Saturday, January 11, 2025

Tâm Quảng Nhuận: Thắp Sáng Từ Bi Trong Căn Nhà Lửa

 

Câu nói “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”* (tam giới bất an, do như hỏa trạch) quả thực là một tiếng chuông thức tỉnh, khắc sâu vào tâm khảm những ai từng chiêm nghiệm sự mong manh của cuộc đời. Trước những thảm cảnh mà thiên tai gây ra, khi con người mất đi nơi nương tựa, không còn chốn gọi là nhà, lời Phật dạy càng trở nên hiển hiện. Song, đây không phải là thời khắc để chìm đắm trong những tranh luận triết lý vô thường hay nghiệp quả; cũng chẳng phải lúc để dùng giáo lý như công cụ phán xét đạo đức hay biện minh cho một hệ ý thức nào.

Nghiệp không phải là một hệ thống trừng phạt. Nếu hiểu sai rằng mọi đau khổ con người gánh chịu đều là sự “trả giá” cho những hành vi trong quá khứ, thì chúng ta vô tình biến giáo lý từ bi của Đức Phật thành một công cụ phán xét đầy khắc nghiệt. Nghiệp, trong ý nghĩa sâu sắc nhất, là dòng chảy của nhân quả, là năng lượng sáng tạo và chuyển hóa không ngừng. Nó không nhằm lên án hay kết tội bất cứ ai, mà là lời nhắc nhở về khả năng thay đổi cuộc đời từ chính ý nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người. Nghiệp là lời mời gọi con người ý thức rằng chúng ta luôn có quyền lựa chọn để sống tốt đẹp hơn, để tái tạo những nhân duyên tích cực và tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Trong bối cảnh khổ đau do thiên tai, nhắc đến nghiệp không phải để truy tìm nguyên nhân hay đổ lỗi, mà để chỉ ra con đường chuyển hóa. Nghiệp dạy chúng ta rằng, giữa những hoàn cảnh ngặt nghèo, vẫn có thể gieo hạt giống của tình thương, của sự sẻ chia và của lòng kiên nhẫn. Chính từ những hành động nhỏ bé nhưng chân thành đó, chúng ta bắt đầu chuyển hóa nghiệp lực, không riêng cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Hạt giống tốt lành được gieo trong những thời khắc khó khăn nhất sẽ nở hoa rực rỡ nhất trong tương lai.

Không phải giáo lý Phật pháp hiện hữu trên cõi đời phiền trược này để chúng ta biến thành lý lẽ chống chế, hoặc làm công cụ nhằm phân định đúng sai trong bối cảnh đau thương. Khi lòng người đã chịu đủ thử thách của thiên tai, đau khổ và mất mát, bất cứ lời tranh cãi nào, dù với ý hướng biện giải hay lý luận, đều dễ dàng trở thành con dao cứa sâu thêm vào những vết rạn nứt vốn đã hiện hữu trong cộng đồng nhân sinh. Đạo Phật không khuyến khích sự đối đầu, càng không dung dưỡng sự chia rẽ. Ngược lại, Phật pháp kêu gọi sự đoàn kết, tương trợ và hòa hợp mới chính là con đường dẫn đến sự an lành, dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất.

Tranh biện, dù về vô thường, nghiệp quả hay bất cứ điều gì khác, nếu không mang đến sự hiểu biết và từ bi mà chỉ tạo thêm mâu thuẫn, thì chỉ càng khiến tâm thức xa rời tinh thần chân thực của đạo Phật. Trong hoàn cảnh khổ đau này, lời dạy của Đức Phật không phải để khiến chúng ta nhìn nhận những mất mát qua lăng kính phán xét, mà là để cùng nhau đứng dậy, tìm cách xoa dịu nỗi đau và cùng kiến tạo lại một thế giới có thể an trú, dù chỉ là tạm thời.

Chúng ta cần tránh mọi lời nói hay hành động làm tăng thêm sự chia rẽ bởi đó là điều đi ngược lại tinh thần hòa hợp và từ bi mà Phật pháp khuyến khích. Giữa sự hỗn loạn của thiên tai, cộng đồng càng cần được gắn kết bởi sự đồng cảm và tương trợ, không phải bị chia cắt bởi những cuộc tranh luận vô bổ. Hãy để Phật pháp soi đường, không như một lý thuyết xa vời mà là một nguồn cảm hứng sống động, thúc đẩy mỗi người hành động vì sự hàn gắn, yêu thương và đoàn kết. Trong ánh sáng của từ bi, chúng ta không cần phân định đúng sai, mà chỉ cần sát cánh bên nhau, vì chỉ có sự đồng lòng mới mang lại bình yên thực sự.

Là Phật tử, đặc biệt là thành viên của Gia đình Phật tử Việt Nam, chúng ta càng phải thấm nhuần tinh thần từ bi và trí tuệ trong giáo lý nhà Phật. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc để biến những nguyên nhân dẫn đến thương đau thành cơ hội để thực hành Bồ Tát Hạnh. Bồ Tát Hạnh không nằm trong những lời cao siêu hay hành động xa vời, mà là ở việc đứng cạnh những đồng loại đang chìm trong khổ đau, không phân biệt bất cứ ai, bất cứ nơi đâu.

Chúng ta được dạy rằng vô thường là bản chất của cuộc đời, nhưng không phải để chấp nhận bất lực trước sự biến động mà để nhận ra sức mạnh chuyển hóa bên trong mỗi người. Nghiệp lực không phải là định mệnh, mà là nguồn năng lượng sống động cho phép chúng ta thay đổi và tái tạo từ chính sự hiểu biết và lòng từ bi. Việc thực hành đạo Phật trong những thời khắc thử thách này không phải là gieo rắc thêm nỗi sợ hãi, càng không phải tạo ra sự chia rẽ hay làm trầm trọng thêm những đau khổ vốn đã hiện hữu, mà là gieo vào lòng người những hạt giống của yêu thương, hòa hợp và hy vọng.

Nhiều cư sĩ Phật tử, kể cả một số Huynh trưởng Gia đình Phật tử, do thiếu sự hiểu biết căn bản về giáo lý, đã nhận thức sai lệch về vô thường và nghiệp lực. Thay vì hiểu đây là những chân lý để soi sáng và chuyển hóa tâm thức, lại biến nó thành công cụ phán xét công tội, dùng để áp đặt lên người khác hoặc để biện biệt cho những điều đang xảy ra.

Điều này không chỉ đi ngược lại tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật mà còn gây tổn thương, chia rẽ trong cộng đồng. Vô thường không phải là lý do để chúng ta lạnh lùng trước mất mát, mà là lời nhắc nhở về giá trị của sự hiện diện và lòng thương yêu. Nghiệp lực không phải là một bản án khắc nghiệt, mà là cơ hội để hiểu rằng chúng ta luôn có quyền thay đổi, chuyển hóa mọi hoàn cảnh bằng chính hành động thiện lành của mình.

Nhận thức lệch lạc này vừa làm sai lạc ý nghĩa thực sự của giáo pháp, mà còn làm mất đi cơ hội để người Phật tử thực hành lòng từ bi và trí tuệ. Đây là lời nhắc nhở sâu sắc rằng, mỗi người con Phật cần học hỏi giáo lý một cách đúng đắn, không chỉ để hiểu mà còn để áp dụng vào đời sống, hướng đến sự hòa hợp, xoa dịu khổ đau và kết nối cộng đồng thay vì tạo ra những định kiến hay rạn nứt.

Vì vậy, với tư cách là Phật tử, chúng ta cần nhận thức rằng mọi biến cố, dù đau thương đến đâu, cũng đều chứa đựng cơ hội để làm mới chính mình và cộng đồng. Biến vô thường thành sức mạnh, biến nghiệp lực thành nội lực chuyển hóa, không phải qua lý luận, mà bằng hành động thiết thực. Hãy trao đi sự sẻ chia, thắp lên ngọn lửa ấm áp trong lòng người khác bằng chính tấm lòng từ bi và chân thành. Trong từng lời nói, từng việc làm chúng ta có thể xoa dịu nỗi đau, kết nối những tâm hồn và làm sống lại niềm tin về sự hòa hợp và yêu thương vẫn luôn là ngọn nguồn của hạnh phúc.

Không ai có thể một mình thay đổi cả thế giới, nhưng mỗi hành động từ bi, dù nhỏ bé, đều có sức mạnh để lan tỏa và kết nối. Là thành viên Gia đình Phật tử, chúng ta vừa là người tiếp nhận giáo lý, vừa là người thực hành và lan tỏa những giá trị đó vào đời sống. Đừng để vô thường hay nghiệp lực trở thành gánh nặng; hãy biến điều đó thành động lực để sống sâu sắc hơn, để trở thành ánh sáng soi rọi trong những thời khắc tối tăm nhất và để cùng nhau xây dựng một thế giới mà lòng từ bi là sợi dây gắn kết tất cả mọi người.

Bấy giờ, Tam giới bất an, do như hỏa trạch – một câu kinh ngắn gọn mà sâu sắc, tựa như tiếng chuông cảnh tỉnh, vẽ lên hình ảnh thế gian ba cõi chẳng khác nào căn nhà lửa, luôn rực cháy bởi những khổ đau, bất ổn và vô thường. Chẳng phải chỉ riêng hôm nay, mà từ vô lượng kiếp, cuộc sống của chúng sinh trong tam giới luôn bị thiêu đốt bởi tham, sân, si – ba ngọn lửa bất tận. Nhưng trong chính ngọn lửa ấy, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường thoát ra, con đường của tỉnh thức, từ bi và trí tuệ.

Câu kinh này nhắc nhở khổ đau là bản chất của cuộc đời, và giúp chúng ta nhận thức rõ ràng khi đang sống trong “căn nhà lửa” ấy, việc quan trọng không phải là mải mê tìm lý do tại sao nó bùng cháy, mà là dấn thân để tìm cách thoát ra và giúp người khác cũng làm được điều đó. Ngọn lửa này không phải để chúng ta sợ hãi, mà là để khơi dậy lòng can đảm và sự tỉnh thức trong từng hơi thở, từng hành động.

Tam giới bất an, nhưng trong bất an ấy, có thể nào chúng ta tìm thấy sự tĩnh lặng từ lòng từ bi? Do như hỏa trạch, nhưng giữa căn nhà lửa ấy, có thể nào chúng ta trở thành người gieo những mầm xanh của yêu thương và hy vọng? Đây chính là điều mà mỗi người Phật tử, mỗi thành viên Gia đình Phật tử, cần suy tư và thực hành.

Đừng để ngọn lửa vô thường thiêu rụi lòng trắc ẩn; hãy để nó đốt cháy đi mọi vô minh và ích kỷ. Vì chỉ khi dám đối diện với “hỏa trạch” của cuộc đời, chúng ta mới tìm thấy con đường dẫn tới sự an lạc chân thật. Và cũng chính trong ngọn lửa đó, chúng ta học được cách biến đau thương thành sức mạnh, biến vô thường thành cơ hội để sống ý nghĩa hơn và biến khổ đau thành cánh cửa dẫn vào trí tuệ giải thoát.

Trong cơn bão tố của khổ đau, mỗi người Phật tử là một ngọn đèn nhỏ, góp phần xua tan bóng tối bằng ánh sáng của lòng từ bi và trí tuệ. Hãy để lời dạy của Đức Phật trở thành ngọn gió lành nâng cao ngọn đèn ấy, thắp sáng không cho riêng mình mà còn cho những ai đang chìm trong khổ nạn. Đây tuy là một thử thách, nhưn đồng thời là cơ hội quý giá để chúng ta sống trọn vẹn với tinh thần Phật pháp – bằng lời nói cùng lúc trong từng hơi thở của sự sống, từng hành động đầy ý nghĩa và chân thành.

Hãy nhớ rằng, mỗi cánh tay đưa ra, mỗi ánh mắt sẻ chia, mỗi việc làm dù nhỏ bé đều có thể hóa giải khổ đau và làm sống lại niềm tin về tình người giữa cuộc đời đầy biến động. Và khi chúng ta sống như thế, chúng ta vừa chuyển hóa nghiệp lực, mà vừa làm hiển lộ chân lý nhiệm màu của đạo Phật ngay trong đời sống này. Vậy nên, đừng chần chừ, hãy bước vào dòng đời, gieo rắc tình thương và kết nối những tâm hồn – vì đó chính là con đường của Bồ Tát, con đường của những ai dám yêu thương và phụng sự không điều kiện.

Ngay giây phút hiện tại này. Mong lắm thay!

Phật lịch 2568, ngày 11 tháng 1 năm 2025

Tâm Quảng Nhuận

_____________________________

* “Tam giới bất an, do như hỏa trạch” (三界不安,如火宅) là câu kinh trong Kinh Pháp Hoa (法華經), ví thế gian ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) như căn nhà lửa, luôn đầy rẫy bất an, khổ đau và vô thường, do tham, sân, si chi phối.

Illuminating Compassion in the Burning House

The saying, “The three realms are unsafe, like a burning house” truly resonates as a wake-up call, deeply ingrained in the hearts of those who have pondered the fragility of life. Amid the devastation wrought by natural disasters, when people lose their shelters and the very concept of “home” fades away, the Buddha’s teachings become even more apparent. However, this is not a time to immerse oneself in philosophical debates about impermanence or karma, nor is it a moment to wield Buddhist teachings as tools for moral judgment or justification for ideological stances.

Karma is not a punitive system. Misunderstanding it as the “price” one pays for past actions turns the Buddha’s teachings of compassion into a harsh tool of judgment. In its profound essence, karma is the flow of cause and effect, a creative and transformative energy. It is not meant to condemn anyone but rather to remind us of the potential to reshape our lives through our thoughts, words, and actions. Karma invites us to recognize our power to choose, to cultivate positive conditions, and to build a brighter future.

In the face of suffering caused by natural disasters, invoking karma is not about seeking blame but about pointing to a path of transformation. Karma teaches us that even in the most challenging circumstances, we can plant seeds of love, sharing, and patience. From small, sincere actions, we begin to transform karmic forces, not only for ourselves but for the entire community. The seeds of goodness sown in the darkest moments often bloom into the most radiant flowers in the future.

The Dharma does not exist in this world of suffering and defilement as a shield for excuses or as a tool to arbitrate right and wrong amid tragedy. When people have already endured the trials of disaster, loss, and pain, any debate—no matter how well-intentioned—can easily deepen the fractures within humanity. Buddhism does not endorse confrontation, nor does it foster division. Instead, it calls for unity, mutual support, and harmony, which are the true paths to peace, even in the darkest circumstances.

Arguments about impermanence, karma, or any other subject, if they do not foster understanding and compassion but only breed conflict, stray far from the true spirit of Buddhism. In this moment of suffering, the Buddha’s teachings are not here to make us judge loss through a lens of blame but to help us rise together, soothe the pain, and rebuild a world where peace, even if temporary, can be found.

We must avoid words or actions that deepen divisions, as they run counter to the spirit of harmony and compassion that the Dharma espouses. Amid the chaos of disasters, communities need to be united by empathy and support, not torn apart by fruitless debates. Let the Dharma illuminate the way, not as an abstract theory but as a living source of inspiration, encouraging us to act for healing, love, and unity. In the light of compassion, there is no need to determine right or wrong; what matters is standing together, for unity alone can bring true peace.

As Buddhists, particularly as members of the Vietnamese Buddhist Family, we must deeply embody the spirit of compassion and wisdom in the Buddha’s teachings. Now, more than ever, is the time to transform the causes of suffering into opportunities to practice the Bodhisattva Path. The Bodhisattva Path does not lie in lofty words or distant deeds but in standing beside those who are drowning in pain, without discrimination of any kind.

We are taught that impermanence is the nature of life, not to resign ourselves helplessly to its fluctuations but to recognize the transformative power within each of us. Karma is not fate but a dynamic energy that enables us to change and recreate through understanding and compassion. Practicing Buddhism during these challenging times is not about spreading fear, division, or exacerbating existing suffering, but about planting seeds of love, harmony, and hope.

Many Buddhist laypeople, including some leaders within the Buddhist Family, lack a fundamental understanding of the teachings, leading to misconceptions about impermanence and karma. Instead of seeing these as truths to illuminate and transform the mind, they turn them into tools of judgment or justifications for events. This not only contradicts the spirit of compassion and wisdom in Buddhism but also causes harm and division within the community.

Impermanence is not a reason to be indifferent to loss; it is a reminder of the value of presence and love. Karma is not a harsh verdict but an opportunity to realize that we always have the power to change circumstances through our virtuous actions. Misguided perceptions not only distort the true meaning of the Dharma but also miss the chance for Buddhists to embody compassion and wisdom.

Thus, as Buddhists, we must understand that every event, no matter how tragic, holds the opportunity to renew ourselves and our communities. Transform impermanence into strength, karma into the energy for change—not through reasoning, but through practical actions. Share compassion, kindle warmth in others’ hearts with genuine kindness. Through every word and deed, we can ease suffering, connect souls, and revive faith in the harmony and love that are the sources of true happiness.

No one can change the world alone, but every act of compassion, no matter how small, has the power to spread and connect. As members of the Buddhist Family, we are not only recipients of the teachings but also practitioners who bring these values into life. Do not let impermanence or karma become burdens; instead, let them drive us to live more profoundly, to be lights shining in the darkest moments, and to build a world where compassion binds us all.

At this moment, “The three realms are unsafe, like a burning house”—a brief yet profound verse that serves as an awakening bell, illustrating that life in the three realms is no different from a house on fire, constantly ablaze with suffering, instability, and impermanence. Not just today, but from time immemorial, the lives of sentient beings in the three realms have been consumed by greed, hatred, and delusion—the three eternal fires. Yet within these flames, the Buddha has shown us the path to liberation, the path of mindfulness, compassion, and wisdom.

This verse reminds us that suffering is inherent in life and helps us realize that while living in this “burning house,” the essential task is not to dwell on why it burns but to strive to escape and help others do the same. These flames are not meant to instill fear but to ignite courage and mindfulness in every breath and every action.

Although the three realms are unsafe, can we find stillness through compassion? Though life resembles a burning house, can we sow seeds of love and hope amid the flames? This is what every Buddhist and every member of the Buddhist Family must reflect upon and practice.

Do not let the flames of impermanence extinguish compassion; let them burn away ignorance and selfishness. Only by confronting life’s “burning house” can we find the path to true peace. And within those flames, we learn to transform suffering into strength, impermanence into an opportunity for meaningful living, and pain into a gateway to liberation.

Amid the storm of suffering, every Buddhist is like a small lamp, dispelling the darkness with the light of compassion and wisdom. Let the Buddha’s teachings become the gentle breeze that lifts that light higher, not just for oneself but for all those immersed in misery. This is a challenge, but it is also a precious opportunity to live fully in the spirit of the Dharma—through our words, our every breath, and our meaningful, sincere actions.

Remember, every outstretched hand, every shared glance, every small deed can dissolve suffering and restore faith in humanity amid life’s turbulence. By living this way, we not only transform karma but also reveal the wondrous truth of Buddhism here and now. So, do not hesitate—step into life, spread love, and connect hearts—for this is the Bodhisattva Path, the path of those who dare to love and serve unconditionally.

May it be so, in this very moment.

Buddhist Era 2568, January 11, 2025.

Thursday, January 2, 2025

Thiên Nhạn: Đi Tìm Ánh Sáng Sao Mai Trong Tác Phẩm Của Hòa Thượng Thích Phước An

Đêm khuya, vũ trụ tựa giấc mơ của lữ khách vừa băng ngang sa mạc. Ngọn gió bất thần thổi làm run rẩy tinh tú trên đỉnh trời. Đó có phải là ánh sáng từ khởi nguyên, hay sự vọng tưởng cuối cùng của một ngôi sao đã tắt? Bên kia những rặng núi xa mờ, tôi nghe vọng lại tiếng gọi của thời gian – không ngừng nhắc nhở về những chu kỳ thăng trầm bất tận, nơi ánh sáng và bóng tối đan xen, dệt nên tấm thảm của lịch sử nhân loại.

Trong dòng chảy ấy, có những thời khắc đã khắc họa nên dấu ấn lịch sử, khơi nguồn cho một sự thức tỉnh vượt khỏi không gian và thời gian. Một trong những thời khắc ấy chính là buổi sáng Thành đạo – ánh sáng đã vượt qua ranh giới tôn giáo, lan tỏa đến mọi nền văn hóa. Dưới cội Bồ-đề, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đạt đến giác ngộ viên mãn, mở ra con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh. Ánh sáng của buổi Thành đạo, bấy giờ, là tia sáng của trí tuệ tỉnh thức, và là biểu tượng cho sự chuyển mình từ bóng tối sang minh triết.

Nhìn lại dòng lịch sử, ánh sáng ấy vừa soi đường cho cá nhân, vừa len lỏi vào tâm thức cộng đồng, hòa quyện với những nền văn hóa, trong đó có Việt Nam. Phật giáo, từ khi du nhập từng là một hệ thống tín ngưỡng, nhanh chóng trở thành một phần linh hồn của dân tộc – một sức mạnh tinh thần giúp người Việt vượt qua biết bao thử thách của thời đại. Như Hòa Thượng Thích Phước An chia sẻ, văn hóa không phải là thứ nằm yên trong bảo tàng, mà là dòng chảy sống động nuôi dưỡng tâm hồn và bản sắc của một dân tộc.

Đêm nay, giữa những ánh sao mai rực rỡ, tôi chợt nghĩ rằng, có phải chúng ta đang sống giữa hai lần cất bước? Một là khởi nguyên, hai là hồi sinh? Phải chăng ánh sáng của bình minh chỉ đến khi chúng ta đã lạc lối trong đêm dài?

Lịch sử như dòng sông phù sa, vừa đắp bồi những triều đại rực rỡ, vừa cuốn trôi đi mọi dấu vết khi thời gian chảy qua. Hy Lạp cổ đại, nơi ánh sáng của tri thức và thi ca một thời chói lọi, rồi cũng chìm khuất trong màn sương lãng quên của chiến tranh và tan rã. La Mã, Trung Hoa, Ấn Độ – tất cả từng rực rỡ như những ngọn lửa giữa đêm đen, và rồi cũng phai tàn khi những cơn gió của thời gian lùa qua các hoàng thành trống rỗng. “Sự vong thân”—cách mà Phạm Công Thiện tiên sinh từng tha thiết nhắc đến—vừa là nỗi ám ảnh của cá nhân, vừa là vận mệnh chung của nhân loại.

Dưới cội Bồ-đề, Đức Phật đã ngồi như một ngọn núi bất động giữa dòng sông thời gian, không ngoảnh mặt trước khổ đau mà nhìn thẳng vào nó với lòng bao dung vô hạn. Ngài thấy rằng khổ đau, dù là nỗi đau riêng của một cá nhân hay gánh nặng của cả một nền văn minh, đều bắt nguồn từ một cội rễ chung: vô minh và bám víu vào cái ngã tưởng chừng vĩ đại và bất diệt. Khi ánh sáng tỉnh thức soi rọi, bức màn vô minh tan biến, để lộ con đường dẫn đến giải thoát. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, đây là Khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là sự chấm dứt Khổ, và đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt Khổ.”

Ánh sáng từ buổi Thành đạo của Đức Thích Tôn chính là ánh sáng soi rọi khổ đau cá nhân, như ngọn đèn giúp nhân loại hiểu rằng khổ đau không phải là kẻ thù để chiến đấu, mà là một thực tại cần đối diện bằng trí tuệ và lòng bi mẫn. Từ buổi sáng ấy, ánh sáng của sự tỉnh thức đã lan tỏa như ngọn lửa được truyền từ ngọn đuốc này sang ngọn đuốc khác, cháy mãi trong lòng những ai khát khao tìm về chân lý.

Vậy mà, thế giới hiện đại của chúng ta, dù rực rỡ trong ánh sáng của công nghệ và khoa học, vẫn không thoát khỏi bóng tối của bất an và sự lạc lối. Con người ngày nay, chạy theo vật chất, càng chạy càng thấy trống rỗng. Trong những cơn bão của toàn cầu hóa và chủ nghĩa tiêu thụ, văn hóa truyền thống – nơi giữ gìn hồn cốt dân tộc – đang bị quên lãng. Những làng quê xưa, nơi tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi sớm tinh sương, giờ đây chỉ còn là ký ức. Nhưng ký ức – như thi sĩ Bùi Giáng từng nói – không bao giờ chết; nó chỉ đợi một ai đó gọi tên, để được hồi sinh.

Qua “Đêm Nhìn Sao Mai Mọc Nơi Rặng Hy-Mã-Lạp-Sơn Đến Những Con Đường Thôn Dã Quê Hương”, Hòa Thượng Thích Phước An chia sẻ, văn hóa không phải là một di sản nằm yên trong những bảo vật cổ, mà là một dòng sông chảy mãi mang theo cả ký ức và hy vọng. Như ánh sáng từ buổi Thành đạo, văn hóa không sống trong các công trình đồ sộ hay phong tục được bảo tồn, mà đích thực, sống trong tâm hồn mỗi người. Nó là cách chúng ta đối xử với nhau, với thiên nhiên và với chính mình. Nó là ánh sáng bất diệt, dẫn dắt chúng ta vượt qua bóng tối của sự vong thân và quên lãng.

Phật giáo, với ánh sáng từ bi và trí tuệ, đã hòa vào dòng chảy văn hóa Việt Nam từ bao đời nay. Những tiếng chuông chùa, những câu kệ tụng niệm và cả những lễ hội dân gian mang hơi thở Phật giáo đều là biểu tượng của sự kết tinh ấy. Nhưng ngày nay, văn hóa Phật Việt đang đứng trước những thách thức lớn lao. Trong cơn lốc của đô thị hóa và tiêu thụ, sự gắn bó giữa đời sống tâm linh và tinh thần dân tộc dần mờ nhạt.

Phải chăng, như ánh sáng từ buổi Thành đạo, văn hóa Phật Việt là ngọn đèn soi sáng đời sống tâm linh và cả hồn cốt của dân tộc? Một dân tộc mất đi văn hóa cũng như một ngọn đèn mất đi ánh sáng, trở nên trống rỗng và lạc lối. Hãy để mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta là một ngọn nến thắp lên ánh sáng ấy, dẫn dắt không chỉ riêng mình, mà cả thế hệ mai sau.

Và rồi, khi ánh sáng từ buổi Thành đạo của Đức Phật len lỏi qua bóng tối, chúng ta nhận ra rằng văn hóa Phật Việt chính là một di sản để bảo tồn, và là một dòng chảy sống động đang nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc. Phật giáo, như ánh sáng sao mai, không đến để áp đặt, mà để soi rọi, để dẫn dắt chúng ta trở về với cội nguồn sâu xa của mình – nơi lòng từ bi và trí tuệ đã từng là gốc rễ của mọi hành động, nơi mỗi tiếng chuông chùa ngân vang vốn là lời nhắc nhở về sự vô thường, là tiếng gọi thức tỉnh linh hồn dân tộc.

Ngày nay, trong những nhiễu loạn của thời đại, việc trùng hưng văn hóa Phật Việt vừa là nhiệm vụ của những ai am tường kinh điển, vừa là trách nhiệm chung của mọi người. Khi ta sống với lòng biết ơn và sự tỉnh thức, mỗi lời nói, mỗi hành động, dù nhỏ bé, đều có thể góp phần thắp sáng ngọn đèn văn hóa. Đó có thể là một người trẻ ngồi lặng trước một câu chuyện cổ, một cụ già quét sân chùa buổi sớm, hay một gia đình quây quần bên mâm cơm ngày lễ Vu Lan. Những điều ấy, dù giản dị, lại mang trong mình sức mạnh của sự hồi sinh.

Đức Phật dạy rằng, khổ đau chính là cánh cửa dẫn đến giác ngộ. Và cũng như vậy, những khủng hoảng của thời đại sẽ là thử thách, là cơ hội để chúng ta nhìn lại, để tái thiết, để khơi dậy những giá trị đã ngủ quên. Văn hóa không chỉ nằm trong những nghi lễ linh thiêng, mà chính trong cách chúng ta sống mỗi ngày – cách chúng ta yêu thương, trân trọng nhau và giữ gìn những điều giản dị nhất.

Phải chăng, trong ánh sáng của sao mai, chúng ta cũng cần một lần cúi xuống để lắng nghe tiếng gọi từ lòng đất mẹ? Để nhận ra rằng văn hóa thật sự là phần ký ức mà ta thừa hưởng, chính là dòng máu chảy trong huyết quản của ta hôm nay, đồng thời là ngọn đuốc để trao lại cho thế hệ mai sau. Để một ngày, khi nhìn lại, chúng ta không chỉ thấy một dân tộc đã từng tồn tại, mà thấy một dân tộc vẫn đang sống mãnh liệt trong ánh sáng của trí tuệ, của lòng từ bi và của bản sắc không thể nhầm lẫn.

