Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts
Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts

Thursday, May 31, 2018

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lãng Du và Nguyễn Thanh Huy


Trần Trung Đạo không phải là người xa lạ trong giới văn nghệ. Những sáng tác của anh đã đăng trên các báo, xuất bản và được nhiều người đón nhận. Thơ của anh có kích thước vì chuyên chở được cái tình yêu thương của Con Người. Nhiều giòng chữ trong hai tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức trở thành sợi nắng ban mai đánh thức lương tâm nhân loại trong đêm dài tăm tối. Trần Trung Đạo không chỉ viết cho chính mình. Anh viết nhiều cho Dân Tộc anh, cho những người thân mến và cho những kẻ khốn cùng. Trần quân sinh tại Quảng Nam, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, với ngọn núi Ngũ Hành ngàn năm sừng sững, với sông Thu Bồn miên man nước chảy, với quế Tiên Phước ấp ủ hương rừng. Anh ngậm ngùi gởi về nơi mở mắt chào đời những bài Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng, Thu Bồn, Lụa Duy Xuyên. Thơ anh là giòng sông thương nhớ tìm về nguồn cội:
Trái tim tôi có một giòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sô^ng Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòng bong Đại Lộc.
(Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng)

Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa
Ghé Phong Châu quỳ trước điện Vua Hùng
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là kẻ lữ hành trong cuộc đời bất định. Những thành phố mà anh đã từng đặt chân tới đã trở đô thị sống mãi trong thơ anh. Những bạn bè anh gặp đã trở thành tri kỷ trong ký ức. Đời anh vươn cao từ những khốn khó nên anh nâng niu quá khứ của mình. Từ chốn tạm dung nhiều ánh sáng anh thốt lên những khao khát không cùng:
Thèm một tối cùng anh em bè bạn
Uống cho say rồi chết giữa Sài Gòn.
(Ra Biển Gọi Thầm)

Tấm lòng của Trần Trung Đạo trải rộng ra cho non sông. Tình yêu nồng nàn của anh bao phủ khắp các ngả đường đất nước. Anh hứa với người tình trong thơ: Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội, dù cả đời anh chưa được một lần qua …Anh sẽ đưa em đến bờ Thiên Mạc để nhớ một lần lửa dậy Thăng Long …Anh sẽ đưa em đến đường Cổ Ngư bóng mát vì những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây. Quê hương Việt Nam xa cách của anh là một thiên đường thần thánh.
Mỗi chiếc lá nghe như còn hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại một lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc.
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là người chí tình. Ngòi bút của anh hóa thành trầm hương khi viết về tổ tiên. Tâm hồn anh hóa thành mật ngọt khi viết cho người Mẹ hiền nơi cố quận. Trái tim anh gần gủi như ca dao trong lòng người viễn xứ. Đọc thơ Trần Trung Đạo người ta cảm nhận được tính đạo của dân tộc Việt.
Trần Trung Đạo có lần làm bạn với cây đa bên chùa Viên Giác. Cái cây tưởng như vô tri đó không bỏ anh lúc anh khổ cực. Sau nầy văn chương anh mọc thành cây cổ thụ che bóng mát cho những kẻ khốn cùng. Thơ anh bỗng là tiếng rên của bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu ở nhà thương Chợ Rẫy, là tiếng khóc của em bé thiếu sửa trên vỉa hè Đà Nẵng, là tiếng thét hãi hùng của người con gái trong vịnh Thái Lan, là tiếng đòi tự do của người thanh niên tại trại tù Đông Nam Á.
Anh viết cho kẻ sống và kẻ chết. Sự thua thiệt của những người bất hạnh vẫn là nỗi đau khổ ám ảnh anh dù đó là của một bà mẹ điên không đủ tiền mua thuốc cho con, củ anh bộ đội tàn phế không dám về thăm gia đình, của người lính già vừa chết đêm qua không người vuốt mắt.
Trần Trung Đạo bâng khuâng dưới cõi trời Tây. Nơi đây người ta tha thiết với tự do và bác ái. Nhưng em Hoàng Thị Thu Cúc vẫn chết tại trại Sikiew, Thái Lan vì có kẻ cho rằng em không đáng hưởng quyền họ nâng niu, bảo vệ. Trần Trung Đạo nghẹn ngào đưa hương hồn người con gái trẻ trở về cố xứ.
Con chim mhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Đôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Đường về Nam phảng phất một linh hồn.
(Vĩnh biệt em Thu Cúc)

