Tuesday, June 9, 2020

10 cách sử dụng mạng xã hội có ý thức

10 cách sử dụng mạng xã hội có ý thức

Lori Deschene / Hoa Ðàm dịch

Ðặc san Hoa Ðàm, số 2 chủ đề Truyền Thông Phật Giáo.
Chủ trương: Lotus Media.
Thực hiện: Tâm Thường Ðịnh – Nguyên Túc – Quảng Pháp

Thay lời nói đầu: Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải. “Anh ơi, em biết là anh có rất nhiều khổ đau trong những năm vừa qua. Em đã không giúp gì được cho anh mà còn làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn. Em xin lỗi anh! Em không cố ý làm cho anh khổ. Nhưng em đã không thấy và không hiểu được nỗi khổ niềm đau trong anh, vì vậy anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì trong lòng anh, những khó khăn và những khổ đau của anh. Em tin chắc rằng nếu hiểu được khổ đau trong anh thì em sẽ không hành xử như em đã từng làm những năm qua. Anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì chất chứa trong lòng. ” Đó là ái ngữ, là chìa khóa để mở cửa trái tim của người kia. Sự thực tập này rất là hiệu nghiệm, cho dù là giữa hai người đã có khó khăn trong 5 năm rồi. Người kia sẽ nói cho ta biết những gì trong trái tim họ và bây giờ ta có thể thực tập như Bồ tát Avalokiteshvara (Bồ tát Quán Thế Âm): Chỉ lắng nghe thôi và lắng nghe với tâm từ bi. Lắng nghe với tâm từ bi có mục đích: Giúp cho người kia trải hết lòng ra để cho họ bớt khổ. Nếu người kia có những cái thấy sai lầm thì ta cũng không nên cắt ngang. Ta phải để cho người kia nói. Sau này, nếu có thì giờ thì ta sẽ cung cấp vài dữ kiện để người kia thấy được tri giác sai lầm đó, nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ là lúc mình thiết lập lại truyền thông và hòa giải với nhau. [Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 27. 10. 2014  trong khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 25/10 – 1/11/2014]

10 cách  sử dụng mạng xã hội  có ý thức

Trong hai năm qua, mỗi ngày tôi đã đăng lên trang Twitter Tiny Buddha của mình những câu trích dẫn về trí tuệ. Vì số lượng người theo dõi đã gia tăng đáng kể, nhiều người đã gợi ý tôi nên đăng bài thường xuyên hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng bài học lớn nhất tất cả chúng ta có thể học được là: ít là đủ. Trong thời buổi mà những kết nối dường như là những hàng hóa và những tương tác trực tuyến có thể trở nên giả tạo một cách bình thường, tỉnh thức (mindfulness) không phải chỉ đơn giản gia tăng ý thức (awareness), mà là hiệp thông một cách tỉnh thức với người khác và với chính mình. Hướng tới mục tiêu này, tôi đã soạn ra một danh sách 10 mẹo vặt để sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh thức hơn.

1. Biết được ý định của chính mình

Tác giả Doug Firebaugh của trang SocialMediaBlogster.com đã nêu ra 7 nhu cầu tâm lý chúng ta có thể có mỗi khi đăng nhập: sự công nhận, chú ý, chấp thuận, biết ơn, khen ngợi, bảo đảm, và hội nhập. Trước khi bạn đăng một cái gì, hãy hỏi chính mình: Có phải mình đang muốn được mọi người nhìn thấy hay chấp thuận? Mình có thể làm được điều gì mang tính cách xây dựng hơn không để đạt được nhu cầu đó?

2. Sống thật với chính mình

Trong thời đại của sự đánh bóng thương hiệu cá nhân, đa số chúng ta đều có một cá tính chúng ta muốn phát triển và gìn giữ. Những câu status từ – bản – ngã tập trung vào một lịch trình; còn bản chất thật thì đối thoại từ trái tim. Hãy nói về những điều thật sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần một lời khuyên hay hỗ trợ, hãy hỏi mọi người. Sống trong hiện tại trở nên dễ dàng hơn khi bạn sống thật với chính mình.

