Monday, March 4, 2019

Giới Thiệu 4 Tác Phẩm Mới Của Lotus Media

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Giới Thiệu 4 Tác Phẩm Mới Của Lotus Media

Dường như niềm vui đến bất ngờ luôn làm cho người ta thích thú và khó quên.
Vào một ngày Thứ Sáu cuối tuần rất bận rộn lại đột nhiên nhận được một lần tới 4 tác phẩm do người bạn đem tới tặng. Mở nhanh từng cuốn để xem mặt mũi ra sao thì thấy đó là 4 tác phẩm: Tạp Chí Hoa Đàm Số 5, với chủ đề “Phật Giáo với Dân Tộc”; “Thiền Trong Hành Động,” do Đạo Sinh dịch Việt; “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch Việt; và “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh. Tất cả đều được Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019 tại Hoa Kỳ.
Cái tên Lotus Media khá mới mẻ với giới mộ điệu chữ nghĩa sách báo. Họ là những người bạn trẻ rất có tâm huyết đối với nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Họ thuộc thế hệ một rưỡi và hai của cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ. Họ đều thành đạt học vấn và nghề nghiệp. Bây giờ họ muốn làm điều gì đó để đóng góp lại cho cộng đồng, cho đất nước và cho Đạo Pháp. Họ không chỉ thao thức mà còn tràn đầy nhiệt huyết để làm những gì họ có thể làm được. Những người bạn trẻ này tôi đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe nguyện ước của họ. Tôi quen vài vị trong nhóm, gồm Nguyên Túc Nguyễn Sung, Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Nhuận Pháp Trần Lâm, và Quảng Pháp Trần Minh Triết. Lotus Media được những người bạn trẻ này gầy dựng nên gần đày. Nhưng họ đã xuất bản trên một chục đầu sách.
Hoa Đàm là một cái tên có lẽ không mấy xa lạ đối với giới Phật Giáo tại Hoa Kỳ. Họ là nhóm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử trẻ đã có mặt hơn hai chục năm nay và có nhiều đóng góp trong lãnh vực truyền thông, báo chí, sách vở và tài liệu về Phật Giáo. Vài năm nay, Hoa Đàm chọn cách cho ra đời các tạp chí chuyên đề như Giáo Dục Phật Giáo — số 1, tháng 3 năm 2015; Truyền Thông Phật Giáo — số 2, tháng 6 năm 2015; Phật Giáo và Môi Sinh — số 3, tháng 6 năm 2016; Văn Học Phật Giáo — số 4, tháng 2 năm 2017; và mới đây nhất là Phật Giáo với Dân Tộc — số 5 đầu năm 2019.
Cuốn sách thứ nhất là Tuyển tập Hoa Đàm 5 “Phật Giáo với Dân Tộc” nói đến mối tương quan tương duyên của Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam trài dài trên hai ngàn năm lịch sử, với 16 bài viết được Nhóm Hoa Đàm kết tập mà trong đó có những tác giả lớn như Thích Đức Nhuận, Thích Nhất Hạnh, Thích Mãn Giác, Lê Mạnh Thát, v.v… Chẳng hạn, bài “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” của Thích Nhất Hạnh được viết tại hải ngoại vào năm 1982, là thời điểm của cao trào người Việt bỏ nước ra đi; thời điểm của di chứng chiến tranh đang đến hồi mưng mủ; thời điểm tuổi trẻ Việt Nam vừa mới sinh ra nơi xứ người chưa biết nguồn gốc của mình là đâu. Thiền Sư Nhất Hạnh viết rằng:
“Vì biến cố lịch sử năm 1975, hàng triệu người Việt đã rời bỏ đất nước họ và hiện thời đang sinh sống tản mác ở các quốc gia trên thế giới. Tiêu cực mà nói, đó là số phận của những người Việt phải sống kiếp lưu vong. Tích cực mà nói, đó là cơ hội ngàn năm một thuở để người Việt có thể đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới, tạo thêm cơ hội để bảo tồn sự sống của hành tinh xanh. Ra quốc ngoại để sống một cuộc đời lây lất lưu vong hoặc để đem văn hóa Việt làm chất liệu xúc tác văn hóa thế giới, cái đó tùy ở chí khí của mỗi người.” (PG với DT, tr. 85)
Hoặc trong “Bài Thơ Vận Nước và Tư Tưởng Chính Trị Của Thiền Sư Pháp Thuận” của Giáo Sư Lê Mạnh Thát đã nêu bật vai trò hộ quốc an dân của các Thiền Sư đã góp phần xứng đáng trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt trên mấy ngàn năm qua. GS Lê Mạnh Thát nhấn mạnh rằng:
“Vào thế kỷ thứ mười, lịch sử tư tưởng nước ta sau bao nhiêu năm thăng trầm đã hoàn tất được việc xây dựng một lý luận chính quyền với bài thơ Vận Nước của Thiền Sư Pháp Thuận. Chính quyền, hay nói rõ hơn, quyền lực của một nước nhà độc lập, xuất phát từ đâu và làm sao bảo vệ? Thiền Sư Pháp Thuận trả lời rất rõ ràng là chính quyền xuất phát từ sự đoàn kết của toàn dân chung quanh những vị lãnh đạo có tài có đức và được bảo vệ bởi chính sự đoàn kết và lãnh đạo tài đức ấy.” (PG với DT, tr. 27)
Cuốn sách thứ hai là “Thiền Trong Hành Động” [Meditation in Action] của tác giả Chogyam Trungpa Rinpoche do Đạo Sinh dịch ra tiếng Việt. Đại Sư Chogyam Trunpa Rinpoche là người sáng lập Đại Học Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ có tên Naropa University tại thành phố Boulder thuộc tiểu bang Colorado vào năm 1974.
Học giả Samuel Brecholz nhận định về Đại Sư Chogyam Trunpa Rinpoche và tác phẩm Meditation in Action trong lời giới thiệu cuốn sách này như sau:
“Trunpa Rinpoche đã trình bày Phật Pháp theo ngôn ngữ và cách nói của những người ông gặp. Ông đã sử dụng tiếng Anh theo cách có thể làm Phật Pháp trở nên dễ hiểu; và các hành giả phương Tây có thể tiếp cận theo cách mà họ chưa bao giờ gặp trước đây. Ông là người tiên phong trong việc tạo ra ngôn ngữ gọi là “Tiếng Anh tạp Phật Giáo” (Buddhist hybrid English) có thể truyền đạt trực tiếp và chính xác.” (Thiền Trong Hành Động, tr. 14)
Trong cuốn “Thiền Trong Hành Động,” Trunpa Rinpoche đã giới thiệu một cách rất súc tích những điểm cốt lõi của Đạo Phật như Từ Bi, Trí Tuệ, Nhẫn Nhục và Thiền Định. Ông cũng chỉ ra cách làm sao để thực tập những tinh yếu của Phật Pháp này để giúp người đọc không những hiểu mà còn thực hành Phật Pháp.
Cuốn sách thứ ba là “Những Bước Thăng Trầm” của Hòa Thượng Narada Mahathera do Phạm Kim Khánh dịch Việt. Trong lời giới thiệu của Lotus Media cho biết rằng:
“Nguyên tác quyển sách nhỏ này, tựa đề “The Eight Worldly Conditions,” được Đại Đức Narada Mahathera soạn thảo vào năm 1970, trước khi Ngài lâm trọng bệnh tại Việt Nam. Bản dịch được xuất bản lần đầu tiên vào dịp Lễ Phật Đản 2516/1972, và từ đó được tái bản nhiều lần, ở Việt Nam cũng như tại hải ngoại.”
Dịch giả Phạm Kim Khánh là người nổi tiếng với nhiều dịch phẩm giá trị đã được ấn hành từ trong và ngoài nước trước năm 1975 đến nay, mà trong đó dịch phẩm phổ biến nhất là “Đức Phật và Phật Pháp” [The Buddhia and His Teachings] cũng của Ngài Narada Mahathera do Phạm Kim Khánh dịch.