Nơi đất nước có nhiều điều mới lạ. Người ta có quỹ bảo vệ thiên nhiên, có tiền che chỡ súc vật. Họ hiểu được tiếng chim nhưng không nghe được tiếng người. Trần Trung Đạo lại khóc cho những kẻ bị lãng quên:
Me em đâu ? – Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu ?
– Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu ?
– Nghe chị thét trên mui
Ba của em đâu ?
Em lắc đầu không nói.
(Em bé Việt Nam và viên sỏi)

Chim có tổ, chồn cáo có hang nhưng người Việt không có một chỗ an thân. Trần Trung Đạo đã không ngần ngại hiến dâng cái sỡ hữu cuối cùng của cuộc đời anh qua lời ước nguyện:
Cho tôi chết làm người dân nước Việt
Linh hồn tôi phơ phất giữa trời Nam
Xác thân tôi trôi dạt bến sông Hàn
Làm phân bón cho quê nghèo khốn khỗ.

(Cho tôi xin)
Thơ của Trần Trung Đạo là nỗi thao thức của một người Việt Nam. Tác phẩm của anh là tờ hịch kêu gọi tình bác ái cho nhân loại nên sẽ sẽ tồn tại lâu dài với thời gian.

Friday, January 5, 2018

Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình




The California Vietnam Veterans Memorial - Hình: BXK

Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình

Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.

Đọc thơ mới thấu hiểu thêm được hoàn cảnh lịch sử của đất nước và thân phận con người Việt Nam trong chiến tranh, cũng như sự hy sinh của biết bao nhiêu gia đình và sinh mạng, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam, trung kiên và mẫu mực. Đối với tập thơ và kịch mỏng này, thơ là tiếng gào thét giữa nỗi cô đơn bạt ngàn và chính thơ là phương tiện để người vượt qua khỏi nỗi trầm luân giam cầm, lưu đày và đói khát. Có lẽ thơ là suối nguồn hy vọng, thơ—tự vực mình lên mà đi, thơ—vỗ về lúc mình sắp nghiêng ngả, thơ—để tìm chân lý cao cả, và thơ—cũng là con đường, là đạo vì trong thơ đã thoang thoảng hương từ bi của Phật giáo. Có lần tác giả đã thốt lên:

"...Giữa khổ đau ta chợt nở hoa lòng
Hạnh phúc kia chỉ tuyệt đỉnh vô song
Khi nó rọi bằng trái tim KIÊM ÁI".

Nhà thơ từ bi lắm. Có từ bi mới xoa dịu được vết đau, bất công và thù hận. Chỉ có tấm lòng nhân ái đó nhà thơ mới có thể vượt qua những tận cùng khổ đau; nhà thơ vẫn lạc quan trong ngục tù đen tối; còn chút hy vọng mỏng manh để thấy được sự vi diệu của cuộc đời, trong đó có đứa con đầu lòng của người, Minh Thi.

Minh Thi! Minh Thi!
Chắc con ta chưa có một mùa Thu nắng đẹp
Vì đã bao năm con chẳng có mặt Trời
Cũng như ta
Đã bao năm ta chẳng thấy mặt con
Nhưng này Minh Thi ơi!
Ta vẫn còn đây với Trái Tim và Trí Tuệ
Để biến những hư hao này thành nguồn suối thơ vô tận của yêu thương.
(Bài Thơ Làm Giữa Mùa Thu Nắng Đẹp).

Nếu con cái là niềm hy vọng để sống còn, thì tình nghĩa vợ chồng phải là mạch mạng của phù sinh kiếp người. Nhà thơ cũng lãng mạn lắm:

"Mắt em đâu có gì trong đó,
Sao nhiếp hồn ta tới bạc đầu". (5 Uẩn)

Tôi tin như thế và có lẽ tình yêu muôn thuở giữa tác giả và người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, được ví như nàng Tô Thị, ôm con chờ chồng, là năng lượng sống của những người đi ‘cải tạo’. Nghĩ lại, tội nghiệp cho biết bao nhiêu nàng Tô Thị rõi mắt trông chồng được về từ 'cai tù cải tạo' trong lúc vất va vất vưởng nuôi đàn con thơ dại khờ nhỏ xíu. Nàng Tô-thị đó là...

