Saturday, January 22, 2022

Hoàng Hưng: Với tôi, Làng Mai là một công án

 

Bài này viết ngay sau hai khóa tu Mùa Hè 2012 ở Làng Mai và Học viện Phật giáo Ứng dụng châu Âu, nhưng tôi muốn nghe ngóng lòng mình qua thời gian sau khi những bồng bột tan đi, còn những gì đọng lại. Mãi một năm sau tôi mới công bố trên mạng Bauxite Vietnam. Hôm nay, trong tâm trạng lo âu cùng với hàng triệu người Việt Nam, Phật tử cũng như không tôn giáo, theo dõi từng giờ tình trạng sức khoẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh  sau khi Cụ bị xuất huyết não, tôi xin Văn Vit cho đăng li bài này, để bạn đọc có thể hiểu phần nào về Sư ông và tăng đoàn Làng Mai, một thành công lớn trong việc truyền bá văn hoá Vit đích thực ra khắp năm châu.

 Trên chuyến bay từ Paris đến Reykjavik, thủ đô Iceland, tôi không khỏi mỉm cười khi thấy trên màn hình giới thiệu du lịch có những từ “mindfulness” (chánh niệm), “meditation” (thiền), “here and now” (bây giờ và ở đây). Hôm trước cũng nghe một thiền sinh ở Làng Mai (LM) chia sẻ rằng cô thích thú khi nghe một nữ tiếp viên hàng không nói với khách: “Please have mindfulness to bring your luggage down…” (xin chánh niệm khi đưa hành lý xuống…). Thiền tập đã đi vào đời sống ngưi châu Âu đến vậy, có phần ảnh hưởng khá lớn của LM.

Với riêng tôi, Làng Mai (LM) là một “công án” ám ảnh nhiều năm.

Tôi biết từ lâu một thi sĩ với những vần thơ tự do khá mới mẻ chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện bên cạnh những bản dịch tuyệt bích thơ tứ tuyệt Lý Trần. Cũng nghe từ lâu dòng tu “nhập thế” nổi tiếng với Phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội, với những vận động hòa bình cho Việt Nam, với con tàu cứu vớt thuyền nhân… Cũng đọc không ít sách Đạo của vị Thiền sư (TS) được coi là tu sĩ Phật giáo lớn thứ nhì thế giới hiện nay mà người đọc và học trò đã lên tới nhiều triệu trên khắp hành tinh. Tôi ngưỡng mộ ông là chuyện tất nhiên.

Nhưng thú thật, với kinh nghiệm một đời lăn lộn, vỡ mộng cũng nhiều, cộng với “sở tri chướng” của kẻ “đa thư”, luôn e ngại mọi thần tượng, giáo chủ có “charisma” dẫn dụ bày cừu mê mẩn, tôi vẫn giữ thái độ “quan sát” đối với LM.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với LM có sự mâu thuẫn. Lần đầu tiên tiếp xúc, vào năm 2005 khi TS đưa tăng đoàn về VN, là trong buổi pháp thoại của TS ở Viện Goethe. Ấn tượng này đã được ghi lại gần như tức thời qua bài thơ Bậc thầy (bài này đã in trong tập Hành trình, NXB Hội Nhà văn, HN 2005, bản tiếng Anh The Master in trong chapbook Hoang Hung, Poetry & Memoirs do International Poetry Library of San Francisco xuất bảnvà đọc trong đêm thơ-văn “Echoes of Vietnam” tháng 3 năm 2012 ở Santa Cruz):
Thầy vào như hơi gió
Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang…

Quả thực hình ảnh khinh khoái hiếm thấy của một ông sư và ánh sáng trên gương mặt các học trò của thầy chinh phục tôi nhiều hơn những lời thuyết giáo.

Nhưng rồi ngay sau đó, tôi bị hẫng khá mạnh khi nghe qua bản thu âm câu hỏi đáp trong một buổi thầy thuyết trình ở Viện Khoa học Xã hội miền Nam. Một “giáo sư” giọng rất gay gắt (nói cho đúng là khiêu khích) nhắc lại hai lần câu hỏi, lần sau gắt hơn lần trước: “Tôi xin hỏi TS, nếu bây giờ tôi quy y thì tôi có còn được quyền yêu Đảng, Đảng do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo, có được quyền yêu nước, nữa hay không?” Có lẽ quá bất ngờ trước câu “truy hỏi”, TS hơi sững một chút, rồi đáp: “Không yêu Đảng không yêu nước thì quy y làm gì!”. Thú thật là tôi bất mãn với câu trả lời. Yêu nước, OK, còn “yêu Đảng”? Sao lại phải yêu cái đảng tuy một thời có công lãnh đạo cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất cho đất nước (tuy là với cái giá quá đắt, vấn đề này mang tính lịch sử rất phức tạp, lúc khác sẽ bàn), nhưng gần đây nó đã biến chất, suy thoái rõ rệt, không còn tính chính đáng?

Hình ảnh sơ phác của LM trong tôi thế là trong cái sáng vẫn còn cái “lăn tăn”.

Tăng Thân Làng Mai | Ảnh: Internet

Ba lần đến với Làng Mai:

Ba năm nay, Trời Phật sắp xếp sao đó để tôi có cơ duyên thực sự đi sâu, đi sát LM, để ngày càng hiểu rõ và hiểu đúng về Làng.

Tôi đã đến gần với LM qua những ngày hoạn nạn của các học trò TS ở Bát Nhã. Tôi đã thấy ánh sáng rạng rỡ trên gương mặt người thân của mình sau mỗi chuyến lên Bát Nhã tu tập đợt hai tuần, đợt ba tuần. Tôi đã thấy ánh sáng rạng rỡ trên gương mặt, đã nghe tiếng cười hồn nhiên của những sư em, những thực tập sinh trẻ măng căng tấm ni lông giữa trời hứng nước mưa khi bị các đệ tử của ông Đức Nghi cúp nước. Tôi đã nghe người thân kể chuyện những người trẻ là con em gia đình “cộm cán”, hay bản thân là trí thức trẻ đầy tương lai, đã dứt bỏ tất cả đi theo con đường LM để thực hiện tâm nguyện Bồ tát trước cứu mình sau giúp người ra khỏi cõi mê.

Tiếp ngay đó, cơ duyên lại đưa tôi đến thẳng LM. Nhân đi làm công việc dịch thuật ở Paris, hai vợ chồng tôi quyết định ghé xuống Làng vài hôm. Không liên lạc được trước, chúng tôi cứ đi, nghĩ có duyên thì gặp. Quả nhiên trong lúc tôi đang nằm thẳng cẳng ngủ giấc trưa “bụi đời” trên ghế băng trước cửa ga xép Sainte Foye La Grande chưa biết cách nào đến được LM, thì xuất hiện một sư cô người Tây trong trang phục màu đà quen thuộc của LM. Tình cờ cô ra đón một khách của Làng từ Paris tới. Thế là cô vui vẻ đưa chúng tôi về Xóm Mới, và cho biết ở đó đang có một khóa tu ngắn ngày. Bước chân vào Xóm, người tiếp đón chúng tôi là một sư cô trẻ măng đồng hương Hà Nội. Sau này tôi biết cô là con gái cưng của một quan chức cao cấp, lại biết cả mẹ cô cũng đã xuất gia theo gót con gái (thật dễ hiểu vì sao những quyền lực thế gian lại “kỵ” Bát Nhã, LM đến vậy!). Ba ngày ngắn ngủi ở LM tóm lại một cảm tưởng: một tiên cảnh giữa trần gian, với cảnh đồng quê đồi rừng thanh bình đẹp đến nao lòng, với những tiên đồng ngọc nữ tươi tắn trong veo và thanh tú, với hàng trăm người trong đại gia đình quốc tế vui vẻ và thành kính thực tập những “pháp môn” rất giản dị để thân tâm an lạc: tập thở vào thở ra, tập bước đi chánh niệm, tập ngừng lại khi nghe tiếng chuông…

Trong lần sơ ngộ này có một chi tiết tình cờ nhưng ít lâu sau thành một yếu tố gắn tôi với LM. Trong màn tự giới thiệu khi chia sẻ trong nhóm “gia đình”, tôi thành thật nói mình là nhà báo, không phải Phật tử (nói cho chính xác là không quy y Thầy nào, không theo tổ chức của chùa nào). Tôi đọc thấy vẻ ngỡ ngàng của quý ni sư và Phật tử. Giờ giải lao, một ông “Tây” to lớn đầu râu tóc bạc xin có vài lời với tôi. Ông bảo: “Tôi xin tự giới thiệu, tôi là cố vấn của Tổng thống Israel, nhưng tôi cũng là đệ tử của Thay (các đệ tử Âu Mỹ của TS đều gọi TS là Thay như một tên riêng) từ chục năm nay. Tôi không hiểu vì sao ông có ý nói ông là nhà báo nên không thể là Phật tử?” Tôi chỉ cười, đáp: “Mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau ông ạ”.

