Monday, March 30, 2020

Những Mảnh Vụn Ý Nghĩ Về Một Khu Vườn Âm Thanh

Lời dẫn: KHU VƯỜN ÂM THANH. Trong những ngày cả thế giới đang lo âu về dịch bệnh, tôi thường đi ra vườn, ngắm nhìn cây lá, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim hót... để tìm sự bình an trong tâm hồn. Hôm nay tôi bỗng nhớ lại, cách đây hơn 15 năm, tôi có viết một tản văn về một khu vườn âm thanh. Tôi chép lại ở đây để chia sẻ cùng các bạn.

NHỮNG MẢNH VỤN Ý NGHĨ VỀ 
MỘT KHU VƯỜN ÂM THANH
1.
Từ xa xưa, vườn là một nơi chốn của tâm linh. Phật Thích Ca đã sinh ra từ vườn Lumbini, giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thuyết pháp lần đầu tại vườn Saranath (Lộc Uyển), và nhập niết-bàn trong vườn ở Kusinara. Chúa Jesus, trước ngày bị đóng đinh trên thập tự giá, đã vào vườn Gethsemane để cầu nguyện một mình trước Thượng Đế. Người Hồi giáo xem khu vườn là tượng trưng cho hình ảnh của thiên đường, và đó là nơi để trầm tưởng, vì thế, hình dáng của khu vườn Islam phải tuyệt đối cân phương, cây cối phải luôn luôn xanh tươi – màu xanh lá cây là màu của Islam – và trong vườn luôn luôn có một hồ nước, theo như lời trong kinh Qur’an: “Jannat tajri min tahtiha al-anhar” (“dưới những vườn cây, có những dòng sông chảy”)...
2.
Trong đời sống thường nhật của chúng ta hôm nay, vườn là một vũ trụ của thiên nhiên nằm gọn trên một mảnh đất nhỏ. Vườn là một tiểu vũ trụ của chúng ta. Bước vào vườn, chúng ta cảm thấy mình đang trở về với thiên nhiên...
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, từ đông sang tây, chúng ta đã ứng dụng khoa học và óc thẩm mỹ vào việc xây dựng những khu vườn. Chúng ta đã đem những chất liệu từ thiên nhiên về mảnh đất của mình và uốn nắn, sắp xếp, chăm bón cho chúng phát triển theo một trật tự nào đó phù hợp với óc thẩm mỹ của mình nhưng đồng thời không đánh mất tính nguyên sơ của thiên nhiên. Vườn, do đó, biểu hiện một hoà điệu giữa thiên nhiên (nature) và văn hoá (culture).
3.
Những người không hiểu trọn vẹn cái hoà điệu thiên-nhiên/văn-hoá của vườn vẫn thường tưởng rằng vườn chỉ là một cái gì đó để nhìn ngắm. Nói đến vườn, họ thường nói đến vẻ đẹp của hoa lá, cây trái, và nghệ thuật cắt tỉa, bài trí. Hầu hết khách thưởng ngoạn đều cảm thấy thoả mãn khi chụp ảnh những khu vườn đẹp. Hàng ngàn khu vườn đẹp trên thế giới đã được tái hiện trên những tấm bưu thiếp (postcard). Chúng chỉ còn là một cái gì để nhìn.
4.
Có lẽ rất ít người đến một khu vườn để thực sự lắng nghe và thưởng thức âm thanh của nó. Có lẽ càng ít người hơn nữa đến một khu vườn để thu âm thanh (thay vì chụp ảnh).
5.
Đa số người quên rằng mỗi khu vườn — ngay cả một khu vườn chỉ có cát và sỏi — vẫn có một thứ âm thanh — một thứ âm nhạc — của riêng nó.
6.
Đi qua những khu vườn khác nhau, chúng ta có thể nghe những âm thanh — âm nhạc — khác nhau. Tiếng côn trùng. Tiếng nước chảy. Tiếng lá reo. Tiếng gió thổi. Tiếng người nói. Tiếng xe cộ từ bên ngoài vẳng lại. Tiếng chim hót. Tiếng gà gáy. Tiếng những chiếc phong linh kêu trong gió... Và muôn vàn âm thanh khác.
Từng giờ phút trong ngày và đêm, âm thanh — âm nhạc — của mỗi khu vườn luôn luôn thay đổi. Mỗi khu vườn có một bản nhạc bất tận của riêng nó.
7.
Một người mù vẫn thưởng thức được những vẻ đẹp khác nhau của những khu vườn vì có thể nghe những vẻ đẹp.
Có lần, bạn tôi kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Anh chở một người bạn đi chơi. Dọc đường, thấy một khu vườn rất đẹp, anh ghé vào xem. Đến khi đang tản bộ trong khu vườn ấy, anh mới giật mình và hối hận vì đã quên rằng người đồng hành của mình bị mù. Thế nhưng, trong lúc anh đang loay hoay tìm lời để xin lỗi, thì người đồng hành nở một nụ cười rất tươi và nói: “Ôi, vườn này đẹp quá!”
Người mù ấy đã nghe được vẻ đẹp của khu vườn.
8.
Trong đêm tối, hầu hết những khu vườn lớn nhỏ đều đóng cổng, không ai đến viếng, vì người ta tưởng không còn gì để thưởng thức nữa. Kỳ thực, đêm tối lại chính là lúc chúng ta có thể thanh thản lắng nghe thứ âm nhạc tuyệt diệu của thiên nhiên trong vườn.
Dưới mưa, cũng thế, mọi khu vườn lớn nhỏ đều không còn ai. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc chúng ta có thể nghe một giai điệu khác, một tiết tấu khác, của vườn.
9.
Manuel de Falla, một nhạc sĩ lừng danh của Tây-ban-nha, đã lắng nghe âm nhạc của vườn đêm, và đã viết nên nhạc phẩm bất hủ Noches en los Jardines de España (Những đêm tối trong những khu vườn ở Tây-ban-nha) cho đàn piano độc tấu (1909), và sau đó ông khai triển thành một hoà khúc cho đàn piano và dàn giao hưởng (1915).
Trước đó không lâu, Claude Debussy, một nhạc sĩ lừng danh của Pháp, đã lắng nghe âm nhạc của khu vườn dưới mưa, và đã viết nên bài Jardin sous la pluie (Vườn dưới mưa), một nhạc phẩm ngoại hạng cho đàn piano độc tấu (1894).
