Wednesday, April 21, 2021

Quảng Pháp: 70 Năm, từ Danh Xưng “Gia Đình Phật Tử” đến Danh Xưng “GĐPT Việt Nam trên Thế Giới”

 

Niên Trưởng Nguyên Tín Nguyễn Châu

Lời thưa: Tôi đặt tay gõ xuống những dòng chữ này, đầu tiên nghĩ tới người đọc, là Niên trưởng Nguyên Tín Nguyễn Châu. Tôi mong những điều trình bày ở đây, Anh đọc được, cách gì, mà không phải qua bất kỳ một trung gian nào khác. Tôi không biết anh còn nhớ đứa trẻ năm nào, đã từng ngồi cạnh Anh ở tư thất thuộc thành phố Northridge, California. Buổi đó anh đã ân cần nhắn nhủ: “Anh rất trông cậy vào thế hệ tuổi trẻ các em…”. Tất nhiên, đó là lời huấn từ không phải cho riêng tôi, mà cho một thế hệ, và nhiều thế hệ tiếp nối. Thêm nữa, chiếc nón Tứ Ân màu xanh dương anh đang đội bây giờ, cũng là của đứa trẻ năm đó kính tặng Anh ở Trung Tâm Tu Học Thích Quảng Đức, San Bernardino… Ngần ấy nhân duyên, kỷ niệm tha thiết, đủ để tôi không ngần ngại bộc bạch bao điều ấp ủ đã lâu, trước sau cho, vì một Đức tin-Lý tưởng chưa bao giờ mai một, dù thời gian bao thế hệ các Anh-Chị tiếp nối đi qua, hút sâu vào lòng sinh tử. Càng ngày tôi càng thấm thía, Tình Lam không phải là mỹ từ mượn để thao túng mọi hoạt động của tổ chức, Bi-Trí-Dũng không phải là khẩu hiệu để tụng ca, mà để Sống! Thế hệ các Anh-Chị, là ngọn hải đăng, nhưng thế hệ các em tiếp nối đi tới mới là người thắp sáng và giữ cho ngọn hải đăng được miên tục sáng mãi. Tinh Tấn, trước hết là con đường, chúng ta tiếp bước không phải chỉ nhắm đến đích để dừng lại. Đó phải chăng là lời huấn thị sâu sắc, sinh động Anh đã trao truyền. Làm sao để chúng ta thấy được ở đó là thế giới rộng mở, ảnh chiếu từ ánh sáng của một que diêm nhỏ nhoi, từ trong bóng đêm, niềm kỳ vọng tiếp sáng mãi mãi…

 

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
– Nguyễn Du

Những ngày qua, trên các kênh truyền thông cộng đồng, đặc biệt nhất là Facebook, một diễn đàn mở, ta thấy nhiều biểu tượng “Kỷ niệm 70 năm, danh xưng ‘Gia Đình Phật Tử’”, tính từ thời điểm 1951 nhân Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ.

Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận dấu mốc này được xem là Đại Hội GĐPT Việt Nam đầu tiên. Đến nay danh xưng GĐPTVN không còn khu trú một vùng miền, mà vượt ra phạm vi một quốc gia để có mặt tại nhiều quốc gia, châu lục, trở thành một tổ chức tầm quốc tế.

Cần có nhiều nghiên cứu chuyên đề và sâu rộng về tính lịch sử phát triển của phong trào từ trong nước ra đến hải ngoại, kết thành một thực thể lớn rộng về mặt địa lý của tổ chức hôm nay, nhưng không phải bám víu trên nền tảng của những danh xưng điển hình là hải ngoại hay thế giới. Sự phát triển phải được nhìn thấy cụ thể trong những thành tựu đạt tầm thời đại và thiết thực ở mỗi giai đoạn biến thiên xã hội, từng nơi.

