Tuesday, March 2, 2021

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14: Cây Che chở của Duyên khởi: Sự Quán Chiếu cuả Tu sĩ Phật giáo về Trách nhiệm Sinh thái

 

Trong những chuyến công du của tôi đến các quốc gia trên khắp thế giới, giàu và nghèo, Đông và Tây, tôi thấy những người ham mê lạc thú, và những người khổ đau. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ dường như đã đạt được ít hơn nhiều so với cải tiến số; sự phát triển thường mang một chút ý nghĩa là; càng ngày càng có nhiều ngôi biệt thự ở trong nhiều thành phố. Kết quả là sự cân bằng sinh thái – nền tảng chính của cuộc sống trên trái đất – đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Mặc khác, trước đây người Tạng sống một cuộc sống hạnh phúc trong những điều kiện thiên nhiên, không ô nhiễm. Ngày nay, toàn thế giới – bao gồm cả Tây Tạng – sự suy thoái sinh thái đang nhanh chóng vượt quá giới hạn. Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu tất cả chúng ta không nỗ lực phối hợp, với một trách nhiệm bao quát, chúng ta sẽ thấy sự suy thoái dần dần của hệ sinh thái mong manh yểm trợ cho chúng ta, dẫn đến một sự suy thoái không thể thay đổi được và không thể thu hồi được của Trái Đất – hành tinh của chúng ta.

Đây là những vần thơ đã được sáng tác ra để nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc của tôi, và để kêu gọi mọi người quan tâm liên tục nỗ lực bảo tồn và cứu chữa sự suy thoái môi trường của chúng ta.

1. Kính lễ Đức Như Lai
Sanh từ họ Iksva-ku
Quy mạng Vô Thượng Tôn
Chứng nhập pháp giới tánh
Thấu rõ tánh duyên khởi
Giữa hữu tình, vô tình
Sanh tử và Niết Bàn
Tán loạn và bất động.
Vì từ bi, nhân đức
Dạy pháp cho chúng con
Và cả cõi thế gian.

2. Kính lễ Đức Quan Âm
Hiện thân của từ bi
Của tất cả chư Phật
Chúng con xin cầu Ngài
Giúp con tinh tấn mãi
Trên bước đường tu học
Chứng nhập thực tánh pháp
Thoát khỏi vòng vô minh.

3. Tâm chúng con nhiễm nặng
Chấp chặc tự ngã kia
Từ vô thỉ kiếp trước.
Vì nghiệp chướng si mê
Của tất cả chúng sanh
Hủy hoại và tàn phá,
Làm ô nhiễm môi trường.

4. Những ao hồ trong mát,
Dần bị ô nhiễm nặng.
Màn trời trong tự nhiên (tầng Ozon)
Bị cháy ở nhiều nơi,
Chúng sanh khổ vì bệnh
Chưa từng thấy trước đây.

5. Những núi tuyết bất diệt,
Lộng lẫy và huy hoàng,
Tan dần thành nước xiết.
Những đại dương hùng vĩ,
Mất cân bằng mãi mãi,
Nhấn chìm những đảo xanh.

6. Thủy tai cùng phong tai,
Tàn phá không giới hạn.
Sức nóng làm khô cằn
Những cánh rừng tươi tốt.
Môi trường bị nhiễm mặn,
Từ đại dương mênh mông.

7. Dù người có giàu sang,
Cũng không mua được khí
Trong lành như thuở xưa.
Mưa và sông suối thảy,
Cũng bị ô nhiễm luôn,
Nguồn nước cũng bị nhiễm
Khó mà khôi phục lại.

8. Loài người và vô lượng,
Chúng sanh trên đất liền,
Cũng như ở dưới nước,
Quay cuồng trong khổ đau,
Do bệnh tật quái ác.
Tâm chúng mờ lu dần,
Với hôn trầm, thùy miên,
Và vô minh nặng nề.
Niềm hỷ lạc giải thoát,
Vẫn còn xa, xa lắm.

9. Chúng ta làm nhiễm ô
Không cần sự che chở
Của người mẹ thiên nhiên.
Đốn sạch sẽ cây cối,
Nuôi lòng tham hạn hẹp
Biến đất đai màu mỡ
Thành sa mạc khô cằn.

10. Các công trình nghiên cứu
Y học và thiên văn
Cũng đã chứng minh rằng
Bản chất nội tâm ta,
Có quan hệ mật thiết
Với môi trường xung quanh.

11. Trái đất là nhà chung
Của muôn loài chúng sanh,
Bình đẳng không thiên vị
Dù hữu tình, vô tình.
Chính Đức Phật đã thuyết,
Lời chân chánh như vậy
Với trước sự chứng minh
Của Quả đất – Đại Địa.

12. Đức Phật – bậc cao quý
Thấy được lòng từ mẫn
Của mẹ thiên nhiên kia
Và tỏ lòng biết ơn
Với trái đất vĩ đại
Nơi bình đẳng dưỡng nuôi
Chúng hữu tình, vô tình.
Chính nơi này nên được
Chăm sóc với tấm lòng
Yêu thương và quan tâm.

13. Xả rác làm nhiễm ô,
Tứ đại trong tự nhiên,
Và hủy hoại sự sống
Của nhân loại đang có.
Cần phải chú ý đến
Những hành động của mình
Để mang lại lợi ích
Cho muôn loài chúng sanh.

