Friday, November 3, 2023

PHÙNG QUÁN, 1957: LỜI MẸ DẶN

                        LỜI MẸ DẶN

 

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

 

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ

Ngày ấy tôi mới lên năm

Có lần tôi nói dối mẹ

Hôm sau tưởng phải ăn đòn.

Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn

Ôm tôi hôn lên mái tóc

- Con ơi

trước khi nhắm mắt

Cha con dặn con suốt đời

Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

Con ơi một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

 

Từ đấy người lớn hỏi tôi:

- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ tôi trả lời:

- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin

Cho tôi là con vẹt nhỏ

Nhưng không! những lời dặn đó

In vào trí óc của tôi

Như trang giấy trắng tuyệt vời.

In lên vết son đỏ chói.

 

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

 

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.


(PHÙNG QUÁN, 1957)

 

MOTHER’S RECOMMENDATION

 

I was an orphan of my father at the age of two 

My mother loved me and did not remarry 

Growing mulberry, raising silkworms, weaving cloth 

She raised me to my adulthood. 

 

The last twenty years I still remember 

One day, when I was five 

I lied to my mother 

I thought right after she would spank me

But no, my mother was just sad 

Hugging me and kissing my hair 

- Little boy 

Before closing his eyes 

Your father told you to be 

all your life a truthful person. 

- Mom, what is a truthful person? 

My mother kissed my eyes 

- Son, a truthful person 

When happy and wanting to laugh, will laugh 

When sad and wanting to cry, will cry 

To love someone will keep saying love 

To hate someone will keep expressing hate 

And to whoever is sweet-talking and flattering 

He will not express love instead of hate

And even if whoever wields a knife and threatens to kill

He will not turn hate into love. 

 

From there, when adults asked me: 

"Young boy, who do you love the most? 

I remembered what my mother said, and I replied: 

"I love truthful people. 

The adults looked at me in disbelief 

Thinking that I was a little parrot 

But no! Those words imprinted on my mind 

Like on a marvelous blank page 

With red lipstick remnant. 

 

I am twenty-five years old this year 

The orphan turned to be a writer 

But what my mother recommended me when I was five 

Stays as an indelible mark of the red lipstick color 

 

It is difficult for the circus acrobats to rope-walking 

But not as hard as being a writer

Walking a lifetime on the path of truth 

To love someone will keep saying love 

To hate someone will keep expressing hate 

And to whoever is sweet-talking and flattering 

He will not express love instead of hate

And even if whoever wields a knife and threatens to kill

He will not turn hate into love. 

 

I want to be a truthful writer 

Truthful for life 

The honey of fame does not sweeten my tongue 

Lightning on my head does not knock me down 

Pen and paper stolen away 

I will use a knife to write on the stone 

 

(LUU NGUYEN DAT, Translation, 2023)

 

 

RECOMMANDATION D’UNE MÈRE

 

A deux ans, je devins orphelin de père

M'aimant, ma Mère ne s'était jamais remariée

Cultivant mûriers, élevant vers à soie, tissant la toile

elle m'élevait ainsi jusqu'à l'âge adulte.

 

Vingt ans auparavant je me souviens encore

Ce jour-là, à cinq ans, j’ai menti à ma mère

le lendemain, je pensai être puni

Mais non, elle ne montrait que tristesse

me serra et embrassa mes cheveux

- Mon petit, avant de fermer les yeux 

ton père te recommandait que tout au long de ta vie

tu te dois d’être un homme honnête, fiable de vérité

- Oh Mère! Que veut dire honnête, fiable de vérité?

Ma mère embrassa mes yeux

- Mon fils, une personne honnête, fiable de vérité

Quand heureuse et voulant rire, rira de bon coeur

Quand triste et voulant pleurer, pleurera toutes larmes

Quand aimer quelqu’un osera déclarer aimer

Quand haïr quelqu’un osera dire haïr

Et en dépit des paroles mielleuses qui flattent

s'abstiendra de dire aimer au lieu de haïr

Qu'importe couteau branlant et menace de mort

ne changera pas la haine en amour

 

Des adultes depuis me posaient cette question:

Garçon, qui aimes-tu le plus?

Me rappelant les paroles de ma mère, je répondis:

- j'aime les personnes honnêtes et fiables de vérité.

Incrédules, ces adultes pensaient que j’étais un petit perroquet

Mais non! les recommandations maternelles étaient imprimées dans mon esprit

Comme sur une merveilleuse page blanche

imbibée de marque ardente de rouge à lèvres écarlate. 

