Saturday, July 8, 2023

Đào Tạo Huấn Luyện Viên | Phú Lâu Na | Đề tài 13: Những Ðiều Cơ Bản Xây Dựng Tổ Chức GÐPT Việt Nam

img_0435

(Tài liệu nghiên cứu tu học đào tạo Huấn luyện viên Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
Khối Nghiên Cứu Huấn Luyện GÐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ sưu lục)

DẪN NHẬP:

Cách đây hơn 80 năm, Phật giáo Việt nam đang chìm đắm trong không khí mơ hồ lẩn lộn giữa chánh tín và mê tín, việc thờ cúng hành đạo bị pha tạp, quần chúng tín đồ không am tường giáo lý. Ðứng trước nguy cơ đó cùng với công cuộc vận động phục hưng Phật giáo do Ngài Thái Hư Ðại Sư đề xướng tại Trung Hoa. Các bậc tăng sĩ, cư sĩ nhiệt tâm với tiền đồ đạo pháp đã tìm mọi cách khôi phục lại tín ngưỡng của dân tộc, để duy trì truyền bá chánh pháp, gìn giữ đạo lý luân thường, phong tục tập quán, văn minh cổ truyền của đất nước đã chịu ảnh hưởng Phật giáo bao đời nay.

Một số cao Tăng tại miền Trung và bác Lê Ðình Thám khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo tạo một sức sống mới cho Phật giáo Việt nam theo tinh thầnh chánh tín.

Kết quả của nửa thế kỷ hoạt động chông gai trước muôn ngàn áp lực trong sự khủng bố chèn ép nặng nề, các cơ sở Phật giáo đã lan tràn đến hạ tầng thôn xóm, giáo lý nhà Phật không còn phổ biến quanh quẩn trong các tu việc mà đã quảng bá sâu rộng vào tầng lớp dân chúng, phạm vi giáo dục Phật giáo không còn đóng khung ở bậc lão thành mà đi sâu vào tầng lớp thanh thiếu niên.

Năm 1938, trong kỳ họp Ðại hội đồng của Tổng Trị Sự Hội An Nam Phật Học, Bác Tâm Minh Lê Ðình Thám đã dỏng dạc tuyên bố: “Không có thành tựu nào miên trường mà không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu niên, họ là những người tiếp nối sự nghiệp của chúng ta trong mai hậu”. Lời tuyên bố hùng hồn ấy còn vang vọng cho tới ngày nay.

Năm 1940 do sáng kiến của Bác Tâm Minh Lê Ðình Thám, đoàn Phật học Ðức dục ra đời với mục đích đào tạo những Thanh niên ưu tú để nghiên cứu và thực hành giáo lý nhà Phật. Dần dần những tổ chức sau đây lần lượt ra đời: Thanh niên Phật tử – Hướng đạo Phật tử – Ðồng ấu Phật tử – Gia đình Phật Hóa phổ được thành lập khắp ba miền Nam – Trung – Bắc.

Tiếp nối tâm nguyện của bác Tâm Minh – Vị sáng lập Gia đình Phật tử Việt nam – “Chánh pháp cần phải truyền, chúng sanh cần phải độ”, hàng hàng lớp lớp Huynh trưởng đã phát nguyện nhận lãnh trách nhiệm truyền trao chánh pháp cho các thế hệ trẻ mà dấn thân.

Với đoạn đường lịch sử hơn nửa thế kỷ dù trải qua bao nhiêu biến chuyển của thời cuộc, qua bao nhiêu sóng gió dập dồn của đạo pháp trước những thế lực vô minh, Gia đình Phật tử vẫn giữ được tinh thần duy nhất, vẫn giữ được sự tinh khiết của màu cờ sắc áo.

Phong trào Gia đình Phật tử phát triển nhanh chóng từ thành thị đến thôn quê, từ núi rừng đến duyên hải (và nay đã lan rộng khắp bốn bể năm châu), trở thành một tổ chức giáo dục Thanh thiếu niên có quy mô, có lý tưởng, có phương pháp riêng biệt.

1. Bản chất của Gia đình Phật tử:

Về tổng thể của tổ chức, dựa vào lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa để tìm những hình ảnh, những thí dụ biểu lộ được Tánh, Tướng, Dụng của Gia đình Phật tử.