Chỉ vài tuần sau đó, tôi đang ở chơi nhà chị Thụy Khuê dưới Côte d’Azur, một biệt thự màu hồng đẹp như mơ trên đồi nhìn xuống biển Địa Trung Hải mà anh Lê Tất Luyến chồng chị là người tạo dựng và chăm nom, ngôi nhà luôn mở lòng đón tiếp bạn bè tứ xứ… thì dồn dập nghe tin Bát Nhã bị tấn công. Sự xúc động trong lòng tôi nhiều lần trào lên khóe mắt khi xem trên mạng những em thiền sinh ngồi an bình niệm danh Quán Thế Âm trước sự hung hăng dữ dằn của kẻ ác. (Trong dịp ở LM gần đây, mỗi lần nghe màn tụng Avakilotesvara trước khi Thầy pháp thoại, thì hình ảnh các em Bát Nhã niệm Quán Thế Âm lại hiện lên khiến sự xúc động của tôi lại dâng trào). Đến ngày cao điểm, bọn ác nhân xua đuổi 400 em khỏi Bát Nhã giữa trời mưa như trút thì tôi không nén nổi căm giận và xót thương. Tôi nhờ chị Thụy Khuê liên lạc ngay với Radio France International (RFI) – lúc này chị đã về hưu, chỉ còn cộng tác một chuyên mục với Đài – cho biết tôi muốn phát biểu trên Đài về sự kiện Bát Nhã. Tôi cũng không ngờ, như Thầy cho biết trong phút gặp gỡ đầu tiên ở LM, phát biểu của mình về pháp nạn Bát Nhã trên truyền thông quốc tế đã khởi lên cao trào lên tiếng bênh vực con em của LM đang gặp nạn, và cũng không ngờ việc này kéo tôi tiếp tục dấn thân vào vụ Bát Nhã, viết liên tục 9 bài trên các mạng trong ngoài nước, trong đó có Thư ngỏ  Thư thỉnh nguyện gửi ba nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước VN thu được trên 400 chữ ký bao gồm nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong ngoài nước và đảng viên Cộng sản kỳ cựu. (Đây là một câu chuyện hơi bị “ly kỳ”, dịp khác sẽ kể).

Tăng Thân Làng Mai | Ảnh: Internet

Có một điều là tôi luôn khẳng định: lên tiếng bảo vệ các thiền sinh Bát Nhã không phải vì tôi là Phật tử hay đệ tử của LM (thực ra tôi từng là tín đồ Công giáo, đã chịu lễ rửa tội từ lúc còn nhỏ do các bà cô dẫn dắt, rồi lẳng lặng bỏ đạo khi các bà vào Nam và chính quyền Cụ Hồ về Hà Nội), mà chỉ do lương tâm của một nhà báo “thấy sự bất bằng”. Tôi bảo vệ các thiền sinh Bát Nhã là bảo vệ quyền công dân, quyền con người, quyền chọn đi theo một lý tưởng, một tôn giáo của những người trẻ tuổi – tương lai của dân tộc. Tôi đã trả lời phóng viên hãng AP cũng như các sĩ quan an ninh VN “làm việc” với mình như thế.

Sau khi Bát Nhã tan, tôi biết ngoài hàng trăm thiền sinh được LM bảo lãnh sang Pháp, Đức, Mỹ, còn hàng trăm em ở lại tản mác khắp nước vẫn kiên gan chịu đựng sự truy bức của chính quyền để tu tập theo pháp môn của Thầy. Đôi lúc có dịp gặp, tôi vẫn thấy được vẻ “vững chãi như núi cao, thnh thơi dường mây trắng” (như lời một thiền ca LM) của những con người ấy mặc dù họ không còn được đi với nhau “như một dòng sông”. Tôi hiểu là LM đã gieo được những hạt hướng dương bất diệt trên quê hương đau thương này.