 

Cette année j'ai vingt-cinq ans

l'orphelin est devenu écrivain

Mais les avis maternels reçus à cinq ans

gardent indélébile leur marque de rouge écarlate.

Il est déjà bien difficile pour le funambule de marcher sur la corde raide

Plus ardu encore que d'être un écrivain 

Contraint la vie durant de marcher sur le chemin de la vérité.

Quand aimer quelqu’un on osera déclarer aimer

Quand haïr quelqu’un on osera dire haïr

Et en dépit des paroles mielleuses qui flattent

On s'abstiendra de dire aimer au lieu de haïr

Qu'importe couteau branlant et menace de mort

On ne changera pas la haine en amour

 

Je veux être un écrivain honnête

Fiable de vérité pour la vie

Le miel des honneurs ne ramollira pas ma langue

La foudre explosant sur ma tête ne m’assommera pas

Ma plume et mon papier confisqués

Du couteau et sur la pierre, je graverai mes mots.

 

(LUU NGUYEN DAT, Traduction, 2023)

Tuesday, October 31, 2023

Cầu an cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, học giả uyên bác của Phật Giáo Việt Nam

SANTA ANA, California (NV) – Buổi lễ cầu an cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, đương kim chánh thư ký kiêm xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đang lâm trọng bệnh, diễn ra vào chiều Thứ Bảy 28 Tháng Mười, tại Tu Viện Đại Bi, Santa Ana.

Toàn thể chư tôn đức tăng, ni, và Phật tử trong lễ cầu an cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi lễ dưới sự chứng minh của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa Garden Grove; Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, viện chủ chùa Phật Đà, phương trượng Tu Viện Pháp Vương, trưởng ban tổ chức chương trình lễ cầu an; cùng chư tôn đức tăng, ni, học trò, đồng bào Phật tử, chư thiện hữu tri thức, đã tề tựu về tham dự với tấm lòng thành thiết, đã góp lời kinh tiếng kệ nói lên tấm lòng ngưỡng mộ vị ân sư, tôn sư.

Buổi lễ cũng có sự tham dự của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, cựu giáo sư chuyên khoa Phật Học tại Viện Phật Học Hải Đức Nha Trang; Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, chủ tịch Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa kỳ, tổng vụ trưởng Tổng Vụ Pháp Chế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ; nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải; Gia Đình Phật Tử các cấp; cựu thị trưởng thành phố Foutain Valley Michael Võ và phu nhân; quý học trò của sư ông Tuệ Sỹ; và giới truyền thông.

Đạo hữu Tâm Hòa Lê Quang Dật nói lời cảm từ đến Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, trưởng ban tổ chức, đại diện cho những học trò của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tuyên bố lý do: “Do nhân duyên Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một bậc thầy quý kính của tất cả các anh em học tăng trước và sau 1975, nơi các Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn,… Hòa thượng luôn là một bậc thân giáo sư, chăm lo cho đàn hậu học, luôn sách tấn và trao truyền sở học của mình cho anh em học tăng ngỏ hầu lấy đó làm vốn liếng hoằng dương Phật pháp mà lợi đạo ích đời.”

“Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ luôn hiện diện, giảng dạy Kinh Luật Luận cho anh em học tăng cũng như giảng dạy Phật pháp online cho quý thiện nam tín nữ, quý vị thức giả tham cầu Phật pháp, cũng như Gia Đình Phật Tử Việt Nam qua những khúc quanh lịch sử nước nhà. Ân đức ấy, là những người học trò không bao giờ quên được. Nhưng gần đây hòa thượng lâm trọng bệnh, phải nằm bệnh viện tại Nhật Bản, và bệnh viện tại Sài Gòn, để chữa trị. Cứ nghĩ rằng bệnh tình sẽ thuyên giảm, pháp thể được khinh an để ngài được tiếp tục điều hành Phật sự trong cương vị là chánh thư ký trị sự Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và tiếp tục phiên dịch Đại Tạng Kinh Phật Giáo Việt Nam được hoàn thành tốt đẹp.”

