Tuesday, March 9, 2021

Chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới | The World Organization of Scout Movement

 

Ảnh minh họa | Internet

LỜI THƯA SEN TRẮNG: Do có sự đề nghị và hướng dẫn của niên trưởng Nguyên Hòa Phạm Phước Thuận (Thụy Sỹ), hiện nay là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam tại Âu Châu, Sen Trắng xin được tổng hợp một số tư liệu về phong trào Hướng Đạo Thế Giới qua những nét đại cương, từ đó giúp chúng ta có cơ sở tham khảo, học hỏi thêm những kinh nghiệm tốt đẹp của một tổ chức hoạt động thanh thiếu niên có lịch sử lâu đời và tầm vóc, mà GĐPT Việt Nam, từ buổi sơ khai gầy dựng, cũng có những nhân tố xuất thân từ phong trào này. Theo thời gian được tính bằng đơn vị hằng thế kỷ, bao nhiêu hình thái và nội dung sinh hoạt của các phong trào thanh niên trên thế giới cũng biến thiên cho phù hợp nhu cầu thời đại. GĐPT nhất định cũng theo một quy luật tiến hóa chung nên luôn luôn nhìn ra thế giới mới, và nhìn lại chính mình. Như đã nói, Sen Trắng với sự đề nghị của niên Trưởng Nguyên Hòa, xin làm công việc kết tập và giới thiệu đến với đại chúng lam viên những nét đẹp không chỉ của phong trào Hướng Đạo, mà lần lượt những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên khắp mọi nơi trong những ngày sắp tới.

Vì sao Hướng Đạo hấp dẫn giới trẻ?

Trọng Thành | RFI | 17/08/2016 

Phong trào Hướng Đạo trong những năm gần đây đang có xu hướng được thừa nhận nhiều hơn tại nhiều quốc gia, khu vực. Lần đầu tiên kể từ gần 60 năm nay, nước Pháp đón tiếp trọng thể cuộc Họp Bạn Hướng Đạo quốc tế (Roverway) trong hai tuần lễ đầu tháng 8/2016, với sự tham gia của 5.000 hướng đạo sinh đến từ 56 nước (1). Họp Bạn Hướng Đạo ASEAN lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 20/09/2016 tại Malaysia. Vì sao phong trào giáo dục có tuổi đời hơn một thế kỷ này vẫn tiếp tục có đông đảo người theo ? Tạp chí Xã hội của RFI tuần này tìm cách trả lời câu hỏi này.

Nhiều thống kê về phong trào Hướng Đạo cho thấy, trong hiện tại hơn 40 triệu thanh thiếu niên, nhi đồng nam nữ tại hơn 200 quốc gia và khu vực là thành viên của phong trào. Khoảng 500 triệu người đã từng là hướng đạo sinh trong cuộc đời mình. Kể từ cuộc Họp Bạn thế giới (World Scout Jamboree [2]) đầu tiên vào năm 1920 đến nay, 22 lần như vậy đã liên tục được tổ chức gần như bốn năm một lần, tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới (Họp Bạn Hướng Đạo thế giới chỉ duy nhất bị ngắt quãng giữa 1937 – 1947 do Thế chiến Hai).

Theo nhiều nhà quan sát, nhờ ở  một phương thức giáo dục hết sức độc đáo gắn liền với vui chơi, với thiên nhiên, với phiêu lưu mạo hiểm, hướng đến các giá trị phổ quát của nhân loại, trên cơ sở thức tỉnh ý thức tâm linh, mà phong trào Hướng Đạo không ngừng đổi mới và thích nghi với một thế giới liên tục thay đổi, đáp ứng các nhu cầu của giới trẻ toàn cầu. Hướng Đạo gây cảm hứng lớn lao cho những người trẻ tuổi muốn trở thành các công dân tích cực, đóng góp cho xã hội từ địa phương cho đến quy mô toàn cầu, với khát vọng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Phong trào xã hội độc lập, hướng đến Tâm linh

Trước hết mời quý vị nghe tiếng nói của nhà báo Võ Thành Nhân (từ Washington), một người rất nhiều năm đóng góp cho phong trào Hướng Đạo của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

« Mục đích của phong trào Hướng Đạo, do ông tổ sáng lập Baden-Powell đề ra từ năm 1907, là một phương pháp giáo dục bên cạnh học đường, nhằm giúp đứa nhỏ trưởng thành hoàn chỉnh, trở thành một người hiểu biết, có một đạo đức, một thể chất cường tráng, có một tinh thần minh mẫn, trở thành một công dân hữu ích cho xã hội, hay cho đất nước nơi các em sinh sống. Phong trào này dành cho tất cả mọi người. Không phân biệt chủng tộc, văn hóa, đất nước, không phân biệt thu nhập của mỗi gia đình.

Phong trào Hướng Đạo được gìn giữ từ năm 1907 đến nay là nhờ họ nắm rất vững những nguyên tắc căn bản như sau. Đây là một tổ chức không chính trị, hoàn toàn là giáo dục. Đây là một tổ chức hoàn toàn độc lập. Tính độc lập rất quan trọng trong sinh hoạt hướng đạo. Một đơn vị hướng đạo, từ một đội, cho đến đoàn, liên đoàn hay của một miền, một quốc gia, phải độc lập. Nhờ độc lập nên phát triển rất trọn vẹn, không bị ảnh hưởng bởi các thế lực đối nghịch, hay không phù hợp với Hướng Đạo.

Nguyên tắc thứ ba là phục vụ cho những người xung quanh chúng ta. Nên Hướng Đạo mới rèn luyện cho các con em, các trẻ em khắp nơi trên thế giới hiểu được mình có bổn phận đối với ”tín ngưỡng tâm linh”. Hiểu được bổn phận với những người xung quanh mình, và phải biết mình là ai, phục vụ cho chính mình. Các em biết mình là ai, các em muốn giúp những người xung quanh thì các em phải có nhiều kỹ năng. Kỹ năng đó nó sẽ giúp cho các em trưởng thành, có kỹ năng các em mới giúp được cho người khác. Giúp được người khác thì các em mới thực hiện được cái đạo đức lương tâm của các em. Khi nắm được những điều căn bản như vậy thì chúng ta có Hướng Đạo».

Học kỹ năng qua trò chơi, gắn bó với thiên nhiên, «hàng đội» tự trị…

Nhà báo Võ Thành Nhân chia sẻ một số phương thức đặc biệt đã làm nên sức sống, sức hấp dẫn của phong trào Hướng Đạo :

« Hướng Đạo dùng trò chơi để dạy cho các em học. Khi tham gia Hướng Đạo, qua các trò chơi các em học được rất nhiều. Thứ hai là dùng luật và lời hứa của Hướng Đạo để dạy các em. Lời hứa mà Hướng Đạo Việt Nam hải ngoại dạy các em…. đó là hứa cố gắng hết sức làm bổn phận với ”tín ngưỡng tâm linh” và tổ quốc, quốc gia tôi, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào…. Tổ quốc của các em là Việt Nam (3) và quốc gia là nơi các em sinh sống.

Hướng Đạo là vừa học, vừa làm. Các em học để biết cách định hướng sao trên trời, biết được dấu trong rừng… Khả năng nhận thức, óc quan sát của các em mỗi ngày một phong phú, sẽ giúp cho các em có được các kỹ năng nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các em.

Anh em Hướng Đạo Việt Nam dùng chữ ”tín ngưỡng tâm linh” ở đây là xuất phát từ tâm hồn của đứa nhỏ, kể cả các em không tôn giáo, tín ngưỡng không sao. Vấn đề là các em có một hiểu biết, thương xót, thương người này, thích giúp đỡ người khác, có sự chia sẻ những đau buồn của những người xung quanh mình, biến thành những hành động giúp ích cho những người đó. Chính cái đó làm cho các em trưởng thành, có một đời sống đạo đức, giúp đỡ tha nhân. Nghĩ đến tha nhân là đạo đức của Hướng Đạo, gắn liền với Tâm linh.

Hướng Đạo dùng đến phương pháp thiên nhiên…. Muốn sống với thiên nhiên là phải thích ứng với nó. Cho các em ra ngoài thiên nhiên nhiều, các em sẽ thấy thương quả địa cầu này, các em sẽ muốn gìn giữ mầu xanh của trái đất, không muốn xảy ra hiện tượng ozon và các khí thải nguy hiểm khác.

Và còn nhiều phương pháp khác, nhưng cuối cùng cái này là quan trọng nhất, Hướng Đạo dạy các em theo phương pháp gọi là ‘‘hàng đội’’ tự trị. Cụ thể là, các em sống theo nhóm nhỏ 5, 7 người để sinh hoạt chung với nhau. Em có kỹ năng nấu ăn sẽ phụ trách nấu ăn, em có kỹ năng la bàn, bản đồ sẽ phụ trách việc này. Có những em có kỹ năng về tài chánh sẽ làm thủ quỹ, em có kỹ năng viết thuyết trình… Trong đội sẽ phân chia để các em giúp đỡ nhau, sống với nhau, thi đua với những đội khác, nhờ các kỹ năng mà các em chia sẻ với nhau trong đội.

