Tuesday, September 22, 2015

MẸ TÔI - My Mother


MẸ TÔI
Mừng Sinh Nhật 75 tuổi của Mẹ


Mẹ sinh ra và lớn lên ở vùng quê đẹp và thơ mộng ven biển Miền Trung trong một gia đình Nho giáo. Mẹ, tên là Trần Thị Ái, Pháp danh Nguyên Ái. Mẹ sanh ngày 20 tháng 12, năm 1934 (năm Ất Hợi) tại thôn Vĩnh Hội, Phủ An Nhơn, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Nay là thôn Vĩnh Hội, Xã Cát Hải, Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Mẹ là người con thứ 6 trong một đại gia đình gồm 10 anh chị em. Ông Ngoại là Xã trưởng Trần Hoành và bà Ngoại là Trần Thị Nhĩ. Mẹ xuất thân từ một gia đình Nho giáo, nhưng đã được thấm nhuần tinh túy Phật Giáo. Thời thơ ấu, quý Cậu Dì và Mẹ được Ông Bà Ngoại cho thọ Tam quy Ngũ giới với vị Phương trượng Chùa Linh Phong (Tục gọi là Chùa Ông Núi), Phù Cát, Bình Định lúc bấy giờ. Từ đó, hạt giống Phật pháp đã thấm nhuần trong Mẹ từ lời nói, hành động, và thân giáo của người. Mẹ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng, kiên nhẫn, hy sinh, và từ tốn.


Mẹ là người đảm đang, hiền lành, và nhân hậu. Mẹ còn là vị “nữ tướng” trong gia đình. Mẹ vất vả thức khuya dậy sớm lo cho chồng cho con từng giờ từ thuở làm dâu đến bây giờ. Thuở thiếu thời Mẹ học trường làng đến gần lớp Hai thì phải nghỉ học giúp việc gia đình. Ở tuổi thơ ấu, Mẹ đã lo cho gia đình, trông nom đàn em, lo việc nhà, và trồng trọt trong vườn. Khi lớn lên, như bao nhiêu thiếu nữ khác trong làng, Mẹ phải làm ruộng làm rẫy, một nắng hai sương thật cơ hàn và vất vả. Mẹ lớn lên trong tình thương yêu và dạy dỗ của Ông Bà Ngoại. Mẹ được hấp thụ những tư tưởng mộc mạc mà bao quát như “Đói cho sạch, rách cho thơm” đến “Ta nên tất thị mình nên”; “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân; Điều gì mình không muốn thì đừng nên làm cho người.” và những tư tưởng căn bản của Phật Giáo như nghiệp và nhân quả luân hồi. Đó cũng là những gì mà chúng tôi được Mẹ dạy từ tấm bé. Người trong họ hàng, ai ai cũng thương mến Mẹ. Ở trong làng, ai cũng biết Mẹ hiền hậu, tử tế, và xinh đẹp. Có lần Mẹ nhắc lại có gã thanh niên con trai làng bên cưỡi ngựa chặn đường trêu Mẹ. Mẹ thẹn thùng quay đi. Những gã thanh niên tuấn tú như thế mà chưa lọt mắt Mẹ vì Mẹ chỉ biết “Ba Mẹ đặt đâu con nằm đấy” mà thôi.


Năm 1953, khi lên mười chín, Mẹ lạy Ông Bà đi lấy chồng. Chuyện tình của Ba Mẹ là một chuyện tình thật đẹp. Ông Nội, Ông Ba Ước, Ông Bốn Kha, và Ba chèo thuyền đi mua củi về chụm. Thực ra là “xem mắt” thì đúng hơn. Mẹ rất vô tư mang nước lên đãi khách trong khi quần áo đi cày ruộng vẫn còn nguyên vẹn. Cái thật thà, vô tư đó là một trong những đặc điểm mà Mẹ được Ông và Ba thương mến rất nhiều. Ba là con trai đầu, là anh cả trong gia đình 9 anh chị em. Ba thì lớn lên với biển. Biển dạt dào êm ả, biển bao la mặn nồng, nhưng biển cũng ầm ĩ vô cùng. Ba lặn lội dầm mưa dãi nắng để kiếm kế sanh nhai. Ba hiền lành, chất phát, dáng trung trung, chỉ 1 mét 6 (5'3''), nhưng vạm vỡ; Mẹ nhân hậu, cao ráo, và xinh đẹp. Ba Mẹ thật là xứng đôi vừa lứa.