Cư sĩ Huỳnh Tấn Lê nói lời cảm niệm đến Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Nhưng bệnh tình của hòa thượng chưa được thuyên giảm khả quan, do vậy trong tâm trạng của những người học trò xa xứ, chẳng biết làm gì hơn là nhất tâm cầu nguyện, tổ chức buổi lễ cầu an, thành tâm đảnh lễ, cung thỉnh chư đại tăng và kính mời quý thiện hữu tri thức, đồng bào Phật tử và quý truyền thông báo chí, quý huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, thương tình gia tâm cầu nguyện cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ bệnh tình sớm chấm dứt, chướng duyên sớm tiêu trừ, thân tâm thường an lạc, để hòa thượng tiếp tục hoàn thành những Phật sự còn đang dang dở!”

Tiếp sau đó là thời kinh, được miên mật tụng niệm cầu an cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Mọi người hướng về Tam Bảo cùng góp lời cầu nguyện, cầu mong cho tứ đại Hòa Thượng được điều hòa lâu dài nơi thế gian để làm lợi lạc chúng sanh. Sau đó là lời cảm từ của chư tôn đức và các vị cư sĩ.

Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ cùng chư tôn đức trong lễ cầu an Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trưởng lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành trong lời cảm từ: “Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Hòa Thượng Tuệ Sỹ phước trí trang nghiêm, chướng duyên bệnh khổ tiêu trừ, thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường.”

Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ, Tu Viện Pháp Vương, trong lời mở đầu của tập kỷ yếu nói về Ôn Tuệ Sỹ, những thế hệ bậc thầy của tăng ni, Phật tử, có đoạn: “Nhìn lại hành trạng một đời của Thầy Tuệ Sỹ, chúng ta thấy thầy luôn là người tiên phong đầu ngọn sóng, trong cả nẻo đạo hay đường đời, vận dụng từ bi và trí tuệ để khai mở, xây dựng và phát triển từ việc giáo hội đến việc tăng đoàn, không màng chút lợi danh quyền thế…”

Từ Tháng Mười năm 1973, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển, và 18 vị thưở ấy nay chỉ còn hai vị, đó là Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ nay đã trên 100 tuổi, và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ với gánh nặng đặt trên vai của mình, với chí nguyện xuất trần thượng sĩ, làm sao phiên dịch cho được Tam Tạng Kinh Điển ra tiếng Việt Nam thuần túy, có đối chiếu so sánh với các đại tạng kinh khác, như chánh tạng hay tạng tạng, để rồi có một loại hình nghiên cứu đúng nghĩa để cho tất cả, ngay các Phật tử Việt Nam hay giới học thuật nghiên cứu có thể theo đó tìm về uyên nguyên lời Phật dạy.

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành (thứ hai, từ phải) cầu nguyện cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ chóng qua cơn bệnh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Chí nguyện đó đã được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ xúc tiến, hiện nay đã thành tựu qua bộ Thanh Văn Tạng, gồm có 29 cuốn. Ngoài ra, còn có Bồ Tát Tạng và Mật Tạng, và nhiều kinh điển đại thừa khác nữa, sẽ được tiếp tục hiệu đính, dịch giải qua tất cả sự chăm chú tỉ mỉ của Ôn Tuệ Sỹ, mà trong mấy ngày qua, hình ảnh của Ôn nằm trên giường bệnh thở oxy, nhưng trên tay vẫn cầm cuốn kinh để đọc. Điều đó cho thấy tất cả việc quan trọng trong giờ phút khổ đau của thân xác, nhưng chí nguyện đó là việc cần thiết ngay bây giờ, lúc này là trên hết, ngay cả mạng sống của Ôn cũng chỉ là đơn sơ mà thôi. Chính vì lẽ đó cho ta thấy cả một đời dâng hiến hơn 60 năm trước tác, phiên dịch, giảng dạy, đào tạo, giữ chí nguyện và lãnh đạo,…” Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ tiếp.

Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê, bày tỏ: “Con tuy không có may mắn làm học trò để nghe những lời giảng dạy trực tiếp của thầy, nhưng lại có may mắn khác, khi con là một người Việt Nam, mà thầy là một người Việt Nam, là bậc vĩ đại của Phật Giáo Việt Nam. Có một hãnh diện khác nữa là con là người Phật tử Việt Nam, mà thầy là bậc thạch trụ trong chốn tùng lâm, khi có người nói ngài là một nhà tư tưởng lớn của Phật Giáo Việt Nam chúng ta chưa chắc đã biết, nhưng những nhà học giả ngoại quốc biết được ngài là một bậc vĩ nhân vĩ đại của Phật Giáo Việt Nam. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ cho ngài được pháp thể khinh an để tiếp tục làm lợi lạc cho mọi chúng sanh trong xã hội này!”