"Em ơi!
Giòng suối thời gian là tiếng khóc
Ru nửa đời người bằng thăm thẳm chia ly
Trên không
Người thiếu vắng mặt trời
Dưới trần gian
Máu đã khô và nước mắt
Không đủ với đi bao nỗi sầu đời
Nghiệp duyên nào biến em thành nàng Tô-thị
Bởi trung kiên nên nhân thế tôn thờ
Bởi yêu em nên máu ứa thành thơ
Dù ca tụng vẫn chỉ là muôn một.
(Bài thơ để em đề tựa)

Và trong hố sâu vực thẳm đó, nhà thơ vẫn giữa lòng biết ơn với người tri kỷ và vẫn yêu thương cho dù có lần tác giả đã thấy cái chết trước mặt với "Thần linh và Bóng đêm"

Hãy hát lên đi người ơi
Hãy khóc lên đi người ơi
Thời gian này
Xin dành cho những yêu thương
Và nỗi cô đơn
Hằng đêm vây phủ lên người
Hãy uống đau thương người ơi
Hãy nhớ đến thân phận mình
Thần linh và Bóng đêm
Thời gian và Trái tim
Hãy cùng tôi ca hát
Hãy cố quên đi niềm đau
Niềm đau rồi sẽ qua
Tình yêu rồi đợi ta...
(Thần linh và Bóng đêm, Hà Tây 1979).

Phút giây tử thần đến mà tác giả vẫn dành trọn cho yêu thương, chứ không hận thù, tha thứ chứ không trách móc, để rồi vẫn tiếp tục hy vọng:

"Rồi đây bến sông sẽ bừng tiếng ca
Để ngàn năm
Mình dìu bước nhau vào nơi muôn trùng...
(Tiếng hát từ lâu đài hoang phế)

và cuối cùng chàng và nàng cũng,

"Đứng chờ từ thuở hoang sơ
Ngàn năm ôm ấp giấc mơ tuyệt trần...” (Bài thơ để em đề tựa)

Nhưng có lẽ giấc mơ tuyệt trần nhất của nhà thơ là với lẽ đạo. Qua hai bài Hán văn sau, có lẽ chúng ta thấy bàng bạc ý tưởng tự độ và độ tha, tự giác và giác tha của tác giả.

“Lao trung chỉ dục địa thiên tân…
…Hàn cơ tân khổ bất dao tâm.” (Thiết Tâm) 

mà chính tác giả dịch nghĩa như sau:

Trong tù chỉ mong trời đất đổi mới…
Đói lạnh, khổ đau chăng xao xuyến tấc lòng. (Tấm lòng Gang thép)

Bài thứ hai là Vô Môn Quan

Thu phong hựu động ngã tâm sâu…
…KHÔNG SẮC môn quan khởi từ cầu?

Chúng tôi xin mạn phép được dịch như sau:

Gió thu lay động lòng buồn
Sắc Không cửa ấy, xin cầu được chi?

Đêm khuya thô thiển đọc và viết vài lời cảm hứng để cảm ơn cư sỹ Đào Văn Bình, một pháp hữu mà chúng tôi kính trọng. Có lẽ anh Nguyên Toàn, Trần Việt Long, đã nói hết được tinh hoa thơ của người: “Thơ của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình rất cảm động, đặc biệt là ý thơ, lời thơ và âm vận rất nhẹ nhàng, từ ái làm rung động trái tim người đọc hết sức thiết tha và đồng cảm.”

Còn tôi, thơ của cư sỹ Đào Văn Bình trong giai đoạn lao tù là tiếng lương tri, một đoạn sử nghiệt ngả như tự tình của quê hương và dân tộc mà chỉ có những người bị ở tù mới thấu hiểu được cõi thơ Người Tù. Thôi thì, tôi xin lấy lời của chính tác giả để kết vậy.

Tôi chỉ là một phần tử rất lơ mơ, trần tục.
Cho nên ý tưởng của tôi cũng rất lạc hậu, quê mùa.
Vậy xin bạn bỏ qua, đừng chấp.”
(Khi Bạn Tắt Máy Truyền Hình)

Mà nếu còn chấp, thì xin hãy cùng nhau đọc bài kệ trong Kinh Lăng Già để tất cả đều lợi lạc.

Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại Bi Tâm.

Sacramento, một ngày trời lạnh đầu năm, 2018.
Bạch X. Phẻ


Wednesday, December 27, 2017

TRỜI LẠNH ĐỌC SÁCH ‘NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐÀN BÀ’ CỦA TUẤN KHANH

Ns. Tuấn Khanh: Photo: Người-Việt

TRỜI LẠNH ĐỌC SÁCH 
‘NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐÀN BÀ’ CỦA TUẤN KHANH

Sáng nay, trời lành lạnh và mưa đã làm ướt cỏ đêm qua. Ánh bình minh đang ghé thăm phòng khách. Trong nhà cũng thưa đi tiếng cười. Nghỉ lễ nên đọc sách. Bạn già của tôi, Uyên Nguyên, tặng cuốn sách Những Câu Chuyện về Đàn Bà hôm trước mà chưa có dịp đọc. Đây là một tạp bút của Nhạc sỹ Tuấn Khanh do NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2016. Quen anh Khanh cũng đã lâu, nay mới có cơ hội đọc nguyên một tập sách.