Trong hậu bán thế kỷ 20, Takemitsu Toru, một nhạc sĩ lừng danh của Nhật Bản, đã sáng tác những nhạc phẩm kiệt xuất sau những giờ tản bộ trong những khu vườn. Vườn là nền tảng mỹ học và cảm hứng âm nhạc của ông. Những nhạc phẩm của Takemitsu để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức tôi là In an Autumn Garden (1973, Trong vườn mùa thu), Garden Rain (1974, Mưa trong vườn), A Flock Descends into the Pentagonal Garden (1977, Một bầy chim đậu xuống vườn ngũ giác), và Spirit Garden (1996, Vườn linh hồn), nhạc phẩm cuối cùng trước khi ông nhắm mắt.
10.
Takemitsu kể chuyện một lần ông tản bộ qua khu vườn Islam của đền Alhambra ở Granada, Tây-ban-nha. Cấu trúc quá cân phương và không khí lặng ngắt trang nghiêm của khu vườn ấy không cho ông một cảm hứng nào. Thình lình, có tiếng bước chân một người đàn bà đi nhanh qua vườn và một cơn gió thổi làm mặt nước trong hồ rung rinh. “Chỉ đến lúc ấy, âm nhạc mới nẩy sinh.” Takemitsu nói.
11.
Ban ngày, bạn hãy lắng thử nghe những nhạc phẩm ấy của Manuel de Falla, Claude Debussy, và Takemitsu Toru, rồi ban đêm, hay khi trời mưa, bạn hãy thử vào trong một khu vườn để lắng nghe âm nhạc của thiên nhiên. Sau đó, bạn hãy ghi lại những cảm tưởng của mình.
12.
Ban ngày, nếu bạn không lắng nghe khu vườn của bạn, thì nó chỉ là một khu vườn của màu sắc và đường nét. Ban đêm, hay khi trời mưa, bạn không còn nhìn thấy điều gì rõ ràng trong khu vườn của bạn nữa, thì nó có thể trở thành một khu vườn âm thanh cho bạn thưởng thức.
13.
Một khu vườn âm thanh thì hoàn toàn khác với một không gian dành cho tác phẩm sắp đặt âm thanh (sound installation), nơi người ta chiếm một khoảng không gian và gắn vào đó một hệ thống phát ra những âm thanh thu sẵn.
Nhạc phẩm Soniferous Garden (1998, Vườn âm thanh) của Hildegard Westerkamp không phải là một vườn âm thanh, mà chỉ là một tác phẩm sắp đặt âm thanh hết sức kỳ công. Bà đã thu sẵn vào băng nhựa những âm thanh từ những ngôi đền ở Ấn Độ, gồm tiếng chuông, tiếng tụng kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng OM... Bà pha trộn chúng vào tiếng nước chảy ở Goa và Canada, tiếng phong linh, tiếng thở nhẹ, trên nền âm trì tục (drone) kéo dài, lúc thì lớn lên, khi thì tan vào sự im lặng. Thỉnh thoảng lại có giọng của Swami Brahmananda nói “Thượng Đế là gì?”, giọng vài người Ấn Độ đọc tên các thần linh của đạo Hindu, giọng của chính Westerkamp nói chữ “im lặng” và đọc một câu của Kirpal Singh: “Khi không có âm thanh, thính giác trở nên tinh nhạy nhất”. Thỉnh thoảng có những đoạn hoàn toàn im lặng, và khán giả được mời đọc đồng thanh tiếng OM... Và tất cả những âm thanh này được phát ra bên trong toà nhà Indira Gandhi National Centre for the Arts ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25 tháng 12 năm 1998.
Nhạc phẩm A Soniferous Garden (1999, Một vườn âm thanh) của Richard Windeyer lại càng không phải là một vườn âm thanh! Đó chỉ là một tác phẩm được viết sẵn dưới dạng tổng phổ hoàn chỉnh. Các nhạc công vừa thổi các loại kèn, sáo, tiêu, vừa bước đi quanh hoa viên Victoria Park ở Kitchener, Ontario, Canada, trong kỳ đại hội Open Ears Festival of Music & Sound, tháng 5 năm 1999. Khán giả vừa lắng nghe vừa bước theo các nhạc công. Tất nhiên người ta có thể nghe những âm thanh thiên nhiên và tiếng người nói, tiếng bước chân... xen vào dòng nhạc hoà tấu, nhưng tựu trung đó vẫn chỉ là một nhạc phẩm được viết theo lối cổ điển và được trình diễn di động.
Một khu vườn âm thanh thì khác. Nó vẫn là một khu vườn bình thường, với những âm thanh tự nó phát ra. Những âm thanh ấy đến từ thiên nhiên và không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến khi khu vườn biến mất. Chúng ta có thể treo thêm trong vườn những chiếc phong linh, những cái chuông, những cái lục lạc, hay những chiếc đàn aeolian... Nhưng chúng ta đừng điều khiển chúng. Hãy để cho thiên nhiên điều khiển. Chúng sẽ tạo nên âm nhạc mỗi khi gió thổi qua, mưa rơi xuống, một con chim hay một con chuồn chuồn ngẫu nhiên chạm vào...
14.
Để có một khu vườn âm thanh phong phú, hãy chăm bón cho cây lá, hoa trái tươi tốt để chim chóc và côn trùng có nơi vui sống và sinh sản; hãy nuôi những con cá, những con ếch nhái no đủ, sung sướng trong những hồ nước; hãy chừa ra những khoảng trống cho gió luồn qua, cho nắng soi vào, cho mưa tưới xuống...
15.
Tất nhiên chúng ta có thể, và nên, thưởng thức vẻ đẹp của vườn bằng cả năm giác quan. Chúng ta nhìn ngắm các sự vật trong vườn, ngửi mùi hương, sờ vào hoa lá, nếm một trái cây, và lắng nghe âm thanh chung quanh mình. Thế nhưng, trong năm giác quan, sự nhìn ngắm và lắng nghe gắn liền với hai nghệ thuật lớn của văn hoá nhân loại: mỹ thuật và âm nhạc.
16.
Trước hết là âm nhạc. Vũ trụ đã khởi đầu bằng một âm thanh.
HOÀNG NGỌC-TUẤN, Sydney 2004.

