Lời dẫn: Nhân dịp về Việt Nam lần cuối, hữu duyên hẹn Vĩnh lên Pleiku thăm Thầy, thăm bạn trong buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 4. Ở phi trường, Bốn chị em gặp nhau và đi cùng chuyến, mới tìm hiểu và thương người hoạ sĩ trẻ này. Vĩnh vốn rất nghệ sĩ và 'bụi trần lai láng' mà bình dị, Vĩnh chia sẻ là năm này, 2020, sẽ ra một tác phẩm sách bao gồm hơn 50 bức hoạ chân dung của những văn nghệ sỹ lớn của Miền Nam như Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Hàn Mặc Tử, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bính, Lam Phương, Phùng Quán, Du Tử Lê, v.v... chúng tôi rất tán thán 'công đức' và đam mê nghệ thuật của bạn và khuyến tấn nên làm sách và các cuộn triễn lãm. Lotus Media có thể hổ trợ việc thiết kế nếu cần. Chúng tôi mong quý vị hãy tìm hiểu thêm về con người của anh và thưởng thức những tranh vẻ rất hồn pha lẫn những tấm lòng quý kính cho nhau. Quý vị hãy mua để ủng hộ người nghệ sĩ trẻ và tài hoa, gà trống nuôi con, này quý vị nhé. Xin trân trọng giới thiệu hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh.
~Lotus Media,
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: “Trong cô đơn, người nghệ sĩ tìm thấy chính mình”
Mar 28, 2020 | By Trang Ps
“Những người nghệ sĩ độc thân hay có gia đình, bản thân anh ta vẫn luôn tồn tại cảm giác cô đơn. Trong cô đơn, họ mới tìm thấy chính mình.” Họa sĩ Trần Thế Vĩnh bình tâm chia sẻ và miên man trong làn khói thuốc mờ ảo.
Một buổi chiều Sài Gòn nọ, khi tất thảy 95 triệu người Việt Nam bất an và hoảng loạn trong tâm dịch Covid-19, các trang mạng như Facebook ngập tràn hình ảnh và nội dung về sự bùng phát virus nguy hiểm này, thì tôi bắt gặp một bức chân dung nhà thơ Bùi Giáng trong bảng màu sơn dầu thánh thoát và nên thơ do một người bạn chia sẻ lại. Bút pháp độc đáo với những nét phá “bất bình thường” khiến tác phẩm chân dung dội vào lòng tôi nỗi tò mò khôn tả. Ai là cha đẻ của bức họa này?
Chúng ta đang ở thời kỳ mà mọi câu hỏi đều có thể được giải đáp nhanh chóng thông qua một cú nhấp chuột, và cũng như vậy, tôi tình cờ biết đến họa sĩ Trần Thế Vĩnh, người đứng sau bức họa Bùi Giáng và 50 tác phẩm chân dung còn lại trong series bao gồm những văn nghệ sĩ trí thức tài hoa đã để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm và đã khẳng định tên tuổi trước năm 1975 như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà văn Phùng Quán,…
Bộ tranh chân dung 51 bức được vẽ từ năm 2018 – 2019 là sự chuẩn bị cho một chương mới trong cuộc đời người họa sĩ khi anh quyết định ra mắt một cuốn sách ảnh và triển lãm cá nhân cho series thú vị này.
Câu chuyện tình cờ này phần nào dệt nối nhân duyên cho cuộc trao đổi giữa tạp chí Luxuo.vn và họa sĩ Trần Thế Vĩnh tại studio ngăn nắp và tràn đầy cảm hứng của anh ở Gò Vấp, Tp. HCM.
Chào họa sĩ Trần Thế Vĩnh! Điều gì đã khiến anh bén duyên với series 51 bức chân dung ý nghĩa này?
Cuộc đời người nghệ sĩ là một chuỗi những trải nghiệm mà ở đó anh ta biến hóa chúng thành chất liệu trên những tấm toan. Ai đó đã đúng khi nói họa sĩ chúng tôi đa đoan và nhạy cảm. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật Huế, tôi bắt đầu sáng tác bằng sơn dầu là chính, bao gồm những tác phẩm thuộc phong cách biểu hiện và trừu tượng. Bộ tranh trừu tượng của tôi vẽ từ năm 2010 đã tham gia cuộc trưng bày ở Gallery Tự Do vào năm 2012. Từ năm 2013, tôi vẽ series chân dung tự họa và sau 3 năm thì thực hiện triển lãm cá nhân tiếp theo vào năm 2016. Chưa kể, tôi cũng biến duyên với dòng tranh thú một thời gian. Vào năm 2016, tôi lập gia đình và tập trung phần lớn thời gian vẽ biểu hiện.