Tánh là tự tánh thanh tịnh, là tính chất bất biến, là Phật tánh, là chân tâm, là Phật tri kiến, là pháp môn bất nhị… tùy theo mỗi bộ kinh mà mang những từ ngữ khác nhau, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm mà ai cũng có.

Gia đình Phật tử là cái Dụng xuất ly từ tự tánh thanh tịnh – Dụng của Gia đình Phật tử là đưa các em trở về với tự tánh thanh tịnh ấy.

Tùy nơi cái Dụng mà ta có cái tướng là hình thức bên ngoài ta có thể thấy được, chiếm một vị trí trong không gian. Chiếc áo Lam chính là cái Tướng của Gia đình Phật tử, đó là giới tướng. Khi khoác chiếc áo lam người đoàn viên Gia đình Phật tử phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ. Như vậy chiếc áo lam biến thành giới, thành kỷ luật để phòng việc phi pháp, đình chỉ những việc ác trái với đạo đức.

Thấy như thế để có quan niệm chính xác về sự có mặt của Gia đình Phật tử Việt nam, chúng ta phải tâm niệm rằng: Tướng – và Dụng phải ly xuất từ tự tánh Thanh tịnh. Nói cách khác: tùy duyên là ở nơi cái bất biến trường tồn mới đúng pháp.

2. Về tinh thần Gia đình Phật tử:

Thể hiện tinh thần “”tứ chúng đồng tu” Gia đình Phật tử là một trong hai Chúng tại gia tôn kính hai Chúng xuất gia. Ðoàn viên Gia đình Phật tử trở về nuơng tựa Tam bảo là 3 điều quý báu bậc nhất.

Gia đình Phật tử dung nhiếp mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội: Từ một em bé 7 tuổi, đến ông già 70, 80 tuổi, từ anh thanh niên trí thức, em học sinh sinh viên đứng cạnh người công nhân, người nông dân chân lấm tay bùn.

Ðiều đặc biệt là mọi thành phần, mọi giai cấp dưới lá cờ Sen trắng và khi đã khoác vào mình chiếc áo lam rồi thì trọn vẹn sống trong tinh thần bình đẳng của chư Phật: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ”.

3. Về tổ chức:

Gia đình Phật tử là một chi phần của 2 Chúng tại gia Ưu Bà Tắc, Ưu Bà di.

Xin trích dẫn lời phát biểu của chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc đại diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương trong lễ Hiệp Kỵ GÐPT Gia Ðịnh năm 1980 để khẳng định vị trí của GÐPT Việt Nam: ” … Dân tộc còn thì đạo pháp còn, đạo pháp còn thì Gia đình Phật tử còn, vì Gia đình Phật tử là một tổ chức sinh ra trong lòng đạo pháp và dân tộc, lớn lên do sự nuôi dưỡng của đạo pháp và dân tộc, với mục đích là phụng sự cho đạo pháp, cho dân tộc, không vì địa vị vật chất trong xã hội, lại không phải là sản phẩm của ngoại lai du nhập. Ðoàn sinh và Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt nam được đào tạo trong nhiều thế hệ, phát nguyện trước Tam Bảo vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, hoằng dương chánh pháp mà dấn thân, vì lý tưởng cao cả mà hy sinh. Do vậy chúng sanh còn, đạo Phật còn, Phật giáo Việt nam còn thì Gia đình Phật tử Việt nam còn tồn tại hợp pháp…”

Gia đình Phật tử có một hệ thống tổ chức ngành dọc từ Trung Ương đến địa phương Tỉnh, Thành phố, Quận, Huyện. Ðơn vị hạ tầng là Gia đình Phật tử. Ðây là một gia đình tin Phật kiểu mẫu vì mọi thành viên đều đã quy y. Cơ quan lãnh đạo tối cao của Gia đình Phật tử Việt nam là Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Cơ quan này đặt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, sinh hoạt hợp pháp trong cơ chế pháp nhân của Giáo hội Phật giáo.

4. Huy hiệu – Cấp hiệu:

Huy hiệu Hoa Sen: Là biểu tượng cuả tuổi trẻ vươn lên Tuệ giác Phật Ðà.

