Wednesday, June 24, 2020

Tiểu Sử Những Vị Thầy Lớn Tại Hải Ngoại

HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN 
(1925 – 1980)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.
Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...
Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.
Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.
Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.
Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.
Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.
Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.
Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.
Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 56, với 32 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm :
- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả) 
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật 
- Buddhism and Zen in Vietnam.
Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ. 

Source: 
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 

 


Thich Thien An
Ven. Dr. Thich Thien-An

September 1926 - November 1980


Ven. Dr. Thich Thien-An came to Southern California in the summer of 1966 as an exchange professor at UCLA. Soon his students discovered he was not only a renowned scholar, but a Zen Buddhist monk as well. His students convinced Dr. Thien-An toteach the practice of meditation and start a study group about the other steps on the Buddhist path, in addition to the academic viewpoint.
Several years later, his enthusiastic followers encouraged Ven. Thien-An to apply for permanent residence and start a meditation center that included place for practitioners to live. Twenty-six years later, The International Buddhist Meditation Center continues to thrive.
The IBMC today consists of six houses on a residential street several miles west of downtown Los Angeles. Suto, as his students called him, believed in the importance of being accessible to those who face the dukkha of city living. Two of the houses in the compound are named forVietnamese monks who self-immolated to bring the attention of the world to the horrors of the situation in Vietnam, an act which ultimately led to the downfall of the hated Diem regime. One of those monks, Ven. Tieu-Dieu, was Suto's father.
Suto was born in Hue and grew up in a Buddhist family. Even as a young boy, he would imitate the chanting and ceremony of the monks who came to their house to give blessings and receive dana. He entered the monastery at the age of 14 and continued his education, finally receiving a Doctor of Literature degree at the prestigious Waseda University in Japan. He then returned to Vietnam to found a university there.
Ven. Thien-An's vision of his work in the U.S. was to bring Buddhism into another culture, as always adapting to the national values and understandings. He understood the American mind and culture and had a sense of how the practice needed to differ for Americans to develop. He mentioned often how the West would eventually bring Buddhism back to the East.
When Saigon fell in 1975, Ven. Thien-An saw his responsibility and helped the boat people and other refugees from his homeland. The center became a residence for as many of the displaced as possible. Networking was done to ensure help for the others. The American monks joined with Vietnamese monks to do this Bodhisattva work.
The fleeing Vietnamese, having left all their material belongings as well as family and friends behind, were so relieved to find Buddhists when they got off the ships that many of them cried. Suto opened the first Vietnamese Buddhist temple in the United States. Eventually, he became the First Patriarch of Vietnamese Buddhism in America.
Suto's vision of Buddhism in America included a softening of the lines between different Buddhist traditions, and the Center has always included teachers from Theravada, Mahayana and Vajrayana traditions, as well as monks and students from many different countries. He encouraged interfaith as well as interBuddhist activities, and provided opportunities for students who wished to become dharma teachers and continue to live the householder's life, rather than becoming monastics. Many American monks and nuns were also ordained, and a number of his disciples still continue his work, both at the IBMC and other centers.
Dr. Thien-An died at the age of 54 of cancer which had spread rapidly throughout his body, from his liver to his brain. In his last months, one could often find him sitting peacefully on the steps of the bell tower. It was a gift to be able to sit quietly next to him and feel the energy of his understanding. He had many plans but saw the reality of what was happening. He smiled, as he smiled often, a smile of great compassion and loving-
 
Thich-Thien-An-


Tiểu sử Hòa thượng Thích Huyền Vi

Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi (1926-2005)

