Viết để tưởng nhớ Mẹ và Thầy Hạnh Tuấn
Có lần chúng tôi ngắm hoa Quỳnh nở, trước vẻ đẹp thanh tao, hương thơm quyến rũ nhưng phảng
phất lẽ vô thường trong cõi phù sinh kiếp người. Chúng tôi thầm hỏi, phải
chăng sự sống bắt đầu từ lúc hoa Quỳnh nở và kết thúc khi hoa tàn? Điều đó tất
nhiên, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là: Mình đã hay đang làm được gì trong khoảng thời gian hoa nở đó?
Những năm trước, nhân đọc một bài pháp thoại, một vị Thiền
sư hỏi những người đệ tử của mình, cuộc sống dài bao lâu? Có người bảo 100 năm,
75 năm, 50 năm, 25 năm, v.v... Nhưng câu trả lời của vị Thiền sư đó là: “Cuộc sống
chỉ dài như một hơi thở”, vì nếu một hơi thở vào, mà không thở ra hoặc ngược lại, tức
khắc chúng ta từ giã cuộc đời này. Tự nhiên, khi ngắm hoa Quỳnh nở rồi tàn
trong một đêm trăng tròn Mười Sáu, chợt nhớ bài pháp thoại năm nào, tâm cảnh hữu
tình mà sáng tác một bài thơ:
Nếu cuộc sống dài như hơi thở,
Ta
làm gì giữa hơi thở trong ta?
Thật vậy, cuộc sống chỉ dài như hơi thở mà thôi. Mong
manh và vô thường. Giữa sống và chết là một khoảng thời gian quý giá. Mình làm
gì trong khoảng thời gian đó mới là điều quan trọng. Vì thế, niềm tin và thái độ
về sự chết của chúng ta có một ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của chính mình.
Có thể nói không có nỗi đau buồn nào lớn hơn khi phải chia tay vĩnh viễn với
người thân. Mặc dù chúng ta biết rất chắc chắn có sinh có tử, và thời gian của
chúng ta với cuộc đời này có hạn và không ai có thể thoát khỏi sự vô thường của
cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải trải qua những cú sốc về cái chết của người
thân của mình, nhất là Ba Mẹ. Nói như vậy để chúng ta có thể sống và hành hoạt
để chuẩn bị cho một hành trình ra đi vĩnh cữu của chính mình.
Những câu hỏi như con người từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu? Khi chết chúng ta
để lại những gì? Thực ra trong quá trình tìm kiếm những giải đáp cho những câu
hỏi này, Phật giáo ra đời. Đạo Phật dạy chúng ta không nên thờ ơ với cái chết, chúng
ta nên đối diện với chính nó khi những cánh cửa sanh lão bệnh tử từ từ mở
ra. Phải chăng văn hóa đương đại là cố gắng tránh né hoặc từ chối nhìn thẳng
vào cái chết của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta có được nhận thức đúng đắn
về sự ra đi vĩnh cữu, chúng ta buộc phải xem xét cuộc sống của chúng ta và tìm
cách sống cho nó có ý nghĩa và lợi lạc hơn. Sự trở về với cát bụi làm cho
chúng ta trân quý cuộc sống này; nó có thể đánh thức chúng ta sống tử tế hơn
trong từng giây từng phút.
Theo quan điểm Phật giáo, sự sống và cái chết là hai giai đoạn của một sự liên
tục. Cuộc sống không phải bắt đầu từ lúc chúng ta sinh ra hoặc kết thúc vào khi
nhắm mắt. Tất cả mọi thứ trong hoàn vũ - từ sinh vật nhỏ bé vô hình trong không
khí (vô sắc giới) mà chúng ta đang hít thở cho đến vòng xoáy của những dải ngân
hà - đều đi qua các giai đoạn thành trụ hoại không. Cuộc sống cá nhân của chúng
ta có chăng là một phần tử của nhịp điệu hoà hợp trong vũ trụ bao la này. Cuộc
sống và mọi thứ trong vũ trụ lệ thuộc nhau, tương quan tương ái. Tất cả như một
dòng chảy nó không có khởi đầu và không có kết thúc.
Thuở ban đầu, giáo lý Phật giáo cho rằng quá trình sinh-tử là một thực trạng
không thể tránh khỏi và chúng ta có thể thoát khỏi thực trạng khổ đau này.
Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhận thức rằng sự ham muốn cho cuộc sống này được
tái diễn đã buộc chúng ta luôn ở trong vòng sanh tử luân hồi. Nhưng nếu chúng
ta loại bỏ được sự ham muốn (ly ái – diệt tham luyến ái), chúng ta có thể cắt đứt
các nguồn năng lượng của nghiệp lực đã đưa ta vào vòng xoáy của sinh-tử. Hay
nói một cách khác, chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến cảnh giới
Niết bàn là mục đích tối hậu của giáo lý Phật Đà. Ngày nay, có những truyền thống
Phật giáo cũng cho rằng cuộc sống là một chu kỳ của khổ đau và từ đó chúng ta
có thể giải thoát.