Hãy để ánh sáng ấy tiếp tục soi đường. Hãy để mỗi bước chân của chúng ta, dù nhỏ bé, đều khắc sâu vào dòng chảy ấy – dòng chảy của một văn hóa không bao giờ lụi tàn, một dân tộc không bao giờ lạc lối và một ngọn đèn chưa bao giờ tắt.

Và như Đức Phật dưới cội Bồ-đề, chúng ta hãy ngồi lại, tĩnh tâm nhìn sâu vào thực tại, để ánh sáng tỉnh thức tỏa lan trong tâm mình, và cả trong một cộng đồng, một dân tộc. Khi ấy, ánh sáng từ buổi Thành đạo không đơn thuần là ánh sáng của một thời khắc trong lịch sử, mà là ánh sáng của hôm nay, của ngày mai – ánh sáng của một Việt Nam sáng rỡ trong lòng nhân loại.

Đạo Quang: Tâm Truyền Bất Tuyệt, Dòng Chảy Giác Ngộ Qua Thời Không

 

“Người học khi đã có thể đứng, có thể bước, bấy giờ điều cần học là biết cách tránh. Tránh những chướng ngại, tránh những chỗ lồi lõm, những chỗ gai góc, tránh không để trượt, té. Vì vậy, Bồ-tát Di-lặc kết tập Biệt Giải Thoát Luật Nghi của Bồ-tát để người học và hành Bồ-tát đạo học biết đâu là thứ để phòng hộ và đâu là những chướng ngại của Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hạnh.” | Tuệ Sỹ Thượng Sư

Tâm Truyền Bất Tuyệt: Dòng Chảy Giác Ngộ Qua Thời Không Như dòng sông uốn lượn qua núi đồi, giáo pháp của Đức Phật, từ buổi bình minh của giác ngộ, đã chảy dài không ngừng, nối kết tâm hồn của bao thế hệ. Trong ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi vô lượng, Thầy và trò như thuyền và nước, cùng dìu dắt nhau vượt qua những ghềnh thác khổ đau, đến bến bờ an lạc. Đó không chỉ là hành trình của tri thức, mà là cuộc khai mở trái tim, nơi ánh sáng chân lý dần thấm nhuần, hòa quyện với từng bước chân hành giả.

Thượng Sư Tuệ Sỹ từng dạy: “Người học đi, khi đã có thể đứng, có thể bước, bấy giờ điều cần học là biết cách tránh. Tránh những chướng ngại, tránh những chỗ lồi lõm, những chỗ gai góc, tránh không để trượt, té. Vì vậy, Bồ-tát Di-lặc kết tập Biệt Giải Thoát Luật Nghi của Bồ-tát để người học và hành Bồ-tát đạo biết đâu là tự thế phòng hộ và đâu là những chướng ngại của bồ-đề nguyện và bồ-đề hạnh”.

Những lời này như một ánh trăng vằng vặc soi chiếu cõi lòng, nhắc nhở rằng con đường đạo không chỉ cần sự dấn thân, mà còn cần một sự tỉnh thức sâu sắc. Cái gai nhỏ giữa đường, nếu chẳng thấy, sẽ làm đau chân; bước hụt nơi góc khuất, nếu không thận trọng, có thể khiến hành giả vấp ngã. Vì vậy, học cách đứng vững và đi đúng, trước hết, chính là một phần không thể thiếu của bồ-tát hạnh.

Như thế, trong ánh sáng của Đức Thế Tôn, hành trình của mỗi người không phải chỉ là con đường của riêng mình, mà là sự tiếp nối của dòng truyền thừa đã vượt qua bao lớp sóng của thời gian. Các bậc thánh giả như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên hay A-nan không còn là những hình bóng xa xôi, mà là những ngọn đuốc soi đường, nhắc ta rằng chân lý không hề mất đi, chỉ cần ta đủ lòng tin để tiếp nhận và đủ dũng khí để thực hành.

Từ thời Đức Phật đến các bậc bồ-tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, dòng chảy giác ngộ không ngừng thấm sâu vào lòng người. Họ không chỉ là những kẻ khai mở, mà còn là những người trồng cây, ươm mầm cho trí tuệ và từ bi lan tỏa. Giáo pháp không phải là những lời kinh xa vời, mà là suối nguồn tươi mát, chảy vào từng tâm hồn, để từ đó nảy sinh ý chí vượt qua mọi thử thách, vững vàng trên con đường bồ-đề.

Thầy Đạo Sinh nhấn mạnh: học pháp không phải là chuyện thụ động ngồi nghe, mà là hòa mình vào dòng sống bất tận của giác ngộ. Người học không chỉ nhận lãnh, mà còn gánh lấy trách nhiệm mở đường cho kẻ khác. Đó chính là tinh thần chiến binh bồ-tát: không phải vì mình, mà vì muôn loài mà đứng lên, dìu dắt nhau qua những mịt mùng của vô minh để cùng đến bờ giác.

Thật vậy, dòng truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự đánh thức, khơi dậy năng lực vốn có trong tâm mỗi người. Các bậc Thầy không đứng đó để ta dựa dẫm, mà để ta tự nhận ra rằng chính mình phải làm chủ bước chân, đối diện chướng ngại, và vượt qua những giới hạn của bản thân. Đó là cách mà mỗi hành giả không chỉ tiếp nối dòng tâm truyền, mà còn làm cho nó thêm sáng rỡ giữa đời.

Được học pháp, được làm đệ tử của Đức Phật, chẳng phải để tự tôn vinh hay khoác lên mình danh hiệu, mà để hòa mình vào hành trình lớn lao của giác ngộ. Trong dòng chảy vô tận ấy, trí tuệ được khai mở, lòng từ được nuôi dưỡng, và mọi khổ đau được soi rọi bởi ánh sáng của giáo pháp. Chỉ khi bước chân của ta thực sự vững vàng, dòng tâm truyền mới tiếp tục chảy mãi, vượt qua mọi không gian và thời gian, không bao giờ đoạn diệt.

Tuesday, December 31, 2024

Quảng Hạo: Khi Sao Mai Mọc: Hành Trình Chứng Ngộ và Tĩnh Lặng Tối Thượng

 “Tại sao Đức Phật không hốt nhiên đại ngộ vào buổi trưa hay buổi chiều, mà biến cố ấy lại xảy ra vào lúc sao Mai mới mọc? Phải chăng đó là giây phút đẹp nhất? Giây phút mà vũ trụ vừa thức tỉnh sau một đêm dài bị bóng tối vây phủ…” (trích ‘Từ Đêm Nhìn Sao Mai Mọc Nơi Rặng Hy-mã-lạp-sơn Đến Những Con Đường Thôn Dã Của Quê Hương‘, HT. Thích Phước An)

Khi ánh sao Mai ló dạng, bóng đêm của vô minh đã bị xé toạc dưới gốc cây Bồ-đề. Trong khoảnh khắc huyền diệu ấy, Đức Phật hốt nhiên đại ngộ, vượt qua mọi chấp trước để chứng thực bản thể duyên sinh của vạn pháp. Đây không chỉ là một giây phút lịch sử được khắc ghi trong tâm trí loài người, mà còn là biểu tượng siêu việt của sự bừng sáng trong tâm thức, nơi bóng tối của lý niệm nhường chỗ cho ánh sáng của trí tuệ. Sao Mai, trong ánh nhìn của bậc giác ngộ, không chỉ là ánh sáng nơi bầu trời mà là biểu tượng cho sự thức tỉnh tối thượng, một thực tại vượt khỏi mọi khái niệm và suy tưởng.

Ánh sáng của sao Mai không tồn tại riêng lẻ, mà là sự hòa quyện tinh tế giữa bóng tối, không gian và nhận thức. Cũng như vậy, mọi hiện hữu trong thế gian, từ sắc pháp đến tâm pháp, đều không có tự tính độc lập, mà luôn dựa trên mối tương duyên mà thành. Đây không phải là chân lý để tranh biện, mà là một sự chứng ngộ siêu việt vượt lên mọi biên giới của tư duy nhị nguyên. Sao Mai, do đó, không chỉ chiếu sáng thế gian mà còn khai mở cánh cửa để con người trực nhận thực tại như chính nó.

Khoảnh khắc sao Mai xuất hiện vào lúc bình minh, thời điểm mà bóng tối và ánh sáng giao thoa là hình ảnh hoàn mỹ của sự dung hòa giữa vô minh và trí tuệ. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật giác ngộ vào giây phút ấy, khi vũ trụ dường như đạt đến sự cân bằng vi tế nhất. Bóng tối không còn là đối nghịch của ánh sáng, mà chính là điều kiện để ánh sáng hiển lộ. Cũng như thế, khổ đau không phải là điều cần loại bỏ, mà chính là con đường để thấu triệt gốc rễ của vô minh và chấp trước. Sau giác ngộ, ánh sáng trí tuệ không chỉ chiếu rọi bản thân, mà còn trở thành ánh đèn từ bi, soi sáng con đường cho tất cả chúng sinh.

Tác giả Quảng Hạo với Ôn Phước An bên cạnh quả Đại Hồng Chung trên Đồi Trại Thủy

Như câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đã khiến Lục tổ Huệ Năng đại ngộ, phá bỏ mọi chấp trước, ánh sao Mai cũng không phải là đối tượng để chiêm ngưỡng hay suy tư. Đó là lời mời gọi chúng ta quay về với bản lai diện mục, nơi tâm lặng yên và vượt thoát khỏi mọi ràng buộc của tư duy. Giác ngộ không phải là một trạng thái xa xôi, mà chính là sự trở về với chính mình, một hành trình không phải để tìm kiếm, mà là để nhận ra.

Thế nhưng, sự giác ngộ của Đức Phật không chỉ dừng lại ở việc thấy rõ thực tại, mà còn mở ra một cánh cửa từ bi bao la. Trí tuệ chân thực không dẫn con người đến sự chối bỏ cuộc đời, mà chính là để hòa mình vào nó với một trái tim rộng lớn. Nhìn lại hành trình của Đức Phật sau khi giác ngộ, ta thấy một bậc Thầy lang thang khắp lục địa Ấn Độ từ những cung điện lộng lẫy đến những túp lều đơn sơ để mang ánh sáng trí tuệ hóa độ chúng sinh. Đó là sự hòa quyện kỳ diệu giữa trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi vô hạn, giữa sự siêu thoát của tâm và sự hiện diện trọn vẹn trong cuộc sống.

Hành trình ấy không chỉ dành riêng cho các bậc vĩ nhân, mà là lời mời gọi tất cả chúng ta quay về với thực tại đời thường. Một ngọn núi, một dòng sông, hay chính ánh sao Mai đều có thể trở thành cánh cửa dẫn vào chân lý, nếu tâm ta đủ tĩnh lặng để nhìn sâu vào bản chất duyên khởi của mọi sự vật. Sao Mai, do đó, không chỉ là hiện tượng thiên nhiên, mà chính là biểu tượng cho sự tỉnh thức, là lời nhắc nhở rằng mọi điều ta tìm kiếm đều đã có sẵn ngay đây, trong từng hơi thở, trong chính tự tánh của mình.

Bài viết của Hòa thượng Thích Phước An khép lại bằng hình ảnh sao Mai, con đường làng và ngôi chùa thôn dã, những biểu tượng đầy ý nghĩa cho sự trở về với chân tâm. Sao Mai không phải là thứ dẫn dắt ta đến một nơi nào khác, mà là ánh sáng soi đường để ta nhận ra rằng bản lai diện mục chưa bao giờ rời xa ta. Ngồi dưới gốc cây, nhìn ánh sao Mai ló dạng, ta sẽ hiểu rằng chân lý không nằm trong sự tìm cầu, mà trong sự hiện diện đơn thuần và trọn vẹn với chính mình. Đó chính là ánh sáng của sao Mai trong lòng, bất diệt, tràn đầy, và rực rỡ như bản thể của vũ trụ.

Monday, December 30, 2024

Tuệ Năng: Từ Bụi Đất Đến Tâm Không: Cuộc Đối Thoại Giữa Thi Ca và Tâm Linh

Nhân đọc Rabindranath Tagore – Thi nhân đi tìm vô hạn

trong vòng tay của bà mẹ cát bụi
tác giả Hòa Thượng Thích Phước An

Trên ngọn đồi Trại Thủy[1] trầm mặc, nơi từng in dấu chân của bao bậc cao tăng và là chứng nhân lặng lẽ của dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Phước An tiếp tục hành trình của một nhà hiền triết Phật giáo, thâm trầm nhưng kiên cường dệt nên những trang sử sống động của tinh thần giác ngộ và từ bi. Cuộc đời và sự nghiệp của Thầy như một bản trường ca vang vọng từ lòng đất mẹ, từ những giá trị cốt lõi của Phật giáo Việt Nam gắn kết với dòng chảy lịch sử và văn hóa, một sự tiếp nối không ngừng nghỉ để bảo tồn và phát triển những ý nghĩa tinh thần vượt thời gian, đồng thời mở rộng chân trời tâm linh để kết nối với những giá trị phổ quát của nhân loại.

Trong sự tĩnh lặng uy nghiêm đó, hành trạng của Hòa thượng như một thông điệp mạnh mẽ, như tiếng đại hồng chung lan tỏa trong sương sớm, gợi nhắc chúng ta về những giá trị cao đẹp của sự giác ngộ và lòng từ ái. Giữa không gian tĩnh mịch trên đồi Trại Thủy, hình bóng của Thầy như hòa quyện vào những giá trị tinh thần bất tuyệt mà Rabindranath Tagore[2], nhà thơ vĩ đại của Bengal[3], đã diễn đạt qua những vần thơ của ông: khát vọng hòa hợp giữa cái hữu hạn và vô hạn, giữa con người và vũ trụ. Trong ánh sáng của một nghệ sĩ, Tagore đã soi rọi bản thể của con người và cuộc sống bằng một thứ ngôn ngữ không biên giới, một ngôn ngữ vượt lên mọi sắc thái của tôn giáo hay thời đại, kết nối mọi tâm hồn trên nền tảng của tình yêu và chân lý.

Tagore, bằng nghệ thuật ngôn từ siêu việt, vượt lên mọi ranh giới tôn giáo, văn hóa và thời đại để trở thành biểu tượng của sự hòa quyện giữa tình yêu và triết lý. Ông khát khao đi tìm một sự hợp nhất thiêng liêng, nơi mà cái tôi nhỏ bé tan chảy trong cái vô biên rộng lớn. Đó chính là khát vọng nghệ thuật, là một hành trình tâm linh sâu sắc. Bấy giờ, Hòa thượng Thích Phước An, bằng trí tuệ và sự thấu cảm sâu sắc, cũng đã nhìn ra trong thơ Tagore một nguồn cảm hứng mãnh liệt, một điểm giao thoa tinh thần giữa triết lý Phật giáo và nghệ thuật nhân loại.

Nhưng liệu ta có thể hiểu được sự hòa hợp giữa hai thế giới tư tưởng này một cách sâu sắc hơn? Nếu Tagore ví tình yêu như ánh sáng bất tận, soi chiếu để mọi bóng tối biến tan, thì tinh thần Phật giáo, qua lăng kính của Hòa thượng Thích Phước An, không chỉ là ánh sáng mà còn là sự tĩnh lặng, sự rỗng không, nơi không còn bóng tối hay ánh sáng, chỉ còn chân lý tuyệt đối. Hòa thượng đã nhìn thấy vẻ đẹp của ngôn từ trong thơ Tagore, đồng thời nhận ra những cung bậc ý nghĩa sâu xa hơn: những giá trị phổ quát của tình yêu, giác ngộ và sự hợp nhất – những giá trị gắn bó chặt chẽ với tinh thần Phật giáo Việt Nam. Nhưng không dừng lại ở sự tán dương những tư tưởng ngoại biên, Thầy đã để lại dấu ấn đậm nét qua các trước tác cũng như những bài giảng của mình, khẳng định Phật giáo Việt Nam vốn là một phần của văn hóa và là linh hồn, mạch sống tinh thần dân tộc.

Nếu Tagore đã cho rằng: “Tôi yêu, bởi vì tình yêu là ý nghĩa tối hậu. Không cần lý do nào khác,”[4] thì Hòa thượng Thích Phước An cũng đã nhấn mạnh trong các bài giảng của mình rằng chính tình yêu và lòng từ bi vô ngã là cội nguồn của sự giải thoát. Qua những suy tư, Thầy cho thấy sự hợp nhất giữa cái hữu hạn và vô hạn chính là con đường mà Phật giáo Việt Nam đã đi qua suốt hơn hai ngàn năm, từ thời Lý-Trần đến hôm nay. Đó là một hành trình tâm linh không chỉ giới hạn trong việc tìm kiếm sự giác ngộ cá nhân, mà còn là sự hòa nhập với vận mệnh quốc gia và dân tộc. Hòa thượng nhấn mạnh Phật giáo không bao giờ là một hệ thống giáo lý xa vời, mà chính là một dòng chảy tâm linh sống động, nơi lòng từ bi và trí tuệ dẫn dắt con người vượt qua những biến động của cuộc sống.

Thầy thường dẫn đưa chúng ta trở lại với những bài học từ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử[5], nơi mà Trần Nhân Tông, vị vua giác ngộ, từ bỏ ngai vàng để tìm đến con đường giải thoát và phụng sự chúng sinh. Đó vừa là sự từ bỏ, vừa là biểu hiện cao nhất của lòng yêu thương nhân loại, một tình yêu vượt qua mọi ranh giới cá nhân, hòa quyện với bản thể vũ trụ.

Nếu Rabindranath Tagore thấy trong “bụi” của mẹ đất hình ảnh của cái vô cùng, thì Hòa thượng Thích Phước An thấy trong tâm không chấp, trong sự buông bỏ mọi danh lợi, một con đường dẫn đến sự bình an tuyệt đối. Qua đó, Thầy chỉ ra rằng, tình yêu mà Tagore đề cao, khi soi chiếu qua lăng kính Phật giáo, chính là lòng từ bi – một tình cảm không đơn thuần hướng về người khác, mà còn bao trùm cả muôn loài và toàn thể vũ trụ. Hòa thượng đã truyền tải những ý niệm này trong bài giảng của mình đồng thời sống động hóa chúng qua những hành động cụ thể, trong cách Thầy dìu dắt chúng sinh bước đi trên con đường tâm linh.

Bấy giờ, trên ngọn đồi Trại Thủy, những suy tư và tác phẩm của Thầy vẫn tiếp tục lan tỏa như một dòng chảy tâm linh bất tận, hòa quyện với hồn thiêng núi non. Qua những bài viết và lời giảng, Hòa thượng không những tái hiện lại lịch sử Phật giáo mà cùng lúc đã soi rọi những bài học quý giá cho tương lai. Thầy đặc biệt nhấn mạnh tinh thần từ bi và giác ngộ không thể là lý tưởng tâm linh xa vời, mà thực chất cần là ngọn đuốc dẫn đường cho một dân tộc luôn khát khao độc lập và hòa bình.

Thầy trân trọng di sản thiền phái Trúc Lâm không giới hạn như một thời đại vàng son, mà là một mô hình hoàn hảo kết hợp giữa thiền học và hành động, giữa giác ngộ tâm linh và lòng yêu nước. Nếu Tagore đã vẽ nên hình ảnh một thế giới được xây dựng trên nền tảng tình yêu và sự hòa hợp, thì Hòa thượng Thích Phước An đã khéo léo đưa tư tưởng ấy hòa vào dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam, một dòng chảy không ngừng vun đắp cho sức mạnh và sinh mệnh dân tộc. Thầy nhận định tình yêu trong tư tưởng Tagore chính là hình thái cao nhất của lòng từ bi Phật giáo – một lòng từ bi hướng đến cá nhân, nhưng đồng thời ôm trọn cả nhân loại và vũ trụ.

Trong sự trầm lặng của mình, Hòa thượng Thích Phước An mãi mãi như một ánh nến, cháy bền bĩ với lòng tận tụy và trí tuệ, chiếu sáng cho những ai tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời. Hành trình của Thầy, cũng như các tác phẩm mà Thầy thực hiện, là minh chứng hùng hồn rằng Phật giáo Việt Nam là một phần của lịch sử, là linh hồn bất diệt của dân tộc, là sức mạnh vượt thời gian, nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong sự trầm lặng và tĩnh mịch nơi đồi Trại Thủy, những suy tư của Hòa thượng Thích Phước An về thơ ca Rabindranath Tagore trở thành một dòng chảy kết nối hai tâm hồn lớn, vượt qua biên giới ngôn ngữ và thời đại. Từ những vần thơ chất chứa tình yêu bao la của Tagore đến những giá trị thâm trầm của Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy hiện lên một cuộc đối thoại không lời nhưng đầy sức mạnh, nơi tình yêu, từ bi, và trí tuệ hòa quyện vào nhau.

Trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa, Tagore đã khẳng định rằng tình yêu chính là ánh sáng dẫn lối, vượt qua mọi rào cản của bản ngã để chạm đến cái vô hạn. Hành trình ấy, qua lăng kính của Hòa thượng, trở thành một bài học lớn về sự hợp nhất giữa nghệ thuật và tâm linh, giữa lý tưởng và thực tại. Cũng như ánh sáng của một ngọn nến, sự hòa quyện ấy không chỉ soi rọi mà còn sưởi ấm những tâm hồn đang miệt mài tìm kiếm ý nghĩa giữa dòng đời bất tận.

Cuộc đời và thơ ca của Tagore, cũng như những suy tư sâu sắc của Hòa thượng Thích Phước An, đã để lại cho chúng ta một thông điệp vượt thời gian: chân lý không nằm ngoài tầm với của con người. Nó tồn tại ngay trong lòng người, trong mỗi khoảnh khắc ta mở lòng với cuộc sống, với đồng loại và với chính mình. Tình yêu và giác ngộ, dù được diễn đạt qua ngôn ngữ thơ ca hay thiền định, đều là những con đường đưa chúng ta trở về với bản thể chân thật nhất – nơi không còn ranh giới giữa hữu hạn và vô hạn, giữa con người và vũ trụ.

Rabindranath Tagore từng viết: “Tôi đã đi qua những giấc mơ để đến với thực tại, và chính ở đây, tôi đã tìm thấy ánh sáng.”[6] Có lẽ, trong hành trình ấy, mỗi chúng ta cũng đang tìm kiếm ánh sáng riêng mình – một ánh sáng được thắp lên từ tình yêu, từ lòng từ bi, và từ sự thức tỉnh nội tại. Trong không gian của những giá trị ấy, chúng ta nhận ra rằng cái hữu hạn của đời sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi hòa nhịp với cái vô hạn của lòng người.

Phật Lịch 2568
Tuệ Năng – 慧能


[1] Đồi Trại Thủy, nằm tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, là một địa danh nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn vì giá trị tâm linh và lịch sử. Đây là nơi tọa lạc của chùa Long Sơn, một trong những ngôi chùa quan trọng trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam, đồng thời là nơi ghi dấu bước chân tu hành của nhiều bậc cao tăng qua các thời kỳ. Ngọn đồi này, với khung cảnh tĩnh mịch và linh thiêng, đã trở thành một biểu tượng của sự hòa quyện giữa thiên nhiên và đời sống tâm linh, nơi mà những suy tư về đạo pháp và văn hóa vẫn tiếp tục lan tỏa, vượt qua mọi giới hạn của thời gian.

[2] Rabindranath Tagore (1861–1941) là nhà thơ, triết gia và nghệ sĩ vĩ đại của Ấn Độ, người châu Á đầu tiên nhận giải Nobel Văn học (1913) với tác phẩm Gitanjali. Tư tưởng của ông kết hợp tinh thần triết học Hindu và sự nhạy cảm nghệ thuật, tập trung vào tình yêu, sự hợp nhất giữa con người và vũ trụ, vượt qua bản ngã để đạt đến cái vô hạn. Tagore đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa toàn cầu, là cầu nối giữa văn minh phương Đông và phương Tây.
[3] Bengal là vùng đất lịch sử và văn hóa ở tiểu lục địa Ấn Độ, hiện nay bao gồm Tây Bengal (Ấn Độ) và Bangladesh. Đây là quê hương của nhiều danh nhân, đặc biệt là Rabindranath Tagore, nhà thơ đầu tiên ở châu Á đoạt giải Nobel Văn học (1913). Bengal nổi tiếng với truyền thống nghệ thuật, triết học và là cái nôi của phong trào phục hưng văn hóa Ấn Độ thế kỷ 19.
[4] Thích Phước An, “Rabindranath Tagore – Thi nhân đi tìm vô hạn trong vòng tay của bà mẹ cát bụi”
[5] Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một trường phái Phật giáo Việt Nam được thành lập vào cuối thế kỷ 13 bởi vua Trần Nhân Tông sau khi ông từ bỏ ngôi báu để xuất gia. Thiền phái này kết hợp giữa thiền học và hành động thực tiễn, nhấn mạnh sự giác ngộ thông qua việc thực hành thiền định, từ bỏ ham muốn vật chất, và hòa mình vào đời sống xã hội để phụng sự chúng sinh. Với tư tưởng “cư trần lạc đạo” (sống giữa đời thường nhưng vẫn đạt được đạo), Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là biểu tượng của Phật giáo thời Trần mà còn thể hiện sự gắn bó giữa tôn giáo, văn hóa và tinh thần dân tộc Việt Nam. Ngọn núi Yên Tử (Quảng Ninh) được coi là trung tâm của Thiền phái này, nơi Trần Nhân Tông, với pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, giảng pháp và truyền bá tư tưởng Phật giáo.
[6] Thích Phước An, “Rabindranath Tagore – Thi nhân đi tìm vô hạn trong vòng tay của bà mẹ cát bụi”

Thursday, December 19, 2024

HT Thích Tuệ Sỹ tâm tình với GĐPT Việt Nam tại Hải Ngoại

HT Thích Tuệ Sỹ tâm tình với GĐPT Việt Nam tại Hải Ngoại


https://www.youtube.com/watch?v=fyasm5_pDWY


Lời Dẫn: Trong tinh thần tri ân và tưởng nhớ, chúng con xin được chia sẻ lại một kỷ niệm quý báu với Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Đây là lần đầu tiên các Huynh trưởng cao cấp của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại có duyên lành được tiếp xúc và thăm hỏi Hoà thượng. Cuộc hầu chuyện đầy ý nghĩa này đã diễn ra vào tối ngày 29 tháng 4 năm 2021, lúc 8:30 giờ tối qua hệ thống Zoom.

Sau buổi hội ngộ, chúng con đã trân trọng gửi những lời dạy của Thầy đến quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại, Quốc Gia, và các Huynh trưởng có thẩm quyền. Tuy nhiên, với thời gian, chúng con nhận thấy rằng những lời thương yêu và chỉ dạy của Thầy không chỉ dành riêng cho tổ chức GĐPT Việt Nam mà còn là món quà quý giá cho số đông. Vì vậy, với lòng biết ơn sâu sắc đối với tình thương bao la của Thầy và Giáo Hội, chúng con xin mạn phép chia sẻ những ý chính của cuộc hầu chuyện này đến toàn thể đại chúng.

Lời Thầy không chỉ là những lời dặn dò mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao, nhắc nhở chúng ta luôn sống trong tinh thần từ bi và trí tuệ, phụng sự cho sự nghiệp hoằng pháp và lợi lạc của số đông. Kính mong đại chúng cùng lắng nghe với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn. Chúng con xin được tóm lược những ý chính từ cuộc hầu chuyện và những lời dạy bảo đầy trí tuệ và từ bi của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

  1. Tầm quan trọng của giáo dục thế hệ trẻ: Hòa thượng nhấn mạnh rằng việc giáo dục Gia Đình Phật Tử, đặc biệt là thế hệ đoàn sinh trẻ (thế hệ Z và thế hệ Alpha), cần phải thích ứng với những thay đổi liên tục của thời đại. Thế hệ trẻ hiện nay rất quan tâm đến những vấn đề như môi trường và xã hội, vì vậy, cách giáo dục cũng cần phù hợp với những mối quan tâm này.

  2. Khế lý và khế cơ: Giáo lý Phật giáo luôn phù hợp với mọi thời đại, nhưng cần phải tìm cách truyền đạt sao cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của từng thế hệ. Khế cơ (phù hợp với căn cơ) là điều cần được đặc biệt chú ý khi giáo dục lớp trẻ. Chúng ta chỉ có khoảng 5 năm để hướng dẫn và dìu dắt các em.

  3. Sử dụng công nghệ và phương tiện hiện đại: Hòa thượng chỉ ra rằng thời đại công nghệ đã thay đổi cách con người giao tiếp và sinh hoạt. Các hoạt động Phật giáo, kể cả giáo dục và truyền bá giáo lý, cần tận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để kết nối và hướng dẫn thế hệ trẻ.

  4. Vai trò của Huynh trưởng: Hòa thượng nhắc đến tầm quan trọng của việc có một thế hệ huynh trưởng trung gian (giữa lớp người lớn tuổi và thế hệ trẻ) để chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm Phật giáo. Những huynh trưởng này cần năng động, hiểu rõ giáo lý Phật Đà và biết cách kết nối với lớp trẻ.

  5. Phát triển Phật giáo trong xã hội: Hòa thượng khuyến khích Gia Đình Phật Tử không chỉ giới hạn sinh hoạt trong chùa, mà còn tham gia đóng góp cho xã hội, nâng cao tinh thần Phật giáo qua những hoạt động xã hội hữu ích. Hòa thượng nhấn mạnh rằng Phật giáo cần được đưa vào thực tế đời sống, chứ không chỉ là lý thuyết hoặc học thuyết.

  6. Tầm quan trọng của nghiên cứu và thích ứng: Hòa thượng cũng khuyến nghị các tổ chức Phật giáo cần có nghiên cứu chuyên sâu về xã hội học để hiểu rõ hơn những thay đổi trong tâm lý và nhu cầu của người trẻ. Điều này sẽ giúp tổ chức Gia Đình Phật Tử thích ứng và phát triển phù hợp với thời đại, (ví dụ… đơn giản hoá vấn đề hành chánh trong tổ chức).

Lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ xoay quanh việc tìm phương hướng, cách chuyển giao, truyền bá giáo lý Phật Đà đến với tuổi trẻ–trong tổ chức GĐPT là tối ưu quan trọng–một cách sáng suốt, linh hoạt và phù hợp với từng thế hệ, đồng thời phải luôn mở lòng để học hỏi, nghiên cứu và phát triển theo nhịp bước của xã hội hiện đại.

Xin cảm ơn Phật tử Diệu Danh đã bỏ thời giờ đánh máy lại nguyên văn cuộc đàm thoại này.


Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ nói chuyện với Huynh trưởng cao niên và thâm niên của tổ chức Gia đình Phật Tử

    

Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ (BXP)

  Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Ôn, chúng con rất là vui, hôm nay được hầu chuyện cùng Ôn. Chúng con được biết những Tâm Thư của Ôn đã gửi ra và chúng con đã lắng nghe, nhiều anh chị em rất là quan tâm với sự dạy dỗ của Ôn. Chúng con được biết sắp tới đây, những Ban Hướng Dẫn đang sắp có những buổi sinh hoạt để chuẩn bị cho Đại Hội cũng như có những sinh hoạt “Tình Lam dành cho huynh trưởng cấp Dũng” sắp đến. Đây là lần đầu tiên có khoảng 20 huynh trưởng cấp Dũng đang sinh hoạt online, là lần đầu tiên sinh hoạt chung ở Mỹ cũng như tại Hải ngoại.

     Nhân đây chúng con cũng kính Ôn cho chúng con vài lời như một lời chỉ dạy để chúng con lấy đó làm cương lĩnh mà sinh hoạt. A Di Đà Phật, chúng con cung kính mời Ôn.

    Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính chào các anh chị, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nói chuyện với các anh chị. Có những điều tâm sự nói chuyện với nhau thì tốt hơn, các anh chị có nhiều người lớn hơn hoặc nhỏ hơn tôi nhưng phần lớn cùng thế hệ. Những người đã trải qua một giai đoạn chiến tranh, rồi qua một thời kỳ của Cộng sản, qua thời kỳ thay đổi bản chất Cộng sản, qua rất nhiều thời kỳ, cái đó qua rồi thì không trở lại nữa, chắc chắn thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là qua cái thời kỳ đại dịch này, sẽ có rất nhiều thay đổi giáo dục của chúng ta đối với Gia đình Phật tử, đối với đoàn sinh là chính, giáo dục họ là chính, mà đoàn sinh nhắm đến thế hệ tương lai, gọi là thế hệ sắp đến, cách mà các nhà xã hội học của Mỹ, Âu Châu hiện tại áp dụng ở Mỹ và Úc nhiều nhất nên ta gọi là thế hệ Z, thế hệ Alpha.

     Thế hệ Z là thế hệ trẻ em đang trưởng thành, thế hệ các em đang vận động vấn đề môi trường, môi sinh tạo tiếng vang cả thế giới. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ lớp trẻ. Tuy rằng nó mang tính chất là phong trào cho môi trường, không có mang tính cách chính trị, nhưng mà chúng ta thấy rằng, lớp trẻ đang đòi hỏi ở lớp già cái gì? Rồi qua lớp Alpha là lớp của tuổi đang nhỏ mới lớn lên nữa, sự giáo dục hướng lên những cái đó đòi hỏi phải có điều kiện, phải suy nghĩ, Tôi cũng đang suy nghĩ nhiều, thực ra chúng ta không bao giờ nói rằng giáo lý Phật không phù hợp thời đại, luôn luôn hợp thời đại, vì rằng cái khổ là cơ bản của con người. Khổ là một cái chính, xã hội nào con người cũng mong xã hội hòa bình và đem lại sự an lạc. Cái an lạc tuyệt đối giải thoát Niết Bàn mình không thể đạt ra được. An lạc trong một xã hội mình có thể đạt được, nhưng làm cách nào ta gọi là khế lý và khế cơ. Khế cơ là khế cơ thế nào trong lớp trẻ họ lên? Nên ngày nay chúng ta thấy rồi: ngồi nói chuyện với nhau qua mạng, liên hệ với nhau qua mạng, không cần gặp nhau, sinh hoạt qua mạng. Nhất là các anh phải để ý rằng trong các nghiên cứu hiện tại, từ các giáo sư tại các trường đại học, các nhà nghiên cứu về kinh tế và xã hội, ngay cả các nhà tư bản, chủ các xí nghiệp. Cái họ đặt ra là vấn đề sản xuất, sản xuất những gì thế hệ tới họ tiêu thụ hợp và phát triển trí tuệ và cả nhân cách nữa, tức là người ta lấy kinh tế, sản xuất và phân phối hai cái là chính, Trong mình, mình phải để ý tới cho hợp với thời đại. Đây là điều nghiên cứu.

     Cái khó của chúng ta là các anh cũng như chúng tôi thôi, mình sống từ kinh nghiệm của mình, và kinh nghiệm sống, có khác là trong thời buổi chiến tranh, mình nghĩ cái quản lý xã hội, quản lý đoàn thể theo cái mẫu mực của thời buổi chiến tranh và cũng là hành chánh, hành chánh không có giấy tờ. Bây giờ là quản lý xã hội, thông qua, tức là nói chuyện trực tiếp với nhau. Bây giờ tôi nói chuyện với anh cũng qua online không hà và ngay cả các Giáo hội cần công chuyện gì như là bổn đạo đi tới nhà thờ, đền thờ. Như là Thiên Chúa và Hồi Giáo bây giờ người vẫn làm lễ ban phép qua online cũng làm trực tiếp được, cái đó là cái điều mình phải suy nghĩ. Cái thế hệ chúng ta không có kinh nghiệm về cái điều này, có biết thì biết theo đuôi vậy thôi, ngay cả như tôi cũng vậy, tôi chạy rất nhanh theo cái thời đại, nhưng mà có những cái mình thấy thua con nít bây giờ mình thấy thua nó, nó sáu bảy tuổi mà đã hơn mình, nhờ nó mở máy ra, nó mở một cách dễ dàng quá, mình nhiều khi mò không ra.

     Thành ra bây giờ mình phải giáo dục thế nào? Mình phải cần một thế hệ trung gian, đây là điều cần thiết. Tức là tôi đã đặt hồi xưa, tôi đặt vấn đề rồi, tôi đặt vấn đề một gia đình ba thế hệ, thế hệ ông, đó là gia đình các anh là huynh trưởng cấp Dũng là một, gia đình thứ hai là gia đình bố mẹ, cô bác gia đình đó là cấp Tấn. Và cuối cùng các đoàn sinh là con cháu. Thì cấp Tấn bây giờ là giới trẻ còn lớn lên còn hoạt động, cấp Tấn bây giờ xuống 40, 30 trở lên cho hoạt động qua trung gian lớp đó năng động. Thực sự ra tôi thấy cấp Tấn bây giờ có nhiều anh đã năm sáu chục tuổi còn đỡ, 50 đến 60 đã hơi lạc hậu rồi. 60 đến 70 lạc hậu rồi, thì qua trung gian họ, họ sẽ trực tiếp xuống dưới đó, mình nắm vững giáo lý mình sinh hoạt, mình sống từ nhỏ tới lớn mình sinh hoạt, giáo lý của Phật nằm trong lòng rồi, cái đạo đức của Phật nằm trong đó thì mình giữ cái cang thường tới mức đó, truyền kinh nghiệm đó cho thế hệ đàn em đó là thế hệ gọi là cấp Tấn. Nhưng cấp Tấn phải chia làm hai phần là phần già và trẻ ở trong đó. Tiếp đó họ trực tiếp với đàn em dưới này, lớp thanh niên từ 18, 19 cho đến 14, 15, họ truyền xuống, đây là phải tìm cách tiếp nối thế hệ này qua thế hệ khác, vấn đề đặt ra rất nặng mình không thể làm một lần được, tôi hy vọng là sẽ có nhiều lần nói chuyện với các anh có điều kiện chung thì góp ý kiến, chứ bây giờ nói rằng hiểu biết thế giới thì tôi cũng chịu thua rồi! mặc dù tôi theo dõi, nhưng mà cái theo dõi nó hạn chế là vì ở Việt Nam sách vở không có thể trực tiếp như bên Mỹ được. Phần lớn là qua Internet hay qua Google, Bác Google bác giới thiệu cho chứ không có gì hết. Thực sự bác Google cho các trường đại học nhưng làm vẫn hạn chế, chẳng nghiên cứu đầy đủ.

     Phật giáo mình nhất là Việt Nam mình qua thời kỳ chiến tranh, cái giáo hội mình cũng chia năm xẻ bảy, thành ra không có một trung tâm nghiên cứu nào có tầm cỡ để chỉnh yếu được. Ở Việt Nam nhiều lần tôi nói với các anh trẻ cố gắng làm thế nào để đạt được một cái ban để nghiên cứu. Thực sự ra theo dõi sinh hoạt tâm lý để hướng dẫn chứ mình không thể nào cứ tới chùa rồi theo sách học như hồi xưa được. Phải theo dõi rằng khi họ đi chùa phải thay đổi như thế nào, họ suy nghĩ như thế nào? Trong tương lai như thế nào? Rồi một lớp học từ gia đình phật tử ra trường làm việc, họ thay đổi như thế nào, phải kiểm soát được. Đây là vấn đề nghiên cứu xã hội học, mình không thể làm nổi, chắc chắn không làm nổi, trừ khi có một giáo hội lớn, một tổ chức lớn.

     Hồi xưa có Tổng vụ Thanh Niên, nhưng mà thanh niên trong thời chiến tranh, ngoài chuyện đi chùa phần lớn dồn nỗ lực vào đấu tranh cho hòa bình, dân tộc, thì mình có điều kiện nào tổ chức cho thế hệ trẻ, Mà thế hệ trẻ hồi đó lớn lên có một khúc quanh nhất là làm thế nào cho sống còn qua cơn chiến tranh, tương lai tùy thuộc chiến tranh, thành ra không nghĩ gì tới chuyện giáo lý khế lý, khế cơ cho nhiều. Nhưng bây giờ đòi hỏi rất nhiều, từng thế hệ đi qua nó có thay đổi. Thực ra 10 năm. Hồi xưa người ta đặt ra một thế hệ 20 năm mới có thay đổi. Hai chục năm mới có một sự thay đổi, nhưng bây giờ chỉ mười năm thôi, mình mới thấy đó là cái cô bé Greta Thunberg ở Thụy Điển gọi là thế hệ G, nhưng bây giờ cô đã lên 18 tuổi rồi là còn thế hệ nhỏ khác lên, đó là cô bé Greta mà Tổng thống Biden đề nghị cô đứng đầu trong phong trào tuổi trẻ vận động cái môi sinh này.

      Ngoài môi sinh ra mình sẽ có nhiều vấn đề cho tuổi trẻ, mình huấn luyện cho một gia đình Phật tử đủ trình độ, đủ khả năng mà để ra ứng phó ngoài đời chứ không thể là ở trong chùa, đóng khung chùa chỉ biết niệm Phật, tụng kinh và hiểu giáo lý, đọc Duy Ma Cật vanh vách, đọc Thắng Man vanh vách mà ra đời không biết làm gì để áp dụng. đạo đức Phật giáo thì có thể giữ được nhưng mà cũng áp dụng được, thì đây là thiếu sót, Trong vấn đề kinh tế, trong vấn đề giáo dục phải có những gia đình Phật tử để hỗ trợ, họ đi vào, họ đưa Phật Giáo vào, không nói rằng tôi dạy theo Phật Giáo, mình đem tinh thần Phật giáo giáo dục cho xã hội, mình đóng góp xã hội. Xã hội Việt Nam ở Việt Nam, ở Tây thì xã hội Tây mình đóng góp tất cả cho xã hội nâng cái tầm mức của Phật Giáo lên, không nói Phật Giáo Việt Nam mình đóng góp trên cái sự nghiệp nâng tầm mức Phật Giáo lên tầm cỡ thế giới. Chứ bây giờ Phật Giáo vẫn là một tôn giáo lớn chỉ giới hạn trong vấn đề trí thức, chứ không bằng các Tôn Giáo khác, chưa có thể nói rằng là mình đem cái tâm nguyện từ bi, đại bi của Phật mà gieo rắc khắp cả cái thế giới này được, chưa được, mới có một phần nhỏ hà, số đó quá ít, chưa xứng đáng cái tầm vóc của giáo lý Đức Phật. Thì bây giờ thì nói nhiều, lui tới cũng chừng đó, tại vì chúng ta nói cụ thể hơn, tôi cũng cần cái cụ thể hơn, và tôi mong rằng có điều kiện sẽ gặp lại các anh chị, với anh cũng chuẩn bị đi, mình tiếp xúc với một thế hệ trẻ, thế hệ mới, thế hệ của anh Bạch Xuân Phẻ, và thế hệ học trò của anh nữa hiểu biết, rồi chúng ta sẽ nói chuyện rõ ràng hơn và góp ý để biết cho rõ ràng hơn, chừng đó sẵn chúng ta là thế hệ này sẽ nắm vững cái đường lối giáo dục thanh niên và truyền cái ý nghĩa đó, lớp trẻ họ sẽ làm cách nào. Phương cách họ làm. Làm cách nào để đưa xuống tuổi trẻ. Và tuổi trẻ lớp đoàn sinh, lớp tuổi trẻ này từ Oanh Vũ cho tới Thanh thiếu niên, những người này sắp bước vào đời, đã bước vào đời họ sẽ làm cái gì bằng kinh nghiệm mà họ tự làm lấy. Nói chung mình ở trên này bằng trí tuệ, xuống dưới lớp dưới đó bằng phương tiện. Cái lớp mà chịu cả phương tiện và trí tuệ là lớp đoàn sinh. Đây là nói trong giáo lý đó.

      Từ đại trí, mình không phải là đại trí nhưng mình đã sinh hoạt, đã hiểu Phật Giáo rồi, hiểu nằm lòng trong đó rồi, đem cái hiểu biết dó mình gọi là trí tuệ. Trí tuệ dù hạn hẹp nhưng vẫn có thể vận dụng được đưa xuống lớp trẻ, và lớp trẻ đó mình sẽ làm thế nào để họ có một phương tiện biết từ giáo lý để mà khai thác những phương tiện. Bằng phương tiện mình áp dụng cho đoàn sinh và đoàn sinh họ tự phát triển từ thế hệ này tiếp thế hệ khác. Đoàn sinh cỡ 18, 19 tuổi thì khi họ lớn lên rồi thì lớp sau nó kế  tiếp. Bây giờ thử ra chỉ 5 năm là kế tiếp rồi.

      Lớp Oanh vũ từ 13, 18 tuổi vô đại học rồi, cứ như vậy cứ 5 năm thay đổi, Năm năm thay đổi, Oanh vũ thay đổi, không phải Oanh vũ năm năm đầu giống nhau, đó là điều cần thiết. 

      Thì bây giờ tôi chỉ nói được chừng đó, tôi chỉ hiểu biết chừng đó, không nói gì thêm nhiều được, mong anh chị thông cảm, có điều kiện cho tôi nhiều thông tin tôi bàn tiếp, Tôi nằm tôi suy nghĩ thế nào cho nó tốt hơn, chứ bây giờ tôi chả biết gì hết đó. Cái nước Việt Nam này nó lạc hậu, tôi cũng lạc hậu theo rồi.

     Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ (BXP): A Di Đà Phật, chúng con kính cảm ơn Ôn rất là nhiều và chúng con sẽ chuyển lời lại của Ôn cho đến những anh chị có cấp ở đây, hay ở Hoa Kỳ cũng như ở hải ngoại  những lời của Ôn đã dặn dò. Xin hẹn Ôn trong một thời gian tới rất là ngắn, để tất cả các huynh trưởng có thể ngồi lại để lắng nghe Ôn dạy bảo chi tiết hơn. Thưa Ôn để mà nói tiếp, không biết là Ôn có những đường hướng hành hoạt cụ thể mà như Ôn vừa đề cập không, để cho mình làm thế nào cho Gia đình Phật tử  trong cũng như ngoài nước ngày càng tiến vững lên?

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ: Có hai phần, một phần hình thức tổ chức, cái cơ cấu là quan trọng, cái này phải suy nghĩ lại. Cái cơ cấu mình vừa kể thì nó lạc hậu, quá lạc hậu rồi. Với lại tôi thấy hành chánh mình quá rườm rà, hành chánh giấy tờ thời kỳ chiến tranh bây giờ nó khác, mình làm nó khác, tôi nói với anh con nít làm gì “chiếu này chiếu nọ" chi cho mất công vậy? Có gì chiếu đâu, nhưng mà anh phải làm, không thể thay đổi được. Cái nguyên tắc hành chánh tồn tại như vậy được, mà lớp trẻ lên nhiều khi nó phiền cái đó lắm. Tôi không biết anh có phiền không? tôi thấy nhiều người lên mà cứ ngồi chờ đọc cho xong lệnh chiếu này, chiếu kia phiền lắm.

  Sau đó, chúng tôi kính cảm ơn Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ đã dành thời giờ cho chúng quý Huynh trưởng cao niên và thâm niên của tổ chức và cầu chúc Người pháp thể khinh an và chúng sanh dị độ. Cuộc hầu chuyện với Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ kết thúc vì đã đến giờ cơm trưa của Người.


                            Tâm Thường Định


                                            Phiên tả lại từ video clip: PT Diệu Danh