Friday, November 24, 2023

Thầy Tuệ Sỹ - bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn

 

Thầy Tuệ Sỹ 

 - bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn

 

  Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia) nói về Thầy Tuệ Sỹ, “... Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam. Ông hiện là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạntiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Đại Tự điển.[2][3]

  Vì thế khi viết về một bậc Thầy của Bốn chúng, Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng, Pháp hiệu là Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường vụ Viện Tăng Thống, một bậc “Long Tượng,” một vị thiền sư, một học giả lỗi lạc, một nhà thơ, một bậc Thầy của nhiều vị Thầy, thì cá nhân người viết không có đủ khả năng hay ngôn từ để viết về Ngài. Thôi thì xin chia sẻ nơi đây những lời thô thiển của một kẻ hậu học, bằng tình nghĩa Thầy trò bấy nhiêu năm qua, được học hỏi và làm việc dưới sự chỉ bảo, dìu dắt và nâng đỡ của Thầy. 

  Với rất nhiều người, HT. Thích Tuệ Sỹ, là một nhà thơ, một cao tăng thạc đức, một nhà giáo dục, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của GHPGVNTN, v.v... và v.v… Nhưng đối với người viết có thể ca ngợi Thầy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục tại Việt Nam. Những đóng góp sâu sắc của Thầy cho Phật giáo, triết lý và giáo dục đã để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Ở Thầy, người viết học từ Thân, Khẩu Ý của Thầy và trong trong cách tư duy về phương thức học hỏi, giảng dạy, và hành trì giáo lý của Đấng Từ Phụ.


  Là một nhà giáo dục lớn mẫu mực và có tầm nhìn xa rộng, Thầy đã và đang là ngọn hải đăng cho nhiều thế hệ, trong đó có người viết. Đầu thập niên 1970s, Thầy đã được thỉnh cử làm vị giáo sư chính thức của Đại Học Vạn Hạnh nổi tiếng lúc bấy giờ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, cũng như tại Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang. Đầu thập niên 1980s, Thầy đã làm Giáo thọ sư cho những vị Thầy ở Quảng Hương Già Lam, và bắt đầu Thập niên 1990s và 2000s, Thầy tiếp tục nuôi dưỡng và dạy dỗ vô số tăng tài và ủng hộ các cư sĩ tại gia bằng cách gửi học trò của mình xuất ngoại nhằm trau dồi thăng tiến cả hai lãnh vực nội điển và ngoại điển. Trong nước thì Thầy cố vấn, dạy bảo, dìu dắt và nâng đỡ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử truyền thống, và các lớp học online xuyên lục địa.

Thầy là một nhà giáo dục lớn mà người viết đã thọ nhận; lối giáo dục của Thầy thông suốt qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Từ khi nghe Thầy trở bệnh nặng và có thể không qua khỏi, tâm can người viết cảm thấy bồn chồn, lo lắng và bất định. Tâm chưa tịnh đủ để viết những gì muốn thổ lộ. Giờ đây, chỉ xin viết những đoản văn đứt đoạn như nhắc lại đôi chút kỷ niệm ân cần với Thầy với lòng biết ơn vô hạn.

 

Những Đoản Văn Đứt Đoạn Về Thầy


   Thầy là một người giản dị, thư thái, rất nghệ sĩ và hài hước. Chúng tôi đến với Thầy trước nhất là vì văn học nghệ thuật, với những đoản thơ ngắn nhập đề như “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn, ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về", và cả một tuyển tập Giấc Mơ Trường Sơn. Sau nữa là những bài học Phật pháp online, những chương trình Tu học hoặc trại Huấn luyện của tổ chức Gia đình Phật tử, sau này là cơ hội làm việc để tiếp nối Thầy trong công cuộc Hoằng dương Chánh pháp và con đường Giáo dục Văn hoá mà Thầy đã vạch ra. Chúng tôi đã dịch một số thơ văn của Thầy và học hỏi rất nhiều điều khi có cơ hội tiếp cận Thầy qua email, phone hay những lần tiếp xúc ngắn với Thầy khi về Việt Nam. 

  Những lần đọc một bài thơ hay, một áng văn đẹp của Thầy, người viết tập tành dịch ra tiếng Anh và gởi Thầy đọc lại. Thầy góp ý và dạy bảo thêm vì có những chỗ người dịch chưa hiểu hết tâm ý của Thầy và người chỉ bảo tận tường. Qua đó mới hiểu được những tư tưởng sâu thẳm của Thầy, cũng như những từ ngữ ẩn dụ, tượng hình phổ thông;  như các từ: ‘Em’, ‘mắt biếc’, ‘quán trọ’ v.v… ‘Quán trọ' trong thơ của Thầy không chỉ là thời gian cho việc ở tù của Thầy mà là một quãng đời của con người trên trái đất này và xa hơn nữa và trong kiếp sống luân hồi của mình. Tinh thần bất khuất của Thầy là bài học thân giáo Thầy dành cho tất cả mọi người con Việt. Trước án tử hình và sau này là tù chung thân với tội là “tuyên truyền lật đổ chính quyền,” Thầy đã chịu tù hơn 10 năm, đến năm 1998 nhà nước bảo Thầy viết giấy “xin khoan hồng”, để được trả tự do, Thầy trả lời: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Thầy cũng đã có lần âm thầm tuyệt thực và viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này.”  Cuối cùng tháng 9 năm 1998, Thầy cũng được trả tự do. Nhưng Thầy vẫn thanh thản, bao dung, tự tại không oán than chi hết. 

Thầy luôn khuyên bảo chúng tôi và những người chung cùng làm việc với Thầy là “Lấy văn hoá và giáo dục làm hành trang cho cuộc đời mình.” Đó là việc dài lâu; chính trị hay các thể chế chỉ là tạm thời. Thầy vẫn thường nhắc đi nhắc lại như thế. 



2

  Nhớ lần đầu tiên gặp Thầy bằng xương bằng thịt tại Hương Tích Phật Việt, nhờ  thầy Hạnh Viên sắp xếp. Buổi gặp gỡ thật đạo vị và thân tình. Thầy hiền từ, gần gũi, đa tài và khôi hài. Nhưng ấn tượng nhất là lần gặp ở một miền quê hẻo lánh. Hôm đó chúng tôi đón xe khách, tài xế chạy suốt đêm từ Saigon đến Dambri thì trời đã quá nửa đêm và hai chúng tôi được bỏ lại ở một ngã ba đường. Thầy Quảng Ngộ, thị giả của Thầy, chạy xe Honda máy ra đón và đưa chúng tôi về Thị Ngạn Am yên ả và trầm mặc. Trời khuya, nên chúng tôi ngủ lại ở nhà chính để sáng hầu chuyện cùng Thầy. Dambri, Bảo Lộc, Lâm Đồng, sáng đó, trời mát dịu, không gian như rỗng lặng và thời gian như chậm lại. Bên Thầy, thăm hỏi và hàn huyên. Sau đó tôi xin Thầy cái tên để gieo duyên làm đệ tử của Thầy và làm bút hiệu để làm việc. Thầy bảo vậy gọi anh bằng “Thiên Nhạn,” nghe hai chữ này, tự nhiên lòng khựng lại vì không dám. Bởi lẽ chữ “Nhạn” là tên của Dì Ba mình và có vẻ con gái, mà mình là đấng mày râu. Không muốn nhận và không dám nhận vì cánh Nhạn Trời này có phải là những điều Thầy muốn gửi gắm như trong bài thơ “Nhạn Quá Trường Không” của Thiền Sư Hương Hải mang tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại thừa?

Bài thơ như sau:
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”

Thiền Sư Thanh Từ đã dịch bài như sau:

“Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm lưu bóng.”

Nghĩ thế nên con nào dám, xin Thầy cho tên khác. Sau một hồi hầu chuyện qua lại cùng Thầy, Thầy bảo giữ y nguyên như vậy. Và đó cũng là lối giáo dục bằng ý giáo của Thầy, dạy hàng đệ tử của mình–hãy dấn thân theo tinh thần nhập thế. Đem Đạo vào đời để làm cho cuộc đời bớt khổ thêm vui. Tên đặt hay ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện dấn thân của Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Đạo.


3

  Món quà trân quý từ Thầy. Ngoài những biệt tài ưu việt về Phật học, văn chương, triết lý, âm nhạc, v.v… Thầy còn viết những câu đối thật tuyệt vời và chữ thảo thật đẹp. Món quà quý giá đầu tiên mà Thầy tặng cho người viết là một thư pháp chữ Hán. 