Mẹ làm dâu thật tốt, những năm đầu Mẹ lo sự nghiệp gia đình bên Nội nên mãi đến 6 năm sau Mẹ mới có con. Tình yêu của ba Mẹ ngày càng sâu đậm và sau 21 năm, Mẹ đã sinh cho Ba được năm chị gái. Đến đây thì sức cũng đã cạn. Ngũ long công chúa còn gì bằng, nhưng Ba là con trai trưởng nên cần phải “Nối dõi tông đường”. Vì sự thuyết phục rất tuyệt diệu của Ba và áp lực bên chồng, Mẹ một lần nữa thọ thai. Đợt này, thai nghén rất khác thường. Mẹ thầm nghĩ đây chắc là hỷ sự, là đứa con trai để nối tiếp dòng họ Bạch. Mẹ lại rã rời tay chân khi biết được thêm một chị gái, chị Bạch Thị Xoa chào đời. Chị là sự xoa dịu, vỗ về cho những cơ hàn và nhọc nhằn của Ba Mẹ. Mặc dù toàn là con gái, nhưng Ba Mẹ lại yêu thương các con vô bờ bến.


Thế rồi, Ba Mẹ quyết chí sẽ không có con thêm nữa vì tuổi đã ngoài 40. Sau cùng để tiếp nối dòng họ Bạch, Ba Mẹ đã quyết định xin một anh trai tại Cô Nhi Viện Quy Nhơn về làm con nuôi. Anh trai, Bạch Xuân Thảo là con của một quân nhân Hoa Kỳ. Ba Mẹ xin anh về lúc anh lên hai, ba tuổi, thương yêu và nuôi nấng anh như đứa con ruột. Anh rất đẹp trai và kháu khỉnh.  Không bao lâu Ba Mẹ biết anh có chứng bệnh kinh phong; thật nhọc nhằn cho Mẹ nhưng tình yêu của Ba Mẹ dành con anh vẫn đậm đà. Thế là, không mong mà được; không đợi, không mong, Mẹ đã thọ thai một lần nữa. Và đứa con trai duy nhất ra đời đúng vào ngày rằm Tháng Bảy, mùa Vu Lan Thắng Hội, năm Nhâm Thìn (1976) trong sự thương yêu và trìu mến của nhiều người, nhất là gia đình bên Nội. Bạch Xuân Phẻ, cái tên mà Ba Mẹ mong mỏi luôn luôn khỏe mạnh, là đứa con trai ruột duy nhất của Ba Mẹ. Bạch Xuân Phẻ là cháu Nội đích tôn của Ông Bà họ Bạch đời thứ 6 trong làng chài Phước Lý.


Ở Phước Lý (nay là Xã Nhơn Lý), ai cũng thương yêu Mẹ. Vì Mẹ sống cho gia đình và sống vì mọi người. Mẹ nấu ăn rất ngon. Mẹ nấu cho nhiều đám giỗ và đám cưới. Nhiều lần Mẹ nấu ăn cho cả vài trăm người mà không hề than phiền mệt nhọc. Mẹ là người nhà Quê mà làm mắm, làm mực không ai bằng. Mẹ buôn tần bán tảo. Mẹ vun vén, lo toang xây nhà cho Ông Bà Nội. Mẹ giúp chăm sóc các em chồng, trông nom và lo lắng cho gia đình chồng. Cuộc sống cơ hàn như thế mà lúc nào Mẹ cũng dịu dàng, kính trên nhường dưới, và ngọt ngào với mọi người. Mẹ sống trên thuận dưới hòa, Mẹ được lòng rất nhiều người và tiếng thơm ngày càng vang xa.Với một bầy con 8 đứa, Mẹ dạy dỗ, yêu thương, và chăm sóc từng ngày. Mẹ lo cho chồng, cho con. Mẹ đã vượng phu, ích tử. Mẹ đã hun đúc và dìu dắt cho các con thành người. Tuy Ba Mẹ không có học vị, nhưng đứa nào cũng có nghề nghiệp và học vấn đàng hoàng. Chỉ có chị Hai, Bạch Thị Đố, đã cùng Mẹ hy sinh lo cho đàn em học hành đến nơi đến chốn nên không có cơ hội lo cho chính mình. Mẹ đã nuôi nấng cho đàn con lớn khôn thành người và đã gả chồng cho những con gái lớn sau khi đã có nghề nghiệp, đó là chị ba Lố và chị bốn Gành. Năm 1987, chị thứ 6, Bạch Thị Phượng là người con gái đầu tiên của Làng được vào Đại Học Sư Phạm ở thành phố Quy Nhơn. Mẹ hy sinh biết bao, có lần Mẹ đã bán hết tất cả của cải mình có để nuôi các con ăn học. Hồi trước, Mẹ bảo là nhà có vàng thẻ, dần mòn bán hết để lo cho con cái rồi đến lúc phải đi mượn gạo nấu ‘đỡ’ qua ngày. Có những lúc, Mẹ đã rơi nước mắt mà nào Mẹ có cho Ba hay con cái hay biết gì đâu. Mẹ vẫn một lòng kham nhẫn chịu đựng khổ nhọc nuôi con. Chị thứ 7, Bạch Thị Hoa, vì thương gia đình, nên đã tìm đường vượt biển hầu giúp gia đình như thiên hạ, nào ngờ chị bị kẹt lại ở Phi Luật Tân. Điều đó càng làm cho Mẹ thêm lo lắng và âu sầu.