Trong dịch phẩm “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch và Lotus Media vừa xuất bản, Hòa Thượng Narada Mahathera viết về “Tám Pháp Thể Gian,” gồm được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ. Ấn bản của Lotus Media cũng đăng nguyên tác Anh Ngữ để cho những ai không rành tiếng Việt có thể đọc được. Ngài phân tích bản chất vào sự lợi hại của tám cặp đôi này để rồi đưa ra những lời khuyên dựa vào tinh thần của giáo lý đức Phật đã dạy. Trong một đoạn Ngài viết rằng:
“Thế gian đầy chông gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời gai và đá – chuyện mà ta không thể làm – tốt hơn nên mang giày và thận trọng đi từng bước. Chúng ta sẽ được an toàn.”(Những Bước Thăng Trầm)
Lời khuyên thật chí tính và chí lý làm sao!
Cuốn sách thứ tư là “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà thơ và nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh cũng do Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019. Sách dày 350 trang, bìa màu, ruột in bằng loại giấy đặc biệt. Sách được NXB Sống in lần đầu vào năm 2015. Lần tái bán này do Lutus Media thực hiện, với nội dung có phần hiệu đính so với lần xuất bản đầu. Tác phẩm gồm trên 40 bài viết về nhiều đề tài theo cảm hứng của tác giả trải dài từ năm 2009 tại Sài Gòn đến năm 2018 tại Hoa Kỳ. Phần sau của tác phẩm là 7 bài giới thiệu của nhiều tác giả như Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Tô Đăng Khoa, và Trịnh Y Thư. Trong tác phẩm này bàng bạc những câu thơ, những bài thơ của tác giả, vốn là nhà thơ đã có nhiều tác phẩm được xuất bản từ trong và ngoài nước, và của nhiều nhà thơ khác.
Trong bài “Bóng Bay Gió Ơi,” Nguyễn Thị Khánh Minh đã tâm sự với độc giả về thế giới chữ nghĩa của chị:
“Hồi nào đến giờ, tôi thích viết và đọc những gì được lay động, thôi thúc bởi ngẫu hứng thuần nhiên. Lời của các thi sĩ, văn sĩ làm tôi bay lên, tan theo cơn gió cảm xúc, hay pha mình theo muôn sắc của cõi tâm chan hòa cõi nhân gian của họ, còn hơn là đông cứng nhìn cuộc sống qua những khối hình hộp của triết thuyết. Tôi sợ mê lộ giáo điều. Bởi có những vô lý rất hợp lý của nhà thơ mà triết gia bó tay. Những “vô lý” mà chỉ có ngôn ngữ Thơ mới tung hê được…”(Bóng Bay Gió Ơi, tr. 279)
Đang chăm chú lần từng trang sách, bỗng mắt tôi khựng lại nơi những dòng chữ này và lòng tràn ngập bình an:
“Tôi ra hiên nhà xếp những tượng Phật nhỏ và những chậu bonsai vào một chỗ an toàn. Trời lạnh lắm, trong cái bóng đêm đang hờm sẵn giông bão, tôi thấy yên lòng khi dừng lại nơi vệt sang của ánh đèn đọng trên bàn chân tượng Phật ngồi, những ngón chân thanh thản, những ngón tay tạo nên hai vòng ấn quyết trầm lắng. Bát Phong chỉ là một hơi nhẹ thoáng qua, lý gì đến ngọn quái phong Santa An, tôi cười một mình. Đấy là góc thềm, một góc tối, nơi những nếp áo đá của Phật lay động dưới bàn tay, là chiếc thuyền đưa tôi qua những phúg giây chòng chành của tâm lẫn đời sống.” (Bóng Bay Gió Ơi, tr. 102)
Tất cả như những chiếc bóng bay theo gió vào cõi vô biên.
Cảm ơn các tác giả và Lotus Media đã trao cho cuộc đời những tặng vật quý giá.
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

