Showing posts with label Uyên Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Uyên Nguyên. Show all posts

Saturday, March 28, 2020

“I Have A Dream” – Giấc Mơ Tỉnh Thức

 “I Have A Dream” – Giấc Mơ Tỉnh Thức

Uyên NguyênTổng thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hai cô con gái Sasha và Malia và Marian Robinson tham quan Đài tưởng niệm quốc gia Martin Luther King Jr. trước lễ trao tặng tại Washington, DC, Chủ nhật, ngày 16 tháng 10 năm 2011 (Ảnh: Chuck Kennedy)

__________________
“I Have a Dream”*, chả là chẳng phải điều này vẫn là giấc mơ của Mỹ? Giúp người Mỹ luôn tỉnh thức?
Sự vĩ đại của một quốc gia kết tinh trên nền tảng văn hóa qua quá trình lịch sử phát triển từ ngày lập quốc cho đến một thời điểm nhất định hiện tại chứ không phải chỉ là một chế độ chính trị của một chính phủ hay một nhiệm kỳ tổng thống nào đó. Riêng với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, còn là một điểm kết tụ nhiều luồng văn hóa dị biệt. Cho nên tổng thống Donald Trump nói “Make America Great Again”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực là khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước vốn đã được tiền nhân kiến tạo đang mai một, sói mòn. Và nói như thế là kích động công dân ủng hộ ông, cùng bắt tay nhau tạo nên cái sự vĩ đại theo cách nhìn, cách nghĩ của ông và những người ủng hộ. Điều đó dễ hiểu thôi. Như Việt Nam ngày nay, nếu có ai có thể làm được điều này: “Make Việt Nam Great Again,” hẳn nhiên sẽ được nhiều người ủng hộ nhưng, đồng thời chúng ta cũng phải công nhận một điểm chung rằng, cũng sẽ có người chống. Vậy thì việc chê bai hay chống các chính sách của Trump, chỉ trích tổng thống Trump v.v… là chuyện bình thường. Bình thường hơn nữa là khi ông phê phán những chính sách, những vị tổng thống tiền nhiệm, hiện tượng này đâu phải chưa có tiền lệ. Bởi phải thấy cái gì đó mà mình tin rằng mình làm hay hơn, thì lẽ tất ông mới mạnh dạn ra ứng cử để thay đổi, để đưa ra những ý tưởng chính sách mới mẽ của mình. Thất bại là một chuyện khác, và sau nữa.
Cứ để ông ấy làm xong vai trò tổng thống của ông với số phiếu ông từng có được, đó là trách nhiệm của ông. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao chứng minh lá phiếu của mình có giá trị. Giá trị ở đây bao gồm “yes”, hay “no” cho vị tổng thống này. Và trên hết, kết quả của nó, thái độ cộng tác của mỗi công dân Hoa Kỳ sau kỳ bầu cử là sự thể hiện trách nhiệm. Trách nhiệm đó trước hết là lời nói, rồi đến hành động trong mối tương quan cộng đồng mình đang chung sống. Việc lên tiếng minh bạch những chính sách đúng hoặc sai của quốc gia, đứng đầu là tổng thống cũng là một trong muôn một trách nhiệm công dân. Cuộc sống luôn có tám ngọn gió lớn, được – mất; danh thơm – tiếng xấu; ca tụng – khiển trách; hạnh phúc và đau khổ. Tất cả như những cặp đôi hoàn hảo mà không ai không từng trải qua.
“Nước Mỹ không vĩ đại như chúng ta tưởng”, thật ra ý này thì không chỉ nghe được gần đây. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott, cựu Thống đốc bang Florida, trong một bài viết “Chúng ta cần chiến đấu cho những giá trị đã làm nước Mỹ vĩ đại”, đăng trên tờ Washington Examiner hôm 28 tháng Mười, 2019. Sau khi liệt kê một số đề mục theo ông là chính đáng cho chính sách quốc gia, cuối bài ông nói: “nếu quả được như vậy, thì ‘đó là điều tuyệt vời, nước Mỹ đã trở lại’” (If so, I will smile and say “that’s great, America is back.”). Chúng ta hẳn nhiên hiểu điều “trở lại” ông vừa nói. Có khác gì ý niệm “great again”
Kim Bellard, một nhà tư vấn độc lập có nhiều kinh nghiệm trong ngành chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm, trong một bài phân tích “America the Not-So-Great”, viết trên Tincture, nói rằng: “Hầu hết người Mỹ – bao gồm cả bản thân tôi – nghĩ rằng chúng ta sống ở đất nước vĩ đại nhất trên trái đất. Rốt cuộc, chúng ta có nền kinh tế lớn nhất, quân đội hùng mạnh nhất, văn hóa đại chúng phổ biến nhất, và dĩ nhiên là Giấc mơ Mỹ. Chúng tôi đã có Phố Wall và Thung lũng Silicon, Walmart và Amazon, Hollywood và Nashville. Chúng tôi có – tốt, chúng tôi đã từng có – thành phố lớn nhất, tòa nhà cao nhất và sản lượng sản xuất lớn nhất. Nhưng khi nói đến một số điều cơ bản, chúng tôi không làm tốt lắm… Chúng ta nên làm tốt hơn và rằng… nếu chúng ta thực sự yêu đất nước của chúng ta, chúng ta cần đòi hỏi hỏi mọi quyền lợi nhiều hơn cho đất nước, và cho cả bản thân chúng ta nữa”.
Most Americans — myself included — think we live in the greatest country on earth. After all, we have the biggest economy, the most powerful military, the most pervasive popular culture, and, of course, the American Dream. We’ve got Wall Street and Silicon Valley, Walmart and Amazon, Hollywood and Nashville. We have — well, we used to have — the biggest city, the tallest building, and the largest manufacturing output. But when it comes to some of the basics, we’re not doing so well.
