Tuesday, May 12, 2020

Thích Minh Châu: Đường Hướng Giáo Dục Phật Giáo


Trích Tạp Chí Tư Tưởng Số 4 (Năm 1969)
ĐI TÌM MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG
Những cơ sở giáo dục Phật giáo đã được thiết lập từ nhiều năm nay, mà thể hiện cụ thể nhất là những trường trung tiểu học Bồ đề và sự thành tựu ngày nay là Viện Đại Học Vạn Hạnh. Trước khi đặt lại những liên hệ chặt chẽ giữa ba tầng lớp tiểu học, trung học và đại học, chúng ta hãy vạch ra một đường hướng rõ rệt để làm nền tảng cho tất cả những cơ sở giáo dục Phật giáo hiện nay.
Đi tìm một đường hướng và xác định ý nghĩa của đường hướng ấy là một việc vô cùng quan trọng, vì đường hướng ấy là thể hiện cụ thể nhất của tinh thần giáo dục Phật giáo. Mất đường hướng có nghĩa là mất ngôi sao Bắc đẩu và tất cả chúng ta sẽ đi trong tối: hiển nhiên khi ấy giáo dục Phật giáo không còn đúng là giáo dục Phật giáo nữa; giáo dục như vậy chỉ có nghĩa là phản bội Phật giáo và trở thành một phương tiện để cho người ta trục lợi làm giàu, để cho người ta làm nơi nương náu, trú ẩn che đậy những thủ đoạn kín đáo, để người ta khuếch đại bản thân bằng những danh từ có san trong kinh Phật. Thảm trạng ấy phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta phải lãnh trách nhiệm của mình trước tình cảnh sa lầy của những trường tự gọi là trường Phật giáo. Chúng ta đã phản bội đạo Phật trong từng giây phút; chúng ta có can đảm tự nhận là những nhà giáo dục Phật giáo hay không, khi mà những trường tự gọi là trường Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào sự phân hóa sa lầy, khi mà trong mỗi giây phút chúng ta sống, chúng ta đã lạm dụng Phật giáo, chúng ta đã đồng tình với những thế lực đen tối để mà duy trì sự sợ hãi, sự nô lệ, sự nông cạn hẹp hòi trong lòng những thế hệ non dai. Chúng ta phải chịu tội trước đấng Thế tôn: chúng ta phải hổ thẹn mỗi lúc tự nhận là những nhà giáo dục Phật giáo, vì chúng ta đã giáo dục những đứa trẻ để rồi nay mai những đứa trẻ ngây thơ ấy mang súng bắn nát những gì thiêng liêng nhất trên cuộc đời này. Mỗi khi nào có một người thanh niên đã ngã gục trên chiến trận thì lúc đó nền tảng giáo dục của chúng ta trở thành vô nghĩa; mỗi khi nào trong xã hội này bất công và bạo quyền còn hống hách đe dọa đêm ngủ an lành của kẻ vô tội thì lúc đó đường hướng giáo dục của chúng ta trở thành ảo ảnh lường gạt; mỗi khi nào trong học đường, mâu thuẫn tương tranh giữa hiệu trưởng và giáo sư, giữa giáo sư và giáo sư, giữa giáo sư và học sinh, mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài, mỗi khi nào tất cả mâu thuẫn ấy còn tồn tại thì đường hướng giáo dục hoàn toàn trở thành phù phiếm. Chúng ta phải đặt lại một đường hướng dứt khoát; mỗi một nhà giáo dục phải đi tìm một đường hướng sống động thuận thời, thuận cảnh để chuyển thời và chuyển cảnh. Nhà giáo dục Phật giáo phải đi trên đường hướng giáo dục Phật giáo. Đường hướng giáo dục Phật giáo là đường hướng nào?
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Phật giáo là một con đường sống; Phật giáo đặt trọng tâm vào việc giáo hóa con người, giáo hóa con người thành ra con người, trở về dùng bản vị là con người với trọn tất cả nghĩa đen và nghĩa bóng của chữ người; chẳng những thế Phật giáo lại đưa con người đến chỗ tự siêu hóa, tự vượt mình thường xuyên để thể nhập cuộc sống toàn diện của thiên nhiên.
Tự vượt mình, tự siêu hóa mình trong từng giây phút, đó là tất cả ý nghĩa tiềm tàng của sự giáo hóa chân chính. Sống và biết sống, sống với xã hội chân chính, sống với người khác, sống với vẻ đẹp của đất trời, sống với sự thực của tâm thức, sống với đức lý cao quí của lương tâm; chân, thiện và mỹ là ba giá trị sáng tạo của tâm linh; sống với chân, thiện và mỹ là tự giáo hóa mình để mở lòng ra mà đón nhận những gì thành thật nhất, hiền lành nhất và đẹp đẽ nhất trong con người. Đạo Phật là một đạo của giáo dục và đức Phật là một nhà đại giáo dục. Giáo lý của đức Phật là phương pháp giáo dục, hay đúng hơn nền tảng của tất cả mọi phương pháp giáo dục, đường hướng cho tất cả mọi đường hướng giáo dục chân chính. Chúng ta chỉ cần trở lại những kinh điển của ngài là thấy được những nguyên tắc giáo dục căn bản. Chúng ta có thể thu gọn lại nội dung của đường hướng giáo dục Phật giáo trong những tiêu điểm sau đây:
  1. tương quan giữa con người và hoàn cảnh;
  2. tương quan giữa con người và hành động;
  3. tương quan giữa con người và trí thức;
  4. tương quan giữa con người và đạo đức;
  5. tương quan giữa con người và thời gian;
  6. tương quan giữa con người và chân lý.
Những tiêu điểm trên không phải khác biệt nhau rõ ràng, mà chỉ là sáu khía cạnh của một Thực tại duy nhất, Thực tại duy nhất ấy làm nền tảng cho sáu đường hướng giáo dục, và sáu đường hướng giáo dục đều dẫn về một đường hướng duy nhất; đường hướng ấy chính là đưa con người trở thành con người sự thực, con người của chân lý, nói rõ hơn là thể hiện linh động của chân, thiện và mỹ. Chân, Thiện và Mỹ chỉ là ba tướng trạng của một Thực tại duy nhất, mà đạo Phật gọi là Phật tính.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ HOÀN CẢNH
Con người là di hướng của truyền thống, là sản phẩm của hoàn cảnh. Điều này quá hiển nhiên không ai có thể phủ nhận được. Chúng ta không thể chối bỏ xã hội mình đang sống, chúng ta không thể bỏ quên hướng đi của lịch sử, chúng ta không thể lạnh lùng lãnh đạm trước những nỗ lực của những bậc tiền bối trong những công trình xây dựng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, khi đã ý thức rõ ràng như vậy, chúng ta phải sáng suốt ý thức luôn rằng tương quan giữa con người và hoàn cảnh không phải là tương quan một chiều; nói khác đi thì hoàn cảnh tạo ra con người nhưng không phải chỉ có hoàn cảnh mới tạo ra con người, vì hoàn cảnh và con người không phải là hai thực thể biệt lập, và con người không phải là giữa địa vị thụ động, không phải chỉ là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh. Tương quan giữa con người và hoàn cảnh là một thứ tương quan linh động; hoàn cảnh tạo ra con người, nhưng con người cũng tạo ra hoàn cảnh. Con người có bổn phận tối cao là sáng tạo ra hoàn cảnh cho đời sống, chứ không phải hạ mình chạy theo hoàn cảnh, để hoàn cảnh lôi cuốn trôi đi và không còn là một chủ thể tự do để quyết định vận mệnh mình. Giáo dục là sản phẩm của hoàn cảnh; giáo dục Phật giáo hiện nay là sản phẩm của hoàn cảnh Phật giáo hiện nay. Hoàn cảnh Phật giáo hiện nay như thế nào? Chúng ta đủ thấy rõ rằng Phật giáo đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, khủng hoảng bên trong cũng như khủng hoảng bên ngoài, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào sức lực kỳ diệu của đạo lý đức Phật, đạo lý đức Phật chỉ thành hình một cách huy hoàng nhất giữa những hoàn cảnh mâu thuẫn nhất, giữa những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất. Đó là một dịp để giáo dục thể hiện sứ mạng của mình; giáo dục Phật giáo là nạn nhân của hoàn cảnh Phật giáo hiện nay, nhưng nền tảng của nền giáo dục Phật giáo là sống tạo lại hoàn cảnh, làm chủ hoàn cảnh, điều khiển hoàn cảnh, chuyển hóa thế cảnh thành chân cảnh, chuyển hóa tục cảnh thành thánh cảnh. Con người giáo dục Phật giáo phải là con người sống với hoàn cảnh, sống trong hoàn cảnh mà vươn lên khỏi hoàn cảnh, vượt lên hoàn cảnh để thống ngự hoàn cảnh và tạo tác một hoàn cảnh mới cho con người thời đại. Nhưng muốn làm chủ lại hoàn cảnh thì chúng ta phải làm gì?
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ HÀNH ĐỘNG
Câu hỏi trên đặt lên ý nghĩa của hành động trong đời sống con người. Cũng như hoàn cảnh, hành động đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình lịch sử con người. Có thể nói rằng con người là kết quả của hành động; những hành động của con người quyết định hướng sinh thành hoại diệt của con người; Phật giáo gọi hành động là nghiệp (Karma): thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp bao trùm tất cả sắc thái của giáo dục Phật giáo.