  • Tăng thống Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Linh Sơn thế giới.
  • Phó Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Thế Giới.
  • Nguyên thành viên Hội đồng Viện Tăng Thống GHPGVNTN.
  • Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
  • Nguyên giáo sư Viện Đại Học Vạn Hạnh và Viện Đại Học Sài Gòn.
  • Thành viên Hội Đồng Trưởng lão chứng minh GHPGVNTN tại Hải ngoại.
Ngài thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 41, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Đạo, pháp hiệu Huyền Vi, tục danh Lê Văn Huyền, sinh ngày 08/04/1926 (26/02/Bính Dần) tại làng Phước Khánh, tổng Vạn Phước, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Vốn sinh trưởng trong gia đình Nho phong Lễ giáo và là con một. Thân phụ là cụ Chánh Tổng Lê Văn Hiển, một nhà Hán học uyên thâm; Hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Điểm.
Lúc ấu thơ Ngài đã chịu cảnh mồ côi mẹ khi lên 9 tuổi. Cụ Ông phải chịu cảnh gà trống nuôi con, rõ được quy luật vô thường của kiếp nhân sinh, nên Cụ Ông đưa đứa con duy nhất quy y Tam Bảo, làm đệ tử đại lão Hòa thượng Thích Trí Thắng, Trụ trì Sắc Tứ Thiên Hưng, thuộc làng Vân Sơn, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh Như Kế.
Năm 12 tuổi Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thế phát xuất gia và ban pháp tự Giải Đạo.
Năm 14 tuổi Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa di tại Giới đàn Sắc Tứ Thiên Đức Tự, thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Việt Nam. Tại Giới đàn này, sau khi khảo hạch Giới tử, Ngài đậu Thủ chúng Sa di, được phần thưởng danh dự trong số trên 300 giới tử.
Năm 20 tuổi, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ kheo giới tại Giới đàn Sắc Tứ Tây Thiên Tự, thuộc làng Bảo An, quận Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Sau khi thọ Cụ túc giới, vừa phụ tá Hòa thượng Bổn sư tại Tổ đình vừa làm Quản sự tại Chùa Sùng Ân, Phan Rang. Nơi đây, Ngài được Hòa thượng Bổn sư tin tưởng giao nhiệm vụ Giám đốc.
Năm 1950, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho nhập học tại Phật học đường Nam Việt Tổ đình Ấn Quang, Sài gòn và được sự quan tâm đặc biệt của nhị vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Vốn tư chất thông minh và tài biện thuyết, học đến năm thứ tư, Ngài đã được gia nhập vào Giảng sư đoàn để hướng dẫn các lớp dưới. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Ấn Quang vào năm 1955, Ngài được giao nhiệm vụ Giám đốc kiêm Giám viện.
Cuộc đời của Ngài nổi bật nhất là hai phương diện Hoằng pháp và Giáo dục, trong nhiệm vụ Như Lai sứ giả, Hoằng pháp vi gia vụ, Pháp âm của Ngài vang dội khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Vào ngày 02/02/1961 Ngài lên đường du học tại Viện Đại Học Nalanda, Ấn Độ. Sau khi học xong chương trình Cử nhân Anh văn, Ngài học văn bằng cổ ngữ Acharta. Những năm kế tiếp, Ngài trình Luận án M.A. với đề tài “The four Abhidhammic Reals” (Tứ Chân Thật Pháp). Rồi ba năm sau, Ngài trình Luận án Tiến-sĩ (Ph.D) với đề tài “The life and work of Sariputra Thera” (Cuộc đời và sự nghiệp của Tôn giả Xá Lợi Phất).
Năm 1972, vì nhu cầu Phật sự chung của Giáo hội, tuân chỉ Giáo chỉ của đức đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết, Ngài trở về quê nhà đảm trách chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1974, Ngài được Viện Tăng Thống suy cử Thành Viên Hội Đồng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lúc bấy giờ đa số thành viên đều là các bậc Tôn túc Trưởng lão.