Từ những phân tích của Kim Bellard, cũng không khác những điều ta thán của bao nhiêu công dân Hoa Kỳ trong một xã hội còn có nhiều sự bất cập và cái nhìn của ông cũng không ngoài ý nghĩ cần làm một cái gì đó để đất nước này được khá hơn. Nói “làm cho khá hơn”, từ lăng kính của một công dân như Kim Bellard chứ không nói là “vĩ đại” như cách của những nhà chính trị gia.
Cách đây không lâu, 2018, Cộng đồng người Việt trước nguồn tin Tổng thống Trump muốn trục xuất người Việt tỵ nạn chiến tranh khỏi Hoa Kỳ, điều này từng gây ra phẫn nộ và qua đó, vượt xa giới hạn không chỉ là bày tỏ niềm thất vọng, không ít những lời cáo buộc nặng nề như là “vô nhân đạo”“bắt tay nồng thắm với CSVN” v.v… từ những nhân vật tiếng tăm và uý tín của cộng đồng.
Riêng năm ngoái trên tờ Boston Herlad, nhà báo Jeff Robbins đã có bài phân tích, đúng hơn là những lời chỉ trích, mỉa mai về những chính sách của chính phủ với tựa đề chỉ đích danh tổng thống Trump, “President makes America look not so great.” Và Jeff Robbins đã viết hàng loạt bài báo với nội dung, tinh thần tương tự như vậy chứ không chỉ là một.
Cũng cùng năm ngoái, quanh sự kiện này, Tờ Newyork Times làm một chuyên mục lấy ý kiến độc giả, với cái tiêu đề thật ấn tượng “Please Stop Telling Me America Is Great”. Đây không phải là chuyện giựt tít mà là một đề tài nghiêm túc để mọi tầng lớp công dân có thể đóng góp quan điểm của mình. Và không chỉ riêng tờ báo này mà nhiều cơ quan truyền thông báo chí quốc tế uy tín cũng dành nhiều thời giờ và giấy mực để bình luận và phân tích. Thậm chí còn chỉ ra thời điểm nào được cho là nước Mỹ không còn vĩ đại như xưa. (The time when America stopped being great, BBC)
Vậy thì vấn đề ở chỗ từ “cuộc nổi loạn chính trị” của Donald Trump, với khẩu hiệu “Make American Great Again”, hoặc ở một chỗ khác, lúc khác ông nói đầy đủ hơn “Together we will make America great again”, tự nó đã là một đòn tâm lý đánh trúng vào lòng mong mỏi vô bờ của con người. Những quyền lợi mà chúng ta “expect-deman” như phân tích của Kim Bellard luôn luôn là một nhu cầu, lợi ích không của người này thì cũng của người khác ở một xã hội mà thực tế có sự chênh lệch giàu nghèo.
Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là, sự đòi hỏi nhu cầu quyền lợi của bất kỳ cá nhân nào phải luôn luôn đi kèm với quyền lợi phát triển chung của xã hội, đất nước. Vì vậy một quốc gia vĩ đại hay không, hiểu một cách phổ quát nó là trách nhiệm của một cộng đồng chung sống cùng tạo nên và vì vậy, tại sao khẩu hiệu “Make American Great Again” có vẻ xuôi tai nhiều người, ở mọi thời. Từ đó luôn có những phản ứng phụ qua những cuộc biểu tình, những lời chỉ trích, phê phán ở tầm lớn có và nhỏ cũng có đối với những chính sách của quốc gia. Đó cũng chỉ là chuyện bình thường. Ở đây liệu chúng ta có cần tranh cãi về khái niệm tự do nói chung của mọi thứ tự do trong bản Hiến Pháp, bởi nó luôn luôn tạo ra hai hiệu ứng cùng lúc mà bất cứ ai cũng phải chịu chung sự vận hành của nó. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng không ngoài và những người phát biểu quanh những sự kiện liên quan ông cũng không ngoài, một khi chấp nhận vào cuộc tranh cãi, tranh luận. Ở đây chính văn hóa và tinh thần tranh cãi, tranh luận như thế nào mới là điều đáng được tôn trọng, nó đồng thời cũng chính là một trong những yếu tính kiến tạo sự vĩ đại của một quốc gia dân tộc mà chúng ta đang đề cập.
Tôi thích lời kết của một bài báo trên VOA (02/06/2015), của một bạn đọc nhận định về “Nước Mỹ Vĩ Đại”: “Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.”
Bằng một cái nhìn tổng quát, xuyên suốt, ở đây chúng ta hiểu nội hàm, hay thước đo cho tính vĩ đại trong trường hợp này, lại luôn luôn đi kèm với câu hỏi lừng danh như một chân lý: “Ask Not What Your Country Can Do For You – Ask What You Can Do For Your Country.” (John F. Kennedy’s, January 20, 1961).
Giữa trận cuồng dịch hiện nay, rất dễ để nhìn ra đâu là nghĩa cử vĩ đại của mỗi công dân Hoa Kỳ và đất nước Hoa Kỳ, từ những việc rất nhỏ bé và tầm thường.
Cái tâm lý cầu tiến để đạt được và muốn có hơn là chuyện dễ hiểu. Mà cầu tiến cho một quốc gia thì đó chẳng phải là một đức tính tốt hay sao? Hơn là cái kiểu tuyên truyền trịch thượng kiểu như là “Hồ chí minh vĩ đại” mà ta vẫn nghe ra rả loa phường ở một đất nước càng ngày càng có nhiều vấn nạn bế tắc, vì nơi đó tôn sùng chính quyền, đảng và thần tượng lãnh đạo hơn cả quốc gia của mình. “Việt Nam Muôn Năm”, câu khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng, tuy ai cũng muốn như vậy thật, nhưng muôn năm như thế nào thì đó là điều cần suy nghĩ.
Và, hình như không phải là nhiệm vụ một vai hai gánh mà đau đáu vẫn có một niềm ao ước tha thiết, thường trực khác nữa của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước, đó là “Make Viet Nam Great Again”.
Mặc Cốc 28 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
_________________________________________________
* “Tôi có một giấc mơ” (“I Have a Dream“) là bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.