Vậy đến gần đây, “Công án LM” của tôi có thể “diễn nôm” thế này:

1/ LM có “phép” gì đào tạo được những người trẻ tuyệt vời đến thế, những người quyết tâm thực tập ba đức Bi – Trí – Dũng của Bụt để “độ mình và độ đời”, giữa lúc nhan nhản quanh tôi là đám trẻ mất phương hướng, hoặc chỉ biết chạy theo “lý tưởng” làm giàu, tạo vị thế cho riêng mình, nói gọn là “vinh thân phì gia” bằng mọi giá, chấp nhận “đi với ma”, nhắm mắt che tai thậm chí hùa theo cái xấu cái ác, còn việc của dân của nước thì buông xuôi, mackeno, “đã có Đảng, Nhà nước lo”?

2/ LM làm thế nào hòa hợp được triết lý vô ngã, diệt dục của đạo Phật truyền thống với “chủ nghĩa cá nhân” sáng suốt và tính cạnh tranh là động lực phát triển của xã hội hiện đại?

3/ LM làm thế nào thu hút hàng ngàn người, hàng trăm gia đình Tây phương, trong đó không ít trí thức, doanh nhân thành đạt đến sinh hoạt và tu học theo hướng dẫn của các tăng ni người Việt trẻ măng?

Mùa hè vừa rồi, nhân sinh nhật thứ 30 của LM, tôi có cơ hội được cùng người thân của mình tham dự hai khóa tu liền, của người Việt tại LM và của người Hòa Lan tại cơ sở mới rất đồ sộ của Làng vừa khánh thành bên Đức (EIAB: Học viện Phật giáo Ứng dụng châu Âu). Gần một tháng sống trong đại gia đình quốc tế LM, tôi cảm nhận có sự biến chuyển trong mình, kẻ luôn tự nhận “tên học trò mới bướng bỉnh”.

Đi tu vui lắm chứ!

Đây là những gì đọng lại trong tôi sau khi đã rời Làng một tháng:
Bao trùm là cảm nhận về một cuộc sống thư giãn, yên vui.

LM đã khéo chọn những khung cảnh thần tiên cho đại gia đình của mình, những sườn đồi hiền dịu xanh nho, đỏ mận, vàng rực hướng dương, những cuộn rơm nằm im lặng trong nắng chiều, hay đồi cỏ mượt với hàng trăm cây táo đang ửng trái, giữa vùng quê thanh bình êm ấm mà ta khó lòng gặp được ở VN hôm nay. Không có những ngôi chùa thấp bé, tối tăm ẩn mình thời trước hay ngược lại hoành tráng phô trương lố lăng thời mới, “chùa” ở LM chỉ là những thiền đường rộng, thoáng, giản dị, duy nhất một ông Bụt Thích Ca mỉm cười với ta trên bệ thấp trước mặt (ta còn gặp trên đường thiền hành những ông Bụt nho nhỏ ngồi trên cỏ, không có tòa sen uy nghi, mà lũ trẻ Tây rất thích chơi với, có đứa ngồi trên lòng, ôm hôn ông gọi “Buddha! Buddha!” như gọi mẹ, có đứa đội mũ đeo kính cho ông như chơi với bạn…).

Nhưng điều khiến ta thư giãn, yên vui nhất chính là niềm vui tỏa ra từ các tăng ni ở Làng. Không hiểu sao tôi cứ nhớ đến những bà xơ vui tính trong một bộ phim ca nhạc của Mỹ. Từ “sư cô” ngoài 70 mà cứ xuất hiện là có ngay một dàn ca hát hình thành, đến “sư anh” hơn hai mươi tuổi trụ trì một ngôi chùa cả trăm tăng (trong đó có một vị hòa thượng) với cả ngàn thiền sinh Tây, mà gặp đâu cũng thấy cười đùa với đám teen, rồi trong đêm hội Trung thu thì đeo kính đen nhảy và hát “rap” (với lời “Đạo ca”, tất nhiên) khiến mấy cô bé cậubé khoái trá nhảy nhót theo tưng bừng. Xin biết rằng những vị ấy, chỉ mấy phút trước đây vừa lăn lưng khênh vác, dựng rạp, và đêm qua còn thức đến nửa đêm dọn dẹp nhà bếp hay lái xe đưa khách về nhà nghỉ, hay chiều nay vừa dẫn dắt buổi “chia sẻ” của những người lớn tuổi mang nặng tâm tình u ám. Tôi rất thích cách nói của một cô “sư em” khi phân công mọi người tham gia “chấp tác”: “Mời các cô các chú chơi rửa chén (chơi lau nhà, chơi sấy muỗng nĩa…) với con!” Và đúng thật, ai nấy làm mà thấy vui như đang chơi với nhau vậy. Cũng như mỗi lần trông thấy tôi, các “sư chị, sư em” bao giờ cũng hỏi: “Chú ở Làng có vui không ạ?” thay vì hỏi: “chú đã học được gì ở LM?”

