Monday, October 23, 2023

Tâm Nhãn: Giáo Lý Không Phải Công Thức Toán Học Có Sẵn

 

“Bạn phải luôn ý thức về cảm xúc của mình – nếu bạn sợ hãi thì đó là điều tự nhiên nhưng đừng bao giờ để sự hoảng sợ xâm chiếm, nếu không bạn sẽ bị tê liệt.” Đó là lời phát biểu của bà Beatriz Flamini, 50 tuổi, vận động viên thể thao mạo hiểm của Tây Ban Nha đã trải qua 500 ngày sống một mình dưới hang sâu (Granada) 70 mét, hoàn toàn không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Theo hãng tin Tây Ban Nha EFE, trải nghiệm của bà đang được nghiên cứu bởi các nhà khoa học tại các trường đại học ở Granada và Almeria, cùng một bệnh viện chuyên về giấc ngủ có trụ sở tại Madrid. Mục đích của nghiên cứu là xác định tác động của sự cô lập xã hội và tình trạng mất phương hướng cực độ tạm thời đối với nhận thức của con người về thời gian, những thay đổi về tâm thần và nhận thức có thể xảy ra khi con người ở dưới lòng đất, cũng như tác động đến nhịp sinh học và giấc ngủ (bbc. com).

Thời gian đầu, khi mới đến đất khách quê người, tâm trạng của tôi bắt đầu nao núng, nhiều lúc muốn đầu hàng số phận, bởi ngôn ngữ bất đồng, nhiều thứ tự lực… Nỗi sợ của tôi lúc này là không sợ chết mà sợ tiếp xúc với người lạ, cảm giác như bị lạc vào một một hành tinh khác. Tôi nghĩ, đây cũng một phần tai hại của những tu sĩ sống quá lâu trong vành đai an toàn của nhà chùa bao bọc, mọi thứ xung quanh luôn được đàn-na thí chủ lo liệu, chưa bao giờ học pháp khổ, kiến thức giáo lý chỉ trên sách vở. Vấn đề tu học cần được thực chứng hay trải nghiệm, như trong luận Câu-xá có một thuật ngữ gọi là “khổ pháp trí” (duḥkhe dharmajñāna), tức trí tuệ phát sinh do quán chiếu, nhận thức, suy luận từ nỗi khổ của Dục giới. Đây là trí tuệ vô lậu (anāsrava-jñāna), đi từ tối sơ nhận thức tính chân thật của hiện thực khổ.

Nếu bạn chưa từng bị ai hại mình thì làm sao biết được thật sự mình có lòng từ bi tha thứ cho họ. Nếu bạn chưa đối diện với tử thần thì làm sao biết được mình xem cái chết nhẹ như lông hồng. Nếu bạn chưa từng cầm bạc vàng trong tay, rồi tập buông bỏ, thì làm sao học pháp: xem của cải là phù vân…

Như một độc giả nào đó, thưởng lãm trong tập thơ “Thiên lý độc hành” của thầy Tuệ Sỹ, đôi khi suy đoán, chắc thầy tâm hồn lai láng chữ nghĩa, đặt bút là thành thơ. Đâu biết rằng, suốt chặng đường thầy đi, trải qua đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Khánh Lê, gặp lúc mưa như thác đổ, nước tuôn mạnh theo hướng đổ đèo, thân già gầy guộc, thầy phải ngồi xuống, đi theo thế ngồi, tránh thế nước xô mình… Từ trải nghiệm pháp khổ, mới có chất liệu để phơi bày ra văn tự:
“Bóng tối sập, mưa rừng tuôn thác đổ
Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi
Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lên cát sỏi cùng trôi
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi”

“Chiêm ngưỡng thế giới, đối mặt với hiểm nguy, nhìn ra phía trước; tiến lại gần hơn, tìm thấy nhau và cảm nhận chúng. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống”. Đây là lời thoại trong bộ phim “The Secret Life of Walter Mitty”, Ben Stiller đạo diễn, Steve Conrad viết kịch bản, bộ phim ra mắt công chúng vào năm 2013. Tôi không bình gì về bộ phim này, chỉ thấy câu nói có ý nghĩa, tạm vay mượn làm kết luận và khâm phục những con người luôn tìm hiểm nguy đối thoại.

Mùng 8 tháng 9 năm Quý mão.
Tâm Nhãn

No comments:

Post a Comment