Đại dịch Covid-19 tạo ra bao sự xáo trộn bất an, nhưng đồng thời giúp cho ta những bài học thực tiễn giá trị, khi nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, và có cơ may định hướng vào tương lai. Từ điểm đứng của phong trào có danh xưng tầm thế giới… v.v, thực chất chúng ta đã và đang phát triển-ổn định và đến đâu? Đã có những chuẩn bị như thế nào trong toàn cảnh thế giới đầy giao động, trên mọi mặt đời sống? Hiện tại chỉ là những liệu pháp tạm thời, chiến thuật mà chưa chiến lược? Trong khi vai trò của các Ban Hướng Dẫn xây dựng ngày càng lên cao, càng mở rộng không gian, thì tự đã và đang gánh lấy trọng nhiệm trước tập thể để có những phương án, hoạt động đúng tầm, đúng với danh xưng của mình.

70 Năm Danh Xưng GĐPT, bên cạnh niềm hãnh diện có quyền có của tập thể anh chị em lam viên khắp nơi nơi. Vẫn đâu đó còn bao nỗi chạnh lòng!

*

Sáng nay tôi có hứa với Niên Trưởng Quảng Quý khi anh gọi lại thăm hỏi, rồi dặn thêm mấy điều. Theo sự hướng dẫn của anh, những gợi ý thiết thực là trước mắt là cần tỉnh táo nhìn lại quá trình “sinh hoạt online” của tổ chức mình trong thời gian dịch cúm vừa qua, cần định lượng một cách nghiêm túc thành quả để chuẩn bị những giải pháp hữu hiệu nếu tình trạng này hoặc tương tự kéo dài, rồi cả những bước chuẩn bị hậu Covid nhằm duy trì phát triển của tổ chức để không vấp phải những hậu quả giật lùi lại những ngày đầu xây dựng.

Tất nhiên, công việc đầu tiên tôi nghĩ tới là cần phải làm là “research”. Cái này Thủ Khoa Vạn Hạnh Nguyên Túc Nguyễn Sung, thường hay góp ý với tôi trước khi có ý định đưa ra mọi dự án, kế hoạch nào. Bởi thiếu công đoạn và bộ phận nhân sự làm công việc “nghiên cứu-phân tích-chọn lựa” khách quan để đặt nền tảng thì các đề cương hoạt động ngắn, dài, dù được xây dựng vĩ đại đến đâu cũng chỉ là hào nhoáng. Bấy giờ danh xưng không khác gì một thương hiệu đang được đem ra quảng cáo nhưng người giới thiệu không biết rõ nó là cái gì.

2004, khi chị Tâm Minh Vương Thúy Nga được đại hội công cử chức vụ Phó Trưởng Ban Nghiên Cứu-Huấn Luyện, có đề nghị tôi giữ vai trò Tu Thư thuộc khối của Chị. Tôi đã nhận, và liền sau đó có thưa với chị nếu muốn “san định chương trình tu học”, hay “tu chính Nội Quy-Quy Chế”, hoặc làm gì đi nữa, với tình huống đã tập thành thói quen tiêu cực qua nhiều đại hội một thái độ chung chung là “ủy nhiệm cho tân ban Hướng Dẫn”, thì bước đầu chị phải có những nhân sự am tường việc. Nếu chưa có thì tổ chức đào tạo và thỉnh tuyển một bộ phận chuyên môn như vậy, tôi nhấn mạnh hai từ “chuyên môn”, nếu không sẽ không định hướng và giẫm chân tại chỗ như nhiều nhiệm kỳ của nhiều thập niên qua. Nhất định không thể bám vào Quy Chế Cấp Bậc để xây dựng nhân sự phụ trách những lãnh vực chuyên môn văn hóa-giáo dục, càng không thể dựa trên tiêu chuẩn của những trại huấn luyện Lộc Uyển-A Dục-Huyền Trang-Vạn Hạnh và những bậc học Kiên-Trì-Định-Lực vốn từ lâu bị cắt xén, hạ thấp dần theo thị hiếu của huấn luyện viên trưởng, của trại sinh, học viên huynh trưởng, nhất là khoảng cách ngôn ngữ của các thế hệ 1, 1.5 và 2… càng ngày càng xa. Ngôn ngữ bấy giờ là một mệnh đề lớn, nhưng lại là yếu tố quan trọng để mở ra cánh cửa cải tiến tổ chức trong xã hội mới, giai đoạn mới. Cũng từ điểm này, vai trò sứ mạng của “mỗi đơn vị GĐPT là một trung tâm Việt Ngữ”, chỉ là bộ môn thuần dạy Việt ngữ thôi mà chưa nói đến phạm trù to lớn là “gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc” vô hình trung là nhu cầu, một bộ môn phát sinh ở hải ngoại đóng vai trò hết sức quan trọng, thì đến nay cũng phải cần phải nghiêm túc nhìn lại, chứ không chỉ dựa vào danh xưng hay khẩu hiệu sáo rỗng. Tuy nhiên, có vẻ buổi ấy chị Tâm Minh chỉ thích “làm theo kiểu của chị”, như cách mà anh Tâm Kiểm nói trực tiếp với tôi trong một vài phật sự, tiêu biểu: “ Tr. trả lại cho chị Tâm Minh, để chị làm theo kiểu của chị đi…”. Nhắc lại lời này, không nhằm phê phán cá nhân. Nhưng nó phản ánh tư duy lãnh đạo, vì có thật một thực trạng là chúng ta thường đưa ra những danh xưng rất lớn, những dự án lớn, nhưng thu về trong quyền hạn chỉ cho một vài cá nhân, hay một cá nhân, mà hậu quả ảnh hưởng lên cả một tập thể, khôn lường.