Mỗi khi nghe nhạc, đọc bình luận hay sách báo của anh, thì tôi càng thấy tấm lòng yêu nước sắc son vô bờ bến của người nhạc sỹ với tấm lòng trung trực và nhân hậu. Ngòi bút của Tuấn Khanh hiện thân là một tiếng nói lương tri, vững chắc, lẻ loi, và trí thức mang tâm hồn Phật giáo nói riêng và cho người con Việt thao thức với đất nước nói chung. Tạp bút này cũng không ngoại lệ. Bài đầu tiên là Quyền Năng của Trí tưởng tượng, bắt đầu hai chữ “Con người”, thì anh cũng kết luận trong bài Tổ Quốc là gì? bằng hai chữ “TỔ QUỐC”. Thì rõ ràng chỉ có một con người yêu quê hương giống nòi của mình, mới suy nghĩ, nói năng, hành động và viết lách như thế. Con người – TỔ QUỐC.

Mà Tổ Quốc là gì, Đất Mẹ là gì? Xin mời quý vị đón đọc tạp bút này. Một tạp bút ngắn chỉ có 187 trang, được chia ra 3 phần.

Phần I – Những Câu Chuyện về Đàn Bà.
Mà anh đâu phải viết gì chuyên về Đàn Bà, anh kể câu chuyện bé Darrell hỏi Mẹ, “Mẹ ơi, sau biển là gì? - Người trả lời, “Là gì? Con thử tưởng tượng xem?” Không những thế, văn anh rất nhân bản, anh vẫn luôn nhắc nhở chúng ta “Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với lòng thành kính. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ.” (trang 50). Ôi nhân văn làm sao. Chắc có lẽ chúng tôi cũng mất Mẹ nên đồng cảm cùng anh.

Nghĩ về Mẹ thôi là đã hạnh phúc lắm rồi. Phần một anh kết bằng bài “Cõi của Mẹ, trong âm nhạc Phạm Duy" mà Phạm Duy là thiên tài âm nhạc rồi, người đã thổi hồn vào âm nhạc Việt Nam. Anh nhắc đến Bài hát Bà Mẹ Gio Linh và Giọt Mưa Trên Lá như nhắc đến lịch sự khắc khoải đau thương của Bà Mẹ Việt Nam để rồi khéo léo nhắc với nhau rằng “(hãy) làm sống lại những chồi dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong chúng ta. Càng xa nước, ta lại cần nguồn, cần nghĩa mẹ, như nước trong người chảy ra. Mát ngọt, trong trẻo và vô tận” (Trang 56). Vì Mẹ là mênh mông vô tận, nên chúng ta đều biết:
MẸ VẦNG TRĂNG THÁI KHÔNG
Mẹ vầng trăng sáng tỏ
Soi nẻo đường con đi
Càng ngày con càng rỏ
Tâm Mẹ luôn từ bi.

Phần II. Sài Gòn, Ngồi Nhớ Ân Cần. 
À, thì chỉ vài từ “Sài Gòn" --Hòn Ngọc Viễn Đông hay “Người Sai Gòn" thôi thì cũng đã hiểu rồi. Chữ mực cũng không cần thiết. Như nhạc sỹ Tuấn Khanh nói “Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá rơi cạnh chân mình, mới hiểu.” Xin chấm dứt đoạn này bằng một câu hỏi của anh trong bài Cafe Sài Gòn, Internet rằng, “...Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?

Phần III. Mật Mã Hạnh Phúc. 
Đúng là mật mã hạnh phúc. Vậy thì bạn chỉ phải đọc mà thôi. Ở đây, xin được kết bằng lời của anh: “Mong rằng đất nước này sẽ thôi những điều oan trái. Và lương tâm, chỉ có một lương tâm được vinh danh vì thái độ biết làm người.”

Tôi tin chắc rằng, tất cả những ai còn yêu thương tiếng Việt, hoài niệm về Sài Gòn hay trải tình cho Con người phụ nữ và Đất nước Việt Nam, sẽ tìm cuốn sách này quý giá. Cuốn sách này cũng dành cho những ai thử tìm hiểu xem, “Bối rối nhỉ? Những bài học ứng xứ đời thường; Phụ nữ Việt có tệ lắm không?; Thành phố tụi mình đã rất khô khan; Khi tâm hồn là cố máy; Người Việt mình rồi sẽ sống ra sao?; Tự do và sợ hãi, Mật mã hạnh phúc, Tổ quốc là gì? V.v…) thì hãy cố tìm đọc.

Tôi cũng tin như Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) trong bài Thề Non Nước.
“Dù như sông cạn đá mòn.
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.”