Trong phương pháp giáo dục Hướng Đạo, mỗi lần các trưởng hay các anh chị chỉ dạy cho các em mới từng người một, chỉ cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh. Có những em ba mẹ khó khăn, hoàn cảnh tài chánh không giống những người khác, có những gia đình có các tôn giáo khác nhau. Thấy một phong trào lớn như vậy nhưng khi họ chỉ bảo cho nhau là chỉ bảo từng cá nhân một. Sự hữu hiệu của Hướng Đạo là ở đó ».

Hòa bình: Mục đích tối hậu

Một trong những giá trị lớn lao nhất mà Hướng Đạo vun trồng từ một thế kỷ nay là sự hòa hợp. Nhà báo Võ Thành Nhân tâm sự:

«Những hướng đạo sinh khi họ gặp nhau, không có sự phân biệt nào về màu sắc tôn giáo, mà là một sự hòa nhập. Mỗi lần các em đi trại, hay họp bạn lớn, các em đều có cơ hội tham dự những buổi lễ tinh thần có tính cách quốc tế, có những buổi lễ tinh thần chung cho các tôn giáo để các em có sự hiểu biết hơn về tôn giáo của mình, tôn giáo của bạn mình. Do đó, vô hình chung Hướng Đạo tạo nên các môi trường lành mạnh để cho mọi người ngồi lại với nhau, (vượt) qua các tôn giáo khác biệt nhau, các văn hóa khác nhau, những dân tộc khác nhau.

Nếu phong trào Hướng Đạo phát triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn, thì chúng ta thấy rằng, các em thanh sinh, thiếu sinh đó, qua những trại họp bạn đó, sau này họ sẽ là bè bạn với nhau, họ sẽ giải quyết những vấn đề quốc tế, những vấn đề thế giới một cách hợp lý hơn, có tính toán suy nghĩ hơn, kỹ càng hơn, chín chắn hơn, và ít thấy những sự kỳ thị vô lý, hoặc thiển kiến, thiên kiến, thiên vị ».

Khác với quan niệm sai ở khá nhiều người, Hướng Đạo không gắn liền với một tôn giáo. Phong trào Hướng Đạo mở cửa với mọi truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa. Có thể nói giá trị cao cả nhất mà Hướng Đạo hướng tới là một nền hòa bình cho nhân loại. (Đọc thêm Phần “Giáo hoàng Gioan XXIII – sứ đồ hòa bình” trong bài “Vatican vẫn là một cường quốc ngoại giao?”).

Tạp chí tuần này xin khép lại với nhận định của ông Benoît Vandeputte, người phụ trách một phong trào Hướng Đạo Pháp (Scouts et Guides de France) (4) (chương trình “Các tôn giáo thế giới” của RFI) :

« Thành công của Hướng Đạo xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trong một xã hội mang nhiều hoài bão. Cùng với sự ra đời của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc), của Thế Vận Hội, phong trào Hướng Đạo Sinh đã phát triển như một giấc mơ về một thế giới hòa bình, một thế giới của tình bác ái. Giấc mơ đó đã bị chà đạp trong Thế chiến thứ nhất.

Trong giai đoạn hậu chiến, người sáng lập Hướng Đạo đã có một phát triển đột biến về tư duy và về phương pháp. Baden-Powell nhận ra là trong chiến tranh, người ta đã sử dụng trẻ em làm lính, chứ không chỉ là trinh sát như trước. Điều này làm ông hết sức đau đớn. Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, Baden-Powell đã đặt ra một mục tiêu tối cao cho Hướng Đạo. Đó là đào luyện những người kiến thiết nền Hòa bình.

Tôi muốn đặt Baden-Powell trên cùng một tượng đài với Mahatma Gandhi, cho dù đó là hai con người rất khác nhau. Nhưng cả hai cùng là nhà sư phạm, cùng hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người kiến thiết nền Hòa bìnhĐây là điều mà thế giới chúng ta ngày nay rất cần» (5).

______________________________________

(1) Cuộc Họp Bạn Hướng Đạo toàn thế giới lần thứ 6 được tổ chức tại Pháp năm 1947, hai năm sau Thế Chiến Hai, còn được gọi là « Họp Bạn Hòa Bình ».
(2) Jamboree (hay « Họp Bạn ») là từ tiếng Anh, gốc Ấn Độ, được nhà sáng lập Hướng Đạo sử dụng từ năm 1910, để nói về các cuộc tập hợp hướng đạo sinh. Theo nhiều nhà quan sát, Ngày Thanh niên Công Giáo Thế giới – khởi sự từ năm 1984 – học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các hoạt động Jamboree của Hướng Đạo.
(3) « Hướng Đạo Việt Nam ở hải ngoại hình thành với một tôn chỉ rất đặc biệt, nhằm để gìn giữ bản sắc, phát triển văn hóa Việt Nam, qua phương pháp Hướng Đạo. Do đó chúng ta thấy có Hướng Đạo ở Pháp, ở Úc, Hướng Đạo ở Canada, Hoa Kỳ là vì những người Việt còn nghĩ tới vận mệnh của đất nước của mình, nghĩ tới văn hóa của mình. Ngày nào người Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới còn có cái văn hóa Việt Nam, thì chúng ta có con người Việt Nam, có những người luôn hướng về tổ quốc của mình, để gìn giữ một di sản mà tổ tiên để lại là tổ quốc Việt Nam. Đó là một sứ mạng chủ yếu của phong trào Hướng Đạo Việt Nam. … (giúp cho) các em từ ”chim non”, ”sói con”,”thiếu sinh”, ”thanh sinh” cho đến ”kha sinh”, ”tráng sinh” tùy theo tuổi, hiểu được cái văn hóa (Việt Nam) và lấy đó làm niềm hãnh diện … » (nhà báo Võ Thành Nhân).
(4) Benoit Vandeputte là tác giả cuốn « Hiểu biết cơ bản về Hướng Đạo/ Mon ABC du scoutisme » (Nxb Cerf). Hiệp hội công giáo “Scouts et Guides de France“, mở ra cho đại chúng tham gia không phân biệt tôn giáo, được bộ Y Tế, Thanh Niên và Thể Thao Pháp công nhận là một “phong trào giáo dục (vì) nhân dân“. Tại Pháp, ngoài các nhóm Hướng Đạo Công Giáo, còn các hiệp hội Hướng Đạo không tôn giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo.
(5) Ông Benoit Vandeputte mô tả giai đoạn đầu tiên của phong trào Hướng Đạo : « Trong giai đoạn chiến tranh tại Mafking (Nam Phi) (1889-1890), Baden-Powell đã sử dụng nhiều thiếu niên để làm nhiệm vụ trinh sát (thật là kinh khủng, nhưng dù sao họ cũng không bị bắt phải ra trận !). ‘‘Scouting’’ trong tiếng Anh có nghĩa là trinh sát. Robert Baden-Powell đã sử dụng kinh nghiệm này để chế ra một phương pháp giáo dục hết sức mới mẻ, không liên quan gì đến quân sự. Nền tảng của phương pháp này là hoàn toàn tin tưởng vào trẻ em và giáo dục tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau, tình huynh đệ. Baden-Powell dần dà phát triển phương pháp của ông. Bản thân người sáng lập Hướng Đạo không phải là nhà lý thuyết, ông là người rất thực tế theo kiểu Anh, hoạt động trên tinh thần vừa làm, vừa sửa sai… Kinh nghiệm cho thấy, càng tin tưởng vào trẻ, thì kết quả càng tốt ».

Ảnh minh họa | Internet

Tìm Hiểu Tổ Chức Phong Trào
Hướng Đạo Thế Giới
The World Organization
of Scout Movement

Tôn Thất Hy (2006)

 

Tổ chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (The World Organization of Scout Movement) là một đoàn thể quốc tế, phi chánh quyền, gồm 3 cơ quan chính:
Hội nghị Hướng đạo Thế giới (The World Scout Conference), Uỷ ban Hướng Đạo Thế giới (The World Scout Committee) và Văn Phòng Hướng đạo Thế giới (The World Scout bureau).

Thật không ngoa, nếu chúng ta đem so sánh Tổ chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới với bất cứ chánh quyền của một quốc gia nào có Quốc hội và Nội các Chánh phủ. Hơn thế nữa, chúng ta có thể ví Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới (Hội Nghị HĐTG) với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Uỷ Ban Hướng Đạo Thế giới (Uỷ Ban HĐTG) với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới (Văn Phòng HĐTG) với Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.

Để giúp độc giả thấu hiểu tường tận hơn, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày về nguồn gốc hình thành và nhiệm vụ từng cơ quan một.

A. HỘI NGHỊ HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI (The World Scout Conference)

Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới, cơ quan quyền lực tối cao của Phong trào, là Đại Hội Đồng Hướng Đạo, nhóm họp ba năm một lần tại quốc gia có hội Hướng Đạo tình nguyện đứng ra tổ chức và được Hội Nghị HĐTG chấp nhận.

Hội nghị HĐTG lần đầu tiên đã xảy ra một cách bất ngờ trong một buổi họp không chính thức giữa một số đại biểu của các quốc gia đến tham dự Trại Họp Bạn HĐTG lần đầu tiên tại Olympia, London, Anh Quốc, năm 1920.

