Monday, August 22, 2016

Bạch T. Phượng - KỶ NIỆM VỀ THẢO


KỶ NIỆM VỀ THẢO

Bốn mươi ba năm về trước, gia đình chúng tôi có duyên được đón Thảo về sống chung cùng mái ấm. Ba tôi là con trai trưởng của dòng họ Bạch. Ba mẹ cưới nhau gần tám năm mới sanh được chị Hai. Rồi sau đó tuần tự chị Ba, chị Bốn, tôi, em Hoa & em Xoa ra đời. Tất cả là sáu cô con gái. Mẹ muốn Ba có con trai để nối dõi tông đường; mẹ khuyên ba đi lấy vợ bé. Nhưng ba không chịu. Thay vào đó, Ba xin Thảo về làm con Trai. Ba Mẹ muốn Thảo là đứa con hiếu hạnh. Nên ba Mẹ đặt tên cho em là Bạch Xuân Thảo. Một năm sau Mẹ tôi được thọ thai, lần này mẹ sinh được con trai. Ba mẹ muốn con được luôn mạnh khoẻ, nên ba mẹ đặt tên con trai út là Bạch Xuân Phẻ.

Thảo có làn da trắng, sống mũi cao. Đôi chân mày của em đẹp như tranh vẽ. Lúc mới về nhà, em ca hát thật kháu khỉnh, dễ thương. Rồi tự dưng em bị té đùng, chân tay cong quẹo. Mặt em nghiêng, miệng xùi bọt mép. Ba mẹ rước thầy thuốc về, và thầy bảo ,Thảo bị bệnh kinh phong. Ba mẹ tận tình cứu chữa, nhưng em không bớt. Hồi ấy ở quê chỉ điều trị bằng thuốc nam thôi, bệnh của em chỉ được cầm chừng chứ không dứt hẳn. Mỗi lần lên cơn, Thảo hay bị té. Người nhà xoa bóp hai bên thái dương. Thảo thường ngủ một hồi lâu, sau đó thì thức dậy ca hát rồi đi chơi.
Thảo lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và lối xóm. Chúng tôi thương Thảo như em ruột. Mỗi lần Thảo muốn kể chuyện với mấy chị em gái, Thảo thường hỏi. " Bà biết gì không? " , rồi sau đó chúng tôi được nghe Thảo kể...
Trong mấy chị em, Thảo thương em Phẻ nhất nhà. Có anh em nhà nọ chọc rằng anh em hắn thân nhau hơn,Thảo trả lời:
"Hai anh em mình như cái tình mấm ruột,
Hai anh em nó như cái cục cức heo!"


Ba Mẹ cho em đi học trường làng. Trường không có lớp học riêng cho người bệnh, nên Thảo học lớp bình thường cùng các bạn làng. Mỗi khi Thảo bị lên kinh phong, lớp học đành giáng đoạn. Một số bạn không thích nên chọc Thảo " Mỹ lai mười hai lỗ đít". Học đến lớp ba, Thảo biết đọc và viết tiếng Việt em đã bỏ không thèm học nữa.


Hồi ở Đầm Sen trong thời gian trị bệnh cho Thảo trước khi đi Mỹ.  Chú Tùng, cô Tâm, và mấy chú quản lý ở trại ai cũng thương và khen Thảo có Hiếu. Có lần trên đường Thảo và tôi ở bệnh viên về, Thảo bị lên cơn. Chú Tùng đang đi xe con đã dừng xe lại và chở chúng tôi về. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử của chú. Và từ đó, Thảo rất thương mến chú Tùng. Khi gia đình chúng tôi được đi Mỹ, mấy cô chú đã đưa ra tận phi trường.


Đến Lincoln, Nebraska. Gia đình chúng tôi đã sống ở đấy được tám năm. Gia đình thường xuyên sinh hoạt ở đạo tràng Linh Quang. Ở nơi ấy nhiều cô chú đạo hữu cũng yêu mến Thảo. Lúc duyên lành đưa gia đình tôi về Sacramento, California Thảo và gia đình đã thường xuyên về chùa Kim Quang sinh hoạt. Quí Thầy và nhiều cô chú cũng thương Thảo lắm. Mỗi lần lễ lớn Thảo về chùa nhặt rác, Thảo làm say mê, không chút phàn nàn. Thảo đã được thầy Thiện Duyên ban thưởng. Thầy Thiện Nhơn cũng thương Thảo vô cùng. Mỗi khi Thảo chưa chịu ăn cơm chúng tôi nhắc mà Thảo không chịu ăn, chúng tôi nhờ Thầy, Thầy đến bảo là Thảo nghe lời Thầy ngồi xuống ăn cơm.


Thảo có hiếu với ba mẹ lắm. Nhất là Mẹ. Có chuyện gì Thảo cũng kể cho Mẹ nghe. Ai thương tưởng gì, Thảo cũng để giành tặng Mẹ. Ngày Mẹ sắp trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi đưa Thảo vào bệnh viện thăm Mẹ. Thảo đã đứng cầu nguyện suốt mấy tiếng đồng hồ, nhất tâm nhất niệm cho Mẹ được vãng sanh. Giờ Mẹ mất chưa tròn một năm, em đã bỏ Ba và gia đình để đi theo chân Mẹ.


Thảo ơi! Chị và gia đình thương em quá đỗi. Em sống khôn thác thiên ráng nương nhờ cõi Phật. Chị và đại gia đình cùng tăng chúng cầu nguyện cho Em được vãng sanh Cực Lạc Quốc.


Nam mô đạo sư tiếp dẫn A Di Đà Phật.

Ngày em mất...
August 21, 2016
Chị Sáu

CÁO PHÓ VÀ CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thursday, August 18, 2016

Cuộc Sống


Cuộc Sống 

Cảnh đời 
bọt sóng vỡ tan
Lợi danh hư ảo hai hàng lệ rơi
Biển trăng
chèo quẫy vỡ rồi...

Wednesday, August 17, 2016

Hồng Hà: Trãi nghiệm Kỳ Co – Nhơn Lý, Quy Nhơn

Xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả Hồng Hà. Hồng Hà là đứa cháu ruột, luôn nghĩ tốt về quê hương và tìm mọi cách để giúp đỡ xã nhà và quê hương. Cháu học ngành du lịch và quản trị tại Đại học Hoa Sen. Cháu đã làm nhiều năm với công ty du lịch và quản lý Tà Lài (Ta Lai Longhouse Cát Tiên National Park). Nay cháu sắp đi học Thạc sỹ về Quản lý du lịch Erasmus Mundus European Master in Tourism Management tại Âu Châu.