LM có một sinh hoạt độc đáo chắc không hề có ở bất kỳ cơ sở tôn giáo nào: “Thiền buông thư” mỗi trưa. Nằm dài trong thiền đường, có sư thầy/ sư cô hát thiền ca cho mà… chìm dần vào giấc ngủ. Tôi đã bắt chợt cảnh ấy trong một khúc thơ:
Em nằm trong thiền đường
Cỏ cây mùa hạ
Áo tràng
Xông hương

“Thiền ca LM” có bài (đặt theo nhạc Phạm Duy): “Ai bảo đi tu là kh, đi tu sướng lắm chứ! Ngồi tụng kinh, cái đầu rung rinh và con mắt lim dim…

Nói “thiền ca”, thì quả thực, hai năm trước, khi nghe trong băng đĩa những bài dạy Đạo bằng lời ca “chế” từ các bài hát quen thuộc (có cả bài lấy từ “Năm anh em trên chiếc xe tăng” nữa chứ), tôi thấy nó… sao sao ấy! Rồi có một ngày, tôi lặng người nhìn cảnh hàng trăm người già, trẻ đủ màu da đứng vòng tròn giơ tay lên múa miệng hát say sưa bài I am free bằng mấy thứ tiếng, và tôi không thể ngăn mình hát theo. Từ lúc nào không biết, bây giờ, thỉnh thoảng lại tự bắt gặp mình lẩm nhẩm: “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, hay Muốn ăn thêm nhưng có tiếng chuông, em thở vào thở ra…

Một nữ kỹ sư dầu khí chuẩn bị xuất gia sau khi cả mẹ, chồng và hai con trai đều “theo chân Bụt”, kể với tôi: “Công an làm việc với em cứ thắc mắc tại sao LM thu hút được nhiều người trẻ đi theo thế? Em trả lời đơn giản: Anh không biết hồi trẻ chúng tôi được sinh hoạt Đội, Đoàn vui tươi, lành mạnh như thế nào hay sao? Bây giờ bọn trẻ có còn được thế không? ”.

Xóm Hạ, Làng Mai, Pháp | Internet

Hạnh phúc chính là con đường:

Một chị trí thức sống lâu năm ở Pháp chia sẻ: “Tôi thu nhận nhiều nhất từ lời dạy này của Thầy: Năng lực hạnh phúc là một đức hạnh căn bản”. Tôi nghe chị nói mà thấm thía. Cả thế hệ chúng tôi hầu như đã bị mất đi cái năng lực ấy. Vì hoàn cảnh xã hội ư? Tất nhiên, khi ta là con dân một xứ sở đầy tai ương kéo dài cả thế kỷ. (Ngày đầu tiên ở Làng, một vị hòa thượng bảo tôi: “Bác hãy buông thư trong thời gian hai tuần lễ ở Làng, bỏ hết những áp lực của 70 năm ở lại VN”).

Nhưng còn hàng ngàn con người từ những nước phát triển nhất, bản thân may mắn, thành đạt, vì sao họ kéo tới đây hầu như chỉ mong tìm được con đường thoát ra khỏi tình trạng bất hòa, xung đột trong gia đình, phiền muộn, dằn vặt trong nội tâm? Vậy đâu có thể đổ hết cho hoàn cảnh xã hội?

LM chỉ cách để ta có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Hạnh phúc không phải là đích đến, hạnh phúc chính là con đường, châm ngôn của Thầy trên những bức thư pháp chỉ ra điều mà tôi thấy là căn bản nhất của “pháp môn LM”. Bây giờ, ở đây. Đây là tnh độ, tịnh đ là đây. Hiện pháp lạc trú. Đâu phải đi tìm? Hãy sống hết mình với giây phút này, vì ta chỉ thực sống trong hơi thở này. Có thế thôi, còn gì giản dị hơn?

Nhưng để có được “đức hạnh căn bản” ấy, có khi phải đảo lộn toàn bộ nhận thức và lối sống sai lầm đã thành “tập khí” lâu dần “nội kết” trong ta. Làm sao gỡ những nội kết, từ “duy ngã” thành “vô ngã”, từ “tham đắm”, “chấp thủ” thành “buông xả”, “không ràng buộc”, từ “phân biệt” thành “không phân biệt”, từ “sân hận” thành “hiểu và thương”?