Thư pháp là bài kệ tán trong kinh Lăng Già như sau:


“Tri nhân pháp vô ngã

Phiền não cập nhĩ diệm

Thường thanh tịnh vô tướng

Nhi hưng đại bi tâm."

https://lh5.googleusercontent.com/qoS29rbQfW9p1NKKR4dNo1RjIxcih7XH48IQ_2qVxgYgqLoxYvBA8YzxrZ8tnwX90R7Z0eDPzK1CRggGExGFWF5khvYA7I-g-98ci8mmYQRyAiCczgQurwWDZwTXbEQYCFxGsWEhc8-5dFjx8gTVAA

  Và theo chúng tôi hiểu nghĩa bài kệ này như sau: Biết người và pháp đều vô ngã / Phiền não cùng sở tri chướng / Vốn thanh tịnh, vô tướng... / (nên) khởi tâm đại bi. Sau này, chúng tôi được biết, Thầy dạy rất rõ trong bài Dẫn vào Thế giới Văn học Phật giáo, theo đó văn học Phật giáo lấy tư tưởng của Giáo lý Phật đà, lấy “tâm nguyện đại bi, đại trí và đại hùng” để bước.

Món quà kế tiếp là Thầy viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Chánh niệm – Chất liệu tỉnh giác trong cuộc sống và học đường” của chúng tôi, trong đó Thầy đã dạy, “Tập sách không phải tập hợp một mớ lý thuyết, mà dẫn dụng những ứng dụng cụ thể và những kết quả đạt được, hoặc lớn hoặc nhỏ, rất đáng khích lệ.

Đối với các huynh trưởng Gia Đình Phật tử, với tâm nguyện, với trách nhiệm tự nhận, ước mong hướng dẫn các đoàn sinh, các đàn em của mình, trưởng thành trong Chánh pháp; bằng nhận thức và hành động được tu dưỡng, được tài bồi, của Phật pháp trong nhiều năm, tập sách này là tư liệu tham khảo cần thiết để tăng trưởng nhận thức, phát huy những tinh hoa trong Phật pháp trao truyền cho các thế hệ đàn em, vì một xã hội hài hòa, an lạc, một dân tộc bao dung nhân ái trong một đất nước thanh bình.

Tiết Nhi đồng Việt Nam 2021”


  Đó là những món quà quý giá Thầy tặng cho chúng tôi, và đó cũng là lời gửi gắm dạy dỗ cho hàng huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT nói riêng và tuổi trẻ Phật giáo nói chung là lấy tâm nguyện Đại bi, lấy hạnh nguyện và con đường Bồ Tát mà hành hoạt và hiến dâng cho cuộc đời. Một lối giáo dục đầy từ bi, bác ái, nhân văn, thực tiễn và khai phóng.


4

  Một buổi tối trời se lạnh, khoảng đầu năm 2021, có một cú điện thoại gọi qua Viber app, xa lạ với tên gọi là “Yibo”, đang lưỡng lự là có bắt phone không. Sau một hơi thở sâu và chậm, chúng tôi quyết định nghe điện thoại. Ồ thì ra đó là Ôn Tuệ Sỹ từ bên Nhật gọi qua Hoa Kỳ. Đó cũng là sự bắt đầu cho chuỗi thời gian nối kết Thầy và Chư Tăng Ni tại Hải Ngoại để từ đó dẫn đến sự thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp và các Phật sự quan trọng khác. Làm việc với Thầy mới thấy sự kham nhẫn và khiêm nhường của Thầy. Có những văn bản mà Thầy viết rất hay chí tình chí nghĩa; tình đạo, tình đời viên dung, rất người và ký với những tên tuyệt diệu và khiêm nhượng với vị trí của Thầy. Những lần Thầy ký Thiện thệ tử, Vãn bối Tỳ-kheo, Bỉnh Pháp Tỳ-kheo, v.v… Nhưng có một văn bản, Thầy ký “Tiểu Tăng” Thích Tuệ Sỹ đã làm tôi bật khóc vì thương Thầy, thương cho đại cuộc và thương cho Giáo hội. Mặc dù trên lãnh vực hành chánh, cương vị của Thầy lớn hơn so với những vị Thầy khác, nhưng Thầy vẫn ký là “Tiểu Tăng,” làm chúng tôi càng phục và càng thương Thầy. Có lần lắng nghe Thầy tâm sự, tôi càng thương và đồng cảm với Thầy và nhận chân rằng con đường Thầy đang đi rất lẻ loi, Giáo hội thiếu nhân sự và có rất ít người cùng đồng hành. Tuy nhiên mỗi khi có ai đó có phước duyên gặp gỡ và làm việc cùng Thầy thì những vị đó đều là những người đồng hành, những kẻ cùng tử và trung kiên. 

  Trở lại việc giáo dưỡng của Thầy, có những lúc có vài trắc trở vì không gian và thời gian để đưa đến một vài sự hiểu lầm nhau, Thầy dạy, “chuyện nghi ngờ lặt vặt, ai có ác ý hay thiện ý gì cũng không quan trọng.” Nhiều khi Thầy dạy rất ngắn và chúng tôi lãnh ngộ và thái độ yên lặng–gìn giữ cho thân tịnh tâm an để tiếp tục làm việc. Bậc minh sư đó, lúc nào cũng tận tuỵ và dạy dỗ học trò đúng lúc đúng thời.


5

  Đối với Tăng Ni, Thầy đã viết, hướng dẫn và tạo niềm tin qua các tiểu luận như,  Định hướng tương lai cho Tăng Ni trẻ, Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, bao nhiêu Thông điệp, Chúc thư, v.v… Cho hàng cư sỹ Thầy gửi gắm và dạy dỗ qua nhiều tác phẩm như: Du-già Bồ tát giới, Thắng Man giảng luận, Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, tiểu luận như Văn minh tiểu phẩm, Trí thức phải nói, Thư Chào mừng Đại hội Cư sĩ Phật giáo Hải ngoại, v.v… Đối với tuổi trẻ, Thầy đã giảng dạy qua Đạo Phật với Thanh niên  – Buddhism & The Youth, Tuổi trẻ Lên Đường, Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ, v.v…

  Với GĐPT thì vô số kể, chúng tôi xin kể một vài câu chuyện khác: Thầy lúc nào cũng thương yêu, động viên và dạy bảo GĐPT bằng Thân, Khẩu và Ý giáo của mình. Năm 2004, Thầy khuyến khích và bảo trợ tài chánh cho Ban huynh trưởng GĐPT Miền Quảng Đức, Sài Gòn tổ chức thi hội hoạ, văn thơ... Năm đó, Thầy đã bảo trợ từ vật chất đến tinh thần, đích thân đến chứng minh. Thầy đã khuyến tấn quý anh chị em lam viên tổ chức và tham dự những hội hè, mở ra một truyền thống đẹp cho tổ chức GĐPT. Ở hải ngoại, Thầy thường xuyên thăm hỏi và để ý đến sự đoàn kết của Tổ chức cũng như những huynh trưởng có trình độ / khả năng hội nhập những hội đoàn quốc tế vì Thầy luôn quan niệm GĐPT cần phải vươn lên theo chiều hướng văn minh và phát triển của xã hội.

https://lh3.googleusercontent.com/45WFYwwJ5w-c3ZGWGnzx6DspyHesgm4Vf96gatOhDQhsBYMwHn-bp5SoC1VgKtkb2JLpeCGXCBZ9w0EbFs5uzmC9pFdJ3ehacSAOxx3qKm25gQeFEW9Vau1q69gVacIMjEaghQDgR1UpjaMtPnfgdA

  Thầy có nhiều niềm tin yêu và hy vọng vào tuổi trẻ. Có một em sinh viên trẻ, Pháp danh Tâm Thuần, viết tiểu luận về thơ Thầy và rất dũng cảm để chia sẻ trên mạng mặc dù có thể bị khó khăn trong việc học của em. Thầy email bảo rằng, “Tôi đã đọc hết Tiểu luận của Cô bé Tâm Thuần. Bài viết rất vững. Trình độ xúc cảm và nhận thức về thơ khá sâu. Dù sao đây cũng chỉ là một Tiểu luận mang tính báo cáo nhiều hơn, nhận thức thơ qua các phê bình của nhiều tác giả chứ chưa thấy được cảm xúc thơ của chính người đọc thơ và người làm thơ. Tôi thật sự cảm động và rất vui về tương lai với một thế hệ mới có tâm hồn cao đẹp như thơ, để cho đất nước này cũng đẹp tình người như những bài thơ.

Có một điều khiến tôi suy nghĩ. Post Tiểu luận của Cô Bé lên thì rất tốt cho nhiều người, gợi hứng niềm tin về một thế hệ trẻ nhiều tình tự dân tộc; nhưng còn đang học, không biết việc phổ biến này sẽ ảnh hưởng đến việc học của Cô Bé hay không. Chế độ không cho phép ai phê bình nó. Điều này tất cả chúng ta đều hiểu rõ. Anh cũng nên nói chuyện với Cô Bé về điều này.”

  Điều muốn nhấn mạnh ở đây, là Thầy đã và đang quan tâm cho giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên cũng như đặt niềm tin vào tuổi trẻ. Dĩ nhiên, em nữ sinh viên này rất vui được Thầy khen và đồng thuận cho đăng trong sự can đảm của mình. Âu đó cũng là những lời gửi gắm của Thầy đến em sinh viên Tâm Thuần nói riêng, cũng như bao nhiêu sinh viên trẻ khác trong đất nước hình chữ S thân yêu và khắp mọi nơi. Thầy luôn tin yêu, hy vọng, bảo vệ và tạo cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam.