Kể từ ngày Tướng Baden-Powell đưa 20 trẻ em đến cắm trại thử nghiệm tại Browsea Island (1907-1920), thấm thoắt đã 13 năm qua. Mặc dù Đệ Nhất Thế Chiến bộc phát và kéo dài trong 5 năm đã gây rất nhiều trở ngại cho việc phát triển Phong trào, nhưng đoàn viên Hướng đạo trên khắp thế giới cũng đã lên tới con số Triệu. Mọi người nhận thấy cần phải có một tổ chức ở cấp Quốc tế để hợp tác và sắp xếp những công việc chung cuả Phong trào.

Sau khi thảo luận, các huynh trưởng tham dự phiên họp lần đầu tiên đã có ba quyết định quan trọng sau đây:
1. Hội nghị HĐTG cần được triệu tập hai năm một lần (sau này đã đổi lại ba năm).
2. Cần phải thành lập một Uỷ Ban HĐTG và một Văn Phòng HĐTG.
3. Tính đến năm 1922, những quốc gia nào ghi danh, sẽ được xem là thành viên sáng lập Tổ Chức HĐTG.

Khi thời hạn đến, các quốc gia có tên sau đây được xem là sáng lập viên:
Argentina, Australia, Belgium, Brazil, Chile, Czechosiovakia, Denmark, Ecuador, Estonia, Finland, France, Great Britain, Greece, Hungary, Italy, Japan, Latvia, Liberia, Luxembourg, Nethelands, Norway, Peru, Poland, Portugal, Roumania, Spain, Sweden, Switzerland, Thailand, United States of America và Yugosiavia.

Trong số này, có 9 quốc gia một thời không còn là thành viên của Tổ chức HĐTG, đó là các nước Czechosiovakia, Estonia, Hungary, Latvia, Liberia, Poland, Roumania, Spain, và Yugoslavia. Sau khi các chế độ tộc tài và Cộng Sản bị sụp đổ, 9 quốc gia trên đã phục hoạt Hướng Đạo và được Tổ chức HĐTG thừa nhận trở lại.

Tại Hội nghị HĐTG, mỗi quốc gia thành viên được quyền cử 6 đại biểu chính thức tham dự và có 6 phiếu khi quyết định. Ngoài ra, còn được quyền cử thêm một số quan sát viên không hạn định. Như vậy, một hội Hướng Đạo dù có ít đoàn viên và chỉ có khả năng gởi một đại biểu đến tham dự, vị này cũng có đầy đủ quyền hạn như bất cứ phái đoàn nào khác. Các đại biểu tham dự hội nghị HĐTG thường là Hội trưởng hay Uỷ viên Quốc tế, nhân vật có trách nhiệm liên lạc với Văn phòng HĐTG và các hội Hướng Đạo quốc gia bạn.

Khi một quốc gia có từ 2 hội Hướng đạo trở lên, một Tổng hội sẽ được thành lập để xin gia nhập Tổ chức HĐTG. Tổng hội này cũng chỉ được 6 phiếu mà thôi. Về sau, vì sự đòi hỏi cuả các hội Hướng Đạo có nhiều đoàn viên, mỗi khi quyết định về vấn đề tài chánh, quốc gia thành viên nào có 15 ngàn đoàn viên, sẽ được một phiếu, 30 ngàn đoàn viên được 2 phiếu và cứ theo tiêu chuẩn này để tăng hay giảm số phiếu. Nên nhơ,ù Hội nghị HĐTG chỉ áp dụng tiêu chuẩn này khi quyết định về tài chánh mà thôi.

Theo Hiến chương Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới, mục đích của Hội Nghị HĐTG là:
“Cùng hợp tác để nâng cao tinh thần hiệp nhất trong mục đích và trong sụ hiểu biết chung về nguyên lý căn bản cuả Hướng đạo, như Baden-Powell, vị thủ lãnh HĐTG đã đề xướng và để phát triển Hướng Đạo khắp mọi nơi trên thế giới”.

Để đạt được các mục tiêu trên, Hội nghị HĐTG đã thực hiện các công việc sau đây:
*Tạo cơ hội cho các đại biểu trao đổi tin tức, ý kiến và kinh nghiệm với nhau. Hầu hết trong tất cả Hội nghị HĐTG, các quyết nghị đều chỉ nói lên một phần nào thành quả đạt được mà thôi. Một khi huynh trưởng từ các quốc gia khác nhau gặp gỡ, tình thân hữu sẽ được thắt chặt. Bên lề những buổi họp, các đại biểu thường chuyện trò thảo luận và hiểu biết thông cảm nhau. Sau khi trao đổi ý kiến và kinh nghiệm, họ trở thành bạn thân. Có lẽ đây là thành quả quan trọng nhất của hội nghị, vì tình bạn đã đưa mọi người đến cảm thông và hiệp nhất.

– Thảo luận và thành lập chánh sách tổng quát cho Phong Trào HĐTG.
– Nghiên cứu các phúc trình và đề nghị của Ủy Ban HĐTG. Cứu xét hồ sơ ghi danh của các hội Hướng Đạo xin làm thành viên và tu chính Hiến Chương PT/HĐTG.
– Cứu xét và chấp nhận lời mời của hội Hướng Đạo nào muốn đứng ra tổ chức Hội Nghị HĐTG và các Trại Họp Bạn HĐTG (Jamboree, Moot v.v…)

B. ỦY BAN HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI (The World Scout Committee)

Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới là Nội Các Chánh Phủ, hay Hội Đồng Bảo An của Phong Trào HĐTG.

Vì tầm vóc Phong Trào quá rộng lớn, lại thêm cứ ba năm mới họp một lần, Hội Nghị HĐTG đã quyết định bầu ra một số đại biểu vào Ủy Ban HĐTG. Ủy Ban này gồm có 14 ủy viên của 14 quốc gia khác nhau. 12 ủy viên được Hội nghị HĐTG bầu cử và 2 ủy viên do 12 vị này chỉ định, đó là Tổng Thư Ký Văn Phòng HĐTG (The Secretary General of WOSM) và ủy viên Tài Chánh (The Treasurer). Cứ mỗi 2 năm, 1/3 nhân viên trong Ủy Ban lại rút lui và Hội nghị HĐTG bầu thêm những người mới. Nhờ vậy, công việc của Ủy Ban HĐTG vẫn tiến hành một cách trôi chảy.

Không một ai trong Ủy Ban có thể phục vụ liên tục 6 năm và không một quốc gia thành viên nào có 2 người được bầu vào Ủy Ban cùng một lúc. Chủ tịch và phó Chủ tịch được bầu là những vị đã có chân trong Uy Ban từ trước. Nhờ thế, họ đều có kinh nghiệm và công việc càng thêm dễ dàng.

Các nhân viên trong Ủy Ban HĐTG không đại diện cho quốc gia mình . Họ chỉ đại diện cho Phong Trào HĐTG và không phát ngôn hay hành động vì mục đích riêng tư của quốc gia mình sinh sống..

Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất cuả Ủy Ban HĐTG là cứu xét và quyết định tư cách thành viên tại Hội nghị HĐTG cho những hội Hướng Đạo đã nộp hồ sơ xin ghi danh va xin thừa nhận. Có nhiều hội Hướng Đạo mới xin gia nhập lần đầu tiên, nhưng cũng có nhiều hội Hướng Đạo đã từng là bạn cũ một thời bị treo tư cách thành viên vì chế độ độc tài hay Cộng Sản trong nước, nay mới phục hoạt và xin tái gia nhập Phong Trào.

Ngoài việc chỉ định một Tổng Thư Ký cho Văn Phòng HĐTG, chấp viên của Hội nghị HĐTG và là móc xích giữa Hội Nghị HĐTG—Ủy Ban HĐTG—Văn Phòng HĐTG, Ủy Ban HĐTG còn chỉ định một Ủy Viên Tài Chánh (Treasurer) và các Ủy Ban đặc nhiệm khác để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề đặc biệt như Chương trình Giới trẻ (Youth Programme), Lãnh đạo chỉ huy Trưởng niên (Adult Leadership); Khảo cứu sưu tầm (Research) v.v…Ngoài ra, Ủy Ban HĐTG còn là cơ quan giám sát việc làm của Văn phòng HĐTG.

Vai trò quan trọng nhất của Ủy Ban HĐTG là hành sử nhiệm vụ của một cơ quan chấp hành đại diện cho Hội Nghị HĐTG giữa những kỳ họp ba năm.

Lúc mới thành lập, danh xưng của Ủy Ban HĐTG là Ủy Ban Chấp Hành (Executive Committee), được bầu cử và xác định nhiệm vụ trong kỳ Hội Nghị HĐTG lần thứ ba tại Paris, Pháp Quốc, năm 1922. Trong thời gian này, Ủy ban chỉ có 9 nhân viên được bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm, nhưng có quyền tái ứng cử trong bất cứ nhiệm kỳ nào. Cũng vào dịp này, Hội nghị HĐTG đã đề cử một Ủy Ban soạn thảo Hiến Chương Phong Trào HĐTG và được Hội Nghị HĐTG lần kế tiếp chấp thuận vào năm 1924.

Ngày nay, Ủy Ban HĐTG họp ít nhất mỗi năm một lần. Giữa những buổi họp thường niên đó, còn có những buổi họp của Ủy Ban Lãnh Đạo, gồm có vị Chủ Tịch, phó Chủ Tịch Ủy Ban HĐTG và Tổng Thư Ký Văn Phòng HĐTG. Về sau, thành phần dự họp Ủy Ban Lãnh Đạo được nới rộng cho tất cả Ủy viên của Ủy Ban HĐTG và các vị Chủ tịch Hướng Đạo Vùng. Chủ tịch Uỷ Ban HĐTG hiện nay là Tiến sĩ Marie-Louise Correa người Senegal.