THIỀN CHÁNH NIỆM ĐẠO PHẬT VIỆT NAM Ở PHƯƠNG TÂY


THIỀN CHÁNH NIỆM ĐẠO PHẬT
 VIỆT NAM Ở PHƯƠNG TÂY

Phật giáo phương Đông, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, trong gần nửa thế kỷ qua đã mang lại cho con người và xã hội phương Tây một món quà tinh thần đáng quý: Thiền Chánh Niệm (mindfulness meditation).

Chùa Tam Bảo

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Chiến tranh Việt Nam, con người đã thấm thía với hoàn cảnh loạn động vể cả thể chất lẫn tinh thần. Chiến tranh liên miên đã đưa nhân loại vào núi xương, biển máu. Với bản tâm náo động, con người hoảng hốt chối bỏ cả chính mình để tự nguyện hay bắt buộc lăn mình vào cuộc chiến. Khi tiếng súng đã im bặt, người ta vẫn còn bị quán tính chi phối, điên đảo nhìn nhau. Nhu cầu “tịnh hoá” trở thành một khát vọng tinh thần để giữ sự cân bằng cho trí óc và lương tri.

Với “bóng đè” chiến tranh còn nặng nề trong ký ức và tâm hồn, con người cần nhu cầu an lạc mà bản chất tĩnh lặng của đạo Phật hiện ra như một đáp án, một con đường hoá giải lý tưởng cho vấn đề.

Hiện nay, sau gần năm mươi năm sống xa quê, những chùa viện Phật giáo của  người Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới đạt đến con số nghìn; trong đó, tập trung đông nhất là tại Hoa Kỳ mà đặc biệt là những vùng đông dân cư người Việt.

Tuy nhiên, đã nhiều thập niên đi qua mà số chùa có các Phật tử, thành viên và tham dự viên người bản xứ và nước ngoài đến sinh hoạt thường xuyên chiếm tỷ số còn quá ít. Các chùa Việt Nam thường có số người ngoại quốc đến sinh hoạt lẻ tẻ chừng năm bảy người. Nhưng chùa Việt có số lượng người Mỹ đến sinh hoạt hằng trăm thì tôi mới chỉ thấy được duy nhất lần đầu ở chùa Tam Bảo.

Trong chuyến đi dài ngày “Viếng chùa mùa Xuân”, tôi có dịp đến viếng và tham gia sinh hoạt tại chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Tối nay, thứ Sáu (1-3-2019) có lớp Thiền Chánh Niệm của chùa dành riêng cho người Mỹ. Được biết là lớp thiền tập nầy được mở ra và sinh hoạt liên tục đã hơn mười năm nay.
 
Lớp Thiền chiều thứ Sáu chùa Tam Bảo

Lớp Thiền Chánh Niệm được tổ chức hằng tuần vào tối thứ sáu lúc 7:30pm và chấm dứt lúc 9:00pm. Tối nay, tôi đã trực tiếp tham dự với gần 80 người khác. Các tham dự viên trong độ tuổi từ 20 đến 60, hầu hết là người Mỹ da trắng. Các học viên được sắp xếp ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn ở tư thế bán già. Sau lễ Phật nhẹ nhàng niệm danh hiệp Phật Bổn sư Thích Ca và Bồ tát Quán Thế Âm, thầy trụ trì Thích Đạo Quảng hướng dẫn pháp thoại về đề tài: “Làm thế nào để biến kẻ thù thành bạn” (How to Turn Enemies into Friends) hay làm thế nào để sống có ít kẻ thù và có nhiều bạn hữu.

Thật ra, với những đề tài như thế này thì không có gì mới mẻ
trong xã hội phương Đông cũng như phương Tây. Cái mới ở đây là nhìn qua nhãn quan Phật giáo. Thầy Đạo Quảng có sự khéo léo của một hành giả hơn là diễn giả khi thầy không bị dính mắc vào ngôn ngữ đầy thuật ngữ chuyên khoa của một giáo sư đang giảng dạy môn Tâm Lý Trị Liệu Nhân Văn Hiện Sinh (Existential Humanistic Psychotherapy).

Hôm nay thầy là một “thôn tăng” nói chuyện bình dân bằng ngôn từ trong sáng, dễ hiểu với một tập thể đủ mọi trình độ trong hiện thực đời thường. Sự lãnh hội nội dung đề tài tu học của người tham dự được thể hiện rõ nét qua những lời phát biểu của họ ngay sau bài giảng của Thầy.

Sau buổi sinh hoạt Thiền Chánh Niệm, tôi có dịp hỏi chuyện và trao đổi ý kiến với một số người Mỹ ở nhiều độ tuổi khác nhau từ trong khoá học. Tuy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những điểm chung khiến họ gặp nhau ở nơi này vì họ đều có nhu cầu của một đời sống tâm linh và sự khao khát học những cái mới. Phần đông đều có những vấn đề về đời sống như gia đình xung đột, vợ chồng bất hòa, con cái ra ngoài lề xã hội... nên khi họ được biết đến đạo Phật như là một đạo của Từ bi, Trí tuệ và An lạc thì họ tìm đến để mong có một sự học hỏi, chia sẻ và hoá giải với người thân, với hoàn cảnh và trong tâm hồn của họ.

Không khí nghiêm túc mà cởi mở và vui tươi, phong cách ứng xử nhẹ nhàng mà đầy hỗ trợ, tương kính... trong suốt buổi sinh hoạt hôm nay là những dấu hiệu cụ thể của một buổi tu học thành công.

Sáng nay, tôi có dịp phỏng vấn thầy Đạo Quảng về những yếu tố nào đã khiến cho người ngoại quốc tin tưởng vào các lớp học tọa thiền của chùa viện Phật giáo Việt Nam như trường hợp chùa Tam Bảo, thầy đã có ý kiến rằng:

- Khung cảnh trang nghiêm và thanh tịnh của chùa thường gây sự chú ý và quan tâm đầu tiên của khách thập phương đặc biệt là người ngoại quốc. Chùa Tam Bảo nằm trong khung cảnh thiên nhiên xanh mát của rừng sồi Live Oak Tree trên một diện tích trước sau gần tám mẫu là một lợi điểm về quang cảnh.

- Hình thức thờ phụng trang nghiêm mà đơn giản sẽ không gây cảm giác “phản cảm” cho những người thuộc về các tôn giáo khác mà đặc biệt là người Mỹ phần lớn đều theo đạo Tin Lành, đạo Công Giáo. Thật vậy, trên bàn thờ cũng như ngoài khuôn viên chùa Tam Bảo chỉ có một tượng Đức bổn sư Thích ca và tượng Quán Thế âm bằng thạch cao trắng. Ngoài ra không có những tượng đài khác màu mè như thường thấy ở chùa viện nhiều nơi khác.

- Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy hướng dẫn. Thầy Đạo Quảng là một tiến sĩ ngành Tâm Lý học hiện đang giảng dạy ở đại học Xavier University of Louisiana. Ngoài ra, Thầy cũng là một chuyên viên tham vấn của các trung tâm cai nghiện ở địa phương và dành nhiều thì giờ tham gia các công tác từ thiện xã hội với nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau nên có sự quen biết tương đối khá rộng rãi.

Thật ra, khuynh hướng của đạo Phật khẳng định rằng không có một sự thành hình hay thành tựu nào là do một hay vài nguyên nhân đơn lẻ tạo nên cả mà luôn luôn có một sự tổng hợp nhiều điều kiện thường được gọi là “duyên” để tác tạo nên.

Nhân chuyến viếng thăm chùa Tam Bảo người viết xin được ghi lại một vài nét mà mình trực tiếp chứng kiến - mắt thấy tai nghe - với ước mong rằng những chùa viện Phật giáo Việt Nam sẽ là những trung tâm thu hút người ngoại quốc càng đông càng tốt.  Đó là hiện tượng sinh động và điều kiện “ắt có” trên đường giới thiệu văn hoá Phật giáo và hoằng dương chánh pháp.

Chùa Tam Bảo 3-3-2019
Trần Kiêm Đoàn

Sunday, March 3, 2019

QUA CỬA THỊ PHI

Chiều ta - Photo: BXK

Qua cửa thị phi 
Hoàng hôn looang bóng
Lợi danh có gì?


