Sunday, June 21, 2020

Nguyễn Kim Châu: ĐÔI DÒNG GỞI LẠI

Thay lời giới thiệu
Nhơn Lý Quê tôi đẹp tuyệt vời
Nước trời xen lẫn một màu xanh. 


Nhưng đẹp hơn là những con người, những tấm lòng của người con biển. Chúng tôi được phép người bạn, người anh, NKT, cho đăng lại bài viết của Cha mình, trong dịp Lễ Cha 2020, như là một phần lịch sử của một con người lương thiện, từ tâm của Làng. Qua đó, chúng ta cũng sẽ học hỏi được một phần nào lịch sử của làng xã Nhơn Lý, nơi chúng ta cùng chôn nhau cắt rốn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. ~BXP.

Căn nhà xưa: Tranh - Nguyễn Kim Toản

ĐÔI DÒNG GỞI LẠI
Nguyễn Kim Châu

Tôi bắt đầu ghi lại những dòng này vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 06 tháng 06 năm 1980, tức ngày 24 tháng 04 năm Canh Thân. Năm nay tôi vừa tròn 54 vợ tôi 53, mười ba lần vợ tôi vượt cạn, nay còn được ba trai, năm gái.

Ngẫm nghĩ thì chưa già, nhưng đời người chà xát theo thời cuộc, thân phận người dân nơi đầu sóng ngọn gió trong một đất nước vừa qua cơn ly loạn mà vẫn chưa yên. Viết cũng để ôn lại một chặng dài mà tôi đã trải qua với biết bao buồn vui đau khổ.

Tôi chào đời vào tháng hai năm đinh Mão, tây lịch là tháng 3 năm 1927, trong thời kỳ Pháp đô hộ và vua Bảo Đại trị vì.

Lúc ấy cha mẹ tôi chưa có tư gia, còn ở chung tại nhà người bác dâu, ông bác thì đã mất sớm, tôi đã được sinh ra ở mái nhà này. Tôi là con đầu lòng, nhưng khi vừa lên 3 tháng tuổi vì lẻ ngày sinh tháng đẻ sao đó, thầy số nói tôi khắt mẹ nên mẹ tôi sẽ không nuôi tôi được. Khi đầy tháng, tôi được cha mẹ đặt tên là “Nhung”, và cha mẹ tôi phải làm theo lời thầy số là giả bộ bán tôi cho người bác dâu. Bác tôi không có con trai, nên sẵn dịp nhận tôi làm dưỡng tử và đặt tên khác là “Nầy” vậy là tôi thành con của bác tôi, nhưng Bác tôi và cha mẹ tôi vẫn sống cùng tôi trong một mái nhà.

Hai năm sau, tôi non hai tuổi, vì đời sống sao đó mà cha mẹ tôi tách ra không ở chung với bác tôi nữa, về sống gần bên ngoại của tôi. Thời gian ấy, em gái kế của tôi chào đời, được đặt tên là “Sâm”, mấy năm sau tôi có được người em trai nữa tên “Hường”.

Tôi được người bác nuôi dưỡng với tấm lòng thương cháu chẳng khác gì mẹ thương con, dù cho khổ cực nhưng bác vẫn nuôi tôi chu đáo. Năm tôi 10 tuổi, các chị gái con ruột của bác tôi điều có gia đình ngoài chị thứ tám chết trẻ. Vậy là trong nhà chỉ còn tôi, bác và người bà con gọi bằng dượng rể mắt bị mù. Cuộc sống chúng tôi rất khổ cực, bác gái buôn cá, ông dượng rể đi đan lưới mướn. Sáng chiều tôi phải đi xách nước cơm (nước vo gạo) để về cho heo ăn, lo dầu đèn kho cá, ngày hai buổi nấu cơm.

Khi tôi được 11 tuổi, cha ruột của tôi dẫn tôi xuống trường của ông giáo Thu, từ ấy tôi bắt đầu làm quen ..o..a..với lớp vỡ lòng. Ngoài thời gian học, tôi vẫn làm những công việc y như trước.

Quê tôi khi mùa đông đến, biển có sóng lớn, dân chài không thể đánh bắt cá tôm, nhà tôi chỉ có ba miệng ăn nhưng không thể được ăn no lòng, lúc khoai lang, khi khoai mì mà còn cũng không có để ăn nên phải ăn cả xác mì độn với cơm, đôi khi ngâm nước nấu thành xôi ăn cho đỡ ngán. Quần áo mặt trong người thì ai cũng như ai, chỉ duy nhất một bộ vải ta hoặc vải bùi.

Năm tôi được 12 tuổi, bác tôi làm lưới tiểu (đăng). Mỗi chầu đăng, khi làm lưới kéo cá tôi phải bơi trong biển để khép miệng lưới đang vây đàn cá.

Cha ruột tôi cũng có làm biển với dàn lưới sáu (nghĩa là lỗ lưới vừa với sáu ngón tay để vào).

