Tranh Luận và Khoan Dung
Th.19 Giáo điều, nguồn gốc tranh chấp
Những bài kệ sau đây trích từ bốn bài kinh của một phần trong Kinh Tập (Sutta-nipāta) gọi là Phẩm Tám (Aṭṭhaka- vagga). Phần này là một bản kinh có rất sớm, vì được trích dẫn trong một số kinh điển sơ kỳ khác; đặc biệt nhấn mạnh việc không bám chấp vào các quan điểm và ý kiến.
Nhiều người nói lên với ác ý, những người khác nói ý chân thật. Mâu-ni không dự phần tranh cãi, do vậy Mâu-ni không chướng ngại.
Làm sao tự mình vượt tà kiến,[1] bị dục lôi kéo bám sở thích, tự mình tư duy thành định kiến, tuyên thuyết giáo điều như tư duy.
Những ai do vọng tưởng phân biệt, tôn sùng hành bất tịnh hữu vi, thấy đó có lợi cho tự thân, bám chặt những gì không ổn định.
Tỳ-kheo tu tối thắng tịch diệt, không khoe ta có giới như vậy, không đề cao những gì trong thế gian, những điều thiện nhân chê phi thánh.
Những ai bám chặt vào các pháp, không dễ siêu việt các kiến chấp, cho nên kẻ nào trụ trong đó, người ấy xả chánh, thủ tà pháp.
Họ nói duy chỉ đây thanh tịnh, trong các pháp khác không thanh tịnh, y chỉ điều này nói đây tịnh, mỗi mỗi tự nói thuyết ta tịnh.[2]
Vào giữa đại chúng muốn thuyết lý, chúng đối địch nhau, gọi nhau ngu; y chỉ tự tông mà tranh luận, tự khen tự nói ta thiện xảo.
Ta bằng, ta hơn, hoặc ta kém: ai nghĩ như vậy khởi đấu tranh; ai không dao động ba thứ này, không nghĩ ta bằng, hay hơn, kém.
Bà-la-môn nói gì đều đúng? Hay sai? Vì vậy gây đấu tranh. Với ai không nghĩ bằng, không bằng, người ấy do đâu gây tranh luận?
Những ai lìa tưởng, không hệ phược, những ai tuệ giải thoát không si.
Những kẻ chấp tưởng và chấp kiến, đi khắp thế gian để tranh cãi.
Mỗi mỗi chấp riêng kiến giải mình, kẻ khéo tranh cãi, quyết nhiều lý: “Ai nói như vầy là biết pháp. Ai chê, người ấy không rốt ráo.”
Như vậy chấp riêng rồi tranh cãi, chê người khác ngu, không thiện xảo.
Tất cả đều nói ta thiện xảo, vậy ai trong đó thuyết như thật? Không khứng nhận pháp của người khác, chê ngu, thấp kém, tuệ hạ liệt
Tất cả đều ngu, tuệ hạ liệt. Tất cả chấp riêng kiến giải mình.
Nếu theo kiến riêng mà thanh tịnh, trí giả thiện xảo tuệ cực tịnh; thế thì không ai tuệ hạ liệt, vì mọi kiến giải đều rốt ráo. Ta không nói điều này như thật, hỗ tương đối địch gọi nhau ngu. Mỗi chấp kiến riêng là sự thật, nên nói kẻ khác là ngu si. Điều mà người này nói như thực, người khác cho là hư ngụy, dối. Như vậy chúng tranh chấp tranh luận; sao các sa-môn không nhất trí?
Sự thật chỉ một không có hai, trong đó biết rõ, không tranh cãi. Tự khen chân lý thành lắm loại; vì vậy sa-môn không nhất trí.[3]
Tự xưng thiện xảo các luận thuyết, sao nói sự thật có lắm loại? Phải chăng sự thật nhiều sai biệt, hay chỉ tùy niệm theo suy lý?
Trong đời, sự thực vốn thường hằng, không nhiều sai biệt, trừ do tưởng[4]. Suy lý vọng tưởng trong các kiến, phân biệt thành hai: đúng, hoặc sai.
The Duṭṭhaṭṭhaka, Pasūra, Māgandhiya and Cūḷa-viyūha Suttas: Sutta-nipāta 780–787, 824–825, 842–847, 878–886, dịch Anh P.D.P.
_______________________________________
[1] Chữ Pāli diṭṭhi, Anh dịch: dogmatic view: quan điểm giáo điều (đây được dịch là ‘tà kiến’). Phật dùng từ này để chỉ cho tất cả những quan điểm tư biện được biết đến trong thời đại của Ngài. Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) của Trường Bộ (Dīgha-nikāya) nêu tất cả có sáu mươi hai (hay đúng hơn là 62 cơ sở cho các quan điểm thuộc tầm mức thấp hơn), nhằm liệt kê đầy đủ các giáo điều biện luận về nguồn gốc của tồn tại (sáng thế vũ trụ luận) và định mệnh cuối cùng của chúng sanh (thế mạt luận).
[2] Ý kiến chủ quan mà người ta thường có xu hướng bám chấp, coi như sự thật khách quan.
[3] Cần lưu ý ở đây rằng tuyên bố của đức Phật rằng có một chân lý (sự thực, hoặc thực tại: sacca) và không có cái thứ hai, không có ý định khẳng định chân lý tuyệt đối, mà là để chứng minh rằng chứng ngộ Niết-bàn tịch tĩnh, từ tri kiến của Phật, là một thực tại có thể thấy được, thế thì không có gì để tranh luận.
[4] saññā: Anh dịch: perception (tri giác). Căn nguyên giác quan của nhiều cấu trúc (phân biệt) về chân lý được ghi chú ở đây, chỉ ra rằng ngoại trừ do tưởng (saññā) không thể có nhiều thứ chân lý (sự thực) khác nhau. Saññā đại biểu cho minh giải chủ quan của những gì được đưa ra ngang qua các quan năng nhận thức giác quan; để có hiểu biết chân thật, saññā cần được hướng dẫn tường tận bởi minh trí.
__________________________________
THỈNH SÁCH
PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT
Chủ Biên:
LÊ MẠNH THÁT | TUỆ SỸ
No comments:
Post a Comment