A moment of deep reflection: what is our spiritual legacy?

Friday, March 1, 2019

A Cry of Love

Bình minh trên quê hương Nhơn Lý - ảnh: Donnie Vo

A Cry of Love

The cry of a village
starting from mass tourism
the usual, peaceful dawn, is it a fairy tale now?
The land is alternated as a mountain is smashed apart

The great cry of the beach
has begun
aloud and resounding

and streams filled with tears
also begin to run dry

The cries of sand are sagging
Many things are just disappearing, just like the beautiful sand dunes,
Why, why, and why?

Do not let the monotonous breeze sigh like the North and South winds,
a lonely voice is just not enough, united we are strong.

Oh, my hometown.
forever remembering this hometown

and the motherland.

Đọc tiếng Việt - Tiếng Khóc Yêu Thương ở đây.

Sunday, February 24, 2019

AI ĐỘNG?


Cổng Trúc - Photo: DieuNhan.net

AI ĐỘNG?

Tiếng trúc hò cùng gió
Tiếng phong cầm càng to
Tiếng không lời lớn nhất

Phật cười không so đo!

Tuesday, February 19, 2019

Giới thiệu sách: Hoa Đàm 5 - Phật Giáo với Dân Tộc

Bìa sách - thiết kế bởi Uyên Nguyên, Lotus Media Inc.

THÍCH ÐỨC NHUẬN: 
Người theo Phật giáo sau khi nhận định rõ hai ngã đạo đời chỉ là một. Dù lẽ Ðời là một giai đoạn của lẽ Ðạo, hình thức sinh hoạt của tu sĩ theo Ðạo và hình thức sống của dân chúng vẫn không khác nhau, nhất là cái tinh thần không câu chấp của Phật giáo, đôi khi đã khiến các tu sĩ làm việc đời như những chiến sĩ khi lâm biến.
Ðể giữ vững lập trường Ðạo để giúp việc Ðời, hai nhà cách mạng đạo đức Huỳnh Phú Sổ và Lý Ðông A cũng đã khơi nguồn từ lẽ Ðạo để nhập thếtheo ngã đời, và sẽ xuất thế theo ngã Ðạo khi việc Ðời đã giải quyết xong.
Vị lãnh tụ họ Huỳnh, người sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo và Ðảng Dân Xã đã cương quyết vung bảo kiếm vào đời:
“Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô.”

Còn vị thủ lãnh họ Lý, người đã dựng lên học thuyết D.D thắng nghĩa cũng chủ trương tương tự như thủ lãnh họ Huỳnh, là:
“Chèo sang một bến Cực lạc
vớt lấy trăm bể trầm luân
làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy
trở lại hang sâu nhập niết bàn”

Những phương pháp tranh đấu cao độ của các nhà lãnh tụ tôn giáo từ ngã Ðạo qua ngã Ðời, hoặc từ ngã Ðời sang ngã Ðạo chứng minh rõ Phật giáo như thế nào rồi.
Riêng đối với những người đã giác ngộ hay chưa giác ngộ chủ trương của Phật giáo, cần lưu ý hành động của mình trước hai ngã Ðạo và Ðời.
a. Khi lâm biến, việc Ðời phải lo trước việc Ðạo. Vì đời có thịnh Ðạo mới hưng. Xã hội có yên việc tu hành mới không bị phá hoại.

b. Lúc bình thường, việc tu dưỡng đạo đức để nâng cao giá trị con người của mỗi người cũng rất cần thiết, dù người đó chỉ hành nghiệp của Bồ Tát mang thân mình ra phụng sự Ðời.
Tại sao vậy?

Vì: “Ðạo Phật là một phương pháp để giác ngộ con người tới chân lý.” Phương pháp đó có thể làm lợi cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho các tu sĩ trong Phật giáo.
Ðể kết luận, đặt ra vấn đề Minh danh Phật, là nhằm mục đích mở đường cho việc tìm hiểu “Tinh thần Nhân chủ xã hội Phật giáo,” tuy chưa đủ sáng tỏ đối với một giáo lý như giáo lý của Phật. Nhưng, với cái nhìn ở một góc cạnh chính trị về Phật giáo, tưởng cũng không phải là vô ích, đối với phong trào cách mạnh dân tộc hiện nay.