3. Nếu bạn chuẩn bị đăng status, hãy luôn hỏi bản thân: Nó có thật không? Nó có cần thiết không? Nó có tử tế không?

Đôi khi chúng ta đăng những câu status mà không nghĩ đến nó sẽ ảnh hưởng tới những người đọc như thế nào. Chúng ta rất dễ quên rằng có bao nhiêu người đang đọc nó. Trước khi bạn chia sẻ điều gì, hãy hỏi bản thân: Liệu chuyện này có làm hại ai không?

4. Làm một người tốt bụng

Thỉnh thoảng tôi hay tweet trên Twitter, “Tôi có thể làm được gì để giúp đỡ hay hỗ trợ bạn hôm nay không?” Nó là một cách đơn giản của sự cho đi mà không mong nhận lại. Bằng cách dang tay ra giúp một người lạ, bạn tạo ra một khả năng kết nối thân thiết với những người theo dõi mình, bằng không thì bạn chỉ biết họ ở bề ngoài.

 5. Trải nghiệm trước, chia sẻ sau

Không có gì lạ khi bạn lấy điện thoại của mình ra và chụp một tấm ảnh rồi đăng lên Facebook. Điều này che lấp đi trải nghiệm hiện tại. Nó cũng làm giảm đi sự gần gũi riêng tư của khoảnh khắc, bởi vì toàn bộ followers của bạn sẽ tham gia nhập hội ngay lúc đó. Cũng giống như khi chúng ta cố gắng giảm bớt những âm thanh ồn ào nội tâm để sống trong hiện tại, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự với những âm thanh kỹ thuật số.

6. Hãy chủ động, đừng thụ động

Bạn có thể nhận email thông báo mỗi khi có hoạt động gì đó trên các tài khoản truyền thông xã hội, hay cũng có thể nhận được các thông báo qua điện thoại. Điều này khiến bạn phải quyết định xem mình có muốn hay cần trả lời không. Một cách tiếp cận khác đó là lựa chọn cẩn thận những cuộc đối thoại, và sử dụng thời gian offline của mình để quyết định những giá trị nào bạn có thể mang lại.

7. Hãy trả lời với tất cả sự chú ý

Nhiều người thường chia sẻ những đường link mà chưa thật sự đọc chúng, hay tham gia bình luận các bài viết khi chỉ mới đọc lướt qua. Nếu món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng một người là sự chú ý, thì mạng xã hội cho phép chúng ta rộng lượng vô tận. Chúng ta có thể sẽ không trả lời được tất cả mọi người, nhưng một câu trả lời chứa đầy tư duy khi có thể tạo ra tất cả sự khác biệt.

8. Hạn chế sử dụng mạng xã hội bằng mobile

Năm 2009, Pew Research có thống kê cho thấy 43% người dùng di động truy cập internet trên điện thoại nhiều lần trong ngày. Điều mà Linda Stone, cựu nhân viên Microsoft, gọi là sự tập trung liên tục ngắt quãng – khi bạn thường xuyên check facebook không bỏ sót chuyện gì. Nếu bạn tự giới hạn chính mình sử dụng điện thoại để truy cập internet, bạn có thể sẽ bỏ sót những gì trên mạng, nhưng bạn sẽ không bỏ sót những gì ngay trước mắt mình.

9. Luyện tập sự buông bỏ

Có thể bạn sẽ có cảm giác như mình không tốt lắm khi lờ đi một số status hay tweets, nhưng chúng ta cũng phải cần thời gian cho chính mình. Hãy cho phép bản thân bỏ đi những gì ngày hôm qua. Như vậy bạn sẽ không cần phải “bắt kịp” với những status đã qua rồi và thay vào đó bạn sẽ có cơ hội được tham gia vào những gì xảy ra ngày hôm nay.

10. Tận hưởng niềm vui!

Những điều ở trên chỉ đơn thuần là những gợi ý để giúp bạn cảm nhận hiện tại và nhiều hơn sử dụng mạng xã hội một cách có chủ đích hơn; chúng không phải là những quy luật cứng nhắc. Hãy làm theo bản năng của bạn và hãy tận hưởng niềm vui. Nếu bạn có thể sống tỉnh thức khi ngắt kết nối với công nghệ, bạn đã có đủ mọi công cụ cần thiết để có thể tỉnh thức khi lên mạng.