Thursday, March 26, 2020

Tiễn anh Nguyễn Đức Quang là, ‘một nụ cười không tươi!”

 Tiễn anh Nguyễn Đức Quang là, "một nụ cười không tươi!"

Uyên Nguyên

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (1944 – 2011, cùng với Đinh Gia Lập là người sáng lập Phong trào Du ca) ca diễn tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức. nguồn nhipcauthegioi.hu
Hôm nay cười vang tiễn Anh là,
“nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi”
 
Từ ngày anh Ngô Mạnh Thu mất đi, thì tôi không còn dịp đến nhà anh Nguyễn Đức Quang nữa. Ngôi nhà ngày ấy cũ, nằm im lìm trên mấy trăm thước sân vuông đối diện một ngôi trường trung tiểu học, mỗi ngày nghe rộn tiếng reo hò của đám học sinh lũ lượt tựu tan. Bấy giờ, ngôi nhà ấy chưa xây cất khang trang như những năm sau này.
Nghĩa là từ lâu lắm, tôi không còn dịp ngồi bên Anh để được nghe kể lại, được chia sẻ những mẩu chuyện xưa, nay của tuổi trẻ đất nước, trước sau như niềm thổn thức đeo đẳng một dân tộc trót mang thân phận của NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂUnghe xung quanh nghiêng ngã cợt cười, vậy mà vẫn ngạo nghễ, vẫn kiêu hùng, vùng lên “DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI”. Mặt trời rực rỡ màu máu xương đã chảy thành dòng, hằn đục lòng sông của nòi giống Tiên Rồng trải dài trên dòng sử lịch bi tráng:
Máu ta từ Thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức khôn nguôi…
(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ, 1966)
Rồi sau những năm dài, vẫn nghe đâu đó tin Anh, phân thân đeo đuổi nhiều hoạt động thanh niên xã hội trong nước, rồi trở lại Hoa Kỳ, tiếng hát Anh những ngày gần đây lại dậy vang những buổi trình diễn cộng đồng, ở phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Viện Việt Học v.v…
Rồi vài bận gặp lại Anh ở tòa soạn, Anh đa đoan với những sáng tác mới và lịch sinh hoạt trình diễn văn nghệ, những chương trình phỏng vấn, giới thiệu, nên Anh em chỉ nhìn nhau cười, chào và im lặng, sự im lặng thầm hiểu là: hãy cứ dâng cao, tràn lên như một dòng sông, miên man chảy như tiếng nhạc trầm bổng. Trong thế giới hoạt động thanh niên, nhạc là sức sống chuyên chở tuổi trẻ trổ ra biển lớn. Điều đó khẳng định trong dòng nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang!
Sóng Việt về, sóng Việt về
Trôi từ lẻ loi non cao xa xôi, trôi mãi
Trôi từ lạch kinh trôi ra sông con
Rồi từ sông con trôi đi xa hơn
về tới bể khơi.
Sóng trôi trên Bạch Đằng
Sóng reo trên Nhị Hà
Trôi bao giấc mộng cuồng xâm của ngoại bang
Triều dâng sóng Việt trôi đi điêu tàn…
(SÓNG VIỆT, 1965)
Lời nhạc Nguyễn Đức Quang không chỉ để “xoay một vòng hát chơi”, mà thúc dục tuổi trẻ mạnh mẽ lên đường, như Cha Ông một ngày xa xăm bàn chân đau nhức gông xiềng, mà vẫn hiên ngang, ngạo nghễ, như sóng tràn tới:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