Con người là hoàn toàn tự do ngay từ tự tính, vì chính mình đã tạo nghiệp cho mình và nạn nhân của chính mình, đồng thời chính mình cũng có thể hoán cải nghiệp lực và giải thoát mình ra ngoài sự trói buộc triền miên của luân hồi đau đớn. Giáo dục Phật giáo là hành động triệt để, hành động toàn diện để chuyên hóa những hành động phiến diện của đời sống hiện nay. Người giáo dục Phật giáo lao vào đời như lao vào lửa đỏ, lên tiếng cho sự thực, lên tiếng cho những gì cao đẹp nhất của con người hành động với tâm vô trước, tranh đấu cho lý tưởng, mà không bị nhốt tù trong lý tưởng, hành động cho chân lý mà không bị vướng kẹt vào chân lý; chân lý có thể được hy sinh cho con người sống thực chứ con người sống thực không thể bị làm con vật hy sinh cho chân lý và một thực thể linh động cùng nằm trong tương quan đồng loạt; chân lý không phải là một cái gì khác con người, mà chân lý chính là con người.
Con người giáo dục dấn thân vào hành động mà vẫn làm chủ hành động, chứ không phải là nạn nhân của hành động mình. Hành động mà không vướng bận vào hành động, đó mới là hành động thuần túy và mới không tạo nghiệp ác. Cả nghiệp thiện còn không chấp, huống chi là nghiệp ác. Con người giáo dục Phật giáo phải là con người hành động mà luôn luôn phải thể hiện tinh thần Vô trước trong mỗi một hành động của mình; chỉ có thể mới có thể hoán cải nghiệp cảnh để mà bước đi trên con đường của đấng giác ngộ.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ TRÍ THỨC
Giáo dục không phải chỉ là huấn luyện cho một đứa trẻ trở thành một nhà trí thức để hành nghề và giữ một địa vị an bài trong xã hội. Trí thức phải được chuyển hóa thành trí huệ. Trí huệ đưa con người đi đến chánh kiến. Trí thức là một phần trong toàn thể thành phần của con người. Cứu cánh của nền giáo dục Phật giáo là đưa con người trở về con người toàn diện; con người toàn diện là kẻ thể hiện chánh kiến trong từng động tác thường nhật. Trí huệ là đồng lúc với Bi và Dũng. Bi, Trí và Dũng xuất hiện đồng lúc trong đời sống toàn diện. Bi, Trí và Dũng không phải là ba thành phần khác biệt và đối nghịch, cả ba đều là ba cách diễn tả một thực tại linh động. Trí chỉ là Trí khi có Bi và Dũng đi theo; do đó, con người trí thức cũng là con người từ bi động lòng trước thảm cảnh phân ly, nhưng đồng thời cũng là con người can đảm đứng lên tranh đấu cho sự thật mà lòng không sợ hãi, chí khí cương liệt, nhìn thẳng vào tất cả sự khủng khiếp mà tâm không thối chuyển, nhất định thực hiện cho thành tựu đại nguyện mình trong đời sống để cứu nhân độ thế. Thể dục, đức dục và trí dục đều đi chung với nhau, chứ không phải là ba phạm vi biệt lập.
Giáo dực Phật giáo phải là đưa thể, đức và trí liên kết nhau trong một nhất điểm tối hậu; nhất điểm ấy là con người toàn diện, bao trùm thể, đức và trí trong thân, khẩu và ý.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ ĐẠO ĐỨC
Con người có trí mà thiếu đức thì chỉ là là trí; cũng như con người thiếu trí mà có đức thì chỉ là ngụy đức; đức và trí khai sinh ra một thân thể quân bình tráng kiện.
Vấn đề tương quan giữa con người và đạo đức được đặt ra đây là vì con người và đạo đức không phải là hai ý niệm cùng đứng trên một vị trí lý thuyết có tính cách mô phạm tổng quát. Đạo đức không phải là một số ý niệm được xây dựng trên hai tiêu chuẩn của Thiện và Ác. Thiện và Ác không thuộc phạm vi của Đạo đức. Thiện và Ác xuất phát từ Vô minh; tham và sân cùng xuất phát từ Vô minh. Vô minh là nền móng của tà kiến, và vì tà kiến, do tà kiến, bởi tà kiến, nên con người mới nô lệ vào những ảo ảnh nguy hiểm để giết hại lẫn nhau. Chánh kiến đi đôi với Đạo đức; chuyển tà kiến thành chánh kiến thì chuyển được Ác thành Thiện. Nhà giáo dục Phật giáo không phải chỉ là người cố chấp vào một số nguyên tắc đạo đức để mà bỏ quên thực chất linh động của đạo đức; chính kiến mới là không chấp trước vào vọng kiến; vọng kiến là sự chìm đắm trong những ảo ảnh, hư ảnh phù phiếm mà chạy trốn thực tại. Thực tại nằm trên Thiện và Ác; giai đoạn đầu là theo Thiện bỏ Ác, giai đoạn thứ hai là bỏ Ác và bỏ cả Thiện, giai đoạn thứ ba là siêu hóa nhị tướng của vạn pháp để mà thể nhập Thực tại siêu việt.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ THỜI GIAN
Học quá khứ không phải chỉ biết có quá khứ; học quá khứ là để chuẩn bị cho hiện tại. Tương quan giữa con người và thời gian là một vấn đề quan trọng; nhà giáo dục Phật giáo hiểu rõ sự quan trọng của quá khứ và hiểu rõ sự quan trọng của tương lai, nhưng phải nhất tâm qui hướng tất cả hành động của mình vào hiện tại. Quá khứ, hiện tại và tương lai không phải là ba giai đoạn phân chia khác nhau: trong giây phút hiện tại chứa đựng trọn vẹn tất cả quá khứ và tương lai. Người giáo dục Phật giáo không vì một lý do nào mà khinh thường hiện tại của thế hệ trẻ non, vì hiện tại là tất cả ý nghĩa của giáo dục. Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, biết chuyện quá khứ trở thành đồng thời, đương thời với hiện tại là cứu cánh của mọi sự giáo dục chân chính. Dạy một môn học không phải chỉ là mang từ những kinh nghiệm ở quá khứ mà phải làm sống môn học ấy trong kinh nghiệm mới lạ của hiện tại. Hiện tại là mới lạ trong mỗi giây phút;tất cả phải hy sinh cho hiện tại. Con người giáo dục Phật giáo không phải là kẻ tự giáo dục mình ý thức được tất cả ý nghĩa phong phú của ngày hôm nay và đồng thời giáo dục con trẻ ý thức được tất cả sắc thái đẹp đẽ mới lạ của của từng thoáng giây trong hiện tại. Giáo dục phải là giáo dục ở đây và bây giờ; «hic et nunc». Đạo Phật là một đạo sống để tự cách mạng trong từng giây phút; đạo Phật biến chuyển linh động trong hiện tại và không bao giờ lệ thuộc vào những ý niệm khô chết trong quá khứ.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ CHÂN LÝ
Thiện và Mỹ cũng nằm trong Chân: Chân lý bao gồm tất cả trạng thái phức tạm của cuộc đời. Giáo dục Phật giáo có nghĩa là giáo dục để thể nhập Chân lý, để chứng ngộ Sự thật. Con người giáo dục Phật giáo phải tự giáo dục mình trước tiên; tự giáo dục để giáo dục người khác trên con đường sự thật, đó là tất cả mục đích và đối tượng mà không một nhà giáo dục Phật giáo nào được quyền bỏ quên. Chân lý là Phật Pháp, mà Phật Pháp thì không bao giờ xa lìa thế gian Pháp; do đó, giáo dục Phật Giáo luôn luôn giữ tâm hồn phóng khoáng, cởi mở và đón nhận tất cả những khuynh hướng đối nghịch, không bao giờ khư khư ôm giữ giáo lý mình và tự hào rằng chỉ có giáo lý mình là độc tôn. Chân lý được thể hiện bằng những biểu tượng khác nhau; không vì lý do gì mà chấp trước biểu tượng nay để mạ ly biểu tượng khác; tất cả biểu tượng đều có ích lợi riêng biệt tùy theo vị trí của nó trong mỗi phạm vi đặc thù. Tinh thần vô chấp, vô trước, phải được thực hiện triệt để trong nền giáo dục Phật giáo; con người của chân lý là kẻ sống với chân lý mà không chấp trước vào chân lý. Giáo dục Phật giáo là giáo dục con người trở thành Phật tử để rồi không chấp trước vào bản vị Phật tử và trở về lại với con người, con người trọn vẹn, không phân biệt tôn giáo, nòi giống, giai cấp. Phật tử chỉ là Phật tử thực sự khi Phật tử vượt lên giới hạn của mình để nhập một với con người bằng xương bằng thịt ở khắp mọi chân trời. Chân lý Bất nhị (Advaya) là nền tảng của tất cả mọi đường hướng giáo dục Phật giáo. Chân lý (satyatà) chính là Bất Nhị (advaya), con đường của sự thật (màrgasatyam), như đức Phật đã dạy trong kinh Lăng già (Lankàvatàra sutra). Bất nhị là không phân biệt Phật giáo với những gì không phải là Phật giáo; Bất nhị là không phân biệt Trí và Đức, Thiện và Ác, vô vi và hữu vi, tự thể và tha thể, bạn và thù, quốc gia và quốc tế.
Con người giáo dục Phật giáo phải là con người thể hiện tinh thần Bất nhị trong nhà trường và đời sống, không phân biệt mình với học trò, không phân biệt đối tượng với chủ thể, không phân biệt tương quan giữa con người và hoàn cảnh, con người và hành động, con người và trí thức, con người và đạo đức, con người và thời gian, con người và chân lý.
"Sự giáo dục sẽ trở thành vô dụng, nếu người học không đánh mất những quyển vở nhà trường, không đốt những sổ tay ghi chú ở giảng đường, và không chịu quên hết những chi tiết tỉ mỉ mà mình đã học thuộc lòng để đi thi…"
Câu nói trên của triết gia A’fred North Whitehead trong quyển The Aims of Education là chủ ý muốn nối liền lại giáo dục và đời sống, giáo dục là để thể nhập với đời sống phong phú, giáo dục không phải chỉ giới hạn ở nhà trường, không phải chỉ kết thúc ở trường thi; mà giáo dục là phải tự siêu hóa giáo dục để trở thành hơi thở dinh dưỡng của đời sống trọn vẹn, tước bỏ những chi tiết mà hòa đồng với những nguyên lý bất diệt của nhân sinh.
Chỉ có tinh thần Phật giáo mới giúp chúng ta đưa giáo dục trở về tiếp nối với sự sống, đề tước bỏ những kiến thức chết, những ý tưởng vô sinh khí, và thực hiện một con người siêu việt trên cuộc đời bé nhỏ này.