Theo thông lệ làm biển quê tôi, nếu làm lưới sáu thì vào tháng mười một, chạp, giêng, hai âm lịch thì đánh cá ở Hòn Cỏ, Hòn Cân, vào tháng bảy, tám, chín thì đánh cá Cờ (còn gọi là cá Kiếm – một loài cá lớn) ở vùng biển sâu. Tôi cũng phải đi biển lưới sáu với cha tôi khi nào không phải phiên chầu lưới đăng của bác tôi. Đứa bé 12 tuổi mà phải liên tục đi biển hết mùa kia sang mùa nọ, có những ngày vào tiết mùa dông bão, trời mưa tầm tã, cứ hai con người ngồi che chung một chiếc chiếu từ chiều đến suốt đêm cho đến sáng ngày kế tiếp, trời ơi mưa, gió, dông, sóng… ướt dầm hết, ai cũng lạnh run lập cập. Có lúc tôi ngồi khóc lớn vì nỗi khổ cực vượt sức chịu đựng ấu thơ.

Từ khi 11 tuổi đến 12 tuổi, tôi cũng được học với thầy giáo làng, học mãi hai năm mà không hơn chương trình lớp năm (lớp một bây giờ). Khi 13 tuổi, tôi được vào trường của thầy Bảy Mại (còn gọi là ông Qướng anh của chị Nga) tôi và chị Nga, ông Bốn Phê (tức ông Trà)… chúng tôi được học lớp bốn (lớp hai bây giờ). Năm này cha tôi có làm sở lại cho chủ gia lưới đăng là ông đại hào Khôi, hàng ngày ngoài buổi mai đi học, buổi chiều tôi phải đi trông xem lưới đăng đang ở đâu, nếu họ có đánh được cá thì đem xuồng (sõng nhỏ) ra chở cá vào bờ cho những người buôn bán cá còn gọi là “rổi”. Có những lúc gặp gió nam (gió Lào) săng lớn, lưới đăng đang làm ở ngõ đò, cách làng tôi 5 đến 6 cây số, tôi cũng phải tìm mọi cách đưa xuồng lên chỗ lưới, đôi khi khát nước và mệt quá tôi xỉu luôn.

Tháng 2 năm 1940, nhằm vào năm Bảo Đại trị vì thứ 14, tôi được 14 tuổi, cha tôi gởi tôi lên ở nhà ông Ký (ông Ký và cha tôi là anh em bạn dì ruột) ở thôn Hứa Lễ cách quê tôi nửa ngày đi bộ.

Tôi được theo học với vị giáo già tên là ông Phương. Thầy giáo của tôi quê ở Ngã Tư, thôn Lạc Điền, thầy chuyên đi các vùng thôn xóm nghèo của chúng tôi dựng trường để gõ đầu trẻ. Xem ra, thời gian này là tôi được học hành chính quy, tôi được trọn vẹn chuyên tâm cho việc học không phải phụ cha, phụ bác đi làm.

Học được non một năm, theo học lực, thầy tôi báo cho cha tôi biết là nếu cho tôi học tiếp năm nữa, thì đến tháng sáu của năm sau, thầy sẽ làm thủ tục cho tôi đi thi yếu lược. Cha tôi cho thầy biết là cha tôi không còn đủ sức cho tôi đi học nữa. Ôi thương cho cha tôi, cho tôi, cho quê hương nghèo khó của chúng tôi.

Thế là việc học của tôi chấm dứt, tôi về trở lại nhà và tiếp tục công việc mà mình được gác lại năm trước.

Thấy tôi cũng lớn, cha tôi làm thêm một giàn lưới chù, ông cũng tìm giúp vốn cho một người để người này làm bạn biển cùng tôi. Nghề lưới chù chỉ cần có hai người.

Năm 1942, bác tôi bệnh nặng, tôi thì bận đi biển suốt ngày nên ở nhà không có ai chăm sóc coi ngó, ông dượng do khiếm thị nên không làm gì được. Vì vậy cha tôi đưa bác tôi về ở cùng ông, nhà của bác đóng cửa bỏ hoang. Sáu tháng sau bác tôi khoẻ hơn, bà nói với cha tôi ý định trở về sống ở nhà bà. Cha tôi có nói với bác về tôi như sau: chị cho phép cháu ở lại với tôi, nó đi làm có tiền chia cho phần của nó tôi sẽ gởi hết cho chị chi dùng, nếu cho cháu lại về ở với chị thì cả nhà chị sẽ khó khăn lắm, không đủ ăn… lời cha nói thắm đượm tình thương nhưng cũng nghĩ có lẽ ông không muốn xa con ruột của mình nữa.

Bác tôi về nhà hơn bốn tháng thì chị Năm (chị Minh) trước đây có chồng vào sống ở Nha Trang, nay không biết vì sao mà chồng bỏ rơi, thân một mình đầu bù tóc rối theo ghe trở về trong hoàn cảnh cơ cực, quần áo tả tơi. Cha tôi thấy chị trước sau không có một đồng một cắc, lấy đâu có vốn làm kế sinh nhai, nên hội ý với mẹ tôi rồi bảo chị lên cùng sống với chúng tôi, ngày ngày chị mua cá chạy chợ bán kiếm tiền lời và được phép giữ riêng. Được một năm chị tôi cũng dành dụm ít vốn, nên xin phép trở về nhà bác tôi. Hai mẹ con lập quán mua bán rượu. Chị làm ăn cũng giỏi, đến năm 1948 chị thưa cùng bác, hai mẹ con dỡ bỏ nhà cũ đã mục nát, cất lại nhà mới quay ra hướng bắc tốt hơn nhà cũ quay về hướng tây.