Đến năm 1988, có chương trình Con Lai Đi Mỹ (Vietnamese Amerasian Homecoming Act), Ba Mẹ quyết định làm giấy tờ thử xem sao. Rồi cuối cùng cũng không có đủ tiền vào Sài Gòn, nên chỉ đành cho anh Thảo một mình về Mỹ. Nhưng đại sứ quán bảo rằng anh bệnh, nên cần phải có người chăm sóc. Nhà chỉ đủ tiền cho chị Sáu đi thôi, nhưng chị Sáu cũng lưỡng lự vì đang học ở Trường Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn vả lại chị cũng ngại xa gia đình một mình. Cuối cùng, Mẹ lại một lần nữa âm thầm đi mượn chát để có tiền vào Sài Gòn chuẩn bị đi Mỹ. Ở tại Sài Gòn, anh Thảo và Mẹ được ở tại Trung Tâm Chuyển Tiếp Trẻ Lai tại quận Tân Bình để chuẩn bị và trị liệu cho anh. Thời gian này là thời gian vất vả nhất cho Mẹ. Anh Thảo lại trở bệnh nặng và tâm trí lại bất ổn. Mẹ cực nhọc biết bao. Trong lúc khổ đau và vất vả, có nhiều cô chú trong trung tâm giúp đỡ cho ba mẹ con như chú Tùng, cô Tâm, cô Thu, và chú Hoàng. Vì sự sinh tồn, Mẹ phải lặn lội đi bán hàng rong ở khu du lịch Đầm Sen bên cạnh. Mẹ phải đi chợ thật xa mua hoa quả và vật dụng, bán lấy lời. Có lần Mẹ bị bắt, các chú Công An đã nhốt Mẹ trong phòng cầu tiêu nhỏ xíu. Mẹ vừa tủi thân, vừa sợ sệt; thế là Mẹ khóc nguyên đêm. Nước mắt Mẹ đã đổ thật nhiều vì con vì cái. Mỗi lần nhắc đến việc này, chúng tôi không cầm được nước mắt.


Có những lần, Mẹ phải dành dụm thức ăn hoặc sữa để bán lại lấy tiền, giúp các con ở ngoài Trung. Bản thân tôi phải bỏ học từ đầu lớp Bảy để vào Sài Gòn cùng Mẹ chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Có lần về lại thăm quê từ Sài Gòn, người ta đã nhìn Mẹ và gia đình bằng đôi mắt trêu chọc, khinh miệt. Còn Trường làng Phổ Thông Cơ Sở Xã Nhơn Lý cũng không cho tôi đi học lại vì họ viện lý do là “sắp đi Mỹ”. Mẹ vẫn cười làm lơ không một lời oán trách. Thế rồi, duyên lành cũng đến. Cuối cùng, toà đại sứ cho cả gia đình đi Mỹ mà may thay là có một ông bác sĩ Mỹ bảo trợ nên gia đình được bay trực tiếp qua Thái rồi qua Mỹ, thay vì qua Phi Luật Tân ở học tiếng Anh trong 6 tháng mới định cư qua Mỹ. Gia đình rất hạnh phúc và ngậm ngùi rời Việt Nam vào ngày 9 tháng 6 năm 1991. Qua Thái Lan ở khoảng một tuần, sau đó đại gia đình được đặt chân trên xứ Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 6 năm 1991 tại San Francisco rồi định cư tại Lincoln, Nebraska.  Ở San Francisco, chúng tôi rất vui, ngạc nhiên, tò mò, lo sợ, hồi hộp, và hy vọng. Và đó cũng là những cảm xúc ban đầu.


Niềm vui của Mẹ chưa thấm thì nước mắt Mẹ lại đổ vì trên chiếc phi cơ 18 chỗ ngồi, nhìn xuống vùng Trung Mỹ toàn là ruộng với ruộng nối tiếp nhau. Cò bay thẳng cánh là đây, mà Mẹ thì lại sợ đi làm ruộng. Như mọi sự đã được Ơn trên an bày, sau 6 tháng ăn tiền trợ cấp của chính phủ. Ba Mẹ có việc làm ở hãng giặt, chị sáu Phượng thì phải vừa đi học vừa đi làm ban đêm để giúp gia đình và lo cho các em đi học. Chúng tôi biết chị cũng đã khóc thật nhiều và thầm cảm ơn sự hy sinh cao cả của chị cũng như chị Hai một thuở. Năm 1993, chị Hoa được đoàn tụ cùng gia đình từ Phi Luật Tân. Thế rồi chúng tôi được đưa vào lớp 10, và cũng bắt kịp việc học hành và nên người như thiên hạ, không phụ lòng ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ.