Monday, May 11, 2020

VĨNH HẢO: NHẪN


VĨNH HẢO, NHẪN 
(Thư tòa soạn số 22, tháng 9.2013, 
Nguyệt San Chánh Pháp - http://www.chanhphap.us/)

Trong một câu đối đề tặng tu viện Quảng Đức bên Úc, thầy Tuệ Sỹ có dùng mấy chữ “vá áo, chép kinh” để nói công hạnh và chí nguyện của người tăng sĩ hành đạo nơi đất khách.
Vá áo là công việc đối với tự thân: giữ gìn, bảo vệ chiếc áo mình đang khoác mặc, dù rách nát đến đâu cũng không bỏ (như ca dao tục ngữ nói “giấy rách phải giữ lấy lề”). Nghĩa sâu xa là giữ gìn pháp y mà Thầy-Tổ truyền trao. Pháp y ấy là di sản, là gia sản của người tăng sĩ được kế thừa từ tiền nhân (như kinh Phật nói “thừa tự Chánh Pháp”).
Chép kinh, trước hết cũng là công việc đối với tự thân: theo cách của người xưa là vừa chép vừa học, nhờ chép kinh mà được đọc kinh chậm rãi từng chữ, trong lặng lẽ, hiểu kinh tường tận hơn. Nghĩa rộng rãi ở đây là công việc đối với tha nhân, là hoằng pháp.
Gần 40 năm có mặt trên nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới, hàng tăng sĩ Phật giáo Việt Nam mấy thế hệ, đã có những đóng góp đáng kể trong việc hoằng pháp, giáo dục, đối với bản xứ cũng như đối với quê hương. Có 3 việc tiêu biểu được ghi nhận như sau:
– Xây chùa: rất nhiều ngôi chùa, từ nhỏ như tư gia cho đến đồ sộ nguy nga không kém các nhà thờ hay đền đài bản xứ. Vừa xây dựng cơ sở chùa chiền tại hải ngoại, vừa dành dụm gửi tiền về xây dựng hoặc tu bổ các tự viện trong nước.
– In kinh sách, làm báo; giảng dạy: kinh sách và báo chí được in và phát hành miễn phí trong hầu hết các tự viện; nhiều khóa tu học, khóa an cư, lớp giáo lý, các buổi hội thảo, dành cho tăng ni hoặc cư sĩ, được tổ chức định kỳ hoặc bất định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng hoặc mỗi năm trong các tu viện, tự viện Phật giáo ngoài nước; ngoài ra còn góp phần yểm trợ cho việc hoằng pháp ở trong nước.
– Tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam: một số tăng sĩ góp mặt hoặc góp tiếng nói của mình với các tổ chức chính trị, xã hội bên ngoài; một số tăng sĩ tích cực hơn, thành lập hoặc trực tiếp tham gia sinh hoạt trong các tổ chức ấy.
Những việc kể trên, việc nào cũng quan trọng, đáng làm, nhưng đa phần thì khi dành nhiều thời gian cho việc này thì bỏ việc khác; một số ít người gánh vác cả hai việc, và một số thật hiếm hoi khác, có thể gánh vác được cả ba. Hòa thượng Thích Minh Tâm là một trong số hiếm hoi ấy.
Nhưng có một việc vô cùng quan trọng khác mà không ai trong số nhiều, số ít, số hiếm hoi ấy, kể cả trong và ngoài nước, có thể làm được. Đó là việc đặt một nền tảng rõ rệt, cụ thể, cho sự hòa hợp, đoàn kết của Tăng đoàn.
Trong khi nhiều người dành hết cả đời xây dựng cơ sở, đã không có thời gian để làm được việc gì khác; trong khi nhiều người chủ trương chỉ lo việc giáo dục đào tạo, không cần xây chùa; trong khi nhiều người chủ trương thuần túy tu học, không tham gia chính trị; trong khi một số người quá chú trọng việc đấu tranh chính trị, đã rời xa Chánh Pháp, thậm chí gây phân hóa và làm hủy hoại niềm tin của quần chúng đối với Tăng đoàn; thì Người, chỉ duy một người, Hòa thượng Thích Minh Tâm, đã đảm đương tất cả việc: xây dựng và thành lập tự viện ở khắp nơi; giảng dạy và khởi xướng tổ chức các khóa tu học Phật Pháp dành cho hàng cư sĩ (tại Âu châu, rồi gián tiếp tác động lên Úc châu và Bắc Mỹ); tranh đấu không mỏi mệt cho tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam; và chủ xướng việc củng cố nội lực Tăng đoàn qua sự thành lập Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại với Ngày Về Nguồn – Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tổ chức hàng năm.
3 việc trước, rất cụ thể, ai cũng thấy và cũng có thể làm được. Chỉ việc thứ tư là việc khó nhìn, khó thấy, khó làm. Hòa thượng Thích Minh Tâm đã làm được, là do đâu? Không phải nhờ bằng cấp, học vị. Không phải nhờ có chùa to Phật lớn. Không phải nhờ có chức vụ hay quyền uy trong thực tế hay trên giấy tờ hành chánh. Chỉ nhờ một tâm mà thành tựu: Nhẫn.
Suốt đời miệt mài hành đạo không biết mỏi mệt. Tụng niệm, giảng dạy, cho đến hơi thở cuối cùng. Từ bi chịu đựng mọi phỉ báng của kẻ ác và của người sai đường lạc lối. Lặng lẽ, khiêm nhường đối với mọi người. Vô chấp, vô thủ đối với tất cả những gì mình đã làm, đã đóng góp cho đời, cho người.
Tâm ấy, chữ Nhẫn ấy, một đời gìn giữ như là vá áo chép kinh, không dễ gì tìm thấy nơi đời ô trược. Người như thế, xứng danh là rường cột của Phật Pháp, xứng đáng được cung kính đảnh lễ, và phải tôn xưng là bậc đại sĩ thượng nhân của Tăng đoàn.
Khi một bậc đại sĩ nằm xuống, cảm giác thật như là một mặt trời vừa rụng.
Vĩnh Hảo

Chủ bút Nguyệt San Chánh Pháp

______________________

Sắp xuất bản trong mùa Phật Đản và Ngày của Mẹ:
LỜI CA CỦA GÃ CÙNG TỬ, Tuyển tập 100 Lá Thư Chủ Bút Nguyệt San Chánh Pháp - Biên Soạn: Vĩnh Hảo
Hương Tích Phật Việt xuất bản, 2020.
Bìa: Uyên Nguyên / Trình bày và layout: Nhuận Pháp và Tâm Thường Định
Copyright © 2020 Vĩnh Hảo, Hương Tích Phật Việt.