Hai đứa cháu gái chân dài đi lượm rác của tôi đây nè - Photos: Hồng Hà

Trãi nghiệm Kỳ Co – Nhơn Lý, Quy Nhơn
Bài viết này không với mục đích phê phán, chỉ đơn giản là mang tinh thần xây dựng cho ngành du lịch quê hương và cuộc sống nói chung tốt đẹp hơn.
Quy Nhơn, ngày 15/08/2016
Là một người con được sinh ra ở mảnh đất Nhơn Lý, được trãi qua một tuổi thơ đáng nhớ với nắng, gió và biển, rất tự nhiên trong tôi tồn tại một tình cảm sâu lặng với biển và quê hương, dù là sống ở trên đảo chỉ 11 năm trọn vẹn tuổi thơ...
Nhân dịp một cô bạn người Pháp về thăm quê mình, sau một ngày dẫn cô bạn rong chơi thành phố Quy Nhơn, đã đi qua những địa điểm không thể thiếu như Tháp Đôi, mộ Hàn Mặc Tử, nhâm nhi ly nước ngắm bãi biển thơ mộng của thành phố; ngày hôm sau, chúng tôi háo hức đi Đảo Kỳ Co - Một địa điểm mới nổi của ngành du lịch tỉnh nhà. Thời còn là con bé khờ sống trên bán đảo, tôi đã được ba, các chú, ông nội, hàng xóm, mấy đứa bạn nói nhiều về Kỳ Co, về cái đẹp hoang sơ của nó, từ đó trong đầu luôn nung nấu ý định sẽ dong thuyền ra đảo vào một ngày nào đó.Vậy rồi, cơ hội cũng đến...
Ngày chủ nhật, mây mù và vài giọt mưa rớt xuống, chà! xem ra thời tiết có vẻ không ủng hộ hai đứa lắm, nhưng rồi mặt trời cũng lên, xua đi đám mây xám xịt. Hai đứa leo lên xe máy, chạy một mạch chừng 30 phút Đến Nhơn Lý.Trên đường đi, cô bạn được ngắm nhìn thành phố từ cây cầu Thị Nại dài thường thượt, ngắm những đồi cát lưa thưa trên mảnh đất rộng lớn. Riêng tôi, nhìn chúng mà lòng có chút buồn miên mang; nhớ lại thời trẻ trâu, chạy nhảy trên những đồi cát cùng nhóm bạn, lăn mình hết đồi này đến đồi khác, cảm nhận cái mịn màng và nóng hổi của cát trắng. Thời ấy, cả một vùng là đồi cát mênh mông như sa mạc, đúng rồi, chỉ có biển và cát... Một con gió thổi mạnh vào mặt, làm tôi tỉnh lại với cái thực tại, thay cho những đồi các nối dài là một vài nhà máy thưa thớt, hay bãi đất trống phẳng lỳ, vài dãi cát cuốn theo cơn gió. Ooh, thì ra cái người ta gọi là "phát triển kinh tế" là đây, đất cát cứ thế mà biến mất, còn nhà máy, nhân công, khu công nghiệp thì vẫn chưa thấy đâu...Suy nghĩ mông lung được một lúc, thì cái làng nhỏ bé của tôi cũng dần hiện ra, không còn xuất hiện một cách thơ mộng bên dãi cát trắng và biển xanh như mấy năm về trước, mà ngôi làng lấp ló sau lưng một dãy khách sạn đồ sộ, chạy dọc chừng 2.5km theo bờ biển, rồi những công trình dở dang với máy móc, vật liệu, dụng cụ, xe tải..dần dần đập vào mắt. Thấy người ta đào đất, làm đường mà mình cảm giác có chút đau, đau cho Thiên Nhiên đang bị xâm phạm như bao nơi khác. Thôi thì, ai cũng hiểu là để phát triển du lịch, phát triển kinh tế, không thể nào tránh khỏi việc đào đất, lấp biển, chặc cây nếu nó là điều phải làm.
Chúng tôi đến gần hơn tới khu nghỉ dưỡng, thay vì đi thẳng như những lần trước, tôi phải quẹo sang phải để đi vào làng cách chừng 1km. Con đường nhỏ hơn, uống lượn theo đồi cát, vẫn đang được xây dựng, nhìn nó cũng khá là tươm tất. Mới được biết, tập đoàn FLC – Chủ của khách sạn đã lấy con đường chính và xây đường phụ cho người dân đi; có vẻ lòng dân Nhơn Lý không được thuận với quyết định này, mà lòng cán bộ thì chẳng khó để bị thuyết phục. Âu cũng là chuyện thường nghe và thường thấy ở nước mình. Chật! sống tiếp với lũ thôi.

Tôi lái vòng vèo được một lúc rồi cũng tới nơi. Điểm dừng chân là nhà hàng Hướng Dương, ở Eo Gió. Với tôi, Eo Gió chẵng phải xa lạ gì, cái nơi mà Tết nào tôi cùng lũ bạn xúng xính bộ đồ mới, đi hái dú dẻ, leo trèo hết hòn đá này tới hòn đá khác; hay những dịp nghỉ hè, cùng đám bạn thời loi nhoi, bắt ốc, nấu chè chỗ mấy tảng đá, ăn no nê rồi thì tắm biển, phơi khô người mới đi về, nhờ vậy mà mình có làn da nâu nâu tới bây giờ! Hồi đó, Eo Gió nằm đơn sơ bên cạnh ngôi chùa nhỏ, có bãi cỏ trống cho lũ bò ăn, và cây dại cho cả đàn dê núi, ấy vậy mà bây giờ nhìn thật không ra, bãi cỏ biến thành bãi đỗ xe máy, xe ô tô, khách đến nhộn nhịp như bao điểm du lịch khác.

Đến nơi, đậu chiếc xe máy bên quán đối diện, chúng tôi đợi một lúc chẳng thấy ai đón mình (dù đã liên hệ trước mấy phút), thế là hai đứa ra quán cà phê cóc chờ đợi. Không lâu sau, một thanh niên còn trẻ đi thủng thẳng đến, bảo chúng tôi đợi thêm chút nữa vì đang phải gom đủ khách từ các anh “cò” tour, uh! thì đợi, cũng không việc gì phải vội. Sau hơn 20 phút kiên nhẫn, chuyến đi mới thực sự bắt đầu; hai chúng tôi cùng một gia đình 4 người khác đi bộ theo anh hướng dẫn, len lỏi qua làng chài Trung Lương, không lâu sau thì đến bãi biển, nơi có vài chiếc cano đợi sẵn. Đó là một chiếc cano khá đẹp, còn mới, đủ cho 10-15 người ngồi; chúng tôi được trang bị áo phao cho mặc. Có một chi tiết mắc cười mà tôi không muốn bỏ lỡ; trong lúc đứng chờ để lên cano, thì một người đàn ông trung niên, ngực trần chạy đến, với giọng miền Bắc đặc trưng, anh ta bảo “ em lấy trái bắp lên đi” ( lúc ấy tôi đang giữ 2 trái bắp trong cái túi nylon), chưa hiểu mô tê gì, thì anh ta lại nói tiếp: “ Em cầm trái bắp trên tay đi”, tôi hỏi: “ Để làm chi ah?”, anh ta hồn nhiên đưa đôi dép ra và trả lời “ để anh lấy cái túi nylon cho đôi dép này”=.= !!! Tôi đơ người ra mấy giây, sau đó mới trả lời“Em cũng cần cái túi này, anh đến hỏi thuyền trưởng đi”.Thật ra chẳng phải mình keo kiệt chi một cái túi nylon, chỉ muốn cho anh ta hiểu không thể tự nhiên yêu cầu người lạ một cách vô duyên đến vậy. Đến cô bạn cũng phì cười vì hành động kì lạ này của người đàn ông.

Sau khi đợi cả đoàn mặc xong áo phao, chúng tôi leo lên cano và máy đã nổ. Chiếc cano lao nhanh trên biển, băng qua lần lược các dãy núi đá. Nhìn cảnh tượng lạ mà quen, ngộ là khung cảnh giống những gì mà tôi hay thường mơ, tôi mơ thấy mình bơi ra biển, vòng qua eo núi, đến một bãi cát trắng và bơi tiếp đến một gành đá khác…khung cảnh tôi đã chứng kiến không khác là mấy, chỉ thiếu bãi cát trắng ở giữa. Nhìn mặt nước xanh ngát, đại dương mênh mông, hùng vĩ, thật phấn khích và sản khoái! Sau chừng 15 phút trên cano, chúng tôi đến bãi Kỳ Co, nó là một bãi biển dài chừng 1km, trắng muốt, nước biển trong veo màu xanh ngọc, đúng như lời đồn đại, đẹp thật! Trên bãi cát,  có chừng 7 cái chòi lá do một công ty nọ đầu tư xây dựng rồi cho các đơn vị kinh doanh du lịch thuê, riêng FLC được có một khu vực riêng, và có cả cầu cảng để cano cập bến. Thuyền chúng tôi và một số cano khác, vì lý do nào đó không vào cầu mà đi thẳng vào bãi. Khách được hướng dẫn lên cái chòi chỉ định, chúng tôi được sắp xếp một góc nhỏ trên chòi lá, mỗi chòi có một banner nhỏ đề tên đơn vị kinh doanh du lịch. Tôi nghĩ đây cũng là một ý tưởng hay để du khách có nơi nghỉ chân, ăn uống và ý tưởng này giúp đơn vị quản lý tốt hơn.