6. 

  Những lúc làm việc với Thầy, mới thấy sự làm việc nghiêm túc, nhưng phóng khoáng và dân chủ của Thầy. Thầy rất chỉnh chu, tỉ mỉ khi làm việc. Chúng tôi nhớ khi làm cuốn Thiền Định Phật Giáo Khởi Nguyên và Ảnh Hưởng; cuốn Tổng Quan Về Nghiệp với Thầy và anh Nguyên Đạo Văn Công Tuấn bên Đức, càng biết là Thầy làm việc nghiêm túc, tinh cần và rất quy củ; từ góp ý bìa cho đến footnote, Thầy làm việc từ sáng đến chiều và làm việc bất cứ lúc nào Thầy khoẻ. Có lần Thầy bảo vào ngày thứ Bảy (Sat, Sep 18, 2021, 3:57 PM) “Quyết định chọn bìa này đi, bìa không có hình, nếu mọi người vui vẻ chấp nhận. Nếu không đồng ý, có hình Phật cho vui mắt một chút thì cũng được, vui vẻ đồng ý với nhau là được.” Thầy không bảo thủ và nhường quyền quyết định cho số đông. Nhưng nói ở đây là Thầy làm việc luôn cả ngày lẫn đêm, thậm chí vào cuối tuần. Một lần khác, mới vừa ăn sáng xong. Cuốn TQVN đã đọc đi đọc lại đến 6 lần vì Thầy cần sửa những footnote. Thầy dạy, vào ngày thứ Năm, (Thu, Oct 7, 2021), 7:06 giờ sáng, “Thế thì tốt đẹp rồi, có thể ấn hành được rồi. Sách đã làm xong. Sự đóng góp nhiệt tình của các huynh đệ để sách được hoàn chỉnh. Chân thành tán thán công đức của các huynh đệ đã trực tiếp hoặc gián tiếp cho sách.”

Thầy cũng thực sự thân mật với những người làm việc cùng Thầy. Thầy luôn gọi nhau là “anh” như tình pháp hữu. Chúng tôi nhớ là chưa có bao giờ Thầy gọi chúng tôi là “con”; lúc nào cũng gọi là “anh” hoặc tên Phẻ mặc dù chúng tôi có lúc gọi Thầy là “Thầy”, là “Hòa Thượng”, là “Ôn”, nhưng Thầy cứ gọi chúng tôi là “anh” hoặc “quý anh”. Âu đó cũng là một lối giáo dục từ khẩu giáo và thân giáo của Thầy.

7.

  Trong cuốn sách đầy ảnh hưởng “Du Già Bồ Tát Giới” (2010), Thầy đã nêu rõ tầm nhìn của mình về giáo dục, lấy nền tảng Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Đạo và Bồ Tát Hành làm kim chỉ nam cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, an bình và thịnh vượng. Thầy tin rằng, văn hoá và giáo dục không những chuẩn bị cho cá nhân trở thành công dân tích cực, thăng tiến mà còn nuôi dưỡng các giá trị nhân văn, dân chủ, tương đồng, khoan dung và trách nhiệm xã hội. Ý tưởng của Thầy tiếp tục định hình các cuộc thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy tâm từ, hoà bình, các khía cạnh xã hội dân chủ nhân văn.


  Nói tóm lại, những đóng góp của Thầy, Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, cho nền giáo dục Phật giáo còn kéo dài hơn cả cuộc đời Thầy qua công trình đồ sộ phiên dịch Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Đó là một di sản tâm linh, một di sản giáo dục rất lớn và từ trước đến nay của Phật Giáo Việt Nam. Sự hành trì nghiêm mật, sự trải nghiệm và trí tuệ vô biên của Thầy tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia, các nhà giáo dục Phật Giáo, cũng như các giới văn nghệ sĩ đến các nhà hoạt động xã hội. Tam giáo của Thầy có thể là định hình cho các hoạt động giáo dục hoặc những người tự cho mình là nhà giáo dục / giáo viên trên toàn thế giới có tầm nhìn chung để nương vào và hành hoạt. Ý tưởng và hoài bão của Thầy đặc biệt phù hợp trong bối cảnh giáo dục ngày nay, trong đó nhấn mạnh đến nhân bản, dân tộc, và sự dấn thân của giới trẻ để tư duy, phê phán và phát triển đạo đức và tâm linh theo đà phát triển kỹ thuật và khoa học của thế kỷ 21 này.

  Cuối cùng, chúng tôi có niềm tin sâu sắc là Thầy vẫn còn với chúng ta. Có lần chúng tôi nói với Thầy rằng là hàng đệ tử tứ chúng cần Thầy phải sống thêm 10 năm nữa để cho Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh được thành tựu viên mãn. Thầy cười bảo, “10 năm thì không dám, nhưng chắc 3 năm thì được.” Nhưng đến giờ này thì chỉ hơn 1 năm thôi. Vậy mong Thầy tiếp tục sống để làm điểm tựa cho hàng hậu học. Chúng con cũng xin nguyện sẽ “tái sinh” và đồng hành cùng Thầy tiếp tục công việc phiên dịch Đại Tạng Kinh còn dang dở. 


Thầy ơi! 

Tháng 10 mưa rơi

Thuyền từ Giáo hội

Chỉ còn Thầy thôi! 


Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.


Đầu tháng 10, Sacramento, California

Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


Tài liệu cần tham khảo:


1. “Amnesty International, ASA 41/010/1998, December 1998”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2003. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2003.


2. “Niên Biểu Phật giáo Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2007.


3. Bách khoa toàn thư mở wikipedia. Tiểu Sử Thích Tuệ Sỹ https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Tu%E1%BB%87_S%E1%BB%B9. Tải xuống ngày 30 tháng 9, 2023.


4. Thích Tuệ Sỹ: Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo - https://hoangphap.org/tue-sy-dan-vao-the-gioi-van-hoc-phat-giao/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


5. Thích Tuệ Sỹ: Định hướng tương lai cho Tăng Ni trẻ. https://quangduc.com/a50534/dinh-huong-tuong-lai-cho-tang-ni-tre


6. Thiền Định Phật Giáo: Khởi Nguyên và Ảnh Hưởng (Vietnamese Edition) 

https://www.amazon.com/Thi%E1%BB%80n-%C4%90%E1%BB%8Anh-Nguy%C3%AAn-H%C6%AF%E1%BB%9Eng-Vietnamese/dp/1087924367/ref=sr_1_7


7. Thích Tuệ Sỹ: Văn minh tiểu phẩm - https://quangduc.com/a5113/van-minh-tieu-pham, Tải xuống ngày 2 tháng 10, 2023.



8. Thích Tuệ Sỹ: Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, https://sentrangusa.com/2020/09/09/thich-tue-sy-thu-gui-cac-tang-sinh-thua-thien-hue-cua-thay-tue-sy/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


9. Thích Tuệ Sỹ: Đạo Phật với Thanh niên – Buddhism & The Youth https://hoangphap.org/ht-thich-tue-sy-dao-phat-voi-thanh-nien-buddhism-the-youth/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


10. Thích Tuệ Sỹ: Trí thức phải nói,

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/thich-tue-si-tri-thuc-phai-noi/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


11. Thích Tuệ Sỹ: Thư Chào mừng Đại hội Cư sĩ Phật giáo Hải ngoại, https://bodhimedia.net/reading_Thu-Chao-Mung-%C3%90ai-Hoi-Cu-Si_ccqttdgt.html Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


12. Thích Tuệ Sỹ: Du-già Bồ tát giới. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 12 tháng 10, 2019. https://www.amazon.com/DU-GI%C3%80-T%C3%81T-GI%E1%BB%9AI-Vietnamese/dp/1087809150 


13. Thích Tuệ Sỹ: Thắng Man giảng luận. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 6 tháng 3, 2019. https://www.amazon.com/Th%E1%BA%AFng-Man-Gi%E1%BA%A3ng-Lu%E1%BA%ADn-Vietnamese/dp/0359483631/ref=sr_1_1?crid=1XXA57FQYGT4D


14. Thích Tuệ Sỹ: Huyền Thoại Duy-Ma-Cật. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 18 tháng 6, 2014.

https://www.amazon.com/Huyen-Thoai-Duy-Cat-Vietnamese/dp/1500243086/ref=sr_1_1


15.  Thích Tuệ Sỹ: Tuổi trẻ Lên Đường. https://phatviet.info/tue-sy-tuoi-tre-len-duong/ 


16. Thích Tuệ Sỹ: Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ. https://phebach.blogspot.com/2015/11/suy-nghi-ve-huong-giao-duc-ao-phat-cho.html


Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023


Wednesday, November 22, 2023

Thông Báo Buổi Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm Dec 12

 Thông Báo Buổi Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm Dec 12

B X phe in seminar

 Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ đang hướng dẫn các thầy cô giáo thực hành chánh niệm


Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm Nam California (MPC) xin mời quí vị phụ huynh con em tuổi teen, các nhà hoạt động cộng đồng trẻ  đến tham dự buổi hội thảo “Chia Sẻ Về Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm”, được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 10 Tháng 12 2023.