===========
Photo: trích từ tạp chí National Geographic.

Sunday, March 29, 2020

Đừng mắc sai lầm lớn này trong đời


Đừng mắc sai lầm lớn này trong đời

Khi những người thân thương của mình, nhiễm Covid-19, được xe cứu thương chở đi, mình sẽ:
KHÔNG THỂ đi theo trên xe cứu thương
KHÔNG THỂ ngồi bên giường bệnh
KHÔNG THỂ nắm tay an ủi
KHÔNG THỂ thăm viếng mỗi ngày
KHÔNG THỂ nhìn thấy người thân của mình nằm thở mệt nhoài từng hơi bằng máy trợ phổi vài ngày, hay vài tuần
KHÔNG THỂ biết khi nào họ sẽ lành bịnh, hay sẽ vĩnh viễn ra đi không một người thân bên cạnh
KHÔNG THỂ nhận tin nhắn vì người thân có thể yếu dần
KHÔNG THỂ liên lạc để được cập nhật bệnh tình vì tất cả nhân viên y tế - những thiên thần - đang quá bận rộn tới kiệt sức
KHÔNG THỂ và KHÔNG THỂ trăm điều khác


Mình chỉ biết bị cách ly ở nhà chờ đợi thấp thỏm, khi người thân thương hoàn toàn cô đơn đang ở bịnh viện.
Trong vài tuần tới đây - điều này có thể thành hiện thực và xảy ra với bất cứ ai.


Và, không có gì đáng sợ hơn, khi người bệnh là chính mình - và mình phải trải qua cảnh một mình nằm bịnh này trong sự lo lắng trăm ngàn lần cho gia đình của mình.


HÃY Ở NHÀ! Vì mình, vì gia đình mình, vì cộng đồng và xã hội.
Với tất cả TÂM TỪ và lòng BIẾT ƠN - hãy chia sẻ với mọi người bạn nhé !


From: Nguyên Túc Nguyễn Sung's facebook.

PLEASE STAY AT HOME! 
For the greater good of our family, 
for our communities and society.

With all loving-kindness and appreciation. 
Please share with everyone!


Make no mistake. When loved ones are removed from your home by ambulance because the virus has hit them hard, you are not going to be able to follow them there, sit by their hospital bed and hold their hand. You are not going to be able to pop in at 7.00 pm for visiting hours. They are going to have no one other than exhausted and brave hospital staff to see them through days or weeks of barely breathing through a ventilator until they either die or recover. They are not going to be well enough to text you.


You are not going to be able to phone the ward to check in on them regularly (staff will be too busy for that). During that time, they will be completely alone, while you sit at home waiting to hear whether they have made it through.

Imagine that person is someone you love dearly. Because it's going to be a reality for many in the coming weeks.

And if that person in hospital happens to be you, going through that ordeal completely alone, it would be nothing less than terrifying.

Please stay home and only go out if absolutely necessary. Social distancing is imperative right now for your family and mine.
Copy and paste to share, I did. ❤️🙏

Saturday, March 28, 2020

“I Have A Dream” – Giấc Mơ Tỉnh Thức

 “I Have A Dream” – Giấc Mơ Tỉnh Thức

Uyên NguyênTổng thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hai cô con gái Sasha và Malia và Marian Robinson tham quan Đài tưởng niệm quốc gia Martin Luther King Jr. trước lễ trao tặng tại Washington, DC, Chủ nhật, ngày 16 tháng 10 năm 2011 (Ảnh: Chuck Kennedy)

__________________
“I Have a Dream”*, chả là chẳng phải điều này vẫn là giấc mơ của Mỹ? Giúp người Mỹ luôn tỉnh thức?
Sự vĩ đại của một quốc gia kết tinh trên nền tảng văn hóa qua quá trình lịch sử phát triển từ ngày lập quốc cho đến một thời điểm nhất định hiện tại chứ không phải chỉ là một chế độ chính trị của một chính phủ hay một nhiệm kỳ tổng thống nào đó. Riêng với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, còn là một điểm kết tụ nhiều luồng văn hóa dị biệt. Cho nên tổng thống Donald Trump nói “Make America Great Again”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực là khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước vốn đã được tiền nhân kiến tạo đang mai một, sói mòn. Và nói như thế là kích động công dân ủng hộ ông, cùng bắt tay nhau tạo nên cái sự vĩ đại theo cách nhìn, cách nghĩ của ông và những người ủng hộ. Điều đó dễ hiểu thôi. Như Việt Nam ngày nay, nếu có ai có thể làm được điều này: “Make Việt Nam Great Again,” hẳn nhiên sẽ được nhiều người ủng hộ nhưng, đồng thời chúng ta cũng phải công nhận một điểm chung rằng, cũng sẽ có người chống. Vậy thì việc chê bai hay chống các chính sách của Trump, chỉ trích tổng thống Trump v.v… là chuyện bình thường. Bình thường hơn nữa là khi ông phê phán những chính sách, những vị tổng thống tiền nhiệm, hiện tượng này đâu phải chưa có tiền lệ. Bởi phải thấy cái gì đó mà mình tin rằng mình làm hay hơn, thì lẽ tất ông mới mạnh dạn ra ứng cử để thay đổi, để đưa ra những ý tưởng chính sách mới mẽ của mình. Thất bại là một chuyện khác, và sau nữa.
Cứ để ông ấy làm xong vai trò tổng thống của ông với số phiếu ông từng có được, đó là trách nhiệm của ông. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao chứng minh lá phiếu của mình có giá trị. Giá trị ở đây bao gồm “yes”, hay “no” cho vị tổng thống này. Và trên hết, kết quả của nó, thái độ cộng tác của mỗi công dân Hoa Kỳ sau kỳ bầu cử là sự thể hiện trách nhiệm. Trách nhiệm đó trước hết là lời nói, rồi đến hành động trong mối tương quan cộng đồng mình đang chung sống. Việc lên tiếng minh bạch những chính sách đúng hoặc sai của quốc gia, đứng đầu là tổng thống cũng là một trong muôn một trách nhiệm công dân. Cuộc sống luôn có tám ngọn gió lớn, được – mất; danh thơm – tiếng xấu; ca tụng – khiển trách; hạnh phúc và đau khổ. Tất cả như những cặp đôi hoàn hảo mà không ai không từng trải qua.
“Nước Mỹ không vĩ đại như chúng ta tưởng”, thật ra ý này thì không chỉ nghe được gần đây. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott, cựu Thống đốc bang Florida, trong một bài viết “Chúng ta cần chiến đấu cho những giá trị đã làm nước Mỹ vĩ đại”, đăng trên tờ Washington Examiner hôm 28 tháng Mười, 2019. Sau khi liệt kê một số đề mục theo ông là chính đáng cho chính sách quốc gia, cuối bài ông nói: “nếu quả được như vậy, thì ‘đó là điều tuyệt vời, nước Mỹ đã trở lại’” (If so, I will smile and say “that’s great, America is back.”). Chúng ta hẳn nhiên hiểu điều “trở lại” ông vừa nói. Có khác gì ý niệm “great again”
Kim Bellard, một nhà tư vấn độc lập có nhiều kinh nghiệm trong ngành chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm, trong một bài phân tích “America the Not-So-Great”, viết trên Tincture, nói rằng: “Hầu hết người Mỹ – bao gồm cả bản thân tôi – nghĩ rằng chúng ta sống ở đất nước vĩ đại nhất trên trái đất. Rốt cuộc, chúng ta có nền kinh tế lớn nhất, quân đội hùng mạnh nhất, văn hóa đại chúng phổ biến nhất, và dĩ nhiên là Giấc mơ Mỹ. Chúng tôi đã có Phố Wall và Thung lũng Silicon, Walmart và Amazon, Hollywood và Nashville. Chúng tôi có – tốt, chúng tôi đã từng có – thành phố lớn nhất, tòa nhà cao nhất và sản lượng sản xuất lớn nhất. Nhưng khi nói đến một số điều cơ bản, chúng tôi không làm tốt lắm… Chúng ta nên làm tốt hơn và rằng… nếu chúng ta thực sự yêu đất nước của chúng ta, chúng ta cần đòi hỏi hỏi mọi quyền lợi nhiều hơn cho đất nước, và cho cả bản thân chúng ta nữa”.
Most Americans — myself included — think we live in the greatest country on earth. After all, we have the biggest economy, the most powerful military, the most pervasive popular culture, and, of course, the American Dream. We’ve got Wall Street and Silicon Valley, Walmart and Amazon, Hollywood and Nashville. We have — well, we used to have — the biggest city, the tallest building, and the largest manufacturing output. But when it comes to some of the basics, we’re not doing so well.
Từ những phân tích của Kim Bellard, cũng không khác những điều ta thán của bao nhiêu công dân Hoa Kỳ trong một xã hội còn có nhiều sự bất cập và cái nhìn của ông cũng không ngoài ý nghĩ cần làm một cái gì đó để đất nước này được khá hơn. Nói “làm cho khá hơn”, từ lăng kính của một công dân như Kim Bellard chứ không nói là “vĩ đại” như cách của những nhà chính trị gia.
Cách đây không lâu, 2018, Cộng đồng người Việt trước nguồn tin Tổng thống Trump muốn trục xuất người Việt tỵ nạn chiến tranh khỏi Hoa Kỳ, điều này từng gây ra phẫn nộ và qua đó, vượt xa giới hạn không chỉ là bày tỏ niềm thất vọng, không ít những lời cáo buộc nặng nề như là “vô nhân đạo”“bắt tay nồng thắm với CSVN” v.v… từ những nhân vật tiếng tăm và uý tín của cộng đồng.
Riêng năm ngoái trên tờ Boston Herlad, nhà báo Jeff Robbins đã có bài phân tích, đúng hơn là những lời chỉ trích, mỉa mai về những chính sách của chính phủ với tựa đề chỉ đích danh tổng thống Trump, “President makes America look not so great.” Và Jeff Robbins đã viết hàng loạt bài báo với nội dung, tinh thần tương tự như vậy chứ không chỉ là một.
Cũng cùng năm ngoái, quanh sự kiện này, Tờ Newyork Times làm một chuyên mục lấy ý kiến độc giả, với cái tiêu đề thật ấn tượng “Please Stop Telling Me America Is Great”. Đây không phải là chuyện giựt tít mà là một đề tài nghiêm túc để mọi tầng lớp công dân có thể đóng góp quan điểm của mình. Và không chỉ riêng tờ báo này mà nhiều cơ quan truyền thông báo chí quốc tế uy tín cũng dành nhiều thời giờ và giấy mực để bình luận và phân tích. Thậm chí còn chỉ ra thời điểm nào được cho là nước Mỹ không còn vĩ đại như xưa. (The time when America stopped being great, BBC)
Vậy thì vấn đề ở chỗ từ “cuộc nổi loạn chính trị” của Donald Trump, với khẩu hiệu “Make American Great Again”, hoặc ở một chỗ khác, lúc khác ông nói đầy đủ hơn “Together we will make America great again”, tự nó đã là một đòn tâm lý đánh trúng vào lòng mong mỏi vô bờ của con người. Những quyền lợi mà chúng ta “expect-deman” như phân tích của Kim Bellard luôn luôn là một nhu cầu, lợi ích không của người này thì cũng của người khác ở một xã hội mà thực tế có sự chênh lệch giàu nghèo.
Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là, sự đòi hỏi nhu cầu quyền lợi của bất kỳ cá nhân nào phải luôn luôn đi kèm với quyền lợi phát triển chung của xã hội, đất nước. Vì vậy một quốc gia vĩ đại hay không, hiểu một cách phổ quát nó là trách nhiệm của một cộng đồng chung sống cùng tạo nên và vì vậy, tại sao khẩu hiệu “Make American Great Again” có vẻ xuôi tai nhiều người, ở mọi thời. Từ đó luôn có những phản ứng phụ qua những cuộc biểu tình, những lời chỉ trích, phê phán ở tầm lớn có và nhỏ cũng có đối với những chính sách của quốc gia. Đó cũng chỉ là chuyện bình thường. Ở đây liệu chúng ta có cần tranh cãi về khái niệm tự do nói chung của mọi thứ tự do trong bản Hiến Pháp, bởi nó luôn luôn tạo ra hai hiệu ứng cùng lúc mà bất cứ ai cũng phải chịu chung sự vận hành của nó. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng không ngoài và những người phát biểu quanh những sự kiện liên quan ông cũng không ngoài, một khi chấp nhận vào cuộc tranh cãi, tranh luận. Ở đây chính văn hóa và tinh thần tranh cãi, tranh luận như thế nào mới là điều đáng được tôn trọng, nó đồng thời cũng chính là một trong những yếu tính kiến tạo sự vĩ đại của một quốc gia dân tộc mà chúng ta đang đề cập.
Tôi thích lời kết của một bài báo trên VOA (02/06/2015), của một bạn đọc nhận định về “Nước Mỹ Vĩ Đại”: “Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.”
Bằng một cái nhìn tổng quát, xuyên suốt, ở đây chúng ta hiểu nội hàm, hay thước đo cho tính vĩ đại trong trường hợp này, lại luôn luôn đi kèm với câu hỏi lừng danh như một chân lý: “Ask Not What Your Country Can Do For You – Ask What You Can Do For Your Country.” (John F. Kennedy’s, January 20, 1961).
Giữa trận cuồng dịch hiện nay, rất dễ để nhìn ra đâu là nghĩa cử vĩ đại của mỗi công dân Hoa Kỳ và đất nước Hoa Kỳ, từ những việc rất nhỏ bé và tầm thường.
Cái tâm lý cầu tiến để đạt được và muốn có hơn là chuyện dễ hiểu. Mà cầu tiến cho một quốc gia thì đó chẳng phải là một đức tính tốt hay sao? Hơn là cái kiểu tuyên truyền trịch thượng kiểu như là “Hồ chí minh vĩ đại” mà ta vẫn nghe ra rả loa phường ở một đất nước càng ngày càng có nhiều vấn nạn bế tắc, vì nơi đó tôn sùng chính quyền, đảng và thần tượng lãnh đạo hơn cả quốc gia của mình. “Việt Nam Muôn Năm”, câu khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng, tuy ai cũng muốn như vậy thật, nhưng muôn năm như thế nào thì đó là điều cần suy nghĩ.
Và, hình như không phải là nhiệm vụ một vai hai gánh mà đau đáu vẫn có một niềm ao ước tha thiết, thường trực khác nữa của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước, đó là “Make Viet Nam Great Again”.
Mặc Cốc 28 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
_________________________________________________
* “Tôi có một giấc mơ” (“I Have a Dream“) là bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: “Trong cô đơn, người nghệ sĩ tìm thấy chính mình”