Sunday, May 10, 2020

Nụ Cười Của Mẹ

Nhạc phẩm NỤ CƯỜI CỦA MẸ - Ý thơ: Bạch Xuân Phẻ - Nhạc: Đức Quảng -
Hòa âm: Hưng Việt - Ca sĩ: Nguyễn Duyên Quỳnh


Nụ Cười Của Mẹ (Karaoke version)




Saturday, May 9, 2020

Nguyên Giác: Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

Chùa Tam Bảo, ở New Orleans, LA.
Hãy hình dung rằng sẽ tới một thời thế giới không còn bom đạn, và thay cho những trận mưa bom sẽ là những trận mưa thơ. Hãy hình dung rằng những góc phố Sài Gòn, Hà Nội và khắp thế giới sẽ dựng lên các bia đá khắc lên những dòng thơ ca ngợi hòa bình và tình thương. Như thế, thơ sẽ chữa lành thế giới, sẽ đẩy nhân loại bước rời xa các u tối chiến tranh, khi những ánh mắt căm thù hốt nhiên chỉ nhìn thấy những trận mưa hoa đầy chất thơ. Thậm chí, hát thơ còn chữa bệnh được: lịch sử ghi rằng trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa được sản nạn, hóa giải chứng đau bụng đẻ để bà bầu êm ái cho ra em bé an lành.
Ông bà mình từ xa xưa đã nhìn thấy tác dụng của thơ. Khi nhìn thấy người thương bước tới sân đình giữa làng, trong khi lời còn rất rụt rè, thì dòng thơ ca dao có thể nói lên rất nhiều, dù là chàng ướm lời với nàng hay ngược lại:

Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Sau khi hai dòng thơ trên được hát lên, lời nói nào sau đó cũng dư thừa. Vì thương nhớ là những gì rất trừu tượng, rất mơ hồ, lấy chữ nào mà gói được ý nghĩa cho trọn vẹn, và lúc đó thơ mới hiện lên.
Hay là lời người con thương nhớ mẹ. Nói gì về mẹ? Cụ bà tóc trắng, thân gầy, một thời lụm khụm sau bếp và trước sân, rồi một thời mẹ ra đi vĩnh viễn. Nói gì về mẹ, khi nước mắt người con ràn rụa và hình ảnh mẹ chỉ còn là quá khứ? Lúc đó, ông bà mình mới dùng tới hát thơ và rồi trở thành ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp mật, như đường mía lau. Đường mía lau càng lâu càng ngát, Xôi nếp mật ngào ngạt hương say. Ba hương lây lất tháng ngày, Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.

Như thế, mẹ trở thành chuối, xôi, đường… là những gì ngon ngọt đã trở thành thân thể người con, và rồi mẹ biến mất theo gió. Hãy hình dung rằng thay vì sáu dòng thơ trên, chúng ta có cách nào nói lên được cảm xúc thiết tha thương nhớ như thế? Có vẻ như bất khả, vì thơ nơi đây đã gói trọn thành công những gì rất mơ hồ thương nhớ trong hồn người, y hệt như làn khói rất khó nắm bắt. 
Trong khi đó, tiếp thị kinh doanh cũng là một nghệ thuật. Có khi vài dòng ca dao là đủ để quảng cáo và đưa vào ký ức người nghe các hình ảnh cần thiết. Như các dòng ca dao tiếp thị sau với các địa danh đều ở trong huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá:

Ai về nhớ vải Định Hòa, Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê, Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê, Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào.

Như thế, không nói nhiều, không hô hào ồn ào, nhưng ý thơ sẽ ngấm từ từ vào tâm thức người nghe. Có phải thơ đã tự thân có sẵn một khung trời đón nhận trong não bộ chúng ta? Phải chăng tự trong tâm thức, chúng ta đã dị ứng với các ngôn ngữ trật nhịp thơ?
Thơ như thế, là gắn liền với máu thịt của chúng ta. Thơ đã cho chúng ta nhìn thế giới qua chân trời mới: ngả nón là lời mời gọi vào thế giới của nhau, chỉ vào ngói đình là chi vào niềm thương nhớ, sau khi mẹ biến mất là hóa thân ngay vào chuối, vào xôi, vào đường, và những người con Thanh Hóa đi xa đã chỉ vào nỗi nhớ gì rất cụ thể như vải, cau, cà, dừa… Thế giới trước mắt đã hóa thân thành một thế giới trong màn sương khói thi ca. Như thế, sự thật trong thơ không phải là sự thật khả lượng của thế giới vật lý. Trong khi địa cầu chúng ta đầy những hỗn loạn, tranh chấp, bom rơi đạn bắn, với âm vang hàng ngày trên TV từ trên vị trí cao nhất trở xuống cho tới giang hồ đứng bến là những lời chửi mắng chát chúa… thì thế giới thơ hiện ra khi chúng ta mở lại các trang sách cũ, tìm học lại những giá trị ông bà mình để lại trong các dòng thơ. Tại sao thơ làm chúng ta nhẹ lòng được như thế. Có vẻ như nửa thực, nửa hư khi chúng ta nhìn về hình ảnh thương nhớ với ngả nón, ngói đình…
Bài thơ đầu tiên của dân tộc Việt hình như là bài thơ mấy dòng do vua Lạc Long Quân nói lên khi tuyên bố ly hôn cùng bà Âu Cơ để chia trăm con làm hai hướng, nửa đi theo mẹ, nửa đi theo cha. Hình ảnh về truyền thuyết này cũng là cuộc ly hôn thuận thảo nhất trong lịch sử nhân loại, vì cổ sử không nói chuyện xích mích gì giữa hai người khai sinh ra dân tộc Việt.
Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng Lạc Long Quân (truyền thuyết ghi rằng sinh năm 2825 trước Tây lịch) có tên húy là Sùng Lãm, là một vị vua truyền thuyết của lịch sử Việt Nam. Lạc Long Quân được xem là vị vua của nhà nước sơ khai Xích Quỷ trước nhà nước Văn Lang.
Thuyết này ghi rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết “bọc trăm trứng.” Lạc Long Quân có thể là danh hiệu truyền lại trong dã sử của một tù trưởng đã có công trong việc đi đến thống nhất các bộ tộc người Lạc Việt. Con trai ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang đã thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nhà nước Văn Lang, xưng hiệu Hùng Vương đời thứ nhất.
Một phiên bản kể về mối tình Rồng-Tiên này ghi rằng vua Lạc Long Quân thường xuyên lên bờ dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi!” Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Đột nhiên một ngày nọ, xuất hiện một bệnh dịch lớn mà Long Quân không trị được. May mắn thay đã có một tiên nữ tên Âu Cơ từ trên núi xuống ra tay giúp đỡ, nhờ thế mà mọi người mới vượt qua bệnh dịch này. Âu Cơ đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con sếu mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ:

Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy thổ khắc nhau, không ở cùng được.