Những bài “pháp thoại” của Thầy rất giản dị, và chỉ nhắc đi nhắc lại vài ý rất căn bản, dễ hiểu, ai đã đọc sách của Thầy chắc đều nhận ra. Riêng tôi, khái niệm “vô ngã” khó “tiêu” nhất đối với con người hiện đại được Thầy làm sáng tỏ một cách thuyết phục bằng thực tế “tiếp nối” (continuation) và “tương tức” (interbeing, interêtre) của sự sống. “Ta” là “ta” mà cũng là “người”. Khi “ta” làm cho “người” đau khổ thì chính “ta” cũng đau khổ, và ngược lại, khi “người” làm ta đau khổ thì “ta” phải biết rằng chính “người” cũng đang đau khổ!

Những nhận thức gốc ấy của Phật giáo nói thì dễ, nhưng thiếu gì người tụng kinh đọc sách một đời mà mặt vẫn nhăn như bị? Vậy vấn đề là tu tập để làm sao thực sự “ngộ”những chân lý ấy. Đọc sách Thiền, ta thích những mẩu chuyện “hoát nhiên đại ngộ” của người xưa. Nhưng với con người tầm thường như tôi, tôi tin ở quá trình “tiệm ngộ” hơn. Pháp môn LM là con đường dẫn dắt ta “ngộ” qua từng ngày.

Thực hành và Chuyển hóa:

Trong các bài giảng ở LM, Thầy hay dùng từ “chuyển hóa”. Với hình tượng hoa sen làm mẫu. Hoa sen có năng lực từ từ chuyển hóa bùn thành hương thơm và vẻ đẹp, không chỉ thụ động “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như ca dao nói. Ở LM, người ta không nói “đổ rác” mà “chuyển hóa rác”!

Và LM “sáng chế” ra những “kỹ thuật” rất hữu hiệu mà đơn giản để ta luyện tập “chuyển hóa” mỗi ngày. Tự chuyển hóa thông qua tập “chánh niệm” trong từng công việc, lúc ăn, lúc đi vệ sinh…, tập “thở vào, thở ra” – quán hơi thở để thân tâm hợp nhất trong giây phút hiện tại, tập “ngừng lại” khi nghe tiếng chuông để nhận biết giây phút hiện tại. Chuyển hóa lẫn nhau thông qua những pháp môn “làm mới”, “tưới hoa”, “ái ngữ”, “lắng nghe”…

Thoạt đầu, thấy cái gì đó như đơn giản, như công thức, như “trại hè thanh thiếu niên”! Rồi, chỉ sau 5, 7 ngày, ta ngỡ ngàng nghe lời tâm sự của những thiền sinh có đời sống thật khó khăn thấy sự thay đổi xảy ra trong lòng họ. Một chị người Pháp gốc Việt hôm mới đến vừa khóc vừa hỏi: “Thầy dạy hãy nghĩ rằng mình không đi một mình, lúc nào cũng có ông bà, cha mẹ mình đang cùng đi trong từng bước… Nhưng con KHÔNG MUỐN họ đi cùng với con, con hận họ!”. Mấy hôm sau, giữa đêm hội Vu Lan, chị đột ngột chạy ra bàn điện thoại, gọi về nhà. Ông bố sững sờ. Đã bao nhiêu năm ông không chờ đợi cú điện thoại của cô con gái bỏ nhà ra đi! Những chuyện “người thực việc thực” như thế ở LM có nhiều lắm. Chỉ cần dẫn một con số: sau khóa tu 5 ngày của 800 người Hòa Lan ở EIAB, có 200 người xin quy y, trong đó có nhiều tín đồ Công giáo, Do Thái giáo. Họ quy y vì thấy đạo Bụt mà Thay dẫn dắt họ vào là con đường hạnh phúc.