C. VĂN PHÒNG HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI (The World Scout Bureau).

Như đã trình bày ở trên, Hội Nghị HĐTG họp lần đầu tiên tại Trại Hop Bạn Olympia, London, Anh Quốc, năm 1920. Ngoài việc đồng ý sẽ triệu tập một Hội Nghị HĐTG vào 2 năm sau tại một địa điểm và thời gian thích hợp, còn quyết định nếu có thể được, sẽ thành lập một Văn Phòng ở cấp Trung Ương để thu thập, phổ biến tin tức và hoạt động như một sợùi dây xích nối liền các hội Hướng Đạo trên Thế Giới.

Mặc dầu mọi người đều cho rằng đây là một bước tiến vượt bực, nhưng tìm cho ra tài chánh để thực hiện là một vấn đề không phải dễ. Tất cả đều động não và bóp trán suy nghĩ, nhưng không một ai giải quyết được vấn đề khó khăn này. Về sau, nhờ có ông bà Frederick F. Peabody có hảo tâm tài trợ cho việc thành lập Văn Phòng và vui lòng đài thọ mọi phí khoản trong năm đầu, kế hoạch trên mới được thành tựu.

Nhà Mạnh Thường Quân Peabody là một người Hoa Kỳ gốc Anh Cát Lợi rất giàu có. Ông không phải là đoàn viên của Phong Trào Hướng Đạo nhưng vì đã chứng kiến Trại Họp Bạn và tin tưởng mãnh liệt rằng, Phong Trào Hướng Đạo là đoàn thể có khả năng kết hợp được những người không cùng chung quốc tịch để cổ súy nền hoà bình trên Thế Giới. Thêm vào đó, bà Peabody cũng là một ngưòi Anh Cát Lợi, hiện đang tích cực họat động trong ngành Ấu Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ, nên việc giúp đỡ càng thêm thuận lợi.

Vào ngày 11.11.1920, Tổ chức HĐTG mướn được một căn phòng trong hội quán Hướng Đạo Anh Quốc để thiết lập trụ sở và bổ nhiệm Trưởng Hubert Martin, Uỷ viên Quốc tế hội Hướng Đạo Anh Quốc vào chức vụ Giám Đốc Danh Dự (Honorary Director) Văn phòng HĐTG.

Nhờ tài ứng xử khéo léo và sự hy sinh vô bờ bến cuả Trưởng Martin, Văn Phòng HĐTG ngày càng vững mạnh và trở nên một cơ quan thiết yếu của Tổ Chức HĐTG.

Sau 18 năm phục vụ Phong trào với tinh thần tự nguyện, năm 1938, Trưởng Martin từ trần. Ủy Ban HĐTG bổ nhiệm Trưởng Wilson (sau này là Đai Tá), Trại Trưởng Gilwell Park kế nhiệm, đồng thời dời trụ sở văn phòng đến một địa điểm mới có 3 phòng rộng rãi hơn, ở số 38 Buckingham Palace Road, London.

Năm 1939, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Công tác của Văn Phòng bị hạn chế và giảm thiểu đến mức tối đa. Tuy nhiên, Văn Phòng vẫn giữ được mối liên lạc với các hội Hướng Đạo trên Thế Giới qua sự giúp đỡ cuả các quốc gia trung lập. Nhiều Chánh phủ lưu vong được thành lập tại London, Trưởng Wilson đã có rất nhiều cơ hội tốt để tiếp xúc với họ.

Sau 1945, hoà bình vãn hồi, sinh hoạt của Văn Phòng HĐTG trở lại bình thường như trước. Khi hợp đồng thuê mướn nhà đất đã mãn hạn, Văn phòng lại đời trụ sở đến ngôi nhà số 132 Ebury Street, Westminster, London, để hoạt động.

Huân Tuớc Baden-Powell từ trần tại Kenya ngày 8.1.1941 trong thời gian chiến tranh là một mất mát quá lớn lao cho tất cả mọi người. Trách nhiệm của Văn Phòng HĐTG càng thêm nặng nề về phương diện lãnh đạo. Những công việc của Văn Phòng trong những năm 1946 – 1953 phần lớn đều nhằm mục đích cũng cố nội bộ. Vị Giám đốc Văn phòng phải công du đây đó không ngừng để xây dựng lại tình thân hữu, đặc biệt là các vùng trước đây đã bị xao lãng vì tình trạng chiến tranh. Đây là giai đoạn Phong Trào cần được phát triển mạnh mẽ khắp Thế Giới. Năm 1952, Đại Tường D.C. Spry được Uỷ Ban HĐTG bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Danh Dự Văn Phòng HĐTG.

Vì niên liễm của các hội Hướng Đạo đóng góp không đủ để trang trải những phí khoản chi dùng; việc gây quỹ cũng được phát động, nhưng tình thế cho thấy rất khó đạt được kết quả tại Aâu Châu. Đễ có thể phục vụ các quốc gia hiện đang nỗ lực phát triển Hướng Đạo đắc lực và hữu hiệu hơn, và nhất là giải quyết được vấn đề tài chánh, trong kỳ Hội nghị HĐTG năm 1957 tại Cambridge, Anh Quốc, các cấp lãnh đạo đã quyết định dời Văn Phòng từ London sang Ottawa, Canada, thuộc vùng Bắc Mỹ và hoạt động tại đây từ ngày 1.1.1958.

Năm 1968, Văn phòng HĐTG một lần nữa lại được dời sang Geneva, Switzerland, một quốc gia trung lập tại Âu Châu. Tiến sĩ Laszio Nagy, một huynh trưởng người Hungary, được Uỷ Ban HĐTG bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thư Ký Văn phòng HĐTG (Secretary General of The World Organization Of The Scout Movement). Sau hơn 20 năm tích cực phục vụ Phong trào, Trưởng Nagy nghỉ hưu. Tháng 11.1988, Ủy ban HĐTG bổ nhiệm Tiến Sĩ Jacques Moreillon, người Thuỵ Sĩ, Tổng Giám Đốc Uỷ Ban Quốc Tế Hồng Thập Tự vào trọng trách trên thay thế Tr. Nagy. Vì đã từng phục vụ trong cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế tại Saigon trước 1975 và rât am hiểu tình hình trong nước, nên đã tận tình giúp đỡ Phong Trào HĐVN tại Hải ngoại vượt qua nhiều khó khăn trong thời gian đương nhiệm. Sau 16 năm điều khiển Văn Phòng HĐTG, tháng 4 năm 2004, Trưởng Moreillon nghỉ hưu, Uỷ Ban HĐTG bổ nhiệm Bác sĩ Eduarde Missoni, một y sĩ người Y,Ù làm Tổng Thư Ký Văn Phòng HĐTG thay thế Trưởng Moreillon.

CHỨC NĂNG CỦA VĂN PHÒNG HĐTG:

Văn Phòng HĐTG đã từng được ví như Văn Phòng Tổng Thư Ký Tổ chức Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này có nhiệm vụ thực thi và hoàn thành các quyết nghị và huấn thị của Hội nghị HĐTG và Ủy Ban HĐTG. Tại Văn phòng trung ương ở Geneva, có khoảng 31 nhân viên chuyên nghiệp làm việc toàn thời gian. Ngoài ra, còn có 6 Văn phòng Vùng trực thuộc sau đây: -Vùng Châu Mỹ La Tinh (Latin American Region) tại San Jose Costa Rica – Vùng Ả Rập (Arab Region) tại Cairo, Egypt – Vùng Phi Châu (African Region) tại Niroby Kenya – Vùng Á Châu Thái Bình Dương (Asia Pacific Region) tại Manila, Philippines – Vùng Âu Châu (Europe Region) tại Brussels, Belgium và Vùng Âu Á (Eurasia) tại Yalta-Gurzuf, Ukraine.

Chức năng cuả Văn phòng HĐTG được quy định trong Hiến chương PTHĐTG và các quyết định cuả Hội Nghị HĐTG. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nêu lên một số nhiệm vụ hiến định tổng quát như sau

– Trợ giúp các Hội nghị HĐTG. Hội nghị HĐ Vùng và các cơ quan trực thuộc chu toàn nhiệm vụ, kể cả việc chuẩn bị các phiên họp và cung cấp các dịch vụ cần thiết để hoàn thành những quyết định của nhiều ủy ban khác nhau.

– Cung cấp các dịch vụ để phát triển và quảng bá Phong trào khắp Thế giới.

– Duy trì mối liên lạc thường xuyên với các hội Hướng Đạo thành viên và giúp đỡ họ phát triển Phong trào ở trong nước,

– Khuyến khích việc phát triển Hướng Đạo tại các quốc gia có Hướng Đạo đang hoạt động nhưng chưa thành lập hội.

– Trông nom việc tổ chức các Trại Họp Bạn HĐTG và Trại Họp Bạn HĐ cấùp Vùng.

– Duy trì mối liên lạc với các tổ chức quốc tế có những hoạt động liên quan đến vấn đề thanh thiếu nhi.

