Showing posts with label HĐHP. Show all posts
Showing posts with label HĐHP. Show all posts

Monday, November 13, 2023

THƯ MỜI Dự Buổi Ra Mắt ‘Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ’


THƯ MỜI

Dự Buổi Ra Mắt ‘Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ’


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Kính bạch chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni,

Kính thưa quý nhân sĩ, văn nghệ sĩ, quý cơ quan truyền thông báo chí, đồng hương Phật tử, và tổ chức Gia Đình Phật Tử


Nói đến Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là nói đến một trong những nhân tài hiếm có của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua. Ngài là một bậc Thạch Trụ Tòng Lâm, với trí tuệ uyên thâm đối với Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo, mà công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Ngài lãnh đạo đã và đang tiến hành là một xác chứng cụ thể. Ngài còn là nhà tư tưởng, văn hóa, và văn học kỳ vĩ, với nhiều tác phẩm nghiên cứu, luận giải, thơ, văn đã được xuất bản và phổ biến trong và ngoài nước. Ngài cũng là nhà giáo dục uyên bác đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử trong suốt nửa thế kỷ qua. 

Trong thời gian gần đây, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã lâm trọng bệnh, với bệnh tình ‘thập tử nhất sinh’. Để tỏ lòng tri ân và xưng tán ân đức và công hạnh mà Ngài đã cống hiến cho Đạo Pháp và Dân Tộc, cuốn Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được thực hiện trong thời gian khẩn cấp bởi những người đệ tử, những học trò, những pháp lữ và thiện hữu gần xa của Ngài. Nay cuốn Kỷ Yếu Tri Ân dày 500 trang, gồm hơn 90 bài viết từ gần 70 tác giả, đã được hoàn tất và in ấn. 

Để giới thiệu đến chư tôn đức Tăng, Ni, quý thức giả và đồng hương Phật tử, một buổi ra mắt Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ sẽ được tổ chức vào lúc 4:30 giờ chiều, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2023, tại Tu Viện Đại Bi, 13852 Newland St., Garden Grove, CA 92844; điện thoại: (714) 360-5355. 

Chúng con kiền thành đảnh lễ cung thỉnh chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni hoan hỷ quang lâm; đồng thời chúng tôi kính mời quý nhân sĩ, quý văn nghệ sỹ, quý đồng hương Phật tử, và quý cơ quan truyền thông báo chí vui lòng đến tham dự buổi ra mắt Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ. 

Sự quang lâm của chư Tôn Đức và sự hiện diện của quý liệt vị không những là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Tổ Chức, mà còn biểu tỏ lòng tùy hỷ và trân trọng của quý vị đối với một Người đã tận tụy cả đời để cống hiến cho nền tư tưởng, văn hóa, văn học, và giáo dục của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam. Mọi chi tiết, xin liên lạc TT. Thích Hạnh Tuệ tại số (619) 278-9837 hay và Htr. Tâm Thường Định (916) 607-4066.

Thành tâm cung thỉnh và kính mời.

Phật lịch 2567, California, ngày 10 tháng 11 năm 2023

TM. Ban Biên Tập Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ

Tỳ Kheo Thích Nguyên Siêu



Mời đọc những bài có liên quan:

Tuesday, October 24, 2023

Lời ngỏ | Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ

KỶ YẾU TRI ÂN

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
Hội Đồng Hoằng Pháp ấn hành 2023

LỜI NGỎ

Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp.

Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”

Chúng tôi, những giáo sư, học giả, văn nghệ sĩ, những pháp hữu và học trò Tăng, Ni, Phật tử nhiều thế hệ, từng được tiếp cận, đàm đạo, nghe giảng từ các trường lớp Trung, Cao đẳng và Đại học Phật giáo, hoặc chỉ được đọc và nghiên cứu qua hàng nghìn trang kinh, sách, tiểu luận, thơ, văn… của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, rất tâm đắc với lời xưng tán của Triết gia Phạm Công Thiện. Nhưng nơi đây, trong tình Thầy-Trò thâm thiết, trong niềm cảm kích vô hạn đối với di sản tinh thần kỳ vĩ mà Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ để lại cho cuộc đời, chúng tôi chỉ muốn gọi Người bằng ngôn ngữ bình dân và gần gũi nhất: Thầy Tuệ Sỹ.

Cuộc đời Thầy tập trung toàn thời gian vào sự nghiệp Hoằng Pháp; nói theo ngôn ngữ thế gian thì đó là lãnh vực Văn hóa và Giáo dục.

Văn hóa và Giáo dục Phật giáo được biểu hiện qua việc học hỏi, tụng đọc, truyền dạy và thực hành Kinh – Luật – Luận mà Thầy đã tận tụy suốt hơn 60 năm phiên dịch, chú giải, sáng tác, giảng dạy trong nhiều trường lớp Phật học tại Việt Nam và ngoài nước qua Paltalk, Zoom Meeting Online, v.v…

Văn hóa và Giáo dục Dân tộc cũng được Thầy phổ hiện qua những sáng tác thơ văn, tiểu phẩm, tiểu luận… về tình tự dân tộc, nhân sinh quan, xã hội dân sự; và trong một góc nhìn nào đó, ngay chính bản án tử hình và những năm trong tù ngục của Thầy cũng là hệ quả của sự biểu hiện nền Văn hóa, Giáo dục nhân bản và khai phóng của dân tộc trong một giai kỳ lịch sử đen tối trên quê hương.