Nhưng cũng chính từ đây đã mở ra trong cuộc đời tôi nhiều biến cố, từ việc chứng kiến gia đình mới đổ vỡ đến mất hai người mà tôi thương yêu nhất, hàng tháng trời, tôi không vẽ, tình trạng chán nản và buồn bã đó đeo bám tôi ngay cả khi tôi trở lại Sài Gòn. Tôi đọc kinh, đọc văn chương và nghe nhạc. Và khoảng lặng đó đã khiến tôi bén duyên với bộ chân dung này, khi tôi có dịp đọc và tìm hiểu những nhân vật tài hoa như Bùi Giáng hay Tô Thụy Yên.
Xuất phát của bộ tranh này là sự đau khổ. Càng đọc, tôi càng cảm nhận sự đồng điệu giữa cuộc đời mình và cuộc đời của những người mà tôi muốn vẽ. Đời sống nghệ sĩ phải chấp nhận đau khổ, và từ cái đau khổ đó, họ có chất liệu để kể câu chuyện của mình.
Con đường nghệ thuật là con đường nhạy cảm, lận đận và đa đoan. Ranh giới cảm xúc của họ mong manh từ đó dẫn đến cao trào đau khổ. Sinh ra làm nghiệp nghệ sĩ là do trời định.
Như vậy, theo anh, đau khổ là chất xúc tác cần thiết cho nghệ thuật?
Con người sinh ra không ai muốn đau khổ. Đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta, một là tìm cách thoát khổ hoặc là chấp nhận đau khổ để tiếp tục cuộc sống này. Bản thân tôi cũng chưa một lần trông chờ vào biến cố hãy xảy ra, hãy để mình đau khổ, để rồi sáng tác.
Nhưng khi đau khổ tự nhiên kéo đến, con người có cơ hội nhìn lại, lắng đọng, chấp nhận nghịch cảnh và lúc này họ có được sự vững vàng góp phần tạo lực đẩy khủng khiếp cho nội tâm. Nhưng nếu anh cứ chìm đắm mãi trong khổ ải ấy, anh sẽ chẳng bao giờ vẽ nổi cái gì “nên hồn” trên tấm toan.
Giống như những ngày mưa gió bão bùng, đau khổ đến để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền. Chính Lão Tử cũng là người chịu nhiều khổ ải mới đắc đạo. Đức Phật cũng trải qua nỗi đau tột cùng mới đạt đến giác ngộ đó thôi. Nói đến đây để nhấn mạnh một điều rằng cuộc sống là vô thường, và dạy cho ta bài học về sự chấp nhận và đối diện với chính mình ở lúc này và ngay bây giờ.
Anh có thể chia sẻ về thói quen sáng tác cũng như trải nghiệm xúc cảm của mình trong và sau khi hoàn thành một bức chân dung?
Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.
Sự định tâm vô cùng quan trọng trong nghiệp sáng tác của người họa sĩ. Quá khứ của anh ta có thể băng qua nhiều biến cố, với những vết sẹo chưa lành, nhưng anh ta phải chấp nhận rằng mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, lắng đọng và sắp xếp lại, thì lúc này anh ta có thể nhìn thấy chính mình qua những gì anh ta đã trải qua.
Vẽ xong thì thật sự sung sướng, y như tôi đang đối diện với chính mình, thích có người bạn cụng ly bia và ngồi với nhau tâm sự, chia sẻ. Hoặc không, tôi sẽ châm điếu thuốc và ngâm bức hình trong trạng thái miên man, say đắm.
Tôi nhận thấy cảm xúc con người mình phù hợp với sơn dầu: vừa mạnh mẽ, vừa lắng đọng và tình cảm. Với sơn dầu, bạn có thể vừa tạo ra độ trầm mặc, ào ạt cảm xúc, vừa có thể phô diễn nét thâm trầm của từng lớp màu.
Có một bộ phim mang tên Freedom Writers, trong đó người giáo viên đề nghị các em học sinh chịu nhiều thương tổn trong quá khứ viết nhật ký như một phương pháp chữa lành. Có lẽ, việc nét cọ di chuyển trên tấm toan cũng khiến cõi lòng người nghệ sĩ an yên hơn.