KỸ THUẬT VÀ PHƯƠNG TIỆN

Văn Phòng HĐTG thực thi nhiệm vụ cuả mình với một số phương tiện khác nhau:

Cung cấp nhân lực và phương tiện hoạt động của văn phòng Tổng Thư Ký cho Ủy Ban HĐTG, các Ủy ban đặc nhiệm và các công tác hoạt động nhóm…

– Trợ giúp việc phát triển chương trình Thanh Thiếu Nhi và huấn luyện những cấp lãnh đạo Trưởng niên bằng cách:

– Giúp ý kiến và yễm trợ kỹ thuật cho các hội HĐ quốc gia.

– Soạn thảo chương trình và tổ chức các khoá huấn luyện.

– Soạn thảo các văn phẩm, sách báo xuất bản.

– Xuất bản sách báo, ấn hành những bản tin định kỳ và phổ biến đến các hội HĐ quốc gia thành viên trên Thế giới…

Chức năng, kỹ thuật và phương tiện của Văn Phòng HĐTG còn rất nhiều. Muốn biết tận tường hơn, có thể tham khảo các tài liệu do Văn Phòng HĐTG cung cấp.

Sau 99 năm thành lập, Tổ Chức HĐTG hiện có 28 triệu đoàn viên nam nữ thuộc mọi lứa tuổi đang hoạt động tại 216 quốc gia và lãnh địa trên khắp Thế giới.

Năm 2007 sắp tới đây, sẽ là năm vui mừng nhất trong lịch sử Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới. Để kỷ niệm 100 năm ngày Huân tước Baden-Powell khai sáng Phong trào, Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Hylands Park, Essex, một địa điểm nằm cách thành phố London 50 cây số về hướng Đông/Bắc trong 12 ngày từ 27.7 đến 8.8.2007 với chủ đề “One World One Promise” (Một Thế giới Một lời hứa), nói lên niềm ưóc ao và hy vọng của giới trẻ về tương lai.

Người ta ước tính sẽ có khoảng 500 triệu nam nữ trưởng niên khắp Thế giớiõ tự nguyện cam kết sống theo Lời Hứa và Luật Hướng Đạo vào dịp này.

______________________________________

Tài liệu tham khảo:
– Facts on World Scouting.
– Scouting Round The World.
– Asia Pacific Scouting Magazine.
– BadenPowell The Two Lives of a Hero by William Hillcourt.
– Tài liệu World Scout Jamboree 2007.của VP/HĐTG.

Hội nghị Hướng đạo Thế giới

Hội nghị Hướng đạo Thế giới (World Scout Conference) là một bộ phận điều hành và nhóm họp mỗi ba năm một lần, trước đây là Diễn đàn Thanh thiếu niên Hướng đạo Thế giới (World Scout Youth Forum). Hội nghị Hướng đạo Thế giới là “đại hội đồng” (general assembly) Hướng đạo và bao gồm sáu đại diện từ mỗi hội Hướng đạo thành viên. Nếu một quốc gia có hơn một hội Hướng đạo thì các hội thành lập một liên hội để dễ điều hợp và chọn đại diện quốc tế chung. Căn bản để được công nhận và trở thành hội viên tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới bao gồm sự gắn chặt vào mục đích và nguyên lý của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới và độc lập với các chính kiến về phía mỗi hội thành viên.

Tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới, những nỗ lực họp tác cơ bản đã được đồng thuận và một kế hoạch hợp tác hỗ tương được phê chuẩn. Kỳ Hội nghị Hướng đạo Thế giới vừa qua được tổ chức vào năm 2005 tại HammametTunisia. Kỳ Hội nghị Hướng đạo Thế giới sắp tới sẽ được tổ chức vào năm 2008 tại Hàn Quốc.

Ủy ban Hướng đạo Thế giới

Ủy ban Hướng đạo Thế giới (World Scout Committee) là bộ phận hành chánh chính của Hội nghị Hướng đạo Thế giới và bao gồm các thiện nguyện viên được bầu lên. Ủy ban Hướng đạo Thế giới đại diện Hội nghị Hướng đạo Thế giới trong các cuộc họp của toàn hội nghị. Thành viên của Ủy ban Hướng đạo Thế giới được bầu lên tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới với nhiệm kỳ sáu năm. Các thành viên được bầu lên không phân biệt quốc tịch của họ.

Văn phòng Hướng đạo Thế giới

Văn phòng Hướng đạo Thế giới (World Scout Bureau, trước đây là International Bureau) là ban thư ký thực hiện những hướng dẫn của Hội nghị Hướng đạo Thế giới và Ủy ban Hướng đạo Thế giới. Văn phòng Hướng đạo Thế giới được điều hành bởi tổng thư ký với sự phụ giúp của một ban tham mưu nhỏ gồm những nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ. Ban tham mưu văn phòng giúp các hội Hướng đạo cải thiện và mở rộng sinh hoạt Hướng đạo của họ bằng việc huấn luyện trưởng và tình nguyện viên, thiết lập chính sách về tài chính và kỹ thuật quyên góp tài chính, cải thiện các tiện ích cộng đồng, và giúp đỡ việc sắp đặt ngăn nắp tài nguyên quốc gia của mỗi quốc gia theo cách của Hướng đạo.

Ban tham mưu cũng giúp sắp xếp các sinh hoạt mang tính thế giới như các Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới (World Scout Jamboree), khích lệ cho các cuộc sinh hoạt vùng, và đóng vai trò như một nơi liên lạc giữa phong trào Hướng đạo và các tổ chức quốc tế khác.

Văn phòng Hướng đạo Thế giới có trụ sở chính tại GenèveThụy Sĩ và có các văn phòng chi nhánh tại sáu vùng:

Vùng châu ÂuGenève (Thụy Sĩ), Brussels (Bỉ) và Belgrade (Serbia)
Vùng Ả RậpCairo (Ai Cập)
Vùng châu PhiNairobi (Kenya), Cape Town (Nam Phi) và Dakar (Sénégal)
Vùng châu Á-Thái Bình DươngMakati (Philippines), Úc và Tokyo (Nhật Bản)
Vùng Liên MỹSantiago (Chile)
Vùng Âu-ÁGurzuf – gần Yalta (Ukraina) và Moskva (Nga)

Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới có mối liên hệ với Trung tâm Hướng đạo Quốc tế Kandersteg (KanderstegKandersteg International Scout Centre) tại KanderstegThụy Sĩ và trung tâm này được điều hành bởi một tập đoàn phi lợi nhuận riêng biệt. Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới được tổ chức đúng bốn năm một lần dưới sự bảo trợ của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới, và thành viên của Hội Nữ Hướng đạo Thế giới cũng được mời tham dự. Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới cũng tổ chức World Scout Moot, một Trại Họp bạn cho lứa tuổi từ 17-26, và tổ chức World Scout Indaba, một trại hội ngộ cho các huynh trưởng Hướng đạo. Quỹ Hướng đạo Thế giới là một quỹ thường trực được điều hành bởi một Ban Thống đốc (Board of Governors) riêng và được quyên góp ủng hộ để phát triển các chương trình Hướng đạo khắp thế giới.

Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới là một tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization, hay NGO), và có đại diện phong trào Hướng đạo tại Liên Hiệp Quốc. Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới và Hội Nữ Hướng đạo Thế giới có tư cách cố vấn tổng quát tại Hội đồng Xã hội và Kinh tế của Liên Hiệp Quốc.

TỔ-CHỨC HƯỚNG-ĐẠO THẾ-GIỚI

Tài liệu được phổ biến 2012 ]

Tổ-chức Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới mà tiếng Pháp gọi là «L’Organisation Mondiale du Mouvement Scout» = OMMS, và tiếng Anh là «The World Organisation of Scout Movement» = WOSM, được thành-lập từ năm 1919, có nhiệm-vụ giám-sát (phần lớn) các tổ-chức Hướng-đạo trên thế-giới và lo việc tổ-chức các Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới (Jamboree Mondial Scout).

Trên bình-diện hoàn-vũ, Tổ-chức Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới (OMMS, WOSM) hiện có hơn 28 triệu Nam Nữ Hướng-đạo thuộc 216 quốc-gia và lãnh-thổ trên thế-giới. Tổ-chức được điều-hành bởi Văn-phòng Hướng-đạo Thế-giới (Bureau Mondial du Scoutisme – World Scout Office), đặt tại Genève, Thụy-sĩ, theo như địa-chỉ dưới đây:
Bureau Mondial du Scoutisme
Box 241, 1211
Genève 4, Suisse
Téléphone: +41 22 705 10 10
E-mail: worldbureau@world.scout.org
Web site: http://www.scout.org

Văn-phòng nầy gồm có 1 tổng-thư-ký (hiện nay là trưởng Eduardo Missoni) và nhiều giám-đốc phụ-trách điều-hành các nha sở trực-thuộc 6 văn-phòng vùng.

1.- Văn-phòng vùng Phi châu (Bureau Régional Afrique – Africa Regional Office) đặt tại Nairobi, Kenya và 2 văn-phòng phụ, một ở Cap Town, Nam Phi và một ở Dakar, Senegal. Các văn-phòng này đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên ở châu Phi.

2.- Văn-phòng vùng Ả-rập (Bureau Régional Arabe – Arb Regional Office) đặt tại Le Caire, Ai-cập. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên thuộc khối Ả-rập.