Sau 1975, Ngài phát nguyện hoằng dương Phật pháp ở hải ngoại. Sau khi định cư tại Pháp quốc, Ngài hoàn thành Sứ mệnh “Thượng hoằng Phật đạo, hạ Hóa chúng sinh”, điểm nổi bật đáng kể qua nhiều phương diện:
  • Sáng lập Giáo hội Phật giáo Linh Sơn thế giới, phát triển các chi nhánh khắp năm châu, làm sống lại tinh thần Linh Sơn Pháp Hội như thời Đức Phật còn tại thế.
  • Liên tục đào tạo tầng lớp Như Lai Sứ giả hoằng truyền Chính pháp.
  • Là thành viên của các tổ chức Phật Giáo trên thế giới và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng.
  • “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, nơi nào có đủ duyên lành thì Tự viện  hoặc Hội Phật Giáo được tạo dựng nơi đó.
  • 1975 Thành lập Chùa Linh Sơn tại Pháp Quốc.
  • 30/01/1977 Thành lập Tự Viện Linh-Sơn tại Pháp Quốc.
  • 27/03/1977 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hawaii, Mỹ Quốc.
  • 03/09/1978 Thành lập Giáo Hội Phật giáo Linh Sơn Pháp Quốc.
  • 26/11/1978 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Detroit, Michigan, Mỹ Quốc.
  • 08/05/1979 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Bruxelles, Bỉ Quốc.
  • Tháng 10/1979 và những năm kế tiếp – Thành lập các Giảng Đường Linh Sơn tại Đài Bắc, tại Trung Hiếu, tại Trung Lịch và Viện Nghiên Cứu Phật Học Linh Sơn tại Đài Bắc, Đài Loan. (HT. Thích Tịnh Hạnh)
  • 05/02/1980 Thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học Linh Sơn  tại Pháp.
  • 07/09/1980 Thành lập Hội Phật Giáo và Chùa Linh Phong tại Thụy-Sĩ. (SB. TN. Như Tuấn)
  • 1980 Thành lập Thiền Đường Linh Sơn tại Tây Đức (HT. Pàsàdika)
  • 20/09/1981 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại London, Anh Quốc.
  • 22/11/1982 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Austin, Texas, Mỹ Quốc.
  • 21/05/1983 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Grand Rapids, Michigan, Mỹ Quốc.
  • 17/07/1983 Thành lập Thiền Đường và Hội Sakyamuni tại Montbéon Pháp.
  • 22-24/04/1983 Thành Viên Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại.
  • 15/04/1984 Thành lập Niệm Phật Đường Luzeru, Thụy-Sĩ.
  • 27/05/1984 Thành lập Niệm Phật Đường Linh Sơn  và Hội Phật Giáo tại Poitiers, Pháp Quốc.
  • 20/10/1984 Thành lập Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Montebello, California, Mỹ Quốc.
  • 07/11/1984 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Houston, Texas, Mỹ Quốc.
  • Tháng 02/1985 Thành lập Niệm Phật Đường và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Brest, Pháp Quốc.
  • 16/03/1985 Thành lập Niệm Phật Đường và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Reims, Pháp Quốc.
  • 30/05/1985 Thành lập Niệm Phật Đường và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Pontoise, Pháp Quốc.
  • 13/10/1985 Thành lập Hộ Phật Giáo Linh Sơn tại Detroit, Michigan, Mỹ Quốc.
  • 05/12/1985 Nhận lãnh và thành lập Chùa Linh Sơn Song Lâm tại Kushinagar, Ấn-Độ.
  • 27/04/1986 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Toulouse, Pháp Quốc.
  • 02/11/1986 Thành lập Tùng Lâm Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn, Rancon Limoges, Pháp Quốc.
  • 26/09/1987 Thành lập Chùa Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Brisbane, Úc Đại Lợi.
