Monday, July 13, 2020

Nữ Sĩ Tâm Tấn: Trăm Câu Hiếu Hạnh (Thơ)

Nu Si Tam Tan1 (1)
NỮ SĨ TÂM TẤN
Tên thật: Nguyễn Thị Nuôi , tức Nữ
Sinh vào ngày Rằm tháng Tám Trung Thu năm Tân Dậu (1921) tại Thạch Thang, Đà Nẵng
Nguyên quán: Quảng Bình
Biệt danh: Tố Liên
Pháp danh: Tâm Tấn
Bút hiệu: Trinh Nữ, Trinh Tiên, Tâm Tấn, Lan Xuân, Diễm Bút, Tần Ngọc
Lập gia đình với tác giả B.Đ.Ái Mỹ ngày 25/12/1940
Sinh hạ 7 trai 7 gái
Đã sống ở Đà Nẵng, Huế, Qui Nhơn
Định cư tại Nha Trang từ năm 1955 đến nay.

ĐÃ XUẤT BẢN:

 Tình Thơ (in chung với B. Đ. Ái Mỹ,1944)
 Hương Đạo Hạnh (1974)
 Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương (2004)
 Thơ văn đăng Trong Khuê Phòng, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Đàn Bà, Tam Bảo, Giác Ngộ, Liên Hoa, Tự Do, Tiếng Dội
 Có mặt trong Hương Bình Thi Phẩm của Hoàng Trọng Thược (1962), An Anthology of Vietnamese poems: from the eleventh through the twentieth centuries (Tuyển tập thi ca Việt Nam: từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ hai mươi) của Huỳnh Sanh Thông (1996), và Nữ Sĩ Việt Nam của Như Hiên-- Nguyễn Ngọc Hiền (2005).

white_lotus_10
Trăm Câu Hiếu Hạnh
(Tặng chị Bùi Thị Đề, ngày chị thọ tang thân phụ.) 
Rưng rưng nến lệ nhỏ tràn
Khói hương quyện mối tâm tang thở dài.
Đón cha: gỗ ướp thi hài
Phủ thân con: áo sô gai lạnh đời.
Mầu liễn đối treo nơi nhà cũ,
Vách tường xưa nhớ chủ đeo tang.
Bi thương không có ai đàn,
Nhạc sầu như tỏa âm tang khắp nhà.
Nhìn kiểng trước lá hoa ủ rũ,
Ngắm hiên sau ghế cũ cha ngồi,
Chén trà đậm nước lên hơi,
Ấm thơm thuốc lá, miệng tươi miếng trầu.
Lời nghiêm ái ngàn câu gia huấn,
Thuở hoa niên con vững tinh thần.
Phước tròn nép bóng hai thân,
Chị em, em chị, đầy sân vui vầy.
Nếm vị thế, muôn cay ngàn đắng
Bán mồ hôi mua chén cơm ngon
Áo lành miếng ngọt cho con
Cha sương nhuộm tóc, mẹ mòn hình mai.
Mẹ thao thức canh dài không ngủ,
Cha thẩn thờ bữa lú quên ăn:
Bịnh con khi giảm khi tăng,
Ngày chăm thuốc sắc, đêm chăn cháo hầm.
Lời nghiêm huấn cha thầm truyền Đức,
Gieo cho con trí thức chen đời;
Mẹ trao tiết giá làm người,
Công, Dung, Ngôn, Hạnh, khuyên lời thanh cao.
Ngày gả cưới, xôn xao nghi lễ
Mẹ sau màn mắt lệ tràn thương,
Thúc con điểm phấn thoa hương,
Mà lòng cha thắt nỗi buồn xa con.
May con đẹp tình son duyên thắm,
Mắt mẹ cha ngời ấm niềm vui.
Rủi con phận ẩm duyên ôi,
Thương lo, cha mẹ ngậm ngùi xót đau.
Chăm con tới đẹp màu lông cánh,
Mỗi cuộc đời mỗi gánh gia nương.
Chị em tản mác đôi phương,
Mẹ cha với tháng năm trường quạnh hiu.
Trăm ngàn bữa nâng niu giấc ngủ,
Ngàn vạn lần mớm bú cơm nhai.
Nuôi con đẹp vóc xinh vai,
Mẹ cha bóng xế, nào ai hầu gần?
Vin gậy trúc cha lần bước yếu,
Bám vách tường mẹ níu tay run.
Ôi, đem lộc cả vàng muôn
Khó ngăn tóc bạc, da dùn, mắt nhem!
Rồi bóng xế, sương đêm, ngày nắng
Gió thời gian tới, chắn làm sao?!
Năm tàn tuổi hạc thêm cao,
Cõi trần tâm thức thay màu Sắc Thân…
Bóng từ mẫu xa vân cỡi hạc,
Khóc chia ly chưa nhạt niềm tang:
Bảy năm cha mất bạn vàng,
Con ngơ ngác thấy trần gian thiếu tình.
Nay tới lúc hồn linh của mẹ
Đón cha lìa cõi thế nghiệp căn.
Đêm qua một ánh sao băng,
Bình minh cha vượt siêu thăng linh hồn.
May con học chơn ngôn Phật dạy:
''Chữ Sắc Không, Sắc ấy là Không.''
Vô thường tan giữa vô cùng,
''Tiếc chi cát bụi đóng khung hình hài.''
Nhưng sanh dưỡng hoài thai bảy kiếp,
Thân máu xương nặng nghiệp tiền ân.
Một đời người, có song thân
Lâm chung, khó nén tim bầm thương đau. 
Bơ phờ trước ân sâu nghĩa rộng,
Nhớ dắt Tâm tìm bóng, tìm hình.
Tìm trong ánh nến lung linh,
Tìm trong hương khói sắc thanh bay tàn. 
***
Rằm tháng bảy, Vu Lan Đại Lễ
Sửa vành khăn, lau lệ, im sầu.
Thân cha an dưới cỏ khâu,
Hồn cha chưa tịnh, con cầu Bổn Sư:
Cầu xin Đấng Đại Từ Đại Hiếu
Mục-Kiền-Liên di chiếu Vu-Lan
Hiếu tâm đuốc tuệ soi đàng,
Hào quang tiếp dẫn muôn ngàn hóa sinh.
Tâm đệ tử chí thành cung kỉnh,
Dâng Đạo Tràng thanh tịnh trang nghi êm.
Nhuần ân Phật-lực vô biên,
Pháp luân chuyển hướng thiện duyên con nhờ.
(Vườn trần thế như tơ vướng trí,
Hương trần ai như vị mê tâm.
Tránh sao thoát phút Si, Sân
Cành Từ quả Đức có lần chua cay!)
Thương cha mẹ, sợ dây nhân quả
Vương chân người sa đọa nơi đâu.
Gởi theo mõ vọng chuông hầu,
Hội Vu Lan họp kinh cầu mười phương.
Nép dưới bóng cành Dương phật-pháp,
Hồn mẹ cha cực lạc siêu sinh
Bao nhiêu nhân sự vô minh,
Bao nhiêu nghiệp báo vô tình gây nên
Của cha mẹ, con xin chịu thế
Nhờ Vu Lan Đại Lễ chuyển di… 
Tiếng chuông mầu nhiệm huyền vi,
Cảm nghe như bước chân đi cõi nhàn. 
TÂM TẤN
Nha Trang, 1956 
 
NS_Tamtan
 
Thương Gần Nhớ Xa
(Tặng các bạn Nha Trang xa xứ)  
Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc,
Đại hạn lai thời các tự phi 
Ôi, bạt ngàn cánh chim bóng hạc,
Cả đại bàng, chim sẻ cũng xa bay!
Một niệm thương, trăm niệm nhớ, hao gầy
Xâu chuỗi hạt đứt tung tràng kỷ niệm.
Đất mẹ ấm … khép hờ khung cửa huyển,
Nấm mồ ôm … tái diễn chuyện ngàn thu.
Ta đi sau để nhận chút đền bù
Món gia bảo: Vườn thơ Đông-chí lạnh.
Ta ươm mãi xuân thu lời mật hạnh:
Nắng hạ bung hương, vận hội chân tài.
Cơn bão qua chỉ sụp đổ đền đài,
Non gấm vóc vẫn ngàn chim hội tụ
Xin xóa cho ai mối sầu xa xứ… 
Tâm Tấn
Trong Đặc san Khánh Hòa - Nha Trang
Xuân Quý Mùi 2003  
 
Nu Si Tam Tan1 (1)
Lời Quả Phụ 
Trăng hiền đi, sao dời trên khoảng rộng,
Đây Phật thuyền vượt lướt sóng kim quang,
Trầm pha hương Phật-giới với trần-gian,
Ngày đại lễ cầu siêu hồn vạn hướng.
Em quỳ trước hình anh, trầm mặc tưởng,
Ngoài trời sương thu khóc lá thu rơi
Trong gió thu muôn lá khẽ vang lời,
Có phải chăng hồn anh về thăm gọi?
Đây giấc ngủ đôi trẻ thơ ngây dại
Mà hương đời đã mất hẳn hơi cha.
Mộng thấy gì, mơ hoảng gọi: ''Ba! Ba!''
Ôi tội nghiệp, mầm non đang thiếu nhựa.
Em còn nhớ năm kia, tin tợ lửa
Đốt cuồng tâm: Anh chết giữa đường xa.
Giữa đường đời em không thấy bông hoa
Vùng sa mạc đâu tìm ra bóng dịu.
Đàn ân ái tơ chùng dây lạc điệu,
Rượu tình duyên khô cạn chén tim đau.
Muốn theo anh nhưng sông lớn không cầu,
Hai biên giới âm dương chia cách hẳn.
Cho nhả bớt vị cay hòa lẫn đắng
Nhuần trang kinh thoa dịu vết thương lòng
Em tìm hiểu câu: ''sắc tức thị không'',
''Không tức thị sắc'' thoát vòng giải nghiệp!
Niềm oan khổ dần khuây sầu gối chiếc.
Đấng đại-từ-phụ đã dạy lời thiêng:
''Thân người làm bằng một khối nhân duyên,
Gió, đất, nước, lửa tạo thành nghiệp lực
Đã hết, để đổi mầu cho tâm thức,
Thì sắc thân giả tạm phải tàn đi.''
Hiểu vô thường mà vẫn khóc chia ly,
Là ray rứt cho chậm hồn siêu thoát. 
Vu Lan năm nay, nhuần ân Phật pháp
Khói trầm xin thay dòng lệ năm xưa
Tưởng niệm hồn: xe gió đón sao đưa
Quà trí tuệ anh về ban pháp-bảo.
Cho em vững giữa sóng đời điên đảo,
Tay yếu gầy chống vượt khỏi phong ba
Cành Từ Bi tâm thơm ngát hương hoa,
Đường chân lý trí êm hiền bóng dịu.
Hai đứa con thơ đường đời vạn nẻo,
Xin hãy soi chính đạo sáng trên đường.
Để mai sau dù khổ nắng đau sương
Kho nhân ái vẫn giàu như ánh sáng.
Hỡi quả phụ cô nhi đang khổ nạn,
Liềm chiến tranh hái mất những tình thương,
Đêm trầm hoa bát ngát kính dâng hương,
Thành tâm hướng đấng Như Lai tự tại.
Cầu siêu thoát những linh hồn thân ái,
Cầu vạn hồn chiến sĩ được siêu thăng
Theo thuyền mây về thế giới [siêu linh] vĩnh hằng,
Cầu non nước thanh bình tươi thắm sắc
Cho bể khổ bớt tràn vì nước mắt,
Và hờn đau thôi ngút đến tầng mây. 
Trong gió thu, lời quả phụ đêm nay
Theo chuông vọng không gian đầy âm hưởng.
Muôn lòng như một: xây về phật-hướng
Tin tưởng dâng, tìm an ủi vô biên
Kinh cầu dâng, tam bảo ngát hương thiêng
Bao quả phụ cô nhi khuây thống khổ. 
Tâm Tấn
Huế 1953

Sunday, July 12, 2020

TỪ HÁN VIỆT GỐC NHẬT

TỪ HÁN VIỆT GỐC NHẬT
Vương Trung Hiếu

(Nhân đọc bài TỪ HÁN VIỆT GỐC NHẬT TRONG TIẾNG VIỆT – tiếp nhận văn hoá phương Tây qua ngôn ngữ bắc Á của GS Trần Đình Sử trên FB của dịch giả Hoàng Hưng (*), tôi xin phép viết bài này để góp phần cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về đề tài ‘Từ Hán Việt gốc Nhật’).
********

Trong tiếng Việt có khoảng 60 - 70% là từ Hán Việt, nhiều người nghĩ rằng những từ này có nguồn gốc từ Hán ngữ, song trên thực tế, có ít nhất 500 từ cần được gọi chính xác là từ Hán Việt gốc Nhật, chứ không phải gốc Trung Quốc.

Khoảng thế kỷ thứ 5 các nhà sư đem những văn bản chữ Hán vào nước Nhật, ban đầu những ký tự này được đọc theo âm Hán . Về sau người Nhật chế ra kiểu chữ gọi là Kanji (Hán tự), trong đó có một số chữ mượn từ Hán ngữ, song mang nghĩa mới và đọc theo tiếng Nhật. Một số từ do người Nhật nghĩ ra, không có trong từ vựng Hán ngữ, được gọi là Kokuji (Quốc tự) hay Wasei Kanji (Hòa chế Hán tự, tức ‘chữ Hán do người Nhật chế ra’). Nhìn chung , từ thời Đông Hán cho đến triều đại nhà Thanh (thế kỷ thứ 2 đến năm 1839), Trung Hoa là một cường quốc, ngôn ngữ của đất nước này có ảnh hưởng đáng kể đến Nhật Bản, trong khi đó chỉ có một số từ tiếng Nhật du nhập vào Hán ngữ do người Trung Hoa muốn tìm hiểu văn hóa và lịch sử nước Nhật. Họ mượn âm vị tiếng Nhật rồi chuyển sang các ký tự Hán ngữ là chủ yếu. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 thì tiếng Nhật đã góp phần quan trọng trong việc hình thành Hán ngữ hiện đại, bởi vì trong giai đoạn này, nước Nhật đã trở thành ‘cổng của phương Tây’. Người Nhật dịch rất nhiều tài liệu khoa học tự nhiên và xã hội của phương Tây để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước mình. Ngoài những tài liệu bằng tiếng Latin, Đức, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,…người Nhật còn dịch khối tri thức khổng lồ viết bằng tiếng Anh. Có thể nói rằng những thuật ngữ tiếng Anh (mọi mặt của đời sống) đã du nhập vào tiếng Nhật, trong đó có khá nhiều chữ viết theo kiểu Kanji (Hán tự) mà sau đó người Trung Quốc đã đưa vào ngôn ngữ của nước mình.

Không phải người Trung Quốc không biết dịch những tài liệu nước ngoài sang Hán ngữ, một số học giả Trung Quốc đã làm điều này. Khởi đầu là vào thời nhà Hán, một số từ ngoại lai đã được Trung Quốc thu nhận, đặc biệt là sau khi Trương Khiên (張騫(164? – 114 TCN) sang tìm hiểu Tây vực thì Trung Quốc đã tiếp thu nhiều thuật ngữ và khái niệm Phật giáo khi Phật giáo Trung Quốc bắt đầu phát triển ở các triều đại phía Nam và phía Bắc. Đến thế kỷ 20, nhà văn Nghiêm Phục (嚴複) đã tìm cách bảo vệ Hán ngữ trước ảnh hưởng của tiếng Nhật. Ông dịch rất nhiều tài liệu tiếng Anh và tạo ra những từ như 钞店 (sao điếm), 钞商 (sao thương), 版克 (bản khắc) để biểu thị cho khái niệm ‘bank’ trong tiếng Anh, nhằm thay thế cho từ vốn đã được sử dụng quen thuộc trong tiếng Nhật là 银行 (ngân hàng). Ngoài ra ông còn chế những từ khác như 计学 (kế học) và 资生学 (tư sinh học) để thay cho từ Nhật khác là 经济学 (kinh tế học); dùng 智学 (trí học) thay cho 哲学 (triết học); 群学 (quần học) thay cho 社会学 (xã hội học); 格致学 (cách trí học) thay cho 物理学 (vật lý học)… , song vẫn không thành công. Mặc dù sách của ông khá phổ biến ở Trung Quốc song những thuật ngữ do ông tạo ra lại có đời sống khá ngắn ngủi. Nhìn chung, học giả Trung Quốc dịch khá nhiều tài liệu từ những ngôn ngữ phương Tây, sáp nhập nhiều từ ngoại lai vào Hán ngữ. Số lượng từ này tỏ ra vượt trội hơn so với những từ ngoại lai gốc Nhật, song chúng lại ít được sử dụng, không phổ biến tại Trung Quốc. Trong khi đó việc mượn thuật ngữ theo cách viết kanji (Hán tự) của Nhật Bản xem ra dễ dàng hơn.

Trong luận văn A Study of Japanese Loanwords in Chinese của Chen Haijing (University of Oslo, 2014), tác giả cho biết quyển Từ điển từ ngoại lai hiện đại (现代 外来 词 词典) của Cao Danh Khải (高名凯) và Lưu Chính Đàm (劉正談) xuất bản năm 1958 chứa gần 10.000 từ, trong đó có 882 từ gốc Nhật. Ông chia những từ gốc Nhật này thành 4 loại và thống kê như sau: từ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày có 78 từ [8.8%], thuật ngữ xã hội có 165 từ [18.7%], thuật ngữ chuyên ngành 563 từ [63.8%], những thuật ngữ khác76 từ [8.6%]. Trong tổng số 882 từ thì số lượng danh từ chiếm vị trí áp đảo: 703 từ [79.7%], động từ : 156 [17.7%], còn tính từ thì chỉ có 23 từ [2.6%].

Nhìn chung, từ gốc Nhật du nhập vào tiếng Trung Quốc phần lớn là những thuật ngữ chuyên ngành và những khái niệm tân tiến, trong đó khá nhiều từ du nhập vào tiếng Việt với tư cách là từ Hán Việt, có thể chia thành 3 loại là: 1. Từ Nhật Bản gốc như 武士道 wushidao (võ sĩ đạo) , 和服 hefu (hòa phục/kimono). 2. Từ xuất phát từ những ngôn ngữ phương Tây do người Nhật dịch bằng cách sử dụng từ Hán cổ, thí dụ: university = 大学 dàxué (đại học); world = 世界 shìjiè (thế giới). Có nhiều trường hợp cho thấy dù mượn ký tự Hán cổ để dịch nhưng người Nhật phát âm theo tiếng Nhật chứ không phải Trung Quốc: club = 俱乐部 (câu lạc bộ), phát âm là kurabu (Nhật), Jùlèbù (Trung Quốc); entrance =入口 (nhập khẩu), phát âm là iriguti (Nhật), rùkǒu (Trung Quốc)… 3. Đôi khi người Nhật sáng chế ra từ mới để dịc h: gland = 腺 (tuyến), đọc là sen (Nhật), xiàn (Trung Quốc)…

Người Trung Quốc đã nhập những từ tiếng Nhật chủ yếu qua 4 con đường: du lịch, du học, dịch sách báo và góp nhặt từ chính người Nhật làm việc, sinh sống tại Trung Quốc. Những từ mà người Trung Quốc nhập vào kho từ vựng Hán ngữ chủ yếu là những khái niệm mới mà họ muốn bổ sung, thí dụ như 民主 (dân chủ), 革命(cách mệnh), 自由 (tự do)…

Hiện nay Trung Quốc đã xuất bản hàng trăm từ điển để phổ biến ngôn ngữ nước họ. Có thể nói rằng 史籀篇 (Sử trứu thiên) là quyển từ điển đầu tiên của Trung Quốc (viết bằng ký tự Đại triện). Về thời điểm quyển này xuất hiện thì còn nhiều tranh cãi, một số học giả cho rằng từ điển này phổ biến vào thời Chu Tuyên Vương (827–782 TCN), song nhiều bậc thức giả ngày nay lại nhận định quyển này xuất hiện từ triều đại nhà Tần thời Chiến Quốc (khoảng 475–221 TCN).
Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 các nhà ngôn ngữ Trung Quốc đã hệ thống từ vựng nước họ qua nhiều từ điển, cụ thể là Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典), xuất bản năm 1978, có thể xem là phổ biến nhất tại Trung Quốc. Nhờ thế, người dân ý thức hơn về ngôn ngữ của nước họ, trong đó phải kể đến bộ phận từ ngoại lai du nhập – những từ giúp nâng cao kiến thức và là phương tiện tiếp cận với thời trang và các xu hướng hiện đại trên thế giới.

Quyển Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来语词典) của Sầm Kỳ Tường (岑麒祥) xuất bản năm 1990 và Từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来词) của Sử Hữu Vy (史有为) xuất bản năm 2000… cho thấy có hai loại từ: mượn trực tiếp từ ngôn ngữ nguồn và mượn gián tiếp thông qua ngôn ngữ thứ ba phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Việc mượn từ tiếng Nhật là gián tiếp. Kể từ thời Minh Trị thiên hoàng (1852 – 1912), một số lượng lớn thuật ngữ khoa học và kỹ thuật của phương Tây đã du nhập vào tiếng Nhật và đa số đều được viết theo kiểu Kanji (Hán tự), song được phát âm theo tiếng Nhật (kunyomi) khác hẳn với tiếng Trung Quốc. Song người Trung Quốc cũng dễ dàng tiếp nhận những từ mới này bằng nhiều cách: thông qua những sản phẩm của Nhật Bản nhưアイクリーム (眼霜/nhãn sương – kem dưỡng mắt), ボディーローション (润肤露/nhuận phu lộ - kem dưỡng thể), シャンプー (洗发水/tẩy phát thủy – dầu gội đầu)…

Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản du nhập vào Trung Quốc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc Internet trở nên phổ biến đã giúp tăng tốc ‘mốt Nhật Bản’ khắp Trung Quốc. Những từ mới như 干物女(can vật nữ), dùng để chỉ ‘phụ nữ cá khô’ trong tiếng Nhật (những người nữ dành nhiều thời gian ở nhà, thích cuộc sống độc thân rồi trở thành cá khô). Đây là từ phổ biến ở Trung Quốc, song còn mới lạ ở Việt Nam.

Trong hệ thống chữ Kanji của Nhật Bản có những từ gọi là ‘Quốc tự’ (Kokuji) hay Hòa chế Hán tự (Wasei Kanji), tức chữ Hán do người Nhật chế ra, có thể chưa xuất hiện trong Hán ngữ (như 辻 tsuji = ngã tư đường, 峠 tōge = đỉnh đèo), song đáng ngạc nhiên là có từ giống hệt như chữ Nôm của người Việt, tuy vậy nghĩa trong hai ngôn ngữ là khác nhau: 畑 hatake (cánh đồng) trong tiếng Nhật không giống 畑 (vền, vặc, đèn) trong tiếng Việt.

Hiện nay Đại Hán – Hòa từ điển (大漢和辞典) được xem là quyển từ điển có số lượng Kanji lớn nhất ở Nhật Bản, với khoảng 50.000 từ ghép, ấn bản đầu tiên vào năm 1955-1960, gồm 13 tập, tổng cộng 13.757 trang. Tuy nhiên chỉ có khoảng 2. 136 từ được xem là Thường dụng Hán tự (jōyō kanji). Phần lớn những từ thông dụng này đều xuất hiện trong từ điển Hán ngữ, đặc biệt là trong quyển Trung Hoa Từ Hải (中華字海), xuất bản năm 1994 tại Trung Quốc, chứa 85. 568 từ.

Để tìm hiểu từ Hán Việt gốc Nhật có khoảng bao nhiêu từ trong tiếng Việt, ngoài những từ điển nêu trên, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu những bộ từ điển khác, mới nhất và đầy đủ từ nhất tại Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là những từ điển từ ngoại lai mà các học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc cung cấp để đối chiếu với kho từ vựng tiếng Việt. Chúng ta có thể tìm hiểu những từ này qua Từ điển từ ngoại lai hiện đại (现代 外来 词 词典) của Cao Danh Khải (高名凯) và Lưu Chính Đàm (劉正談) xuất bản năm 1958; Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (漢語外來詞詞典) của Lưu Chính Đàm - 1985; Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来语词典) của Sầm Kỳ Tường (岑麒祥) - 1990 và Từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来词) của Sử Hữu Vy (史有为] - 2000.

Dưới đây là một số từ Hán Việt gốc Nhật, chúng tôi có chú thích phiên âm Latin để bạn đọc dễ hình dung. Phần cuối bài viết này là phụ lục, cho thấy Bảng kê từ Hán Việt gốc Nhật:
Bách hóa điếm/cửa hàng bách hóa 百貨店 yakkaten, chính đảng 政党 seitō , chủ thể 主体shutai, công nghiệp 工業 kōgyō, dân tộc 民族 minzoku, đại hình 大型 ōgata , đầu tư 投資 tōshi , điện tử 電子 denshi, động mạch 動脈 dōmyaku, không gian 空間 kǖkan, lịch sử 歴史 rekishi , nguyên tử 原子denshi , nhập khẩu 入口 iriguchi , nông dân 農民 nōmin, quảng cáo 広告kōkoku, quốc tế 国際 kokusai , quyết toán 決算 kessan, thể dục 体育taiiku , thể thao 体操 taisō , thị trường 市場 shijō, thời gian 時間 jikan , tiểu hình 小型 kogata , trực tiếp 直接 chokusetsu , truyền nhiễm bệnh 伝染病 densenbyō, tự nhiên khoa học/khoa học tự nhiên 自然科学 shizen kagaku, tương đối 相対 sōtai , tuyệt đối 絶対 zettai, ưu thế 優勢 yǖsei , xã hội 社会 shakai, xí nghiệp 企業 kigyō, xuất bản 出版 shuppan, xuất khẩu 出口 deguchi...

Vương Trung Hiếu 12/7/2020
(*): Bài viết của GS Trần Đình Sử trên FB của dịch giả Hoàng Hưng:

PHỤ LỤC
BẢNG KÊ TỪ HÁN VIỆT GỐC NHẬT
Âm cực 阴极, ám thị 暗示,âm trình 音程, ấn tượng 印象, ảnh tượng 影像, bác sĩ 博士, bác vật 博物, bạch kim 白金, bạch kỳ 白旗, bản chất 本质, bản họa 版画, bán kính 半径, bán kỳ 半旗 (half-mast), bành trướng 膨胀, bảo hiểm 保险, bảo hòa 饱和, bất động sản 不动产, bi kịch 悲剧, bi quan 悲观, biến áp khí 变压器, biên chế 编制, biện chứng pháp 辩证法, biểu quyết 表决, biểu tượng 表象,bình diện 平面,bình giá 评价, bình 坪,bối cảnh 背景,bồi thẩm viên 陪审员, bồi thẩm 陪审, bức xạ 辐射, ca kịch 歌剧, cách mệnh 革命,cải biên 改编, cải đính 改订, cảm tính 感性,cán bộ 干部, cán sự 干事, cảnh quan 警官, cảnh sát 警察, cao trào 高潮, cao xạ pháo 高射炮,cát địa 吉地,câu lạc bộ 俱乐部, câu lưu 拘留, chân không 真空,chất lượng 质量, chế bản 制版,chế ngự 制御,chế tài 制裁,chi bộ 支部, chỉ đạo 指导, chi phối 支配,chỉ số 指数,chỉ tiêu 指标, chiến tuyến 战线, chính đảng 政党,chính sách 政策,chủ bút 主笔, chủ động 主动, chủ nghĩa 主义, chủ nhân 主人,chủ quan 主观, chủ thể 主体, chung điểm 终点, chứng khoán 证券, cổ chướng 故障,cơ địa 基地,cơ điều 基调, cố định 固定,cố định 固定, Cơ đốc giáo 基督教,Cơ đốc 基督,cơ giới 机械,cơ quan 机关, công báo 公报, công bộc 公仆, công dân 公民, công doanh 公营, cộng hòa 共和, công lập 公立, cộng minh 共鸣, công nghiệp 工业, công nhận 公认, cộng sản chủ nghĩa 共产主义, công tố 公诉, công trái 公债, cụ thể 具体, cưỡng chế 强制, cương lĩnh 纲领, cuồng ngôn 狂言, đặc quyền 特权, đặc vụ 特务, đại bản dinh 大本营, đại biểu 代表, đại cục 大局, đại khí 大气,đại nghị sĩ 代议士, đại ngôn 代言,đàm phán 谈判, dân chủ 民主, dẫn độ 引渡,dân pháp 民法,đăng ký 登记, đạo cụ 道具,đầu cơ 投机,đầu tư 投资, đê áp 低压, đê điều 低调, đề kháng 抵抗, di truyền 遗传, dị vật 异物 , địa chất 地质, địa chất học 地质学, điện ba 电波, điện báo 电报, diễn dịch 演绎, điện lưu 电流, diễn tập 演习, diễn tấu 演奏,điện thoại 电话, diễn thuyết 演说, điện trì 电池, điện tử 电子, diễn xuất 演出, điều kiện 条件, dinh dưỡng 营养, dung môi 溶媒,dương cực 阳极, duy tâm luận 唯心论, duy vật luận 唯物论, dự toán 预算, định nghĩa 定义, đồ án 图案, đồ thư quán 图书馆, đoản ba 短波, độc bản 读本, độc chiếm 独占, độc tài 独裁, đối chiếu 对照, đối tượng 对象, đơn thuần 单纯, động cơ 动机, động lực học 动力学, động lực 动力, động lực 动力, động mạch 动脉, đồng minh 同盟, động sản 动产, động thái 动态, đồng tình 同情, động viên 动员, đức dục 德育, giả định 假定, giai cấp 阶级, giải phẫu 解剖, giải phóng 解放, giám định 鉴定, giản đơn 简单, giảng đàm 讲坛, giảng sư 讲师, giảng tập 讲习, giao cảm 交感, giáo dục học 教育学, giáo dưỡng 教养, giao hoán 交换, giáo huấn 校训, giao hưởng 交响, giáo khoa thư 教科书, giao tế 交际, giao thông 交通, giáo thụ 教授, giáo thư 觉书, hàn đới 寒带, hàn lưu 寒流, hàng không mẫu hạm 航空母舰, hệ thống 系统, hiến binh 宪兵, hiện kim 现金, hiến pháp 宪法, hiện thực 现实, hiệp định 协定, hiệp hội 协会, hiệp nghĩa 狭义, hiệu quả 效果, hình pháp 刑法, hồ quang 弧光, hóa học 化学, hóa thạch 化石, hóa trang phẩm 化妆品, hòa văn 和文, hoàn cảnh 环境, hoạt dược 活跃, học hội 学会, học lịch 学历, học sĩ 学士, học vị 学位, hội đàm 会谈, hội kế 会计, hội thoại 会话, hư vô chủ nghĩa 虚无主义, huấn lệnh 训令, huấn thoại 训话, huyễn tưởng 幻想, huyết sắc tố 血色素, kế hoạch 计划, kết hạch 结核, khắc phục 克服, khách quan 客观, khách thể 客体, khái lược 概略, khái niệm 概念, khái quát 概括, khái quát 概括, khán thủ 看守, khẩn trương 紧张, khẳng định 肯定, kháng nghị 抗议, khí chất 气质, khí thể 气体, khoa học 科学, khóa trình 课程, không gian 空间, khu trục hạm 驱逐舰, khuếch tán 扩散, kịch trường 剧场, kiến tập 见习, kiến trúc 建筑, kim bài 金牌, kim cương 金刚, kim dung 金融, kim ngạch 金额, kinh phí 经费, kinh tế học 经济学, kinh tế khủng hoảng 经济恐慌, kinh tế 经济, kỵ sĩ 骑士, kỹ sư 技师, lâm sàng 临床, lãng nhân 浪人, lãnh chiến 冷战, lãnh hải 领海, lãnh không 领空, lãnh thổ 领土, lao động tổ hợp 劳动组合, lao động 劳动, lập hiến 立宪, lập trường 立场, loại hình 类型, luận chiến 论战, luận đàm 论坛, luân lý học 伦理学, lực học 力学, lượng tử 量子, lưu cảm 流感, lưu thể 流体, lũy giảm 累减, lũy tiến 累进, lý luận 理论, lý sự 理事, lý tính 理性, lý trí 理智, lý 哩, mã 码, mạch động 脉动, mạn bút 漫笔, mẫn cảm 敏感, mạn đàm 漫谈, mao tế quản 毛细管, mật độ 密度, mệnh đề 命题, minh xác 明确, môi chất 媒质, mục đích 目的, mục tiêu 目标, mỹ cảm 美感, mỹ hóa 美化, mỹ thuật 美术, năng động 能动, năng lực 能力, năng suất 能率, ngân hàng 银行, ngẫu nhiên 偶然, nghệ thuật 艺术, nghị hội 议会, nghị quyết 议决, nghị viên 议员, nghị viện 议院, nghĩa vụ 义务, nghiệp vụ 业务, ngộ tính 悟性, ngữ nguyên học 语源学, nguyên lý 原理, nguyên soái 元帅, nguyên tắc 原则, nguyên tố 元素, nguyên tử 原子, nhã nhạc 雅乐, nhân cách 人格, nhân lực xa 人力车, nhân quyền 人权, nhân tuyển 人选, nhân văn chủ nghĩa 人文主义, nhập siêu 入超, nhật trình 日程, nhị trùng tấu 二重奏, nhiệt đới 热带, nhu đạo 柔道, nhu thuật 柔术, nội các 内阁, nội cần 内勤, nội dung 内容, nội phục 内服, nội tại 内在, ôn độ 温度, phạm trù 范畴, phẩm vị 品位, phản cảm 反感, phản đối 反对, phản động 反动, phân giải 分解, phân phối 分配, phán quyết 判决, phân số 分数, phân tích 分析, phân tửc分子, phản ứng 反应, phản xạ 反射, pháp đình 法庭, pháp nhân 法人, pháp luật 法律, phát minh 发明, phê bình 批评, phép (pháp) tắc 法则, phiếm thần luận 泛神论, phối cấp 配给, phong cầm 风琴, phong kiến 封建, phong tỏa 封锁, phong vị 风位, phóng xạ 放射, phủ định 否定, phủ nhận 否认, phủ quyết 否决, phục chế 复制, phức quan 副官, phục viên 复员, phục vụ 服务, phương án 方案, phương châm 方针, phương thức 方式, phương trình thức 方程式, quá độ 过渡, quân bộ 军部, quan chiếu 观照, quan điểm 观点, quan hệ 关系, quân nhu phẩm 军需品, quan niệm 观念, quân quốc chủ nghĩa 军国主义, quân tịch 军籍, quan trắc 观测, quảng cáo 广告, quang niên 光年, quảng trường 广场, quang tuyến 光线, quốc giáo 国教, quốc khố 国库, quốc lập 国立, quốc sự 国事, quốc tế 国际, quốc thể 国体, quốc thuế 国税, quy nạp 归纳, quy phạm 规范, quy tắc 规则, quyền hạn 权限, quyền uy 权威, quyết toán 决算, sách động 策动, sáng tác 创作, sĩ quan 士官, sinh lý học 生理学, sinh mệnh 生命, sinh sản 生产, sinh thái học 生态学, sở đắc thuế 所得税, sự biến 事变, sư đồ 使徒, sự vụ viên 事务员, tá phương 借方, tác giả 作者, tác phẩm 作品, tài đoàn 财团, tài phiệt 财阀, tài 才, tâm lý học 心理学, tân văn ký giả 新闻记者, tạp chí 杂志, tập đoàn 集团, tập kết 集结, tập trung 集中, tất yếu 必要, tế bào 细胞, thái dương 太阳, thái quang 采光, tham chiếu 参照, thám hiểm 探险, thẩm mỹ 审美, thẩm phán 审判, tham quan 参观, thẩm vấn 审问, thần kinh 神经, thần kinh 神经, thặng dư giá trị 剩余价值, thăng hoa 升华, thành phần 成分, thanh toán 清算, thành viên 成员, thâu nhập 输入, thâu xuất 输出, thể dục 体育, thế giới quan 世界观, thế kỷ 世纪, thể thao 体操, thi hành 施行, thị trường 市场, Thiên chúa 天主, thiên vị 单位, thiếu tướng 少将, thiếu úy, thoái hóa 退化, thời gian 时间, thời hiệu 时效, thời kế 时计, thôi miên thuật 催眠术, thôi miên 催眠, thời sự 时事, thống kê 统计, thông thái 通货, thủ công nghiệp 手工业, thứ kích 刺激, thủ tiêu 取消, thủ tục 手续, thừa nhận 承认, thực cảm 实感, thực quyền 实权, thương nghiệp 商业, thương pháp 商法, thường thức 常识, tích cực 积极, tiến hóa luận 进化论, tiến hóa 进化, tiền tuyến 前线, tiền vệ 前卫, tiền 钱, tiết kỳ 契机, tiêu bản 标本, tiêu cực 消极, tiểu hình 小型, tiêu hóa 消化, tiêu ngữ 标语, tiêu phí 消费, tiêu phòng 消防, tín dụng 信用, tín hiệu 信号, tín thác 信托, tình báo 情报, tĩnh mạch 静脉, tính năng 性能, tĩnh thái 静态, tinh thần 精神, tổ chức 组织, tổ hợp 组合, tổ hợp 组合, tọa đàm 座谈, tốc độ 速度, tốc ký 速记, tối huệ quốc 最惠国, tôn giáo 宗教, tổng động viên 总动员, tổng hợp 综合, tổng lãnh sự 总领事, tổng lý 总理, tri thức 知识, triển lãm hội 展览会, triết học 哲学, trọng điểm 重点, trọng tài 仲裁, trực giác 直觉, trực kính直径, trực quan直观, trực tiếp 直接, trung tướng 中将, trường hợp 场合, trường sở 场所, trừu tượng 抽象, truyền nhiễm bệnh 传染病, tư bản 资本, tự do 自由, tư lập 私立, tư liệu资料, tử ngoại tuyến (tia tử ngoại) 紫外线, tự nhiên đào thải 自然淘汰, tư pháp 私法, tự trị 自治, tư tưởng 思想, tuần dương hạm 巡洋舰, tương đối 相对, tượng trưng 象征, tưởng tượng 想象, tùy viên 随员, tuyên chiến 宣战, tuyển cử 选举, tuyên truyền 宣传, tuyến 腺, tuyệt đối 绝对, tỷ trọng 比重, vận động trường, vận động 运动, văn hóa 文化, văn học 文学, văn khố 文库, văn minh 文明, vật chất 物质, vật lý học 物理学, vật lý 物理, vệ sinh 卫生, võ đài 舞台, vô sản 无产, xã đoàn 社团, xã giao 社交, xã hội chủ nghĩa 社会主义, xã hội học 社会学, xã hội 社会, xâm lược 侵略, xâm phạm 侵犯, xí nghiệp 企业, xích 呎, xuất bản 出版, xuất phát điểm 出发点, xuất siêu 出超, xúc môi 触媒, y học 医学, ý nghĩa 意义, ý thức 意识.

Vương Trung Hiếu 12/7/2020

Nguồn:  Vương Trung Hiếu's fb

Friday, July 10, 2020

TÚI XÁCH TỰ DO - KỶ VẬT THUYỀN NHÂN

Thay lời trích dẫn: A little bit of my family history. My father had donated our family's Red Cross bag received during our time as refugees in Bidong, Malaysia for a Vietnamese Boat People Monument - Adelaide, fundraiser last year. I just came across this article about my dad and our family. I grew up with this bag safely tucked away in my parents' closet and always knew of its importance, as my dad kept our Australian Citizenship papers in it.
Ba của TH tặng "Túi Xách Tự Do" này nhân dịp gây quỹ cho Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam tại Adelaide, Nam Úc vào năm ngoái. Xin được chia sẻ bài viết. ~Thái Hiền

KỶ VẬT THUYỀN NHÂN 
ĐẤU GIÁ TRONG ĐÊM GÂY QUỸ 11/5/2019
– TÚI XÁCH TỰ DO 


Kính thưa quý vị,
Chúng tôi xin được nói về món đồ đấu giá tiếp theo được đặt cho cái tên là “Túi Xách Tự Do”.

Những ai chưa hề biết hoặc nghe đến trại tỵ nạn Pulau Bidong thì chúng tôi xin tóm tắt như sau: Pulau Bidong là một hòn đảo nhỏ, không người ở, của nước Mã Lai. Nơi này đã được dùng làm trại tỵ nạn cho người Việt Nam vượt biển tạm trú, trong khi chờ đợi sự duyệt xét chấp nhận đi định cư tại một nước thứ ba, do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tài trợ trong suốt hai thập niên 1970 và 1980. Cũng như những trại tỵ nạn khác cùng thời trong khu vực Đông Nam Á, Pulau Bidong đã đón nhận hàng trăm ngàn người Việt vượt biển tìm Tự Do, may mắn sống sót đến được bờ biển Mã Lai sau một hành trình thập tử nhất sinh.

Bốn mươi năm trước, tháng 7 năm 1979, ông Phùng Phương Duy, Hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Nam Úc và một số thuyền nhân được danh sách rời đảo Pulau Bidong đi định cư, khi đó có 1 tàu bệnh viện Cap Anamur của nước Tây Đức cấp cứu thuyền nhân tỵ nạn trên biển đông, may mắn họ được tàu này tặng mỗi người một chiếc túi xách lưu niệm, được trao bởi Hội Trăng Lưởi Liềm Đỏ (Red Cresent) của chính phủ Malaysia. Trên túi xách có in hàng chữ “ Qùa Tặng của Hội Hồng Thập Tự nước Cộng Hòa Liên Bang Đức – Donated By German Red Cross Federal Republic “. Tàu Cap Anamur là con tàu Tình Thương - Nhân Ái, có xuất xứ từ Tây Đức (trước kia là nước Cộng Hoà Liên Bang Đức) do những bàn tay Nhân Ái, đã tình nguyện tự gom góp tài chánh giúp con tàu này, tuần hành trong vùng biển quanh Vịnh Thái Lan, để cứu vớt hằng trăm thuyền nhân Việt Nam, đang lênh đênh trên biển cả mênh mông lại bị nạn vì hải tặc, sóng gió bảo biển.

Bốn mươi năm đã trôi qua sau khi định cư tại thành phố Adelaide này, cái túi xách đó đã được ông Duy cất giữ cẩn trọng, vì nó không chỉ là một kỷ vật lưu niệm hiếm quý tồn tại, mà là một vật chứng cho những câu chuyện về thuyền nhân tỵ nạn gắn liền với nó....đó là những câu chuyện của Hãi Hùng – Hy Vọng – Nghị Lực – Tính Nhân Bản bao la trong kiếp người tỵ nạn. Những mẩu chuyện kiên cường của người Việt tỵ nạn vì sự sinh tồn, đã vươn lên sau những đau thương, mất mát, tuyệt vọng... những câu chuyện đó được lưu truyền qua những thế hệ tiếp nối người Úc gốc Việt, họ không ngừng xây dựng, đóng góp lợi ích cho xã hội Úc.

Hôm nay, chúng ta lại may mắn gặp nhau trong buổi tiệc gây quỹ cho việc xây dựng tượng đài, ông Duy đã quyết định trao tặng món kỷ vật này cho Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam để đấu giá gây quỹ. Thay mặt Ban Điều Hành chúng tôi chân thành gởi lời cám ơn và ghi nhận sự đóng góp của ông Phùng Phương Duy.

Cái túi xách này có thể nhìn rất giản dị, chẳng phải đồ hiệu, chẳng có giá trị vật chất. Nhưng đối với những Thuyền Nhân Việt Nam, những nhà sưu tầm đồ lưu niệm hay viện bảo tàng, thì Túi Xách Tự Do này là một báu vật vô giá. Cái giá trị của nó nằm ở dấu tích lịch sử của thuyền nhân Việt Nam trong suốt hai thập niên 1970 và 1980, việc đấu giá còn mang ý nghĩa hỗ trợ tài chánh để hoàn tất dự án xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam tại Adelaide. chúng tôi hy vọng trong đêm gây quỹ 11 tháng 5 – 2019 sẽ có người hiểu được giá trị của nó mà cho giá xứng đáng.

AUCTION ITEM at the fundraising dinner on 11th May 2019
Dear friends,
At the upcoming fundraising dinner on 11th May 2019 for the Vietnamese Boat People Monument (VBPM) project, we have a rare 40 years old genuine Vietnamese refugee heritage handbag up for auction. As we all know all auction proceedings go towards finishing the Vietnamese Boat People Monument in Adelaide. It is a heritage memento artifact of Vietnamese refugees. It's simply timeless. In the spirit of completing the VBPM, we hope someone will find it valuable, appealing and take an active part in the auction process on the day. Thank you.
;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-

AUCTION ITEM #: 40 Years Old Hand Bag – A Rare Memento Artifact from Pulau Bidong Refugee Camp


Pulau Bidong is one of a number refugee camps set up after 1975 by UNHCR to deal with the tragic exodus of Vietnamese people risking their lives to the seas in search of freedom, known as Boat People back then. Like other camps, Pulau Bidong has received hundreds of thousand survivors given an estimate of 50% survival rate.

Fourty years ago, July 1979 at Pulau Bidong, Mr Duy Phuong Phung, a respectable member of our community in Adelaide, has been allowed to settle in Australia. Like everyone departing Bidong for permanent settlement somewhere in the world on that day, he has received a hand bag as a departing gift from Cap Anamur, the name of a self-funded humanitarian ship from West Germany operating in the water near the Gulf of Thailand to rescue the Vietnamese Boat People. The bag bears the words The Republic of West Germany. Back then Germany was still a divided country between the East and the West.

Since settled in Australia, over the last forty years, Mr Phung has treasured his Cap Anamur bag as a historical artifact, one of a few memento artifacts remained. Symbolically the bag contains stories of Vietnamese Boat People: the journey for freedom, the journey of dreams, the stories of Despair, Frailty, Hope and endless Humanity unfolding; the resilience of the Vietnamese Boat People to live on, rise up after all what have lost. And forty years later, the stories are continued written by the successive generations Vietnamese Australian who are actively enriching this wonderful lucky country Australia. It’s been estimated around one million Vietnamese Boat People have settled around the world back then. That is about one million success stories written and it continues. Mr Phung’s story is one of those. His journey of dreams is associated with this hand bag.

Until now, Mr Phung has kindly donated this precious artifact to the VBPMA for the purpose of raising fund to complete the Vietnamese Boat People Monument in Adelaide. His donation is greatly appreciated. We, collectively the remained living Boat People and successive generations Vietnamese Australian, will complete the monument in order to pay our gratitude to the Australian people as well as we will always remember those who have lost their lives on their journey of dreams, their quest for freedom. In that spirit, we hope that this rare artifact could attract great worthy bidding. Thank you.

Thursday, July 9, 2020

Chánh Niệm Trong Mùa Dịch Covid 19

Chánh Niệm Trong Mùa Dịch Covid 19

THUC TAP THIEN CHANH NIEM
Kể từ đầu năm 2020, cơn đại dịch COVID-19 đã hoành hành tại nước Mỹ, gây ra những hậu quả chưa từng có. Mùa dịch này đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của người dân Mỹ. Tác hại của nó đến đời sống vật chất và tinh thần của người Mỹ không sao kể hết.


Nhiều nhà chuyên môn đã tìm cách giúp người dân Mỹ chuẩn bị đời sống tinh thần vững vàng để vượt qua mùa đại dịch. Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Khỏe là một trong số này. Thực ra, Tiến Sĩ Khỏe không xa lạ đối với cộng đồng giáo dục California. Là một giáo viên trung học tại Sacramento, trước đây anh đã từng có những buổi huấn luyện cho các giáo viên thuộc các học khu California về chủ đề ứng dụng thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) tại các trường học, giúp học sinh tăng cường khả năng học tập, và có sức khỏe tâm lý vững vàng hơn.  Trong mùa dịch COVID-19, những buổi hướng dẫn của anh đã được thực hiện theo dạng trực tuyến trên mạng. Đại Học Stanford và The  California Teachers Association (CTA) đã phối hợp tổ chức hai buổi webinar: vào ngày 21 tháng 04 có chủ đề “Mindfulness and Self-Care for Educators in the Time of Pandemic”, và ngày 5 tháng 5 có chủ đề “The Science of Mindfulness and Self-Care”. Hai diễn giả là Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ và Jason Dilg- Giám Đốc Điều Hành của tổ chức Be Mindful. Cả hai buổi hướng dẫn vẫn còn lưu trữ trên mạng, mọi người có thể vào xem lại để tham khảo:






Cũng như trong các buổi hướng dẫn trước đây, tiến sĩ Khỏe giới thiệu khái niệm về Chánh Niệm, tại sao Chánh Niệm có thể giúp đỡ giáo viên và học sinh vượt qua những khủng hoảng về mặt tinh thần trong cuộc sống. Định nghĩa đơn giản, thực tập Chánh Niệm là việc tập trung sự chú ý đơn thuần vào một đối tượng ngay trong giây phút hiện tại mà không có sự phán xét. Đối tượng tập trung đó được xem như là chiếc neo (anchor) để giữ cho con thuyền tâm ý ở tại ngay bây giờ và ngay ở đây,  không trôi nổi đi khắp nơi trong quá khứ và tương lai. Chiếc neo hữu hiệu để bắt đầu thực tập Chánh Niệm chính là hơi thở. Ai còn sống cũng đều thở. Hơi thở xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, và là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa thân và tâm. Đại dịch Covid đã đem đến muôn vàn căng thẳng trong đời sống: lo lắng tật bệnh, phải sống cách ly, công ăn việc làm bị đe dọa, tin tức trên truyền thông đa phần là tin kém tốt lành… Trong một môi trường như vậy, nếu không biết cách tự thoát ra khỏi những căng thẳng liên tục, thì tổn thương về sức khỏe tâm lý và vật lý là điều khó tránh khỏi. Thực tập Chánh Niệm, cùng hơi thở trở về với giây phút hiện tại là một cách hữu hiệu để làm giảm những tâm lý căng thẳng. Một vài hơi thở sâu và nhẹ với tâm bình an không lo lắng thực sự là một liều thuốc bổ. Nên bắt đầu thực tập chỉ trong một vài phút, với vài hơi thở, sau đó hãy tăng dần thời gian. Thực tập chánh niệm giống như việc đánh răng, cần thực hành hằng ngày dù không cần kéo dài. Nhiều nỗi lo âu về covid 19 chưa có câu giải đáp, và kéo dài đến chừng nào chưa biết. Thay vì để tâm lo lắng vô ích đến tương lai, ta có thể trở về an lạc trong giây phút hiện tại. Mọi chuyện rồi sẽ qua, mà ta chỉ có thể sống ngay bây giờ. Một hơi thở lành mạnh, một cơ thể chưa tật bệnh là điều ta đang có. Hãy hưởng trọn vẹn nó trong một vài giây phút bình an. Tiến sĩ Khỏe nhắc đến lòng biết ơn như là một liều thuốc bổ cho tâm lý. Đại dịch covid là một tai họa, nhưng nó cũng đem đến một vài điểm tích cực cho đời sống. Chưa bao giờ gia đình lại có nhiều thì giờ gần gũi nhau nhiều như vậy. Đây là lúc mà nhiều người Mỹ sống trở lại với những niềm vui đơn giản thường bị bỏ quên trong cuộc sống bận rộn như đi bộ, làm vườn, thăm hỏi bạn bè…


Để đưa ra một số  điều nên làm trong mùa dịch, Tiến sĩ Khỏe ví tâm thức của người như một tài khoản ngân hàng. Nó chứa những gì mà ta bỏ vào hằng ngày. Thay vì nạp vào tâm thức những điều tiêu cực, hãy dành thời giờ để nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực. Thay vì liên tục nghe và đọc những tin tức đầy lo âu, bất an, hãy dành thời giờ cho những điều làm cho mình lạc quan hơn. Nên giữ những thói quen cho một cuộc sống lành mạnh. Dành nhiều thì giờ để ngủ, để tập thể dục, để đi bộ. Nên dành thì giờ để cầu nguyện cho những nạn nhân của coronavirus. vì lòng thương người có khả năng đem lại bình an cho tâm người cầu nguyện.


Trong buổi hướng dẫn thứ hai, tiến sĩ Khỏe và Jason Dilg đã đi sâu hơn vào khoa học của hoạt động não bộ, để giải thích tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài sẽ tác động đến sức khỏe tâm lý ra sao; và thực hành Chánh Niệm giúp hoạt động não bộ phát triển cân bằng như thế nào. Nói một cách vắn tắt, stress,  những cảm xúc tiêu cực làm giảm thiểu khả năng nhận thức, phán xét logic, khả năng thông cảm, yêu thương của chúng ta. Có 4 vùng não bộ liên quan nhiều đến cách hành xử của con người: thùy trán, đồi thị, hồi hài mã và hạch hạnh nhân. Khi có một hình ảnh xuất hiện trước mắt ta, vùng đồi thị (thông tin giác quan) sẽ gởi tín hiệu đến cho vùng hạch hạnh nhân (xử lý ký ức). Nếu đó một là hình ảnh tích cực - thí dụ như một chú chó con, thì hạch hạnh nhân truyền tín hiệu để cho vùng hồi hài mã (vùng lưu giữ trí nhớ, kiểm soát cảm xúc) và vùng thùy trán (vùng nhận thức, logic, ngôn ngữ, yêu thương) cùng hoạt động. Ta sẽ nhớ chú chó con dễ thương ra sao; ta bắt đầu có những hành động thân thiện, yêu thương dành cho chú chó. Nhưng nếu đó là một hình ảnh mang tính tiêu cực, đe dọa- thí dụ như một con rắn độc, lập tức hạch hạnh nhân sẽ đóng lại mọi hoạt động của vùng nhận thức và vùng ký ức. Vùng đồi thị lập tức ra lệnh cho cơ thể phản xạ để sinh tồn: bỏ chạy, giết chết con rắn… Phản xạ để sinh tồn diễn ra nhanh hơn nhiều lần so với hành động trước những cảm xúc tích cực. Đó là bản năng sinh tồn của mọi sinh vật, trong đó có con người. Nó không hoàn toàn xấu xa. Tuy nhiên, nếu phải liên tục tiếp xúc với cảm giác căng thẳng, phải hành động theo kiểu phản xạ bản năng trong một thời gian dài, não bộ sẽ mất dần trí nhớ, khả năng nhận thức, yêu thương, phán xét logic…Những tác hại của stress trong xã hội Mỹ là rất nhiều, kể cả dẫn đến việc tự sát vì không chịu nổi sự căng thẳng, tuyệt vọng.


Chánh Niệm là phương pháp trị liệu hữu hiệu cho tổn thương não bộ do stress gây ra. Thực tập chánh niệm làm tăng khả năng tập trung, nhận thức, trí nhớ, tăng khả năng suy nghĩ logic, phát triển lòng thương yêu. Chánh Niệm chuyển phản xạ (reaction) thành hành động có xuy xét. Khi bị kích thích, ta thường hành động theo phản xạ. Nay nếu giữa sự kích thích và hành động có một vài giây giữ chánh niệm, thì ta có khả năng đáp ứng (response) một cách có xuy xét hơn. Điều này có khi thay đổi cả một đời người. Đã có biết bao nhiêu người hối hận trong tù vì những hành động theo phản xạ không đáng có, thiếu suy xét trong quá khứ. Đã có bao nhiêu người hối hận vì quan hệ hôn nhân tan vỡ, chỉ vì những lời nói tuôn ra trong lúc nóng giận, không còn khả năng suy xét và kềm chế.


Tiến sĩ Khỏe đưa ra một thí dụ dễ hiểu về việc thực tập Chánh Niệm làm thay đổi một phản xạ theo cảm xúc kéo dài trong quá khứ của chính anh. Trước đây anh rất sợ chuột, hễ thấy chúng là hốt hoảng bỏ chạy. Trong một đêm cắm trại ngoài trời, anh thấy một con chuột. Thay vì bỏ chạy, lần này anh quyết định ngồi yên, trở về với hơi thở của mình, và lặng yên quan sát con chuột. Nó chỉ tìm thức ăn, rồi trở lại tổ của mình. Vậy thì chuột đâu có hại mình! Anh quyết định tiến gần đến nó hơn một chút. Nó vẫn như thế, đi ra tìm thức ăn rồi trở lại tổ. Mỗi lúc một gần con chuột hơn, nhưng nó vẫn làm việc của nó, còn anh tiếp tục theo dõi hơi thở của mình một cách bình an. Từ đó, anh không còn sợ chuột nữa.


Những buổi hướng dẫn Chánh Niệm trước đâu của Tiến Sĩ Khỏe thường được thực hiện cho một nhóm vài chục người, và phải ghi danh trước. Nay do mùa đại dịch, hai buổi hướng dẫn của anh được tổ chức trên mạng, và được phổ biến rộng rãi cho mọi người tham khảo. Được biết, các văn phòng thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ cũng có những buổi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm để giúp nhân viên vượt qua những căng thẳng trong mùa dịch. Thực tập Chánh Niệm đang giúp đỡ về mặt tâm lý cho nhiều người Mỹ ở khắp nơi vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại. 


Tâm Nhuận Phúc

Nguồn: Việt Báo 

Wednesday, July 8, 2020

Tuệ Sỹ: Thanh Sắc Thi Ca

Tuệ Sỹ: Thanh Sắc Thi Ca

Trích Tuệ Sỹ Văn Thuyển, Tập 3: Văn Học. Hạnh Viên sưu tuyển
Hương Tích Phật Việt xuất bản, 2015

Cám ơn ông hàng xóm
Ngừng mở máy thu thanh
Võng đưa thềm mận chín
Nghe sẻ gọi bình minh.
(Mộng Ngân Sơn)
Niềm vui đơn sơ của nhà thơ ở vào con số 12 đường Bến Chợ là như vậy đó. Tiếng sẻ gọi nhau trong nắng mai thật quá hiếm giữa những âm thanh rộn ràng khác. Trước mặt nhà của nhà thơ Quách Tấn chúng ta, đây là ngôi chợ Đầm của thành phố Nha Trang với lối kiến trúc tân tiến. Nhưng trước kia, chỗ này là một đầm sen. Một cái đầm sen ở ngay giữa thành phố; chúng ta có thể hiểu được tâm sự lạc loài của một nhà thơ nặng tình ấp ủ thiên nhiên như Quách Tấn. Mặc dù vẫn mang những tính chất náo nhiệt của một phố thị kiểu mẫu của thế kỷ này. Nha Trang thỉnh thoảng vẫn trầm mình trong hương sắc diễm lệ của mùa thu. Cho nên nhà thơ của chúng ta vẫn là bóng dáng một lữ khách mùa thu của một thời đại quá khứ còn sót lại giữa những bước chân nhộn nhịp của chúng ta, của thanh niên trưởng thành trong thế kỷ hai mươi:
Áo giũ ngàn sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm bóng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
(Lịu địu, Mộng Ngân Sơn)
Phong cách ấy quả thực có khác với chúng ta trong những thù tạc vãng lai. Chúng ta đến và đi trong âm thanh và tốc độ của cơ khí, ồn ào và vội vã. Do bản chất cơ khí, nghĩa là sự hiện hữu bằng những phản lực bị dồn ép và bị bùng vỡ, mà thời đại chúng ta mang nặng tính chất chiến đấu, bạo động: những nổi loạn trong triết lý, trong văn học; những phong trào quần chúng, những nổi loạn của sinh viên thế giới… Thế thì, thời đại ấy của nhà thơ ấy là thời đại ẩn mình trầm lặng, của một đám mây lơ lửng lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng. Là thời đại của một Vương Duy tiễn bạn trong chén rượu Vị Thành, của một Giả Đảo lên núi tìm bạn, hay một Lữ Đường nơi chùa Phổ Lại, một Nguyễn Du trong dãy Hồng Lĩnh?
Đạo dịch nói: ” Thiên nhiên biến động trong bất động. Nếu lửa là biểu tượng cho sự tiến hóa không ngừng, thì núi là biểu tượng cho sự an định, tĩnh chỉ. Cuộc lữ không chỉ duy một mặt là cuộc hành trình vô tận. Nhưng đó là những bước đi trên con đường Đạo – Chân thường vĩnh cửu. Núi có thể được san bằng để cho phố thị mọc lên, biển có thể bị lấp cạn để trở thành xa lộ. Dù đến mức như vậy, mối tương quan bản thể giữa con người và thiên nhiên vẫn tràn đầy trong đồng nhất tính hồn nhiên. Miếng vỏ sò lạc loài trên núi vẫn mang trong bản chất tồn tại của nó một nỗi hoài hương tha thiết, nó mơ về những đợt sóng của trùng dương:
Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng dương.
(Ấp ủ, MNS)
Nhà thơ của chúng ta trong một thoáng rung động kỳ diệu nào đó đã đọc ra bản chất tồn tại sâu xa của tạo vật. Cũng chỉ với tâm hồn ấy mới có thể đọc ra những ẩn ngữ ấy trong lớp vỏ vô tri và vô nghĩa ấy.
Tất nhiên nhà thơ vẫn ở trong dòng thác cuộn ào ạc theo bước tiến lịch sử của con người, nhưng trong cuộc hành trình vô tận ấy nhà thơ có thể đạt được tận cùng về bản chất lữ thứ của mình, vì trong tận cùng tâm sự vẫn là một nỗi hoài hương bao la. Quê hương hiện thực của ông ở đâu? Ở trong đất Việt trời Nam này, trong bóng chùa ẩn giữa mây trắng; trong tiếng chuông khuya sớm, những tiếng sáo chiều. Đấy là những hình ảnh, những ” thanh” và ” sắc”, mà thiên nhiên vô hình thực hiện trong cụ thể hữu hình:
Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hàng liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.
(Tiếng ngân, Giọt Trăng)
Đấy và những gì tương tự như thế đấy, là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của chính đời mình, và của cả một thời đại thi ca Việt Nam. Tiếng chuông chùa Hải Đức trên đồi Trại Thủy kia, sát bên thành phố ấy, sớm và chiều vẫn lạc loài, lan xa trong cô độc, trong sự sống của thành phố đang trôi đi dưới những tiếng nổ ròn rã và tốc độ vội vàng của đủ các loại động cơ. Những tiếng chuông lạc loài, một hồn thơ cô quạnh, và còn gì nữa? Những giọt lệ – những giọt lệ đoàn viên trong nỗi hoài thương tha thiết:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xưa trăng nửa hiên.
(Chuông khuya, Đọng bóng chiều)
Vậy thiên nhiên có nói gì chăng? Thì đấy: bốn mùa đến rồi đi, và rồi lại đến. Nhưng ngôn ngữ của loài người là gì, trên một cung bậc nào đó?