Tuy nhiên, trong kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) đã chiếu sáng một tư duy hoàn toàn
mới mẻ mang tính cách mạng cho con người, đó là khẳng định mục đích sâu
sắc trong cuộc sống của chúng ta trên thế giới này. Đức Phật Thích Ca nhấn mạnh
rằng "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", và bản chất thiết yếu
trong cuộc đời này, chúng ta có thể sống và trang trải tất cả những phẩm chất
và hạnh nguyện của một vị Phật đang hiện hữu. Khi chúng ta tỉnh ngộ với sự thật
là Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, con người sẽ khám phá ý nghĩa cơ bản
quan trong về mục đích, và cuộc sống mang một chất lượng hoàn toàn khác nhau, lạc
quan, an vui và vô giá.
Vậy, Phật tánh là gì và làm thế nào chúng ta làm sống lại? Về bản chất, Phật
tánh là khả năng trở thành Phật, là sự thúc đẩy vốn có trong cuộc sống để giảm
bớt đau khổ và mang lại hạnh phúc cho người khác. Nó được cô đọng trong kinh
Pháp Hoa bằng tuyên bố: "Một là tất cả, tất cả là một”.
Từ quan điểm giác ngộ của Đức từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chúng ta có đầy đủ nhân
duyên, sinh vào thế giới này. Chúng ta phải quyết tâm đánh thức Phật tính của
mình và của người khác (Tự độ, độ tha). Chúng ta hãy tự giác, giác tha,
rồi mới đến giác hạnh viên mãn. Khi chúng ta tỉnh táo với mục đích này,
các nguyên nhân và tác động trong cuộc sống của mình trở thành những đức tính của
Phật. Tất cả những hoàn cảnh, kinh nghiệm trong cuộc sống, từ những khổ
đau tột cùng đến hạnh phúc viên dung đều là phương tiện để chúng ta chứng minh
sức mạnh của Phật tánh và tìm về với bến giác. Vì tánh bình đẳng của Phật tánh,
nên chúng ta sẽ sống tử tế hơn, tôn trọng nhau hơn và tìm cách làm dịu những
cơn đau và làm tăng thêm hạnh phúc cho mình, cho người và cho mọi loài.
Nói tóm lại, việc sanh tử là trọng đại, chúng ta sống để chuẩn bị cho cái chết.
Ai có sự chứng nghiệm thì mới hiểu. Tháng trước Mẹ của mình vẫn còn tỉnh táo và
minh mẫn. Thế rồi bị bệnh cảm, chuyển sang viêm phổi, tuổi già sức yếu, Mẹ đã
thanh thản ra đi chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Chiều nay, nghe tin Thầy Hạnh Tuấn
thâu thần thị tịch, lòng băn khoăn, day dứt. Nỗi buồn này chồng chất nỗi buồn
khác. Qua những chứng kiến hoặc trải nghiệm về sinh lão bệnh tử, chúng ta trở
nên ý thức hơn về phẩm chất và giá trị của cuộc sống, chúng ta có lẽ sẽ dễ dàng
thông cảm với những đau khổ của kẻ khác và làm cuộc sống này ngày càng có ý
nghĩa.
Sống và chết. Đến và đi. Có chăng chỉ
là lý thuyết và niềm tin. Điều quan trọng là chúng ta có lối sống, nhận thức và
biết trân quý giá trị của cuộc đời này. Xin hãy nhớ và quán chiếu, Ta đang làm
gì trong khoảng thời gian chúng ta hiện hữu trong cõi đời này. Xin hãy làm lợi
mình, lợi người, trong hiện tại và luôn cả tương lai. Xin hãy bắt đầu bạn nhé.
Cuối cùng xin chia sẻ hai bài thơ mới viết, một để tưởng
niệm Mẹ, bài kia để tưởng niệm Giác linh Thầy Hạnh Tuấn để kết thúc bài viết Bài Học về Sự Sống và Cái Chết
MẸ - TÌNH THƯƠNG BAN ĐẦU
Ngày Mẹ mất, tiếng Nam mô vang vọng
Mẹ đến đi tự tại thong dong.
Mẹ hiện thân của cõi vô song.
Con nối tiếp, nguyện sống đời tao nhã.
THẦY - CÂY TRÚC
VÀNG
Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn
Ngày Thầy mất, vía Quán Âm Bồ Tát
Hiện thân Thầy cũng Bồ Tát Quán Âm
Thầy lắng nghe đời vô thường đau khổ
Đem Từ bi, Trí tuệ gieo bốn phương
Thầy - sống vị tha hoá độ khôn lường
Nay xả bỏ báo thân về Cõi Tịnh
Thầy - Hoàng trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Tâm Thường Định
Sacramento, tuần thứ 5 cúng Mẹ.
No comments:
Post a Comment