NHẤT HẠNH: Chúng ta đã không biết thừa hưởng những phần quý giá nhất của gia tài tâm linh mà Siddhartha để lại. Đạo Bụt của chúng ta đã hủ hóa, không còn đóng được vai trò như ngày xưa. Chúng ta phải nỗ lực làm mới đạo Bụt để đạo Bụt có thể tiếp tục đóng được vai trò của nó trong việc đem lại an bình cho bản thân, gia đình, đất nước và xã hội. Chỉ thực tập đạo Bụt tín mộ, cả ngày chỉ cúi rạp mình dưới mấy cây hương, chúng ta sẽ không làm được việc đó, chúng ta sẽ không xứng đáng là con cháu của bậc Đại Hùng.

Monday, February 18, 2019

QUAN ÂM QUẢNG TRẦN - Thích Nữ Giới Hương

Sách designed by Uyên Nguyên - Lotus Media, Inc.

THÍCH NHƯ ÐIỂN: Người xưa thường nói rằng: "Học hải vô nhai, cần thị ngạn; thanh không hữu lộ, chí vi thê". Nghĩa là: Biển học không bờ, siêng là bến; trời xanh có lối, chí là thang". Mãi cho đến bao giờ, khi nắp quan tài chưa đậy lại, thì lúc ấy con người mới không cần học hỏi nữa; nhưng nếu con người vẫn còn sống, bắt buộc chúng ta phải học hỏi nhiều điều; nghĩa là: học những gì cần phải học để sự hiểu biết của chúng ta được phong phú hơn.

Vào cuối năm 2017 Ni sư Giới Hương ở Hoa Kỳ có nhờ tôi đọc, chỉnh sửa nếu có những lỗi chính tả cũng như ý của câu văn cho hai quyển sách "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" và "Quan Âm Quảng Trần". Tôi cũng hơi lo, vì thời gian gấp quá; nhưng quyển trước, tôi đã đọc xong và cũng đã viết lời giới thiệu rồi. Lần nầy nhờ đi Nga với hai nơi là Saint Peterburg và Moscow để dự lễ Khánh Thành chùa Thảo Đường từ ngày 18 đến 30 tháng 10 năm 2017; nên tôi đã lợi dụng cơ hội nầy, ban ngày thực hiện những Phật sự tại địa phương và ban đêm về lo đọc sách, sửa lỗi chính tả và cuối cùng viết lời giới thiệu. Sách nầy dày hơn sách trước; nghĩa là sách có 452 trang, mà tôi phải đọc trong 4 ngày từ 18 đến 22 tháng 10 mới xong, vì lẽ sách có nhiều điểm cần phải quan tâm và chỉnh sửa và hôm nay ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành từ Saint Peterburg đến Moscow, tôi đã hoàn thành lời giới thiệu nầy.

Sách có 6 chương. Chương đầu giới thiệu về lịch sử của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Việt Nam, Trung Hoa và Đại Hàn theo tinh thần Phật Giáo Đại Thừa; với những câu chuyện tưởng như đơn giản dễ hiểu; nhưng khi vào các chương 2,3,4,5... thì độc giả phải dùng trí lực không ít, vì lẽ Ni sư đã kết hợp tánh nghe của Quan Âm thuộc về Nhĩ Căn Viên Thông để hình thành tác phẩm nầy. Lẽ ra nội dung của tác phẩm nầy liên hệ trực tiếp với Kinh Lăng Nghiêm; nhất là phần 25 Vị Thánh trình bày về sở tu, sở chứng của mình; nhưng Ni sư đã khéo léo kết hợp để đưa chung vào tác phẩm "Quan Âm Quảng Trần" nầy để cho có cơ hội làm quen với cả hai tác phẩm cùng một lúc. Vì lẽ tác giả của sách nầy đã minh chứng về Tánh Không một cách quá tỉ mỉ; khiến cho chúng ta không thể nào không đọc chương nầy một cách thích thú được. Đến phần Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đi cầu pháp niệm Phật A Di Đà, chúng ta mới thấy tác giả đã khéo léo kết hợp tư tưởng Tịnh Độ để giới thiệu đến những độc giả đó đây, nhằm phổ biến tư tưởng nầy đến với mọi độc giả của mình.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cuối cùng chỉ chấp nhận pháp tu Quan Âm trong 25 pháp tu của các Vị Thánh; bởi vì chỉ có Phản Văn Tự Kỷ mới là phần chính của tánh nghe mà Đức Phật muốn gạn hỏi Ngài A Nan qua 7 cách đi tìm tâm; còn nàng Ma Đăng Già thì đã liễu ngộ tánh nầy, ngay trước cả A Nan, vì Ngài A Nan chỉ chuyên tâm nghe, học, hiểu; nhưng phần hành trì chưa thấu đáo; nên Ngài A Nan vẫn còn là một bậc đa văn hữu học; chứ không phải là bậc Vô Học Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, khi những vị nầy đã liễu ngộ được pháp tu Quan Âm nầy.

Phần Ngài Ưu Ba Ly đi tìm tự tánh của chính mình cũng đã vượt qua khỏi cả 8 ông Hoàng tử muốn đi xuất gia, mặc dầu họ đã đến gặp Phật trước cả Ưu Ba Ly; nhưng tám Vị nầy phải qua một tuần lễ gạn lọc tâm để thanh tẩy những ngã mạn, tà kiến khi còn là những ông Hoàng tử của xứ Ca Tỳ La Vệ. Vì vậy cho nên người xưa đã đặt một bài kệ để tán dương hạnh nầy của Ngài Ưu Ba Ly như sau:
Đắc độ thân tiền bát vương tử
Lăng Nghiêm hội thượng chứng viên thông 
Hoằng tuyên luật giáo Tỳ Ni tạng
Phật pháp do như tự thế long.

Nghĩa:
Đắc độ cả trước 8 ông Hoàng
Lăng Nghiêm pháp hội chứng thần thông 
Hoằng truyền giới luật, tạng Thanh Văn
Phật pháp từ đây đà hưng thịnh.


Toàn văn cũng như ngữ nghĩa của quyển sách nầy tác giả muốn giới thiệu đến các pháp tu từ tiệm đến thứ. Đó là pháp Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na. Nếu hành giả nào đi trọn vẹn được quảng đường tiệm rồi đến thứ trong việc tu học như thế nầy thì Đại Viên Cảnh Trí của A Lợi Da thức đã viên thành nhiệm vụ của mình là đưa hành giả từ chỗ sơ cơ về đến bờ giác ngộ giải thoát. Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm giá trị nầy đến với Quý độc giả khắp muôn phương và theo tôi, nếu quý vị nào có duyên đọc quyển nầy trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" thì sẽ được bổ túc cho nhau về việc đi tìm Tâm nầy; hoặc ngược lại, nếu vị nào đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Quan Âm Quảng Trần "nầy để cả Lý và Sự được viên dung.

Tôi biết rằng quyển sách nầy cũng đã được Ni sư Thích Nữ Giới Hương cho dịch sang Anh Văn để giới thiệu đến những độc giả chuyên đọc Anh ngữ. Đây là một việc làm không đơn giản, vì Tánh Không và tự tánh Di Đà không phải là một việc đơn giản để người ngoại quốc hiểu và thực hành; nhưng với trách nhiệm là một Giáo sư Đại học Phật giáo Việt Nam với học hàm Tiến sĩ, bận rộn cho không biết bao nhiêu công việc, mà Ni sư đã hoàn thành được cả hai tác phẩm nầy bằng hai ngôn ngữ cả Việt lẫn Anh văn, quả là một việc quá phi thường. Cho nên tôi mong rằng các độc giả hãy cố gắng đọc từ trang đầu đến trang cuối để được lợi lạc nhiều hơn.

(Viết xong lời giới thiệu nầy vào lúc 16 giờ ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành chạy từ Saint Peterburg về Moscow, Liên Bang Nga.)