Trong kinh Pháp Hoa, hoa sen được dùng làm ảnh dụ để chỉ tính chất đặc biệt cao quý của Tuệ giác Phật đà. Với 3 đặc tính: Sống trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn – biến bùn thành bông hoa thơm đẹp – hoa và gương sen có cùng một lúc. 3 tính chất này dụ cho 3 tính chất của Tuệ giác Phật Ðà: Vô nhiễm (vì ở giữa đời ô trược mà không bị vấy bẩn bởi phiền não cuộc đời) – Siêu việt (vì có năng lực biến phiền não thành an vui, ta bà thành tịnh độ) – Bình đẳng (vì chúng sanh và Phật đều có Phật tính như nhau). Tuệ giác Phật Ðà là tuệ giác siêu việt có khả năng chuyển hóa tâm xấu xa của chúng sanh thành tâm trong sáng của chư Phật, có khả năng biến đổi cảnh giới nhơ nhớp đầy đau khổ của chúng sanh thành cảnh giới an vui đẹp đẽ của chư Phật. Ví như bông sen đã biến bùn dơ thành đóa hoa tinh khiết, làm chốn ao lầy hiện thành một cảnh trí hương sắc. Lý tưởng tối thượng của người Phật tử là thể nhập tuệ giác. Nơi trái tim mỗi đoàn viên Gia đình Phật tử có một đóa sen trắng. Trái tim tượng trưng cho sự sống, cho nên huy hiệu hoa sen nằm trên quả tim là sức sống của mình. Trái tim là bầu nhiệt huyết, phải có lòng nhiệt huyết thúc đẩy chúng ta tiến tới con đường giải thoát giác ngộ.

Hãy luôn nhớ mình là đóa sen trắng để khi phải bươn chải giữa chợ đời ngũ dục, người Phật tử không đánh mất niềm tin sắt son của mình nơi chánh pháp. Có như vậy đóa sen lòng kia mới vươn lên tỏa ngát hương thơm trên mặt nước.

Cấp hiệu: Lá và hột Bồ Ðề ý nghĩa gieo rắc giống Bồ đề, giống giác ngộ. Lá Bồ đề có hạt là nhân duyên thù thắng với Phật pháp, không quên cội nguồn và bản lai diện mục của chính mình.

Châm ngôn: Châm ngôn Gia đình Phật tử là Bi – Trí – Dũng. Ðến với Gia đình Phật tử là bước lên con đường giải thoát, thì trước tiên phải có lòng thương chân chính (Bi), phải hiểu biết lẻ phải (Trí) và phải uốn mình theo lẻ phải ấy (Dũng). Nếu không có từ bi thì dễ sa vào đường ác, không có trí tuệ thì không thể giác ngộ, mọi hoạt động trở thành manh động, phản chân lý, không có dũng lực thì dễ thành hèn nhát, thiếu nghị lực và không đủ sức mạnh tinh thần để đưa đạo vào đời.

Khẩu hiệu: Là hiệu lệnh tung hô để biểu dương ý chí. Khẩu hiệu Gia đình Phật tử là Tinh Tấn. Tấn là tiến tới. Người Phật tử luôn luôn hướng đời mình đến chỗ tinh thuần. Tinh tấn là tiến tới sự cao đẹp.

Tinh tấn theo kinh Duy Ma Cật đây là hạnh Tinh tấn của Bồ Tát. Người Huynh trưởng mọi cấp cần phải tinh chuyên học hỏi giáo lý và phát tâm lập nguyện hành trì.

Nội quy: Là một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên suốt nửa thế kỷ qua, Gia đình Phật tử đã đáp ứng nhu cầu lý tưởng và hành động cho một số đông đảo đoàn viên đang sinh hoạt từ thành thị đến nông thôn. Ðược như thế là nhờ ở một đường lối chính đáng, một hệ thống tổ chức có cương lĩnh, một cơ quan lãnh đạo sáng suốt. Từng ấy nguyên lý hành động được đúc kết vào bản Nội Quy, đây là một công trình cân não và xương máu của toàn thể Ðoàn viên Gia đình Phật tử Việt nam.

Vận mệnh và uy tín của một đoàn thể quan yếu ở tổ chức và hành động. Nội quy đề ra một quy mô tổ chức nhất quán từ Trung Ương cho đến đơn vị gia đình, dựa trên những nguyên tắc dân chủ và tiến bộ, Nội quy quy định những nguyên tắc phân quyền rất khúc chiếc và bình đẳng. Những nguyên tắc ấy bảo đảm cho đường lối chỉ đạo chặt chẽ phân minh và thắt chặt tình tương thân của toàn thể đoàn viên. Huynh trưởng xem Nội quy như kim chỉ nam và bảo vệ Nội quy như bảo vệ chính thân mạng mình.