Than ôi, bài thơ không vần, rất ngắn, rất khô khan này đã đoạn lìa một tình nghĩa phu thê rất thơ mộng của dân tộc. Hai người bèn chia con mà ở riêng. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi.
Sau khi chia tay với Quốc mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân cùng 50 người con còn lại xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), cách biển không xa, sông nước mênh mang, Lạc Long Quân truyền cho các con dừng chân dựng trại, chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp.
Tuy nhiên, làn điệu thơ xa xưa dường như là hát, chớ không phải là ngâm, vịnh như đời sau. Một trong những dấu tích thơ được ghi từ xa xưa là trong điệu hát xoan. Một trong các cơ duyên ban đầu này trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa lành được chứng đau bụng đẻ. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Thiên Nga (Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam – ấn bản 2008), Làng Cao Mại (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có một truyền thuyết như sau:
“Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, nên đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được, vợ Vua Hùng nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu, Quế Hoa đến chầu vợ Vua. Bấy giờ, vợ Vua đang lên cơn đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng phải mê. Vợ Vua mải xem múa hát không  thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngôi đẹp đẽ. Khi ấy đang mùa xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy sau được gọi là hát xoan.” Cũng có truyền thuyết giải thích rằng: Xoan là từ gọi chệch tiếng xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân). Do tục kiêng kỵ tên húy, nên hát Xuân được gọi là hát xoan.
Y khoa hiện nay đã chứng minh rằng thơ có chức năng chữa lành nhiều vết thương cho nhân loại. Các bác sĩ tại hai bệnh viện Yale University School of Medicine và University College London School of Medicine trong khi chăm sóc bệnh nhân đã đề nghị thơ như một phương thuốc, trước tiên là để tự hiểu cảm xúc và sau nữa để giúp bệnh nhân bước vào một thế giới thơ, nơi xa lìa bạo lực và đau đớn của đời thường đang tràn ngập màn hình TV. Nhiều bệnh viện tại Hoa Kỳ, Anh quốc và Châu Âu hiện nay dùng thơ như một pháp trị liệu, và phương pháp này gọi là “poetry therapy” với người chăm sóc trong lĩnh vực này sẽ được qua các khóa huấn luyện của tổ chức có tên là International Federation for Biblio / Poetry Therapy (IFBPT, Liên Đoàn Trị Liệu Bằng Sách và Thơ).
Truyền thống dân tộc nào cũng gắn liền với thơ. Chúng ta rất khó hình dung được có một dân tộc nào với một ngôn ngữ riêng lại không có một truyền thống thơ. Dân tộc Việt Nam có thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ tự do có vần và thơ tự do không vần. Hay, có khi kết hợp chung nhiều hình thức thơ vào một bài, như bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông.
Gắn liền trong ngôn ngữ là âm thanh. Do vậy, thơ tự động gắn liền với âm thanh. Ngay cả thơ tự do không vần cũng có tác dụng âm thanh. Bởi vì não bộ nhân loại đón nhận âm thanh và giải nghĩa theo kiểu riêng của mỗi ngôn ngữ. Trong y khoa có phương pháp dùng máy đo fMRI (functional magnetic resonance imaging) để xem phản ứng của não bộ phản ứng đối với thơ. Máy đo fMRI khám phá ra một điều ai cũng biết, rằng nhân loại có phản ứng khác nhau khi nghe ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ. Trong ngôn ngữ thơ, bên cạnh âm vang còn có hình ảnh, và hình ảnh đời thường (như: nón, đình, ngói…) khi trở thành hình ảnh thế giới thơ bỗng nhiên có tác dụng trong những phần khác nhau của não bộ.
Phương pháp fMRI đo các hoạt động của não bộ bằng cách đo các biến đổi gắn liền với dòng huyết lưu, dựa vào sự kiện rằng dòng máu chảy trong não bộ gắn liền hoạt động của thần kinh. Khi một khu vực nào trong não bộ được sử dụng, lưu lượng máu chảy vào khu vực đó tăng thêm. Máy đo fMRI sử dụng các từ trường và sóng radio để vẽ đồ hình các cơ phận trong cơ thể. 
Thực ra, y khoa đã áp dụng thơ trị liệu từ vài thế kỷ nay, với việc đọc văn/thơ và sáng tác văn/thơ dùng làm pháp hỗ trợ trị liệu các bệnh về căng thẳng. Theo sử ghi lại, Pennsylvania Hospital, bệnh viện đầu tiên tại Hoa Kỳ, dùng phương pháp văn học trị liệu từ giữa các năm 1700s. Tới đầu thập niên 1800s, Bác sĩ Benjamin Rush đưa ra phương pháp dùng thơ trị liệu cho các bệnh nhân. Năm 1928, nhà thơ và là dược sĩ Eli Griefer khởi đầu thành lập các nhóm “thơ trị liệu” (poem therapy) tại hai bệnh viện khác nhau với hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý Jack L. Leedy và Sam Spector. Sau khi Griefer từ trần, Leedy và nhiều người khác tiếp tục đưa thơ vào tiến trình trị liệu, từ đây thành lập Hội Thơ Liệu Pháp (Association for Poetry Therapy) trong năm 1969. 
Nhà nghiên cứu James Pennebaker đưa ra kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng khi hướng dẫn bệnh nhân sáng tác văn học bày tỏ cảm xúc (expressive writing) chỉ trong 15 phút trong vòng 4 ngày cho thấy hiệu quả tốt cho sức khỏe đo lường tương đương như tới khám trong phòng mạch bác sĩ và giảm được các than phiền triệu chứng từ bệnh nhân. Nghiên cứu này của ông sử dụng cách viết văn bày tỏ cảm xúc để chữa các vết thương từ các sự kiện căng thẳng gây chấn thương.  Nghiên cứu này của Pennebaker được ông tường trình trong sách “Writing to Heal: A Guided Journal for Recovering from Trauma and Emotional Upheaval” (Viết để Chữa Lành. Xuất bản lần đầu 2004).
Nghiên cứu trên cho thấy sáng tác văn học (thể loại bày tỏ cảm xúc) làm tăng lực cho hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bệnh nhân, các tác dụng tốt với cả bệnh nhân bị suyễn, ung thư và đau khớp, giảm mức độ căng thẳng bắp thịt, giảm huyết áp và giảm mức độ tốc độ nhịp tim đập, tác phong bệnh nhân thay đổi dài hạn, ảnh hưởng thái độ bệnh nhân giúp tăng hiệu quả làm việc trong sở và trong trường học.
Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự cũng đã thực hiện. Tác phẩm “The Writing Cure: How Expressive Writing Promotes Health and Emotional Well-Being” (Chữa Lành Bằng Viết, ấn hành lần đầu năm 2002) của hai nhà nghiên cứu Stephen J Lepore và Joshua M Smyth cũng cho thấy kết quả tương tự, sáng tác văn/thơ thể loại bày tỏ cảm xúc giúp cho cả bệnh nhân ung thư, giúp cả bệnh nhân trẻ em, giảm cao máu, vân vân.
Trong khi đó xưa cổ nhất trong phương pháp thi ca trị liệu là Đức Phật, người đã sáng tác hàng trăm ngàn bài thơ trong suốt một đời hoằng pháp. Trong khi Kinh Tập (sách thứ 5 trong Tiểu Bộ Kinh) trọn vẹn là thơ, toàn bộ 71 bài kinh là 71 bài thơ, trong đó hai phẩm cuối trong năm phẩm là các bài thơ do Đức Phật ứng khẩu trong khi trả lời 32 vị học giả Bà La Môn. Nghĩa là, bên cạnh việc trình bày giáo pháp, có thể (chúng ta suy đoán, có thể không chính xác) rằng ứng khẩu làm thơ nơi đây còn là một cuộc trình bày kỹ năng ngôn ngữ để người nghe nhập tâm sâu hơn, và rồi hai phẩm này trở thành kinh nhật tụng sơ thời cho tứ chúng trong những năm đầu hoằng pháp của Đức Phật.
Tương tự, Kinh Pháp Cú là do chư tăng kết tập các lời ứng khẩu thơ của Đức Phật trong nhiều sự kiện, và thơ trở thành kinh và sự kiện trở thành tích truyện. Do vậy, Kinh Pháp Cú có nhiều phiên bản khi chư tăng đi ra nhiều hướng để hoằng pháp, có bản Pali, bản Hán tạng (dịch theo tiếng Sanskrit), bản tiếng Tạng ngữ (cũng dịch từ Sanskrit), bản Gandhara… Như thế, thơ là một phần xương gân máu tủy trong Kinh Phật. Thậm chí, ngay cả văn xuôi cũng mang nhiều chất thơ, như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Hoa Nghiêm… Và như thế, khởi đầu phương pháp thơ trị liệu là hệ thống Kinh Phật đồ sộ.
Không chỉ Đức Phật, các trưởng lão tăng và trưởng lão ni cũng để lại khối gia tài thơ đồ sộ. Nghĩa là, sinh thời của Đức Phật, giới trí thức được thu hút quy y và tu học rất là đông, và các vị trí thức từng một thời tinh thông các bộ Vệ Đà đã trở thành các cột trụ đứng bên cạnh Đức Phật để tu học và hoằng pháp.
Như vậy, chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam. Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ… 



Uyên Nguyên: “Văn Hóa Thuần Túy”

17265218_750448571776617_372981547634108512_n
Thầy Tuệ Sỹ (ảnh: Facebook)


Một ngày, bỗng, sợ chữ nghĩa!
Khi chữ nghĩa trở thành một thứ của cải riêng, cho một triều đại, hay một đế vương.
Và một ngày bỗng nhiên ngẫm ra, rằng, chữ sắt như dao, kẻ chơi dao có ngày đứt tay là nhẹ, nặng thì vong mạng!
Một ngày, nghe người ta kháo nhau con chữ này, câu văn kia hiển nhiên trở thành một thứ nô lệ của những ông chủ đầy quyền thế, mà lúc nói ra, khi viết thành là tức khắc được đặt tên, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào chỉ là những tên gọi phù phiếm. Nói khác đi, trong trường hợp này, con chữ là những tử tội!
Một ngày, thoắt thất kinh tự hỏi: nguồn gốc của chữ sinh ra từ đâu, từ vương triều cao nghều nghệu, hay từ thấp bé cổ miệng dân dã!?Không có câu trả lời, bao lâu khi nó vẫn luôn là một thứ vũ khí của những kẻ đầu cơ chữ nghĩa, cốt cho những thủ thuật chính trị sáo rỗng.
Lấy lời Phạm Quỳnh, nêu chuyện xưa mà ngẫm nhân tình thế thái bây giờ: “Ngày nay những người phản đối chữ Nho thường lấy hai cớ sau này:
Một cớ là chữ Nho là chữ của người Tàu, người Tàu trong bao lâu đã áp-chế dân mình, hiện nay vẫn còn tranh hết lợi-quyền của người mình về đường buôn bán. Người Việt-Nam cớ chi lại học chữ Tàu, dùng chữ Tàu, để chịu lấy cái áp-chế vô-hình của người Tàu nữa? – Người nào nói như vậy là lẫn việc văn-tự với việc chính-trị, việc kinh-tế. Người Tàu xưa kia về đường chính-trị đã áp-chế ta nhiều, ta nên ghét là phải, nhưng sự ghét đó là thuộc về lịch sử…”
“… Còn như chữ Nho là văn-tự của Tàu thì hiện không có quan hệ gì đến chính-trị kinh-tế cả. Trên kia đã nói chữ Nho là một thứ “tử-văn” chung cho cả nước Á-đông đã chịu văn-hóa của Nho học. Ta học chữ Nho không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Tàu, tức cũng như người Âu-châu học chữ Latin không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Ý-đại-lợi ngày nay. Ta học chữ Nho mà thử mở quốc-sử coi, biết bao nhiêu phen ta đánh Tàu siểng-liểng, đuổi người Tàu ra ngoài bờ-cõi nước nhà? Xét về vấn-đề này phải phân-biệt rõ-ràng không nên lẫn việc nọ với việc kia, mà làm cho rối trí…” (trích tr.113-114, Thượng Chi Văn Tập. Bộ Quốc Gia Giáo Dục tái bản lần thứ I 1962)
Lại liên tưởng qua một câu chuyện khác, là lần về thăm Thầy, trút hết câu chuyện mình cho là cả kinh “mất đất, mất biển” để phàn nàn Ông sao chẳng hề lên tiếng, Ông rót trà bình thản, mà ánh mắt trừng sáng: “tin vào lịch sử, bao phen mất đất mất biển mình có thể lấy lại được, còn như mất văn hóa là mất hết tất cả con à!”