Trong chiều hướng đó, nội dung tập Kỷ Yếu này dựa theo hành trạng của Thầy Tuệ Sỹ, chia làm 3 phần chính:

Phần I – Phật học: Gồm những sáng tác văn, thơ, biên khảo, tiểu luận của chư vị thức giả, học giả, Tăng Ni, cư sĩ, văn nghệ sĩ nói về Thầy Tuệ Sỹ và ảnh hưởng của Thầy trong tư cách một nhà tư tưởng Phật học, một hành giả Tăng sĩ Phật giáo uyên thâm, trác việt;

Phần II – Văn học: Gồm các sáng tác văn chương, thi phú, mỹ thuật của giới văn học nghệ thuật minh họa về Thầy Tuệ Sỹ như một nhà văn, nhà thơ trứ danh, hàng đầu trong nền văn học Việt Nam; và

Phần III – Đạo Pháp và Dân Tộc: Gồm những sáng tác, nhận định, xã luận, tiểu luận của chư vị học giả, thức giả, đời cũng như đạo, Phật giáo hay tôn giáo bạn, về vai trò của Thầy Tuệ Sỹ trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như những đóng góp của Thầy bằng hành động hay bằng tâm thức, nhằm xây dựng nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.

Những năm gần đây, với thân bệnh, ngoài trọng trách phục dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thầy Tuệ Sỹ vẫn tiếp tục ngày đêm cặm cụi trên những trang kinh giá sách, phiên dịch chú giải Tam tạng Thánh điển, thành lập một hội đồng phiên dịch quy tụ những nhà Phật học có trình độ cổ ngữ và ngoại ngữ vững chắc, soạn thảo đề án và cẩm nang phiên dịch tỉ mỉ chi tiết cho người đi sau. Vào tháng 7 năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Thầy, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đã giới thiệu thành tựu sơ bộ với bộ Thanh Văn Tạng, Giai đoạn I, Phần I, gồm 24 tập và 5 cuốn Tổng lục. Dù chỉ mới thành tựu một phần nhỏ của công trình, tư duy và viễn kiến của Thầy Tuệ Sỹ cùng với cẩm nang để lại, cũng cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của Đại Tạng Kinh Việt Nam: là đề án có một không hai của nền Phật Việt. Đây có thể nói là công trình Văn hóa Giáo dục cốt lõi trong sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam mà khởi nguyên là từ lần chuyển pháp đầu tiên của Đức Phật nơi Vườn Nai hơn 25 thế kỷ trước. Chính vì thế, sự nghiệp trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ là một sự nghiệp đồ sộ mà ngàn lời của Kỷ Yếu cũng khó bàn nói hết được. Dù vậy, chúng tôi, mỗi người xin góp một tiếng nói, trước hết là biểu tỏ niềm tri ân và kính trọng vô biên đối với Thầy; thứ đến, muốn chia sẻ, giới thiệu đến bạn đọc về một bậc Long Tượng kỳ vĩ của Phật giáo Việt Nam — một bậc Thầy của những vị Thầy, một bậc Thầy hiếm hoi trong lịch sử gần hai nghìn năm Phật giáo trên quê hương yêu dấu.

Thực hiện tập Kỷ Yếu này, chúng con/chúng tôi muốn tri ân những đóng góp của Thầy Tuệ Sỹ trong mọi lãnh vực; và vì sức khỏe của Thầy, cần phải hoàn tất trong vòng một tháng, trong đó thời gian để các tác giả viết chỉ có mười ngày. Với những hạn chế đó, Kỷ Yếu không thể là một tác phẩm hoàn toàn chuyên chở các nhận định, biên khảo, phân tích về những đóng góp của Thầy hay các tác phẩm của Thầy mà chỉ là một tuyển tập ghi lại những cảm nhận, những kỷ niệm, những lời tri ân của người viết đối với Thầy. Vì vậy, Kỷ Yếu sẽ không sao tránh khỏi những thiếu sót, hoặc những trình bày có khi chủ quan, cảm tính của những người ngưỡng mộ Thầy Tuệ Sỹ; rất mong sự rộng lượng bỏ qua của chư vị độc giả. Hy vọng những khiếm khuyết của Kỷ Yếu sẽ được bổ túc cho được hoàn mỹ hơn trong dịp tái bản, hoặc trong một tuyển tập nghiêm túc, có rộng thời gian hơn.

Chúng con/chúng tôi cũng xin thành kính tri ân tất cả chư tôn đức Tăng Ni, quý vị Cư sĩ, quý văn nghệ sĩ và Phật tử đã dành tâm cảm và thời gian, đóng góp bài vở và hình ảnh để thực hiện tập kỷ yếu này.