Ta khua xích kêu vang dạy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.
(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ , 1966)
Lời du ca của nhạc Nguyễn Đức Quang, vừa cất lên thành tiếng đã “VỖ CÁNH CHIM BAY” trên bầu trời lộng, từng nhịp điệu như nước sông tràn tới chực vỡ bờ, mà âm ba thì mở rộng thênh thang một nẻo về nguồn cội:
Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sau gặp nhau do non nước xây cầu.
Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng tiếng reo vui rộn trong lòng.
Cùng đi lay Trường Sơn cùng đi xoay Hoành sơn cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa lướt ngàn nước sông nhà ta đắp bồi cho mẹ cha.
(VỀ VỚI MẸ CHA, 1965)
Trong tình tự của cội nguồn không phai dấu theo thời gian và không gian, nhạc Nguyễn Đức Quang vẫn cứ vang bay trùm lấp lên tuổi trẻ Việt Nam khắp mọi nẻo đường quê hương, khởi đi từ những thập niên 60 và đoan chắc, vẫn ‘NHƯ MÂY TRÊN CAO”, lừng lững bay suốt trên bầu trời Âm nhạc Việt Nam qua mọi thời đại, khi con tim Việt Nam vẫn còn thao thức lay nhịp, để nhắc tuổi trẻ rằng:
“Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.”(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ, 1966)
Tuổi trẻ trong và ngoài nước, mấy ai không có lần được nghe hay chính mình, một lúc rất tự nhiên đã nghêu ngao hát lời của ca khúc này. Và chỉ cần tiếp tục hát, truyền cho nhau tiếng hát hôm nay, hòa chung đôi tay vỗ đều nhịp anh em như cách giữ sáng cho NIỀM HY VỌNG VƯƠN LÊN, thì tôi chắc một ngày Việt Nam như nỗi lòng thao thức và trông đợi của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, sẽ vươn vai thẳng dậy trước mặt nhân gian, kiêu hùng “DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI.”
Lịch sử đất nước đã minh chứng vai trò của những Phong trào Thanh niên trong mọi thời quật cường của dân tộc, mà vì vậy Phong Trào Du Ca Việt Nam từ khoảng giữa thập niên 60 trở đi, có những trang thanh niên xốc xáo lên đường VỀ MIỀN GIAN NAN với tâm nguyện TỪ NAY GÁNH VÁC; và bằng thành tựu cho ra đời hàng ngàn ca khúc chuyên chỡ tính nhân bản xoa dịu vết thương chiến tranh ở thời cuộc phân chia đôi bờ Nam – Bắc, đã khẳng định vai trò tất yếu của mình trong dòng lịch sử tranh đấu hào hùng và xây dựng quê hương. Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vì vậy, đã thành Sử Việt.
Thương quý, kính tiễn Anh,
Nhạc sĩ Đầu Đàn Du Ca Việt Nam Nguyễn Đức Quang
Hạ tuần tháng 3, 2011
Uyên Nguyên
* Những chữ viết hoa và nghiêng là bài tựa, hay ca từ của nhạc Nguyễn Đức Quang
Chú thích ảnh: Sóng tràn, Uyên Nguyên chụp ở bãi biển Santa Monica, California

Tuesday, March 24, 2020

Cám Ơn Cụ Bùi Diễm… So Great!

Cám Ơn Cụ Bùi Diễm… So Great!