  • 20/11/1987 Thành lập Hội Phật Giáo Linh Sơn tại New Jersey, Mỹ Quốc.
  • 10/03/1988 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Windsor, Gia Nã Đại.
  • 11/09/1988 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Toronto, Gia Nã Đại.
  • 25/09/1988 Thành lập Chùa Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Portland, Mỹ Quốc.
  • 20/10/1988 Thành lập Tự Viện Linh Sơn tại Kinshasa, Zaire, Phi-Châu.
  • 16/07/1989 Thành lập Tự Viện Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Mỹ Quốc.
  • 1990 Thành lập Chùa Linh-Sơn tại Mulhouse, Pháp Quốc.
  • 1990 Thành lập Hội Phật Giáo Linh-Sơn tại Columbus, Ohio Mỹ Quốc.
  • 30/09/91 Thành lập Chùa Linh Sơn Melbourne, Úc Đại Lợi.
  • 09/05/93 Thành lập Chùa Linh-Sơn Worcester, Mỹ Quốc.
  • 30/09/93 Thành lập Linh-Sơn Thiên Các Tự tại Phổ Ninh, Quảng Đông, Trung Quốc.
  • 22/04/94 Thành lập Hội Phật Giáo Bồ Đề tại Montpellier, Pháp Quốc.
  • 07/07/96 Thành lập Linh Sơn Quán Âm Tự tại Mỹ Quốc.
  • 12/10/96 Thành lập Thiền Viện Linh Sơn và Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Montréal, Gia Nã Đại.
  • 20/05/97 Thành lập Chùa Linh Sơn tại Columbus, Ohio Mỹ Quốc.
  • 01/06/97 Thành lập Chùa Linh Sơn tại East Moline, Mỹ Quốc.
  • 01/12/97 Thành lập Chùa Nhơn Vương tại Troyes, Pháp Quốc.
  • 20/01/98 Thành lập Niệm Phật Đường Linh Sơn tại H.D Etten Leur Hòa Lan.
  • 08/02/98 Thành lập Chùa Linh Sơn tại Tottenham, Anh Quốc… Trên 50 đơn vị chùa và Hội Phật Giáo Linh Sơn trực thuộc sự lãnh đạo và chỉ đạo của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế giới. Số Tăng Ni được đào tạo đủ khả năng thừa hành Phật sự lên đến trên trăm vị.
  • Mặc dù Phật sự đa đoan và tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn tròn sứ mệnh: “Tác Như Lai sứ, Hành Như Lai sự”
  • Mùa Hạ năm 2000, Ngài đã ký mua được khu đất và ngôi nhà với diện tích trên 3000 m², mục đích kiến tạo một cơ sở thích nghi cho văn hóa và giáo dục Phật Giáo là tạo dựng một viện Đại Học Phật Giáo Thế Giới tại Vitry cận thủ đô Paris. Viện Đại Học này, không những đào tạo Tăng Ni và cư sĩ người Việt mà còn cho cả người Tây phương.
Hóa duyên ký tất, Ta bà quả mãn, Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch tại Tự Viện Linh Sơn Paris Pháp Quốc lúc 19 giờ 45, ngày 15 tháng 02 năm 2005 (nhằm ngày mùng 7 tháng giêng năm Ất Dậu) Trụ thế 80 tuổi, 59 Hạ lạp và 68 Tăng lạp.
Với ý chí kiên trì và hy sinh cao cả, Ngài đã vượt mọi khó khăn để gánh vác những Phật sự lớn lao. Ngài là một tấm gương sáng về phương diện hoằng pháp lợi sanh; công hạnh và uy đức của Ngài tỏa rộng khắp nơi. Ngài thật xứng đáng là một bậc long tượng, là một đống lương của ngôi nhà Phật pháp.
Những Tác phẩm của Ngài đã xuất bản:
–  Đường Về Xứ Phật – Viết chung với Minh Châu, Thiện Châu, và Pàsadika
–  Buddhist Doctrine – Dharma Talked by Thich Huyen Vi
–  Thiền Tứ Oai Nghi – La Pratique Du Zen – How to Meditate the Buddha’s Way – PL 2538
–  Phật Nói Kinh Chánh Pháp Đại Bửu Tích Hỏi Ngài Ca Diếp – PL 2539
–  Đức Phật Nói Kinh Hồng Danh Lễ Sám – Trọn bộ 3 tập, PL 2539
–  Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm và Các Kinh Khác – 1995
–  Les Bases Fondamentales Du Bouddhisme Mahayana – Tome 1, 2, 1997
–  Kinh Viên Giác –  Thích Huyền Vi dịch Việt, 1997
–  Bốn Kinh Của Phật Tổ – PL. 2542
–  L’Essentiel Du Bouddhisme
–  Những Dòng Sữa Mẹ – 2 tập, 2002