Lời sau cùng, nhìn lại hành trạng một đời của Thầy Tuệ Sỹ, chúng ta thấy Thầy luôn là người tiên phong đầu ngọn sóng, trong cả nẻo đạo hay đường đời: vận dụng từ bi và trí tuệ để khai mở, xây dựng và phát triển, từ việc giáo hội đến việc Tăng đoàn mà không màng chút lợi-danh, quyền thế. Sự có mặt của Thầy trong đời này dường như là để dựng lại những gì bị gãy vỡ, đổ nát. Thầy, có khi như con tê giác[1] cô độc giữa núi rừng, có khi hòa mình đồng trú trong biển lớn thanh tịnh tăng-già, có khi thăng trầm theo vận nước nổi trôi, có khi độc hành trên từng dặm ngàn mây bay[2]… nhưng bước chân của Thầy đã được xác định từ ban đầu với con đường tuệ giác, và chỉ một hướng một nguyện: trải thân cát bụi để thực hiện Bồ-đề hạnh trong lũy kiếp hằng sa quốc độ.

Trong sự ngưỡng phục và đồng cảm sâu sắc với hạnh nguyện vô biên của Thầy, chúng con/chúng tôi xin kính dâng Thầy những dòng văn thơ mộc mạc này, và cùng một lời, xin thưa với Thầy rằng, Thầy sẽ không cô độc, vì khi nhìn xuống, Thầy sẽ thấy chúng con/chúng tôi với ước nguyện “thiên lý đồng hành” trên lộ trình giác ngộ thênh thang.

Ban Biên Tập Kỷ Yếu kính ghi


[1] Hình ảnh từ Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng, Kinh Tập (Sutta Nipata) – HT Thích Minh Châu dịch.

[2] Thiên Lý Độc Hành, thi phẩm của HT Thích Tuệ Sỹ.


BAN THỰC HIỆN KỶ YẾU TRI ÂN 
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
Cố vấn: Hòa thượng Thích Như Điển 
| Hòa thượng Thích Nguyên Siêu | Hòa thượng Thích Bổn Đạt
Chủ biên: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng 
Thượng Tọa Thích Hạnh Viên
Biên tập: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Nguyên Đạo Văn Công Tuấn  Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo  
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Kỹ thuật và Thiết kế: Nguyên Túc Nguyễn Sung 
Quảng Pháp Trần Minh Triết 
Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm

Bảo trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp

Nguồn: https://hoangphap.org/loi-ngo-ky-yeu-tri-an-hoa-thuong-thich-tue-sy/

Wednesday, May 11, 2022

Chia sẻ bài vở từ trang Hội Đồng Hoằng Pháp và Thư Viện Phật Việt 11.05.22

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý pháp hữu,
Chúng con/chúng em xin được mạn phép chia sẻ những bài mới của trang nhà Hội Đồng Hoằng Pháp và trang nhà Thư Viện Phật Việt. Đồng thời kính nhờ quý vị chuyển tiếp/chia sẻ cho đạo tràng hay thân hữu của mình.

Để Pháp Phật được lan truyền rộng như vết dầu loang, kính mong quý vị "Like" hai trang nhà này, chia sẻ cùng đạo tràng của mình, bạn bè hoặc người thân để FB tính logarithm chuyển tải Giáo lý Phật Đà một cách hiệu quả hơn.
https://www.facebook.com/hoangphap21
https://www.facebook.com/thuvienphatviet

Chúng con/chúng em xin dự định sẽ chia sẻ những bài khi thời gian cho phép, nếu không muốn nhận email này, thì cho chúng con/em hay để lấy ra khỏi email listing hoặc muốn thêm ai thì cũng xin cho hay.

Khi chia sẻ trên các trang nhà khác, xin hãy ghi nguồn xuất phát từ 2 trang nhà HĐHP và Phật Việt.

Từ trang nhà HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP
1. GHPGVNTN | Viện Tăng Thống: Tâm thư Phật đản Phật lịch 2566
https://hoangphap.org/ghpgvntn-vien-tang-thong-tam-thu-phat-dan-phat-lich-2566/

2. THÔNG BẠCH: Lễ giới thiệu thành tựu sơ bộ công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam

3. https://hoangphap.org/thong-bach-le-gioi-thieu-thanh-tuu-so-bo-cong-trinh-phien-dich-dai-tang-kinh-viet-nam/

4. Hội đồng Tăng Già Bản Thệ: Tâm thư Phật đản PL. 2566
https://hoangphap.org/hoi-dong-tang-gia-ban-the-tam-thu-phat-dan-pl-2566/

5. HĐHP xuất bản: Tư tưởng xã hội trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy của HT Thích Nguyên Siêu

6. HT Thích Thái Hòa: Bảy bước chân đi – Tiêu biểu bảy yếu tố giác ngộ
https://hoangphap.org/ht-thich-thai-hoa-bay-buoc-chan-di-tieu-bieu-bay-yeu-to-giac-ngo/

7. Thích Nhuận Châu dịch Việt: Ý niệm đản sinh của Đức Phật qua kinh Phổ Diệu (Lalitavistara)

https://hoangphap.org/thich-nhuan-chau-y-niem-dan-sinh-cua-duc-phat-qua-kinh-pho-dieu-lalitavistara/

8. Vĩnh Hảo: Hạnh phúc được làm con Phật
https://hoangphap.org/vinh-hao-hanh-phuc-duoc-lam-con-phat/

9. HT Thích Nhất Hạnh: Đêm nguyện cầu
https://hoangphap.org/ht-thich-nhat-hanh-dem-nguyen-cau/

10. Pháp Thường: Sự trở lại của Đức Phật (Buddhas Wiederkehr)
https://hoangphap.org/phap-thuong-su-tro-lai-cua-duc-phat-buddhas-wiederkehr/

11. Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Khái luận về văn học Phật giáo
https://hoangphap.org/tam-huy-huynh-kim-quang-khai-luan-ve-van-hoc-phat-giao/

12. Tâm Định, Bửu Thành và Quảng Pháp: Tình Lam có hẹp bao giờ…

13. Tuệ Sỹ: Tiểu khúc Phật đản | A little song of Vesak
https://hoangphap.org/tue-sy-tieu-khuc-phat-dan-a-little-song-of-vesak/

14. HĐHP ấn hành: Kỷ yếu Đại hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ I
https://hoangphap.org/hdhp-an-hanh-ky-yeu-dai-hoi-hoi-dong-hoang-phap-lan-thu-i/


Từ trang nhà Thư Viện Phật Việt

1. GHPGVNTN | Viện Tăng Thống: Tâm thư Phật đản Phật lịch 2566
https://thuvienphatviet.com/ghpgvntn-vien-tang-thong-tam-thu-phat-dan-phat-lich-2566/

2. (HĐPDTT Lâm thời): THÔNG BẠCH: Lễ giới thiệu thành tựu sơ bộ công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam
https://thuvienphatviet.com/hdpdtt-lam-thoi-thong-bach-le-gioi-thieu-thanh-tuu-so-bo-cong-trinh-phien-dich-dai-tang-kinh-viet-nam/

3. Thích Đồng Thành: Tìm hiểu về lễ tắm Phật
https://thuvienphatviet.com/thich-dong-thanh-tim-hieu-ve-le-tam-phat/

4. Thích Nhuận Châu dịch Việt: Ý niệm đản sinh của Đức Phật qua kinh Phổ Diệu (Lalitavistara)
https://thuvienphatviet.com/thich-nhuan-chau-y-niem-dan-sinh-cua-duc-phat-qua-kinh-pho-dieu-lalitavistara/

5. Hội đồng Tăng Già Bản Thệ: Tâm thư Phật đản PL. 2566
https://thuvienphatviet.com/hoi-dong-tang-gia-ban-the-tam-thu-phat-dan-pl-2566/

6. Ven. Thich Tu-Luc | Compassion Meditation Center: The Mahāyāna Practices for Healing, Reconciliation, and Peace
https://thuvienphatviet.com/ven-thich-tu-luc-compassion-meditation-center-the-mahayana-practices-for-healing-reconciliation-and-peace/

7. Tưởng niệm Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012)
https://thuvienphatviet.com/tuong-niem-hoa-thuong-thich-minh-chau-1918-2012/

8. Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang (1923-2019)
https://thuvienphatviet.com/tuong-niem-truong-lao-hoa-thuong-thich-tri-quang/

9. Vĩnh Hảo: Cảm ơn Gia đình Phật tử
https://thuvienphatviet.com/vinh-hao-cam-on-gia-dinh-phat-tu/

10. Trang tưởng niệm Huynh trưởng Bạch Hoa Mai: Sen vàng khép cánh dưới bùn đen
https://thuvienphatviet.com/trang-tuong-niem-huynh-truong-bach-hoa-mai-sen-vang-khep-canh-duoi-bun-den/


Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát. 
Tâm Thường Định


Tâm Thường Định
               Thư viện Phật Việt
               Bodhi Media
               Phe Bach's Blog
[FB]: Hội Đồng Hoằng Pháp
        Thư viện Phật Việt
        Lotus Media Inc
        Bodhi - 
Bồ Đề Media
Phe Bach Fanpage
A mindful leader is the one who leads inside out with understanding, compassion, and wisdom.

Tuesday, April 19, 2022

Chia sẻ bài vở từ trang Hội Đồng Hoằng Pháp và Thư Viện Phật Việt 18.04.22

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý pháp hữu,
Chúng con/chúng em xin được mạn phép chia sẻ những bài mới của trang nhà Hội Đồng Hoằng Pháp và trang nhà Thư Viện Phật Việt. Đồng thời kính nhờ quý vị chuyển tiếp/chia sẻ cho đạo tràng hay thân hữu của mình.

Để Pháp Phật được lan truyền rộng như vết dầu loang, kính mong quý vị "Like" hai trang nhà này, chia sẻ cùng đạo tràng của mình, bạn bè hoặc người thân để FB tính logarithm chuyển tải Giáo lý Phật Đà một cách hiệu quả hơn.
https://www.facebook.com/hoangphap21
https://www.facebook.com/thuvienphatviet

Chúng con/chúng em xin dự định sẽ chia sẻ những bài khi thời gian cho phép, nếu không muốn nhận email này, thì cho chúng con/em hay để lấy ra khỏi email listing hoặc muốn thêm ai thì cũng xin cho hay.

Khi chia sẻ trên các trang nhà khác, xin hãy ghi nguồn xuất phát từ 2 trang nhà HĐHP và Phật Việt.