Năm 1944, Nhật đảo chánh Pháp. Máy bay Mỹ bắn tàu Nhật ở ngay vùng biển quê tôi, lính Nhật chết nhiều lắm. Sau đó, tàu Nhật bị chìm nên dầu đen, hàng hóa như: cao su, nến còn nguyên kiện tấp vào bờ biển nhiều vô kể, mọi người ai ai cũng đi khiêng về chấc đống đầy nhà, chôn đầy hầm mà chưa biết phải làm gì với nó.

Năm này tôi cũng vừa tròn 18 tuổi, cha mẹ tôi bàn tính việc vợ con cho tôi. Theo ý bác tôi bà có để ý một cô gái cùng thôn nhưng cha mẹ tôi chưa thuận lắm. Sau một thời gian nhờ người mai mối, cha mẹ tôi nhận được sự thuận lòng của bà nhạc tôi sau này. Tôi 18 tuổi, vợ tôi 17 tuổi, hai bên nhờ thầy xem tuổi của chúng tôi, thầy cho là cũng tốt. Sau lễ sơ vấn đến lễ thứ hai, bà nhạc tôi chấp nhận gã con gái, còn tôi thì bắt đầu làm thân chú rể trẻ. Lần đầu tiên vào nhà vợ, tập sự làm rễ, ôi thôi ngại ngùng bỡ ngỡ. Sau việc giao ước hôn nhân, trải qua hết lễ này đến lễ khác thì rồi cũng đến lễ cưới. Khi cưới xong vì chúng tôi còn nhỏ, nên vợ tôi phải vẫn phải ở nhà mình giúp việc cho gia đình, tôi phải chờ khi nào vợ tôi đủ 19 tuổi thì mới được đưa vợ về nhà mình.

Nói về lễ cưới của chúng tôi. Vào ngày 13 tháng năm năm 1945 chúng tôi dựng rạp, nhóm họ. Ngày 14 là lễ rước dâu, ngày ấy lại gặp dông tố âm u, lại có nhiều kiện nến đang trôi vào bờ từ tàu Nhật bị chìm. Thôi thì bà con hai họ lo đi lấy nến từ tờ mờ sáng, ai ai cũng quên mất lễ cưới của chúng tôi. Đến chiều quay về nhiều người như anh Định, anh Dò, anh Phó bị gió mưa xé nát áo quần, ngồi tuồng trên phản gỗ xin cơm ăn, ăn xong tỉnh hồn mới nhớ đang không có quần phải lấy áo làm chăn che tạm để đi về nhà, thấy mà tội nghiệp vô cùng. Lúc 8 giờ ngày 14, trong lễ rước dâu ngang qua những con đường ngổn ngang, đổ ngã… do trời đất mới trải qua cơn lốc xoáy. 
Bỏ qua thời ấu thơ, 11 tuổi, khi tôi có một phần ý thức được cuộc sống cho đến năm 18 tuổi lấy vợ, tôi gần như cực khổ hết bảy năm, trong thời gian đó tôi có một năm được học hành trọn vẹn.

Tháng tám năm 1945, Việt Minh đứng dậy. Dân làng rầm rập, xôn xao biểu tình, đá đảo, xây dựng chính quyền và tôi được mang danh bộ hộ tịch là Nguyễn Kim Châu. Lần đầu tiên tôi mới biết tham gia vào việc xã hội, được là đội viên dân quân tự vệ để canh gác xóm làng.

Năm 1946 phát động phong trào diệt giặc dốt, tôi được làm ông giáo bình dân học vụ. Ngày lo sinh kế, đêm về tôi đến lớp kèm cặp dạy từng con chữ cho những anh chị em đồng lứa tuổi nhưng còn đau khổ hơn mình vì chưa một ngày được đi học, họ còn mù chữ.

Năm 1947, tôi tròn hai mươi vợ tôi tròn mười chín, chúng tôi hồi hộp và có được cháu trai, vợ tôi sinh con so đầu lòng ở nhà bà nhạc tôi. Tội nghiệp, bốn ngày sau khi sinh con trai tôi rụng rúng nhưng rúng không chịu lành. Ngày đầu chảy máu ít nhưng về sau mỗi ngày mỗi nhiều hơn, đến ngày thứ tám con trai tôi kiệt sức mà chết. Ngày ấy nơi làng quê nghèo đói của chúng tôi, chúng tôi làm gì biết đến những kiến thức về y khoa, về viêm nhiễm, về chống nhiễm trùng và cách điều trị đơn giản nhất. Từ ấy về sau, mỗi năm chúng tôi sinh mỗi năm một khi thì trai khi thì gái nhưng đều giữ không được. Theo bây giờ nghĩ lại thì có thể lúc đó do vợ chồng tôi làm việc nặng nhọc cực khổ, không có ý thức giữ gìn thai nhi… thành ra vậy. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi lo cúng kính thầy thuỷ, thầy hời, tôi luôn quanh quẩn hàng năm một trong nhiều mối lo, lo nuôi vợ sinh nỡ, lo tiền thuốc, lo tiền cúng thầy.