Sau khi ổn định, chúng tôi quyết định đi loanh quanh đảo xem có gì hấp dẫn. Nhìn lên vách núi, tôi thấy một con đường cement nhỏ; ah, hóa ra tập đoàn FLC cũng xây đến tận đây rồi! Họ làm con đường nhỏ nối từ khu resort theo đường núi đến tận đảo; nhìn các ngọn núi nham nhở bởi bị đào xới, tôi tưởng tượng con đường cement cứ như một vết sẹo dài trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng thiên nhiên. Trên một vách núi khác, có thể thấy dấu tích của một dòng suối nhỏ, chảy ra từ khe núi. Thật đáng tiếc, người ta chặn mất dòng chảy để lấy nước về sinh hoạt cho hoạt động trên đảo. Một nét đẹp thuần khiết nữa lại bị biết mất.

Tiếp tục đi men theo đường bờ biển, chúng tôi thấy những hang đá nho nhỏ, cũng là nơi tạo bóng mát tự nhiên trên đảo. Rảo bước qua những cái hang chúng tôi đến một góc khuất rất đẹp, bị bao bọc bởi các tảng đá lớn, có bãi cát và cây cối bên trong. Buồn thay, người ta đã xây khung sắt và bạc che mát cho du khách trên đỉnh của hai vách đá, bên dưới,ngay tại lối vào, có hai nhóm du khách đang ăn uống vui vẻ, vỏ bia, túi nhựa, thức ăn nằm rải rác xung quanh. Chúng tôi xin phép đi qua hai nhóm, vào sâu hơn bên trong, khung cảnh thật dễ thương với những lùm cây nhiệt đới xanh tươi, có cây mọc xen kẽ các vách đá, nhìn chúng thật xanh tươi và dịu ngọt, có cảm giác như đang lạc vào một hòn đảo hoang sơ trong một bộ phim nào đó. Niềm hân hoang chẳng kéo dài được lâu, chúng tôi, một lần nữa bị lôi ngược về thực tại bởi cái hình ảnh xấu xí, thường thấy ở các điểm du lịch của Việt Nam, Rác! Bịch nylon, nước suối, vỏ bia, gói mỳ, v.v nằm trong các ngóc ngách và lùm cây, không khó để nhìn ra chúng từ xa! Đi du lịch vài nơi, tôi đã khá quen với cảnh tượng này, chỉ có cô bạn tôi là lắc đầu tỏ ra không hiểu.

Tiếng cười hô hố từ hai nhóm du khách đang ăn uống phát ra đột ngột, dù muốn ở lại lâu hơn một chút để ngắm nhìn, chúng tôi vội chụp vài tấm hình rồi bước ra. Tiếp tục men theo bãi biển, tôi bắt gặp một người đàn ông đang ngồi dưới bãi cát làm cá, một thói quen thường thấy của các ngư dân trên đảo quê tôi. Nhưng, thói quen lúc này có chút không hay vì rất gần đó, có nhiều du khách đang tắm biển. Không nghĩ là người đàn ông này ý thức tác động của việc mình đang làm, tôi đến gần và nói: “ Có rất nhiều người đang tắm gần đây, sao anh không làm cá ở chỗ nhà chòi, cho khỏi bay mùi tanh khi khách đang tắm? Làm vậy nước biển bị hôi và dơ nữa” anh ta tiếp tục làm và nói: “Biển lớn như zầy làm sao dơ được” vừa nói vừa vứt cái đầu cá ra con sóng, máu tang ra và biến mất, các bịch nylon cũng được người đàn ông ném nhiệt tình xuống biển. Chịu hết nổi, tôi nhờ cô bạn cầm hộ cái điện thoại, chạy tới chỗ con sóng để lấy mấy cái bịch lên. Trong đầu biết bao suy nghĩ mông lung, càng bước tiếp càng thấy các chai nhựa, lon bia, khẩu trang, v.v nằm lấp ló dưới cát…Sẵn cái túi đang cầm, chúng tôi vừa đi vừa nhặt, bỏ vào túi, chẳng bao lâu nó đã đầy. Tôi bèn nảy ra một ý, và quay sang hỏi cô bạn: “I’ve got an ideaDo you want to pick up the trash with meYou will become a very sexy trash collector” và được cô bé hưởng ứng nhiệt tình với nụ cười dễ thương trên môi, thế là chúng tôi đến cái chòi gần nhất để xin thêm túi đựng rác. Đến hỏi chuyện mới biết, có một công ty phụ trách thu gom và xử lý rác, có hai nhân viêc phụ trách nhặt rác mỗi ngày, rác được công ty thu gom chuyển đi xử lý, nhưng nó được chuyển đi đâu và xử lý như thế nào thì mọi người chưa rõ… Được anh nhân viên thu rác cho một cái túi đen to, hai chúng tôi vừa đi vừa nhặt, chẳng ngạc nhiên khi nhiều ánh mắt tò mò dõi theo. Hình ảnh hai du khách nhặt rác (đặc biệt là một người nước ngoài) là cái mà tôi nghĩ sẽ tác động tích cực đến người nhìn. Thật vậy, một số bạn trẻ đưa rác cho chúng tôi, hoặc bỏ vào vào bao, một nhóm khác vừa đi vừa cùng chúng tôi nhặt lên, Jeanne ( tên cô bạn Pháp) thu hút nhiều quan tâm của du khách xung quanh, có vài người đến lân la đến bắt chuyện, làm quen và cùng nhặt rác….Thông qua việc làm nhỏ này, chúng tôi tin và hy vọng một số người đã thay đổi cách vứt rác của mình, mặc dù một số khác có thể cho chúng tôi là hâm hay dở hơi, nhưng ít ra, nó đã có tác dụng.

Túi rác khá đầy, chúng tôi lôi nó về lại hướng chòi, rồi giờ cơm cũng tới. Có hai nhóm khách cùng chòi đang ăn uống rất vui vẻ, bên dưới chòi là các túi rác và vỏ chai tương tự như bao chòi khác. Anh hướng dẫn hiểu ý và nói là sẽ nhặt và thu gom lại sau. Món ăn được dọn ra, canh mức tôm, cá nướng cuốn bánh tráng, ốc vú nàng nướng, gỏi rong biển, tôm luộc…món nào cũng tươi ngon, hai đứa ăn ngon lành với cái bụng đang đói!

Sau bữa ăn, chúng tôi còn dư chút thời gian để tắm biển, nước biển xanh trong, mát rượi và mặn chát ở đầu lưỡi. Chìm mình trong nước, tôi như được quay lại cái cảm giác thời thơ ấu sống trên đảo. Vùng vẫy một lúc thì gặp một anh chàng nói tiếng Anh kha khá tới làm quen, nói một hồi hóa ra là người cùng quê, cũng dẫn bạn đi Kỳ Co chơi, rồi anh ta chỉ tay đến anh chàng người Mỹ nọ, một giáo viên tiếng Anh của trường RMIT, anh người Mỹ này đã ở Việt Nam được bốn năm, và biết chút tiếng Việt. Mình hỏi vì sao lại đến nơi này, thì ra anh ta cũng có bạn bè ở Quy Nhơn giới thiệu đến, và đã nghe nói về Kỳ Co khá nhiều. Nghe xong, trong lòng vừa thấy vui vì quê hương nhỏ bé của mình đang dần được biết đến rộng rãi, vừa chùng lại khi hiểu rằng đây là dấu hiệu của Mass Tourism (du lịch đại trà) đang đến ngôi làng yên bình của mình.