Mà lời thề đó là gì? Thì chỉ có bạn mới hiểu và biết được. Riêng tôi, nỗi niềm chung hay riêng rồi cũng qua đi. Nỗi buồn hay vui cũng thế. Đọc xong tập sách buồn vui lẫn lộn, nhưng tôi vui vì đã hiểu thêm anh, một người bạn trong văn học nghệ thuật và một pháp hữu thầm lặng. Thôi thì mượn lời của Nhà văn Vĩnh Hảo để mà trải lòng mới nhau vậy… “Niềm vui ấy sâu lắng tự bên trong. Hương vị của nó là thứ hương vị không có tên gọi hay ngôn ngữ nào của trần gian có thể diễn đạt. Tịch mịch. Cô liêu. Không thể cùng ai chia sẻ.

Chỉ có thể lẳng lặng cảm nhận, bằng sự trở về của những bước chân cẩn trọng, nhẹ nhàng trên phiến băng tâm, không lưu vết tích; bằng đường bay cô tịch của cánh chim qua chân trời hoàng hôn bảng lảng ráng hồng. Chính ở nơi cùng tuyệt hiu hắt, không một bóng người, không một âm thanh, không một ý niệm, không một cảm giác hay ý chí truy cầu khởi lên, niềm vui ấy mới ngập tràn, mênh mông, trùm khắp.”

Vậy mong bạn hãy tìm đọc sách của nhạc sỹ Tuấn Khanh nhé!

Bạch X. Phẻ

Tuesday, December 19, 2017

Thong dong khắp mọi nẻo đường | Lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Giác

THONG DONG KHẮP MỌI NẺO ĐƯỜNG
Giáo Dục – Quê Hương - Đạo Pháp – Văn Học Nghệ Thuật

BẠCH XUÂN PHẺ (TÂM THƯỜNG ĐỊNH)
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 