Trong thời gian này, ba tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi đang trong sự kiểm soát của Việt Minh. Vì bị giặc Pháp bao vây nên dân chúng khó khăn, phần nghề biển thì không thuận lợi nên vô cùng đói kém. Chúng tôi dùng ghe bầu dong buồm và chèo tay vượt biển vào tận miền Tây lục tỉnh để mua gạo. Tôi đi ba lần, lần đầu cùng ghe ông Lập, rồi đến ghe ông Nhẫn cả hai chuyến đều trót lọt. Chuyến thứ ba đi cùng ghe anh Bê, gặp phải máy bay Pháp truy sát, rồi chìm ghe ở khu vực Ninh Thuận, chúng tôi bơi được vào bờ, đói lả, được bà con người Chăm cho ăn. Lần hồi cũng tìm đường về được tới quê nhà sau bao gian nan khổ sở, đồng vốn lận lưng thì mất sạch.

Đến năm 21 tuổi, cha mẹ cho vợ chồng tôi được tách ra sống riêng. Tôi làm chung với cha tôi nữa phần ghe lưới đánh cá chù (cá người). Vợ tôi thì quang gánh cá mắm đến những vùng quê lân cận buôn bán hết ngày nọ sang ngày kia. Bác gái tôi thì đã qua đời, tôi xem bà như mẹ của mình. Còn chị Năm Minh của tôi lại có một đứa con trai mà không có cha chính thức trong hoàn cảnh nhận thức của thời gian ấy, việc này rất khổ sở. Chị mang con lên đèo thôn Hướng Lộc trú ngụ trong hoàn cảnh cực khổ cô đơn. Căn nhà bác tôi lại bỏ hoang lần nữa, xóm làng sợ ngã đổ nguy hiểm yêu cầu tôi phải tháo dỡ, tôi đành phải hạ nhà bác xuống, xếp lại cất. Tội nghiệp số phận thời cuộc đẩy đưa, cũng vì con mà sau này khi nhắm mắt xuôi tay chị Năm cũng vò vỏ cô đơn ở vùng đất lạ xa quê.

Thời gian này giặp Pháp luôn khủng bố, phá hoại về mặt kinh tế ở các vùng đất Việt Minh còn làm chủ. Tàu Pháp thường xuyên đến bắn phá, cả gia đình cùng làng xóm phải chạy vào núi khi giặc tới, chúng đã đốt sạch ghe lưới của chúng tôi. Khổ càng thêm khổ.

Vào tháng ba của năm tôi hai mươi ba tuổi tôi bị bệnh ban bạch, chết đi sống lại nhiều lần. Biết bao công lao của vợ tôi và gia đình đã lo lắng chăm sóc cho tôi, mãi đến tháng tám năm đó thì tôi khỏi bệnh.

Hai năm sau, căn nhà xếp để lâu bị hư, tôi dỡ nhà bỏ đi, chỗ đất trống tôi làm thành nơi nhóm chợ chiều nhưng người buôn bán cũng ít đến. Thấy chỗ cũng thuận tiện, vợ chồng tôi dựng lên một mái nhà tranh lụp xụp ở tạm, khi vào mùa động gió, cát bay vào lấp từ nóc nhà xuống đến nền, sáng ngủ dậy từ trong nhà mở cửa phải đào đất mà ra.

Chưa giữ được mụn con nào, chỉ hai vợ chồng “son” mà đến mùa sóng gió chúng tôi cũng không đủ cái để ăn. Tôi thì đi sang xóm bên cạnh cùng người ta kiếm con ruốc, còn tội nghiệp vợ tôi phải kho cá, làm mắm gánh lên những vùng đèo cao, xóm ruộng bán cá mắm hoặc ai không có tiền thì đổi sản vật.  Đi lúc nửa đêm về khi chiều muộn, trong quang gánh nào khoai mì, khoai lang, gạo, bánh tráng…nhờ vậy mà chúng tôi no lòng.

Giặc Pháp điên cuồng khủng bố làng xóm nghèo đói của chúng tôi. Có lần máy bay truy sát khi chúng tôi chạy vào núi, người bị trúng đạn chết la liệt quanh tôi vậy mà chúng tôi may mắn thoát chết.
Làm sao biết thời cuộc đất nước diễn trôi ở cái làng quê hẻo lánh, chúng tôi chỉ cố sao để ngày ngày được no lòng là vui là mừng. 

Năm 1951 tôi mua lại 1 phần 6 của ghe lưới tai và mành ruốc ở Lý Hoà do ông Nựu bán lại vì ông không còn người đi làm khi con trai ông bị chết trong trận máy bay. Tôi cùng làm lưới với các anh em như Sạo, Điểm, Xướng, Lía, Đua, Đào, Nhờ, Võ Ngọc An gần hai năm thì bán nghề lại cho anh em và tiếp tục làm chung lưới đăng với Thứng, Đời, Họp.