Lời dẫn: Nhân dịp về Việt Nam lần cuối, hữu duyên hẹn Vĩnh lên Pleiku thăm Thầy, thăm bạn trong buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 4. Ở phi trường, Bốn chị em gặp nhau và đi cùng chuyến, mới tìm hiểu và thương người hoạ sĩ trẻ này. Vĩnh vốn rất nghệ sĩ và 'bụi trần lai láng' mà bình dị, Vĩnh chia sẻ là năm này, 2020, sẽ ra một tác phẩm sách bao gồm hơn 50 bức hoạ chân dung của những văn nghệ sỹ lớn của Miền Nam như Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Hàn Mặc Tử, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bính, Lam Phương, Phùng Quán, Du Tử Lê, v.v... chúng tôi rất tán thán 'công đức' và đam mê nghệ thuật của bạn và khuyến tấn nên làm sách và các cuộn triễn lãm. Lotus Media có thể hổ trợ việc thiết kế nếu cần. Chúng tôi mong quý vị hãy tìm hiểu thêm về con người của anh và thưởng thức những tranh vẻ rất hồn pha lẫn những tấm lòng quý kính cho nhau. Quý vị hãy mua để ủng hộ người nghệ sĩ trẻ và tài hoa, gà trống nuôi con, này quý vị nhé. Xin trân trọng giới thiệu hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh.

~Lotus Media,

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: “Trong cô đơn, người nghệ sĩ tìm thấy chính mình”

Mar 28, 2020 | By Trang Ps

“Những người nghệ sĩ độc thân hay có gia đình, bản thân anh ta vẫn luôn tồn tại cảm giác cô đơn. Trong cô đơn, họ mới tìm thấy chính mình.” Họa sĩ Trần Thế Vĩnh bình tâm chia sẻ và miên man trong làn khói thuốc mờ ảo.


Một buổi chiều Sài Gòn nọ, khi tất thảy 95 triệu người Việt Nam bất an và hoảng loạn trong tâm dịch Covid-19, các trang mạng như Facebook ngập tràn hình ảnh và nội dung về sự bùng phát virus nguy hiểm này, thì tôi bắt gặp một bức chân dung nhà thơ Bùi Giáng trong bảng màu sơn dầu thánh thoát và nên thơ do một người bạn chia sẻ lại. Bút pháp độc đáo với những nét phá “bất bình thường” khiến tác phẩm chân dung dội vào lòng tôi nỗi tò mò khôn tả. Ai là cha đẻ của bức họa này?
Chúng ta đang ở thời kỳ mà mọi câu hỏi đều có thể được giải đáp nhanh chóng thông qua một cú nhấp chuột, và cũng như vậy, tôi tình cờ biết đến họa sĩ Trần Thế Vĩnh, người đứng sau bức họa Bùi Giáng và 50 tác phẩm chân dung còn lại trong series bao gồm những văn nghệ sĩ trí thức tài hoa đã để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm và đã khẳng định tên tuổi trước năm 1975 như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà văn Phùng Quán,…
Bộ tranh chân dung 51 bức được vẽ từ năm 2018 – 2019 là sự chuẩn bị cho một chương mới trong cuộc đời người họa sĩ khi anh quyết định ra mắt một cuốn sách ảnh và triển lãm cá nhân cho series thú vị này.
Câu chuyện tình cờ này phần nào dệt nối nhân duyên cho cuộc trao đổi giữa tạp chí Luxuo.vn và họa sĩ Trần Thế Vĩnh tại studio ngăn nắp và tràn đầy cảm hứng của anh ở Gò Vấp, Tp. HCM.