Còn riêng tôi, sau một tháng ở LM, tôi thấy mình học được nhiều hơn những gì mình học trong nhiều năm. Học từ đủ thứ xung quanh. Từ bước đi, từ nụ cười của Thầy (nhiều người nói đến sức mạnh “thân giáo” của “ông Thầy LM”), từ câu chuyện xử sự với chính quyền công an của một sư thầy, từ vẻ thành kính trên gương mặt chàng trai Tây phương khi bưng bát cơm lên niệm trước khi ăn… Nhất là từ các tăng ni tuổi con mình có phong thái đầy tình cảm mà thung dung, đĩnh đạc, đầy năng lượng tươi mát của “tâm ban đầu” (Xin cúi chào/ những người thầy rất trẻ/ của tôi… – những câu thơ ấy đã “vụt hiện” trong tôi giữa sân Xóm Trung, LM khi nghe các thiền sinh từ Bát Nhã hát về ngày mai đói nghèo tủi nhục /đang chờ mình dâng hiến bàn tay). Từ những con người bốn phương tụ họp với cùng một ý hướng tự tu, tự hoàn thiện. (Dịp khác tôi sẽ kể về những cái đẹp, cái lớn lao mình phát hiện được trong những anh những chị lặng lẽ, khiêm nhường hy sinh, chịu đựng, cống hiến suốt bao năm cho cộng đồng mà tôi có dịp gặp ở đây). Tôi hiểu thế nào là “sức mạnh tăng thân”, là “đi như một dòng sông”.

Nhưng có lẽ điều “chuyển hóa” quan trọng nhất là tôi đi đến xác quyết này: Ở tuổi 70, mình vẫn phải “tự chuyển hóa” để có được năng lực hạnh phúc. Vì tôi cũng như không ít người già thường biện minh cho sự bảo thủ của mình bằng câu “ngũ thập tri thiên mệnh”, hàm ý đến tuổi 50 là chẳng còn thể thay đổi gì nữa. Không, ở tuổi 70, mình vẫn có thể “tự chuyển hóa”, và có thể “tự chuyển hóa” từ những thực hành tu tập cụ thể nhất, đơn giản nhất mỗi ngày trong cả ba lĩnh vực thân – khẩu – ý.

Bụt – Chúa – Đng và Thơ:

Khi mới đến LM, vào chào Thầy, tôi hồn nhiên thưa: “Thưa Thầy, tôi không quy y, không là Phật tử”. Thầy mỉm cười: “Phật tử đâu ở cái tướng?”. Tôi lại nói: “Thưa Thầy, tôi tiếc là mình không được gặp Thầy sớm hơn, nếu không chắc tôi đã đi theo Thầy. Bây giờ thì muộn rồi, thôi chắc xin hẹn Thầy kiếp sau!” (trong một bài thơ viết trên sông Hằng, tôi chả có lời nguyện cho tôi chết giữa dòng đ hóa thân thành nhà thơ hay thin sư lang bạt đó sao?). Thầy mỉm cười, bảo: “Làm Thơ cũng Tu được mà!”.

Ở LM tôi được nghe rằng: Sau một khóa tu, một thiền sinh đang là bà xơ băn khoăn có nên cởi áo chùng đen con Chúa khoác áo tràng nâu con Bụt? Thay nói: “Chúa hay Bụt cũng là một, con vẫn làm bà xơ nhưng tu tập theo pháp môn LM”. Tôi cũng thấy ở LM, các sư cô được gọi trong tiếng Pháp tiếng Anh là “soeur”, “sister” không khác gì bên nhà thờ Công giáo. Trong nhà ăn Xóm Mới, trên kệ thờ giản dị có hình Chúa sát bên hình Bụt. Tôi bỗng ngộ ra ý nghĩa câu trả lời của Thầy 7 năm trước: “Không yêu Đảng không yêu nước thì quy y làm gì?”. Liên kết với ý niệm “tâm ban đầu” của Thầy khi nhắc nhở những người Cộng sản VN về một thời tuổi trẻ họ sống có lý tưởng cứu nước, tôi hiểu Thầy muốn siêu việt ý niệm “Đảng” lên khỏi tầm của một tổ chức chính trị cai trị hay thống trị.

Như thế, với tôi LM có lẽ không phải chuyện Tôn giáo, mà là chuyện Lý tưởng sống, chuyện Lối sống. Con người hiện đại quá kiêu hãnh đang tự hủy hoại chính mình và hủy hoại đồng loại, hủy hoại trái đất. Từ đó mà khổ đau chồng chất. LM cống hiến một lối sống dựa trên minh triết của Bụt để con người có được hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Câu cuối cùng Thầy cầm tay tôi nói lúc chia tay: “Hưng nhớ nhé, Thơ đi bằng hai chân: chánh niệm và hơi thở”. Lại một công án! Tôi sẽ phải giải công án này trong phần còn lại của đời mình.

No comments:

Post a Comment