Ở Lincoln, Ba Mẹ lấy làm tự hào và hoan hỷ trong sự trưởng thành, học hành, và hiếu thảo của con cái. Ngoài ra, Ba Mẹ tìm được sự an lành và thảnh thơi tại Chùa Linh Quang. Ở đó ai ai cũng quý mến Ba Mẹ đã một lòng tu học và làm công quả cho Chùa. Mẹ một thời, một đời sống vì chồng vì con, vì gia đình, vì tha nhân. Trên đôi vai của Mẹ vẫn cưu mang cho những người còn ở lại Việt Nam. Thế rồi, sức Mẹ cũng có hạn, Mẹ về hưu mừng tuổi hạc. Năm 2000, chúng tôi đã đón Ba Mẹ về sống với nắng ấm California. Mẹ càng ấm lòng khi chứng kiến con cái thăng hoa, tuần tự lập gia đình, sanh con đẻ cái. Hết lo cho con, bây giờ Mẹ lo cho cháu. Đó cũng là niềm vui của Mẹ. Ba Mẹ vào tuổi hạc, thất thập cổ lai hy, Ba mẹ càng ngày càng tinh tấn thiền tịnh song tu. Ba Mẹ thường xuyên đi về Chùa và tu tập tại Đạo tràng Kim Quang. Nói sao cho hết tình thương yêu của Ba Mẹ. Tình thương của Mẹ ngọt ngào và diệu vợi. Mẹ là dòng suối ngọt ngào, mẹ lấp lánh ngàn sao, mẹ là rau thơm sau hè, mẹ là những chùm mận đỏ, mẹ là tiếng chuông tiếng mõ, mẹ là câu kệ bài kinh, mẹ là Bất Khinh Bồ Tát, mẹ là cánh đồng bát ngát, mẹ là nước mắm nhỉ cá cơm, mẹ là cảo thơm, mẹ là bài thơ lục bát. Mẹ ơi, chúng con làm sao dùng từ ngữ có hạn của nhân gian mà viết hết về Mẹ được. Tình Mẹ sao mà mênh mông và dào dạt quá.


Mẹ yêu,
Hôm nay mừng tuổi Mẹ
Các con lạy đền ân
Ơn Mẹ hơn trời biển
Ơn Mẹ thật vô biên
Mẹ ơi, con thương Mẹ!
Sacramento, December 20th, 2008.

For English, please click here. My Mother's Biography.

Thursday, September 17, 2015

Cutting Mommy's Nails



Cutting Mommy's Nails
To our beautiful mother

While doing the manicure for mom
with her pale and skinny hands,
the embodiment of all of the care and love;
I realize they are reserved for us, her descendants

All the hard work and suffering
of a dedicated mother you are willing to bear
to raise your young to have strong wings
that can fly across different mountain ranges

Now that we are living together, once again,
We are loving and caring for each other:
From you, I learn how to love
with immense compassion.

Maternal love emulates the galaxies
in their immensity and eternity.
Doing the manicure for mom
reveals the echo of The Lotus Sutra.

Buddha mind is inside every one of us:
The Diamond Sutra - Our Mother's hands.


For Vietnamese version for this poem, please click here
http://phebach.blogspot.com/2012/01/cat-mong-tay-cho-me.html

For Vietnamese song of this poem, 
music by Nguyên Quang, please click here

https://www.youtube.com/watch?v=JGJ7c_b2MI4&feature=youtu.be

Friday, September 11, 2015

Trách Làm Chi

A peaceful morning at IONS - Photo: BXK

Trách Làm Chi

Trách chi em
Trách chi anh
Trách chi mưa gió trời xanh nắng vàng
Trách chi bao chuyện lỡ làng
Trách chi nặng tiếng hai hàng lệ rơi

Trách mình lầm lỗi một thời
Trách mình không đủ bao dung với đời
Trách mình tâm trạng tả tơi
Trách mình
Mình ngộ
Xin đời thứ tha!

Thư Pháp Võ Việt Tuấn

Friday, September 4, 2015

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA


Nhà tù Folsom State Prison - ảnh từ CDCR on internet
NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ -

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA



            Từ xa lộ cao tốc I-80 hướng về El Dorado Hill, chúng tôi rẽ trái trên Folsom Blvd, xuyên qua phố thị lẻ loi. Gần bờ hồ Folsom, một nhà tù rất lớn nằm dưới thung lũng của những ngọn đồi đẹp bao bọc, hàng trăm cây sồi California native oaks hiện ra thật vững chải nhưng buồn tẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những đàn gà Tây và những chú nai ngơ ngác bước nhẹ trên đồi. Cảnh trí bên ngoài ở đây thật bình yên đến vắng lặng.
Thế đấy mà đã hơn 4 năm rồi, chúng tôi vào tù để đem thông điệp chánh niệm và từ bi để chia sẻ cho những tù nhân, trong đó có những vị đồng hương Việt Nam, đa số là còn trẻ. Chúng tôi là những thiện nguyện viên của Buddhist Pathway Sangha (BP3) vào nhà tù an ninh tối đa Folsom State Prison (B-yard) của tiểu bang California.
Xin mở ngoặc, nhà tù Folsom State Prison, viết tắc là FSP, mở cửa vào năm 1880, là nhà tù an ninh tối đa maximum security prison, lớn thứ hai và lâu đời nhất trong tiểu bang, sau khi nhà tù SanQuentin. Nhà tù FSP nằm ở thành phố Folsom, CA, khoảng 20 dặm (30 km) về phía Đông Bắc của thủ phủ Sacramento. Nhà tù FSP khá nổi tiếng bởi vì nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng Johnny Cash đã thu album live và năm 1968. Theo trang nhà California Department of Corrections and Rehabilitation (Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California,  http://www.cdcr.ca.gov/Facilities_Locator/FSP-Institution_Stats.html), theo thống kê năm 2013-2014, nhà tù FSP có 3023 tù nhân nam và có 307 tù nhân nữ (bị nhốt riêng ở nhà tù trong khu vực khác), tổng cộng là 3330 tù nhân và có 1058 nhân viên làm việc (Custody Staff: 562, Support Staff: 301, Healthcare Staff: 195. Annual Operating Budget, $130 million), không tính những người thiện nguyện viên như chúng tôi; và tốn 130 triệu Mỹ kim mỗi năm để hoạt động. Nghĩa là có 1 người chăm sóc 3 người tù nhân, trong khi đó chúng tôi là giáo viên trung học, 1 người phải chăm lo đến 165 học sinh mỗi ngày.  Với giá 130 triệu mỗi năm, để giữ 3330 tù nhân thì tốn đến $39,039 cho mỗi tù nhân, mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê ở tiểu bang California (http://www.governing.com/gov-data/education-data/state-education-spending-per-pupil-data.html), mỗi năm chỉ chi có $9,220 cho mỗi học sinh ở trường học công cộng, K-12 public school.
Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo và thiện nguyện tận tình của Bà Diane Wilde, Buddhist Pathway Sangha (BP3), một tổ chức bất vụ lợi, đưa những tình nguyện viên vào tù để mang triết lý Phật giáo, nghi lễ, đem phong trào chánh niệm và hướng dẫn thiền định cho các tù nhân đang ở trong những trại tù tiểu bang California. Đến nay, BP3 đã đưa chương trình này đến với 17 nhà tù lớn nhỏ ở tiểu bang California, từ sa mc high desert đến thị thành Sierra Conservation Center. Triết lý Phật giáo nhấn mạnh vào hành vi đạo đức và thực hành thiền định để có cái nhìn sâu sắc mà phát sanh lòng từ.  Thực tế là nhiều tù nhân có quá nhiều khổ đau của chính mình và đã gây đau khổ cho người khác. Thêm vào đó, những người tù nhân này đang sống trong một môi trường rất phức tạp, bạo động và đôi khi vô vọng. Nên chương trình này thành lập nhằm cung cấp cho các tù nhân phương tiện cần thiết, công cụ, tài nguyên và kỹ năng sống hầu thay đổi cuộc sống của họ khi còn bị giam giữ hoặc khi được thả ra.
            Khi vào tù làm thiện nguyện, thì chúng tôi thường đi chung, 2 hoặc 3 người vì những thủ tục rườm ra và an toàn cho mình. Trước khi vào đó, chúng tôi phải đi học về hệ thống nhà tù, các nhóm băng đảng, kiểm tra sức khoẻ, làm hồ sơ không bị phạm tội, chính ngừa ho lao, v.v… Chúng tôi phải lái xe gần 40 phút, rồi đậu xe và đến cổng để trình trước khi vào bên trong, những người canh tù bắt chúng tôi phải ghi tên và ngày giờ vào mới có lý do chánh đáng.  Chỉ có những người có trách nhiệm và nhân viên mới vào được cổng này. Tất cả mọi xe cộ và người ra vào đều phải được kiểm tra.  Sau đó, chúng tôi đến Sally Port, nơi có hai hàng lớp kẽm gai, chính giữa là luồng điện sống.  Trên tháp canh giác tù (observation tower) có những nhân viên an ninh vạm vỡ đang canh chừng với súng đạn và nhiều máy ghi hình (camera) bao vây. Cá nhân tôi đã thuộc lòng lời dặn của tiến sỹ Gus Koehler, người bạn Phật giáo cùng lý tưởng, dặn dò tôi vào tối đầu tiên là không bao giờ chạy trong bất cứ mọi hoàn cảnh khi ở bên trong nhà tù vì “khi chạy có thể mình bị bắn”.
            Mỗi khi vào, chúng tôi sắp đặt bàn thờ Phật, tụng kinh, tập yoga, ngồi thiền, và chia sẻ Phật pháp. Sau đó hồi hướng và tiễn đưa. Đã mấy năm rồi, vào ra nhà tù một cách thong dong tự tại như thế bỗng dưng lại thấy ‘bị nghiền’. Bận quá không vào chia sẻ thì tù nhân đợi chờ. Bên trong, những tù nhân cũng gọi mình là nhóm học Phật, tăng thân (Sangha) mỗi khi vào thì năng lượng tu học của mình lại có thêm. Đó là những cảm giác êm đềm, an nhiên và tự tại mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên vào ra cửa tù FSP.