chandunghtmangiac 

Tiểu Sử
Hòa Thượng Thích Mãn Giác
(1929-2006)

Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không,  thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Sau khi học xong chương trình Tiểu Học Yếu Lược và được lên Lớp Nhì Nhứt Niên, tuổi đời mới lên 10, HT Thích Trí Thủ là người anh cô cậu ruột đã có duyên xuất gia từ trước, đã hướng dẫn người em gửi gắm đến với HT Thích Quảng Huệ, Trú trì chùa Thiên Minh Huế cho nhập đạo tu hành.
Năm 16 tuổi, nhằm quý niên Giáp Thân, 1944, Sa Môn Thích Mãn Giác được Thế độ thọ giới Sa Di, pháp danh Nguyên Cao, tự Thích Mãn Giác, đạo hiệu Huyền Không tại Chùa Thiên Minh và sau đó được thọ giới chính thức tại Giới Đàn Thuyền Tôn do Đại Lão HT Thích Giác Nhiên làm Đường Đầu Hòa Thượng, HT Thích Tịnh Khiết làm Yết Ma, HT Thích Đắc Quang (Chùa Quốc Ân) làm Giáo Thọ. Trong Giới đàn này, Thiền sư Thích Mật Thể đỗ Thủ Sa Di, Thích Trí Quả làm Vỹ Sa Di và Sư Bà Thích Nữ Diệu Không cũng được nhận Đại Giới Tỳ Kheo Ni.
Năm Kỷ Sửu, 1948, cùng với học tăng cùng học chương trình Đại Học Phật Giáo tại Phật Học Đường Báo Quốc được tiếp nhận giới bổn Tỳ Kheo trong Đại Giới Đàn do Đại Lão HT Thích Tịnh Khiết làm Đường Đầu, Đại Lão HT Thích Giác Nhiên làm Yết Ma, HT Thích Vĩnh Thừa (Châu lâm) làm Giáo Thọ. Giới đàn này quy tụ các học chúng ưu tú mà sau này trở thành các nhân sự lãnh đạo Phật giáo tăm tiếng _ HT Thích Thiện Siêu làm Thủ Sa Di. HT Thích Thiện Minh làm Vỹ Sa Di _ đã lèo lái con thuyền PGVN vượt qua nhiều cơn giông bão. Cùng thọ giới với Sa Môn Mãn Giác năm này còn có các vị thạc đức tha thiết hoạt động trong lãnh vực văn hóa giáo dục sau này như HT Thiên Ân, HT Thích Đức Tâm... là những vị đã từng học và đã đồng tốt nghiệp chương trình Đại Học Phật Giáo niên khoá 1951-1952 trên Hàm Long Sơn, Huế.
Năm 1950, Canh Dần,, sau lễ Chung Thất của Ngài Bổn Sư vừa viên tịch, Đại lão HT Thích Giác Nguyên, Trưởng Pháp Phái, đã chiếu tập Chư Sơn Giáo Hội Huế, HT Thích Quảng Nhuận, Trú Trì Tổ Đình Từ Quang, huynh đệ trong cùng môn phái Thiên Minh như Thích Châu Phong (Nguyễn Phương Danh), Thích Châu Ninh, Thích Châu Sơn, Thích Châu Đức, Thích Nữ Diệu Âm... hội họp và truy cử Sa Môn Thích Mãn Giác giữ chức vụ Trú Trì Chùa Thiên Minh để tiếp tục nối dòng Pháp Phái.
Từ năm 1954, Sơn Môn Huế và Hội Phật Học Trung Phần công cử Sa Môn đến làm giảng sư tại Dalat, vài năm sau kiêm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Phật Giáo Dalat, Đại Diện Hội Phật Giáo Cao Nguyên Trung Phần. Đây là những năm tháng gắn bó với Phật sự, dấu chân hoằng pháp in đậm trên mọi miền và đem lại rất nhiều an ủi cho quần chúng tin Phật đang bị thử thách nguy cơ đàn áp và lôi cuốn đổi đạo của chính quyền.
Năm 1960, được đi du học Nhựt Bổn, được tiếp xúc miền đất Thiền học hưng thịnh và được thở hương Đạo mặn mà ủ kín nơi những bài thơ Hài Cú tài hoa và dưới những cánh hoa anh đào rực rỡ.
Cuối năm 1965, sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ, Bộ Giáo Dục VNCH chính thức mời về giảng dạy tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn và Huế qua bộ môn Triết Học Ấn Độ và Trung Hoa. Đây cũng là thời gian mà Sa Môn Mãn Giác thực sự dấn thân vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, nhằm giải tỏa và vô hiệu hóa những xuyên tạc ngộ nhận đối xử bất công đối với văn học và Phật giáo nói chung
Cũng trong năm này, 1965, Sa Môn Mãn Giác bắt đầu cộng tác chặt chẽ với Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Viện Đại Học dân lập đầu tiên của Phật giáo) do HT Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Sa Môn Thích Mãn Giác đóng vai trò Khoa trưởng Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương. Và trong vài năm sau đó, giữ trong nhiệm Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Đại Học Vạn hạnh cho tới ngày miền Nam sụp đổ (1975) và Viện Đại Học Vạn hạnh bị chiếm dụng làm cơ sở nhà nước.
Từ ngày về lại nước, một mặt, Sa Môn Mãn Giác hoạt động trong môi trường văn hóa giáo dục của Đời lẫn Đạo, mặt khác còn dấn thân tích cực trong các Phật sự của Giáo Hội. Những vai trò mà Sa Môn Mãn Giác từng đảm trách với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như:
- Quyền Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên (Tổ Chức Đại Hội Thanh Niên Toàn Quốc)
- Tổng Vụ Trưởng Văn Hóa (Tổ Chức Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc)
- Trưởng Ban Tổ Chức nhiều năm Đại Lễ Phật Đản trọng thể tại Thủ Đô Saigon. 
Từ năm 1977, sau cuộc vượt biên thành công, Sa Môn Mãn Giác chính thức định cư tại Hoa Kỳ, Viện Chủ Chùa Việt Nam Los Angeles và là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tập hợp gồm nhiều Chùa, Hội Phật Giáo Việt Nam trải khắp đất nước Hoa Kỳ. Trong cương vị Hội Chủ, với hơn 25 năm hành đạo trên đất mới, tâm niệm và hành tác như trọn đời vẫn là hướng về chăm lo cho chùa Tổ ở quê nhà, tiếp dẫn hậu lai nơi hải ngoại. Những việc cần làm sẽ và đã làm xong, cuối đời, lòng bình an như thảnh thơi mây trắng.
Sa Môn Mãn Giác, qua đạo hiệu Huyền Không là một hồn thơ Đạo. Tiếng thơ rộn rã trong hơn một ngàn bài gói trọn tâm hồn và gương mặt tác giả thu được gồm 5 tập:
_ Không bến hạn
_ Hương Trần Gian
_ Không Gian Thành Chiếc Áo
_ Kẻ Lữ Hành Cô Độc
_ Mây Trắng Thong Dong