Từ trang nhà HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP

1. HT Thích Đức Nhuận: Trao cho thời đại một nội dung Phật chất
https://hoangphap.org/ht-thich-duc-nhuan-trao-cho-thoi-dai-mot-noi-dung-phat-chat/

2. HT Thích Đỗng Tuyên: Vô biên pháp lạc
https://hoangphap.org/ht-thich-dong-tuyen-vo-bien-phap-lac/

3. Đại diện Hội Đồng Hoằng Pháp, GHPGVNTN Canada và Hội Thân Hữu Già Lam phúng viếng HT Thích Đỗng Tuyên
https://hoangphap.org/dai-dien-hoi-dong-hoang-phap-ghpgvntn-canada-va-hoi-than-huu-gia-lam-phung-vieng-ht-thich-dong-tuyen/

4. Báo Viên Giác số 248, tháng 4 năm 2022
https://hoangphap.org/bao-vien-giac-so-248-thang-4-nam-2022/

5. Nguyên Giác: Thiền Tỉnh Thức với Vô Ngã
https://hoangphap.org/nguyen-giac-thien-tinh-thuc-voi-vo-nga/

6. Thiền Tịnh Đạo Tràng trang nghiêm tổ chức Lễ tạ Ân Sư
https://hoangphap.org/thien-tinh-dao-trang-trang-nghiem-to-chuc-le-ta-an-su/

7. Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: “Ngoại”
https://hoangphap.org/thi-nghia-tran-trung-dao-ngoai/

8. HT Thích Thái Hòa: Con đường thiền tuệ
https://hoangphap.org/ht-thich-thai-hoa-con-duong-thien-tue/

9. HT Thích Minh Châu: Khái niệm về Abhidhamma
https://hoangphap.org/ht-thich-minh-chau-khai-niem-ve-abhidhamma/

10. Đạo tràng Mai Thôn quốc tế: Tâm thư kêu gọi Hòa bình
https://hoangphap.org/dao-trang-mai-thon-quoc-te-tam-thu-keu-goi-hoa-binh/

11. HT Thích Nguyên Siêu: Hòa thượng Thích Trí Thủ, dáng Từ trên đồi Trại Thủy
https://hoangphap.org/ht-thich-nguyen-sieu-hoa-thuong-thich-tri-thu-dang-tu-tren-doi-trai-thuy/

12. Thích Nhuận Châu: Pythagore và Thuyết Luân hồi
https://hoangphap.org/thich-nhuan-chau-pythagore-va-thuyet-luan-hoi/

13. Nguyệt san Chánh Pháp số 125 | tháng 04.2022
https://hoangphap.org/nguyet-san-chanh-phap-so-125-thang-04-2022/

14. Matsubara Taidoo | HT Thích Như Điển dịch Việt: Thiền Lâm Tế Nhật Bản
https://hoangphap.org/matsubara-taidoo-thich-nhu-dien-dich-viet-thien-lam-te-nhat-ban/

15. Ven. Prof. Le Manh That: Buddhist Contribution to Good Governance and Development in Vietnam
https://hoangphap.org/ven-prof-le-manh-that-buddhist-contribution-to-good-governance-and-development-in-vietnam/

Xin đọc thêm phần ngoại văn, Tiếng Anh ở đây.
https://hoangphap.org/category/danh-muc-khac/ngoai-van/

Từ trang nhà Thư Viện Phật Việt

1. HT Thích Thái Hòa: Từ Quy y đến Quy y nhất thừa
https://thuvienphatviet.com/ht-thich-thai-hoa-tu-quy-y-den-quy-y-nhat-thua/

2. Thích Giải Nghiêm: Tìm hiểu sự hình thành và phát triển thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam
https://thuvienphatviet.com/thich-giai-nghiem-tim-hieu-su-hinh-thanh-va-phat-trien-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-tai-quang-nam/

3. HT Thích Như Điển: Sám hối
https://thuvienphatviet.com/ht-thich-nhu-dien-sam-hoi/

4. Diệu Liên Lý Thu Linh dịch: Nương trú Tam bảo – Một tình cảm yêu thương
https://thuvienphatviet.com/dieu-lien-ly-thu-linh-dich-nuong-tru-tam-bao-mot-tinh-cam-yeu-thuong/

5. Thích Đức Thắng: Tứ thiền
https://thuvienphatviet.com/thich-duc-thang-tu-thien/

6. Phạm Công Thiện: Hố thẳm và Phật giáo
https://thuvienphatviet.com/pham-cong-thien-ho-tham-va-phat-giao/

7. Gil Fronsdal | Tâm Thường Định dịch Việt: Giới thứ tư, không vọng ngữ: Bảo vệ hòa bình và an lạc
https://thuvienphatviet.com/gil-fronsdal-tam-thuong-dinh-dich-viet-gioi-thu-tu-khong-vong-ngu-bao-ve-hoa-binh-va-an-lac/

8. Nguyễn Đăng Thục: Hùng Vương với ý thức quốc gia dân tộc
https://thuvienphatviet.com/nguyen-dang-thuc-hung-vuong-voi-y-thuc-quoc-gia-dan-toc/

9. Mời subscibe Thư Viện Phật Việt youtube channel
https://www.youtube.com/channel/UCEvZ20v7PJrS8Y2TKfAskUg

10. Đại hội bất thường GHPGVNTN tại tu viện Nguyên Thiều - năm 2003
https://www.youtube.com/watch?v=GT2l3q1vAto

11. Thư của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ gởi Tăng sinh Thừa Thiên - Huế (2003)
https://www.youtube.com/watch?v=5E98hw3ssS4