Quy chế Huynh trưởng: Trong một đoàn thể cán bộ điều khiển đóng một vai trò chủ yếu, ảnh hưởng đến sự thịnh suy của tổ chức. Ðể duy trì và phát huy tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam, người Huynh trưởng cần phải được huấn luyện, phải ép mình sống trong kỷ cương. Do đó quy chế Huynh trưởng được thiết lập để thăng tiến tổ chức, để san định bổn phận, trách nhiệm và quyền hạn Huynh trưởng, để thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động và để liên kết Huynh trưởng lại thành một khối. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, dù gặp bao nhiêu gian khổ, dù bị áp lực nặng nề, Huynh trưởng Gia đình Phật tử đã cương quyết giữ vững lập trường, tôn chỉ và mục đích.

Giữ vững được tinh thần đó là công phu huân tập tập tiềm tàng của nhiều năm tháng trong mọi lãnh vực sinh hoạt từ đoàn sinh đến Huynh trưởng mà Nội quy và quy chế Huynh trưởng là thành tích của sự tiến triển ấy.

Với niềm tin tuyệt đối vào tổ chức, với lòng trung kiên được un đúc suốt 50 năm qua, chúng ta nguyện phát huy tinh thần Gia đình Phật tử, gìn giữ bảo vệ Nội quy và Quy chế Huynh trưởng trong giai đoạn lịch sử mới của dân tộc.

Quan hệ: Trong Gia đình Phật tử quan hệ đồng hàng. Tất cả đều là Anh Chị Em nên dù bao nhiêu tuổi cũng chỉ gọi là Anh, Chị – Cơ sở giáo dục là hướng dẫn thúc đẩy nhau thăng tiến đồng bộ. Quan hệ này khác với quan hệ thầy trò trong giáo dục thế tục lẫn thiền môn.

Một đơn vị phân ngành theo giới tính nam nữ – Phân Ðoàn theo hạng tuổi gồm có Oanh Vũ – Thiếu và Thanh.

Ngành Oanh tuổi từ 8 đến 12. Ðoàn gồm 4 đàn mỗi đàn có 6 em là lục thức và đứng đầu là ý thức (đầu đàn).

Ngành Thiếu tuổi từ 13 đến 17 và Thanh từ 18 trở lên. Ðoàn gồm có 4 Ðội (Chúng). Mỗi Ðội (Chúng) có 8 em chỉ cho bát thức.

Ðoàn nào cũng có 4 đàn hay 4 Ðội (Chúng) là đặt nền tảng trên cơ sở Tứ Chánh Cần mà ở đó đạo lý Nhân Quả – Luân Hồi – Duyên sanh là cơ sở tự độ và độ tha mà Ðoàn sinh và Huynh trưởng luôn luôn ghi nhớ.

Ðứng trên phương diện thế gian phải phân ngành để có các phương pháp giáo dục cho phù hợp với tuổi tác, khả năng và thể chất. Nhưng trên phương diện giác ngộ chân lý thì nam nữ, trẻ già đều bình đẳng trước đức Phật. Có thể dùng hình ảnh 3 loại hoa sen: Loại còn dưới mặt nước – loại đã ngoi lên khỏi mặt nước – loại đã vươn thẳng đứng trên mặt nước dụ cho 3 ngành theo 3 lứa tuổi nói lên khả năng tròn đầy của Phật tánh trong mọi người, mọi lứa tuổi, không phân biệt căn cơ, nhưng có khác chăng là sự phát triển tới đâu mà thôi.

Ðiều hành: Chân giá trị của một người lãnh đạo không phải ở chức vụ hay quyền hạn nào. Chính là ở ý hướng của cá nhân và thành quả của đoàn thể. “Tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách” là phương châm thực hiện tinh thần bình đẳng của Gia đình Phật tử. Phương châm này đặt trên nền tảng yết ma chỉ nam và lục hòa cộng trụ.

Học tập: Phương pháp học tập trong Gia đình Phật tử đều dựa trên tinh thần Văn – Tư – Tu. Văn là nghe, Tư là suy gẫm, tư duy, quán chiếu những điều đã được nghe, Tu là thực hành, áp dụng vào đời sống hàng ngày. Bất cứ bài giảng nào cũng có đầy đủ quá trình Văn – Tư – Tu hoặc ẩn hoặc thấy được rõ ràng.