VÀO RA TỰ TẠI

Vào tù ra khám trong tự tại
Cảm giác nào thoải mái như vầy
Niềm an lạc giữa nơi tù tội
Hạt bồ đề đạo pháp nhiệm mầu

Những tử tội một lần dại dột
Nay ngồi tù hối hận trong lòng
Về cửa Phật tĩnh tâm thiền định
Gieo hạt lành ngay giữa long đong

Tối nay trong khám nhiều lợi lạc
Người canh tù cũng được bình yên
Kẻ tử tội tìm về bến giác
Bốn vách tường.  Độc Lập. Tự Do.

Tối nay ra khám bao vẻ đẹp
Con nai vàng ngơ ngác nhìn tôi
Vầng trăng sáng im lìm ngỏ hẹp
Nghe thênh thanh một lối đi về

Folsom State Prison, CA.

November, 2011.


IN and Out at Will
        To Gus, Jeff and Joette

I am in and out of the maximum-security state prison at will
What a release…
A comfortable feeling.
Finding peace, even bliss in this violent prison place
Even here Dharma seeds are sown
It is a miracle
The criminal elements, once foolish
Now show remorse and regret inside the prison
They come to the Buddha's door and join the meditation retreat,
Personally sowing their own fresh Dharma seed in the middle of stagnancy and uncertainty.
Tonight I see many benefits for the inmates
Even the prison guards are peaceful
The criminals look for ways to be transformed by finding
In the Chapel of cement cold walls true independence and freedom.
Tonight I came out of jail and found how beautiful things really are
The golden deer look at me bewildered
The crescent, Dormant, moon light is sparkling the night.
I listen to my footsteps on an immense footpath going home.

Folsom State Prison, CA.
November 2011.

            Hình ảnh và sự biểu hiện lợi lạc của những tù nhân cũng như người tiếp cận là động cơ để mình tiếp tục vào tù để chia sẻ mặc dù bận bịu với công ăn việc làm và đời sống hằng ngày. Đáng lý ra, chúng tôi sẽ không viết những loạt bài này, nhưng có những lời góp ý hữu lý từ những người anh khả kính, khuyên rằng chúng ta giúp những người trong tù thì tốt nhưng giúp những người ở ngoài tù thì càng tốt hơn.
Nói tóm lại, mặc dù tiểu bang California (CDCR - Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California) đã tốn rất nhiều tiền và nhân sự để cai quản tù, nhưng cuộc sống của tù nhân rất đơn lẻ, buồn tủi, phức tạp, bạo động và đôi khi là vô vọng, nên chúng tôi hy vọng là chúng ta hãy làm mọi cách để thiểu giảm (từ thuở ban đầu) đưa con người vào tù, nhất là con em Việt Nam của chúng ta.  Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhân sự để vào tù hầu trao truyền thông điệp tỉnh thức của đấng Như Lai, giúp đời bớt khổ. Nếu quý độc giả, muốn biết thêm chi tiết, xin thăm trang nhà http://www.buddhistpathways.org/ hoặc liên lạc với chúng tôi ở trang nhà www.phebach.com.

Bạch X. Phẻ
Sacramento, ngày sinh nhật chị Sáu.


Thursday, September 3, 2015

The Two Pictures - Hai Bức Ảnh

Photo - from CNN.COM
Syria Chết Vì Vượt Biển Tìm Tự Do
    Tưởng niệm tuổi thơ Syria

Thân xác nhỏ 
Chết đuối
Sao thế giới thờ ơ?

Em Photo from - H.H.'s fb
Đôi Mắt Ngây Ngô Thách Thức
Thân tặng H.H.

Bùn nhơ phủ lấp thân ai?
Mắt buồn vời vợi gái trai thẩn thờ?
Ôi sao đất nước thờ ơ?

Wednesday, September 2, 2015

Hạt Kim Cương

Thư pháp: Uyên Nguyên


Hạt Kim Cương

Chấp có
Chấp không
Không không
Có có
Không có
Không không

Friday, August 28, 2015

Vẻ Đẹp Kỳ Co, Nhơn Lý, Quy Nhơn

Vẻ Đẹp Kỳ Co

Nước biển xanh như ngọc
Bãi cát mịn trắng trong
Nghe tiếng ru của sóng
Từng bước nhỏ trải dài

Gió hôn nắng ban mai
Ngân xa từng hơi thở
Anh cứ ngỡ trong mơ
Dòng thời gian êm ả

Chênh vênh bao vách đá
Nước cát biển mênh mông
Mầu trời như cõi mộng
Mầu em cõi sắc không

Bãi Kỳ Co sạch trong
Nét trinh nguyên hoang dã
Yêu em, hồn anh đã
Bồng bềnh chốn thiên nhiên.


Bãi Kỳ Co. Ảnh: Nhi Nguyễn.