12. Mời nghe Thư Viện Phật Việt on SoundCloud
Trao cho thời đại một nội dung Phật chất
https://soundcloud.com/thuvienphatviet
13. Bhikkhu Bodhi | Tâm Quảng Nhuận lược dịch: Chiến tranh và Hòa bình: Quan điểm Phật giáo
https://thuvienphatviet.com/bhikkhu-bodhi-tam-quang-nhuan-luoc-dich-chien-tranh-va-hoa-binh-quan-diem-phat-giao/
14. Tuệ Sỹ: Ấn tượng khoảnh khắc
https://thuvienphatviet.com/tue-sy-an-tuong-khoanh-khac/
15. Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu tình trạng Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn chống xâm lăng
https://thuvienphatviet.com/le-manh-that-nghien-cuu-tinh-trang-phat-giao-viet-nam-trong-giai-doan-chong-xam-lang/

16. Tâm Thuần: Lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ
https://thuvienphatviet.com/tam-thuan-lich-su-va-tinh-hinh-tiep-nhan-tho-tue-sy/

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát
Tâm Thường Định

Monday, January 31, 2022

Văn Phòng Viện Tăng Thống: LÁ THƯ NGÀY TẾT NHÂM DẦN


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VIỆN TĂNG THỐNG
Văn Phòng Viện Tăng Thống

Phật lịch 2565                                                                                Số 12/VTT/VP


Tuế thứ Tân Sửu 28.12 – Dương lịch 30.01.2022

LÁ THƯ NGÀY TẾT NHÂM DẦN

Nam-mô Long Hoa Hội, Đương lai Hạ sanh Di-lặc Tôn Phật

 

Kính gởi:
Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già nhị bộ;
cùng Bốn Chúng Đệ tử.

Trong sát-na nhiệm mầu của tâm tịnh tín, khoảnh khắc khép lại quá khứ đen tối bi thương, hướng đến không gian biến mãn tâm từ vô lượng, bằng chút thiện căn công đức đã được gieo trồng trong quá khứ, kính dâng lên Đấng Chí Tôn Vô Năng Thắng, hồi hướng công đức này đến pháp giới chúng sinh đồng miễn trừ bệnh khổ.

Kính thưa Chư Hiền, cùng Bốn Chúng đệ tử.

Thời gian đến, thời gian đi. Thời gian nấu chín sinh vật. Thời gian hối thúc sinh loại. Thời gian thức tỉnh con người.

Thời gian, một năm qua, trôi nhanh theo âm thanh cuồng nộ của những đợt sóng kinh hoàng từ bóng ma đại dịch, vang vọng tiếng kêu thống thiết từ những đoàn người xuôi ngược đào vong trên chính trên quê hương của mình.

Trong cảnh tượng ấy, trong cảnh giới hàn băng địa ngục giữa cõi nhân sinh ấy, nơi mà tình người, được lịch sử nhầm lẫn trao tay cho thế lực cuồng vọng tham lam, đã đóng băng thành mặt nước đại dương rập rình hiểm họa.

Thế nhưng, trong thế giới địa ngục trần gian ấy, vẫn còn những tấm lòng nhân ái, giữ cho đốm lửa thiện căn từ giác tính uyên nguyên vẫn còn lấp lánh trong lịch sử tồn sinh của dân tộc. Chúng đệ tử Phật góp nhặt công đức thiện hành và tùy hỷ thiện tâm của những tấm lòng nhân ái tương thân tương trợ trong cảnh khốn cùng bức bách, để kết thành một đóa hoa mai tỏa sáng sắc hương tâm từ vô lượng, dâng lên cúng dường đức Từ Tôn Vô Năng Thắng, trang nghiêm ngày Hội Long Hoa, cho một thế giới an lành tịnh lạc trong chu kỳ thành trụ hoại không vô tận của vô biên thế giới.

Chúng đệ tử Phật, trong ngày hội truyền thống, cùng chung niềm vui chung của dân tộc, cùng cất đi gánh nặng khổ nhục đày đọa hình hài và tâm trí của một năm tai dịch hoành hành; một năm vinh quang ảo tưởng cho những tham tàn vô đạo phi nhân. Chúng đệ tử cùng chung sức góp nhặt chút công đức, từ thiện căn đã được gieo trồng trên mảnh đất cùng khốn này, để vun bồi thiện tâm lớn mạnh dựng lại những gì đã sụp đổ, để nối lại đức từ nhân ái của một thời độc lập và tự chủ – hào hùng nhưng khiêm tốn, ngoan cường nhưng bao dung – đã bị đứt đoạn bởi những thế hệ thừa kế tự tôn vinh, được kích động bởi tham vọng lịch sử, được trang nghiêm bằng ý thức khoa trương kiêu ngạo.

Bốn nghìn năm lịch sử dựng nước. Hai nghìn năm Đạo Pháp hưng suy theo vận nước thăng trầm vinh nhục. Một nghìn năm Thăng Long đứng vững trước mọi phong ba của thời đại. Năm mươi năm hòa bình thống nhất, dù với ước vọng đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng văn minh, xóa đi quá khứ người bóc lột người; nhưng bóng ma quá khứ ấy bỗng chốc biến thể, thay đổi hình hài, tự thăng hoa và tiến bước theo hướng đi dọn sẵn của một thứ tồn tại vô hình đang thách thức đỉnh cao trí tuệ của nhân loại văn minh. Những giá trị nhân sinh cần được định nghĩa lại: 

Phẩm giá con người? Văn minh tiến bộ?