Chào họa sĩ Trần Thế Vĩnh! Điều gì đã khiến anh bén duyên với series 51 bức chân dung ý nghĩa này?

Cuộc đời người nghệ sĩ là một chuỗi những trải nghiệm mà ở đó anh ta biến hóa chúng thành chất liệu trên những tấm toan. Ai đó đã đúng khi nói họa sĩ chúng tôi đa đoan và nhạy cảm. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật Huế, tôi bắt đầu sáng tác bằng sơn dầu là chính, bao gồm những tác phẩm thuộc phong cách biểu hiện và trừu tượng. Bộ tranh trừu tượng của tôi vẽ từ năm 2010 đã tham gia cuộc trưng bày ở Gallery Tự Do vào năm 2012. Từ năm 2013, tôi vẽ series chân dung tự họa và sau 3 năm thì thực hiện triển lãm cá nhân tiếp theo vào năm 2016. Chưa kể, tôi cũng biến duyên với dòng tranh thú một thời gian. Vào năm 2016, tôi lập gia đình và tập trung phần lớn thời gian vẽ biểu hiện.
Nhưng cũng chính từ đây đã mở ra trong cuộc đời tôi nhiều biến cố, từ việc chứng kiến gia đình mới đổ vỡ đến mất hai người mà tôi thương yêu nhất, hàng tháng trời, tôi không vẽ, tình trạng chán nản và buồn bã đó đeo bám tôi ngay cả khi tôi trở lại Sài Gòn. Tôi đọc kinh, đọc văn chương và nghe nhạc. Và khoảng lặng đó đã khiến tôi bén duyên với bộ chân dung này, khi tôi có dịp đọc và tìm hiểu những nhân vật tài hoa như Bùi Giáng hay Tô Thụy Yên.
Xuất phát của bộ tranh này là sự đau khổ. Càng đọc, tôi càng cảm nhận sự đồng điệu giữa cuộc đời mình và cuộc đời của những người mà tôi muốn vẽ. Đời sống nghệ sĩ phải chấp nhận đau khổ, và từ cái đau khổ đó, họ có chất liệu để kể câu chuyện của mình.
Con đường nghệ thuật là con đường nhạy cảm, lận đận và đa đoan. Ranh giới cảm xúc của họ mong manh từ đó dẫn đến cao trào đau khổ. Sinh ra làm nghiệp nghệ sĩ là do trời định.

Như vậy, theo anh, đau khổ là chất xúc tác cần thiết cho nghệ thuật?

Con người sinh ra không ai muốn đau khổ. Đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta, một là tìm cách thoát khổ hoặc là chấp nhận đau khổ để tiếp tục cuộc sống này. Bản thân tôi cũng chưa một lần trông chờ vào biến cố hãy xảy ra, hãy để mình đau khổ, để rồi sáng tác.
Nhưng khi đau khổ tự nhiên kéo đến, con người có cơ hội nhìn lại, lắng đọng, chấp nhận nghịch cảnh và lúc này họ có được sự vững vàng góp phần tạo lực đẩy khủng khiếp cho nội tâm. Nhưng nếu anh cứ chìm đắm mãi trong khổ ải ấy, anh sẽ chẳng bao giờ vẽ nổi cái gì “nên hồn” trên tấm toan.
Giống như những ngày mưa gió bão bùng, đau khổ đến để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền. Chính Lão Tử cũng là người chịu nhiều khổ ải mới đắc đạo. Đức Phật cũng trải qua nỗi đau tột cùng mới đạt đến giác ngộ đó thôi. Nói đến đây để nhấn mạnh một điều rằng cuộc sống là vô thường, và dạy cho ta bài học về sự chấp nhận và đối diện với chính mình ở lúc này và ngay bây giờ.

Anh có thể chia sẻ về thói quen sáng tác cũng như trải nghiệm xúc cảm của mình trong và sau khi hoàn thành một bức chân dung?

Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.
Sự định tâm vô cùng quan trọng trong nghiệp sáng tác của người họa sĩ. Quá khứ của anh ta có thể băng qua nhiều biến cố, với những vết sẹo chưa lành, nhưng anh ta phải chấp nhận rằng mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, lắng đọng và sắp xếp lại, thì lúc này anh ta có thể nhìn thấy chính mình qua những gì anh ta đã trải qua.
Vẽ xong thì thật sự sung sướng, y như tôi đang đối diện với chính mình, thích có người bạn cụng ly bia và ngồi với nhau tâm sự, chia sẻ. Hoặc không, tôi sẽ châm điếu thuốc và ngâm bức hình trong trạng thái miên man, say đắm.
Tôi nhận thấy cảm xúc con người mình phù hợp với sơn dầu: vừa mạnh mẽ, vừa lắng đọng và tình cảm. Với sơn dầu, bạn có thể vừa tạo ra độ trầm mặc, ào ạt cảm xúc, vừa có thể phô diễn nét thâm trầm của từng lớp màu.

Có một bộ phim mang tên Freedom Writers, trong đó người giáo viên đề nghị các em học sinh chịu nhiều thương tổn trong quá khứ viết nhật ký như một phương pháp chữa lành. Có lẽ, việc nét cọ di chuyển trên tấm toan cũng khiến cõi lòng người nghệ sĩ an yên hơn.