Uyên Nguyên

    Cụ Bùi Diễm (Ảnh: Uyên Nguyên)
Một lần khi Cụ Bùi Diễm về Cali, nhân đó anh Đinh Quát có ý định làm một loạt tư liệu “lịch sử truyền khẩu” (oral history). Cụ bảo cụ lớn tuổi rồi, viết chậm. Nên cách này có lẽ là hay nhất để lưu trữ tư liệu “Lịch Sử Việt Nam”. Tôi là một trong mấy anh em được anh Thái giao việc bấm máy trong studio. Buổi đó lợi dụng cơ hội gặp Cụ, nhân lúc nghỉ giải lao hoặc cuối giờ, tôi có hỏi mấy việc liên quan phong trào và những nhân vật liên hệ phong trào đấu tranh Phật Giáo ở Pháp.
Trở lại vấn đề Hoa Kỳ, ngoài những tình tiết liên quan Hiệp Định Gernever mà có lẽ Cụ là người am tường nhiều hơn hẳn, tôi cũng có dịp tranh thủ hỏi Cụ. Bởi đơn giản tôi cũng từng có những lúc bâng khuâng, như cách nhà thơ Vi Khuê bộc bạch:
“Con lớn lên vô cùng bở ngỡ
trước những điều tư lự của Cha Ông.”
Cái cách mà người lớn hay ví von “Khi đồng minh tháo chạy”, rồi có lúc “Khi đồng minh nhảy vào”. Hay nói một cách khác rằng chính phủ Mỹ đã từng bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã từng quay lưng với quân đội VNCH v.v… Tất nhiên ai nói thì tôi không cần phải dẫn chứng ở đây vì nếu chịu khó tìm hiểu và tìm hiểu một cách khách quan, cặn kẽ ắt sẽ có câu trả lời. Vậy thì khi nói như vậy, chẳng khác nào mình nói “nước Mỹ không vĩ đại”. Mình nói được, sao người khác nói không được?
Ở đây sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, ngay cả công dân Hoa Kỳ còn chê tổng thống của họ, vẫn chưa vừa ý về “tính vĩ đại” của đất nước mình. Chính ở yếu tố này mà ứng cử viên tổng thống ngày nào, Donald Trump, mới giương khẩu hiệu “Make America great again!”
Ổng chê nước Mỹ không còn vĩ đại và vỗ ngực xưng tên sẽ làm cho nó vĩ đại trở lại được, sao người khác nói không được?
Cụ Bùi Diễm, một lần họp mặt tại nhà bác Ngô Nhân Dụng
ở Miền Nam California, có cả Cụ Trần Đĩnh
 (Ảnh: Uyên Nguyên)
Vậy thì, đúng là nước Mỹ (đang) không có vĩ đại, không có “great” chút nào cho nên ông Trump nói như vậy. Mà rồi ổng nói được, lại vẫn có người thích, có người không. Thậm chí có người chửi không ra làm sao nhưng chẳng ai bị đàn áp khủng bố như nhân dân Việt Nam chê Đảng và chê lãnh tụ nhà nước CSVN đâu? Cho nên cái không vĩ đại với người này thì nó lại vĩ đại với người khác. Cái vĩ đại của Vạn Lý Trường Thành mà vua Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa dựng lên bằng bao xương máu của bá tánh thì không thể so sánh cái vĩ đại của Chùa Một Cột ngoài Bắc Việt tuy “nhỏ như cái chuồng câu”*.
Tóm lại nếu bây giờ mà đi hỏi ông Trump, có người phê phán ông nước Mỹ của ông không có vĩ đại, ông nghĩ sao? Chắc cũng chẳng có gì mới ngoài câu: Make America Great, hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại.
Ít ra, đừng làm cho nó hẹp lượng hơn!
Hổng chừng ổng lại nói cám ơn quý vị, vì có người đồng cảm với ông, rằng nước Mỹ tự nó có vĩ đại đâu. Vĩ đại là ở cách đối đãi, xử sự của mọi người với nhau.
Nước Mỹ vĩ đại là ở chỗ đó.
Cho nên tui thích cách trả lời rất kinh nghiệm từng trải của Cụ Bùi Diễm. Không chấp trước. Có lẽ Cụ từng trải với chính sự Thế Giới, Hoa Kỳ và cả Cộng Đồng Người Việt.
*
Thưa Cụ, Cụ nghĩ sao về Chính Phủ Mỹ đối với Việt Nam?
“Nước Mỹ là một đất nước RẤT NHÂN ĐẠO, nhưng đồng thời là một đất nước ĐẶT QUYỀN LỢI QUỐC GIA LÊN HÀNG ĐẦU!”
Great! Cám ơn Cụ Bùi Diễm.
Mặc Cốc, 24 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên

Sunday, March 22, 2020

Phù sa tuy có lở bồi, Sông Lam nào có chia phôi chúng mình?

Phù sa tuy có lở bồi, Sông Lam nào có chia phôi chúng mình?