Ngoài ra, về phương diện trước tác, sáng tác, phiên dịch, biên soạn... Sa Môn Mãn Giác còn để lại trên 20 cuốn sách giá trị cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau. Đi vào khu rừng nhận thức trù phú ấy, người ta có thể tha hồ gặt hái những nụ đẹp cành mềm, những hương và những sắc nồng nàn mà lý tưởng một đời của người mài miệt trồng rừng là chỉ làm đẹp đời sống văn hóa, làm đẹp tâm hồn con người.
Sa Môn Thích Mãn Giác thường trú tại Chùa Việt Nam Los Angeles. Thỉnh thoảng, còn làm thơ, viết văn, dịch sách...  như là một dáng đẹp những ngày cuối đời.

Vào đầu tháng 8 năm 2006, Hòa Thượng cảm thấy pháp thể khiếm an, mặc dù được các hàng đệ tử, các y, bác sĩ tận tình chăm sóc chữa trị,  nhưng vì tuổi cao sức yếu, Ngài đã không qua khỏi. Ngài đã an tường xả báo thân lúc 07 giờ 55 sáng tại Chùa Việt Nam , Los Angeles, California, ngày 13 tháng 10 năm 2006. Thọ Thế 78 tuổi đời, 58 pháp lạp.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiễn dương đạo pháp và văn hóa dân tộc. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở mai sau.

Nam mô Tân Viện Tịch Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế, Phật Giáo Việt Nam Tự Viện Chủ, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ Hội Chủ, húy thượng Nguyên hạ Cao, tự Thích Mãn Giác, hiệu Huyền Không Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.


TIỂU SỬ

Cố Đại Lão Hoà Thượng THÍCH HỘ GIÁC

(1928 – 2012)

– Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
– Nguyên Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
– Nguyên Thành Viên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sỹ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Phó Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
– Nguyên Tổng Thư Ký Hội Đồng Lãnh Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại.
– Nguyên Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ.
– Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ.
– Viện chủ Tổ Đình (PHV) Pháp Quang; chùa Nam Tông; chùa Xá Lợi Phật Đài (Việt Nam).
– Viện chủ Pháp Luân Tự, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
I/ TIỂU SỬ:
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, thế danh Ngô Bửu Đạt, sinh ngày 14-1-1928 tại Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam). Thân phụ ngài là cụ ông Ngô Bảo Hộ (Tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Luật – vị đệ nhất cao tăng Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, sau nầy trở thành Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất). Thân mẫu là cụ bà Lưu Kim Phùng.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình thương nhân, gồm có hai chị em. Bào tỷ là cố tu nữ Diệu Đính (thế danh Lưu Kim Đính). Do phương kế làm ăn sinh sống, cả gia đình ngài qua Cam-pu-chia lập nghiệp tại tỉnh Praey-veng – tức Lò-veng hay làng Hoa Mỹ theo cách gọi của cộng đồng người Việt cư trú tại đó.
II/ XUẤT GIA TU HỌC:
Năm 1934, sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ ngài gởi trưởng nữ là Lưu Kim Đính cho người em gái (cụ bà Ngô Thị Dần) nuôi dưỡng và dẫn ngài cùng đến chùa Prek-reng (Cần Ché) xuất gia tu học. Thân phụ ngài xuất gia thọ giới Sa-di, Pháp danh là Thiện Luật; còn ngài xuất gia làm giới tử học tập kinh luật.
Năm 1940 ngài được thọ giới Sa-di tại chùa Sri-Sagor và được Hòa Thượng tế độ ban Pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pala).
Ngài vốn có thiên bẩm thông minh xuất chúng, chịu khó, chịu học, lại có dung mạo khôi ngôi tuấn tú nên rất được các bậc Giáo Thọ Sư thương mến, hết lòng truyền thụ sở học và được gởi vào trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pali tại thủ đô Pnom Penh, năm 1948 ngài thọ Giới Đàn (Tỳ khưu) tại trường này, sau đó ngài tốt nghiệp cao đẳng Phạn ngữ – Pali với hạng ưu. Kế đó ngài đi tu nghiệp thêm tại các xứ Miến Điện, Tích Lan để hoàn thành sở học, thành danh là một vị Tăng tài của Phật Giáo.
III/ ĐẠO NGHIỆP – CÔNG HẠNH:
Từ năm 1950 đến năm 1957, ngài thường theo Cố Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật vảng lai về nước trợ giúp chư tôn thạc đức Tăng-già trong Phật sự mở mang Phật Giáo Nguyên Thủy tại miền Nam nước Việt, nhất là tại Sài Gòn.
Năm 1954, ngài cùng phái đoàn Tăng-già Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam tham dự Đại Hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ VI tại thủ đô Ngưỡng Quang, Miến Điện (khai mạc vào dịp đại lễ Phật Đản, ngày 17 tháng 5 – Visàkha Day – Thời gian kết tập trải qua 2 năm, đến Phật Đản 1956, Phật lịch 2500 mới hoàn thành – Theo Phật Quang Đại Từ Điển, tr.5189). Nhờ thông tuệ 2 văn hệ Phạn ngữ và Pàli, ngài được tuyển thỉnh là một trong 2.500 thành viên chính thức dự phần nghe tuyên đọc kết tập Tam Tạng.
Năm 1957, sau nhiều năm du học ở xứ người, ngài trở về Việt Nam và khi Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thành lập, ngài được suy cử đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội.
Năm 1958, với sự ủng hộ của hãng dầu cù-là hiệu Mac-Phsu và chư tôn đức cao tăng cùng quý nam nữ Phật Tử, ngài cùng Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật kiến tạo ngôi Tam Bảo chùa Pháp Quang, và tại nơi đây, ngôi trường Phật Học đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam được thành lập có tên là Phât Học Viên Pháp Quang do ngài làm Viện Trưởng, chuyên đào tạo Học tăng qua 3 học vị: Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật Học theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Học vị do trường cấp cho Tăng Sinh tốt nghiệp được Hội Phật Giáo Thế Giới (ngành giáo dục) công nhận. Ngôi trường đã đào tạo nhiều bậc Tăng tài phục vụ sự nghiệp phát triển Phật Giáo Nguyên Thủy trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. Các Hòa Thượng, Thượng Tọa hiện nay như: HT Pãnnõ, HT Tịnh Giác, HT Minh Giác, HT Thiện Nhân, TT Bửu Chánh, TT Giác Trí… đều xuất thân từ ngôi trường này.
Pháp nạn 1963 là một biến cố chấn động toàn thể Phật Giáo Đồ Việt Nam, ngài cùng Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam tham gia Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đấu tranh trong tinh thần bất bạo động cho sự bình đẳng, tự do tôn giáo đối với Phật Giáo đến khi thành công và cũng đã bị bắt cầm tù trong thời gian này như bao Tăng Ni dấn thân hộ đạo lúc bấy giờ.