Lúc hai giờ sáng một ngày trong tháng giêng năm 1954 chúng tôi chào đón một bé gái, tính từ các lần sinh trước, thì cháu là thứ bảy gọi theo cách miền nam, nhưng chúng tôi đôn lên cho cháu thành thứ hai, là cháu Xin (Xuyến) bây giờ. Lúc này chúng tôi có tiến bộ hơn, vợ tôi sinh con ở nhà thương Gò Bồi, sau dời xuống bến đò ở đậu nhà anh Trần Đình Thảo hơn ba tháng do Pháp đổ quân lên thành phố Qui Nhơn nên chúng tôi không dám về nhà. Một hôm tôi về thăm nhà cửa thì vợ tôi bị sản hậu, may có người biết và cứu kịp không thôi nguy hiểm vô ngần.

Ở đời tôi nghiệm ra sự thọ ơn, sự gieo nhân lành gặt quả thiện từ bao trải nghiệm của cuộc sống chúng tôi là do vậy.

Ra ngoài tháng, vợ tôi cùng chị Thạnh đi chợ Thữ bán tôm cá, tôi thì xuống Dinh Quan mua một chiếc xuồng nhỏ ngày thì đi rập cua, tối thì tôi vớt rạm.

Pháp tái chiếm thành phố Qui Nhơn, chúng tôi bồng con thơ trở về nhà để cùng cha mẹ anh em gia đình tôi theo lệnh tản cư triệt để của Việt Minh. Lên đến nhà ông Xã Sáu ở thôn Phương Phi, xã Cát Chánh dừng nghe tình hình thì biết lúc rạng sáng hôm đó xe tăng của Pháp đang chận ở Phương Thới còn ngoài biển thì tàu giặc cũng đang bắn vào liên tục. Bí thế, chúng tôi cứ theo đoàn người tản cư chạy thẳng lên núi Phương Phi, giặc Pháp lại truy sát bắn chết nhiều người, nhưng cả gia đình tôi lại tai qua nạn khỏi. Sau đó chúng tôi lên vùng đèo thuộc thôn Hướng Lộc, Cát Thắng ở mãi đến đình chiến mới dám về vùng quê biển của chúng tôi. Lúc về nhà thì mùa đông sóng gió đến, trong làng ai ai gia đình nào cũng đói khổ có người phải ăn vỏ khoai mì trừ bữa tháng này qua tháng khác nên mọi người rủ nhau bỏ vào miền trong hết một phần ba dân số.

Tôi đành bỏ vợ con vào Nha Trang làm mướn. Sau tết ba ngày, mồng bốn tháng giêng bước xuống ghe ra đi mà nhà không một chén gạo cho dặm trường. Vợ con gạt nước mắt trông theo, lòng tôi đau khổ không sao kể hết.

Vô tới cầu Đá Nha Trang, ở nhờ nhà anh Nhảy. Anh Nhảy nói hộ với ông Cai xin cho tôi được làm lao công bốc vác ở bến tàu. Ba tháng lao công, sau khi thanh toán đủ tiền cơm tháng tôi còn dư một ngàn đồng. Nhân dịp em Thiết (Bửu) con chị Ân ở Hàng Gòn ra gặp tôi bèn rủ tôi với em về quê. Trong lúc việc làm còn tiếp tục nhưng nghĩ tình cảnh đói khổ ở quê nhà, nên tôi ra về cùng em Thiết.

Chúng tôi lên chợ Đầm Nha Trang mua ít đồ dùng, vài mét vải và mỗi người mua một trăm ký gạo. Chúng tôi đưa mọi thứ lên chiếc xuồng con, rồi chèo tay từ Nha Trang ngược ra hướng bắc, quãng đường hơn hai trăm ba mươi cây số, chèo ròng rả ba ngày trời.

Ghe cập bãi quê lúc năm giờ chiều, vợ bồng con ngồi trông trước cửa, gặp nhau con lẹ đòi cha, vợ mừng chồng không xiết.

Tôi còn nhớ năm đó nhuần hai tháng ba, đến giữa tháng tư thì ông Ngô Đình Diệm lập nên chính quyền quốc gia. 
Quê tôi được chia hai thôn là Hưng Lương và Xương Lý.

Theo Cha Mẹ, Tôi được qui y theo Phật năm 17 tuổi, thọ phái qui y tại chùa Tịnh Lâm, ở thôn Quán Rường, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát. Về phần tâm linh tín ngưỡng trong thời gian này ở quê tôi bà con qui y các chùa gồm gần tám mươi đạo hữu. Chúng tôi thành lập thành một Phân hội phật giáo Hưng Xương, đặt trụ sở ở chùa Phước Sa, sau chuyển xuống đặt tại nhà đạo hữu Phan Kỳ ở Xương Lý. Bác Trần Tố là Phân hội trưởng, còn tôi là Phân hội phó và phụ trách tu học cho các em thanh thiếu niên Gia đình Phật tử mỗi tháng hai ngày.

Các cô các bác trong Phân hội ai ai cũng một lòng tín phục Phật Pháp, việc Phật sự mọi người ai cũng hăng say tham gia.

Chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập nền Đệ nhất cộng hoà, bà con khuyên tôi cần phải tham dự có chân trong Hội đồng Hương chánh thôn. 

Suy nghĩ mãi, ngẫm trong thân tộc anh em con cháu theo Việt Minh đi tập kết đến mấy người nên phải tham dự tốt hơn là không. Tôi tham gia giữ chức Tài chính thôn, do bản tính liêm khiết và thẳng ngay nên có đôi lần phải tranh cãi và không tuân theo ý của ông Chánh thôn. Thấy việc như vậy không hay nên tôi xin từ việc, chỉ còn chú tâm làm ăn sinh sống.

Năm 1956, ông Lê Quan Hiểu làm kinh tài xã Phước Hoà có chủ trương tổ chức hát bội bán vé dùng lợi nhuận xây trường học cho thôn. Tôi ở trong ban tổ chức hát bội trong hai tuần liền, toàn bộ số tiền vé ông Hiểu quản lý.

Với số tiền nhỏ từ việc tổ chức hát bộ có được, chúng tôi vỡ đất xây trường.

Trong hơn năm tháng thi công xây dựng, tôi và anh em mừng vui khôn xiết dù ngôi trường đầu tiên của chúng tôi chỉ dài 6 mét, ngang 5 mét. Trong giai đoạn này, so với những năm trước đó thì cuộc sống vật chất ở quê tôi tương đối dồi dào sung túc hơn, ít lo thiếu miếng ăn áo mặc như trước. Gia đình chúng tôi hai vợ chồng, hai đứa con gồm đứa gái lớn như đã nói, đứa bé trai một tuổi và nuôi thêm đứa trẻ ở giữ em. Vợ thường đi chợ bán mắm cá, chồng thì đánh lưới đăng, lưới chù. Chúng tôi thuận ý dành dụm để xây nhà. Tôi đi mua mười bao xi măng hết một ngàn đồng.

Ngày ngày ngoài việc làm biển, tôi một mình chèo xuồng nhỏ lên Ngõ Đò chở cát về bãi biển trước nhà rồi chiều chiều hay những đêm trăng sáng vợ tôi ra gánh cát về nhà. Chuẩn bị xi măng, cát xong thì đến việc gánh đá con từ Eo Gió về nhà, vợ tôi phải gánh gồng trong mấy tháng trời mới xong. Sau đó, tôi từ từ tự đúc gần đủ một thiên gạch táp lô (bằng xi măng trộn với cát và đá).
Dần công chuẩn bị, dành dụm chúng tôi phải mất hơn ba năm, mãi đến năm 1959 mới đủ sức động thổ.

Cất xong hai dang nhà trên ngang tám mét, dưới được ba mét chúng tôi phải mang thêm nợ gần mười ngàn đồng.

Tôi nhớ ơn bà con anh em giúp công sức như Đắp, Tỏ, Mười, Liết… Cha mẹ tôi giúp tinh thần cho chúng tôi hoàn thành công việc lớn đầu tiên của chúng tôi. Tôi thì lo tính toán, mua sắm vật tư, quán xuyến thợ thầy, vợ tôi thì lo trù bị tiền bạc thiếu đủ và cơm nước dọn dẹp ngày ba buổi, cứ như vậy trong hai tháng thì xong việc xây nhà.

Đến năm 1960 chúng tôi có thêm đứa con gái nữa, còn nợ thì chúng tôi vẫn chưa trả xong.

Anh Thuỳ, anh trai thứ ba của vợ tôi đang cùng ông Hà làm chiếc ghe máy hai ngựa rưỡi chuyên mua lại cá của ngư dân mang về Qui Nhơn bán lại. Theo anh Thuỳ việc làm này mới, chưa có ai làm nên lợi nhuận cao, anh khuyên tôi nên tìm ai đó hợp tác để làm trong phạm vi ở thôn xóm của tôi. Tôi chần chừ vì tiền không có mà lại còn đang nợ nhưng vợ tôi cương quyết là sẽ mượn được vốn. Tôi rủ chú em tên Nuôi hợp tác, còn vợ tôi ba ngày sau đã mượn được bảy ngàn đồng.

Hai anh em tôi và Nuôi có được mười bốn ngàn, tôi xin giấy đi đường để vào Sài Gòn mua máy.

Lần đầu tôi đi Sài Gòn. Người ta thường đến Sài Gòn để du lịch hay ăn chơi còn tôi thì khác, đến nơi lúc mười một giờ trưa tìm đến hãng bán máy ngư cơ Nam Long ở đường Phạm Ngũ Lão thì họ cho biết đã hết giờ làm việc. Ngồi chờ ở quán nước bên cạnh, tôi chỉ dám ăn hai chén bánh bèo lót dạ. Chờ đến hai giờ thì hãng mở cửa. Sau khi chọn lựa tôi mua một chiếc máy và một cây láp hết tổng số tiền là mười ba ngàn tám trăm đồng.

Mua xong máy, bốn giờ chiều, tôi ra ga xe lửa quay trở về, trong túi chỉ còn hơn một trăm đồng bạc.

Thời gian theo nghề chạy ghe mua cá bán lại không khá lắm nhưng nhờ dành dụm trong hai năm thì chúng tôi trả gần hết nợ.

Sau đó chú Nuôi sang nhượng phần hùn lại cho anh Thận, anh Thận bị tù do thời cuộc, nên anh mướn người để đi làm cùng với tôi thành ra không xứng tay, tôi không mua cá nữa mà quay sang chở mướn cá đi Qui Nhơn cho người ta bán. Cũng tạm đủ ăn.

Phật giáo rất thịnh hành trong thời gian này. Đạo hữu thôn Hưng Lương đã lên hơn trăm người.

Tôi thấy mỗi tháng bốn ngày bà con phải sang chùa Phước Sa khá xa, mà nhất là các cô bác đã lớn tuổi đi xa cũng khó khăn. Tôi vận động các vị trưởng thượng như bác Dững, bác Dã, anh Mơi, anh Hồi… tổ chức cuộc họp ở nhà bác Trần Kính. Trong cuộc họp, tôi phân tích kêu gọi bà con góp tay xây dựng một ngôi chùa ở thôn Hưng Lương, tất cả bà con đều đồng lòng hưởng ứng. Thế là các khâu như xin giấy tờ, quyên góp, bản vẽ kiểu cách… nhanh chóng thực hiện cho đến năm 1961 thì Ngôi Tam Bảo Phước Hưng thành hình được ngôi chánh điện. Căn nhà tây dành cho Tăng chúng thì chưa đủ sức để xây dựng, chúng tôi bàn nhau vào Phú Hậu mua cây dương liễu và tranh về che tạm, vách đất.

Cơ sở Phật tự tạm ổn, chúng tôi mong tìm vị Tăng hộ trì. Chúng tôi nhiều lần xin Ngài Hoà Thượng Thiên Bình, mong ngài bổ thầy về trụ nhưng chưa tìm ra thầy. Chúng tôi còn vận động các vị đạo trưởng trong Giáo hội nhưng cũng chưa có ai chịu ở chùa. 
Tôi vận động Cha tôi, ông sợ buồn chưa chịu, tôi nhờ anh Thuỳ nói hộ, ông chấp thuận làm ông Giám tự đầu tiên trụ tại chùa Phước Hưng. Ông ở chùa được sáu năm cho đến ngày viên mãn vào mùa Phật Đản, nhằm ngày mồng chín tháng tư năm mậu thân, thọ 71 tuổi.

Làm ghe máy mua bán cá khi lời lúc lỗ do ngư dân quen dần việc buôn bán trực tiếp. Thấy không nên tiếp tục, tôi bán ghe cá và cùng anh em đóng chiếc ghe ván nhỏ dài tám mét dùng làm đò chở khách, thế là chiếc đò chở khách theo đường biển hàng ngày đi về giữa làng tôi và thành phố Qui Nhơn đầu tiên xuất hiện, sau có thêm một chiếc nữa của ông Trần Hữu Nghĩa (Hiên).

Trong thôn có hai chiếc máy đò từ Phước Lý đi Qui Nhơn, mỗi ngày chạy một chuyến, chia nhau chiếc chạy chiếc nghỉ.

Đò của tôi hôm nào đi Qui Nhơn thì chúng tôi phải đến từng lò kho cá để nhận cá và gánh ra đò, còn hôm nào không đi Qui Nhơn thì tôi chở bạn hàng đi mua gạo chợ Thử cả đi cả về một người với một gánh gạo trên năm chục ký chỉ có 3 đồng mà phải vác gạo từ bãi ra ghe rồi từ ghe vào bãi mà không được làm ướt gạo. Gặp hôm có sóng lớn vỗ bờ, vác thấp sẽ bị ướt gạo, nên phải đội bao gạo trên đầu chuyển ra ghe. vợ chồng tôi khổ cực vô cùng.

Chiến tranh tiếp tục căng thẳng, đò của chúng tôi không thể đi Qui Nhơn được nữa nên phải kéo ghe lên bờ, để không ghe chóng hỏng, buộc phải bán rẻ cho người ta.
Vợ tôi lại đòn gánh vác vai đi hết làng này xóm khác buôn bán mắm cá nuôi gia đình.

Năm 1966 Mặt trận bên kia chiếm được xã Phước Lý lần thứ nhất. Tình hình xôi đậu, cộng sản và quốc gia tranh dành đất và dân. Cuộc sống luôn phập phồng lo sợ bị tù tội hay thậm chí mất mạng do tên bay đạn lạc.

Rồi tôi cũng đã bị bắt, ở tù ở quận Tuy Phước gần ba tháng, tội gì không rõ. Khi còn trong tù thì quốc gia tái chiếm xã Phước Lý, tôi được thả cùng đợt với ông Nguyễn Sĩ Ngọc. Tôi về thì họ lại định bắt vợ tôi, nhưng nhờ vợ tôi vừa sinh cháu gái thứ sáu (Luyến) nên họ nương tay.

Một tháng sau, ông Trầm xã trưởng cho gọi tôi và đề nghị cùng anh làm chung một chiếc máy đò. Thuận theo, tôi làm chung với anh hơn một năm, đến năm 1968 thì chuyển sang làm câu to nhưng bị thất bại lỗ vốn nên tôi sang lại phần hùn của mình để trả nợ.

Trở lại nghề cũ, tôi hùn một góc sáu lưới đăng, làm thêm nghề nước mắm.
Nhờ ham học hỏi cải tiến nên nước mắm của chúng tôi thơm ngon, ngày càng có nhiều người dùng, bán rất chạy, thị trường nới rộng từ quê biển lên miệt đồng ruộng, xuống thành phố Qui Nhơn rồi đi về các tỉnh cao nguyên.

Nghề làm nước mắm bắt đầu chỉ là chuyện phụ nhưng rồi bắt duyên biến thành nghề chính của tôi, việc làm biển trở thành phụ.

Vợ tôi chuyên cung cấp nước mắm do chúng tôi sản xuất, linh động đổi hàng lấy sản vật hàng hoá, gia tăng hiệu quả, từ đó vợ tôi kim luôn mua bán ngư cụ, rượu, tạp hoá, dùm chủ gia để được ưu tiên mua sỉ cá.

Nói về vợ tôi, bà luôn căng cơ, đầu óc đo lường mọi việc, cộng tính thương người và hòa đồng nên được mọi người quý mến giúp đỡ.

Lính Mỹ vào Qui Nhơn, ngày càng nhiều lắm. Các dự án nông thôn như đào giếng, cất trường, làm đường xi măng … triển khai. 

Ngôi trường làng được tu bổ và mở rộng thêm với ngân khoản là 120.000 đồng do ông trưởng thôn đảm trách.

Tôi cũng được mời tham gia những công việc mang tính xã hội này. Tôi tích cực tham gia, trường làng đã khang trang hơn trước. Sau đó chúng tôi lên kế hoạch và xây dựng hoàn thiện ngôi đình làng.

Đến năm 1975 Cách Mạng giải phóng miền nam, bắt tay xây dựng chính quyền. Tôi được tham gia làm uỷ viên kinh tế của thôn, tám tháng sau chuyển làm uỷ viên tín dụng ngân hàng xã Nhơn Lý. Làm được một năm tám tháng trong hội đồng khoá 1 đến nữa hội đồng khoá 2 thì tôi nghỉ việc.

Các công tác xã hội tôi cũng tích cực tham gia, tận tuỵ xây dựng ngôi trường công lập có bốn lớp học. Mái trường đã che chở nắng mưa truyền dạy con chữ cho nhiều lớp con cháu chúng tôi…

Tôi viết tiếp những ý dưới đây sau 26 năm kể từ lúc viết xong những dòng trên, nay là năm 2006.

Sau bao biến cố của đất nước, con cái lớn khôn bay nhảy khắp bốn phương trời.
Tuổi về già, năm 1998, theo con, Vợ chồng tôi chính thức rời quê để vào sinh sống ở Sài Gòn.

Năm 2002, Vợ Chồng tôi đã đến nước Mỹ – một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi đã sống ở Mỹ với vợ chồng con gái út hơn một năm rưỡi. Chúng tôi đi thăm viếng nhiều nơi với nhiều điều thú vị.

Từ Mỹ trở Việt Nam, chồng đã 80 vợ thì 79. Trong tuổi xế chiều chúng tôi ngày ngày nguyện cầu tu học và vẫn canh cánh ước mong các con cháu đoàn kết sum vầy vui vẻ vì cuộc đời các con dù có trải bao cay đắng khổ cực thì các con cũng không thể khổ nhục hơn thế hệ cha ông ngày xưa.

Các con, theo sự suy nghĩ của cha, họa phước từ cổ chí kim phàm làm người không một ai biết trước được, khi phước hay họa nó đến mới hay.

Nay phước lành hiện tiền đã đến với cha má. Từ đời ông của các con đến đời cha má, chỉ biết tu hành làm việc thiện, giúp đỡ người khốn khổ hơn mình, không làm điều thất đức ác nhân cho nên mới được những điều an vui như:

Thứ nhất, tám đứa con điều trưởng thành không hư hỏng, tất cả đều lo làm ăn xây dựng gia đình. Anh em hòa thuận đoàn kết là niềm ước ao và là cái vui của cha mẹ.

Thứ hai, nay tuổi đời cha má đã cao mà sức khỏe tốt, tinh thần vẫn minh mẫn, các con vui, không phải lo cho cha má.

Thứ ba, sách xưa có nói: “nhất sơn đầu, nhì hải khẩu“, người khổ nhất là ở miền núi, kế đến là người miền biển. Cha má cuối đời đã thoát khỏi cái cảnh khổ thứ hai. Còn thấy biết bao gia đình ở các vùng xa, do thiếu điều kiện nên còn đói nghèo liên miên, con cái từ đó rất khó khăn học hành thành đạt.

Cuộc đời cha má từ lúc mở mắt chào đời cho đến bây giờ dài lắm lắm, vài dòng ngắn ngủi hằng mong các con ghi nhớ, lưu niệm cho các cháu sau này.

Các con ghi nhớ rằng, cuộc đời mình đến khi nhắm mắt xuôi tay trả xong kiếp làm người thì sự nghiệp sang giàu bao nhiêu rồi cũng bàn giao lại. Do vậy chỉ còn chút thiện lành gởi cho con cháu tiếp nối.

Mong con cháu đời đời sống trong lương thiện.