Đang chat chit thì nghe tiếng gọi ý ới của chủ cano, đã đến lúc lên đường lặn ngắm san hô rồi, chúng tôi háo hức chạy lên bờ và gói gém đồ đạc. Cũng là con thuyền đó, nhưng lần này chở quá hơn 20 người, đông đến chẳng còn đủ chỗ để ngồi, trên thuyền có nhiều trẻ em phải ngồi trên đùi người lớn. Nhận thấy cano đã quá tải, chúng tôi quyết định xin xuống cano chờ chuyến khác, nhưng rồi các bác tài cản lại, bảo là cứ yên tâm không sao đâu, một vài hành khách cũng cho là chẳng có gì đáng lo, rồi cano bị đẩy ra xa bờ, chúng tôi đành về lại chỗ ngồi với cái bụng nôn nao. Cano nổ máy, nhả ra những làn khói đen xì, phóng về phía trước…Điểm dừng là những bè nổi trên biển, sát gành đá, cách điểm xuất phát không xa. Lúc đầu tôi nghĩ các bè nổi này là những lồng nuôi cá, hóa ra dùng cho hoạt động lặn ngắm san hô. Hôm ấy, gió to và sóng vỗ mạnh, các thuyền viên nói không phải là ngày tốt để ngắm san hô, tháng tốt nhất là vào tháng Tư và tháng Năm âm lịch, lúc ấy con nước trong chứ không đục và gió lặn hơn. Nhìn những bè nổi bấp bênh, sóng vỗ mạnh vào bè, tôi không nghĩ là mình sẽ thích ngồi trên đó, cô bạn Jeanne lại cảm thấy không khỏe, vậy là chúng tôi đãnh bỏ lỡ dịp này và thẳng tiến về bờ. Kết thúc chuyến tham quan Kỳ Co.

Với cái nhìn của người làm trong nghề du lịch và qua những gì tôi đã trãi nghiệm trong chuyến đi, tôi không cho Tham quan Kỳ Co là một sản phẩm du lịch đúng nghĩa, mà chỉ đơn thuần là một hoạt động du lịch tự phát, du khách sử dụng dịch vụ cơ bản của người dân địa phương như thuyền, thức ăn, nhà chòi. Chưa có lịch trình cụ thể, chính sách giá, hướng dẫn viên (HDV) chuyên môn, bảo hiểm du lịch, và các yếu tố khác có liên quan. Có thể nói, hoạt động du lịch hiện giờ vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có yếu tố chuyên môn trong khâu tổ chức nên còn nhiều mặt khiếm khuyết.

Nói đến phát triển du lịch, không thể chối bỏ lợi ích tích cực của ngành du lịch như giao thoa văn hóa,  hiện đại hóa cuộc sống, giao thông phát triển,v.v… mà đặc biệt là mang đến việc làm và thu nhập tốt cho một nhóm người dân địa phương, trong khi việc làm đang là một bài toán khó của xã, vì thiếu việc làm nhiều bạn trẻ và gia đình bỏ xứ đi xa để mưu sinh. Thế nhưng, điều gì cũng có hai mặt, và mặt trái của phát triển du lịch không phải là ít, có thể liệt kê sơ qua như: phát sinh các tệ nạn chèo kéo du khách (đã thấy ở hiện tượng cò tour), vấn đề an toàn cho du khách chưa được đảm bảo, mà nghiêm trọng hơn là ô nhiễm môi trường thông qua lượng rác tại điểm tham quan, khói thải ra từ các cano du lịch. Tác hại hay nguồn lợi chỉ có thể được giảm thiểu hay nhân lên dưới sự theo dõi, giám sát và điều tiết một cách chặt chẽ của cấp quản lý nhà nước địa phương. Hiện nay, tôi đang băn khoăn không biết địa phương có giải pháp hay chiến lược nào trong quản lý du lịch, một ngành kinh tế còn quá mới vừa du nhập vào xã đảo?

Dựa vào kinh nghiệm của riêng mình sau 5 năm làm việc trong ngành Du Lịch, phụ trách việc thiết kế tour, điều hành tour, quản lý khách sạn, và tổ chức sự kiện thể thao mạo hiểm, và kết hợp với trãi nghiệm của bản thân tôi qua những điểm du lịch đã từng đi qua trong nước và vài nơi ở Đông Nam Á. Tôi có một số đề xuất cho việc quản lý du lịch tại địa phương Nhơn Lý như sau:
1.     Thành lập Ban Quản lý Du Lịch xã đảo. Trong đó, có đội tuần tra cảnh sát du lịch tuần tra và cứu hộ trên biển.
2.     Đào tạo đội Hướng Dẫn Viên địa phương, có kiến thức và nghiệp vụ du lịch, hiểu biết về văn hóa bản địa, và được huấn luyện thành thạo kỹ năng sơ cứu thương, đặc biệt là cứu hộ trên biển. Các đơn vị tổ chức kinh doanh du lịch bắt buộc phải có đội HDV đã qua đào tạo nghiệp vụ.
3.     Rà soát và lập danh sách các đơn vị kinh Doanh Du lịch. Đưa ra tiêu chuẩn về phương tiện, nhân sự, cam kết môi trường, an toàn thực phẩm,v.v trong kinh doanh du lịch biển đảo. Chỉ cấp giấy phép cho những đơn vị đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này, đặc biệt các đơn vị phải thực hiện bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các rặn san hô xử lý rác thải.
4.     Thiết lập nội quy và hình thức xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định khi tham quan hay kinh doanh du lịch.
5.     Đưa ra sản phẩm, giá cả, chương trình du lịch cụ thể. Tránh tình trạng cạnh canh không công bằng giữa các đơn vị kinh doanh.
6.     Nâng cấp trạm y tế địa phương, sẵn sàng khi du khách cần đến
7.     Cần có văn phòng tiếp khách du lịch, xử lý những vấn đề phát sinh của du khách.
8.     Bảo vệ tuyệt đối rặn san hô, không cho khách bẻ san hô mang về nhà.
9.     CẤP THIẾT: Chú trọng thu gom và xử lý rác thải, nước thải, nghiêm cấm xả rác, có thể yêu cầu du khách mang túi nylon lên đảo, phát túi giấy thay thế. Nghiêm khắc thực hiện điều này sẽ giúp địa phương tránh lặp lại các bài học sai lầm về ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch khác như Vũng Tàu và Phan Thiêt. Nên nhớ, một điểm tham quan dù đẹp đến mấy mà đầy rác sẽ mất dần du khách và đến một lúc sẽ không còn ai muốn đến.
Những đề xuất trên mang tính chất sơ bộ và cần có thời gian tìm hiểu thêm về đặc tính của địa phương để đi vào chi tiết. Điều cấp thiết hiện giờ là Chính quyền địa phương cần phải có Đội quản lý hoạt động du lịch, tuyển chọn những thành viên có đủ kiến thức và tâm huyết để phụ trách việc khảo sát, nghiên cứu cụ thể hơn tình hình hiện tại và lên kế hoạch phát triển ngành du lịch địa phương trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đội quản lý sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động, định hướng, và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Nhờ vậy, ngành du lịch địa phương, trong tương lai sẽ phát triển một cách bền vững, và không chỉ mang lại nguồn lợi dài hạn cho người dân, mà còn bảo vệ được môi trường sống tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, và đây cũng là xu hướng phát triển du lịch chung của thế giới hiện nay.

Nguyen Thi Hong Ha
Bachelor of Tourism & Hospitality Management
Mail Add: hhanguyenvn@gmail.com
Skype: ivy.nguyen2013

Monday, August 15, 2016

Kiếp Phong Trần


Kiếp Phong Trần

Đi hoang nửa kiếp phong trần
Sông dài biển rộng bao lần ngược xuôi
Trăm cay đắng trăm ngậm ngùi
Thấy trong tuyệt vọng niềm vui trọn đầy

Bao hạnh phúc ai dựng xây
Có mầm đau khổ khói mây bập bềnh
Sợi mưa vạt nắng không tên
Mà sao thanh thản… bồng bềnh… thong dong


Đi hoang mới biết long đong
Rọi soi cõi vắng mênh mông bạt ngàn
Vô chung vô thuỷ hợp tan
Nghiêng vai trút hết … trăng vàng vừa lên.










Wednesday, August 10, 2016

THÔI MÀ, TA THƯƠNG NHAU TÝ NỮA

Đây Gia Đình, cùng nhau chung thân ái... Photo: Miền Quảng Đức's fb.
THÔI MÀ, TA THƯƠNG NHAU TÝ NỮA
Ở đâu cũng vậy
gia đình nào
tổ chức nào
xã hội nào
cũng có những điều tuyệt vời
lý tưởng và nhân bản
nhưng cũng có những vụng về
khuyết khiếm...
Thôi thì, mỗi khi ta nhận chân
Xin hãy ôm ấp, gìn giữ cho nhau
yêu thương
đùm bọc và nâng đỡ
để làm lợi ích cho muôn loài chúng sanh

Monday, August 8, 2016

IN THE STILLNESS - TRONG SỰ TĨNH LẶNG

Spirit Rock Meditation Center - Photo: BXK
Nơi yên tĩnh - Photo: BXK

IN THE STILLNESS

It is a windy afternoon
The forest is orchestrating 
The grass is dancing
The sun is radiating
The insects are singing
The robins are picking food 
The lizards are sun-bathing
And the yogis are practicing...
Compassion and kindness.

TRONG SỰ TĨNH LẶNG

Một buổi chiều lộng gió
Cánh rừng đang dàn dựng buổi hoà tấu
Cỏ cây đang nhảy múa
Mặt trời đang tỏa sáng
Những con côn trùng ca hát
Chim họa mi vẫn đang tìm thức ăn
Những con thằn lằn đang tắm nắng
Và những hành giả đang thực hành...
Từ bi và Tử tế.

Monday, August 1, 2016

Chùm thơ Ngắn về Biển, Cá và Quê Hương

Vũng Nồm Nhơn Lý - Photo: NhơnLy's friends.
Về Với Sóng Cát
Phút hiện tại
Nắng chói chang
Biển thênh thang
Miền hạnh phúc


Đời Biển  

Nơi xưa chốn cũ
Cá đâu hôi tanh?
Cuộc sống trong lành
Biển là sự sống!



Ngủ Cùng Trăng
Làng xưa trăng sáng
Không tham không cầu
Đói thì ra biển
Mệt vùi cát đêm.



Vì Ai Nên Nỗi
Trăng quê hương
Luôn sáng tỏ
Điều chưa rõ
Sao hững hờ?

Cá và Người
Với tay
Vớt cá chết tươi
Mà sao ám ảnh mảnh đời ngư dân
Mồ hôi
Nước mắt bao lần
Đổ dài ra biển trăm lần ngược xuôi
Đời phù du 
Cá chết tươi!


Thái Bình Dương
Trên mặt biển
Đời nổi trôi
Lênh đênh hồi
Theo vận nước!

Giấc Mộng  
Nghe biển chết
Tim nghẹn đau
Đá vỡ đầu
Vừa chợt tỉnh!



Sunday, July 31, 2016

HAI VỊ TÔN SƯ: Cố Hoà thượng Thích Thiện Trì và Hoà thượng Thích Minh Đạt

Tượng Tưởng niệm Hoà thượng Thích Thiện Trì tại Chùa Kim Quang, Sacramento, CA.

và Hoà thượng Thích Minh Đạt


Hoà Thượng Thích Thiện Trì – Chúng Trung Tôn
Chúng tôi vốn là hàng hậu học và đến với Phật giáo thật sự chỉ khi bước vào ngưỡng cửa Đại học, trường University of Nebraska – Lincoln, lúc đó nhân duyên chỉ đủ để sinh hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật Tử và cộng đồng, nhưng thiếu phần tu học nghiêm túc. Mãi đến khi chuyển về UC Davis để học chương trình hậu đại học thì mới có cơ duyên học Phật và thực hành Phật pháp. Trong số nhiều những vị ân sư, tôn sư của chúng tôi, có cố Hoà Thượng Thích Thiện Trì và Hoà Thượng Thích Minh Đạt mà chúng tôi hôm nay mạo muội viết về hai Thầy như một sự tưởng nhớ trong tinh thần và văn hoá ưu việt của Dân tộc Việt Nam đó là: Nhớ ơn, biết ơn, và đền ơn.

Hoà thượng Thích Thiện Trì thường dạy cho hàng Huynh trưởng: “Các con sinh hoạt cho đàng hoàng, đi đâu cũng đàng hoàng, làm gì cũng đàng hoàng vì mình là người con Phật.” Đối với quý bác trong đạo tràng, Thầy dạy: “Quý vị hãy tinh tấn tu học vì nếu không tu thì mình mãi mãi lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi khổ lắm. Hãy chuyên cần tu tập. Đến với công chúng, Thầy lại khuyên bảo: “Từ cái mạnh đến cái mạnh thì rất dễ, từ cái yếu đến cái mạnh mới là cái mạnh thật sự.”

Khi tôi đến sinh hoạt với GĐPT Kim Quang vào năm 1999 thì Thầy đã ngã bệnh, nhưng chúng tôi vẫn học được những bài học vô giá qua thân bệnh của Thầy. Thầy luôn bảo, Phật ở trong tâm Thầy và ở trong tâm con và luôn nhờ vả hay nhắc nhở đọc kinh cho Thầy nghe, nhưng thực sự là đọc cho chính bản thân mình vì khi đọc sai thì Thầy đều biết là mình sai chỗ nào. Đây là tiểu sử chi tiết có cập nhật mà Thầy Thích Viên Lý và chúng tôi trong Ban Thư Ký, viết về Hoà Thượng khi Thầy thu thần thị tịch.

Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Duy Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự Thiện Trì, Pháp hiệu Ấn Ðạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Thầy sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thầy xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ và thân mẫu của Thầy đã khuất và Thầy có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái. Trong đó có 3 người con trai đã xuất gia đầu Phật, là bản thân Thầy, Hoà thượng Thích Thiện Hữu, và Thượng toạ Thích Viên Mãn mất vừa vài năm trước.

Nhờ túc duyên thù thắng nên khi vừa tròn 17 tuổi, ý thức được lẽ vô thường sinh diệt và thực trạng khổ đau của cuộc đời, Ngài đã phát tâm thế phát xuất gia để noi theo hạnh xuất trần thượng sĩ. Khởi đầu, Ngài xuất gia với Cố Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu trụ trì Tổ Ðình Thập Tháp, Bình Ðịnh. Sau thời gia tu học tại Tổ Ðình Thập Tháp, nhận thấy Ngài là bậc thông minh dĩnh duệ, nên Hòa thượng bổn sư đã gởi Ngài đến tu học tại Tổ Ðình Sơn Long, Tuy Phước. Sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch năm 1965, Ngài cầu pháp y chỉ với Hòa Thượng thượng Kế hạ Châu là sư thúc của Ngài và được ban cho Pháp hiệu Thích Ấn Ðạo. Hòa Thượng thọ Ðại Giới năm 1968 tại Phật Học Viện Trung Phần Hải Ðức, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng chương trình Phật Học Chuyên Khoa Liễu Quán tại Tổ Ðình Linh Quang, Huế, năm 1971, Ngài được Giáo Hội bổ nhiệm làm Giảng Sư và Giáo Thọ cho nhiều Phật Học Viện tại các tỉnh miền Trung và miền Nam như Giám Thị và Giáo Thọ Phật Học Viện Trung Phần Hải Ðức, Nha Trang; Giáo Thọ Phật Học Ni Trường Diệu Quang, Nha Trang; Giám Học Phật Học Viện Nguyên Hương tại Phan Thiết; Giảng Sư tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn v. v… Do đạo hạnh khả kính, Ngài được cung thỉnh làm trụ trì chùa Kim Quang tại Phan Thiết. Dù Phật sự đa đoan, Hòa Thượng vẫn cố gắng đầu tư thì giờ và tâm lực để phiên dịch và trước tác.
Những kinh điển mà Ngài đã dịch gồm có:
– Kinh Kim Quang Minh, Kinh Dược Sư, Kinh A–Di–Ðà, Kinh Di Lặc, Kinh Bát Ðại Nhân Giác, Phật Thuyết Phân Biệt Kinh, Bát Nhã Tâm Kinh.

Ngoài những dịch phần trên, Hòa Thượng còn biên soạn nhiều bài nghiên cứu lịch sử Phật Giáo hết sức giá trị. Ðã từng là Chủ Nhiệm Tạp Chí Nguyồn Sống và còn là một nhà thơ với những bài thơ thiền vị.