Quang cảnh lễ cầu an cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đạo hữu Tâm Hòa Lê Quang Dật, cố vấn ban hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Hoa Kỳ, nói: “Không riêng gì ở Việt Nam, Phật tử khắp nơi trên thế giới đang nhất tâm cầu nguyện cho Hòa Thượng Tuệ Sỹ, được hồng ân chư Phật thùy từ gia hộ cho thầy chúng con được chóng bình phục để lèo lái con thuyền của đạo pháp trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn này.”

Trong lễ cầu an, tất cả những học trò, đồng hương, những Phật tử đang sống nơi hải ngoại, đều vọng về quê hương Việt Nam, nơi đó Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đang lâm bệnh và chỉ biết làm lễ cầu an cho ngài chóng qua khỏi.

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu ngỏ lời kính cảm ơn sư bà viện chủ và ni sư trụ trì cùng ni chúng Tu Viện Đại Bi đã hoan hỉ cho mượn nơi chốn để tổ chức buổi lễ này. Cùng kính cảm ơn Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành không quản tuổi già đã đến, cùng nhất tâm cầu nguyện.

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu trong lễ cầu an Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, phía sau là ba học trò của Ôn Tuệ Sỹ, từ phải, cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang Vĩnh Hảo, và cư sĩ Như Hùng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tên khai sinh là Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 Tháng Hai, năm 1943, năm nay đã 80 tuổi tròn. Hiện ông là chánh thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cố vấn chỉ đạo Hội Đồng Hoằng Pháp, cố vấn kiêm trưởng Ban Phiên Dịch và Trước Tác của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời. Ông là một học giả uyên bác về Phật Giáo, nguyên giáo sư thực thụ tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn trước 1975, là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng có nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. [kn]
 Văn Lan/Người Việt
Nguồn: Người Việt

Monday, October 30, 2023

Sen Trắng: Cơ Đồ Phật Việt mai này, ai nâng?

 

“Khổ đau là khối tình chung,
Ai nâng cõi Thế qua bùn tử sinh?”

Bệnh thân đã kéo dài nhiều năm, những tháng qua khi tình hình sức khỏe của Hòa thượng trở nặng trong lúc đang cáng đáng nhiều trọng trách lịch sử. Lớp là việc kiện toàn Giáo Hội, lớp là tiếp tục công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Lịch Đại Tiền Bối Tăng Già Việt Nam còn dang dở hoặc chưa hoàn chỉnh, bao nhiêu việc lớn nhỏ còn ngổn ngang…, thì tất nơi hàng hậu học, nhất hạn những người học trò từng trực tiếp thọ ơn giáo giới của Hòa thượng đã khởi tâm âu lo, thương nghĩ mà mong tỏ chút lòng cảm kích thâm ân sâu nặng của Thầy.

Tu Viện Đại Bi, buổi chiều rợp bóng Đại Y. Chiên đàn khói tỏa như màu Áo Lam hiền dịu gần xa tựu về. Có những khuôn mặt xưa quen thuở Phật viện, Đại học; có những tấm lòng thương kính của lớp lớp đồng hương dù chỉ được nghe danh, hay biết đã từ lâu… Cuộc đời của Thầy ảnh chiếu qua những cung bậc thăng, trầm tựa những phím dương cầm, mà âm điệu như Hải Triều bật xô cường bạo, lại có khi rạt rào như mưa Pháp tưới tẩm lên mảnh đất tâm của chúng sinh còn khổ đau…

Chiều nay tiếng kinh hòa điệu tiếng lòng, tứ chúng nhất tâm dâng Thầy lời chúc an để sớm hoàn thành Đại Nguyện Chung cho Đạo Phật Việt và Dân Tộc Việt. Ngưỡng cầu Tam Bảo thùy từ chứng minh và hóa độ cho Hòa Thượng điều hòa tứ đại, trở lại với Chùa và với Chúng, với những ai còn mong nương tựa vào đức hạnh của một bậc Chân Tu hiếm hoi trong thời đại được mệnh danh “vàng giả thay cho vàng thật”, “chùa tháp làm nơi ẩn nấp cho ma vương”, không biết “đâu là giá trị được tán dương bởi Hiền thánh Giác ngộ và đâu là giá trị thế tục được thiết lập bởi tri thức cuồng vọng của thế gian, quyến rũ bằng hư danh và lợi dưỡng”

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát


Nguồn: Sen Trắng và mời xem theo hình ảnh ở đây.