Năm 1964, Phật Giáo được thống nhất tại miền Nam cùng các Hội Phật Giáo miền Bắc di cư lấy danh hiệu là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bản Hiến Chương đầu tiên của Phât Giáo Việt Nam ra đời. Ngài cùng chư tôn đức cao tăng Phật Giáo là một trong những thành viên sáng lập nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong tổ chức Giáo Hội thời bấy giờ, ngài đã liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp… và vào thời điểm hình thành Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, ngài được suy cử vai trò Phó Giám Đốc (Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo lúc ấy là Thượng Tọa Thích Tâm Giác).
Với chí nguyện hoằng pháp độ sanh, với thiên tài sở học Phật pháp, ngài đã hoằng truyền làm tỏ rạng chánh pháp Nguyên Thủy khắp cả miền Nam nước Việt, làm cho mọi người biết nhiều hơn đến Phật Giáo  Nguyên Thuỷ (tức  Phật Giáo Nam Tông như tên gọi hiện tại). Đây là công đức lớn lao với Tăng, Tín đồ Phật Giáo Nam Tông ngày nay. Bên cạnh đó, với sở học xuất sắc Phạn ngữ – Pali, ngài đã trợ duyên cho Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh (nay là Học Viện Phật Giáo TP.HCM) dịch thuật Đại Tạng Kinh Pali – Việt phổ biến đến khắp Tăng Ni, Phật Tử có nhu cầu nghiên cứu Phật học, quan trọng hơn nữa là hòa nhập với Phật Giáo các nước theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ.
Song song với Phật sự đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp, Ngài đã kiến tạo ngôi chùa Nam Tông với ý nguyện thành lập Phân Viện Đại Học Phật Giáo Nam Tông thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh nhằm phát triển Phật Giáo Nam Tông tại nước nhà, sánh vai cùng các nước Phật Giáo Nam Tông trên thế giới.
Tuy đa đoan nhiều Phật sự, nhưng ngài cũng dành được thời gian biên soạn, trước tác với 27 tác phẩm đã sáng tác, dịch thuật; trong đó có 5 tác phẩm lớn chưa ấn hành. Một số kinh sách của ngài thường được nhắc đến là:
– Tình mẹ.
– Trúc Lâm dậy sóng.
– Tính đời ý đạo.
– Tình bạn.
– Thanh Văn sử.
– Cuộc đời và sự nghiệp Đại Đế A Dục Vương.
– v.v…
Năm 1981, nhận thấy tình hình nhiễu nhương của Phật Giáo Việt Nam qua việc bị thúc ép hình thành một Giáo Hội nữa ngoài ý muốn của đại đa số Tăng Ni, Phật Tử và của riêng cá nhân ngài, ngài quyết định rời khỏi Việt Nam bằng cách vượt biên giới qua ngã đường bộ Cam-pu-chia.
Năm 1982, ngài chính thức định cư tại Hoa Kỳ.
Một năm sau đó, ngài cùng với 8 vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Hội Đồng đã thỉnh cử ngài vào cương vị Tổng Thư Ký Hội Đồng.
Năm 1992, khâm tuân lời kêu gọi đức Đệ III Tăng Thống, ngài cùng đông đảo chư tôn đức và quý cư sĩ thành lập Uỷ Ban Vận Động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Không lâu sau đó, cơ cấu nầy được Đại Lão Hòa Thượng Đệ IV Tăng Thống Thích Huyền Quang ủy nhiệm vai trò Văn Phòng II Viện Hóa Đạo mà ngài là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành cho đến khi ngài viên tịch.
Năm 2008, do sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, đức Đệ IV Tăng Thống ban hành giáo chỉ suy cử ngài lên tôn vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong những năm định cư ở xứ người, ngài đã lên đường hoằng du nhằm nghiên cứu đồng thời cũng xiển dương chánh pháp tại nhiều nước: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức, Thụy Sĩ v.v… Ngài đã kiến tạo nên ngôi chùa Pháp Luân ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Ngài cũng là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ngài là Bổn Sư; A-xà-lê; Giáo Thọ Sư biết bao Tăng chúng trong và ngoài nước với thiên tài Phật học xuất chúng và thông thạo ngoại ngữ qua 6 thứ tiếng của ngài.
Là bậc cao tăng thạc đức nhưng với đức hạnh khiêm tốn; hòa nhã; tế nhị và sâu sắc, ngài luôn được Tăng Ni, Phật Tử trong và ngoài nước quý mến; kính trọng. Với tấm lòng cao cả, ngài luôn đùm bọc chở che, nâng đỡ đối với huynh đệ và hàng môn đồ đệ tử. Có thể nói, ngài là tấm gương sáng chói cho hàng hậu học noi bước trên đường đạo.
IV/ VIÊN TỊCH:
Cả cuộc đời của Cố Hòa Thượng Thích Hộ Giác là dành trọn cho sự nghiệp tu học và hoằng dương chánh pháp không mệt mỏi. Đến năm 2007, ngài tròn 80 tuổi, do tuổi cao sức yếu và thọ bệnh, nên ngài dừng bước vân du, dưỡng bệnh tại chùa Pháp Luân. Trong suốt thời gian nghỉ dưỡng, dù được các Y, Bác Sĩ tận tình phục dược và hàng môn đồ đệ tử tại bản tự hết lòng chăm sóc, nhưng sanh – lão – bệnh – tử là định luật mà mọi người ai cũng phải trải qua, định lý vô thường – vô ngã nào phải riêng ai, thế nên Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 6 giờ 20 phút, ngày 5 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn, Phật lịch 2556).
86 năm trụ thế, 66 hạ lạp, Hòa Thượng đã cống hiến bao tinh hoa cho Phật pháp. Giờ đây công tròn hạnh mãn, ngài xã thân tứ đại ra đi, để lại cho hàng môn đồ đệ tử xuất gia và tại gia cùng Tăng, Tín Đồ khắp nơi bao niềm tiếc thương, kính quý.
Toàn thể môn đồ đệ tử và Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam trên thế giới thành tâm cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng cao đăng thượng phẩm.
QUANG MAI
Nhuận bản theo 3 tài liệu của:
– Tỳ-Kheo Thích Minh Giác (Pháp tử của Cố Hòa Thượng).
– Tỳ-kheo Thích Giác Đẳng (Theo Tạng thư Phật Học).
– Thông cáo báo chí của IBIB (ngày 5.12.2012).