Câu nói này, ai dám bảo người làm văn hóa đích thực không hàm chứa ý thức chính trị, nhưng ngược lại người làm chính trị, thiếu ý thức văn hóa, ắt tai họa đã sẵn.
Người ta nói với tôi, chê Ông chỉ là người làm “văn hóa thuần túy!”
Mà làm văn hóa thuần túy bây giờ, như Ông, chắc gì đã dễ!
Mặc cốc 3/2010
Uyên Nguyên

Friday, May 8, 2020

Thích Nguyên Siêu (2006): Chứng Nhân của Chặng Đường Lịch Sử Hiện Đại

Sau biến cố 1975, Viện Cao đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang phải đóng cửa. Ban Giáo sư tự động giải tán. Anh em học Tăng, một số trở về chùa Thầy Tổ; một số hoàn tục kiếm kế sinh nhai. Một số không chấp nhận chính sách đảng trị của cộng sản Việt Nam nên bất chấp hiểm nguy để rồi bị tù đày và ra đi vĩnh viễn. Một số còn lại tại Viện thì đi lao động sản xuất trong các hợp tác xã cho qua ngày tháng. Đây là một thực trạng mà ai trong chúng ta đã sống trong những tháng năm của thời gian đó đều thấu rõ.
Để hòa mình vào cộng đồng xã hội của một đất nước trong bối cảnh lịch sử đen tối, Thầy cũng không ngoại lệ, cũng phải lên rừng làm rãy, cuốc đất, đào mương để trồng khoai, tỉa bắp, chăm sóc ruộng vườn cho qua ngày tháng. Nhưng chí nguyện của kẻ sỹ, lý tưởng của người xuất gia không cho phép Thầy chôn chân, cày sâu cuốc bẫm nơi rừng sâu, núi thẳm để ẩn cư mà quên đi hạnh nguyện độ sinh, hay tiếp tay xây dựng để vực dậy một quê hương, dân tộc đang bị đọa đày lầm than cơ cực. Vì thế, cho dù ngô khoai đang tươi tốt, bí cà đang đơm bông, mạch sống của rẫy vườn đang đâm chồi nảy lộc, cũng không đủ sức mạnh giữ chân Thầy nơi chốn núi rừng thiên nhiên, u tịch đó. Thầy tiếp tục đi theo chí nguyện bình sinh, mộng kiêu hùng của phương trời viễn mộng. Để rồi từ đó, tự thân Thầy cũng nổi trôi theo vận nước suốt 30 năm qua.
Chặng đường lịch sử đó đã ghi tên tuổi Thầy đậm nét trên các hệ thống truyền thông báo chí, các diễn đàn chính trị quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Hội Ân Xá Quốc Tế… rằng, người tù mang bản án tử hình của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Bản tin ấy đã truyền đi khắp nơi, từ trong nước đến hải ngoại làm mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Có lý nào, một thiên tài của đất nước, một Tăng sĩ uyên thâm Phật pháp nơi chốn thiền môn lại lãnh một bản án tử hình như vậy? Người người như đồng cảm, nhất tâm đứng dậy, đồng loạt đấu tranh đòi tự do và lẽ sống cho Thầy. Ngay cả 10 ngàn dân vượt biên tị nạn của trại Palawan, Phi Luật Tân, cũng được vận động đứng lên trương biểu ngữ chống án lệnh tử hình của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tất cả các Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia, các Tự viện, các cơ quan bảo vệ nhân quyền, tự do, dân chủ trên khắp năm châu bốn bể đều lên tiếng can thiệp. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải lùi bước trước áp lực quốc tế, giảm bản án tử hình xuống 20 năm tù ở.
Ngày tháng âm thầm lặng lẽ trôi qua, Thầy như người ngồi đếm thời gian, chứng kiến bao hoang tàn đổ nát đang từng ngày diễn ra trên quê hương. Nỗi oan khiên, nghiệt ngã giáng xuống đầu người dân vô tội, từ những em bé thơ ngây trong trắng cho đến những cụ già gầy ốm hom hem. Là nạn nhân của chế độ khắc nghiệt, người dân thấp cổ bé miệng đành câm nín mỏi mòn trong tủi nhục.
Ngồi bên trong chắn song tù, nhưng Thầy không ngừng theo dõi mọi Phật sự của Giáo Hội và lo lắng cho tiền đồ đạo pháp ở bên ngoài. Thầy tự đặt mình trong trách nhiệm dấn thân phụng sự đạo pháp; cứu nguy Giáo Hội trong lúc nguy nan, phò trì dân tộc trong thời nhiễu nhương, khốn đốn.
Từ trại giam Xuân Phước, Thầy gởi Tâm thư đến Hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, nêu lên những nhận định và lập trường của Thầy trong hiện tình Giáo Hội đang bị vây khổn. Thầy đề nghị Đại Hội VIII tập trung thảo luận vào hai chủ đề chính:
  1. Pháp lý tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong truyền thống dân tộc và trong cộng đồng thế giới.
  2. Sứ mệnh hiện tại của Phật Giáo Việt Nam trước sự sinh tồn và tiến bộ của dân tộc và trong nền văn minh dân chủ của nhân loại.
Đây là hai chủ đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của đạo pháp trên quê hương và cộng đồng thế giới. Ưu tư lo lắng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thầy đã nêu lên 4 điểm để Chư Tăng Ni và các đại biểu Phật tử cùng gia tâm thảo luận hầu mang lại kết quả tốt đẹp cho Đại Hội:

THƯ CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH TUỆ SỸ VIẾT TỪ TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC

Kính gởi: Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
Kính bạch Hòa Thượng,
Dưới sự kiểm soát và can thiệp trực tiếp vào nội bộ Tăng Già, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang là công cụ đắc lực cho sách lược thống trị của những
người cộng sản Việt Nam. Sách lược đó đã từng được ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam vạch rõ. Phật Giáo Việt Nam là chỗ dựa cho những người Cộng Sản Việt Nam làm cách mạng. Và đó cũng là sách lược mà Lenin đã chỉ thị: Đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng.
Trước tình trạng vong thân đó, chúng con vô cùng hoan hỷ được biết Hòa Thượng thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện quyết định triệu tập Đại Hội VIII Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; kêu gọi toàn thể Tăng già và Phật tử hãy hiến dâng tâm tư và nguyện vọng của mình cho Đại Hội VIII, bằng cách tham luận, khảo cứu, hội thảo, tọa đàm… Đó là những Phật sự cần thiết; là thuận duyên để Phật tử Việt Nam bằng tiếng nói trung thực của chính mình xác định vị trí của Phật Giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và Nhân loại.
Chúng con mặc dù đang sống dưới sự giam cầm khắc nghiệt, nhưng bất chấp mọi nguy hiểm trực tiếp đe dọa tính mệnh, cố vượt qua mọi chướng ngại, kính trình lên Hòa Thượng và Chư tôn Trưởng lão Hội Đồng Lưỡng Viện một số đề nghị sau đây, gọi là dâng cả tâm nguyện chí thành cho Đại Hội.
Đề nghị Đại Hội VIII sẽ tập trung thảo luận trên hai chủ đề chính:
  1. Pháp lý tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong truyền thống dân tộc và trong cộng đồng thế giới.
  2. Sứ mệnh hiện tại của Phật Giáo Việt Nam trước sự sinh tồn và tiến bộ của dân tộc và trong nền văn minh dân chủ của nhân loại.
Để chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ kiện cho Đại Hội, xin đề nghị 4 điểm mà toàn thể Tăng già và Phật tử có thể tham gia thảo luận trong quá trình chuẩn bị Đại Hội:
  1. Việc nhà nước chuẩn y và phong tặng các phẩm hàm Hòa Thượng, Thượng Tọa cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là một xúc phạm đối với Giáo chế của Đức Phật được truyền thừa trong Luật tạng. Việc làm đó còn bộc lộ ý đồ rằng vị ngọt của Danh và Lợi biến một số Tỳ kheo và Tỳ kheo ni biến chất phải trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam hơn là lý tưởng phụng sự Chánh Pháp.
  2. Luật điển Ba La Đề Mộc Xoa cấm các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni tham gia các cơ cấu quyền lực; nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là đại biểu Quốc hội. Các vị ấy như thế đang tự mình làm môi giới nối dài cánh tay quyền lực lung lạc Giáo Hội, khoa trương chính sách mị dân và củng cố chế độ độc tài đảng trị.
  3. Nhà nước Cộng sản bằng cái gọi là Pháp chế Xã Hội Chủ Nghĩa đặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Như thế, chỉ công nhận Giáo Hội tồn tại như một hội đoàn thế tục ngang hàng với các hội đoàn khác dưới quyền lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Về mặt pháp lý, Phật Giáo Việt Nam đang bị đặt trở lại đạo dụ số 10 của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Phật tử Việt Nam đã hy sinh thân mình để đốt cháy đạo dụ ấy. Đó là nỗi đau của dân tộc và đạo pháp.
  4. Bằng lý tưởng Tịnh độ dân gian, bằng giáo lý Phật tính bình đẳng. Phật tử Việt Nam bằng tinh thần hy sinh vô úy, khẳng định minh bạch sứ mệnh của mình trong thời đại văn minh dân chủ; Giáo Hội phải nêu cao ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, lãnh đạo Phật tử tiến tới và xây dựng một xã hội an lạc, bình đẳng và nhân ái.
Cầu nguyện Đại Hội thành tựu viên mãn.
Kính chúc Hòa Thượng và Chư Tôn Trưởng Lão Hội Đồng Lưỡng Viện Pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.
Phật lịch 2537
Trại tù Xuân Phước ngày 15 tháng Giêng, 1994
Tuệ Sỹ
Kính bạch
Từ bản án tử hình còn 20 năm tù ở, Thầy đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng với anh em bạn tù của chế độ. Dù thân mình bị giam hãm trong sự tù túng, thiếu ăn, thiếu ngủ nhưng thâm tâm Thầy vẫn lao lung cùng đạo pháp và quê hương.
Hòn Ngọc Viễn Đông Việt Nam, đang lùi dần, tụt hậu, nghèo nàn, đất đai bị cắt bán. Miền Tây là vựa lúa trù phú nuôi sống cả Miền Nam nước Việt, nhưng nay đã không còn trù phú như xưa. Các tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại vì đói kém, rừng cây gỗ quý bị chặt đốn, xuất cảng bừa bãi, cho những lợi nhuận riêng tư. Vì không còn cây rừng ngăn chận nguồn nước thượng ngàn nên tạo thành những trận lụt hàng năm cuốn trôi nhà cửa, dân làng, thiệt hại biết bao nhiêu tài sản của người dân vốn đã nghèo khó lại thêm nghèo khó hơn.
Từ ngàn xưa, tiền nhân đã tốn bao công khó, bao xương máu để mở mang bờ cõi tiến dần về phương Nam, để bảo vệ giang sơn gấm vóc, cho đồng lúa thêm xanh tươi, cho quốc gia dân tộc được phú cường thịnh vượng. Quê hương Việt Nam đã nuôi lớn bao anh hùng liệt nữ, mong xây dựng một đất nước thái hòa ngõ hầu theo kịp đà văn minh phát triển cùng các quốc gia trên giới. Ai ai trong chúng ta cũng mong muốn bảo vệ quê hương đất nước của Cha Ông để lại. Thế nhưng, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã không màng đến công sức tiền nhân, mà cắt đất bán biển cho ngoại nhân.
Sống trong một quê hương với bao nỗi thăng trầm, điêu linh, Thầy cũng lênh đênh theo vận nước:
“Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo giòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.”
(Bình Minh – Tuệ Sỹ)
Từ thuở khai sơn phá thạch, từ thời mở nước hơn 4000 năm trước của dân tộc đến nay, tất cả hình ảnh ấy vẫn như còn hiển hiện trong tâm tư mỗi người con nước Việt. Sự kiện lịch sử hôm nay, luôn đánh thức chúng ta nhớ về tinh thần bất khuất quật cường, anh dũng của giống nòi. Tiếng nấc, uất nghẹn trào tuôn của ai đâu đó thầm tưởng về cái buổi ban sơ. Đó là tình tự được nối kết suốt theo dòng lịch sử mà chưa một thời nào bị lãng quên, lạt phai của tính mệnh và sử mệnh quê hương. Thầy luôn mang tự tình đó, luôn cất cao lời kêu gọi tất cả mọi người dân hãy nhớ đến quê hương, bảo vệ quê hương và cùng sống chết cho quê hương, mà không quay lưng trốn tránh, chối từ nhiệm vụ:
“Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ Đường lịch sử
Bốn ngàn năm dợn sóng
Để người đi không hẹn bến bờ.”
(Tĩnh Thất 24 – Tuệ Sỹ)
Cho một quê hương, là nỗi thao thức miệt mài trong tâm tưởng, trong ký ức muôn đời của dân tộc, là giải trừ nỗi khốn cùng của quốc nạn để xây dựng lại thời vàng son của đất nước trong cảnh thanh bình thịnh trị, có được như vậy, quê hương không thể thiếu vắng các vị khai quốc công thần, các vị hứng chịu đầu tên mũi đạn, các vị quên thân mình để hy sinh cho đất nước, đại cuộc:
“Từ những ngày Thái Bình Dương dậy sóng
Quê hương mình khô quặn máu thù chung
Nàng không mơ những chiều phơi áo lục
Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng.”
(Cô Gái Trường Sơn – Tuệ Sỹ)
Ấy là cho một quê hương hôm nay.
Còn dân tộc thì sao? Có lẽ quá ư là thiếu thốn và hầu như mất tất cả. Mất đi một nền văn hóa dân tộc:
Phủ nhận giá trị đạo đức, lương tâm giữa người với người. Cấm đoán tình tự viếng thăm giữa Thầy với trò, tông môn, làng nước, qua những ngày lễ lộc của dân tộc. Phá hủy và triệt tiêu hầu hết tất cả các chứng tích lịch sử: Đền đài, miếu mạo, đình làng, chùa viện để biến thành các công trình có tính cách thời thượng xã hội hiện nay. Thay tên các đường phố mang danh các vị anh hùng liệt nữ của một thời chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Từ những chủ trương thâm độc của người cộng sản, cố tình tẩy não người dân để không còn nhớ tưởng về quá khứ, không còn lưu lại một hình ảnh kiêu hùng mang nét đặc thù của giống nòi Đại Việt.
Người cộng sản Việt Nam chủ trương chế độ quản lý hộ khẩu, kinh tế buộc bụng. Đảng san bằng đẳng cấp người dân để chỉ còn: giai cấp lãnh đạo và quần chúng. Giai cấp lãnh đạo đảng viên thì giàu có, quan liêu, thụ hưởng vật chất dư thừa, trong khi đại đa số người dân thì buôn gánh bán bưng, nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bán máu nuôi gia đình, để từ đó sanh ra mọi tệ nạn xã hội: Buôn người ra ngoại quốc, xuất cảng lao động, đủ các loại bệnh tật giết hại đời sống con người. Văn hóa suy đồi, vong thân…
Giáo dục học đường suy kém, thiếu thực tiễn, dân trí thấp kém không theo kịp đà văn minh tiến bộ của thế giới mà được gọi là nền giáo dục tẩy não, nhồi sọ với khẩu hiệu: “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” để đi theo con người của xã hội chủ nghĩa. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đa phần không có việc làm, nếu không phải là con cháu đảng viên, không có chỗ ứng dụng và từ đó vùi mình trong nếp sống thị thành, với bóng đêm, với những xa hoa phù phiếm bên ngoài.
Nền giáo dục bao cấp, ưu tiên cho con cháu cán bộ cắp sách đến trường, trong khi con dân thì lang thang đầu đường xó chợ, nhặt lon, ve chai, bao nhựa… sống đời lam lũ; nhưng nào ai có màng đến đời sống của người dân cùng khổ đó. Vừa không được cắp sách đến trường, vừa không có công ăn việc làm, vừa bị đẩy lùi ra khỏi thành phố, lang thang bên lề xã hội không chút tình thân. Mọi việc đều do nhà nước cai quản, người dân chỉ còn biết nuốt tủi nhục vào lòng.
Cuộc sống đầy những khó khăn thiếu thốn, có làm nhưng không được hưởng theo công sức, chỉ những người may mắn có gia đình ở hải ngoại thì đời sống tương đối không đến nỗi thiếu trước hụt sau. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài gửi về giúp thân nhân đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam cũng như giúp cho các cấp lãnh đạo của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có đời sống vật chất hoang phí, mặc cho dân khốn khó.
30 năm đã qua, đất nước Việt Nam vẫn yếu kém, tụt hậu, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp… ngay cả nghành nông nghiệp cũng không được phát triển đúng mức mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp, vì thế đại đa số quần chúng vẫn đói nghèo.
30 năm sống trên quê hương cùng chia sẻ những nỗi khó khăn với dân tộc, Thầy đã chứng kiến những khuôn mặt tái xanh vì thiếu ăn suy dinh dưỡng của những em bé lang thang đầu đường xó chợ. Những khuôn mặt măng sữa ngơ ngác khi bị bán ra ngoại quốc, bán thân để nuôi sống gia đình. Đó chính là một trong những thảm trạng của xã hội trên chặng đường lịch sử quê hương hôm nay.

