 – THÁNG 8, 2019
NGÔ MẠNH THU, NGƯỜI LÁI ĐÒ TRÊN DÒNG SÔNG TRĂNG

HOA ÐÀM SỐ 7 – THÁNG 11, 2019
ONLY LOVE CAN SAVE US FROM CLIMATE CHANGE (ENGLISH)
Lời ngỏ bằng tiếng Việt