Quảng Pháp - Trần Minh Triết
Ảnh minh họa: Uyên Nguyên
Mùa dịch cúm, đi đâu cũng nghe người ta kháo nhau “cách ly” (quanrantine) hoặc “giữ khoảng cách tiếp xúc” (Social Distancing)… Kỳ thật nhân loại tuy bước vào thế kỷ toàn cầu hóa vẫn có những khoảng cách rõ rệt hoặc vô hình, và nghịch lý là, chính những kỹ nghệ lẫn công nghệ  “social” (media) được chúng ta sử dụng đã góp một phần không nhỏ vào việc “social distancing” giữa xã hội, gia đình, không phải cho đến bây giờ, khi mà virus Covid-19 xuất hiện.
Đành rằng “giữ cho nhau một khoảng cách”, ở mỗi giai đoạn và mỗi hoàn cảnh có một ý nghĩa nhất định, nhưng khoảng cách mà chúng ta đã, đang giữ và không biết đến bao giờ là một khoảng cách chia bôi đầy buồn tủi. Lịch sử quê nhà cách ly là một dòng sông chảy dài chia đôi hai bờ sông Gianh, xuôi về Bến Hải rồi lạc trôi ra đại dương phương ngoại…
Trên kệ sách Mặc Cốc (Ảnh: Uyên Nguyên)
Sáng nay đọc nhiều tin nhắn của anh chị em, nhắc nhớ ngày Giỗ của Anh Hựu. Lại nghĩ cái nghĩa cách ly sinh tử vốn luôn sẵn chờ của kiếp phù hư thì mọi thứ, mọi việc lại trở nên nhẹ nhõm đi. Cách ly như thế, lại chẳng hơn gần như tình trạng của chúng ta bây giờ. Gần mà khoảng cách chao ôi là buồn!
Vài ngày trước, Nguyên Túc cho xem một tấm ảnh kỷ niệm thật dễ thương, buổi đó Nguyên Túc và Sư Huynh Phổ Hòa (tức Anh Tuân) ngồi vào một bàn cờ tướng. Ván cờ có phân tranh thắng bại không? Hay chỉ cốt huân tập cho nhau đức tính nhẫn nại và thận trọng. Tôi nhớ nhiều lần vì sốt ruột những việc làm khiến mình không ưng của anh này, chị kia…, tôi đem phàn nàn với Anh Hựu. Anh nói “cái gì còn nóng thì đừng thọc tay vào”, hoặc giả “ừ thì sửa từ từ…”. Nhiều lúc sửa chưa được, không được thì anh cũng… khóc! Vì Anh bình thường như bao người khác. Như Anh từng nhắn nhủ, cái thời Anh còn ngồi ghế quan tòa, hẳn cũng có lúc phạm sai lầm khi phán xét. Bởi tính tương đối, tương sinh quan. Bởi luật tính cũng là tình; và bởi sự đời vốn ảo hóa khôn lường, nghiệp vận xoay tròn không chừa một ai. Đúng ở chỗ này, với người này chưa hẳn đã tốt cho chỗ kia, người khác. Cái sự đợi luôn luôn đối nghịch nhưng lại là cặp đôi hình, bóng. Cho nên sự chia lìa là điều không thể tránh nếu mà mỗi chúng ta không nhận thấy sự “có mặt cho nhau” mà thôi, có mặt ngay cả khi mà mình đang gồng chịu một khoảng cách ly bấy bao.
Nguyên Túc và Sư Huynh Phổ Hòa đánh cờ tướng tại chùa Phổ Từ, 11 năm trước (Ảnh: Nguyên Túc Nguyễn Sung)
Lần đó tôi hỏi anh Tuân, sau đại hội toàn quốc 2004, sao Anh không về một phía cùng anh Hựu, mà một Anh thì về phía BHD “Anh Mai”, một bên ở lại BHD “Anh Tín”. Anh cười! Nụ cười trắc ẩn!
Người lớn, được gọi là Cả, vì do cái tâm lượng cả bao dung như thế! Như Mẹ Tiên đem con xuống biển là cho con thể nhập vào cái thế giới bao la đại dương tình thương; như Cha Rồng về núi là đem con lên đỉnh Thái Sơn cao để thấy cái tự tánh từ bi nhân gian muôn nhà là một. Chia để học bài học huyết thống và ý thức về nguồn.
Hôm nay Giỗ anh Hựu, nhiều bài học Anh nhắn nhủ cho đàn em vẫn còn là những đề án phật sự dang dở. Nhớ Anh, chi bằng cố gắng thực hiện cho hoàn thành.
Mùa dịch cúm đang hoành hành, những cách ly đắp bồi thêm đôi bờ của một dòng sông mang tên hiền hòa: “Sông Lam”. Nhưng lần cách ly này, phải chăng đang thắp “sáng lên tình thương” cho nhau. Hãy biến sự cách ly thương ghét hôm qua nếu có, thành sự cách ly trong  ý nghĩa “giữ đời cho nhau” như bây giờ.
Phù sa tuy có lở bồi, nhưng dòng sông nào có chia phôi chúng mình. Sông Lam vẫn chảy xuôi dòng từ thương nguồn huyết thống thương yêu, hãy cùng nhau về tắm gội một màu trăng dọi Từ quang.
Mặc Cốc, 22 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)

Friday, March 20, 2020

Uyên Nguyên – Mộng của ban đầu như lá trút…

IMG_5918

Đi về trong thế kỷ sau
Nhìn trong mắt thấy đời đau trong mình
(Bùi Giáng)

1969230_777713242275355_849148166270715314_nTa thấy em về xanh lá biếc, thành thị điêu tàn khóc hồng hoang. Ta thấy em về trưa nắng lóa, mắt nhòa ánh lửa phất phơ bay. Ta thấy em về xanh tiếng hát, từng chiếc lá bay tựa gót hài, mỗi chiếc lá rơi hình giọt lệ, mỗi chiếc lá nhọn hình dao đâm. Ta thấy em là lá xanh dâu, chiều nay gió tắt ở phương nào, mộng của ban đầu như lá trút, kỷ niệm là màu Lá Hoa Cồn.
16, tháng Sáu, 2013
UYÊN NGUYÊN
Lời dẫn: Sáng nay, ngày đầu xuân, đọc áng văn hay của bạn, ngắt thành dòng để  văn/thơ bay theo mùa dịch, như là gieo hạt từ tâm.
Mộng của ban đầu như lá trút…
Ta thấy em 
về xanh lá biếc, 
thành thị điêu tàn khóc hồng hoang. 
Ta thấy em về trưa nắng lóa, 
mắt nhòa 
ánh lửa phất phơ bay. 
Ta thấy em về xanh tiếng hát, 
từng chiếc lá bay tựa gót hài, 
mỗi chiếc lá rơi 
hình giọt lệ, 
mỗi chiếc lá 
nhọn hình dao đâm. 
Ta thấy em 
là lá xanh dâu, 
chiều nay gió tắt ở phương nào, 
mộng của ban đầu 
như lá trút, 
kỷ niệm là màu Lá Hoa Cồn.