Sau thời gian gặp khó khăn dưới chế độ Cộng Sản và vì chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng đã vượt biển tìm tự do năm 1980 để tiếp tục lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc. Suốt thời gian tạm cư tại trại tỵ nạn Galang, Nam Dương, Ngài đã thành lập chùa Kim Quang, chùa Quan Âm và tận lực hướng dẫn đồ chúng tu học và đã trở thành một biểu tượng ngời sáng làm nơi quy hướng của những người con Phật đang bơ vơ lạc lõng tại xứ người. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1981 Hòa Thượng càng nổ lực hơn nữa trong vai trò của một Trưởng Tử Như Lai, tác Như Lai sứ, thừa Như Lai sự. Những chức vụ mà Ngài đã đảm nhiệm theo thời gian là:
Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sacramento và Trụ Trì Chùa Kim Quang
Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ
Thành Viên Hội Ðồng Ðại Diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo
Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo.

Hoà thượng còn lãnh đạo tinh thần các Hội và Chùa như Chùa Vạn Hạnh, Rochester, NY; Chùa Từ Hiếu, Buffalo, NY; Chùa Quan Âm, Binghamton, NY;Chùa Phổ Quang, Salt Lake City, UT.
Ngoài việc xiển dương Chánh Pháp cứu độ quần sanh, Ngài còn sát cánh với Giáo Hội tích cực vận động cho sự tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ngài là bậc Thầy đặc biệt thương yêu, hết lòng quan tâm nâng đỡ, giáo dưỡng và xây dựng tổ chức Màu Lam Của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Cuộc đời của Ngài là một tấm gương sáng ngời, một bài học sống vô giá qua nhiều khía cạnh nhất là thời gian Hòa Thượng bị bệnh để độ chúng. Dù trải qua thời gian dài với bệnh duyên đầy thức thách nhưng Hòa Thượng vẫn giữ được đạo phong tự tại, uy nguy, thanh thoát của mình và chứng tỏ được đạo hạnh khả kính của một bậc Tôn túc giáo phẩm thạc đức. Ðây là thời gian mà đại chúng học ở Hòa Thượng những bài Pháp không lời đầy đủ khế cơ, khế lý.
Thuận thế vô thường Hòa Thượng đã an tường xả bỏ báo thân lúc 8 giờ 20 tối ngày 31 tháng 7 năm 2003, nhằm ngày mồng 3 tháng 7 năm Quý Mùi tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Thế thọ 69, Ðạo lạp 52, Hạ lạp 36. Dù xác thân tứ đại huyễn hóa của Hòa Thượng không còn nữa nhưng những lời dạy cao quý nhất là những hành hoạt đầy vị tha vô ngã của Ngài đối với Dân Tộc và hình ảnh vấn thân tận tụy hy hiến cho Ðạo của Hòa Thượng vẫn còn mãi trong trái tim của hàng triệu người con Phật.

Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt, nhất tâm cầu nguyện giác linh Hòa Thượng thượng phẩm thượng sanh, bất vi bổn thệ, hồi nhập ta bà để hoàn thành hạnh nguyện độ sanh cao cả.
Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Ðạo giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

Khi Thầy tịch, cố Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang từ Tu Viện Nguyên Thiều, lúc bấy giờ đầu tháng 8, 2003, thay mặt Hội Ðồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có điện thư như sau:

Tôi vô cùng thương tiếc một vị Trưởng tử của Như Lai đã ra đi trong khi Phật Pháp đang cần kẻ xiển dương đắc lực, và ngỏ lời tán thán công đức Hòa Thượng một lòng chia sẻ mọi chướng duyên với Thầy Tổ nơi quê nhà, dốc lòng vấn thân trong công cuộc giải trừ Pháp nạn, gây duyên hòa hợp trong Tăng chúng để cùng tiến bước. Nên tôi có lời kính điếu:
Trời mây nhẹ bước về quê Phật
Ðất nước nặng tình nhớ bóng Thầy
Sự ra đi của Hòa Thượng là một mất mác lớn cho Cộng Ðồng Phật Giáo, nhưng đồng thời dựng lên tấm gương sáng cho Pháp hữu và đàn hậu học noi theo.

Nhân danh Hội Ðồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi chân thành gởi lời phân ưu đến Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ cùng môn đồ Pháp quyến, và nguyện cầu cho Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.
Khi Thầy tịch, cá nhân chúng tôi đã lấy một bài thơ bất hủ, Tĩnh Toạ, của Thầy để viết về người trong một đêm giá lạnh và lẻ loi khi hầu kim quan của Thầy; bài thơ như sau:

 TIỄN THẦY
(Kính dâng Cố H. T. Thích Thiện Trì)

TĨNH lặng tối đầu tiên Thầy tịch
TỌA trai đường nghe tiếng mưa rơi

Biển vẫn vỗ như vọng về tang tóc
Cả thể gian chìm trong nỗi xót xa
Rền khóc vang khắp cõi Ta Bà
Sóng thút thít nghẹn ngào nuối tiếc
Vỗ vào gành gào không kể xiết

Non sông, trò dại sắp long đong
Cao Trường Sơn, đất Mẹ chạnh lòng
Vách núi trơ vơ Thầy vắng bóng
Đá cảm lạnh khi Người ly biệt
Xây tiếng lòng nghe quá xót thương…

Thiền quán lại lời dạy vô thường
Ông bảo đến đi đừng bận
Ngồi quán biết có sinh có diệt
Tĩnh mới hay huyễn tướng diệt sinh
Tọa mới thấu lẽ còn lẽ mất

Lưng chừng thay không thấy diệt sinh
Trời đất cũng tuân lý vô thường
Mây có biến cũng thành nước mát
Trắng và đen, có không, không khác
Bay đậu, mất còn lẽ tự nhiên.

Nhưng có lẽ ngậm ngùi, cảm động và xúc tích nhất là điếu văn Tiễn Biệt Và Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Thiện Trì của GHPGVNTNHN–HK mà nhà văn Vĩnh Hảo chấp bút có tựa là:

LƯNG TRỜI MÂY TRẮNG BAY
Kính lễ Giác linh Cố Hòa Thượng,
Lẽ sinh–diệt còn–mất, hàng trưởng tử Như Lai ai lại chẳng thẩm thấu. Chính vì thế–gian vô thường sinh diệt mà khởi phát hạnh nguyện xuất trần; một đời, nhiều đời hành bồ–tát đạo để cứu khổ chúng sanh. Vậy mà, khi người thị–hiện huyễn–tướng sinh–diệt để rời bỏ trần gian này, lòng chúng tôi lại đau như cắt.
Thâm tình huynh–đệ, thầy–trò, thường ngày không bày tỏ, không nói năng, mỗi người mỗi nơi tận tụy hành đạo, đến khi mất nhau, cảm giác như rơi rụng cả tay chân, buồn không nói được.
Giờ này gặp nhau, đốt hương lòng, khêu đèn tuệ, nói với nhau bằng ngôn ngữ của nhà Thiền, hiểu với nhau bằng tâm–ấn Tào–khê, tưởng chừng tâm–tâm rọi chiếu vào nhau mà không cần khai ngôn phát ngữ. Nhưng nhìn ở giới hạn một đời qua nhân duyên pháp–lữ tương phùng ngắn ngủi, chúng ta chỉ một lần đến, một lần đi; vậy, nếu người đã mượn lẽ mộng–ảo phù–hưđể thị hiện sự đến–đi còn–mất, thì chúng tôi cũng xin mượn ngôn ngữ huyễn–hóa phi–chân để biểu lộ thâm tình bạn đạo trong giờ phút tiễn–biệt phân–ly.
Ôi, làm sao quên được, một đời người, một hành trình, năm mươi hai năm học đạo hành đạo không biết mỏi mệt, hạnh nguyện hộ đạo cứu đời gánh nặng hai vai, bước chân đến đâu đạo tràng nở hoa đến đó.
Người đã dịch kinh Kim Quang Minh, giáo lý Viên–đốn để lại cho đời không ai không nhớ. Công đức này, chẳng phải đã được cảm ứng với thân vàng Thế Tôn rọi chiếu để khai mở ngôi chùa Kim Quang!* Từ Kim Quang Phan Thiết đến Kim Quang Hoa Kỳ, từ Vạn Hạnh, Từ Hiếu đến Quan Âm, Phổ Quang... ánh kim quang như soi sáng con đường người đi.
Đâu chỉ riêng Kinh Kim Quang Minh, người còn để tâm phiên dịch những Kinh Đại Thừa khác để dẫn đạo quần chúng, góp phần hoằng dương chánh–pháp. Nào Kinh Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, cho đến Bát Nhã Tâm Kinh, Bát Đại Nhân Giác và Phật Thuyết Phân Biệt Kinh...
Một đời giáo dục, không chỉ dạy học, dịch kinh, mà còn đem thân giáo tiếp cận với mọi người, cảm hóa bao nhiêu môn đồ với thân tướng trang nghiêm, ngời sáng; nụ cười hiền hòa, bao dung. Đó chẳng phải là biểu hiệu của Trí tuệ và Từ bi đã từng được unđúc và phổ nhuận hay sao?
Được như vậy cũng nhờ đồng chơn xuất gia: tuổi trẻ đã sớm dấn thân vào cửa Thiền, cơm rau dưa đạm bạc mỗi ngày, câu kinh tiếng kệ, nuôi lớn chí nguyện xuất trần của bậc đại trượng phu. Từ nền tảng này mà bước lên hàng cao tăng giới đức về sau.
Với chí nguyện kiên cường, lại thêm mẫn tuệ, siêng năng, người đã ghi lại những dấu tích cao đẹp trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh qua những chức vụ và trách nhiệm mà Giáo Hội trong nước, ngoài nước giao phó:
Đạo học thâm viễn: người đã từng được Giáo Hội tín nhiệm giao cho những trọng trách liên quan đến việc giáo dục và đào tạo Tăng tài. Nào là Giám–thị Phật học viện Hải Đức Nha–trang, nào là Giám–học Phật học viện Nguyên Hương Phan–thiết... nơi đâu cũng chu toàn trách vụ.
– Giới luật nghiêm minh: người đã từng là Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và là Thành viên Hội Đồng Đại Diện, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ... chức vụ nào cũng tích cực đảm nhận và hết lòng xây dựng.
Từ việc lớn đến việc nhỏ, đối với tăng ni cũng như đối với hàng cư sĩ, không phật–sự nào người chối từ. Cho đến việc nâng đỡ và giáo dục cho tổ chức thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử, người cũng dành cả tình thương bao la như của một từ phụ.
Công đức to lớn như thế, Giáo hội trong–ngoài ghi công, mà Tăng Ni và phật–tử hậu học còn chưa có dịp đền đáp, thì người đã hiện thân lão bệnh, buông xả mọi phật–sự để tĩnh tu trong hoàn cảnh khó khăn, nghịch chướng.
Đi, đứng, nằm, ngồi, bốn oai nghi thong dong tự tại trở thành sự khổ nhọc vô vàn trong thân bệnh vô thường. Vậy mà vẫn an nhẫn hành đạo giữ đạo trong niềm an lạc vững chãi; kiên trì niệm Phật, Thiền quán để nêu gương sáng cho đồ chúng khắp nơi.
Ôi thương làm sao, một thân khổ bệnh mà nụ cười lúc nào cũng nở trên môi! Bài học nhẫn nhục, chẳng phải người đã kinh qua đến chỗ kỳ cùng!
Suy niệm cuộc đời của người, với hành trạng tu tập và hoằng đạo như thế, bao công đức không ghi hết được, bao tiếc thương cũng không thay được niềm tri ân.
Người còn nhớ chăng, bài thơ Tĩnh Tọa một thời người nhã hứng ngâm nga, đã trở thành thi kệ thiền–gia tuyệt bút cho muôn sau:
"Biển cả rền sóng vỗ
Non cao vách đá xây
Thiền sư ngồi tĩnh tọa
Lưng trời mây trắng bay. "
(thơ Thích Thiện Trì)
Bài thơ ngắn, tâm mênh mang, nếu không phải là bậc xuất trần thượng sĩ thì không sao có được khẩu khí cao vời đến thế.
đã phiêu hốt vô ngại như vậy thì chúng tôi còn gì để bi lụy thở than! Thôi thì, một nén hương lòng, ba hồi chuông trống, cúi đầu tiễn đưa, xin nương nơi vần thơ cũ của người, ghi lại mấy câu giã biệt:
Biển rộng sáng ngời tâm sứ giả
Non cao vượt thoát chí trượng phu
Tĩnh tọa trong dòng đời khổ bệnh
Mây trắng bay giữa cõi hư phù.

Huyễn hóa vẽ vời cơn đại mộng
Một tâm bày hết thế gian âm
Ngồi yên, nghe rền cơn sóng vỗ
Sóng – nước: chẳng qua chỉ một thôi.

đến, có đi, là việc huyễn
Chẳng ai tĩnh tọa trong dòng đời
   Cũng không mây trắng trên trời biếc
Tịch lặng không bờ: tâm vô tâm.

Kính thưa Giác Linh cố Hòa thượng,
Nói theo lý–tánh tuyệt đối thì như thế. Nhưng dù sao thì giữa trần gian mộng mị, nơi lưng trời vẫn có vầng mây trắng bay; và, xin tiễn biệt vầng mây trắng ấy, bay qua vòm trời vô tận. Tiễn biệt một bậc Chúng Trung Tôn trở về nơi tịch diệt, vô sanh...
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo, giác linh Hòa Thượng Tôn Sư thùy từ chứng giám.
 * Năm 1973, tượng Phật bằng vàng ròng trồi lên nơi một trại lính ở Phan Thiết, dân địa phương thỉnh tượng về tôn trí và xây dựng một ngôi chùa, thỉnh Hòa Thượng Thích Thiện Trì làm trụ trì khai sơn và ngài đã đặt tên chùa là Kim Quang.

Hoà Thượng Thích Minh Đạt – Nụ Cười Vô Sự
Chân dung Hoà Thượng Thích Minh Đạt - Bìa sau tập sách Góp Nhặt Lá Rơi của Thầy
Vị tôn sư thứ hai của tôi trong bài này là Thầy Thích Minh Đạt, người thường khuyến tấn và dạy bảo chúng tôi, những người Huynh trưởng và thế hệ kế thừa, rằng: "Một bác sỹ, một nha sỹ mắc lỗi lầm có thể giết chết một người, nhưng một nhà giáo dục nếu mắc lỗi lầm có thể giết chết cả nhiều thế hệ.” Thầy cũng dạy trong bài Mỉm Cười rằng:
“Nếu ngày mai tôi chết
Mà chưa kịp mỉm cười
Xin quý Thầy giúp tôi
Cho nhe răng một tí
Đừng há lớn lạnh môi!”

Thầy tôi đó có lúc khó khăn, nghiêm túc, nhưng luôn vui vẻ, ôn hoà và giản dị. Trong dịp chúng tôi làm tập sách “Thầy Tôi” cô đọng lại những vị Tôn túc mà tác giả là những vị Thầy Cô khả kính và quý pháp hữu kính trọng, nên tôi viết lại bài này về Thầy như một lời tưởng nhớ và tri ân khi Thầy—người luôn ủng họ và dìu dắt chúng con—vẫn còn hiện hữu trên cõi Ta Bà ngũ trược nhưng huyền diệu này.

Hoà Thượng Thích Minh Đạt là người khai nguyên Chùa Quang Nghiêm tại Stockton, CA. Thầy lấy tên Chùa Quang Nghiêm là do nơi giáo dưỡng Thầy hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, đó là Tổ Đình Ấn Quang và Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Thầy tên là Mai Xuân Bổn. Sanh ngày 27 tháng 10 năm Tân Tỵ, 1941 tại làng Hà Nhuận, Xã Xuyên Thái, Quận Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam.