Đối với tôi, vẽ là đam mê và không vẽ, tôi không chịu được. Nhưng ý của bạn cũng đúng, rằng vẽ là một phương pháp chữa lành. Trong khi vẽ, người họa sĩ ấy đã chấp nhận những gì đã qua, cũng giống như những em học sinh viết nhật ký, họ đã chấp nhận để rồi đặt bút.
Khi có nhiều thứ lộn xộn đè nặng trong lòng, nếu người nghệ sĩ chưa giải quyết, họ khó mà vẽ. Vì lúc đó, họ sẽ bị phân tâm. Nhưng khi mọi gánh nặng đã lắng đọng – nghĩa là lúc này anh ta chấp nhận, anh ta sẽ sẵn sàng tâm sự với tấm toan ấy.

Khi nhìn vào những bức chân dung, tôi có thể thấy linh hồn nhân vật trong tranh vô cùng rõ ràng và sống động. Chắc hẳn điều đó đã nói lên phong cách nghệ thuật của riêng anh?

Vẽ chân dung là một chủ đề cơ bản của bất cứ ai khi bước chân vào nghiệp họa sĩ. Nhưng cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình.
Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp, bạn có thể thấy những “nét phá”, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh.
Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình.

Anh từng nhấn mạnh trong cô đơn, người nghệ sĩ mới tìm thấy chính bản thân mình. Anh có thể lý giải điều này như thế nào?

Thật thế, những người nghệ sĩ độc thân hay có gia đình, bản thân anh ta vẫn luôn tồn tại cảm giác cô đơn. Trong cô đơn, họ tìm thấy chính mình. Có thể, khi với gia đình, họ cũng là một con người bình thường như ai khác thôi, nhưng có thể là vì họ biết cách cân bằng, họ ghìm những xúc cảm của mình lại để hòa quyện vào đám đông.
Nhưng tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ hết sức phức tạp, mấy ai hiểu hết tâm hồn họ, và do đó, họ cũng khó khăn khi tìm kiếm người đồng điệu, một người có thể thấu hiểu, lắng nghe và cùng chia sẻ. Ngày xưa khi có gia đình, tôi cũng phải cố gắng ghìm cảm xúc, nhưng có lẽ thiên tính nghệ sĩ trong tôi quá mạnh và người bình thường khó lòng sống nổi với cảm xúc ấy. Chính vì vậy, khi ở với gia đình, tôi cũng có cảm giác như đang ở một mình thôi, vì mình đang sống trong tâm trí của mình.

Từng có thời điểm con người tranh cãi “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, với anh thì sao?

Cả hai quan điểm đó đều sai, là vì người ta không hiểu về nghệ thuật. Bản thân nghệ thuật là nghệ thuật và là cuộc sống. Cuộc sống là nghệ thuật và nghệ thuật cũng là cuộc sống. Chúng không thể tách rời. Chẳng qua, vì mâu thuẫn chính trị nên con người cũng mâu thuẫn tư tưởng và đấu tranh lẫn nhau.
Nghệ thuật vị nghệ thuật đề cao tính cá nhân, và nghệ thuật vị nhân sinh đề cao tính tập thể. Nhưng cớ sao phải đưa nghệ thuật ra mổ xe như vậy? Vì vốn dĩ bản thân nghệ thuật đã có tất cả mọi thứ, nó là vòng tròn đầy đủ. Người nghệ sĩ trước tiên phải đề cao tính cá nhân của anh ta, chắc chắn anh ta phải có cái tôi riêng thì mới có thể sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo ấy xuất phát từ rung động cá nhân, chứ không phải tập thể. Nhưng vốn dĩ, rung động đó cũng bắt nguồn từ cuộc sống mà thôi. Thơ ca, văn học, âm nhạc… suy cho cùng đều lấy chất liệu từ cuộc sống ấy mà.

Suốt cuộc đời mình, có những người men theo một hệ tư tưởng chung để vẽ, có người thay đổi, còn anh thì sao?

Tôi là người có hệ tư tưởng liên kết nhau qua từng series tranh. Bởi con người luôn biến đổi, vạn vật vô thường, tư tưởng của tôi ngày mai có thể khác ngày hôm nay, và có thể được chắp nối và hoàn thiện dựa trên tư tưởng cũ. Tác phẩm của tôi cũng men theo hệ tư tưởng bổ sung và hoàn thiện theo thời gian đó. Tôi không thích lặp lại con người mình, tôi yêu thích tự do, vượt thoát mọi ranh giới và vượt thoát cả chính bản thân tôi. Có lẽ, tôi là người đòi hỏi nhiều về sự sáng tạo.
Cám ơn anh vì những chia sẻ hết sức thú vị!
Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO

Nguồn: Luxuo.vn 

Friday, March 27, 2020

Hoa lòng trong cơn đại dịch

Designed by @YC
Hoa lòng trong cơn đại dịch

Giữa mùa đại dịch đang nở rộ, những đóa hoa lòng của những người hảo tâm đang bắt đầu mở ra, vươn bàn tay giúp đỡ tới những người cần giúp. Trước cơn đại dịch, con số người chết và nhiễm bệnh ngày một tăng theo cấp số nhân ở Hoa Kỳ và thế giới, Hoa Kỳ đã bước vào cơn khủng hoảng thiếu trầm trọng các thiết bị y tế cá nhân. Các bác sĩ và y tá và các nhân viên y tế đang thống thiết kêu gọi dân chúng ai có các thiết bị y khoa như mặt nạ khẩu trang đeo mặt, bao tay nylon, tấm chắn mặt y tế, áo choàng phẫu thuật, làm ơn hiến tặng cho họ. Họ là các chiến sĩ ở tuyến đầu trận chiến chống đại dịch, đã hy sinh bản thân để giúp và cứu chúng ta. Nếu họ bị lây nhiễm, không còn ai cứu giúp chúng ta nữa. Tất cả họ có thể là con em hay người thân của chúng ta và trong tương lai gần biết đâu trong số người đang cần điều trị là chúng ta. Những thiết bị chuyên môn như mặt nạ N95 không còn, họ đã dùng những khẩu trang chúng ta thường dùng để tránh bụi, nhưng cũng sắp cạn. Bên Spain các bác sĩ phải dùng bao rác mặc vào người làm áo choàng phẫu thuật. Ở The Mount Sinai Health System của Manhattan, New York các nhân viên y tế truyền nhau tấm tình họ cũng đã dùng bao rác mặc vào người thay cho áo choàng, vì có đồng nghiệp đã chết vì lây nhiễm. Họ đã đưa lời kêu gọi "Công chúng Mỹ thân mến, chúng tôi đã hết thiết bị y khoa. Hashtag của chúng tôi là #GetMePPE. Vui lòng giúp chúng tôi ra khỏi cơn hoạn nạn."
Lời cầu cứu được phát trên mạng và truyền thông rao đi khắp nơi và cuối cùng đã có người hưởng ứng. Họ gởi đến, mang cho lẻ tẻ, mỗi người 1 ít nhưng tấm lòng thật là cao cả. May quá, cộng đồng người Việt chúng ta có người nghe được và đã ra tay giúp đỡ. Trong một thông báo của cộng đồng Người Việt Quốc Gia Michigan, lời kêu gọi có nội dung như sau:
Kính thưa quý Đồng Hương,
Tình trạng thiếu hụt khẩu trang, bao tay và alcohol sanatizer tại các bệnh viện rất trầm trọng. Trong cộng đồng người Việt chúng ta ai có khẩu trang N95 hoặc khẩu trang thường dùng để chống bụi khi làm việc hay Isopropyl Alcohol mà không dùng đến trong lúc này, và có hảo tâm, thì có thể donate cho bệnh viện trong việc cứu người.
N95 khẩu trang để Y Tá và Bác Sĩ dùng khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Khẩu trang tránh bụi dùng trong các tiệm nail có thể để các Y Tá dùng trong bệnh viện. 100% alcohol mà tiệm Nail chúng ta sài mỗi ngày cũng rất tốt để khử trùng trong bệnh viện.
Kính xin mời gọi quý ông bà và anh chị em trong cộng đồng chúng ta mỗi người một tay để tiếp tục hỗ trợ các Bác Sĩ và Y Tá trong địa phương tiếp tục hăng say giúp các bệnh nhân qua được bệnh dịch trong thời gian này. Xin nhắc lại là khẩu trang N95. Thường loại khẩu trang này thì nhà sản xuất có ghi bên ngoài hộp hoặc ngay trên khẩu trang. Người Mỹ đã cưu mang người Việt chúng ta trong những ngày tháng khó khăn nhất thì thiết nghĩ bây giờ là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và nghĩa cử cao đẹp để đền đáp.
Cộng Đồng cũng có ý định dùng tiền quỹ Cộng Đồng để mua thêm các vật liệu y tế trên, nếu trong chúng ta có ai biết nguồn hàng tốt và tin tưởng xin gọi cho chúng tôi.

Sau đó, hội đã nhận được khoảng trên 4000 cái mặt nạ N95+ surgical masks, trên 5000 bao tay và sau đó họ tiếp tục nhận thêm 55,000 gloves, 8 boxes of masks - 800 masks, Gowns - 50 pieces. Các nơi khác cũng gởi đến là: Beaumont - donated 16 boxes, Henry Ford HS - 20 boxes, St. John/Detroit Medical Center - 9 boxes, St. Joseph Mercy Oakland - 10 boxes.
Tất cả các phẩm vật hiến tặng được đem đến các bệnh viện hay trung tâm y tế địa phương hoặc các nơi cần hiến tặng.
Song song với việc hiến tặng ở Michigan, tôi cũng ghi nhận được Hội khí công Hoàng Hạc do Bác Sĩ Phạm Gia Cổn ở Little Saigon, Nam Cali, làm chủ tịch cũng khuyên góp được 200 mặt hạ N95 cho các trung tâm y tế.

Ở Seattle, thuộc Washington State, việc làm của 1 nhóm người Việt đã thực hiện được thật là tử tế, và đầy ắp tình người là cùng nhau may khẩu trang vải hiến tặng. Khi khẩu trang giấy dùng 1 lần rồi bỏ trở nên khan hiếm, khẩu trang vải cũng được dùng để thay thế vì có còn hơn không. Có người hỏi các cơ quan y tế có nhận khẩu trang vải tặng hiến không? Họ trả lời có và họ có cả máy khử trùng nữa. Thế là các chị em giỏi nghề may đã họp nhau lại, bỏ tiền ra mua vải và vật liệu để cắt may. Ai không có máy thì mượn hay đi mua về may. Người biết may chỉ dẫn cho người không biết và mỗi người tự may và bỏ vào bao rồi tập trung lại đem cho. Họ không ngại thức khuya và bận bịu gia đình, cố gắng hoàn tất cho kịp giúp các bệnh viện đang cần khẩu trang đang khan hiếm. Đúng là cứu người như cứu lửa, người Việt mình thật là quyền biến.
Phong trào may khẩu trang tặng hiến cũng đang được các chị em ở San Diego thực hiện. Họ hùn tiền lại mua máy may và vải. Tiệm vải nổi tiếng JoAnn Fabric có chương trình miễn phí cho vải và vật dụng nếu người dân chịu may, ai muốn giúp có thể gọi cho tiệm này và tới mượn mang về may khẩu trang vải. Ai không biết may thì ủng hộ tiền mua vật liệu, các đấng nam nhi thì chung lưng gánh vác việc gọi điện liên lạc, đóng gói, giao hàng v..v... Đọc những lời họ kêu gọi giúp nhau trên face book, tôi thật cảm động muốn rơi nước mắt vì tình người của chúng ta còn đầy ắp.

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Michigan xin chân thành cảm ơn
NGƯỜI VIỆT Ở MỸ MAY KHẨU TRANG
TẶNG CÁC BỆNH VIỆN PHÒNG CHỐNG Covid-19
Below is the information if you're interested in donating PPE to UCI Medical Center.


Nguồn: Viễn Đông