Wednesday, May 6, 2020

CHUYỆN MÙA PHẬT ĐẢN (𝟐𝟓𝟔𝟒)

CHUYỆN MÙA PHẬT ĐẢN (𝟐𝟓𝟔𝟒)
Tuấn Khanh

Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nghèo nhìn thấy Đức Phật đi khất thực trên đường, đã phát tâm, lấy bộ quần áo tốt duy nhất của họ để dâng tặng. Đó là một bộ quần áo cũ, rách và nhìn không đáng mặc. Bởi vậy các đệ tử đi theo ngần ngại không muốn Đức Phật nhận.
Người đệ tử Ananda nói nhỏ với Đức Phật, khuyên ngài đừng dùng bộ quần áo này. Nhưng Đức Phật nói rằng hãy kính nhận, đừng từ chối, và còn nói đó là một thứ rất quý giá.

Sau đó, nhóm khất thực dừng chân ở bờ sông. Mục Kiền Liên và Ananda mang bộ quần áo ra sông giặt. Lạ thay, bằng mọi sức lực, bộ quần áo đó vẫn nổi lên, không thể nhấn chìm được xuống nước. Không giải thích được chuyện này, hai đệ tử quay về kể với Đức Phật.
Nghe chuyện, ngài cười và nói hai đệ tử hãy dùng mấy hạt cơm thả xuống, bộ quần áo sẽ không nổi lên. Lòng nghi hoặc nhưng vâng lời, hai đệ tử làm đúng theo lời thì thấy quả nhiên, bộ quần áo chìm xuống như lẽ thường.
Câu chuyện đó, Đức Phật để lại nhiều ý nghĩa. Trong luận giải của đời sau, nói rằng bộ quần áo là tâm nguyện, là công đức chân thành, nên không thể dùng bất kỳ quyền lực hay tà tâm nào đè nén, dìm được. Dùng hạt cơm, cũng là một công đức chân thành của người lao khổ tạo ra mới có thể hóa giải được.
Hạt cơm nhỏ bé đó, bộ quần áo đó, cũng là tượng trưng của gánh nặng mà người đời phải mang khi được cho, nhận: không có điều gì nhận được, mà không thể quên trách nhiệm với nó.
Trong thế giới đang tràn ngập sự giả danh, đổi chác để nhận được lợi danh, thậm chí có thể chà đạp cả những sinh linh khác cho ác vọng của mình, câu chuyện chiếc áo nhắc đến vô số nghịch cảnh hôm nay: Những thầy tu luồn cuối trước thế quyền, tà quyền để nhận phần phú quý, những quan tòa bôi mặt xử oan người, chỉ để bước cao thêm một bước danh lợi, hay những kẻ luôn lừa dối, để thống trị con người bất chấp đạo lý luân thường… Chiếm giật lấy, thấy ở mọi nơi, nhưng gánh nặng của phần chiếm lấy, ít ai nhìn thấy.
Phật quan nhất lạp mễ, đại như tu di sơn; nhược nhân bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn. (diễn nghĩa: Đức Phật xem một hạt cơm nặng như núi Tu Di, kẻ không hiểu đạo lý này thì sẽ phải sống kiếp mang lông đội sừng để hoàn trả). Thuở xưa, từng có câu hát như vậy.
Mùa Phật Đản tháng 4, Phật Lịch 𝟐𝟓𝟔𝟒 năm nay, diễn ra trong một không khí đau thương của nhân loại về dịch bệnh, về dự báo chiến tranh đang đến, về sự thù ghét và cuồng mê vô cớ của con người đang diễn ra trên thế gian, sự giành giật phần hơn cho mình… như nhắc lại một phần Chúc Nguyện Thư của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, về nhân tâm rệu rã, về sự sụp đổ của những điều tốt đẹp nhất, đang đến, nếu con người cứ mãi mê cuồng. Đây là lúc để “nêu cao ngọn đèn Chánh pháp trong một thế giới tối tăm nguy hiểm vì những tham sân điên đảo”.
-----------------
Toàn văn Nguyện Chúc Thư (nhân mùa Phật Đản tháng Tư Âm Lịch, Phật Lịch 2564), có thể đọc ở đây https://bit.ly/3bhMqAU
Hoặc nghe ở đây https://tinyurl.com/ydg5fnyn

Pháp Học Và Pháp Hành Trì Danh Niệm Phật Trí Quang Thượng Nhân dạy


Pháp Học Và Pháp Hành Trì Danh Niệm Phật

Trí Quang Thượng Nhân dạy


Hậu học: Tỷ khưu Thích Thái Hòa cung kính ghi.

Chiều nay ngày 19 tháng 7 năm Mậu tuất (2018), tôi đến Phương trượng Tổ đình Từ Đàm, đảnh lễ Trí Quang Thượng Nhân, sau khi xuất hạ, Thượng Nhân đã dạy cho tôi những điều hữu ích gồm:

Pháp học: Pháp giới tạng thân A-di-đà-Phật là chỉ cho Thân thể của Phật A-di-đà bao trùm khắp cả không gian và thời gian về mặt không gian là cả mười phương. Về mặt thời gian là bao trùm cả ba đời.

Pháp hành: Niệm Phật đưa đến nhất tâm gồm có hai loại: Niệm lớn tiếng và niệm không có tiếng. Niệm lớn tiếng là niệm rõ ràng từng chữ: Nam Mô A Di Đà Phật. Miệng niệm chậm rãi và to, tai lắng nghe rõ ràng từng tiếng không lầm lẫn, nhờ vậy mà đưa tới nhất tâm. Niệm thầm hay niệm không ra tiếng, nghĩa là niệm: Nam Mô A Di Đà Phật niệm thầm ở trong miệng, nhưng ý thức rất rõ ràng từng chữ Nam Mô A Di Đà Phật, nhờ vậy mà đưa đến nhất tâm. Niệm Phật như vậy, thì Phật A-di-đà luôn luôn ở trên đỉnh đầu. Niệm Phật như vậy, có thể vãng sanh về thế giới Tịnh độ của Ngài hay có thể nhập vào pháp giới tạng thân của Ngài tùy sức hạnh nguyện.


Quan trọng của sáu chữ Nam Mô A-di-đà Phật: Thượng Nhân dạy: Sáu chữ Nam Mô A-di-đà Phật rất quan trọng. Con số sáu một trong những pháp số rất quan trọng trong Phật pháp. Sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật liên hệ đến Lục diệu pháp môn. Nghĩa là liên hệ đến sáu pháp quán chiếu hơi thở rất mầu nhiệm.

Bản thân hành trì: mỗi đêm Thượng Nhân niệm danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật đến 1800 biến, nghĩa là ba lần sáu. Mỗi lần là sáu trăm. Ba lần sáu = một ngàn tám trăm biến miệng niệm Nam mô A-di-đà Phật và tai lắng nghe một cách rõ ràng không có niệm gì khác khởi lên xen tạp.

Tư thế hành trì: Ngồi kiết già, bán già, hay ngồi trên ghế thõng chân xuống mà niệm, tùy theo điều kiện của thân thể. Tuyệt đối không được nằm ngửa mà niệm Phật. Nếu bệnh có thể nằm ngửa, nhưng không duỗi chân mà co dựng hai chân lên. Khi đi vào Toilet, thì nhớ Phật để trên đầu.

Truyền thống gia đình: Thượng Nhân dạy gia đình tôi đã bảy đời tu tập trì danh Niệm Phật với danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật, nay Thượng nhân cũng vậy, làm gì cũng nhớ Phật. Niệm Phật chính là nhớ Phật.

Thượng Nhân dạy: Người tu tập cố gắng sống tinh tấn, tránh bệnh hoạn được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu và phải thường quán chiếu cái khổ của bị sanh để tu tập đạt đến cái tâm phiền não vô sanh; phải quán chiếu cái khổ của lão để đạt đến cái tâm bất lão; phải quán chiếu cái khổ của bệnh, để đạt tới cái tâm sáng suốt vô bệnh; phải quán chiếu cái chết để đạt tới cái tâm bất tử. Người tu không có việc gì quan trọng ngoài “Sống và Chết”. Sống chết là việc lớn.