Monday, February 3, 2020

Aida Mitsuo và những vần thơ thức tỉnh mộng đời

Thư Pháp: Uyên Nguyên

Hoàng Long: Aida Mitsuo và những vần thơ thức tỉnh mộng đời



Nếu xem thơ ca như là một cái cây bám rễ sâu vào lòng đất thì những nhà thơ với nhiều cách tân sáng tạo là những cành lá không ngừng đâm chồi làm cho cây vươn cao mạnh mẽ qua hàng ngàn năm. Cây haiku và tanka mọc lên từ nền đất văn hóa bản địa Nhật Bản với suối nguồn Phật giáo, không ngừng được vun bồi bằng những yếu tố hiện đại với những làn gió Tây phương để phát triển thêm những cành xanh mới, lá mới và hoa mới trong khu vườn Đông phương trầm mặc. Một trong những dòng thơ tiêu biểu đó là Aida Mitsuo (相田みつを), thi nhân và thư pháp gia lỗi lạc thời hiện đại, người được xưng tụng là “nhà thơ của sinh mệnh” (いのちの詩人).
Aida Mitsuo sinh ngày 20 tháng 5 năm 1924 tại Tochigi, một tỉnh nằm gần như chính giữa đảo Honshu, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Ashikaga, ông bắt đầu quan tâm đến thơ ca, thư pháp và đã thụ giáo với Yamashita Mustu và Iwasawa Keiseki. Aida Mitsuo đã phát triển một dòng thơ độc sáng của riêng mình với tinh thần Thiền Tông. Thơ và thư pháp của ông gần như là những câu Thiền cú, thiền ngữ giúp người đọc thức tỉnh cơn mê lầm giữa dòng đời vội vã. Tác phẩm đầu tiên của ông “Bởi vì chúng ta là con người” (Ningen damono にんげんだもの) xuất bản năm 1984 đến nay đã bán được hơn bốn triệu bản. Ngoài ra ông còn để lại những tác phẩm “Mang ơn” (Okagesanおかげさん) và “Sinh mệnh toàn mãn” (Inochi ippai命いっぱい). Ông mất năm 1991 tại tỉnh Tochigi vì xuất huyết não. Bảo tàng Aida Mitsuo đã được thành lập tại Tokyo để vinh danh ông cũng như để trưng bày các tác phẩm thư pháp và thơ ca. Aida Kazuto, con trai đầu của ông hiện là giám đốc của bảo tàng này.
Chân dung thi nhân, thư pháp gia Aida Mitsuo
Ta hãy bắt đầu hành trình thơ ca của Aida Mitsuo bằng bài thơ “Sinh mệnh”:
いのち
アノネ
にんげんはねえ
自分の意志で
この世に生まれて
きたわけじゃねんだな
だからね
自分の意志で
勝手に死んでは
いけねんだよ
Sinh mệnh
Này bạn hỡi
Con người sinh ra giữa trần gian
Không phải do ý chí của mình riêng mang
Vì thế
Không bao giờ ta có thể
Dùng ý chí cá nhânTùy tiện chấm dứt sinh mệnh của mình[1]
Muốn sống hạnh phúc điều đầu tiên ta phải biết trân quý sinh mệnh của mình. Ta phải hiểu rằng có rất nhiều cơ duyên ta mới có thể được hiện diện nơi trần gian này. Theo như Aida, ta được sinh ra vì có việc gì đó ta nhất định phải làm. Đó là nhiệm vụ cũng chính là ý nghĩa cuộc sống.
私がこの世に生まれてきたのは
私でなければできない仕事が
何かひとつこの世にあるからなのだ
Tôi được sinh ra trên trần gian
Là vì trên cuộc thế
Có việc gì đó mà chỉ riêng tôi mới có thể hoàn thành
Muốn vậy ta cần phải dũng cảm để trở thành chính mình, chứ không phải trở thành con người mà xã hội hay người khác mong muốn ta trở thành. Sống trái bản tính của mình là điều phi lý. Nó không bao giờ mang lại cho ta được hạnh phúc và thành công.
トマトにねえ
いくら肥料をやったってさ
メロンにはならねんだなあ
Cho dù bao nhiêu phân bón, khoai tây cũng không thể trở thành dưa gang.
Và:
自分が自分にならないでだれが自分になる
Nếu ta không trở thành chính mình
Thì ai sẽ trở thành chính mình đây?
Thủ bút bài thơ của Aida Mitsuo
Nơi chính bản thân mình đã đầy đủ tất cả, không cần phải tìm kiếm xa xăm hay vọng tưởng làm gì.
そのままでいいかな
Cứ như vậy là được rồi
Bài thơ đơn giản này thực ra cũng chính là điều bao nhiêu thi nhân nhắn nhủ. Như Tagore đã từng nói “em thế nào thì cứ thế mà đến, chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”.
Trong quá trình vươn lên, trở thành con người như mình mong muốn, việc thất bại là một phần cuộc sống, một nấc thang cho sự trưởng thành. Theo Aida Mitsuo thì đó cũng chính là một phần của bản tính con người.