Tuesday, August 25, 2015

KÍNH TIỄN TÔN GIẢ TÂM CHÂU

Ảnh: Uyên Nguyên

Thư pháp: Biên Phương

Photo: HoaVoUu.com

KÍNH TIỄN TÔN GIẢ TÂM CHÂU

Ngài Thượng Thủ thong dong Đất Phật
Tâm Bồ Đề gieo hạt Đông Tây
Châu quang trí huệ bi hùng
Thuyền Từ Bát Nhã ung dung cõi về.

Thursday, August 20, 2015

CHĂM LO MẸ

Cung đón Thầy Tâm Đức về thăm Mẹ. 
Thuốc Mẹ uống hằng ngày!
CHĂM LO MẸ

Lau tay chân cho Mẹ
Xương gân nào thênh thang
Mỗi khi gió mùa sang
Lòng con đau quặn thắt

Nhưng Mẹ còn trước mặt
Là chúng con vui rồi
Mẹ thanh thản bầu trời
Bao dung và rộng lượng

Cuộc sống vốn vô thượng
Liễu ngộ lẽ vô thường
Nên chúng ta yêu thương
Từng phút giây tuyệt hảo

Ai biết đời hư ảo
Ai biết đời khổ đau
Ai biết bệnh tử sầu
Phút giây này mầu nhiệm.

Monday, August 17, 2015

Giới thiệu Làng Huệ và trang Tranh Thơ Nhạc - Cõi Tâm Như Thị


Thư pháp - Võ Việt Tuấn
Giới thiệu Làng Huệ và trang Tranh Thơ Nhạc

- Cõi Tâm Như Thị


            Có thể nói trang nhà Làng Huệ là một môi trường giáo dục ảo trên mạng Internet. Trang nhà đang âm thầm làm việc giáo dục, vì người và cho người để đưa độc giả tìm lại chính mình và hướng gần đến Chân-Thiện-Mỹ. Làng Huệ là một diễn đàn lành mạnh cô đọng nhiều tác giả trong và ngoài nước bao gồm nghiên cứu, tủ sách làm người, giáo dục, văn học, nghệ thuật, y-học, biên khảo, văn thơ nhạc, v.v… có thể nói những bài viết trên Làng Huệ tương đối chuẩn, nghiêm túc, mang tính nhân văn. Tinh thần khai phóng và nhân bản đó đã len lõi và bàng bạc ở những phần phục mục của trang nhà.

            Riêng trang Tranh Thơ Nhạc, có thể nói là công trạng của chị Thanh An thì đặc biệt, hấp dẫn và quyến rũ. Vì sao vậy? Có lẽ ở đó chúng ta bắt gặp được sự hoà đồng của âm thanh, màu sắc, thi ảnh và tư tưởng. Ở đó thực ra là những bài thơ bốn câu (tứ tuyệt), ngắn và cô đọng, nhưng chứa nặng tình người, tình đời, tình quê hương dân tộc và luôn cả tình yêu lứa đôi, đề tài muôn thuở của nhân loại.
            Sắc thái của những bài thơ hay, không chỉ nằm ở phần âm điệu, hình ảnh hay tư tưởng mà là ở tấm lòng biểu lộ từ bi cho mình và cho người ngay ở giây phút hiện tại và cho cả tương lai. Các tác giả dường như đang chia sẻ những kinh nghiệm sống, biết dừng lại quán chiếu về cuộc đời để rồi sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ. Ở đây người đọc có thể chọn đọc thơ, nghe nhạc hay xem tranh, nhưng nếu chúng ta có khả năng tận dụng nhiều tính giác cùng một lúc trong sự chánh niệm qua từng hơi thở hay từng phút giây hiện hữu, chúng ta sẽ thấy, nghe, và cảm nhận được sắc thái trong từng lời thơ, tiếng nhạc và nét vẽ từ tâm.

            Đôi khi chúng ta lại nghe tiếng sáo và tiếng đàn tranh--âm thanh quen thuộc của quê hương dân tộc như đang mang ta về một cõi bình an.  Vậy xin quý vị hãy lắng lòng, lắng lòng để nghe, lắng lòng để thấy và lắng lòng cảm nhận từng hơi thở, lời thơ, âm thanh, tâm tư vọng về trong tiếng lòng thổn thức như vọng về cõi Chân Như bất diệt.  Xin trân trọng giới thiệu trang nhà Làng Huệ và trang Tranh Thơ Nhạc.



Trân quý

Tâm Thường Định

Wednesday, August 12, 2015

Nhật ký học kinh



1. Thế nào là Xa-Ma-Tha, Tam-Ma, Thiên-Na? Là Huynh Trưởng GĐPT có kinh nghiệm qua ba pháp môn tu này. Hãy trình bày kinh nghiệm tu tập của tự thân. 
  