3.- Văn-phòng vùng Á-châu Thái-bình-dương (Bureau Régional Asie-Pacifique – Asia-Pacific Regional Office) đặt tại Manila, Phi-luật-tân. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong Vùng Châu Á Thái-bình-dương.

4.- Văn-phòng vùng Âu-Á (Bureau Régional Eurasie – Eurasia Regional Office) đặt tại Yalta-Gurzuf, Ukraine. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-khiển tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong vùng Trung và Đông Âu. Hầu hết các nước nằm trong khối Liên-Sô cũ, nay lấy lại được chủ-quyền, hoặc các quốc-gia tân-lập, sau khi khối cộng-sản tan rã.

5.- Văn-phòng vùng Âu châu (Bureau Régional Europe – Europe Regional Office). Có văn-phòng chính đặt tại Genève, Thụy-sĩ và 2 Văn-phòng phụ: một đặt ở Bruxelles, Bỉ, một đặt ở Belgrade, Serbie. Các văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong vùng Âu châu.

6.- Văn-phòng vùng Liên Mỹ châu (Bureau Régional d’Interamérique – Interamerica Regional Office) đặt tại Santiago, Chí-lợi. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên ở châu Mỹ.

BADEN POWELL, VỊ SÁNG-LẬP

Huân-tước Baden Powell hay Sir Robert Stephenson Smyth, sinh ngày 22.02.1857 tại Landoge thuộc thành phố Luân-đôn, là người con thứ 8 và cũng là con trai út. Thân-sinh là giáo-sư vật-lý tại đại-học Oxford và cũng là một nhà thần-học danh-tiếng với nhiều tác-phẩm giá-trị. Nhưng ông không được may-mắn, vì mới 3 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi. Nhờ bà Henrietta Grace, người mẹ can-đảm, đầy yêu thương và nhiều nghị-lực săn-sóc dưỡng-dục, Baden Powell đã tốt-nghiệp được bậc trung-học, rồi năm 19 tuổi, gia-nhập trường võ-bị Hoàng-gia Anh.

Trong thời-gian huấn-luyện, ông đã tỏ ra xuất-sắc về kỵ-binh lẫn bộ-binh. Đời sống chiến-sĩ, xem ra rất thích-hợp đối với sở-trường thiên-phú của ông. Vì ông có óc phiêu-lưu mạo-hiểm, nên sau khi ra trường (1878) với cấp bậc trung-úy, ông đã gia-nhập đoàn quân viễn-chinh qua Á rồi đến Phi-châu.

Năm 1887, ông được thuyên-chuyển về Ấn-độ với cấp bậc cao hơn là đại-úy, nắm giữ nhiều địa-vị quan-trọng. Mãi đến năm 1889, ông được cử đi tham-dự trận đánh, chống với quân dấy loạn Boers ở Nam Phi.

Trong trận chiến-tranh giữa dân Boers và quân-đội Hoàng-gia Anh-quốc, ông đã dùng nhiều mưu-lược khá kỳ-lạ đối với thời buổi bấy giờ. Khi thành Mafeking bị bao vây ngặt-nghèo, chỉ một lực-lượng không đầy 1000 quân, đại-tá Baden Powell phải cầm cự với hơn 9000 quân Boers, trong 217 ngày, để chờ đợi đoàn quân tiếp-viện.

Trong những ngày giao-chiến, ông đã dùng đủ mọi mưu-kế để đánh lừa địch-quân như: đặt mìn chỗ nầy, rồi cho nổ súng chỗ kia, khiến quân địch lầm tưởng chiến-địa phòng-thủ đâu đâu cũng được bố-trí cẩn-mật và quân số chống cự bên trong, cũng đông-đảo không kém gì quân-số tấn-công bên ngoài của họ.

Ông lại có thể chế-tác được một số đèn rất ít ỏi. Nhưng số đèn nầy đã được luân-phiên đem đi chiếu trên nhiều địa-điểm khác nhau, làm như góc trời nào cũng có đèn chiếu cả. Ông cũng có thể chế ra được một loại lựu-đạn bằng loong thiếc… và đặc-biệt nhất là ông đã khéo-léo nuôi-dưỡng tinh-thần chiến-đấu bền dai, dũng-cảm và kỷ-luật của toàn thể binh-sĩ.

Nhờ đó, Baden Powell đã chống-cự được lâu dài, cho đến ngày được tiếp-viện, rồi chiến-thắng. Hoà-bình vãn-hồi, nữ-hoàng Anh-quốc đã tôn phong ông lên chức đại-tướng. Rồi sau đó, vào năm 1903, đã đặc-cử giữ chức thanh-tra tổng kỵ-binh.

Ông mất ngày 08.01.1941, thọ 84 tuổi. Thi-hài được an-táng tại chân núi Kenya, Phi châu, giữa một khung-cảnh núi rừng hùng-vĩ của thiên-nhiên. Đây cũng là ước-nguyện của ông khi còn sinh-tiền. Ông đã đi vào lòng người mãi mãi, không chỉ riêng ở Anh-quốc, mà chung cho cả thế-giới. Vì mỗi khi nói đến phong-trào Hướng-đạo, thì không thể không đề-cập đến Baden Powell.

DIỄN-TIẾN PHONG-TRÀO

Sau vụ bình-định cuộc nội-loạn dân Boers nói trên, Baden Powell đã trở về Luân-đôn, thăm quê-hương. Điều làm ông đau lòng là thấy cảnh nhiều thanh-niên lang-thang, bê-tha dọc phố xá, sống đời vô tư vô vị, có thể sa ngã vào đường tội-lỗi bất cứ lúc nào. Ông nghĩ rằng, những phần-tử ấy, có thể trở thành những công-dân xứng-đáng, hữu-ích cho xã-hội, nếu có người biết cách dìu-dắt chúng.

Những năm ở Phi châu và Ấn-độ, Baden Powell đã quen sống trong cảnh núi cao rừng rậm, nên ông đã thu-thập được một số kinh-nghiệm quý báu để chiến-thắng hoàn-cảnh và đào-tạo con người có óc tự-lập, tinh-thần tháo vát để xoay-xở cho riêng mình lúc cần và để phụng-sự tập-thể.

Khi ông sắp được phong chức thống-tướng, một chức-vụ cao nhất trong quân-đội thì bỗng-nhiên ông lại xin từ chức, từ bỏ địa-vị, bổng-lộc… vì ông cảm thấy mình có một sứ-mệnh phải hoàn-thành: việc cải-tạo lại tinh-thần thanh-niên xứ sở, đó là bước đầu của phong-trào Hướng-đạo thế-giới ngày nay.

Ông bắt tay vào công-việc ngay: Mùa hè năm 1907, sau khi đã qui-tụ được 22 đứa trẻ thuộc đủ mọi giai-cấp, ông đem chúng ra đảo Brownsea, ngoài khơi Anh-quốc, chia thành 4 đội (Sói, Quạ, Cun-cút và Bò rừng). Đây chính là đoàn Thiếu đầu tiên. Từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 8, ông bày cho chúng lối sống tập-thể; chỉ cách tự lo lấy bữa ăn của mình ở ngoài trời; dạy cách-thức đi điều-tra, thám-hiểm; chỉ-dẫn cách tiến, cách lùi, cách ngụy-trang đồng-thời cách chiến-đấu để tự-vệ lúc cần. Đối với tuổi trẻ, nếp sống mới nầy rất hấp-dẫn và thu-hút được nhiều cảm-tình, nên chuyến thí-nghiệm nầy rất thành công.

Rút tỉa kinh-nghiệm trong những cuộc sinh-hoạt như thế nầy, sau đó không lâu, ông đã đặt ra Bản Nội-qui về sinh-hoạt, lấy khẩu-hiệu «Hãy sẵn-sàng» cùng với những lời tuyên-thệ cho những kẻ mới gia-nhập phong-trào: «Trên danh-dự, tôi xin thề làm tròn bổn-phận tôi đối với Chúa và Vua. Tôi sẽ tận-dụng khả-năng tôi để giúp-đỡ đồng-bào bất cứ với giá nào. Tôi đã thông-thạo luật Hướng-đạo và quyết-tâm tôn-trọng».

Vào tháng 8 năm 1907, Baden Powell đã chính-thức thành-lập phong-trào. Ấn-định lối đồng-phục đơn-giản, rẻ tiền để ai cũng có thể mua sắm được: quần ống ngắn, áo kaki và mũ rộng vành. Đặt các điều luật, dựa trên những nguyên-tắc trung-thực, tận-tâm, lễ-độ, vui tính, tiết-kiệm cùng một số đức-tính khác.

Năm 1908, ông phát-hành cuốn «Hướng-Đạo Cho Trẻ» (Scouting For Boys), gồm 6 tập (hiện nay đã được dịch ra 35 thứ tiếng). Trong đó, ông trình-bày toàn bộ ý-kiến của ông về tôn-chỉ và tổ-chức phong-trào. Chẳng bao lâu, phong-trào lan khắp Anh-quốc và số thanh-thiếu-niên xin gia-nhập mỗi ngày mỗi đông.