14. Đức Phật bậc đại giác,
Đản sanh dưới gốc cây,
Cũng chính dưới bóng cây,
Ngài vượt mọi tham ái,
Và đạt được giác ngộ,
Ngài cũng nhập Niết Bàn,
Trong rừng cây Sa-la.
Đức Phật đã bày tỏ
Lòng quý trọng cây cối.

15. Nơi đây Đức Văn Thù
Đã hóa thân thị hiện,
Thân rực rỡ của Ngài
La-ma Tông Khách Ba
Biểu thị cho cây trầm
Có hàng trăm ngàn tượng
Của Đức Phật vĩ đại.

16. Hàng thiên nhân xuất thế
Cùng chư thần địa phương,
Và hương linh vô hình
Thường sống tại thân cây.

17. Dưỡng cây cối xum xuê
Sẽ có không khí sạch
Duy trì cuộc sống này.
Mỗi khi thấy cây xanh
Tâm ta an lạc hơn.
Dưới bóng cây mát đó
Là nơi nghỉ tuyệt vời.

18. Trong Luật tạng Phật dạy:
Chư Tỳ Kheo chăm sóc
Cả những cây mỏng manh.
Từ đây ta học được,
Công đức của việc trồng
Và chăm sóc cây xanh.

19. Đức Phật đã ngăn cấm
Chư Tỳ Kheo tự mình,
Hay sai người cắt cây,
Phá hủy những hạt giống,
Làm cỏ xanh khô héo.
Chính điều này giúp ta
Yêu thương và bảo vệ
Môi trường của chúng ta.

20. Các cõi trời thường nói,
Cây phát ra phước đức
Của Phật Đà Thích Ca,
Cũng phát vi diệu âm,
Những pháp môn vi diệu
Như giáo pháp vô thường.

21. Chính cây mang mưa đến
Giữ phì nhiêu cho đất.
Cây Kal-pa-ta-ru,
Viên mãn những mong cầu,
Cho chúng sanh muôn loài,
Thực sự trụ nơi này
Trái đất của chúng ta.

22. Vào thuở xa xưa đó,
Tổ tiên ta ăn quả,
Mặc lá của cây rừng,
Dùng cây rừng cọ xát
Để lấy lửa sử dụng,
Sống dưới tán lá cây
Để tránh những hiểm nguy.

23. Thậm chí trong thời nay,
Thời khoa học công nghệ,
Cây cung cấp nhà ở,
Ghế cho ta an tọa,
Và giường cho ta nằm.
Khi tâm bị bốc cháy
Bởi ngọn lửa sân hận,
Gây các cuộc xung đột.
Thì cây mang mát mẻ,
Khiến tâm kia tỉnh lại.

24. Trong cây có âm vang
Của muôn loài chúng sanh
Sống trên quả đất này.
Khi trái đất tan biến,
Cõi đất được đặt tên
Theo giống cây Diêm Phù,
Lúc đó sẽ chỉ có
Cảnh hoang mạc tồi tàn.

25. Không gì thân yêu bằng
Mạng sống của chúng sanh.
Nhận thấy được điều này,
Trong Luật tạng Phật dạy,
Không dùng nước có trùng.

26. Ở những nơi hẻo lánh
Ở Hy Mã Lạp Sơn
Vùng đất của Tây Tạng.
Từ thuở xưa đã có
Cấm săn bắn, câu cá
Và trong các thời kỳ,
Thiết kế những công trình,
Các truyền thống thế này
Lại trở nên cao quý,
Vì nó đã bảo trì,
Trân quý bao sinh mạng,
Của những loài yếu đuối,
Bất lực, không tự vệ.

27. Chơi đùa với mạng sống
Của loài hữu tình khác
Như hoạt động thể thao
Săn bắn và câu cá,
Là bạo lực với chúng.
Điều này không cần thiết
Vì vi phạm quyền lợi
Của tất cả chúng sanh.

28. Ân cần với thiên nhiên
Và tất cả sinh vật,
Nương tựa nhau mà sống
Cả hữu tình, vô tình.
Ta không nên lơ là
Phải luôn luôn nỗ lực
Giữ gìn và bảo tồn
Năng lượng của tự nhiên.

29. Ta nên tổ chức hội
Trồng cây trong mỗi năm.
Với tinh thần trách nhiệm
Phụng sự cho chúng sanh
Đem lại những lợi ích,
Và an lạc rộng lớn
Cho tất cả chúng sanh.

30. Nguyện việc tốt lành này
Làm giảm những việc ác,
Và những điều sai trái,
Nuôi dưỡng và làm tăng
Phồn vinh cho thế giới.
Nguyện điều này tiếp thêm
Năng lượng cho hữu tình,
Và giúp chúng thành công.
Nguyện vô lượng an lạc,
Và vô lượng kiết tường,
Rải đều khắp muôn phương

Bài thơ này được phổ biến nhân dịp Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng một tượng Phật cho nhân dân Ấn Độ và để đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Quốc tế về Trách nhiệm Sinh thái: Cuộc Đối thoại với Đạo Phật ngày 02 tháng 10 năm 1993 tại New Delhi ( Một quyển thơ, bằng tiếng Tạng và tiếng Anh được phát hành bởi Tibet House, New Delhi)

Nguồn: VĂN PHÒNG THÁNH ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

No comments:

Post a Comment