Câu hỏi này nói đến pháp môn thực nghiệm Chỉ Quán Song Tu dành cho chúng ta tu tập hằng ngày. 
Xa-Ma-Tha, tức là Chỉ, là pháp môn thực tập để đưa đến cái Định (Concentration). Xa-Ma-Tha là phương tiện chuyển hoá cái tâm loay hoay của ta lại một chỗ (One-pointed mind). Điển hình là khi chúng ta làm việc gì đó, mình nên chăm chú tâm ý của ta vào việc đang làm, không vớ vấn vẩn vơ. Ví dụ, một trong những pháp môn, chúng em đang thực tập hằng ngày là rửa chén. Khi rửa chén, mình chỉ biết là rửa chén mà thôi, không có lo lắng về quá khứ hay vọng tưởng ở tương lai. 
Tam-Ma hay còn gọi là Tam-Ma-Bát-Đề, tức là Quán, là pháp môn quán tưởng để thấy rằng mọi sự là vô thường, vô ngả, khổ và không. Ngoài ra, Tam-Ma là sự quán chiếu để thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.  Có thể nói, Tam-Ma là phương pháp huân tập để đưa đến  Trí Tuệ Bát Nhã. Pháp môn này cho chúng ta chánh kiến và chánh tư duy. 
Thiền-Na hay gọi tắt là Thiền (Zen) là pháp môn Chỉ Quán Song Tu để thấy và nhận chân những gì đang xảy ra trong ta và quanh mình. Thiền là phương pháp thực tập để chúng ta xa lìa những vọng tưởng, những tham sân si mạn nghi, danh sắc hảo huyền. Thiền là trở về với bản tánh chân thật, bất hư bất hoại, là Chơn tâm, Phật tánh. 
Cá nhân chúng em thì cố gắng thực hành chánh niệm hằng ngày. Ngoài ra, khi thực tập pháp môn này, em thấy sự hiệu nghiệm khi mình thực tập chung.  Năng lượng tập thể (collective energy) từ sự "đồng tu" sẽ chuyển hoá chúng ta từng ngày. Nói tóm lại, tất cả chỉ là phương tiện để đưa chúng ta đến bờ giác. Ví dụ, khi em nhận được tấm hình của Sư Ông Làng Mai do thầy Từ Lực chia sẻ vào ngày Tiếp Nối của Thầy; em chiêm nghiệm và thực hành Xa-Ma-Tha (Chỉ), sau đó em thực tập Tam-Ma quán tưởng đến Ôn và cuối cùng, trong lúc tịch tĩnh rỗng lặng, em nhận chân rằng: “Tịnh Độ hiện tiền cõi mênh mông”. Và đây là bài thơ để mừng ngày Nối tiếp của Sư Ôn Làng Mai.

NỤ CƯỜI VÔ SỰ 
Trời xanh vàng nắng trắng áng mây
Thong dong vô trụ y như Thầy
Vẫn bước khoan thai lòng thanh thản
Vạn pháp uyên nguyên giọt sương mai

Thầy luôn cười thở rất nhẹ nhàng
Nụ cười Ca Diếp, người mãi đang
Truyền trao Nến Ngọc bao thế hệ
Thạch trụ Già lam đẹp vô vàn

Thầy vẫn ung dung giữa sắc không
Từ bi thắm nhuận bao tấm lòng
Pháp Hoa bàng bạc trầm hương toả
Tịnh Độ hiện tiền cõi mênh mông. 

2)    Cho biết cảm tưởng sau khi học kinh Thủ Lăng Nghiêm. Yếu chỉ của Kinh có áp dụng một cách thích ứng với đời sống hàng ngày của người nam nữ cư sĩ Phật tử hay không? Chứng minh.


Theo em, tinh hoa và sắc thái Kinh Thủ Lăng Nghiêm thích ứng trong đời sống của chúng ta. Trong quá trình tu học, làm việc và phụng sự, chúng ta phải trở về với nội tâm của chúng ta.  Chúng ta phải bỏ đi những cái ngả nhỏ nhoi, những tham, sân si, mạn nghi, những ích kỷ, chuyển hoá những vụng về và thường quay về bản tánh thanh tịnh thường hằng của chính mình.  Điển hình, những gì xảy ra quanh mình và trong mình, mình có thể quán chiếu và nhận thức một cách tự nhiên, không tiếp nối hay ngăn chặn những dòng tư tưởng. Cứ để cho nó để và đi một cách tự nhiên. Cái còn lại là chúng ta làm gì ở không không gian và thời gian đó.  Có lần em đã nhận chân và viết hai câu thơ này. 
Nếu cuộc sống dài như hơi thở
Ta làm gì giữa hơi thở trong ta.
Dĩ nhiên là cuộc sống chỉ dài bằng hơi thở mà thôi, không còn có chữ nếu nữa. Khi ta nhận chân ra điều đó, có thể nói đó là tánh biết và tánh thấy của chúng ta. Vì thế khi em đối đầu với nghịch cảnh hay đứng trước một phong cảnh đẹp, em có gắng thực tập.

TỚI ĐÂY - ĐỨNG ĐÓ - RA VỀ

Gió heo may
mùa thu vàng chín
tới đây rồi
uống cạn bãi cỏ xanh
Em đứng đó uyên nguyên
tay vẫy gọi
hạt sương nào
và đá cuội
thuyết
Lăng nghiêm.