Cũng trong thời-gian nầy, các thanh-thiếu-nữ trong nước cũng đã đứng ra xin thành-lập cho họ một tổ-chức riêng. Vì thế, năm 1909, Baden Powell đã thành-lập ngành nữ hướng-đạo. Cô Agnes, em ruột ông, nhận lãnh trách-nhiệm điều-khiển. Vài năm sau, vì phong-trào Hướng-đạo nữ-giới phát-triển mạnh, nên chính vợ ông, bà Olave Soames, từ năm 1912, cũng đã phải giúp sức vào.

Ngoài ra, còn có ông Warrington Baden Powell, bào-huynh của ông và là cựu sĩ-quan thủy-quân, cũng đã mật-thiết cộng-tác với Baden Powell trong công-việc thành-lập và điều-hành các ngành chuyên-môn Hướng-đạo.

Năm 1914, Baden Powell thành-lập ngành Ấu và viết “Sách Sói Con”. Ông đã dựa theo tư-tưởng được trình-bày trong tác-phẩm “Sách Rừng Xanh” của văn-hào Rudyard Kipling để viết cuốn nầy. Đến năm 1918, ông thành-lập thêm ngành Tráng và xuất-bản cuốn “Đường Thành Công”.

Từ năm 1908 trở đi, đã có một vài đơn-vị Hướng-đạo đầu tiên được tổ-chức ngoài Anh-quốc. Đó là những đơn-vị ở Gibraltar. Ít lâu sau, tại Malte. Rồi những thời-gian kế tiếp, đã xuất-hiện tại các nước khác như ở Gia-nã-đại, Úc, Tân-tây-lan, Nam Phi. Từ năm 1910 trở đi, lại thêm các quốc-gia Bỉ, Ấn-độ, Singapour, Thụy-điển, Đan-mạch, Pháp, Nga, Phần-lan, Na-uy, Mễ-tây-cơ, Á-căn-đình, Hy-lạp, Hoa-kỳ…

CÁC TRẠI HỌP BẠN
HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI

Baden Powell nghĩ đến việc «tập họp» hướng-đạo-sinh các quốc-gia. Ông đã bắt đầu thực-hiện ý-định đó năm 1909 để kỷ-niệm cuộc cắm trại đầu tiên tại đảo Brownsea. Cuộc tập họp nầy đã diễn ra tại Luân-đôn với hơn 11.000 đoàn-sinh tham-dự, và từ đó, như người ta thấy trong 100 năm qua, đại-gia-đình hướng-đạo luôn tổ-chức các «Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới» (Jamboree Mondial Scout). Đã tổ-chức nhiều lần (trung-bình 4 năm 1 lần), tại nhiều quốc-gia trên các châu lục. Kể từ năm 1920 cho đến nay (2007) đã có 21 lần Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới.

LẦN 1: 1920
Theo lời mời của Baden Powell, Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới lần thứ nhất đã được tổ-chức, từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 1920 tại Olympia Hall, gần Luân-đôn, thủ-đô Anh-quốc. Chính Baden Powell đã đặt tên «Jamboree» cho Trại Họp Bạn nầy. Jamboree, gốc tiếng Zouloue, có nghĩa là «tập hợp».

Có hơn 8.000 hướng-đạo-sinh của 33 quốc-gia tham-dự, trong đó có 12 nước là thuộc-địa của người Anh. Mỗi ngày, có hàng ngàn du-khách thập-phương đến tham-quan. Dịp nầy, Baden Powell đã được bầu cử giữ chức Thủ-Lĩnh Huynh-Trưởng đầu tiên của Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới.

LẦN 2: 1924
Đã được tổ-chức tại Emerlunden, ở phía Bắc thủ-đô Copenhague, Đan-mạch. Có 4.549 trại-sinh của 34 quốc-gia tham-dự. Nhưng bị mưa lụt, các hướng-đạo-sinh đều bị ướt như chuột lột, phải ngủ nhờ 1 đêm trong nhà người dân.
Ngày cuối trại, vua Đan-mạch là Christian X và hoàng-hậu Alexandrine đã đến tham-dự lễ bế-mạc.

LẦN 3: 1929
Trại Họp Bạn đã được diễn ra tại Arrow Park ở Birkenhead, Anh-quốc, qui-tụ 50.000 hướng-đạo-sinh đến từ 69 quốc-gia trên thế-giới, cũng như đã thu-hút 320.000 du-khách đến thăm viếng trong thời-gian sinh-hoạt trại.

LẦN 4: 1933
Tổ-chức tại Godollo, Hung-gia-lợi. Gồm có 26.000 trại-sinh đến từ 32 quốc-gia và 21 nước thuộc-địa. Trong số đó, có gần 18.000 hướng-đạo-sinh bản-địa. Trại được khai-mạc bởi Baden Powell và thống-tướng Horthy của chính-phủ Hung-gia-lợi.

Biểu-trưng của Trại là Con Nai Trắng. «Bạn hãy xem con nai nầy như là tinh-thần Hướng-đạo: đi tiên-phong và luôn ngẩng đầu lên cao» (BP). Thực vậy, lần đầu tiên tại Hung-gia-lợi, loại tem kỷ-niệm Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới với hình con nai đang ngẩng đầu co chân phóng tới, dưới có những chữ «Jamboree 1933 Macyarorszác», đã được phát-hành, và cái đặc-biệt thứ hai: suốt trong thời-gian trại, đã xuất-bản báo hàng ngày bằng 4 thứ tiếng: Hung, Anh, Pháp và Đức.

LẦN 5: 1937
Đã được tổ-chức tại Vogelenzang-Bloemendaal, nước Hoà-lan. với 28.750 hướng-đạo sinh của 54 quốc-gia tham-dự. Hàng ngày, có triển-lãm về các sinh-hoạt Hướng-đạo. Trong kỳ Trại Họp Bạn nầy, vì Baden Powell, vị sáng-lập phong-trào, đã 80 tuổi, nên ông quyết-định rút lui, đã nói lời từ-giã để rồi sau đó, đi hưu-dưỡng tại Nyeri, ở Kenya, Phi châu.

LẦN 6: 1947
Đã diễn ra từ ngày 9-20.8.1947, tại Moisson, Yvelines, Pháp-quốc, dưới danh-xưng «Trại Họp Bạn Hoà-Bình» (Jamboree de la Paix). Có 24.152 hướng-đạo-sinh của nhiều miền xứ trên thế-giới về tham-dự. Ngày khai-mạc, có cuộc diễn-hành theo từng quốc-gia.

LẦN 7: 1951
Tổ-chức tại Salzkammergut, Bad Ischl, Áo-quốc. Có 12.884 hướng-đạo-sinh của nhiều quốc-gia tham-dự. Đặc-biệt trong lần nầy, hội Hướng-đạo Áo-quốc đã có sáng-kiến, dựng lên tại sân cờ 7 ngọn tháp. Mỗi ngọn, tượng-trưng cho một lần Trại Họp Bạn trước đây, trong các quốc-gia đã đăng cai tổ-chức. Khi tên Trại lần lượt được xướng lên, thì trên đỉnh tháp, cờ của nước ấy phất-phới tung bay trong tiếng nhạc Jamboree oai-hùng và rộn rã.

LẦN 8: 1955
Lần đầu tiên, Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới đã được tổ-chức ngoài Âu châu. Trại nầy đã diễn ra tại Niagara on the Lake, Gia-nã-đại, Bắc Mỹ, và đã qui-tụ 11.139 hướng-đạo-sinh thuộc 71 quốc-gia trên thế-giới. Cũng là lần đầu tiên, có một đoàn hướng-đạo, đã rời khỏi quê xứ của họ 4 tháng trước, và phải vượt qua 45.000 km để tới dự trại. Đó là Đoàn Hướng-Đạo xứ Tân-tây-lan!

LẦN 9: 1957
Để kỷ-niệm 50 năm thành lập phong-trào hướng-đạo và để ghi nhớ 100 năm ngày sinh-nhật của vị sáng lập, kỳ Trại Họp Bạn lần nầy đã được tổ-chức trên quê-hương Baden Powell tại Sutton Park, Anh-quốc. Có hơn 30.000 hướng-đạo-sinh của 80 quốc-gia tham-dự. Trên phần đất trại ở Sutton Park, đã được dựng lên một cột tháp (obélisque) để ghi nhớ các biến-cố nói trên.

LẦN 10: 1959
Tại Mont Makiling ở Phi-luật-tân. Đây là lần đầu tiên được tổ-chức tại một nước thuộc vùng châu Á. Trại lấy khẩu-hiệu là “Xây-dựng ngày mai, chính hôm nay”, gồm có 12.203 hướng-đạo-sinh thuộc 44 quốc-gia (trong đó có Việt-nam Cộng-hoà) tham-dự. Điều đặc-biệt người ta đã ghi nhận là: có tới 500.000 du-khách đến tham-quan, chỉ trong một ngày!

Một điều đáng nghi nhớ khác là: Lần đầu tiên, Hội Hướng-đạo Việt-nam (thuộc Miền Nam Cộng-Hoà) đã tham-dự Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới với một số-lượng khá đông-đảo là 59 hướng-đạo-sinh..