Trong nỗi kinh hoàng dưới những hình thái bức hiếp, bóc lột kiểu mới, vẫn thấp thoáng những bàn tay nhân ái đã và đang nâng đỡ những thân hình bạc nhược, tâm tư suy sụp, vì đói khát và đợi chờ; đã và đang xoa dịu những trái tim nhức nhối trong cô đơn, tuyệt vọng trước nẻo đường phân ly sống chết; đã và đang dìu dắt những trẻ thơ mất cha, mất mẹ, mất cả mọi nguồn yêu thương thân thiết, bị vất bỏ giữa chợ đời hiểm ác, mà không biết vì đâu. Thiện căn từng được ươm mầm trong chuỗi dài lịch sử rồi cũng đến lúc nẩy chồi, chen chúc để vươn lên dưới ánh sáng uyên nguyên của mặt trời tuệ giác trong cánh đồng đang trổ đầy hoa trái độc. Một trang lịch sử đau thương, khổ nhục, cần được khép lại. Tâm từ cần được khơi nguồn để mỗi người con thân yêu của đất nước tự tâm cảm nghiệm ân đức bao dung và tha thứ của Cha Ông một thời đã làm nên lịch sử, định hướng đi cho dân tộc trụ vững giữa những tham vọng điên cuồng thống trị thế giới, những cơn lốc tranh chấp ý thức hệ phân chia quyền lực, những tiến bộ đảo điên trong lịch sử văn minh tiến hóa của loài người.

Hãy khép lại hận thù quá khứ, được gieo rắc từ những áp bức, bóc lột, bất công. Nghiệp ác, bất thiện đã được tạo tác, và được tích lũy trong kho tàng tâm thức, thành di sản mà chủ nhân của nó cũng chính là người thừa tự. Không phải vì được quên hay được nhớ mà nghiệp ác bất thiện sẽ mất hay còn. Kẻ gây ác cảm thấy có vị ngọt trong hành vi ác; cho đến khi quả ác chín muồi, vị ngọt biến chất thành độc tố thiêu đốt thân tâm của nó. Các vị Tổ Thiền của chúng ta thường nói “thời tiết nhân duyên mà thôi vậy”. Những biến đổi xã hội, cũng đồng như sự thay đổi biến chuyển trong cơ thể sinh vật, trong thủ uẩn của chúng sanh, không chuyển biến nhất thời để cho quả. Khi nhân duyên hội đủ, đến thời cho quả chín, một thế hệ mới, từ lòng đất, qua vô số kiếp hành Bồ-đề nguyện, đột nhiên xuất hiện, ngăn chặn những dòng nước lũ độc hại đang làm ô nhiễm thế gian, phá sập và dẹp bỏ những gì đã mục nát, rỗng ruột.

Trong lịch sử của các dân tộc cũng vậy. Một chế độ mới được dựng lên, hứa hẹn một thời đại công bình chính trực, không tham tàn bóc lột, không bức hiếp bạo hành; nhưng rồi, chính cái thế lực tự xưng cứu tinh dân tộc tự nó biến thể thành tập đoàn hung ác bạo ngược không kém gì thế lực mà nó thay thế. Trong lịch sử tiến hóa của các cộng đồng dân tộc dưới gầm trời này, có lẽ khó tìm thấy một dân tộc nào an ổn đứng ngoài quy luật tiến hóa ấy. Vậy thì, có gì mà phải thất vọng hay tuyệt vọng? Hãy làm những gì, bằng trí tuệ sáng suốt phân biệt thiện ác, những gì tăng ích an lạc trong đời này và nhiều đời sau, cho ta và những người khác.

Thế nhưng, trí tuệ sáng suốt không phải là giá trị được ban tặng bởi ai đó bên ngoài ta hay trên ta, mà đó là công phu tu dưỡng không phải một sớm một chiều. Mọi tôn giáo, các Thánh triết Đông Tây, đều nói nhiều đến tình yêu, nhưng không đâu tìm thấy lời dạy cụ thể, thiết thực, làm thế nào để phát triển tình yêu rộng lớn. Tình yêu, tuy là phẩm tính hiện thực của con người đấy, nhưng nếu không được tu tập, bồi dưỡng, thì cũng không khác gì ngọn lửa không được rót thêm nhiên liệu, độ sáng trước như thế và sau vẫn như thế, rồi tàn lụi dần. Đức Phật không chỉ nói suông tình yêu; Ngài cũng nói, hãy ngồi xuống, an tịnh thân hành, thực hành thuận tự quá trình tu tập bốn vô lượng tâm. Cái gì là tập quán của thân, và cái gì là huân tập của tâm; công năng sai biệt trong chuỗi tương tục của hai thứ này không tồn tại với thời và thế như nhau.

Tâm từ, tâm bi vô lượng, không chỉ là nguồn an lạc cho mỗi cá nhân tu tập. Đó là nguồn suối đại hành tâm, bằng tâm nguyện Bồ-đề, nguyện thêm vui bớt khổ cho chúng sinh, dẫu biết rằng hư không vô biên, chúng sinh giới vô tận, nghiệp và phiền não của chúng sinh cũng không cùng tận.