LỜI GIỚI THIỆU

Thong Dong Khap Moi Neo Duong Cover 2 LRS2


Tác phẩm “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường” chỉ dài khoảng 360 trang, nhưng chứa đựng rất nhiều tâm lực – đó là những suy nghĩ của tác giả Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) từ nhiều năm đứng dạy trong trường học Hoa Kỳ và nhiều thập niên hoạt động trong cương vị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Đó cũng là những chiều dài địa lý, qua những đại dương trên địa cầu, những nơi tác giả đã đi thật xa trên đường tìm học Thiền và rồi cũng đi thật xa trên đường hoằng pháp. Nói như người xưa là, cuốn sách quý độc giả đang cầm trên tay đã được viết từ người cư sĩ đã  đi mòn biết bao nhiêu đôi giày và đã ngồi mòn biết bao nhiêu bồ đoàn để thâm nhập Phật pháp, và rồi hoằng pháp.
Trong Lời Giới Thiệuchúng ta sẽ chỉ nói về tuyển tập các bài viết của Tâm Thường Định, người có lai lịch được nhà văn Trần Kiêm Đoàn kể lại trong bài "Tuổi Trẻ Đem Đạo Vào Đời" in cuối sách này. Không ai viết hay hơn cư sĩ Trần Kiêm Đoàn, khi nhìn về những chặng đường tìm học và hoạt động của tác giả Tâm Thường Định từ cương vị một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cho tới khi hoàn tất Tiến sĩ về Phật học Ứng dụng, và nhà văn họ Trần đã viết: "...hy vọng vẫn đang dấy lên khi có những tấm lòng tuổi trẻ Phật tử đượm duyên lành đem Đạo vào đời, tạo khả năng làm cho đạo Phật càng ngày càng sáng tỏ hơn..."
Nơi đây, xin mời độc giả cùng đi lướt qua nội dung sách này, trước khi lên mạng Amazon đăt mua  sách để cả nhà cùng đọc, và cũng để khuyến tấn giới trẻ.
Tác giả Tâm Thường Định chia tuyển tập "Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường" làm bốn phần: Giáo Dục, Quê Hương, Đạo Pháp, và Văn Học Nghệ Thuật.
Trong bài đầu tuyển tập, Tâm Thường Định trình bày về Thiền pháp của Dòng Thiền Trúc Lâmcụ thể là phương pháp của Hòa Thượng Thích Thanh Từ đang truyền dạy ở Thiền Viện Diệu Nhân, Bắc California, nơi tác giả Tâm Thường Định tham dự một số Thiền khóa – nơi Thiền sinh sẽ thức dậy từ 4:45AM để ngồi thiền và tu học tới 9:30PM, trong đó buổi trưa chỉ nghỉ một giờ (rất mực gian nan khi nhìn thấy thời biểu đó, nhưng sẽ cực kỳ hạnh phúc như chúng ta nhận ra qua dòng ký sự của Tâm Thường Định). Đối với các độc giả chưa biết về Dòng Thiền Trúc Lâm, bài này giúp hiểu một số cách tập căn bản về thiền phái lớn nhất tại VN này, và sẽ là căn bản để về sau sẽ tìm hiểu sâu hơn về một cội nguồn lớn của Phật giáo VN.
Trong bài thứ nhì, Tâm Thường Định nói về nhu cầu thân giáo, nghĩa là một người hoằng pháp có khi không cần dạy bằng lời nói, nhưng là dạy qua hành động thể hiện trên bản thân, và người khác sẽ dần dần nhận ra lời Phật dạy qua việc mình làm. Tác giả viết: “Mỗi người con Phật, dù là xuất gia hay tại gia, trai hay gái, già hay trẻ, trong tổ chức GĐPT hay không, đều phải học và thực hành cách chuyển hóa…” Như thế, nói theo người xưa, có thể gọi thân giáo là vô ngôn mà thông suốt.
Tới đây, một câu hỏi sẽ được tác giả chuyển sang bài kế tiếp, rằng thân giáo là cho người thân cận, nhìn thấy và nghe được. Nhưng cõi này bây giờ phần lớn là thế giới bàn phím. Tức là “thời đại @” (đọc theo kiểu VN là “thời đại a còng”). Tác giả đề nghị ra một vài phương châm khi lên thế giới ảo, dựa theo giáo lý nhà Phật. Và tuyệt vời là khi mình sống an lạc và giúp người an lạc.
Bài thứ tư trong sách này là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: 5 Cách Thực Hành Để Xoa Dịu Những Cơn Giận” – nơi đây Tâm Thường Định trình bày về cách đối trị cơn giận. Giận thì ai cũng từng nổi giận, nhưng đối trị cơn giận bằng chánh niệm đã được tác giả trình bày rất minh bạch và khả dụng. Bên cạnh đó, tác giả cũng nói về các lời khuyên y học từ cách ăn, làm việc, thể dục, nghỉ ngơi…
Bạn là giáo viên, đang dạy một lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học? Tác giả sẽ giúp bạn nhiều hơn một giáo trình sư phạm. Bài thứ năm trong sách là “Phương Pháp Thực Hành Chánh Niệm Trong Lớp Học (Mindfulness-Based Approach In The Classroom)” – là bài Tâm Thường Định (trong cương vị Tiến sĩ Phe X. Bach) thuyết trình cho ngày Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên ở California (California Teachers Summit 2015) tại Đại học CSUS ngày 31 tháng 7/ 2015, hướng dẫn gần 400 giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng của những trường học K-12 (từ mẫu giáo tới lớp 12) tại Bắc California. Tác giả đưa ra phương pháp PEACE. Bài này không chỉ có lợi cho các giáo viên, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên sử dụng với các con em, vì gia đình cũng là một lớp học phức tạp.
Thứ sáu là “Bài Thuyết Trình Cho Trại Vạn Hạnh:  Đạo Phật Và Tuổi Trẻ” nơi đây tác giả nói về Phật giáo và những người Mỹ gốc Việt dưới 40 tuổi. Độc giả sẽ đọc thấy số lượng huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, cùng với một nan đề nêu ra rằng vì sao giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ ít tới với các sinh hoạt của Phật giáo và GĐPT. Tác giả nêu ra và tìm cách trả lời câu hỏi: “Chúng ta cần/nên/phải dạy các em những gì?”
Bài thứ bảy là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Đem Chánh Niệm Và Tình Thương Vào Nhà Tù Tiểu Bang California.” Độc giả sẽ biết rằng tác giả Tâm Thường  Định trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) – nơi giam 3.300 tù nhân và là nơi người thiện nguyện được các viên chức trại giam dặn dò là, “Trong mọi trường hợp, không bao giờ chạy, vì hễ chạy là có thể bị bắn.”
Bài thứ tám là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Đi Nghe Diễn Giải Của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách” – kể lại một buổi đi nghe TS Nguyễn Tường Bách nói chuyện về Phật pháp với “hai cửa của Nghe và Nhìn. ‘Mở toang’ là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng…” Về nhà, thi sĩ Tâm Thường Định đã làm một bài thơ, với hình ảnh “Thiền môn vô trụ đi về tánh không”…
Bài kế tiếp là một kinh nghiệm đặc biệt trong đời được tác giả ghi vào “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Nghe Em Nói Muốn Tự Tử,” sau khi một nữ sinh tuổi teen tới thưa rằng em đã từng tự tử nhưng được cứu sống, và bây giờ sống với rất nhiều phiền não. Nhà văn Tâm Thường Định đã viết, “…em nhắc lại vết thương lòng của tôi, nghề giáo ở Mỹ, vì trong cuộc đời làm thầy giáo bao lâu này, đã có 3 em quyên sinh, hai em tự bắn chết và một em tự treo cổ.” Nhà văn sẽ nói gì, làm gì? Đây là bài rất nên quan tâmđối với phụ huynh và giới trẻ. Thống kê được tác giả ghi lại, cho thấy ở tuổi đại học, tự vận (quyên sinh) là nguyên nhân đứng thứ hai trong danh sách tử vong ở các trường đại học tại Hoa Kỳ.
Đối với độc giả cư ngụ ở Bắc California, muốn tìm một nơi tu họctác giả kể trong bài kế tiếp về “Trung Tâm Tu Học Phổ Trí” của Thầy Thích Từ Lực, một nhà sư thuộc thế hệ trưởng thành tại Hoa Kỳ -- đa năng, giỏi hoằng pháp và hướng dẫn tu học cho nhiều thành phần khác nhau, dù Việt hay Hoa Kỳ.
Bạn đã từng trực tiếp nghe thuyết pháp và tập Thiền từ Thiền sư Nhất Hạnh? Tâm Thường Định kể lại qua bài “Tường Thuật Khóa Tu Học  Mở Cửa Trái Tim” sau khi đưa cả gia đình dự một buổi như thế ở Lộc Uyển, San Diego.
Một khóa tu học ba ngày bằng song ngữ, trong đó riêng buổi pháp đàm thuần bằng Anh ngữ đã được tác giả ghi lại qua bài “Chút Hy Vọng Cho Tuổi Trẻ  Phật Giáo Tại Hoa Kỳ” – nơi đây tuổi trẻ nêu lên với quý Thầy về các thắc mắc thường gặp trong xã hội Hoa Kỳ, như hôn nhân đồng tính, thuyết tiến hóa, cần sa, bình đẳng nam nữ (kể cả Tăng – Ni), tiếp cận với tôn giáo khác, khi gặp bất công… Đó là những đề tài rất lớn.
Bài kế tiếp là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi TrẻTứ Tất Đàn - Một Phương Pháp Giáo Dục Trong Phật Giáo” – nơi đây tác giả ghi về bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục Đức Phật đã dạy nhằm  và "chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội."
Bạn dạy Phật pháp thế nào cho giới trẻ? Trong bài “Phương Thức Giáo Dục  Tuổi Trẻ Phật Giáo -  Hãy Gieo Ba Hạt Giống Lành,” Tâm Thường Định đề ra ba phương thức: Xây dựng (Build), Chuyển hóa(Transform), Hành động (Act). Trong bài đưa ra các thí dụ cụ thể về từng phương thức này.
Bài kế tiếp được Tâm Thường Định viết trong kinh nghiệm của một thầy giáo dạy môn hóa học, đề ra, “5 Biện Pháp Giảm Tác Hại Trong Nghề Nail” – một lĩnh vực kinh doanh đã và đang nuôi sống rất nhiều người Việt tại Hoa Kỳ. Tác giả trực tiếp gặp một số người làm nail, nói chuyện, quan sát và suy nghĩcách để giúp đồng hương.
Một bài rất đặc biệt, viết chung với Ni Sư Thích Nữ Thuần Tuệ, với đề tài “Lãnh Đạo Trong Chánh Niệm- 5 Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cho Hàng Huynh Trưởng” – tuy nói là huấn luyện huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nhưng cũng có thể áp dụng cho tất cả mọi người trong cương vị của bậc trưởng thượng, dù trong gia đình hay ngoài xã hội. Trong bài cũng dẫn ra lời dạy của Hòa Thượng Trúc Lâm.
Trong ba phần sau của tác phẩm -- Quê Hương, Đạo PhápVăn Học Nghệ Thuật – tác giả Tâm Thường Định sử dụng bút pháp có tính văn học nhiều hơn, trong đó có dịch sang Anh văn một số bài thơ của các vị tôn túc. Trong đó, tác giả viết về mẹ, về ba, về biển, về những ngày về thăm quê hương, về Ôn Già Lam, về HT Thích Thiện Trì, HT Thích Minh Đạt, về Tu Viện Kim Sơn, về Phạm Duy, Phạm ThiênThư, Trịnh Công Sơn, về Minh Đức Triều Tâm Ảnh…
Tâm Thường Định cũng đưa ra một số quan tâm về cách dịch thơ Thiền sang tiếng Anh. Trong bài “Bài Thơ Cư Trần Lạc Đạo Của Tổ Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam,” vâng lời Ni sư Thích Nữ Thuần Tuệ, tác giảđối chiếu một số cách dịch bài thơ nổi tiếng đó từ nhiều dịch giả -- trong đó có Võ Đình, Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, Nguyên Giác… -- và rồi huynh trưởng họ Bạch dịch tổng hợp, một lần thấy chưa như ý, lại dịch lần hai sang Anh văn. Giới trẻ tại Hoa Kỳ chỉ hiểu qua bản Anh văn, và do vậy, bài này là cơ duyên để độc giả trẻ đối chiếu, hiểu sâu hơn về Thiền Việt Nam.
Tương tự, trong bài khác, Tâm Thường Định dẫn ra nhiều cách dịch bài thơ Xuân Vãn của Trần Nhân Tông (Niên thiếu hà tằng liễu sắc không, Nhất xuân tâm sự bách hoa trung…) trong đó nói rằng vua khi còn trẻ, vua không hiểu lẽ sắc và không, nên khi xuân tới, tâm rộn ràng với trăm hoa. Và sau khi hiểu tột cùng, thấy mặt Chúa Xuân (Như kim khám phá Đông hoàng diện), mới chỉ đơn giản ngắm hồng rơi thôi (khán trụy hồng). Đây là lời của người đã thấu tột cùng Bát Nhã Tâm Kinh, khi Trân Nhân Tông lìa cả sắc và không để thấy tận mặt Gương Tâm Chiếu Sáng Rỗng Rang, nơi tất cả các sắc hồng của xuân đều rơi xuống (hiểu là, tất cả sắc-uẩn và phi-sắc-uẩn, của hoa nở và hoa tàn, của hoa và không-hoa đều tan vào biển tịch diệt của Niết Bàn Diệu Tâm)… Cũng là vị vua họ Trần khi dạy “hữu vô câu bất lập,” nghĩa là, có với không đều chẳng nên lập.
Danh tăng Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc VN đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận.”
Độc giả sẽ thấy rằng tác phẩm này của Tâm Thường Định nên được đọc kỹ, đọc nhiều lần -- cũng y hệt như Tâm Thường Định khi dịch sang Anh văn một số thơ Thiền, đã ghi trong sách này nhiều bản dịch khác nhau, và riêng tác giả đưa ra có khi 2 bản dịch để nêu lên minh bạch mà, có khi một bản dịch không chở hết ý. Tuyển tập này cần có trong mọi gia đình, cho mọi lứa tuổi cùng đọc, để cùng thâm cảm về Phật pháp. Cũng như cần cho tất cả các giáo viên, các huynh trưởng GĐPT, tất cả các giới trẻ. Nơi đây, Tâm Thường Định đã nỗ lực gói trọn tinh hoa suy nghĩ của anh, những kinh nghiệm trong nghề giáo và trong cương vị người dạy Thiền Chánh Niệm trong các khóa hội thảo giáo viên California,  và đã ghi xuống cả những cảm xúc về dòng suối Thiền Tông Việt Nam chảy trong lịch sử dân tộc và đang lưu truyền ra hải ngoại.
Xin trân trọng kết thúc Lời Giới Thiệu bằng mấy dòng thơ trao tặng Tâm Thường Định và tất cả quý độc giả:
Mở sách đọc từng chữ
thấy hoa bay giữa dòng
ướp thơm lời chánh ngữ
kết bè dể qua sông.

Miệt mài từng năm tháng

tu trí tuệtừ bi
khắp trời tâm gương sáng
vin chánh niệm mà đi.
NGUYÊN GIÁC



Chú thích:

Độc giả trong Việt Nam không mua trực tiếp từ Amazon được, nhưng có thể mua sách trên Amazon thông qua một trong 3 Công ty sau đây. Xin độc giả trực tiếp liên lạc và tìm hiểu quy trình cũng như giá cả trước khi tự mình quyết định có xử dụng dịch vụ nầy hay không. Thông tin nầy chỉ có tính cách tham chiếu mà thôi:


MỤC LỤC / TABLE OF CONTENTS


Thong Dong Khap Moi Neo Duong Cover 2LRS
Dedication / Thành Kính Tri Ân / Acknowledgments
Lời Giới Thiệu Sách “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường”
I. GIÁO DỤC
11. Chút Hy Vọng Cho Tuổi Trẻ  Phật Giáo Tại Hoa Kỳ

II. QUÊ HƯƠNG
9. Đời Mẹ

III. ĐẠO PHÁP
2. Đường Đi Vô Hạn,  Nhớ Lời Xưa…

IV. VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
About The Author