Con cái ở tuổi teens (đang lớn) có thể  “cắt đứt” nhịp cầu thông cảm với cha mẹ vì một chuyện nhỏ. Các phụ huynh đa số đều gặp chuyện này, và họ loay hoay tìm cách nối lại nhịp cầu yêu thương, thông cảm với các con ở lứa tuổi có tâm lý rất nhạy cảm, phức tạp và đang muốn tự lập. Các em không còn là “các cô cậu” dễ thương như trước, mà sẵn sàng có ý kiến trái ngược hoặc chống đối bố mẹ! Khi bị căng thẳng quá mức và có vấn đề tâm lý, các em có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, đôi khi bỏ học v.v…


Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng việc thực hành chánh niệm đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho các em ở lứa tuổi teen: giảm căng thẳng trong học tập cũng như đời sống thường ngày; giúp ổn định tâm lý; tăng cường khả năng tập trung, suy luận lôgic trong học tập; phát triển lòng nhân từ…Hiện nay nhiều trường học ở Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đã khuyến khích việc hướng dẫn thực hành chánh niệm cho các em học sinh. Vấn đề quan trọng là làm sao để có thể thuyết phục được các em chịu thực tập, cũng như tìm ra các phương pháp thực tập thích hợp với tuổi teen


Trung tâm Thực tập Chánh Niệm MPC tại Quận Cam đã tổ chức mấy buổi hội thảo do tiến sĩ tâm lý Xuyến Đông trình bầy, mục tiêu để giúp phụ huynh hiểu các vấn đề tâm lý của con em. 


Trong buổi chia sẻ kỳ này, người tham dự sẽ nghe Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ chia sẻ kinh nghiệm giúp các học sinh thực hành chánh niệm. Là một giáo sư trung học ở Sacramento, một nhà hoạt động giáo dục, Tiến Sĩ Phẻ đã thực hiện các buổi huấn luyện cho thầy cô giáo thuộc nhiều học khu California, hướng dẫn những phương cách phù hợp để khuyến khích các em học sinh tuổi teen thực tập cách sống có ý thức.


Chi tiết cụ thể về buổi chia sẻ như sau:
- Thời gian: Chủ Nhật ngày 10 tháng 12 năm 2023, từ 10:00 AM đến 12:00 PM
- Địa điểm: Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm Nam California (MPC) 12221 Brookhurst Street Ste.240 Garden Grove (trên lầu  cơ sở Tommy Mai Financial).


Để thuận tiện cho việc chuẩn bị tổ chức, quí vị có nhu cầu tham dự xin ghi danh trước qua số điện thoại hoặc email:
Hưng Doãn - Cell: 310 985 0908- Email: nguoivietnam06@gmail.com
Chân Huyền – Cell: 714 801 9088 - Email: ChanHuyen@gmail.com


Trân Trọng
Ban Tổ Chức


Nguồn: https://vietbao.com/a317513/thong-bao-buoi-chia-se-cach-huong-dan-tuoi-teen-thuc-hanh-chanh-niem-dec-12

Thursday, November 16, 2023

Thầy Tuệ Sỹ Trong Vận Mệnh Phật Giáo Việt Nam

 Thầy Tuệ Sỹ Trong Vận Mệnh Phật Giáo Việt Nam


Phật Giáo Việt Nam trong nửa thế kỷ này, có thể nói đã trải qua hai lần chuyển biến, chân đứng như chạm mép vực sâu của thời thế, và của cả những điều khó nói. Trong hai lần chuyển biến đó, tôi học được sự điềm nhiên và những bước đi có chọn lựa đầy trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ, qua nhiều cảnh ngộ khác nhau. 


Những năm tháng sau khi Việt Nam thống nhất địa lý, nhưng đó cũng là lúc Phật giáo bị tan tác, chia rẽ và hình thành giáo hội mới với sự bảo trợ của nhà nước. Đó được coi là lần chuyển biến thứ nhất. Những bậc Thầy của Phật giáo Việt độc lập truyền thống rơi vào những hoàn cảnh xót xa. Những minh sư hiền giả lại đẩy vào cái chết bất thường, tù đày, cô lập… trong giai đoạn rối ren, hỗn loạn. Thế hệ tiếp nối của tinh thần Phật giáo lúc đó như Thầy Tuệ Sỹ, Mạnh Thát, Thích Phước An… mỗi người một nơi. Nhưng riêng với Thầy Tuệ Sỹ, sự có mặt, đối thoại và hành xử theo luật pháp Việt Nam vào giai đoạn sau năm 1975, đã đặt các nhà làm chính sách ở Việt Nam vào thế muốn xem Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một tổ chức bất hợp pháp là một điều không dễ. Sự biến Lương Sơn là một biến cố mà sự có mặt của Thầy đã mở ra một chứng minh quan trọng: cộng đồng tôn giáo, dù lớn hay nhỏ, là một thực thể lịch sử và truyền thống vượt lên hạn chế của tên gọi, thời gian và địa lý, bất luận có được thế quyền nhìn nhận hay không. Chính vì vậy, việc có thêm một giáo hội, chỉ có ý nghĩa làm đa dạng sinh hoạt tôn giáo chứ không thế vì vậy mà loại trừ một hoạt động tôn giáo khác. Cấm chỉ, thành lập hay loại bỏ bằng quyền lực chỉ là hoạt động vô nghĩa ngoài da.


Buộc lòng phải lên tiếng vì lẽ phải, và sự tồn tại của một tập hợp tôn giáo có tính lịch sử của người Việt Nam, Thầy Tuệ Sỹ đột nhiên trở thành một hình ảnh mang tính chính trị. Ngay cả án tử hình (1988) hay những lần bị tù, quản thúc, Thầy được chúng Phật tử kính trọng với câu trả lời trở thành kinh điển trước các quan chức hay tòa án, nhưng Thầy lại không coi đó là danh tiếng hay điều đáng lưu tâm trong cuộc đời theo chân Phật.


Thầy Hạnh Viên, người kề cận nhiều với thầy Tuệ Sỹ có kể rằng, Thầy Tuệ Sỹ thấy ngại khi người ta nói nhiều về những năm tháng khó khăn của Thầy, ngại khi nghe nói về những phát biểu có tính như một nhà đấu tranh chính trị. “Ôn (ngài) nói là một người đi tu, điều đáng nói là sự giác ngộ và giá trị tu tập của mình, còn những chuyện khác đó là sự đối phó với đời thường, không có gì đáng nói. Nếu cứ nói miết về tính chính trị, hoá ra, đời mình đã sao lãng kinh kệ rồi sao?”.  


Quả thật, vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam nổi chìm theo vận nước. Thầy Tuệ Sỹ nói, và xác định sự tự tại, minh định giá trị đời mình trong vận mệnh của Phật Giáo, là điều buộc phải làm chứ không là điều Thầy chọn làm. Đó là lý do những đoạn thăng trầm, bất hoà và mất kết nối trong nội bộ dẫn đến chuyện năm 2005, Thầy bị thay thế bởi một thành viên khác trong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thầy vẫn tập trung làm công việc dịch kinh, chú giải và Phật sự như lẽ sống quan trọng nhất: Một người đến với Phật, điều quan trọng nhất vẫn là tìm về ngồi dưới chân Phật.


Tấm lòng và trí tuệ của Thầy vẫn tỏa sáng. Tháng 5 năm 2019, Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ra Quyết Định số 14 trao quyền điều hành Giáo Hội cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nên đến Tháng Tư 2020, nhân lễ chung thất của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tuyên bố phụng thừa Quyết định Ủy thác Quyền Điều hành Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 


Có thể nói, lúc này là lần chuyển biến thứ hai của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Việc xuất hiện và được giao phó, khiến nhiều vị chức sắc và những nhánh hoạt động thiên về Phật Giáo Thống Nhất đàm luận, chất vấn, và thậm chí tỏ ra nghi ngờ. Bởi lẽ, Thầy ẩn dật và dành nhiều thời gian cho các công trình Phật học – được cho là có lẽ đã “quy thuận” chính quyền và không còn muốn tranh đấu.


Đó có thể là lý do, dù được Đức Đệ Ngũ Tăng Thống giao toàn quyền, Thầy chỉ xin được nắm vị trí là một “Bỉnh Pháp Tỳ-kheo,” chờ khi thuận tiện sẽ tổ chức đại hội để dựng lại Hội Đồng Lưỡng Viện và bầu ra người lãnh đạo mới: Đức Đệ Lục Tăng Thống. Cho đến ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2022, Thầy mới vận động được chư Tôn Đức để dựng lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Hội Đồng này đã thỉnh cử Thầy làm Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống. Hơn ai hết, Thầy hiểu vấn nạn của nội bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lúc này: có người muốn đấu tranh quyết liệt đối đầu, có người muốn tập hợp lực lượng chính danh, có người muốn giữ yên tình thế để phát triển nhân lực và vật lực… nhưng quan trọng sự bất đồng là điểm chính, trong sự theo dõi chặt chẽ của nhà cầm quyền. 