Đại hành tâm, với thệ nguyện bao la hoằng vĩ, nhưng lại bắt đầu từ việc nhỏ: chia nửa manh áo cho người đang lạnh, chia nửa nắm cơm cho người đang đói. Phật dạy, bố thí là pháp hành cho người tại gia lăn lóc trong đường đời đầy bụi bám, từ đó mà thứ tự tùy thuận, lần lượt tăng trưởng trí tuệ, cho đến viên mãn Đại Bồ-đề.

Bố thí là khởi đầu của Bồ-đề hành, Bồ-tát đạo. Bằng bố thí mà trang nghiêm cõi Phật. Bằng bố thí mà dẫn đạo chúng sanh thuần thục trong Thánh đạo.

Bố thí, trong ý nghĩa kinh tế, là hoạt động tái phân phối thu nhập, để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giảm bớt áp lực bất công xã hội. Bố thí trong quan hệ tương tác như lý bình đẳng giữa người cho, vật cho và người nhận, tất yếu dẫn đến sự tăng trưởng của giới, và đó là sự thăng hoa phẩm giá con người, nền tảng của đạo đức xã hội, thiết lập định chế công bình chính trực bảo đảm an ninh trật tự cho những cộng đồng đa dạng trong một xã hội đa nguyên; bao dung, điều hòa những mâu thuẫn giữa các nguồn tư duy triết học, tín ngưỡng tôn giáo dị biệt. Chính trong quan hệ tương tác giữa người cho, vật cho và người nhận mà quy luật tồn tại được quán sát, được chiêm nghiệm. Không phải như nhà kinh tế học ngồi trước các bảng thống kê, trước những con số của bài toán xác suất, mà bằng sự rung cảm, đồng cảm trước cảnh đời khốn khổ, bất lực, không đủ sức tự mình đứng dậy để tự mưu sinh; và bằng quyết trạch trí thấy biết đâu là nhân tập khởi của những bất công xã hội.

Bố thí là nền tảng cho an ninh và trật tự xã hội. An ninh và trật tự xã hội được duy trì bền vững bằng đạo đức và bao dung, tức bằng giới và nhẫn. Viên mãn thí, giới, nhẫn hợp thành điều kiện tất yếu để phát triển trí tuệ, ngọn đuốc soi đường và định hướng cho văn minh tiến bộ của nhân loại.

Vậy cho nên, khi chứng kiến một người cùng khổ đang chia nửa manh áo rách, nửa phần cơm hẩm cho người cùng khổ hơn mình, Thánh nhân thấy biết rõ thiên giới hay nhân giới đang được định hướng. Và chính nơi đây, trong cái cảnh những kẻ tham tàn tự khoác áo bào nhân nghĩa không chút do dự rút tỉa xương tủy của đồng bào ruột thịt đang thất cơ thất sở lăn lóc trên các vỉa hè đường phố, trong cảnh tượng khiến tê tái quặn thắt tim người của những ai còn chút lương tri, vẫn không hề thiếu vắng những bàn tay sung mãn tình người để cho và nhận, hiển hiện ánh sáng đức từ đã và sẽ soi đường và định hướng cho lịch sử tồn vong của dân tộc.

Chúng đệ tử Phật, đã cùng chung cộng nghiệp với dân tộc này, trong đất nước này, trong khoảnh khắc thời thiết nhân duyên đã chung đúc thành truyền thống thiêng liêng của dân tộc này, nguyện cùng đại khối dân tộc đồng hành trong ánh sáng của đức từ nhân ái, bao dung và tha thứ, dọn đường cho các thế hệ tiếp nối thăng tiến trong phẩm giá cao quý của con người.

Xin hãy khép lại quá khứ hận thù, nghi kỵ!
Xin hãy mở rộng tâm tình bao dung nhân ái!

Cầu nguyện tất cả con dân trong đại khối dân tộc, một năm mới, ngày đêm thường an lành; tất cả mọi thời đều an lành. Cầu nguyện đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Thị ngạn am – Vô trụ xứ. Âl. 28–12–Tân sửu.
Khâm thừa Di chúc,
Bỉnh pháp Tỳ-kheo
Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ

Xin chia sẻ 10 thông tin mới nhất từ trang Hội Đồng Hoằng Pháp.

1. Văn Phòng Viện Tăng Thống GHPGVNTN: Lá thư ngày Tết Nhâm Dần

https://hoangphap.org/van-phong-vien-tang-thong-ghpgvntn-la-thu-ngay-tet-nham-dan/

2. Hội Đồng Hoằng Pháp: Cung tiễn Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

3. Zen Master Thich Nhat Hanh: Man of Peace

4. Tuệ Sỹ: Tựa ‘Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng’

5. Huỳnh Kim Quang: Đọc sách “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

6. Lễ tưởng niệm Đại tường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN

7. HT Thích Nguyên Siêu: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Người “Đã về” và hôm nay “Đã tới”

8. HT Thích Thái Hòa: Mùa xuân chuyển hóa

9. Minh Hải: Thiền sư Nhất Hạnh: Bậc Thầy tâm linh vĩ đại

10. Nhất Thanh: Nghe tiếng hoa khai