Một vài tháng trước đây, Niên Trưởng Nguyên Hòa Phạm Phước Thuận từ trời Âu cũng có hướng dẫn tôi thử tìm hiểu kỹ hơn về những đoàn thể thanh thiếu niên thế giới nói chung, và Phật Giáo nói riêng, các tổ chức đã có vị thế lịch sử trên trường thế giới. Tất nhiên một trong những phong trào điển hình, như Hướng Đạo, là mô hình mà ta thường hay nghĩ tới đầu tiên. Và trong lịch sử thành lập và phát triển của GĐPT Việt Nam, không thiếu những nhân tố xuất thân từ Hướng Đạo. Vì vậy, tôi chọn tham khảo về phong trào này, nhằm giới thiệu với anh chị em lam viên những mục chú mà có thể, theo tôi thu hóa làm kinh nghiệm cho GĐPTVN, nhất là GĐPT tại Hoa Kỳ, hay GĐPT hải ngoại. Thu-hóa là nghệ thuật, trình độ, bản lãnh và luôn luôn là một thái độ khôn ngoan của người hướng dẫn lẫn của từng anh chị em chúng ta chứ không của riêng ai. Sự phát triển một cách ổn định của tập thể có tính hỗ tương và tác động giữa các nhân tố cá biệt cùng quây quần trong một cộng đồng.

Nhiều và nhiều lắm, khi cất công đi tìm những dữ liệu như vậy, tôi thật sự thấy mình đang đứng ở đâu dưới vòm trời này, 70 năm không phải là thời gian để hời hợt hãnh tiến mình là Thế Giới. Dù với tôi, đoạn trường đó là cả một sự thiêng liêng của Tổ Chức và những Người Áo Lam.

Trở lại, qua gợi ý của quý trưởng niên, tôi không dám tham lam, hồ đồ tự gánh vác một mình khi  hoàn cảnh bản thân đức mỏng tài mọn. Tôi vẫn thầm ước ao những anh chị trưởng không để “khái niệm dị biệt” rầy rà, chi phối. Mỗi tiếng nói cất lên giữa cõi lòng thương lo cho tổ chức và đàn em luôn là điều mà những ai còn ưu tư đến tiền đồ của Đạo, mầm non Đạo Pháp, tự sẽ tiếp nhận và lưu nhuận-nhuận hóa cái đẹp trong từng anh-chị-em để chan hòa mở rộng khắp muôn phương, góp thành vẻ đẹp chung cho phong trào ở những ngày vui mới.