Vấn đề tu học của Gia đình Phật Tử: Lúc khởi đầu rất đơn giản rồi từng năm tháng, qua từng Ðại hội tu chỉnh để trở thành chương trình tu học của ngày hôm nay. Ðó là kết tinh trí tuệ của tập thể áo lam suốt trên lộ trình 50 năm qua. Chương trình tu học đó được xây dựng trên căn bản là Ngũ Minh Pháp. Ðó là chương trình đức Phật dạy cho người thực hành Bồ Tát hạnh, là người đem tinh thần Bồ tát để cứu người, giúp đời.

Các bậc đàn anh những người đi trước đã từng bước xây dựng chương trình tu học trên căn bản lời Phật dạy: trở về với tự tánh thanh tịnh đi trên quảng đường quá dài nên Phật tạo ra những hóa thành để vào nghỉ mệt rồi đi đến hóa thành kế tiếp: Thanh văn, Duyên giác – Bồ tát… Ðều là hóa thành. Ðối với Gia đình Phật tử các bậc học: Hướng – Sơ – Trung – Chánh; Mở mắt – Cánh mềm – Chân cứng – Tung bay; Hòa – Trực, Huynh trưởng thì Kiên – Trì – Ðịnh – Lực cũng đều là những hóa thành để cuối cùng đến Bảo sở. Mục đích tối hậu là trở về với tự tánh thanh tịnh, thể nhập Tuệ giác Phật đà.

Phương pháp giáo dục: Chủ yếu trong Gia đình Phật tử là phương pháp huân tập: Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành huân chủng tử, chủng tử sinh ra chủng tử. Người Huynh trưởng làm sao khơi dậy những chủng tử nằm ẩn trong A Lại Da Thức của các em cho nó hiện hành ra. Nếu là chủng tử thiện thì tăng trưởng nó lên, nếu là chủng tử ác thì lấy chủng tử thiện thay thế. Công việc giáo dục của người Huynh trưởng là làm thế nào hướng dẫn cho chủng tử thiện phát triển ra hiện hành để triệt tiêu dần những chủng tử bất thiện ở trong các em đoàn sinh.

Tu trì: Ðặt trên cơ sở Giới – Ðịnh – Tuệ.

  • Giới: Giữ gìn sự hòa hợp và đoàn kết trong một tập thể, sức mạnh gắn bó lại thành một khối thống nhất thật sự không phải là quyền lực thế tục do danh lợi mà chính là Chánh giới, giúp Huynh trưởng sống chung với nhau, hỗ trợ, khuyến hóa nhau trên đường tu học.
  • Ðịnh: Do tác dụng phòng hộ giới, tâm dần dần được an tịnh, thân tâm trở nên nhẹ nhàng thoải mái, được an trú trong trạng thái an lạc, tự chủ, ý chí kiên cường không vì trở ngại chướng duyên mà thối chuyển.
  • Tuệ: Chánh niệm tĩnh giác có được từ Giới và Ðịnh là nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn Tuệ Giác để diệt trừ bóng tối vô minh.

Giới Ðịnh Tuệ là cơ sở hành trì và tu tập của người Huynh trưởng.

Huấn luyện và đào tạo: Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thế hệ trẻ theo một mục đích, một lý tưởng thì việc Huấn luyện Huynh trưởng là việc phải đặt lên hàng đầu.

Huynh trưởng Gia đình Phật tử giáo dục Ðoàn sinh bằng cả 3 phương diện: Thân – Khẩu – Ý giáo. Cá nhân và tư cách lãnh đạo phải là một, thấm biến vào đời sống. Huynh trưởng phải là một tấm gương sáng, phải “dĩ thân tác chúng” mỗi cử chỉ, mỗi hành động phải là những phương tiện giáo dục không lời. Trong đó Thân giáo là yếu tố chính có sức thuyết phục cao nhất đối với Ðoàn sinh của chúng ta.

Vấn đề huấn luyện là vấn đề quant rọng vào bậc nhất của sinh hoạt Huynh trưởng. Huấn luyện có nhiều mặt:
Tự huấn: bằng cách học hỏi sách vở, tài liệu và học hỏi các bậc đàn anh, với bạn bè….

Tự luyện: bằng chính kinh nghiệm hàng ngày của mình, bằng chính sáng kiến của mình.