Đối với tôi, vẽ là đam mê và không vẽ, tôi không chịu được. Nhưng ý của bạn cũng đúng, rằng vẽ là một phương pháp chữa lành. Trong khi vẽ, người họa sĩ ấy đã chấp nhận những gì đã qua, cũng giống như những em học sinh viết nhật ký, họ đã chấp nhận để rồi đặt bút.
Khi có nhiều thứ lộn xộn đè nặng trong lòng, nếu người nghệ sĩ chưa giải quyết, họ khó mà vẽ. Vì lúc đó, họ sẽ bị phân tâm. Nhưng khi mọi gánh nặng đã lắng đọng – nghĩa là lúc này anh ta chấp nhận, anh ta sẽ sẵn sàng tâm sự với tấm toan ấy.
Khi nhìn vào những bức chân dung, tôi có thể thấy linh hồn nhân vật trong tranh vô cùng rõ ràng và sống động. Chắc hẳn điều đó đã nói lên phong cách nghệ thuật của riêng anh?
Vẽ chân dung là một chủ đề cơ bản của bất cứ ai khi bước chân vào nghiệp họa sĩ. Nhưng cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình.
Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp, bạn có thể thấy những “nét phá”, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh.
Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình.
Anh từng nhấn mạnh trong cô đơn, người nghệ sĩ mới tìm thấy chính bản thân mình. Anh có thể lý giải điều này như thế nào?
Thật thế, những người nghệ sĩ độc thân hay có gia đình, bản thân anh ta vẫn luôn tồn tại cảm giác cô đơn. Trong cô đơn, họ tìm thấy chính mình. Có thể, khi với gia đình, họ cũng là một con người bình thường như ai khác thôi, nhưng có thể là vì họ biết cách cân bằng, họ ghìm những xúc cảm của mình lại để hòa quyện vào đám đông.
Nhưng tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ hết sức phức tạp, mấy ai hiểu hết tâm hồn họ, và do đó, họ cũng khó khăn khi tìm kiếm người đồng điệu, một người có thể thấu hiểu, lắng nghe và cùng chia sẻ. Ngày xưa khi có gia đình, tôi cũng phải cố gắng ghìm cảm xúc, nhưng có lẽ thiên tính nghệ sĩ trong tôi quá mạnh và người bình thường khó lòng sống nổi với cảm xúc ấy. Chính vì vậy, khi ở với gia đình, tôi cũng có cảm giác như đang ở một mình thôi, vì mình đang sống trong tâm trí của mình.
Từng có thời điểm con người tranh cãi “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, với anh thì sao?
Cả hai quan điểm đó đều sai, là vì người ta không hiểu về nghệ thuật. Bản thân nghệ thuật là nghệ thuật và là cuộc sống. Cuộc sống là nghệ thuật và nghệ thuật cũng là cuộc sống. Chúng không thể tách rời. Chẳng qua, vì mâu thuẫn chính trị nên con người cũng mâu thuẫn tư tưởng và đấu tranh lẫn nhau.
Nghệ thuật vị nghệ thuật đề cao tính cá nhân, và nghệ thuật vị nhân sinh đề cao tính tập thể. Nhưng cớ sao phải đưa nghệ thuật ra mổ xe như vậy? Vì vốn dĩ bản thân nghệ thuật đã có tất cả mọi thứ, nó là vòng tròn đầy đủ. Người nghệ sĩ trước tiên phải đề cao tính cá nhân của anh ta, chắc chắn anh ta phải có cái tôi riêng thì mới có thể sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo ấy xuất phát từ rung động cá nhân, chứ không phải tập thể. Nhưng vốn dĩ, rung động đó cũng bắt nguồn từ cuộc sống mà thôi. Thơ ca, văn học, âm nhạc… suy cho cùng đều lấy chất liệu từ cuộc sống ấy mà.
Suốt cuộc đời mình, có những người men theo một hệ tư tưởng chung để vẽ, có người thay đổi, còn anh thì sao?
Tôi là người có hệ tư tưởng liên kết nhau qua từng series tranh. Bởi con người luôn biến đổi, vạn vật vô thường, tư tưởng của tôi ngày mai có thể khác ngày hôm nay, và có thể được chắp nối và hoàn thiện dựa trên tư tưởng cũ. Tác phẩm của tôi cũng men theo hệ tư tưởng bổ sung và hoàn thiện theo thời gian đó. Tôi không thích lặp lại con người mình, tôi yêu thích tự do, vượt thoát mọi ranh giới và vượt thoát cả chính bản thân tôi. Có lẽ, tôi là người đòi hỏi nhiều về sự sáng tạo.
Cám ơn anh vì những chia sẻ hết sức thú vị!
Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO