Monday, February 28, 2022

Tricycle | Tâm Quảng Nhuận dịch Việt: Các nhà lãnh đạo Phật giáo bày tỏ thái độ về khủng hoảng ở Ukraine

 

Cộng Đồng Phật Giáo và Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng góp lời cầu nguyện cho hòa bình và chia sẻ khả năng phục hồi.

Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tiếp tục diễn ra, các nhà lãnh đạo Phật giáo trên khắp thế giới đã  và đang góp lời cầu nguyện cho hòa bình và đưa ra thông điệp ủng hộ người dân Ukraine. Đó cũng là thái độ của những người đang chứng kiến ở mọi nơi xa xôi, dù cảm thấy bất lực nhưng mong muốn được bày tỏ. Hiện chưa có con số thương vong chính xác, nhưng các báo cáo ban đầu ước tính cho đến nay đã có trên 230 người chết và hơn 525 thường dân bị thương. Mặc dù báo cáo của Nga và Ukraine về số người chết và bị thương trong quân đội khác nhau, nhưng con số lên tới hàng trăm cho đến hàng nghìn. Vào ngày 2 tháng 3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn báo cáo rằng một triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine. Các phản hồi từ các giới chức thuộc tổ chức Phật giáo bao gồm những tuyên bố chính thức trước công chúng cho đến những lời cầu nguyện chân thành trên phương tiện truyền thông xã hội.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 28 tháng 2, trong đó ông gọi chiến tranh là “lỗi thời” và nói rằng bất bạo động là con đường phía trước.

Thế giới của chúng ta đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau đến mức xung đột bạo lực giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Chiến tranh đã lỗi thời – bất bạo động là giải pháp duy nhất. Chúng ta cần phát triển ý thức về tính hợp nhất của nhân loại bằng cách xem những người khác là anh chị em. Đây là cách chúng ta sẽ xây dựng một thế giới hòa bình hơn.

Vào ngày 2 tháng 3, Tổ chức Phật giáo Tzu Chi, một tổ chức nhân đạo toàn cầu có trụ sở tại Đài Loan, đã bắt đầu gây quỹ cho những người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi đất nước của họ đến Ba Lan. Một vài ngày trước, người sáng lập tổ chức này là Ni Sư Cheng Yen đã lên tiếng bày tỏ mối lo lắng của mình đối với những người buộc phải rời khỏi quê hương của họ:

Nhìn họ chạy trốn — một số cõng trẻ nhỏ trên lưng, ôm chúng trên tay, những đứa lớn hơn ôm những đứa trẻ nhỏ hơn — đông đảo gia đình đang chạy trốn trong đám đông. Chúng tôi không biết điểm đến của họ là gì.

Các thầy pháp tại trụ sở chính của tổ chức hiện cũng đang tụng một phần của Kinh Pháp Hoa được gọi là “Phổ Môn”, được cho là mang lại hòa bình và bảo vệ. Tìm thêm thông tin, bao gồm cả cách bạn có thể hỗ trợ các nỗ lực của tổ chức, tại đây.

Roshi Joan Halifax đã viết trên Lion’s Roar rằng bằng cách nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, chúng ta sẽ cảm động để hành động một cách nhân ái.

Chúng ta có thể nuôi dưỡng hòa bình bằng cách biến đổi cuộc sống của chính mình. Đồng thời, chúng ta phải tích cực hoạt động vì bất bạo động đối với tất cả mọi người và đối thoại sâu sắc và chân chính, tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt và đa dạng. Và chúng ta phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng phần nào là phần của chúng ta và phần của đất nước chúng ta trong việc nuôi dưỡng ngọn lửa hận thù và bạo lực?

Trong một email, thiền sư Oren Jay Sofer cũng nhắc nhở về sự liên kết giữa chúng ta và tham gia cứu khổ là một biểu hiện của lòng từ bi. Tuy nhiên, “làm thế nào chúng ta có thể sử dụng năng lượng của mình một cách khôn ngoan để phát triển nguồn lực nội tâm khi cần thiết? Vị thiền sư này sẽ thuyết pháp vào Chủ nhật tuần này với tựa đề ‘Trau dồi năng lượng khôn ngoan’”.

Cũng trên Lion’s Roar, Trudy Goodman nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của trí tuệ và sự hòa giải của Phật giáo vào những lúc như thế này.

Thực hành để trau dồi chánh niệm và lòng từ bi giúp mở ra một khung cảnh của một quan điểm cá nhân đến một không gian rộng lớn an lạc và hạnh phúc, một không gian mà tất cả những mặt đối lập có thể yên lắng trong vòng tay dịu dàng vô hạn của một trái tim rộng mở. Học cách hiện diện với tất cả – từ nỗi kinh hoàng của sự căm ghét đến sự ngạc nhiên của vẻ đẹp – là một sự nhẹ nhõm vô tận.

Jetsunma Tenzin Palmo, vị sáng lập Ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Himachal Pradesh, bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ đối với người dân Ukraine đồng thời kêu gọi trách nhiệm của thế giới nói chung là giúp người dân Ukraine có thêm sức mạnh.

Nỗi thống khổ của con người là ngoài sức tưởng tượng! Tuy nhiên, đau khổ đi kèm với sức mạnh. Tôi mong rằng mọi người dựa vào lòng tốt bẩm sinh của mình để có thể giúp đỡ lẫn nhau và đoàn kết với nhau trong hoàn cảnh rất khó khăn này…. Đây là lúc để thể hiện sức mạnh nội tại, không chỉ với tư cách là một thành viên của một tôn giáo hay một dân tộc, mà [để] thể hiện sự đoàn kết của bạn với tư cách là một con người.

Tôn giáo vì Hòa bình, một mạng lưới độc giả tôn giáo toàn cầu, đã gióng lên lời cầu nguyện, đồng thời đưa ra một tuyên bố cho cả công dân Ukraine cũng như Nga, qua đó bác bỏ bạo lực trong bất kỳ lý do nào.

Chúng tôi cầu nguyện cho các công dân của Ukraine và Nga, những người không do lỗi của họ giờ đây sẽ phải chịu đựng cả về tinh thần và vật chất trong nhiều thập kỷ tới. Bạo lực sinh ra bạo lực và họ sẽ cần nhiều hỗ trợ để hồi phục sau nỗi sợ hãi, bất an, cay đắng và tổn thương chắc chắn xảy ra sau xung đột bạo lực.

Trong một tuyên bố ngày 28 tháng 2, Minoru Harada, chủ tịch của Soka Gakkai, kêu gọi ngừng ngay lập tức mọi bạo lực, nói rằng:

Tôi hy vọng tất cả các nước liên quan sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình hình tồi tệ hơn. Là một Phật tử, cùng với các thành viên Soka Gakkai trên khắp thế giới, tôi tha thiết cầu nguyện cho cuộc xung đột kết thúc nhanh nhất để trở lại hòa bình và an toàn cho tất cả mọi người.

Giờ đây, các Phật tử cũng như những người không theo đạo Phật đang quán niệm và chia sẻ trí tuệ của nhà hoạt động hòa bình Thích Nhất Hạnh, người mới qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm nay. Và Tăng Đoàn Làng Mai gần đây đã chia sẻ những điều sau trên Twitter:

Với thái độ sống hàng ngày của mình, chúng ta đóng góp cho hòa bình hoặc chiến tranh. Chánh niệm có thể cho ta biết rằng mình đang đi theo hướng chiến tranh và cũng chính năng lượng của chánh niệm có thể giúp ta đi theo hướng hòa bình. – Thích Nhất Hạnh


No comments:

Post a Comment