Mục đích chính của một trại huấn luyện là:

  • Thống nhất phương pháp điều khiển
  • Thống nhất hình thức tổ chức và quản trị hành chánh
  • Gây ý thức trách nhiệm và tinh thần trung kiên với tổ chức
  • Kiểm soát khả năng Huynh trưởng.

Những điều này chỉ có ở các trại huấn luyện mà thôi. Ðời sống tập thể, tinh thần chịu đựng, sự tuân hành kỷ luật của trại cộng thêm sự giao cảm giữa trại sinh, những cảm xúc trong các lễ lược ở trại là những món ăn tinh thần vô cùng quý báu để gắn liền đời sống huynh trưởng với Gia đình Phật tử.

Mỗi trại huấn luyện có một lề lối tổ chức riêng, có một tinh thần riêng mà nếu Huynh trưởng không dự trại cấp dưới sẽ không thông suốt được toàn bộ hệ thống huấn luyện. Từ trại Lộc Uyển đến trại Vạn Hạnh có một sự liên tục, một đường dây xuyên suốt không thể đứt đoạn. Trại sinh phải trải qua các giai đoạn trại cấp dưới, phải nếm các mùi vị của các trại dưới mới thấy được sự thăng tiến, mà nếu đốt giai đoạn, trại sinh sẽ thấy lạc lõng bơ vơ hay tinh thần lệch lạc ngay.

Người Huynh Trưởng Gia đình Phật tử cần được huấn luyện và đào tạo một cách đồng bộ và nhất quán từ thấp lên cao để gánh vác sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ, thăng tiến tổ chức.

KẾT LUẬN:

Những điều cơ bản để xây dựng tổ chức Gia đình Phật tử, người Huynh trưởng cần phải nắm vững để hoàn thành sự nghiệp giáo dục của một đời sống có ý nghĩa.

Sự nghiệp này đòi hỏi chúng ta phải:

Thâu thập một nền tảng lý thuyết vững chắc tức là tự huấn luyện mình về Trí: Nghiên cứu giáo lý, kinh điển, tìm hiểu và trau dồi về chuyên môn.

Sống đúng theo lý tưởng, phải thể hiện lý tưởng vào hành động. Mỗi Huynh trưởng phải là một nhà hoằng pháp. Ðiều kiện tất yếu của một nhà hoằng pháp theo kinh Pháp Hoa dạy: Vào nhà Như Lai, mặc ái Như Lai, ngồi toà Như Lai. Hiểu rõ như thế để rèn luyện phong cách của mình, phong cách mà một Huynh trưởng cần phải có.

Nhận chân đúng đắn trách nhiệm của mình, trách nhiệm giáo dục Ðoàn sinh tức là đào tạo một thế hệ tương lai. Ðứng trước các em, nhìn thẳng vào các em, hiểu rõ các em. Một nguồn động lực nổi dậy trong ta: lòng thương các em. Lòng thương ấy là lòng thương của người trưởng giả trước cảnh nhà cháy (tam giới bất an, do như hỏa trạch). Lòng thương ấy không phải là lòng thương thường tình mà phải là Ðại Bi Tâm. Phải có lòng Ðại Bi, sự phục vụ của chúng ta mới không bị giao động, sự quyết tâm của ta không bị lung lay trước bất cứ trở lực nào. Ðại Bi Tâm là điều kiện đầu tiên cũng là điều kiện tất yếu để phát khởi công đức và hạnh nguyện.

Ðể kết thúc đề tài, xin được ghi lại lời phát biểu của Anh trại trưởng Trại Vạn Hạnh: “Bằng cửa ngỏ đại Bi, chúng ta đến với Gia đình Phật tử, bằng Trí tuệ Bát nhã chúng ta xây dựng và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam, với tinh thần vô úy dũng mãnh chúng ta giữ gìn Gia đình Phật tử Việt Nam”.

Ðại Bi – Ðại Trí – Ðại Dũng phải thấm biến vào trong từng ý nghĩ, từng lời nói, từng hành động. Ðó là mục đích Huynh trưởng người hướng đến để hoàn thiện nhân cách và hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trên 2 phương diện tự lợi và lợi tha.

Thực hiện một đời sống có ý nghĩa ấy thì dù thời gian, vạn vật có biến chuyển, thế cuộc có đổi thay ta vẫn mỉm cười vì được tắm gội trong ánh hào quang của chư Phật. 

Nguồn: https://sentrangusa.com/category/tu-hoc-huan-luyen/trai-phu-lau-na/

No comments:

Post a Comment