Chính vì sự nóng lòng muốn có người lãnh đạo, để đấu tranh, để phục hoạt, mà đã từng có một đại hội tự tổ chức ở miền Trung không lâu sau khi Đệ Ngũ Tăng Thống viên tịch, để bầu lên Đệ Lục Tăng Thống. Tuy nhiên kết quả và chức vị từ đại hội đó dần im tiếng vì không chính danh.


Những năm tháng này là sự đau yếu kéo dài của Thầy Tuệ Sỹ. Nhưng Thầy vẫn nhận vị trí cố vấn Hội đồng Hoằng pháp, và thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm Thời. Công trình mới nhất là phiên dịch 29 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam, được coi là vô cùng quan trọng trong tàng thư Phật Giáo cho người Việt Nam.


Có lúc, vang lên lời chất vấn về chuyện tự do tôn giáo đang khốn khó, tại sao Thầy Tuệ Sỹ lại không chọn tranh đấu, mà lại thực hiện việc dịch kinh sách? Thật, trong bối cảnh lửa tàn tro lạnh của sinh hoạt tôn giáo độc lập nói chung, lời chất vấn này không phải là không có ý nghĩa. Câu hỏi đặt ra, nhằm trực diện đến vận mệnh Phật Giáo Việt Nam tự do hôm nay, cũng đã có lúc gieo cho tôi sự hoài nghi, khiến tôi phải loay hoay đi tìm sự giải đáp giữa thế giới đầy biến động này. 


Năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải đi tỵ nạn sang Ấn Độ để tránh âm mưu sát hại của cộng sản Trung Quốc, trên đường đi, những nghĩa quân kháng chiến Tây Tạng đón ngài, và đề nghị ngài làm lãnh đạo tinh thần của cuộc kháng chiến đòi độc lập. Nhưng là một người đi tu, ngài chỉ có thể đấu tranh bằng lời kinh truyền thống, và mở rộng tinh thần tôn giáo tự do bên ngoài quê hương bị cộng sản thao túng, đàn áp. Khi đến Ấn Độ, nghe thấy có người kháng chiến thất vọng về ngài đã tự sát. Lúc đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã khóc, và nói rằng ngài không thể đứng ở vị trí chỉ huy những cuộc tấn công hủy diệt con người, và cầu xin những người kháng chiến hãy bình tâm.


Cũng chính vì vậy, năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma xin rút vai trò chính trị trong Quốc hội lưu vong, để dành trọn thời gian vận động tinh thần cho một nước Tây Tạng độc lập. Đấu tranh trực diện là giai đoạn, nhưng gìn giữ giá trị truyền thống cho mai sau, mới là điều phải tận lực.


Tôi như chợt nhìn ra cuộc vận động lặng lẽ, và là rường cột của Thầy Tuệ Sỹ chủ xướng. Chủ ý của Thầy là dành sức cho vận mệnh Phật Giáo Việt Nam độc lập và tinh khiết – một ngày mai phải đến. Sau năm 1975, việc tách nhập Phật Giáo, tạo thành nhánh mới vào năm 1981, mọi thứ hoàn toàn là chỏng trơ, với toàn bộ trí tuệ kinh điển, đều là của những bậc đại sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tạo dựng, chuyển soạn, phiên dịch… Ngoài đền đài, những tượng Phật to lớn và ngôn từ thao túng trục lợi dân chúng của giáo hội mới, xương sống của Phật Giáo Việt Nam độc lập là kinh điển hình thành mọi lý thuyết, vẫn sừng sững không thể xâm phạm và xoá bỏ. Nếu cam tâm huỷ diệt, tức có nghĩa huỷ diệt luôn cả bộ mặt sơn son thếp vàng vô hồn của Giáo Hội Phật Giáo mà nhà nước dựng lên.


Đời người thì hữu hạn, và cả một chế độ cũng hữu hạn. Tiếp tục duy trì trí tuệ thật, của Phật Giáo thật, là chuyện của trăm năm sau, của những thế hệ tìm thấy chỗ dựa để dựng lại xã hội Việt Nam, với Phật giáo đang suy đồi vì danh lợi và chính trị. Và hơn hết, dành sức cho tri thức Phật Giáo, cũng đồng nghĩa làm thất bại những lời vu cáo về “lợi dụng tôn giáo, hoạt động chính trị”.


Cũng như nhiều năm trước, đột nhiên Thầy Tuệ Sỹ phải bước ra, cất tiếng trong vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam trong bi thương. Hôm nay, ngài chấp nhận im lặng trước những câu hỏi không thể trả lời một lần, mà đang dồn sức lực cuối cùng, hành động cho tương lai của Việt Nam, tương lai của vận mệnh Phật Giáo Việt Nam ngàn đời.


​​“Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo rỗng đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình”, lời của Thầy nói với tuổi trẻ Việt Nam từ nhiều năm trước, đến nay vẫn y nguyên vậy. Sự kiên quyết và hành hoạt không lùi bước của Thầy có thể được xem như một thái độ chính trị cho đạo Phật trước buổi hỗn mang, nhưng chung quyết vẫn là ý chí và tâm nguyện của một người kiên tâm thừa tự chánh pháp, nguyện soi đường cho thế hệ Việt mai sau.


Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh


Monday, November 13, 2023

THƯ MỜI Dự Buổi Ra Mắt ‘Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ’


THƯ MỜI

Dự Buổi Ra Mắt ‘Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ’


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Kính bạch chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni,

Kính thưa quý nhân sĩ, văn nghệ sĩ, quý cơ quan truyền thông báo chí, đồng hương Phật tử, và tổ chức Gia Đình Phật Tử


Nói đến Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là nói đến một trong những nhân tài hiếm có của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua. Ngài là một bậc Thạch Trụ Tòng Lâm, với trí tuệ uyên thâm đối với Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo, mà công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Ngài lãnh đạo đã và đang tiến hành là một xác chứng cụ thể. Ngài còn là nhà tư tưởng, văn hóa, và văn học kỳ vĩ, với nhiều tác phẩm nghiên cứu, luận giải, thơ, văn đã được xuất bản và phổ biến trong và ngoài nước. Ngài cũng là nhà giáo dục uyên bác đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử trong suốt nửa thế kỷ qua. 

Trong thời gian gần đây, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã lâm trọng bệnh, với bệnh tình ‘thập tử nhất sinh’. Để tỏ lòng tri ân và xưng tán ân đức và công hạnh mà Ngài đã cống hiến cho Đạo Pháp và Dân Tộc, cuốn Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được thực hiện trong thời gian khẩn cấp bởi những người đệ tử, những học trò, những pháp lữ và thiện hữu gần xa của Ngài. Nay cuốn Kỷ Yếu Tri Ân dày 500 trang, gồm hơn 90 bài viết từ gần 70 tác giả, đã được hoàn tất và in ấn. 

Để giới thiệu đến chư tôn đức Tăng, Ni, quý thức giả và đồng hương Phật tử, một buổi ra mắt Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ sẽ được tổ chức vào lúc 4:30 giờ chiều, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2023, tại Tu Viện Đại Bi, 13852 Newland St., Garden Grove, CA 92844; điện thoại: (714) 360-5355. 

Chúng con kiền thành đảnh lễ cung thỉnh chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni hoan hỷ quang lâm; đồng thời chúng tôi kính mời quý nhân sĩ, quý văn nghệ sỹ, quý đồng hương Phật tử, và quý cơ quan truyền thông báo chí vui lòng đến tham dự buổi ra mắt Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ. 

Sự quang lâm của chư Tôn Đức và sự hiện diện của quý liệt vị không những là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Tổ Chức, mà còn biểu tỏ lòng tùy hỷ và trân trọng của quý vị đối với một Người đã tận tụy cả đời để cống hiến cho nền tư tưởng, văn hóa, văn học, và giáo dục của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam. Mọi chi tiết, xin liên lạc TT. Thích Hạnh Tuệ tại số (619) 278-9837 hay và Htr. Tâm Thường Định (916) 607-4066.

Thành tâm cung thỉnh và kính mời.

Phật lịch 2567, California, ngày 10 tháng 11 năm 2023

TM. Ban Biên Tập Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ

Tỳ Kheo Thích Nguyên Siêu



Mời đọc những bài có liên quan:

Sunday, November 12, 2023

Tâm Thường Định: “Phôi Bào Trong Như Lai Tạng Vẫn Tiếp Diễn Không Ngừng”

Lời Thưa: Sư-Huynh Phổ Hòa-Hồng Liên Phan Cảnh Tuân đã mất, mà di sản tinh thần vẫn còn. Đó là tâm nguyện giáo dưỡng các thế hệ đàn em áo lam trở thành những công dân-phật tử có ích cho xã hội. Một trong những ước mơ mà Sư-Huynh nhắn nhủ là thực hiện một Tủ sách GĐPT. Loại sách gọn nhỏ, gối đầu giường và bỏ túi, có thể mang theo balô mỗi khi đi trại. Tủ sách nhiều thể loại xây dựng kiến thức và thăng hoa tâm hồn áo lam. Thời gian không làm phôi phai những giá trị tinh thần đã trở thành di sản mà bao thế hệ Đàn Anh đã trao truyền cho các em bằng lời nói và hành động, bằng cả những phương tiện thiện xảo không lời… TỦ SÁCH PHỔ HÒA ra đời bằng chính những tâm nguyện của Người Xưa đó, thuận pháp mà kết trái đơm hoa… Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Dịp này, tuyển tập “Đạo Phật và Thanh Niên” được ấn hành và chỉ phát tặng, đặc biệt gởi đến anh-chị-em lam viên trong nước lẫn ngoài, trong tâm tình thù ân công ơn sâu dày của một bậc Thầy, trọn một đời giáo dưỡng bao thế hệ tuổi trẻ Phật giáo Việt Nam, trong đó GĐPTVN luôn là một niềm kỳ vọng sâu lắng nhất của Thầy!

*

Vị Sư đó, dáng mảnh khảnh, mắt tinh anh, từ thời trẻ, đã từng đứng trên bục giảng Viện Ðại Học Vạn Hạnh (Sài gòn trước 1975), thao thao giảng những luận đề triết học Ðông Tây Kim Cổ, những khảo luận uyên thâm về Phật Giáo Nguyên Thỉ, Phát Triển, Thiền Tông…

Vị Sư đó, cũng có thời, quay lưng với thủ đô (miền Nam) náo hoạt, lui về đồi Trại Thủy (Nha Trang) lộng gió biển khơi, quây quần cùng lớp tăng sinh Phật Học Viện Hải Ðức, say sưa trao truyền, chia sẻ sở học và kiến văn sâu rộng của mình.

Vị Sư đó, vào tuổi trung niên, đã lừng lửng dấn bước chân Bồ Tát bất thối vào chốn nguy nan để dậy lên lớp lớp hải triều gọi kêu tự do, dân chủ công bình cho nhân sinh giữa vô minh dằng dặt.

Vị Sư đó, mọi thời mọi lúc, cứ như nhất hành trạng vô úy, thong dong với chiếc lam y, tự tại trong áo nâu sồng, dù đang giữa thị tứ đô hội, giữa núi đồi cỏ cây tịnh mặc, hay giữa chốn ngục tù với án tử hình vô nghĩa (1988).

Ngày nay, vị Sư đó – Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ – đến với các bạn trẻ trong và ngoài nước, gởi trao lời pháp thân tình: “Ðạo Phật và thanh niên.” Mỗi một chúng ta chắc hẳn sẽ đón nhận bài pháp theo từng tâm đắc khác nhau.

Mỗi chúng ta, với tâm thức và tấm lòng có thể riêng khác, nếu ví được như những chiếc chuông treo, và lời pháp của Thầy như khúc dùi khua, đủ sức khua chuông ngân tiếng. Tiếng chuông, dù ngắn hay dài, dù trầm hay thanh, dù thong thả hay xôn xao, có lẽ nếu Thầy nghe được, chắc Thầy cũng xem như lời pháp vọng âm từ chúng ta. (Như có lần Thầy nghe một người bạn – có lẽ cũng là bạn trẻ – tâm sự về tình yêu và sự vĩnh hằng và Thầy xem đó là một “bài pháp rất hay”).

Hôm nay, bài pháp thoại “Ðạo Phật và thanh niên” của Thầy Tuệ Sỹ, như một tách trà còn bốc khói, chúng ta thử đón nhận và thưởng thức, và mỗi bạn riêng mình biết rõ hương vị. Dù tâm cảm của mỗi bạn có sao đi nữa, các bạn hẳn đồng ý rằng bài pháp đã được trao gởi trong ánh sáng của Ðạo Giải Thoát – Giải thoát khỏi mọi hệ lụy tầm thường. Giải thoát khỏi những trói buộc của tâm/vật lý phi nghĩa. Giải thoát khỏi những giới hạn cứng nhắc của lý tưởng, ý hệ, tín điều mù lòa.

Trong đời thường, tìm kiếm giải thoát đó còn có nghĩa là phóng thoát đến tự do đích thực. Và trong ý nghĩa giải thoát/tự do này, bài pháp của Thầy Tuệ Sỹ đã không thúc dục, gò ép các bạn vào một định khung, một khuôn khổ nào. “Tự mình thắp đuốc mà đi.” Mỗi một bạn trẻ tự tìm thấy chánh pháp cho chính mình!

Hoa Ðàm, 2009

From a young age, the esteemed monk, with a slender physique and keen, lively eyes, delivered philosophy lectures at Vạn Hạnh University (in Saigon as known before 1975). He taught profound wisdom on various branches of Buddhism, including Theravada Buddhism, Mahayana Buddhism, and Zen Buddhism, spanning from ancient to modern times and Eastern to Western philosophies.

Once, this revered monk abandoned the vibrant capital of the South and sought refuge in Trại Thuỷ hill (Nha Trang), a winding coastal city, where he devoted himself fervently to instructing and imparting his vast wisdom and understanding to the Buddhist monks enrolled at Hải Đức Buddhist Institute.

At around middle age, the revered monk fearlessly traversed treacherous terrain in the footsteps of the Bodhisattva, imparting knowledge to countless generations and advocating for the principles of liberty, democracy, and equity in the realm of human existence.

That venerable monk looked to act fearlessly, leisurely in his gray robe, at ease in his brown robe, whether he was in the middle of the city, the tranquil highlands and hills, or a prison with an absurd death sentence (1988).

Today, the esteemed monk, The Most Venerable Thích Tuệ Sỹ, is still teaching the youth and individuals both in Vietnam and abroad, imparting benevolent teachings on the principles of Buddhism specifically tailored for the younger generation. Undoubtedly, the message will elicit varied responses from each of us, contingent upon our respective interests.

Each individual might be likened to a hanging bell, with their own cognitive and emotional faculties. The teachings of the Venerable, like a chisel, have the precise impact required to elicit a resonant sound from the bell. If the Venerable perceives the sound of the bell, regardless of its duration, pitch, volume, or intensity, he would interpret it as the manifestation of the Dharma reflecting from us. (For instance, I once overheard a companion, potentially a youthful companion, discussing love and eternity, and I found it to be an exceptionally insightful discourse on Buddhist teachings).

Nowadays, The Most Venerable Thích Tuệ Sỹ’s Dharma talk titled “Buddhism and the Youth” is like a freshly brewed cup of tea. We strive to receive and savor it, with each individual experiencing their unique taste. Regardless of your sentiments, it is universally acknowledged that the Dharma talk was presented within the framework of the Path of Liberation, which aims to free individuals from all trivial repercussions. Freedom from the constraints of mental and physical folly. Liberty from the rigid limitations of ideals, ideologies, and unquestioning beliefs.

Discovering emancipation in daily existence also entails seeking absolute independence. The Most Venerable Thích Tuệ Sỹ’s teachings did not impose any predetermined structure or framework on your understanding of liberation or freedom.

(Just) “Ignite your torch to pursue.” Each young person must discover his or her own Dharma.

Hoa Đàm Group.

Translated by: Tâm Thường Định

Tuesday, November 7, 2023

J.K. Hirano | Tâm Quảng Nhuận dịch Việt: Thư gởi con gái và những thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Hoa Kỳ

 

Trong thế gian này, hận thù không bao giờ được xoa dịu bằng hận thù.
Nhờ vô sân (tình thương) mà sân hận được xoa dịu.
Đây là một quy luật vĩnh cửu.
Có những người không nhận ra rằng một ngày nào đó tất cả chúng ta đều phải chết.
Song, những người nhận ra điều này sẽ tìm thấy sự bình yên.
Dharmapada (lời của Đức Phật)

Taylor, Kacie và tất cả thương quý,

Taylor, câu hỏi mà con đã hỏi ta ngày hôm trước, “Làm thế nào mà thế hệ của con sống với tất cả sự hận thù mà xã hội đương thời dường như đang cổ súy và kết quả là con và thế hệ của con cảm thấy vô cùng bức xúc? Phật giáo có câu trả lời cho vấn nạn này không?”

Đó là một câu hỏi hay, Tay, ta đã phải loay hoay không biết trả lời với con như thế nào. Theo nhiều cách, những câu hỏi này tương tự như những câu hỏi ta đã đặt ra khi ở độ tuổi của con, trong phong trào dân quyền những năm 60 và 70. Những câu hỏi này đã là nhân duyên trở thành một vị cư sĩ giáo thọ trong Phật giáo. Ta không đề nghị con trở thành một vị thọ giáo, nhưng Phật giáo và nguồn gốc của gia đình chúng ta với tư cách là những Phật tử và Tăng sĩ đã truyền đạt cho ta rất nhiều điều. Có lẽ nó có thể gởi gắm cho con một số câu trả lời.

Hình thức Phật giáo của chúng ta, Tịnh Độ Chân Tông (Jodo Shinshu), đến từ Nhật Bản, và đến Nhật Bản từ Hàn Quốc. Trong hàng trăm năm, người Nhật đã chiến đấu với Triều Tiên. Thậm chí cho đến ngày nay, vẫn còn dấu vết của sự hận thù từ thời điểm đó. Tuy nhiên, vị Vua Hàn Quốc, với trí tuệ và lòng nhân hậu của mình, đã ban cho người dân Nhật Bản thứ mà ông coi là kho báu lớn nhất của mình: giáo lý Phật giáo. Ngài đáp lại sự thù hận bằng cách trao cho kẻ thù những kho báu lớn nhất của mình – Phật, Pháp và Tăng. Phải chăng đây là những hạt giống có thể chữa lành vết thương do lòng hận thù của người Nhật, người Hàn Quốc và có thể cả thế giới?

Phật giáo Jodo Shinshu đến Hoa Kỳ hơn 100 năm trước. Điều thú vị là các Giáo hội Phật giáo Hoa Kỳ được thành lập tại Trại tập trung Topaz ở Delta, Utah. Đây là thời điểm Nhật Bản và Hoa Kỳ đang có chiến tranh. Khoảng 120.000 người Nhật và người Mỹ gốc Nhật bị tống vào các trại tập trung này mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp. Điều đó có nghĩa là không có bất kỳ quyền lợi hợp pháp nào, mọi thứ đều bị tước đoạt chỉ vì họ là người Nhật. Chính phủ thời đó đã tán thành sự căm ghét rất giống với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện tại. Song, vào thời điểm đó, ông ngoại của Rokuro Nakano đã gia nhập tác chiến trong Trung đoàn 442, còn ông nội của con là Henry Hirano, gia nhập Cục Tình báo Quân đội thuộc tiểu đoàn 100. Chỉ vài năm trước, cả hai đã nhận được vinh dự cao nhất – Huy chương Vàng của Quốc hội – vì sự phục vụ của mình cho đất nước chúng ta. Họ đã đáp lại sự căm ghét bằng sự phục vụ.

Taylor, bạn biết đấy, những câu hỏi lớn về Sinh, Lão, Bệnh, Tử đã được giải đáp cho ta bằng niềm tin rằng ta được ôm ấp trong lòng từ bi của Đức Phật, và ta đáp lại với lòng biết ơn Tam Bảo. Tuy nhiên, ta biết bạn có thể thắc mắc việc niệm Hồng Danh Chư Phật biểu hiện như thế nào trong gia đình, xã hội và đất nước của chúng ta. Ta tin rằng đây là điều mà bản thân con cần phải suy ngẫm, nhưng ta muốn chia sẻ với con những điều ta hằng tin tưởng và cố gắng thực hành.

Con biết đấy, ta thích những thứ lập dị và chúng ta đã cùng nhau xem tất cả các bộ phim Người nhện. Con có nhớ khi chú Ben của Peter Parker qua đời và ông đã nói với Peter AKA Người nhện rằng: “Sức mạnh to lớn sẽ đi kèm với trách nhiệm lớn lao”. Ta không nghĩ chú Ben đang đề cập đến siêu năng lực của Người nhện như nhiều người vẫn nghĩ. Ta tin rằng chú Ben đang đề cập đến tính nhân văn của Peter. Khi nói đến nhân tính, ta muốn nói đến khả năng mà con người chúng ta sở hữu: đáp lại sự tức giận bằng lòng tốt, tham lam bằng sự rộng lượng và thiếu hiểu biết bằng sự khiêm tốn. Peter Parker muốn giết kẻ đã tấn công chú Ben của mình, và với siêu năng lực Người Nhện, anh ấy có thể làm được. Vào lúc đó, Phêrô đang trải qua một trong những đau khổ lớn nhất của cuộc đời, cái chết của người thân yêu. Chú Ben cũng biết rằng ông sắp chết và muốn để lại cho các cháu những lời này mà Peter có thể hướng tới, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn của cuộc đời mà chú Ben không cần phải có mặt. Tôi tin rằng Chú Ben sẽ để lại cho Peter những lời yêu thương: “Peter, với những sức mạnh to lớn này, con đã được ban tặng như một con người, con có trách nhiệm to lớn và điều này có nghĩa là phải sống với Lòng tốt, Sự hào phóng và Khiêm tốn.” Taylor, đây chính là những cường quốc mà vị nguyên thủ Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Phật giáo và ông nội của con đã có thể áp dụng để đáp lại sự căm ghét và tức giận diễn bày xung quanh mình.

Taylor, trải nghiệm của ta với bệnh tật cá nhân và với tư cách là một vị cư sĩ giáo thọ đã dạy ta rằng cuộc đời rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, dù có sống đến trăm tuổi, ta cũng cảm thấy thời gian ở bên con và gia đình thật quá ngắn ngủi, ta biết mình thật tham lam. Ta ước gì mình có thể ở bên con và em Kacie mãi mãi, và bất cứ khi nào các con đau, sẽ ôm các con và nói rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Khi con và Kacie được sinh ra, ta cảm thấy vô cùng vui mừng. Ta rất hạnh phúc khi con ra đời và bước vào cuộc đời của ta. Tuy nhiên, ta cũng sẽ rất ăn năn và hối hận khi biết rằng kiếp này con đang phải chịu đau khổ và ta không thể bảo vệ con. Ta tin rằng tất cả các bậc cha mẹ đều cảm thấy niềm vui mãnh liệt như vậy.

Tuy nhiên, ta có thể nói với con rằng mình đã tìm thấy niềm hạnh phúc lớn lao khi yêu thương con, Kacie, Carmela (mẹ) và thậm chí tất cả những người bạn của các con hay của mẹ. Cơ hội để yêu và được yêu là điều ta mong muốn dành cho conn dưới mọi hình thức, đặc biệt là trong tình yêu chia sẻ với gia đình và bạn bè. Về sinh kế, ta đã tìm thấy cảm giác bình yên và mục đích sâu sắc trong cuộc sống của mình khi phục vụ người khác với tư cách là một cư sĩ giáo thọ. Ta biết khả năng làm cha, làm chồng, làm bạn và làm giáo thọ của mình không mấy hoàn hảo. À, ta hy vọng con sẽ cho rằng ta là người đàn ông thông minh nhất, dũng cảm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ta biết con nhận thức được ta thực sự không phải như vậy. Tuy nhiên, thật thú vị là trong sự chơn thành của ta, thế giới đã đón nhận và ban phước cho ta nhiều hơn những gì ta đáng được nhận. Ta nghĩ khi con sống một cuộc đời phục vụ người khác, thế giới sẽ đáp lại gấp mười lần. Khi viết lá thư này, ta tự hỏi làm sao một người đàn ông không đẹp trai, dốt nát như ta lại có thể sinh được những cô con gái xinh đẹp, tuyệt vời như vậy. Theo cách hiểu rất đơn giản, có lẽ như chú của con, Tiến sĩ David Matsumoto đã nói, nỗ lực sống một cuộc sống Chân thật, Nhận thức đúng đắn và Trân trọng, là một cuộc sống đáng được tán thán. Đây là những điều ta mong muốn cho con và tin tưởng con có thể đạt được.

Khi còn học tiểu học, con đã khiến ta rất tự hào khi kể cho ta nghe con đã phát biểu như thế nào trong lớp, khi con chất vấn giáo viên của mình. Cô giáo đã nói với các học trò rằng cô không nghĩ trách nhiệm của người bác sĩ, người đã học tập và làm việc chăm chỉ để trở thành bác sĩ, lại phải đóng nhiều tiền thuế hơn để giúp đỡ những người hưởng phúc lợi hoặc quá lười biếng. Taylor, con phải rất dũng cảm mới giơ tay giải thích với giáo viên: “Mẹ của tôi là một bác sĩ và bà đã học rất chăm chỉ để trở thành một bác sĩ và bà dạy tôi rằng trách nhiệm của bà là giúp đỡ những người có thể gặp khó khăn không có được những lợi ích trong cuộc sống như cô ấy đã có.” Taylor, lòng dũng cảm của con ngày hôm đó chính là “trách nhiệm lớn lao” mà chú Ben đã nói với Peter Parker. Khả năng đứng lên chống lại hệ thống, đặt câu hỏi và đối đầu với những gì mình tin là sai, đặc biệt khi điều đó không dễ thực hiện chính là “siêu năng lực” của con. Bấy giờ, điều ta tin đây là đáp án của con về cách chúng ta nên phản ứng với sự tức giận và căm ghét trong thế hệ của mình như thế nào.

Tình thương và lòng từ bi của Đức Phật sẽ luôn hộ trì cho con. Tình yêu của ta dành cho con sẽ luôn bảo bọc lấy con, dù về mặt thể xác, có thể xa tầm tay, nhưng hãy tin rằng ta sẽ luôn ở bên bạn trong hồng ân Chư Phật. Hãy nhớ rằng cuộc sống rất ngắn ngủi. Căn bệnh của con vào đầu năm nay là một món quà tuyệt vời đã dạy cho bạn biết món quà cuộc sống tuyệt vời như thế nào. Đây là sức mạnh to lớn mà con đã nhận được. Trúng số độc đắc, chính là mạng sống con người. Bây giờ con đã có nó, cuộc sống của con là tùy thuộc vào bản thân. Sự hỗ trợ luôn ở xung quanh; Chư Phật hộ trì con; con đã cho ta thấy rằng con biết trách nhiệm lớn lao là gì và ta hy vọng con sẽ lấp đầy cuộc sống của mình bằng tình yêu thương.

Con biết đấy, trong Jodo Shinshu, Shinran Shonin đã có một khoảnh khắc tuyệt vời của chú Ben khi ông nói trong Tannisho: “Khi tôi suy xét sâu sắc lời thện nguyện của đức Phật A Di Đà, phát sinh từ năm kiếp suy nghĩ sâu sắc, tôi nhận ra rằng đó hoàn toàn là vì lợi lạc của một mình tôi thôi!” Đây là cách anh ấy nói rằng cả thế giới yêu con vì chính bản thân chúng ta. Ta biết rằng con có khả năng tìm ra ý nghĩa và ý nghĩa đối với cuộc sống của mình và sẽ tìm ra cách hành động với lòng nhân ái giữa một thế giới đầy giận dữ và hận thù. Hãy gọi cho ta nếu con cần bất cứ điều gì. Hãy bảo trọng!

Thương con thật nhiều

Bố

J.K. Hirano

A LETTER TO MY DAUGHTERS
AND THE YOUTH OF BCA

Hatred is never appeased by hatred in this world.
By non-hatred (love) is hatred appeased in this world.
This is a law eternal.
There are those that do not realize one day we must all die.
But those who do realize this will find peace.
Dhammapada (words of the Buddha)

Dear Taylor, Kacie, and all the daughters and sons of BCA,

Taylor, the question you asked me the other day, “How does my generation live with all the hate that my government seems to be espousing and the anger my generation and I feel as a result? Does Buddhism have an answer?” That was a great question, Tay, and I have struggled with how to answer you.  In many ways, these questions are similar to the questions I had when I was your age, during the civil rights movement of the 60s and 70s. These questions led me to become a Buddhist minister. I am not suggesting you become a minister, but Buddhism and the history of our family as Buddhists and our Sangha as Buddhists have taught me a great deal. Maybe it can offer you some answers.

Our form of Buddhism, Jodo Shinshu, came from Japan, and in turn, it came to Japan from Korea. For hundreds of years, the Japanese had fought with Korea.  Even to this day, there are remnants of the hatred from this time.  However, the Korean King, with his wisdom and kindness, gave the Japanese people what he considered his greatest treasure: the Buddhist teachings.  He responded to hatred by giving the so-called enemy his greatest treasures — the Buddha, Dharma, and  Sangha.  Could these be the seeds that can heal wounds created by the hatred of Japanese and Koreans, and possibly the world?

Jodo Shinshu Buddhism came to the United States over 100 years ago.   The Buddhist Churches of America, interestingly enough, were formed in the Topaz Concentration Camp in Delta, Utah.  This was a time when Japan and the United States of America were at war.  Approximately 120,000 Japanese and Japanese-Americans were thrown into these concentration camps without due process. That means without any legal rights, everything was taken from them just because they were Japanese.  The government of that time was espousing hate speech very similar to what we are hearing from our current government, directed at Muslims and other groups that are here in our country.

This was the time when your maternal grandfather Rokuro Nakano joined the 442 regimental combat team, and your paternal grandfather Henry Hirano joined the Military Intelligence Service of the 100th Battalion.  A few years ago, both of them received the highest honor our country can give — the Congressional Gold Medal — for their service to our country.  They responded to the hatred I am sure they felt, with service.

You know, Taylor, the big questions on Birth, Sickness, Old age, and Death have been answered for me by the conviction that I am embraced in Amida Buddha’s compassion, and I respond in gratitude with Namo Amida Butsu.  However, I know you may wonder how Namo Amida Butsu manifests in our family, society, and country. I believe that this is something each of us must reflect on, but I want to share with you what I believe and try to do.

You know I love geeky stuff and we have watched all the Spiderman movies together.  Do you remember when Peter Parker’s Uncle Ben was dying and he tells Peter AKA Spiderman, “With great power comes great responsibility.” I don’t think Uncle Ben was referring to Spiderman’s superpowers, as many might assume.  I believe Uncle Ben was referring to Peter’s humanity. By humanity I mean the capacity we humans possess:  to respond to anger with kindness, greed with generosity, and ignorance with humility.  Peter Parker wants to kill the man who attacked his Uncle Ben, and with his superpowers as Spiderman, he could. At that moment, Peter was experiencing one of the great sufferings in life, the death of someone he loved. Uncle Ben also knew that he was about to die and wanted to leave his nephews these words that Peter could turn to, especially during difficult moments in his life, without Uncle Ben having to be physically present.  I believe Uncle Ben is leaving Peter with words of love: “Peter, with these great powers you have been given as a human being, you have a great responsibility and this means to live with Kindness, Generosity, and Humility.”  Taylor, these are the same great powers the Korean King, the Buddhist lay leaders who formed BCA, and your grandfathers were able to access in response to the hatred and anger they felt all around them.

Taylor, my experience with personal illness, and as a minister have taught me that life is very short. However, even if I were to live to be one hundred years old, I would feel it was far too short a time to be with you and our family, I know I’m being greedy. I wish I could be with you and Kacie forever, and whenever you hurt, to hold you and tell you it will be alright. When both you and Kacie were born, I felt furious joy.  I was so happy that you were born and had come into my life. However, I was also furious and so angry, knowing that you would suffer in this life and I could not protect you. I believe all parents feel this same furious joy.

However, I can tell you that I have found great happiness in love with you, Kacie, Carmela (stepmom), and even your mom, my ex-wife.  The opportunity to love and be loved is something I wish for you in all forms, especially in the love shared with family and friends. As to livelihood, I have found a profound sense of peace and purpose in my life in service to others as a minister. I know that my abilities as a father, husband, friend, and minister are not very great.  Kidding aside, I hope you think I’m the smartest, bravest man in the world.  However, I know you know I am not. Yet it is amazing how in my ignorant simplicity filled with personal arrogance, the world has embraced me and blessed me with far more than I deserve. I think when you live a life of service to others, the world responds tenfold. As I write this letter, I wonder how such a not-very good-looking, ignorant man as myself could have been given such beautiful, wonderful daughters.  In my very simple understanding maybe it is as your uncle, Rev. Dr. David Matsumoto has taught me, that the effort to live a life of Authenticity, Awareness, and Appreciation, is a life that is profoundly rewarded.  These are things I wish for you and know you can achieve.

When you were in elementary school you made me so proud when you told me how you had spoken up in class, when you questioned your teacher.  She had told your class that she didn’t think it was the responsibility of her doctor, who studied and worked hard to be a doctor, to have to pay more money in taxes to help people on welfare or who were too lazy to work. Taylor, it took great courage for you to raise your hand and explain to your teacher, “My (step)mother is a doctor and she studied very hard to become one and she taught me that it was her responsibility to help those that may have not have had the same benefits in life that she had.”  Taylor, your courage that day is the “great responsibility” Uncle Ben was telling Peter Parker.  Your ability to stand up to authority and question and confront what you believe to be wrong, especially when it is not easy to do so is your “superpower.”  This is what I believe is the way to answer your question about how you respond to anger and hate in your generation.

Amida Buddha’s love and compassion will always embrace you.  My love for you will always embrace you, though physically you may not be able to always reach out and touch me, know that I will always be with you in Namo Amida Butsu. Remember that life is short. Your illness earlier this year was a great gift that taught you just how wonderful the gift of life is.  This is the great power you have received.  The Universal Lottery Jackpot is human life.  Now that you have it, your life is up to you.  Support is all around you; Amida Buddha embraces you; you have shown me that you know what great responsibility is and I hope you fill your life with love.

You know in Jodo Shinshu, Shinran Shonin had a great Uncle Ben moment when he said in the Tannisho: “When I consider deeply the vow of Amida, which arose from five kalpas of profound thought, I realize that it was entirely for the sake of myself alone!”  This is his way of saying the entire world loves you for who you are.  I know that you have it in you to find the meaning and significance to your life and will find a way to act with lovingkindness amidst a world of anger and hate. Call me if you need anything. Take care. Be safe.

Love you,

Dad

J.K. Hirano