つまづいたっていいじゃないか。にんげんだもの
Vấp ngã thì đã sao? Chúng ta đều là con người cả.
Ngoài ra đôi khi ta phải chấp nhận hoàn cảnh, những điều không thể thay đổi vì vũ trụ nhân sinh luôn lớn hơn bản thân mình.
雨の日には雨の中を
風の日には風の中を
Vào những ngày mưa gió, ta đi về trong gió mưa
Câu này sao nghe xa xăm đồng vọng với Taneda Santoka:
山あれば山を観る雨の日は雨を聴く
Có núi thì ngắm núi ngày mưa thì nghe mưa.
Hoàn cảnh nào cũng có nét thi vị riêng của nó, tạo thành những cung bậc và cảm xúc cuộc đời. Tất cả đều là chất liệu làm nên chính ta.
あのときの
あの苦しみも
あのときの
あの悲しみも
みんな肥料になったんだなあ
自分が自分になるための
Tất cả những nỗi buồn đau khi ấy
Đều là chất liệu
Để trở thành tôi của ngày hôm nay
Vì thế chúng ta phải nhìn sâu vào chính bản thân mình thay vì ngước nhìn ra ngoại giới, để hiểu mình biết mình thì mới có thể trở thành chính mình được. Đừng bị lừa bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài. Điều quan trọng nhất luôn nằm ẩn giấu, khuất sâu. Như một câu Thiền ngữ nổi tiếng “dĩ tâm truyền tâm” (ishindenshin 以心伝心), chân lý không thể thấy được bằng mắt, không thể truyền đạt bằng lời mà phải cảm nhận bằng tâm trong cõi tịch lặng.
花を支える枝
枝を支える幹
幹を支える根
根は見えねんだあ
Cành nâng hoa, thân đỡ cành, rễ nâng cây, nhưng không ai nhìn thấy rễ. 
Hơn một lần Aida Mitsuo nhắc lại điều quan trọng căn cơ và cốt tủy rằng “mộng càng lớn rễ càng sâu” (Yume wa dekkaku ne wafukaku夢はでっかく根はふかく) để nhấn mạnh đến sự chú tâm vào những điều quan trọng sâu xa ẩn kín và tập trung tu dưỡng thân tâm.  Mượn hình ảnh của cây cao để nói về mộng lớn. Cây muốn vươn cao lên trời xanh bao nhiêu thì rễ phải cắm sâu vào lòng đất đen bấy nhiêu. Rễ càng sâu thì cành càng vững, hoa nở càng lâu càng bền. Muốn nở bừng đóa hoa sinh mệnh thì ta phải tập trung vào điểu cốt tủy là rễ cây chứ không phải tập trung vào chính những đóa hoa. Cái điều tưởng như đơn giản này vậy mà ít người nhận thấy để cứ suốt đời đuổi theo mộng ảo phù du, ngắm hoa của kẻ khác. Và có lẽ sứ mệnh của thi ca là làm thức tỉnh những điều hiển nhiên mà vẫn không ngừng bị chúng ta che giấu bằng huyễn ảnh của chính mình. 
Bức thư pháp “mộng càng lớn rễ càng sâu” của chính Aida Mitsuo 
Aida Mitsuo dạy cho chúng ta sự quan sát từ bậc thầy thiên nhiên để thức tỉnh:
名も無い草も実をつける
いのちいっぱいの花を咲かせて
Ngay cả loài cây không tên, cũng đều kết trái
Hãy nở bừng trọn vẹn đóa hoa sinh mệnh chính mình
Đừng quên  sống trọn vẹn giây phút hiện tại:
人生において
最も大切な時
おれはいつでも
いまです
Khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời luôn luôn là hiện tại.
Và cứ như thế, những cố gắng mỗi ngày sẽ làm nên cuộc đời ta và tạo cảm hứng cho người sau và ngày mai chưa biết.
毎日毎日の足跡が
おのずから人生の答えを出す
綺麗な足跡には
きれいな水がたまる
Vết chân đi mỗi ngày
Hiện ra câu trả lời về cuộc sống
Nơi dấu chân đẹp đẽ
Vũng nước đọng cũng đẹp đẽ thay
Những dòng thơ đơn giản nhưng sâu sắc, gợi mở vô cùng của Aida Mitsuo sẽ luôn làm ta phải giật mình, ngẫm nghĩ và thức tỉnh về điều quan trọng nhất của bản thân mình, về thành công và cuộc sống hạnh phúc. Cũng như các câu Thiền ngữ, thơ Aida Mitsuo là một kho báu, cho chúng ta dùng mãi không bao giờ vơi cạn. Và cửa vào kho báu đó chỉ đơn giản là “ima koko” (いまここ). Tất cả sự nhiệm màu đều nằm trong phút giây hiện tại, cái khoảnh khắc “bây giờ” và nơi chốn “ở đây”. Bởi khi biết sống trọn vẹn trong hiện tại thì đồng nghĩa ta đã “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” và đất trời sẽ là một mùa xuân vĩnh cửu.
Sài Gòn, xuân Canh Tý 2020
Hoàng Long
[1] Tất cả bản dịch trong bài viết này là của chúng tôi (HL)