Thầy vốn là con trai trưởng trong một gia đình Nho giáo, 4 gái 2 trai của Cụ Ông Mai Văn Phu và Cụ Bà Nguyễn Thị Truyền, Pháp danh Diệu Duyên. Thầy mất Cha từ nhỏ, chỉ lúc 8 tuổi (1949) để lại Mẹ già tảo tần nuôi dưỡng và dạy dỗ 2 đứa con ăn học vì các người con gái đã mất từ rất bé. Rồi thầy đã lớn khôn và trưởng thành khi Cha mất sớm, mới 16 tuổi (1957) Thầy phải đành ‘nghỉ học’ ở nhà làm nông để giúp Mẹ. Sau một năm khổ nhọc, Thầy bàn cùng Mẹ nên hưởng ứng chương trình di dân vào Nam ở đồng bằng Sông Cữu Long theo chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ở Đồng Tháp Mười, mùa hè thì đồng hoang nắng cháy và mùa đông thì nước ngập; Thầy cùng Mẹ dọn về Saigon sống với bà con trên đường Sư Vạn Hạnh vào năm 1959 mà phước duyên lớn nhất là ở gần chùa Ấn Quang, nơi Thầy thường đưa Mẹ về chùa lễ Phật.

Có thể nói, đây là một thiện duyên đã đưa Thầy vào đạo pháp. Năm 1960 Thầy Quy Y với Hoà Thượng Thiện Hoà với tên là Minh Đạt; lúc này Thầy cũng xin xuất gia mà không được chấp nhận vì chưa có phép của Mẹ. Tuy nhiên, được sự thương mến trong Tăng Chúng nên Thầy ở trong chúng tập sự xuất gia, trong đó có Đại Đức Thích Minh Tâm.

Bổn sư của Thầy, Hoà Thượng Thiện Hoà, biết điều đó, nhưng Ngài làm ngơ được hiểu như một sự đồng ý ngầm. Đại Đức Thích Minh Tâm đã âm thầm xuống tóc cho Thầy và Bổn Sư của Thầy chỉ còn biết hoan hỷ chấp nhận. Năm 1963 trong dịp An Cư năm đầu tiên ở Chùa Tuyên Linh, Bến Tre, Thầy được thọ giới Sa Di với Hoà Thượng Vĩnh Đạo làm Đàn Đầu.

Tháng 11 năm 1963, Thầy trở về Saigon lưu trú Chùa Xá Lợi, ở đây Thầy đã nỗ lực học chương trình phổ thông “đốt giai đoạn”. Năm 1965, Thầy tiếp tục công trình Phật học của mình ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Năm 1969, Thầy được thọ Đại Giới và chính thức được cho vào dòng kệ của Tông Môn với tên là Nguyên Đức, đời 44, thuộc dòng kệ Tổ Sư Liễu Quán. Năm 74, ngài Hòa Thượng Bửu Huệ ban cho pháp tự là Giác Chánh, lấy Pháp Hiệu là Minh Đạt như tên quy y lúc ban đầu. Thầy đã tuhọc và làm việc ở Huệ Nghiêm cho đến năm 1979 khi Thầy đi vượt biên qua Hoà Kỳ.

Như hàng triệu người Việt Nam tha hương, Thầy cũng nổi trôi theo mệnh nước và đã đến Mỹ mùa thu năm 1979. Thuở đầu Thầy trú tại Chùa Từ Quang, San Francisco. Trong 4 năm này, Thầy cũng đi học và cùng lúc góp phần văn hoá Phật giáo Bắc California. Thầy cùng Cố Hoà thượng Thích Thiện Trì, Hoà thượng Thích Tịnh Từ và Hoà thượng Thích Tín Nghĩa là những pháp lữ một thời. Hè năm 1983 về Phật sự tại thành phố Stockton, lập Hội Phật Giáo Việt Nam Stockton vào tháng 8 năm 1983 và kiến lập Chùa Quang Nghiêm vào đầu năm 1984. Ở Miền Bắc California, ngoài Hoà thượng Thích Thanh Cát và Sư Bà Đức Viên, Cố Hoà thượng Thích Thiện Trì, Hoà thượng Thích Tịnh Từ và Thầy là bộ tam tòng lâm pháo thủ Phật giáo Việt Nam Bắc California.
Thầy rất năng động và đảm trách nhiều chức vụ hành chánh như sau theo thứ tự thời gian.

Tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ;
Vụ Trưởng Vụ Thanh Niên và Gia Đình Phật Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ;
Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ;
Chánh Đại Diện Miền Liễu Quán Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ
Ngoài ra, Thầy thương yêu, un đúc và giáo dưỡng tổ chức GĐPT; Thầy còn làm Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT Miền Liễu Quán, Miền Thiện Minh, và GĐPT Vạn Hạnh.

Về sau, vì tình trạng sức khỏe không cho phép và sự rốn ren của Giáo Hội, Thầy cùng Hoà thượng Tịnh Từ nghỉ mọi việc hành chánh của giáo hội về lo việc tỉnh tu và đào tạo Tăng Ni tại bổn tự.
Trong sự nghiệp giáo dưỡng Tăng Ni của Thầy từ năm 1984, Thầy đã có nhiều khoá lớp, nhưng đa phần vì duyên lành chưa đủ nên số đông đệ tử xuất gia của Thầy đã không tiếp tục con đường cao thượng là “Tác như lai sứ, hành như lai sự”. Một vài đệ tử của Thầy mà chúng tôi thường gặp hay nghe là Thầy Hương Huệ – Thích Đạt Từ và một số Thầy Cô về nương tựa tu học. Ngoài ra Thầy còn dạy hàng Huynh trưởng GĐPT, trong số đó là Htr. Quang Ngộ, Nguyên Phú, Nguyên Nhơn, Nguyên Cần, Nhật Quang Đạo, Tâm Thường Định, Nguyệt Kim Tường, Nhật Quang Khánh, Quảng Mỹ v. v…

Cuộc đời Thầy là thế––như thị. Những lúc làm việc và học hỏi với Thầy, chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Chúng tôi là một trong những số người nhiều may mắn đó. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp, Thầy thường nhắc nhở: " Học Phật có nghĩa là học để thành Phật". Vậy chúng ta cùng đọc, chiêm nghiệm và thực hành những gì mình có thể.

Rốt cùng, hai vị Tôn Sư học đạo của tôi đó, suốt đời luôn tận tụy phục sự nhân sinh. Hạnh nguyện và Công đức của hai Thầy đã và đang trải qua nhiều kiếp nhân sinh. Có thể nói, hạnh nguyện đó là Hạnh nguyện Phổ Hiền, trên kính lễ Chư Phật đến hồi hướng công đức đến mọi loài mà chúng ta đã biết trong 10 Đại Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát như sau:
Một là kính lễ chư Phật;
Hai là khen ngợi Như Lai;
Ba là cúng dường rộng khắp;
Bốn là sám hối nghiệp chướng;
Năm là tùy hỉ công đức;
Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp;
Bảy là thỉnh Phật thường trụ ở đời;
Tám là tinh tấn tu học theo Phật;
Chín là hằng thuận chúng sinh;
Mười là hồi hướng đến khắp tất cả.

 Chúng con xin đãnh lễ quý Thầy và xin sám hối nếu có những lỡ lầm sơ suất. Chúng con nguyện học và làm việc theo những gì chúng con đã học từ những bậc anh minh, đạo cao đức trọng, mà trong đó có hai Thầy.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tâm Thường Định 
Cẩn bút

Tham khảo:
Kỷ yếu Tưởng Niệm Hoà Thượng Thích Thiện Trì, Chùa Kim Quang xuất bản năm 2004.
Góp Nhặt Lá Rơi. Thích Minh Đạt, Chùa Quang Nghiêm xuất bản năm 2011.
Thích Thiện Hữu. Personal Communication. January 11, 2015.

Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại – Sưu Khảo. Thích Nguyên Siêu, Thích Tâm Hòa, Bùi Ngọc Đường, Huỳnh Kim Quang, Vĩnh Hảo. Xuất bản năm 2010.

Trích: Tập sách Thầy Tôi, NXB Trung Đạo. Trang 130-145.
Bạn có thể mua tại Amazon bằng cách bấm vào link Thầy Tôi