LẦN 11: 1963
Được tổ-chức tại Skinias gần Marathon, Hy-lạp với khẩu-hiệu “Cao hơn, lớn hơn”. Có 14.000 hướng-đạo-sinh thuộc 89 quốc-gia tham-dự và 300 nhà báo ngoại-quốc theo dõi các sinh-hoạt hàng ngày. Dịp trại nầy có một thảm-hoạ: phái-đoàn hướng-đạo Phi-luật-tân bị tử-vong do tai-nạn phi-cơ, khiến cờ hướng-đạo phải treo rủ.

Lễ khai-mạc do thái-tử Hy-lạp chủ-toạ. Hôm bế-mạc, trong phần nghi-thức, có mục trao Đuốc Marathon cho đại-diện hướng đạo Hoa-kỳ để đốt lên vào ngày khai-mạc Trại Họp Bạn lần sau, sẽ được tổ-chức tại nước họ. Dịp nầy, bà Olave Baden Powell cũng có gởi một sứ-điệp cho các hướng-đạo-sinh toàn thế-giới.

LẦN 12: 1967
Đã diễn ra tại Farragut State Park, tiểu-bang Idaho, Hoa-kỳ với đề-tài “Cho Tình Bạn”. Đây là lần thứ 2 được tổ-chức tại một nước ở Bắc-Mỹ, 12 năm sau Gia-nã-đại. Có 12.011 hướng-đạo-sinh thuộc 105 quốc-gia về tham-dự.

LẦN 13: 1971
Tổ-chức ở Asagiri Heights, gần ngọn núi Phú-sĩ (Fuji), tại Nhật-bản với đề-tài “Để Thông-Cảm”, có 23.758 hướng-đạo-sinh thuộc 87 quốc-gia về tham-dự.

Trời chỉ tốt ngày đầu và ngày cuối. Trong thời-gian trại, trời âm-u cộng một cơn bão lớn khiến nước tràn ngập nhiều nơi, nên 16.000 trại-sinh phải di-tản cấp-tốc trong 48 tiếng đồng-hồ. Điểm sáng chói, khiến các trại-sinh ghi nhận là cách cấp-cứu mau lẹ và lối tiếp-đón niềm-nở của người dân Nhật, thật khó quên.

LẦN 14: 1975
Bờ hồ Mjosa, gần Lillehammer, ở Na-uy, là nơi đã được chọn để tổ-chức Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới lần thứ 14 với khẩu-hiệu “5 ngón, 1 bàn tay”. Tượng-trưng cho 5 vùng hướng-đạo trong 1 tình huynh-đệ. Có 17.259 hướng-đạo-sinh thuộc 91 quốc-gia tham-dự. Cuộc trại nầy, hồi ấy thường được gọi một cách bình-dân là “Nordjamb 75”. Vua Na-uy đã đến chủ-toạ nghi-thức ngày khai-mạc và vua Thụy-điển cũng như thái-tử vua Maroc đã đến viếng tham trại.
Nên biết: Thông lệ, trại Họp Bạn Thế-Giới được tổ-chức cứ 4 năm. Năm 1979 là lần Họp Bạn thứ 15, lẽ ra phải được tổ-chức tại Iran, nhưng vì tình-hình chính-trị, không thể tổ-chức được, nên phải đợi thêm 4 năm nữa.

LẦN 15: 1983
Tổ-chức tại Kananaskis Country, Alberta, thuộc triền núi danh-tiếng Rocheuses, ở Gia–nã-đại. Trại kỳ nầy lấy khẩu-hiệu là “Tinh-thần sống mãi” và gồm có 14.752 hướng-đạo-sinh thuộc 106 quốc-gia tham-dự. Đây là lần thứ 2 Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới được tổ-chức tại nước nầy.
Ngày bế-mạc có cử-hành nghi-lễ “Kỷ-niệm 75 năm thành-lập hướng-đạo” và “125 năm sinh-nhật của Baden Powell”, vị sáng-lập phong-trào.

LẦN 16: 1987-1988
Tổ-chức tại Cataract Scout Park vùng New South Wales, ở Úc-đại-lợi, từ cuối tháng 12 năm1987 đến đầu tháng 1 năm 1988 với khẩu-hiệu “Tập-hợp Thế-giới”, đã có 14.434 hướng-đạo-sinh của 84 quốc-gia tham-dự.
Đây là Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới đầu tiên, tổ-chức ở một quốc-gia thuộc miền Nam địa-cầu và cũng chính là lần đầu tiên trong việc thay đổi ngày tháng: đã dời từ tháng 8 cổ-truyền đến tháng giêng, để có mùa Hè.
Một điểm đặc-biệt khác là trong ngày xuất-du, có hơn 50 xe bus, phục-vụ chuyên-chở 14.434 trại-sinh, từ Cataract Scout Park đến bờ biển Thirroul, nơi đang diễn ra đại-hội Carnaval, để tham-quan.

LẦN 17: 1991
Đã diễn ra tại công-viên quốc-gia Mont Sorak, ở Nam-Hàn với đề-tài “Nhiều quốc-gia, chỉ một địa-cầu”, có gần 20.000 hướng-đạo-sinh thuộc 135 quốc-gia và lãnh-thổ về tham-dự. Đây là lần đầu tiên, từ sau năm 1947, các Hội Hướng-đạo Hung-gia-lợi và Tiệp-khắc được tham-dự Trại Họp Bạn Thế-Giới như là thành-viên (vì lâu nay bị nhà cầm quyền cộng-sản dẹp bỏ) và các nước khác như Nga, Ba-lan, Lỗ-mã–ni, Nam-tư-lạp-phu, Bảo-gia-lợi… cũng có gởi đại-diện đến tham-dự. Vì các nước nầy, sau khi chế-độ cộng-sản sụp đổ, hiện đang tái-tập lại.

Dịp nầy, ông Row Taw Woo, tổng-thống Nam-Hàn và Hoàng-thân Maroc là Moulay Rachid cũng đã đến viếng thăm trại.

LẦN 18: 1995
Được tổ-chức tại Flevoland, nước Hoà-lan với đề-tài “Tương-lai đã là đây”, có 28.960 hướng-đạo-sinh của 166 quốc-gia (trong đó, có 36 nước bắt đầu phục-hoạt, vì trước đây đã bị cộng-sản cấm ngăn).
Trại đã được Nữ-hoàng Hoà-lan là Beatrix và phu-quân cắt băng khai-mạc, cũng như được đón tiếp vua Thụy-điển, công-chúa Jordanie là Basma, bà Sadako Ogata, Cao-Ủy Tỵ-nạn Thế-giới đến viếng thăm.

LẦN 19: 1998-1999
Được tổ-chức tại Picarquín, nước Chí-lợi, thuộc Châu Mỹ La-tinh (Nam-Mỹ) với đề-tài “Cùng nhau Xây-dựng Hoà-bình”, được nhấn mạnh về vấn-đề giáo-dục hướng-đạo. Trại qui-tụ 30.948 hướng-đạo-sinh thuộc 157 quốc-gia và lãnh-thổ về tham-dự, đồng thời Liên-Hiệp-Quốc cũng đã có mặt.
Lễ khai-mạc đã được ông Eduardo Frei, tổng-thống Chí-lợi, đến chủ-toạ.

LẦN 20: 2002-2003
Đã được tổ-chức từ ngày 28 tháng 12 năm 2002 đến ngày 07 tháng 01 năm 2003 tại làng Haad Yao, huyện Sattahip, tỉnh Chon Buri, Thái-lan, với khẩu-hiệu «Hãy chia sẻ thế-giới chúng ta, hãy chia sẻ văn-hoá chúng ta».
Đất trại là một bãi biển dài một cây số rưỡi, cách thủ-đô Bangkok 180 cây số, đã có hơn 24.000 hướng-đạo-sinh thuộc 147 quốc-gia và lãnh-thổ tham-dự, cũng như có sự hiện-diện của Liên-Hiệp-Quốc.

LẦN 21: 2007
Cuộc Trại Họp Bạn nầy sẽ mang tính-cách quan-trọng hơn các lần họp mặt trước, vì là kỷ-niệm 100 năm ngày thành-lập phong-trào, như đã đề-cập ở phần nhập-đề.

Sẽ được tổ-chức tại Hylands Park, Anh-quốc và có 40.000 tham-dự-viên thuộc 150 quốc-gia trong 5 châu tham-dự, cũng như sẽ có sự hiện-diện của Liên-Hiệp-Quốc như 2 lần họp trại ở Chí-lợi (Mỹ châu) và Thái-lan (Á châu).

Để vinh-danh vị sáng-lập phong-trào, ngày 22 tháng 2 năm 2007, ở tại Kenya, châu Phi, các thủ-lãnh hướng-đạo cùng hàng ngàn đoàn-sinh đã tập-trung tại làng Nyeri, cách thủ-đô Nairobi 120 km ở về phía Bắc, nơi có phần mộ của Huân-tước Baden Powell, đã long-trọng cử-hành nghi-thức đầy ý-nghĩa tượng-trưng: thắp lên ngọn đuốc «tinh-thần hướng-đạo». Ngọn đuốc nầy đang được mang đi khắp châu Phi và châu Âu. Đến đêm 31.7.2007, sẽ được rước tới đảo Brownsea, Anh-quốc, để sáng ngày 1.8.2007, lúc rạng đông, sẽ hiện-diện trên phần đất đã do huân-tước Baden Powell tổ-chức cuộc cắm trại đầu tiên, cách đây 100 năm về trước.


Nguồn: Sen Trắng 

No comments:

Post a Comment