Tôi sẽ cố gắng, tiếp theo những bài giới thiệu tổng quan về các sinh hoạt phong trào thanh niên thế giới trước đây như đã có trên trang nhà Sen Trắng, kỳ này cụ thể và gần với ý tưởng của trưởng niên Quảng Quý hướng dẫn đề tài, xin giới thiệu đến quý anh chị các thông tin về nội dung, phương pháp “sinh hoạt online” của tổ chức Hướng Đạo. Mà khi thời cuộc bắt buộc thay đổi, đã chuẩn bị và đáp ứng kịp thời như thế nào? Tất nhiên có nhiều điều sẽ khập khiễng khi so sánh hai tổ chức có những bối cảnh lịch sử tác động chung quanh nội lẫn ngoài tại khác nhau. Nhưng ở đây chúng ta không cần làm công việc so sánh, mà là thu-hóa. Qua đó, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì của mô hình hoạt động như thế, từ phương pháp tổ chức, quản trị cho từng đề mục, cho đến việc định lượng thành quả một cách khoa học và khách quan sau cùng? Đồng thời có những định hướng trên toàn bộ nền tảng xây dựng và phát triển phong trào mang tầm thế giới của anh-chị-em chúng ta, từ thời điểm ta thành thiết nhìn lại này hay không?

Coronavirus & Scouting Activities
Scouting-at-Home Ideas
Digital Safety & Online Scouting Activities

 

Ở những bài tham khảo kế tiếp, chúng tôi sẽ lần lược tìm tòi để trình bày cùng anh-chị-em những điểm ưu, và khuyết ảnh hưởng trực tiếp qua việc áp dụng sinh hoạt online đối với GĐPT; những ý tưởng chuẩn bị cho thời hậu covid để rút ngắn khoảng cách hụt hẫng nếu có của tổ chức chúng ta.

Cuối cùng, nhắc đến cột mốc lịch sử 1951, bảy mươi năm thống nhất danh xưng GĐPT. Nhưng trong lòng GĐPTVN hôm nay, chúng ta có bao giờ tự hỏi, có bao nhiêu “GĐPTVN”, trên cả hai nghĩa thông thường?!

Với tôi, đoạn trường đó là cả một sự thiêng liêng của Tổ Chức và những Người Áo Lam, dù hiện tiền hay đã khuất.

Hiện tiền thì chúng ta có thể biết mình đang nghĩ gì và làm gì, nhưng cõi khuất thì tôi không biết các bậc tiền bối hữu công quá cố đang nghĩ gì, khi nhìn những việc của chúng ta đang làm.

Chúng ta có quyền hãnh tiến, nhưng không nên ngủ say. Về việc ngủ say, tôi xin được tâm tình thẳng thắn trong những dịp tới, xuyên qua những kỳ đại hội Thế Giới, Hải Ngoại ở Thái Lan và Ấn Độ, qua những chuyến đi tưởng chừng “ra thế giới” của nhiều trưởng niên từ quốc nội có điều kiện du lịch nước ngoài. Vì vậy choáng, với lịch sử hôm qua hay với thời cuộc hiện tại đều là một trạng thái mơ hồ. Tôi nhớ trong biên khảo lịch sử GĐPT Việt Nam, cố Huynh trưởng Nguyên Thành Lê Văn Hoàng đã đưa ra nhận xét, một trong những yếu tố quyết định thành công của thế hệ khai sáng phong trào GĐPTVN, đi giữa nhiều khuynh hướng trong xã hội bấy giờ, mà có những khuynh hướng xung đột dữ dội, đó là nhờ ở đặc tính Anh-Chị của chúng ta luôn “tỉnh táo” trước mọi thời cuộc.

Tất nhiên, đứng trước những giao động mang tính tồn-vong, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm bản lãnh để tỉnh táo. Đây lại là phạm trù cần nghiên cứu, rút tỉa trên nền tảng lịch sử chứ không phải nói khơi khơi, nói để vuốt ve, an ủi nhau.

Vấn đề, lịch sử cũng có nhiều dị bản, ta trượt dài và đã gây ra biết bao sự dị biệt khác!!!

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát!

Mặc cốc, 21 tháng Tư, 2021
Quảng Pháp Trần Minh Triết

No comments:

Post a Comment